Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Trương Đức Hoàng - BÊN LỂ WORLD CUP

08 Tháng Bảy 20146:15 CH(Xem: 12834)
Trương Đức Hoàng - BÊN LỂ WORLD CUP
0-WC2014

BÊN LỀ WORLD CUP 2014

Giống như những lần tranh giải trước đây, World Cup 2014 cũng vào tháng 6 và giữa mùa đông xứ Úc. Dù lạnh thấu xương nhưng dân ghiền (xem) đá banh sẵn sàng thức trắng đêm để chiến đấu suốt 64 trận. Bà con ở đây chuẩn bị chẳng khác các "Caporigime" (thủ lãnh mỗi cánh quân trong tiểu thuyết "God Father" hay "Al Capone", do hai tác giả Ngọc Thứ Lang và Trường Sơn Lê Xuân Nhị dịch) cho đàn em...trãi nệm, dàn quân khi có chiến tranh giữa các ông lớn!

Từ ngày khai mạc đến nay, tín đồ Túc cầu giáo khắp năm châu liên tục...lên cơn sốt vì những diễn tiến quá bất ngờ ?! Đâu có ai nghĩ đương kim vô địch Tây Ban Nha "phơi áo" quá dễ dàng và mấy "đại gia" như Ý, Anh, Bồ Đào Nha...lần lượt rủ nhau ngồi chơi xơi nước (vì xui xẻo nằm các nhóm tử thần B, D và G). Ngược lại, đội banh "cò con" như Costa Rica lại làm nên lịch sử, thắng 2 và huề 1 (7 điểm) ở vòng bảng!

Trong vòng 16 còn lại các đội: Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Hoà Lan, Hy Lạp (Âu châu), Ba Tây, Á Căn Đình, Chile, Uruguay, Colombia (Nam Mỹ), Algeria, Nigeria (Phi châu) và Mễ Tây Cơ, Mỹ, Costa Rica (Trung Mỹ). Trong đó, đội tuyển Hy Lạp hơi yếu và vào được vòng trong vì...ăn may, được hưởng trái phạt đền gây nhiều tranh cãi ở vài phút cuối trận đấu. So về thực lực, làng cầu Nam Mỹ cho thấy sức mạnh vượt trội của mình (có 5 trong 6 đội dự giải lọt vào vòng trong).

Từ 2 giờ sáng Chủ nhật (29/6), các trận tranh bát kết đã diễn ra đầy kịch tính như dưới đây:

1/ Ba Tây - Chí Lợi (Chile):

Dù đá trên chân nhưng Ba Tây...thoát chết trong "đường tơ kẻ tóc". Nếu vào giây cuối, cầu thủ vào thay người Pinilla sút trái banh dội xà ngang thấp xuống chừng nửa tấc, có lẽ cả nước chủ nhà đã rủ cờ tang! Ngoài ra, nếu...trái banh do cầu thủ Chí Lợi cuối cùng đá dội ra (trong loạt đấu súng 5 phát luân lưu) nằm phía trong cột dọc khoảng vài phân, chưa chắc họ phải đau đớn về nước sớm!

2/ Colombia - Điểu Hà (Uruguay):

Hai đội banh Nam Mỹ đều có chiến thuật thiên về tấn công, đặc biệt tả và hữu vệ của Colombia có khuynh hướng dâng lên khá cao để châm banh, tạo thêm áp lực trên hàng thủ của đối phương. Kết quả đội Uruguay (vắng bóng tiền đạo Luis Suarez) đành thúc thủ với tỉ số 2-0 và ngậm ngùi về nước dù đã cật lực thi đấu.

3/ Hoà Lan - Mễ Tây Cơ:

Bị dẫn trước 1-0, tiền vệ Wesley Sneijder mới gỡ huề cho Hòa Lan ở phút 88. Đến phút 91, hậu vệ (thủ quân) Marquez chêm giò tiền đạo Arjen Robben trong vòng cấm địa. Tiền đạo Huntelaar (vào thay Van Persie) đá trái phạt đền tung lưới và đội Mễ thua tức tưởi!

4/ Hy Lạp - Costa Rita:

Với 1 cầu thủ bị phạt thẻ đỏ, Costa vẫn dẫn trước 1-0. Đến phút 91, Hy Lạp gỡ huề nhưng phải sút phạt 5 trái luân lưu sau 2 hiệp phụ. Kết quả Costa Rica (hầu hết các cầu thủ gần kiệt sức) thắng 5-4 nhờ công cản phá tuyệt chiêu của thủ môn Keylor Navas.

5/ Pháp - Nigeria:

Những con "đại bàng xanh" của đội Nigeria đã chứng tỏ bản lãnh "ăn miếng trả miếng" với Á Căn Đình trong trận cuối (dù thua 3-2) ở vòng loại. Một lần nữa, họ gây khó khăn không ít cho đội Pháp (được đánh giá ở kèo trên) trong suốt hiệp đầu. Đặc biệt thủ môn Enyeama rất xuất sắc, tả xung hữu đột cản phá hàng loạt những cú sút sấm sét của "Les Bleus". Tuy nhiên, sau cú phạt góc từ bên cánh trái vào phút 79, anh nhảy lên nhưng chỉ chạm nhẹ bàn tay vào banh để tiền vệ Paul Pogba đội đầu tung lưới dễ dàng trước khung thành bỏ ngõ. Ở phút 90+2, một tiền vệ của Pháp từ bên phải tạt banh chạm chân thủ quân Yobo rồi xẹt vào lưới trước ánh mắt ngỡ ngàng của thủ môn nhà. Pháp vào vòng trong với tỉ số 2-0.

6/ Đức - Algeria:

Hai đội này đúng là "kỳ phùng địch thủ", mỗi bên cứ lần lượt tấn công, phòng thủ rồi lấy banh phản công nhưng suốt hai hiệp chính chỉ huề nhau với tỉ số 0-0. Trong hai hiệp phụ, Đức dẫn trước 2-0 nhờ công của tiền đạo Schurrle và tiền vệ Mezut Ozil. Algeria gỡ 1 bàn ở phút 120+1, nói lên ý chí thi đấu quyết tử khiến mọi người đều thán phục!

7/ Á Căn Đình - Thụy Sĩ:

Trận đấu này đã làm khán giả...mướt mồ hôi theo từng cầu thủ! Tưởng đâu đôi bên sẽ kết thúc bằng những loạt đấu súng, sút phạt 5 trái luân lưu, ai ngờ "con bài chủ" Messi lừa banh qua hai hậu vệ rồi chuyền thật nhuyễn cho tiền vệ Di Maria ghi bàn ở phút 118. Các cầu thủ Thụy Sĩ nổ lực gỡ huề nhưng tiếng còi tan trận đã bóp nát trái tim của hàng ngàn khán giả đang vung cờ đỏ, chữ thập trắng trên khán đài.

8/ Bỉ - Mỹ:

Một lần nữa đôi bên cũng bất phân thắng bại trong giờ thi đấu chính. Trong hiệp phụ thứ 1, tiền đạo Lukaku vào thay người đã khôn khéo châm banh cho tiền vệ De Bruyne làm bàn. Ở phút 105, chính De Bruyne chuyền banh ngược lại cho bạn đồng đội băng lên sút banh vào góc trái khung thành. Sau đó 2 phút, dù tiền đạo Green của Mỹ gỡ một bàn nhưng quá trễ và Bỉ thắng 2-1.

Sau trận đấu này, giải World Cup có thêm một kỷ lục mới: tất cả 8 đội đứng đầu bảng (the group winners) đều vào vòng tứ kết.

Nhận xét từ các trận đấu ở vòng bảng:

World Cup 2014 rất hấp dẫn và có thể so sánh với hai giải năm 1974 và 1986. Năm 1974, các danh thủ như hậu vệ Franz Beckenbauer (Tây Đức), tiền đạo Johan Cruyff (Hòa Lan), tiền đạo Plato (Plato) đã giúp làng cầu Âu châu cân bằng lực lượng với Ba Tây, Á Căn Đình...Năm 1986, Ba Tây có tiền vệ Zico và thủ quân Socrates, Pháp (đương kim vô địch Âu châu) có tiền vệ (thủ quân) Platini và Tigana, Tây Đức có tiền đạo Rummenigge, Anh có "vua phá lưới" Lineker, Á Căn Đình với tiền vệ tài năng "đến độ thăng hoa" Maradona đã thi đấu khiến cho giới mộ điệu thật...mãn nhãn!

Năm nay ngoài các trận Ba Tây - Mễ Tây Cơ, Ecuador - Pháp, Iran - Nigeria, Nhựt - Hy Lạp, Anh - Costa Rica huề nhau với tỉ số 0-0, các trận còn lại đều có tỉ số khá cao. Ngoài ra, kết quả tính đến nay cho thấy đẳng cấp, lối chơi sắc bén của các đội lọt vào vòng 16. Ngay cả đối với các đại gia như Anh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha..., anh nào "có tiếng nhưng không có miếng", không (hoặc ít) làm bàn sau 2 lần ra quân đều phải về nước sớm.

Một số quyết định gây tranh cãi trong các trận đấu:

Những trái phạt đền:

1/ Ba Tây - Croatia (đá ngày 13/6): tiền đạo Fred đã ngã (vờ) rất khéo khi hậu vệ Croatia nắm nhẹ vào 2 bờ vai của anh ta. Kết quả Croatia thua oan mạng vì lo gỡ và sơ hở để Ba Tây bồi thêm 2 trái với tỉ số 3-1.

2/ Hoà Lan - Tây Ba Nha:

Tiền đạo Diego Costa dẫn banh xuống, gạt banh qua và xạt chân trúng hậu vệ khiến trọng tài tưởng lầm anh này chơi xấu. Tiền vệ Xabi Alonso sút tung lưới 1-0 nhưng rốt cuộc "hên không bằng hay" nên Tây Ban nha đã thua với tỉ số 5-1.

3/ Uruguay - Costa Rica:

Một hậu vệ của Costa Rica vừa vòng tay ôm ngang hông thủ quân hậu vệ Lugano thì anh vội vàng té xuống. Uruguay được hưởng trái phạt đền, dẫn trước nhưng cuối cùng thua 3-1.

4/ Hy Lạp - Cote d'Ivoire:

Ở phút 89, tiền đạo Samaras chỉ bị vấp mủi giày của chính mình và té khi một hậu vệ của đội bạn truy cản nhưng trọng tài cho anh ta đá trái phạt đền. Kết quả Hy Lạp thắng 2-1 và lọt vàp vòng 16, Cote d'Ivoire xách gói về nước.

Bắt lỗi việt vị (off side):

Một cầu thủ bị trọng tài thổi "việt vị" khi đứng (hay chạy xuống sớm) dưới hàng thủ của đối phương trước khi nhận banh từ bạn đồng đội. Thường thì trọng tài chính không thấy rõ anh chàng nào đó có "rình" sẵn hay không (thời đi học bạn bè trong lớp thường gọi là "ăn cắp trứng gà"), thành ra phải nhờ đến trọng tài biên. Nếu thấy cầu thủ nào...léng phéng thì trọng tài biên sẽ phất cờ cho trọng tài chính thổi. Tuy nhiên, có vài trọng tài biên làm việc gần như theo...cảm tính của mình (có khi phản ứng rất chậm), lúc đáng bắt thì không phất cờ, khi người ta xuống banh hợp lệ thì lại phất. Đôi khi một đội banh thua oan vì lỗi của trọng tài biên, chẳng hạn để một tiền đạo đang trong tư thế việt vị nhận banh, anh ta sẽ lừa qua thủ môn và tung lưới dễ dàng. Ngược lại, cầu thủ (on side) đá trái banh vào lưới rồi lại không cho ăn thì có nước...tức trào máu!

Trong trận Bosnia-Herzegovina gặp Nigeria ở vòng loại, tiền đạo Edin Dzeko đã nhận banh và ghi bàn trong tư thế bình thường. Tuy nhiên, vài giây sau trọng tài biên phất cờ và trọng tài chính không cho ăn. Kết quả họ thua Nigeria 1-0 và bị loại vì chỉ có 3 điểm (1 thắng, 2 thua). Nếu bàn thắng được công nhận, Bosnia sẽ huề 1-1 và sẽ vào vòng 16 với 4 điểm (1 thắng, 1 huề và 1 thua), đội bị loại chính là Nigeria với 2 điểm (2 huề, 1 thua).

Nếu nói như vậy thì không có cách nào cải tiến cách bắt "gà mờ" của trọng tài biên chăng ?!

Ở xứ Úc "downunder", bà con thường chơi Rubby League với trái banh cà na (lối chơi này giống như chơi "U" ngày xưa ở Việt Nam: ngậm miệng cho phát âm ra tiếng "u..u" rồi xông qua hàng ngũ của đối phương, nếu chạm tay một người nào đó rồi chạy về được bên sân nhà thì anh kia sẽ bị bắt. Ngược lại, nếu mình bị ôm đến hết hơi (u) thì bị bắt làm...tù binh, phải chờ bạn chạy qua giải cứu).

Khác với túc cầu, một cầu thủ R.League thảy banh cho bạn đồng đội để anh này cố gắng ôm trái banh chạy một mạch đến cuối sân. Nếu không có ai truy cản, anh sẽ nhào nằm xấp và đập trái banh xuống mặt cỏ sau lằn biên và được một cái "Try" (4 điểm). Nếu có 1 hay 2,3 người truy cản (được gọi là "tackle") thì anh phải kiếm cách chuyền qua cho người khác. Có khi đến cuối sân, mấy cầu thủ bên đối phương cố gắng ôm lật anh lên và không cho đập trái banh xuống cỏ. Trong trường hợp này, vì có 2,3 người đè lên lưng nên không thấy rõ anh ta có "score" hay không. Trọng tài sẽ thổi còi ngưng trận đấu chừng vài giây để kiểm lại, nếu anh không ghi bàn thì trên màn ảnh sẽ có chữ "No try".

Như vậy các quan chức túc cầu có thể cho gắn máy tương tự, khi muốn biết cầu thủ nào đó có ghi bàn hợp lệ hay không thì chỉ cần ngưng một chút rồi hỏi...máy là xong!

Trong giải World Cup năm nay, có một tiến bộ vượt bực là ở gần khung thành có gắn bộ phận để ghi nhận trái banh ở vị trí "goal" hay "no goal", như vậy sẽ tránh được lỗi lầm đáng tiếc đã xảy trước đây. Năm 2010, trong trận Anh gặp Đức ở vòng loại, tiền vệ Frank Lampard từ xa sút banh trúng xà ngang và dội xuống phía sau lằn biên gần 3 tấc. Thủ môn Neuer của Đức đẩy banh ra và trọng tài không công nhận cú ghi bàn này. Đội Anh cố gắng tấn công để gỡ huề và cuối cùng bị thua 4-1.

Chuyện vui "Cẩu xực xí quách":

Trong trận đấu cuối ở vòng bảng giữa Điểu Hà và Ý, tiền đạo Luis Suarez (đá cho đội Liverpool ở giải ngoại hạng Anh) đã để lại "dấu ấn" với 5 vết răng trên bờ vai của hậu vệ Giorgio Chiellini (đội Juventus của Ý). Trước đây anh từng...ra chiêu này với một cầu thủ bạn khi đá ở Hòa Lan, hậu vệ Ivanovic của Chelsea và bị treo giò một thời gian khá lâu.

Sau trận đấu, Suarez đã phân bua đó chỉ là cú va chạm do mất thăng bằng (hay vấp té). Tuy nhiên theo phim chiếu chậm, rõ ràng anh đã cắn vai Chiellini rất nhanh và bị "nạn nhân" giựt chỏ trúng miệng. Sau đó anh đã ngồi xuống ôm miệng tỏ vẻ rất đau đớn!

Nếu phân tích kỹ, thật ra đây là kỹ xảo chơi "dơ" để loại địch thủ ra khỏi trận đấu (có thể bằng thẻ đỏ). Trong giải World Cup 2006, các cầu thủ Ý đã từng...diễn vài màn kịch đối với đội banh bạn như:

1/ Ý - Úc (vòng 16): Trong trận này Ý phải thi đấu vất vả khi cầu thủ Marco Materazzi bị phạt thẻ đỏ ở hiệp 2. Đến phút 89, tả vệ Fabio Grosso đã giả vờ té nhào, nằm vạ trong vòng cấm địa (dù trung vệ Lucas Neil không chạm gì đến anh ta khi ngã người truy cản). Sau khi trọng tài Tây Ban Nha "đồ tể" cho Ý hưởng trái phạt đền, anh đã quay lại bạn đồng đội cười toe toét. Kết quả tiền đạo Francesco Totti đá tung lưới và Úc bị loại đau hơn...bò đá!

2/ Ý - Pháp (chung kết): Trung vệ "du côn" Materazzi đã khiêu khích cho tiền đạo Zinedine Zidane của Pháp nổi nóng và húc đầu vào ngực mình. Sau đó anh ngã xuống rồi ôm ngực ra vẻ đau thống thiết dù cú chạm rất nhẹ. Zidane bị phạt thẻ đỏ, đội Pháp phải lui về thế thủ và bị thua trong màn sút phạt 5 trái luân lưu.

2-WC2014-Suarez
Trong quá khứ, Uruguay cũng nổi tiếng đá bạo và chơi bẩn nên diễn tiến "cẩu xực" có thể xảy ra như sau:

- Chiellini nói gì đó (thật nhỏ cho địch thủ vừa đủ nghe) để khiêu khích. Nếu khích động được tính hung hản (thích cắn người) của Suarez, anh có thể bị đuổi và dàn công của Uruguay sẽ yếu đi. Ngược lại, tiền đạo săn bàn nhạy bén này nổi nóng vì hậu vệ bạn cứ kèm sát người làm mình không làm ăn gì được. Anh nhá cạnh "ngoạm" vai để đối phuơng phản ứng bằng cách giựt chỏ. Đây là lỗi rất nặng và nếu trọng tài đuổi Chiellini ra khỏi sân, anh ta sẽ di chuyển thoải mái hơn!

Trong mùa World Cup 2014, đài truyền hình sắc tộc SBS của Úc có chiếu lại những trận banh hay trước đây, gọi là "World Cup classic", chẳng hạn giữa Ba Tây và Pháp, Anh và Á Căn Đình (WC 1986). Ở trận đầu, đôi bên thi đấu với kỹ thuật điêu luyện và hoà nhã (dù thỉnh thoảng có va chạm khi truy cản). Trong trận sau, Maradona đã nhảy lên dùng tay hất banh vào lưới khiến đội Anh bị loại tức tưởi.

Ngày nay hầu hết các cầu thủ đều tìm cách chơi xấu, thô bạo để tranh lấy banh. Khi bị đụng rất nhẹ thì giả đò ôm mặt, nằm lăn lộn với hy vọng đối phương sẽ bị phạt. Với mục đích bất chấp mọi thủ đoạn để giành bàn thắng, vô tình họ đã khiến cho bộ môn túc cầu dần mất đi tính nghệ thuật, quyến rủ khắp hành tinh!

Trương Đức Hoàng
Sydney, 3/7/2014

01 Tháng Giêng 2024(Xem: 852)
Ngày 10 tháng 3 năm 2024 Hội Ngộ Ngô Quyền Mừng Tân Niên Giáp Thìn tại Houston, Texas.
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2074)
Nhưng lần họp mặt năm nay và những năm sau nầy…chị Thanh Vân Anderson không còn về với chúng ta nữa !!!
23 Tháng Hai 2023(Xem: 3719)
Sự hiện diện đông đảo của Quý Thầy Cô và Quý anh chị Đồng Môn nói lên tình đoàn kết keo sơn giữa tình đồng hương nơi xứ lạ quê người.
03 Tháng Tư 2022(Xem: 6566)
Đây là hồi ký của Tiến Sĩ Thanh Vân Anderson. Nội dung nói về ba giai đoạn trong cuộc hành trình gian khổ,