Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 47 - Thanksgiving 2018 - Nhớ Ơn Thầy

20 Tháng Mười Một 20181:30 CH(Xem: 11831)
MGTT 47 - Thanksgiving 2018 - Nhớ Ơn Thầy
          
MGTT 47- Thanksgiving 2018 - Nhớ Ơn Thầy

OnThay

 

 

Mỗi năm một lần xin diễn tả bằng chữ nghĩa lời cảm ơn tất cả mọi người đã góp bàn tay làm cho đời sống an vui hơn, lời cảm tạ tất cả những ân nhân cụ thể đã cùng nhau gây dựng nên được những công dân tốt cho xã hội.


Xin kính cảm tạ Cô giáo đầu đời ở lớp mẫu giáo đã đưa chúng ta từ một xã hội nhỏ chỉ thu gọn với những người cùng huyết thống đến một xã hội lớn hơn có bạn bè cũng ngây thơ như chính chúng ta ở thủa đầu đời. Cô đã dạy cho chúng ta làm quen với những con số trên đầu mười ngón tay măng non chỉ biết cầm thức ăn nước uống.

 
Xin kính cảm tạ tất cả các Thầy Cô giáo bậc Tiểu học đã nhẫn nại uốn từng ngọn cây non theo đường ngay nẻo thẳng, đã dạy chúng ta những bước chập chững đầu đời của một Công dân gương mẫu, biết yêu thương Tổ quốc, biết ngả mũ chào vĩnh biệt lần cuối người quá cố khi thấy những đám ma chạy lẫn trong giòng xe cộ ngược xuôi. Xin cảm tạ các Thầy Cô giáo 5 năm Tiểu học đã đặt nền tảng suy luận trong mỗi chúng ta qua những con toán cộng trừ nhân chia đơn giản, những kiến thức Việt Sử từ thời dựng nước, những bài học thuộc lòng mang âm hưởng ca dao.

 
Xin kính cảm tạ các Thầy Cô dạy Nhạc ở những năm đầu Trung học dạy chúng ta những bài hát đậm tình quê hương, đã khắc sâu vào lòng chúng ta những nốt nhạc làm lòng bình an hơn trong những lúc tâm hồn bất an, khắc khoải vì cuộc đời không vuông vức như những giòng kẻ có mang bảy nốt nhạc quen thuộc của mỗi giờ nhạc lý.

 
Xin kính cảm tạ các Cô dạy môn Nữ công đã dạy học trò con gái biết thêu thùa, may vá, biết nấu những món ăn đơn giản. Môn Nữ công gia chánh tưởng chỉ để dạy các cô bé ngày xưa làm nội tướng sau này, nhưng cũng đã giúp được nhiều chị nuôi thân và đôi khi nuôi cả gia đình trong những ngày khốn khó đầu thập niên 80 ở quê nhà.

 
Xin kính cảm tạ các Thầy dạy môn Thể dục, ngày xưa còn bé, chúng ta cứ nghĩ đó là giờ giải trí ngoài trời nhưng đến tuổi nửa đời người mới hiểu được lợi ích của những cái nhảy cao, nhảy xa, những hít ra thở vào ở một góc sân trường ngày còn thơ dại.


Xin kính cảm tạ các Thầy Cô dạy môn Sinh Vật tưởng như khô cằn khó nuốt nhưng đã giúp chúng ta trân trọng đời sống thiên nhiên, biết yêu thương tất cả mọi loài vật từ chim bay trên trời đến kiến bò dưới đất; biết tôn trọng cả những cơ phận trong cơ thể con người, không ăn uống bừa bãi để tránh được hậu quả "tham thực cực thân", biết tập thể dục thường xuyên để giữ được một thân thể khoẻ mạnh, tránh được gánh nặng cho gia đình và xã hội, biết góp phần nhỏ của mình giữ cho trái đất bớt bị ô nhiễm.

 

Xin kính cảm tạ các Thầy Cô dạy môn Hội họa đã dạy chúng ta biết phân biệt những nét đậm nhạt của màu sắc, biết thưởng thức từ những bức tranh tĩnh vật đơn giản đến những đường nét lập thể của trường phái Picasso.
Những kiến thức hội họa ngày xưa đã giúp chúng ta biết tô thêm màu sắc vào đời sống mà màu xám thường lấn trội màu hồng và màu xanh.

 

Xin kính cảm tạ các Thầy Cô dạy môn Công dân, hướng dẫn chúng ta đạo làm người, bổn phận đối với Tổ quốc và gia đình; biết kính trọng người già, nhường nhịn trẻ con, biết giúp đỡ người tàn tật và thương yêu mọi người.

 

Xin kinh cảm tạ các Thầy Cô dạy môn Sử Địa đã mở rộng tầm mắt cho chúng ta về thế giới loài người, về tiến trình dựng và giữ nước của mỗi một dân tộc để cảm thông hơn với những đất nước nhược tiểu.

 

Xin kính cảm tạ các Thầy Cô dạy môn ngoại ngữ; chúng ta đã phải uốn lưỡi theo từng phát âm của một ngôn ngữ mới, phải học thuộc lòng rất nhiều động từ bất quy tắc. Điều đó không bao giờ ngờ là đã giúp được rất nhiều cho những thuyền nhân tỵ nạn ngay từ những phút đầu tiên trên biển cả mênh mông gặp được một thuyền đánh cá đến những chuỗi ngày dài của đời sống lưu vong sau này.

 

Xin kính cảm tạ các Thầy Cô dạy môn Vật lý đã dẫn dắt chúng ta từ những khái niệm căn bản về giòng điện, cực dương, cực âm, điện tích, từ trường đến ánh sáng giao thoa, những hạt ion mà thời Trung học ở Việt Nam vì không có phòng thí nghiệm, tất cả chỉ là hình ảnh và trí tưởng tượng. Vậy mà những kiến thức đầu đời đó cũng đã góp phần tạo nên những nhà khoa học, những kỹ sư Việt Nam thông minh, cần cù đang ở rải rác khắp năm châu bốn biển âm thầm đóng góp rất nhiều cho sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật (buồn thay không phục vụ trực tiếp được cho quê hương vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu ở bên kia bờ đại dương.)

 

Xin kính cảm tạ càc Thầy Cô dạy môn Hóa học với những phản ứng hoá học có màu, không màu, có vị hay không vị, tất cả đều chỉ nằm trong tưởng tượng vì không có Lab như ở các trường Trung học ở Mỹ. Vậy mà vẫn giúp ích được nhiều cho chúng ta từ việc nấu nướng giản đơn trong bếp, không bao giờ bị cháy thức ăn, đến việc đọc được những hoá chất trên các bao bì của thực phẩm, hay xa hơn đã là nền tảng căn bản cho những Bác sĩ, Dược sĩ, những chuyên viên dinh dưỡng đã góp phần làm xoa dịu được nỗi đau của rất nhiều bệnh nhân ở năm châu bốn biển. Hy vọng một ngày rất gần, những kiến thức đó được đem về để giúp các em bé Việt Nam nghèo nàn cơ cực đang phải đi bán rong ở khắp nẻo đường đất nước; để giúp các ông bà cụ già ở tuổi gần đất xa trời, đáng lẽ phải được hưởng phúc lợi của xã hội, vẫn phải lê tấm thân tàn đi bán từng tấm vé số đổi lấy chén cơm.

 

Xin kính cảm tạ các Thầy Cô dạy môn Toán, từ những bài cộng trừ nhân chia đơn giản đầu đời, đến những bài qũy tích, vì phân, tích phản đã làm đau đầu các cô cậu học trò không được giỏi Toán của thủa nào. Bước xuống cuộc đời, nếu không phải là nhà khoa học, không làm trong ngành kỹ thuật thì không hề phải lấy đạo hàm, không hề phải dùng đến những đẳng thức lượng giác, nhưng những kiến thức đó dã là nền tảng cho mọi nghĩ suy chín chắn biết xét đoán cả cuộc đời một cách khách quan và đúng đắn như những con số của môn toán. Ở tuổi nửa đời người chúng ta mới thấy cuộc đời chẳng bao giờ tròn triạ, cũng chẳng có được hình bầu dục, hình Parabol hay Hyperbol như những hình vẽ trong tập vở Toán ngày nào nhưng bằng những suy nghĩ trên nền tảng của môn Toán, những bài học thủa còn ngồi ở ghế nhà trường, chúng ta không bị lực ly tâm đẩy ra ngoài quỹ đạo của nhân cách và lòng bác ái.

 

Xin kính cảm tạ các Thầy Cô dạy môn Văn đã đưa vào lòng chúng ta những lời ca dao trầm bổng đến những tác phẩm có giá trị ở bất cứ thời đại nào. Từ những bài Luận thơ dại ngày nào chúng ta đã viết được những đoạn văn lấy được nước mắt độc giả, hay giúp người đọc "mua vui cũng được một vài trống canh". Có những lúc bị cả một hệ thống xã hội dồn vào chân tường như thời mới lớn, chúng ta vẫn vững vàng và không làm điều gì sai trái nhờ đã được học "Les Miserables", và "Tâm hồn cao thượng" ít nhất là hai lần trong suốt những năm Trung học.

 

Xin kính cảm tạ những Thầy Cô không cùng màu mắt, không cùng màu da, ở các trường Đại học ở Mỹ , đã kiên nhẫn nâng đỡ chúng ta, những học sinh Việt Nam tỵ nạn túi rỗng tay không, ngây ngô tội nghiệp từ thủa chân ướt chân ráo bỡ ngỡ từ ngôn ngữ đến phong cách sống, đến những nâng đỡ tinh thần và những chỉ dạy qúy báu trong những ngày chuẩn bị bài thi tốt nghiệp hay trình các luận án khoa học. Xin được cảm ơn các Thầy Cô đã hoàn tất những chấm phá cuối cùng của một bức vẽ để từ đó chúng ta thực sự bước xuống cuộc đời, là người có một cái đầu biết suy nghĩ và một tấm lòng đầy từ tâm góp phần làm cho xã hội giàu mạnh hơn.

 
 Xin kính cảm tạ Ba Mẹ , hai ân nhân lớn nhất, đã đưa chúng ta vào đời, đã làm tất cả mọi thứ có thể làm được để chúng ta có được một thời thơ ấu ấm êm hạnh phúc.

 

Vào mỗi dịp Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, cũng xin thắp nén tâm hương thành kính tưởng niệm quý  các Thầy Cô đã khuất bóng. Xin đặc biệt tưởng nhớ các Thầy Cô vừa xuôi tay nhắm mắt trong năm 2018: Thầy Thân Trọng Bình, Cô Bạch Thị Bê, Thầy Nguyễn Thế Văn, Thầy Dương Khải Hoàn, Thầy Kiều Vĩnh Phúc, Thầy Hoàng Đức Bào.

 

Sau cùng, xin tạ ơn đời đã cho chúng ta đươc một thời hãnh diện mang phù hiệu Ngô Quyền trên ngực áo, và cơ duyên hạnh ngộ trong những lần họp mặt chs Ngô Quyền.

 

Trường xưa vẫn là một nơi ấm êm, đáng nhớ nhất của đời người

 

Nguyễn Trần Diệu Hương

Thanksgiving 2018

 


Xin bấm vào audio bên dưới để  thưởng thức bài hát "Ơn Thầy" của Tâm Thơ,
Ngô Nguyễn Trần, Lê Huỳnh hòa âm, qua giọng hát của Quỳnh Lan.

 

27 Tháng Hai 2010(Xem: 32128)
Chưa có “cơ duyên hạnh ngộ” với Thầy Lê Quý Thể ở quê người, nhưng các CHS NQ luôn nhớ đến ông Thầy trẻ vừa có nhiệt tâm của một nhà giáo, vừa có tinh thần quyết thắng của một người mê thể thao...
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 38732)
Nhân mùa Thanksgiving, Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, xin được kết hợp hai truyền thống tốt đẹp nhất của Đông và Tây để viết lên những lời tạ ơn chân thành từ tâm hồn của những chsNQ năm xưa ở cả hai thế hệ "nghi bất hoặc" và "tri thiên mệnh" với các Thầy Cô sắp hoặc đã bước vào tuổi "cổ lai hy".
21 Tháng Mười 2009(Xem: 16986)
Ngay cả những lớp CHS NQ vào trường sau này, chỉ được gặp Thầy ở Mỹ những năm gần đây cũng có nhiều ấn tượng rất tốt đẹp về Thầy và “… cứ tưởng tượng cái dáng cao cao của Thầy đi bách bộ thong dong trong trưa hè nắng chói của đường Bolsa, giữa đời sống bon chen, tất bật ở Mỹ giống như cái dáng của các tiên ông hiền từ đi dạo ở cõi trần tục trong truyện cổ tích đã đọc thời còn nhỏ…”
12 Tháng Mười 2009(Xem: 34325)
Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung...
09 Tháng Mười 2009(Xem: 15144)
Một Góc Thầy Trò - Thầy Mai Kiến Phúc. Một đ i ều đặc biệt về Thầy Mai Kiến Phúc là Thầy rất yêu nghề đi dạy, và dù chỉ được đứng trên bục giảng 14 năm (1965-1979) nhưng suốt thời gian đó, Thầy liên tục ..."gõ đầu trẻ" ở Trung học Ngô Quyền với môn Vật Lý.
20 Tháng Bảy 2009(Xem: 34114)
Trong số những "nhà thơ học trò" này, có hai anh Hồ Văn Tân và Hà Xuân Son mà sáng tác từ tâm tình của hai anh thời mới lớn đã bày tỏ được lòng biết ơn Thầy Hoàng Phùng Võ, thầy giáo Việt văn lớp Đệ Ngũ B2 (nk 1958-1959 )
02 Tháng Sáu 2009(Xem: 37295)
Ba mươi năm sau, bên đời lưu lạc, ở tuổi nửa đời người, các cô, các bé ngày xưa mới biết một số Thầy Cô cũ đã từng là học trò Ngô Quyền như mình. Dù muộn màng, “Một góc Thầy Trò” xin được giới thiệu “Những CHS NQ trên bục giảng” để vinh danh các CHS NQ cũng là các Thầy Huỳnh Quan Phận, Diệp Cẩm Thu; các Cô Hà Thị Nhung, Liêng Tuấn Tài, Phạm Thị Hạnh.
26 Tháng Năm 2009(Xem: 37107)
Dưới đây là lá thư của CHS NQ Võ Thị Tuyết Mai, và những bạn bè, đồng nghiệp đã gửi cho Cô Ma Thị Ngọc Huệ, khi được tin Thầy Nguyễn Phong Cảnh từ trần vào ngày 4 tháng 1 năm 2006 tại California.
16 Tháng Năm 2009(Xem: 58172)
“Một góc Thầy Trò” hôm nay mời bạn quay về quá khứ của Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), thế hệ học sinh đầu tiên của Trung học Ngô Quyền – với “chị cả ” Lương Thị Khá đ ang định cư ở Boston, Massachusetts.
07 Tháng Năm 2009(Xem: 81219)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…
30 Tháng Tư 2009(Xem: 36764)
Được sự đồng ý của tác giả – CHS NQ Nguyễn Ngọc Xuân - một bức thư rất cảm động gởi cho Thầy giáo cũ (Thầy Nguyễn Văn Phố) , “ Một góc Thầy Trò ” xin mời bạn cùng đọc lời tâm tình của một học sinh rất giỏi với Thầy giáo dạy Toán thời anh Xuân còn ngồi ghế NQ.
26 Tháng Năm 2008(Xem: 18013)
Các em thân mến, Tôi xin mạn phép, gọi các cựu học sinh của tôi bằng danh từ thân ái " các em ". Các em hôm nay đã ở vào địa vị " ông nội ", hay " bà ngoại ", hay là bậc cha mẹ. Các em không còn học sinh nhỏ bé, đáng yêu, nghịch ngợm của tôi.