Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 43 - TẠ ƠN THẦY CÔ - THANKSGIVING 2015

24 Tháng Mười Một 201510:53 CH(Xem: 25280)
MGTT 43 - TẠ ƠN THẦY CÔ - THANKSGIVING 2015


MGTT 43 - TẠ ƠN THẦY CÔ - THANKSGIVING 2015

 

Dù là vào trường khi còn là một em bé 10, 11 tuổi mặt còn nguyên nét trẻ thơ, hay vào Ngô Quyền ở bậc đệ nhị cấp với tuổi niên thiếu, học sinh NQ từ lúc thành lập trường (1956) đến hết niên khoá 1974-1975 đều được quý Thầy Cô dạy dỗ, bảo ban trong một nền giáo dục nhân bản, khai phóng, đào tạo học trò trở thành một người có đủ văn hóa, và đạo đức .

 

Dù thành công giữa "hoạn lộ thênh thang”, hay âm thầm ở một góc đời riêng, các chs NQ ở khắp nơi trên thế giới vẫn nhớ ơn Thầy Cô với những kiến thức căn bản đầu đời, 

 

Dù dư thừa vật chất, hay vẫn còn ngược xuôi trả nợ áo cơm như cánh cò lặn lội bờ sông, thời mới lớn ở Ngô Quyền có tiếng Thầy Cô dạy dỗ, bảo ban vẫn nằm ở một ký ức đẹp nhất đời người trong mọi chs NQ

 

Mỗi năm một lần, xin tạ ơn Thầy Cô bằng chữ nghĩa, bằng hình ảnh, và bằng lời nói.

 

Dù tóc thầy đã bạc trắng như bông, dù thời gian đã để lại dấu ấn rõ ràng ở Cô, hình ảnh Thầy Cô trên bục giảng năm nào ở trường xưa vẫn còn đó trong lòng mỗi chs NQ, trong ánh mắt nhau mỗi một lần hội ngộ.

 

Thưa Thầy, học trò xưa luôn mang ơn Thầy lúc nghiêm khắc, lúc nhẹ nhàng đã đưa kiến thức căn bản vào óc học trò, đã dạy học trò đạo đức làm người qua phong cách mẫu mực của một ông Thầy

 

Thưa Cô, xin tha thứ cho lũ học trò đứng thứ ba, sau ma và quỷ, với những trò đùa con nít ngày xưa. Học trò Ngô Quyền dù đã bước vào tuổi 40, 50, 60... và sắp bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy”, vẫn chưa quên ánh mắt bao dung, dịu dàng, và những bài giảng chuyển kiến thức vào đầu, và chuyển lửa vào tim của học trò xưa .

 

Bao nhiêu năm qua, dù trường xưa đã mất, dù nhiều Thầy Cô đã về với hạc nội mây ngàn, kiến thức ngày xưa dù đã rơi rớt dọc đường theo chiều dài của năm tháng, nhưng đạo làm người vẫn  còn ở lại trong lòng chúng em .

 

Không vẻ vang như Đại tướng Carnot của Pháp, dù trường xưa không còn để chúng ta về lại, ngồi vào hai dãy bàn thân thuộc , nhưng mỗi năm một lần xin kinh gởi đến quý Thầy Có lời tri ân chân thành nhất từ chs NQ  .

 

Từ tuổi 15, 16 nhiều chs NQ đã đạp xe vượt dốc đi thăm cô nhi viện, đã mở những lớp học dạy các em bé nghèo ở chùa .

 

40 năm sau, ở tuổi không còn trẻ, vẫn có những lớp học dạy Công Dân và Sử online do các chs NQ phụ trách, vẫn có những đồng tiền dành dụm làm việc thiện, làm người khác vui như những bài học Công Dân giáo dục thủa đầu đời,

 

Xin kính tạ ơn quý Thầy Cô đã cùng các bậc cha mẹ giúp chúng con nên người ngày hôm nay. 

 

Xin thắp nén hương lòng nhớ đến các Thầy Cô đã rời bỏ cuộc đời,

 

Và cuối cùng, cũng xin đặc biệt cảm ơn quý Thầy Cô đã một thời ngồi  trên ghế học trò trong khung cửa lớp NQ, quý Thầy Cô: Nguyễn Thành Dũng (K1), Lý Khánh Hồng (K2), Bùi Đức Lương (K3), Đào Đức Thiện (K4), Trần Văn An (K4), Bùi Thị Hảo (K4), Huỳnh Quan Phận (K5), Hà Thị Nhung (K5), Liêng Tuấn Tài (K5), Phan Kim Hoa (K5), Phạm Thị Hạnh (K6). Diệp Cẩm Thu (K7), Ma Ngọc Huệ (K7).

 

 

Xin tạ ơn đời đã cho tất cả chúng ta có duyên hạnh ngộ ở ngôi trường Trung học công lập Ngô Quyền ngày nào cạnh dòng sông Đồng Nai hiền hòa góp phần nuôi ta khôn lớn.

 

Nguyễn Trần Diệu Hương

Thanksgiving 2015




THẦY TÔI


huong ve Thay co

 

Tôi ngồi vào bàn máy khi đã lo cho chồng bữa ăn sáng và đưa lên phòng nghỉ ngơi. Nhìn lên màn hình desktop, You Tube đã upload xong video " Ngô Quyền tri ân Thầy Cô". Như vậy tôi đã hoàn tất phần một. Còn phần hai là viết bài về thầy cô trong ngày lễ Tạ Ơn năm nay.

Tôi cũng không biết phải bắt đầu từ đâu vì bao nhiêu ý nghĩ đang hiện về trong đầu.

Tôi đã chấm dứt slide show tối qua lúc 12 giờ đêm hay hơn một tí. Phần upload lên You tube tôi phải để sáng nay vì máy đã nóng. Tôi cũng mệt và mỏi cổ vì cứ nhìn hoài lên màn ảnh . Thật ra tôi biết còn nhiều sai sót lắm, các hình thầy cô không đầy đủ, nhiều hình không sắc nét, phần trình bày còn luộm thuộm, sự xếp đặt chưa được logic. - Nhưng đây là tấm lòng tri ân của em, xin Thầy Cô tha thứ những sai sót đó.-

 

Thực hiện video này còn có sự đóng góp nhiệt tình của Ngọc Dung và Diệu Hương. Hai em ấy đã góp ý tìm và gửi thêm hình ảnh các thầy cô về cho tôi. Thật ra tôi  không  biết nhiều về thầy cô vì tôi chỉ học NQ có hai năm và ít khi được tham gia trong những lần gặp gỡ thăm viếng họp mặt.  Nếu làm một video ca nhạc thì dễ dàng và đơn giản vì chỉ cần đẹp và nhạc hay. Nhưng đây là video mà tôi muốn tìm về các vị thầy cô từng dạy Ngô Quyền. Các thầy cô đã rời bục giảng từ lâu lắm. Qua nhiều năm tháng và qua cuộc chiến 1975, sinh mạng, tài sản còn không giữ được thì hình ảnh và tư liệu về thầy cô thất lạc là lẽ đương nhiên.

Đôi khi tôi tìm được hình rồi nhưng người post lên ghi tên họ lại sai. Tôi  phải sửa lại. Cứ xóa đi rồi làm lại không biết bao nhiêu lần. Thú thật, đây là lần thứ năm tôi chỉnh sửa video này . Bởi mỗi lần xong gửi đi cho Ngọc Dung và Diệu Hương thì lại nhận được thêm hình mới và một vài sai sót nhỏ trong tên họ thầy cô. Chúng tôi đã cố gắng tìm dữ liệu và hình ảnh các thầy Hiệu trưởng, Giám học, Tổng giám thị của ngôi trường yêu quý của chúng ta. Rất tiếc chúng tôi không tìm ra hình thầy Giám Học Hoàng Đôn Trịnh để đem vào video này. Xin thầy cô và các bạn thông cảm.

Nhờ tìm vào mục "Một góc thầy trò" và các bài  của các bạn viết về thầy cô có hình ảnh  nên tôi đã tập trung được một số hình đáng kể.  Rất cám ơn các bạn. Cám ơn Diệp Hoàng Mai đã có rất nhiều bài nói về thầy cô và hình ảnh kèm theo. Nhờ những hình ảnh này tôi đã download vào máy, cắt riêng hình ra, phóng to hơn và ghi tên họ vào.  Do đó có nhiều hình rất là nhỏ và không nguyên mặt. Khi tôi phóng lớn hơn một chút để ghi tên vào thì hình bị mờ.  - Xin thầy cô thông cảm cho em.-

Tôi phải ghi chú tên từng người vì muốn thầy cô và các bạn nhận diện lại  người xưa. Có nhiều vị chỉ dạy vài năm rồi thuyên chuyển qua trường khác nên sau bao nhiêu năm không còn nhớ mặt người đồng nghiệp. Các cựu học sinh NQ như những cánh chim non bay ra giữa bầu trời cao rộng. Qua bao nhiêu phong ba, sóng gió giờ đã tạm ổn  muốn tìm lại  hình ảnh thầy, cô thân yêu năm nào. Cho nên tôi đã không dùng những xảo thuật rườm rà, chỉ muốn đưa hình thầy cô rõ ra, cho mọi người nhận diện. Nhìn lại thầy cô của mình đó là niềm mong ước của chính tôi và cũng là mục đích của video tôi thực hiện. Mong rằng thầy, cô và các bạn yêu thích. Tôi rất vui  và thành thật cám ơn.

Dù rằng video đã làm xong, nhưng xem lại vẫn còn nhiều chỗ sai sót. Vẫn còn thiếu hình ảnh một số  thầy cô từng dạy ở trường. Nếu thầy cô và các bạn có thêm hình ảnh xin liên lạc và gửi về cho Web Ngô Quyền  để chúng ta có thêm hình ảnh và dữ liệu về sau.

Nhờ làm video này, tôi đã ngược dòng thời gian tìm về những ngày còn học Ngô Quyền. Tôi Email cho bạn chung TamC, Nhị C ngày đó để cùng các bạn trao đổi. Chúng tôi lại cố moi trong ký ức mình về tên họ thầy cô, từng dạy môn gì và có kỷ niệm gì thuở đó. Có hôm lúc vào bếp mà cái đầu cứ nghĩ về chuyện của 47 năm về trước học với thầy nào mà nồi cá kho trước mặt bị khét không hay. Có đứa đang ở nhà bếp vội chạy lên lầu thọt mấy chữ trong máy gửi đi "Tui  đang làm Osin mà chợt nhớ thầy dạy Anh văn mình là thầy Dật -Trần văn Dật-. Bà có nhớ không? Thôi tui chạy xuống làm Osin tiếp hi hi". Đại loại như vậy đó.

Khi tôi tìm được hình bản nhạc "Đường Chiều" của thầy Dương Hồng Duyệt, tôi tìm trong Google, trong các Web vẫn không tìm ra tấm hình nào của thầy. Email hỏi Thu Mai là người khá thân và từng học nhạc với thầy. Mai cho biết  thầy Duyệt rất tài hoa và đẹp trai nhưng thầy không có tặng hình cho ai và thầy cũng ít khi chụp hình. Thầy là giáo sư dạy Vạn Vật, dạy toán, dạy nhạc ở trường thời đó. Thầy dạy rất hay và  hay vẽ  bằng tay trái. Thầy có thể viết và vẽ bằng cả hai tay rất tài tình.

Hỏi kỷ niệm về thầy Mai kể là thầy có tặng cho Mai bản nhạc "Đường Chiều"  có hình nữ nghệ sĩ Kim Chi ngồi cắn móng tay e ấp lắm. Sau khi thầy rời trường khoảng một năm thầy có gửi thầy Hoàng về tặng  Mai bản nhạc Đường Chiều tái bản. Đó là ấn bản màu cam in đặc biệt dành tặng thân hữu. Hình bìa vẽ một thiếu nữ tóc ngắn rất đẹp. Bản vẽ ký tên họa sĩ Kha Thùy Châu là một họa sĩ nổi tiếng thời đó.  Thu Mai rất quý, giữ gìn cẩn thận cho đến ngày di tản. Vì quá lộn xộn nên đã làm mất nó. Rất buồn là thầy tài hoa nhưng vắn số. Trên chuyến vượt biên tìm tự do thầy và cả gia đình 13 người đã mất tích trên biển đông.

Ngày xưa chúng tôi có học  cô Hà Bích Loan, thầy Đoàn viết Biên và thầy Thân Trọng Hưng về môn Văn. Cô Bích Loan đã mất. Nhìn hình cô với nụ cười thật tươi tôi không khỏi bùi ngùi thương nhớ. Xin gửi một nén hương lòng đến với cô.  Hình thầy Đoàn Viết Biên tôi tìm được với râu ria ra dáng một nhà thơ  giống như Bùi Giáng. Tôi gửi hình thầy Hưng và thầy Biên đố nhóm bạn, không đứa nào nhìn ra hai ông thầy dạy văn ngày xưa của mình. Thời gian đã làm các thầy thay đổi rất nhiều.

Nhắc lại tôi mới nhớ thầy Nguyễn Thất Hiệp là thầy dạy Toán cho chúng tôi ngày đó. Vì Ban C Toán chỉ là môn phụ nên chắc thầy không còn nhớ đến chúng em đâu.  Rất mừng là bây giờ thầy vẫn còn giữ được sự trẻ trung, khỏe mạnh. Có lẽ thầy là một trong những người may mắn  không bị thời gian bào mòn, tàn phá dung nhan.

Chúng tôi học Vạn Vật do thầy Lâm Tấn Văn dạy. Vậy mà khi tìm hình thầy tôi vẫn  bị lẫn lộn họ tên thầy với thầy Nguyễn thế Văn. Thầy Phan Văn Dật và cô Tốt dạy Anh Văn. Thầy Mai Kiến Phúc dạy Lý Hóa . Nhìn nụ cười và gương mặt đôn hậu không thay đổi của thầy, chúng em nhận ra thầy ngay. Nhưng có lẽ thầy không nhớ tới em: Cô học sinh Tam C ngày nào.

Thầy Đinh Hữu Quyến dạy chúng tôi Pháp Văn.  Tụi tôi nhớ lại năm đó, năm Mậu Thân thầy về Huế ăn Tết. Khói lửa mù trời, người bị giết chôn tập thể nhiều biết bao nhiêu. Chúng tôi lo sợ nói với nhau không biết thầy có thoát không. Vừa sợ vừa thương, vừa vui vì được nghỉ liên tiếp những giờ học của thầy để rũ nhau đi chơi. Không ngờ thầy cũng tìm cách về lại trong Nam. Lớp Pháp văn sinh ngữ chính mà tụi tôi phải bị nhường lớp lại cho nhóm Anh Văn. Thầy trò kéo nhau vào học ở phòng thí nghiệm.  Nhỏ Kim Dung mừng thầy trở về an toàn bằng câu nói: ''Thầy về rồi. Em tưởng thầy chết rồi chớ." Câu nói rất vô duyên nhưng thầy không giận, chỉ cười dễ dãi và tha thứ cho nhóm học trò quỷ phá nhà chay.

Tôi cũng từng học thêm Pháp văn với thầy Đỗ Trọng Thạc. Ông thầy già lọm khọm, ít cười, nghiêm khắc nhưng rất tận tụy trong nghề. Lâu quá không có tin tức của thầy. Đọc danh sách các thầy đã mất, mới hay thầy đã qua đời. Thầy Thân Trọng Hưng, cô Hà Bích Loan, thầy Hồ Bá Vạn, thầy Phan Văn Dật cũng đã ra đi. Buồn quá!

 

Có lẽ Thu Mai là người nhớ nhiều nhất trong cả bọn chúng tôi. Bạn ấy nhớ từng chi tiết nhỏ thời đi học, vì bạn ấy sinh trưởng  tại Biên Hòa. Sáu năm học trường Ngô Quyền từ lớp Đệ Thất đến Đệ Nhị nên  bạn ấy biết nhiều về thầy cô.

 Nhắc đến thầy Bảo hiệu trưởng cả mấy đứa đều rét vì cái uy của thầy. Có một lần không biết Lưu Phú Nhường làm gì sai không biết. Thầy Phạm Đức Bảo đã tát ông lớp trưởng nho nhã, đẹp trai của lớp tôi một cái nảy lửa trước mặt đông đủ bạn bè. Cả lớp ngớ ra hết hồn, còn Lưu Phú Nhường mặt mày sượng ngắt không nói được lời nào.

Tuy nhiên không phải lúc nào thầy Bảo cũng nóng tánh như vậy. Nhiều lúc thầy cũng rất thông cảm với học trò. Bạn Mai kể như sau:

          Còn một chuyện vui nữa tui kể bạn có thể đưa lên mạng của trường ( tui nghĩ vậy, kể bạn nghe rồi tùy nghi nha ). Hồi đó mỗi năm khi Tết sắp đến đều có chương trình gởi thư ra tiền tuyến, mỗi học trò đều phải viết một thư cho chiến sĩ. Bạn tui là chị Nuôi, một người rất vui và nói chuyện cũng rất có duyên. Chị viết thư gởi ra tiền đồn cũng vui và tếu lắm. Viết xong chị không  nộp ngay cho thày hướng dẫn năm đó là thày Đỗ trọng Thạc mà đưa cho chúng tôi coi. Thày già, móm mém nên rất nghiêm. Tụi tui đọc thư của Nuôi viết cho các anh chiến sĩ, ai cũng ôm bụng cười bò. Tui giờ không nhớ hết nội dung thư, chỉ nhớ câu đầu tiên :

 

 "Các anh thân mến ,

Đêm đêm nằm gác chân lên trán, nghe chương trình Dạ Lan ......"

 

Tui không nhớ nỗi hết bức thơ nhưng chỉ nhớ là tụi tui cười nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng. Nộp lên cho thầy Thạc, không biết thày có tức cười không nhưng nghiêm khắc đưa thư xuống văn phòng. Tại phòng giáo sư các thày cô cũng cười bò. Riêng cô Loan cười ôm bụng luôn. Thày Bảo không biết có cười không, nhưng xách roi lên lớp doá doá :

- "Tụi bay muốn chết hả?. Chương trình Dạ Lan là chương trình Tâm lý chiến của chính phủ, tụi mày đem ra diễu cợt, lần sau tao đuổi hết cả .... ''

 

Thế là êm re, không đứa nào dám nhúc nhích, dù biết thầy dơ cao đánh sẽ để răn đe nhưng đứa nào cũng sợ.  Chao ơi, những ngày xưa thân ái đó, biết thuở nào quên phải không 2 bạn? 

Ngày xưa thân ái đó quả thật khó quên vì là những kỷ niệm thật đẹp. Thầy cô giáo dù cuộc sống có khó khăn thế nào cũng luôn giữ một tác phong mà người đời thường gọi là "Tác phong nhà giáo"  Cái tác phong đó khiến người thầy như một cội tùng đứng ngạo nghễ bất chấp phong ba và làm cho học sinh ngưỡng mộ và tôn kính.

Tôi một thời cũng đi dạy, thời gian dạy rất ngắn nhưng đó là những ngày êm đẹp nhất trong cuộc đời. Qua mấy chục năm, mọi thứ đều qua đi, phai phôi hết không để lại được gì. Chỉ riêng nghề giáo đã để lại cho tôi tình nghĩa sâu nặng với học trò. Tôi đã được các em giữ lại tiếng gọi "Cô tôi" một cách thương yêu và trang trọng.

Nó không phải đánh đổi bằng tiền hay vật chất. Nó là một thứ tình thiêng liêng gắn bó với nhau. Mãi mãi để yêu thương, mãi mãi để quý mến.  Không phải là bây giờ mới bắt đầu mà ngay từ thời cả nước VN còn ăn độn bo bo thay cơm.  Một chút bột ngọt, một chai nước tương cũng có giá trị vô cùng. Vậy mà học trò tôi cũng tìm cho ra cô giáo, để ôm nhau khóc, để chia sẻ cho nhau những muối mặn, gừng cay. Cô cám ơn các em nhiều lắm, những người học trò ngày xưa vẫn hướng về cô giáo cũ bằng cả tấm lòng.

Lễ Tạ ơn năm nay tôi có nhiều điều, nhiều người để  cám ơn, nhưng đối với thầy cô giáo tôi xin được trân trọng tri ân. Ngôi trường Ngô Quyền của tôi - ngôi trường xinh đẹp của cô thiếu nữ 16, 17 tuổi  háo hức  và mơ mộng nhìn vào cuộc sống rồi  ngơ ngác bước vào đời-. Chúng tôi,  nhóm học trò Trung học sống trong giai đoạn đất nước bước vào cơn lốc xoáy của cuộc chiến. Thi cử, đậu, rớt là nhát gươm chí mạng nhắm vào đời mình. Hoặc bước lên đại học hay vào quân ngũ. Được tiếp tục lên học trường Trưng Vương, Gia Long hoặc ở nhà đi làm hay lấy chồng.

Tôi xa Ngô Quyền từ năm 17 tuổi. Năm mươi năm xa trường xưa là một đoạn đường dài. Cô học trò năm xưa xin trân trọng tri ân thầy cô giảng dạy. Nhờ những bài giảng, nhờ những hạt mầm văn chương thầy cô gieo trồng, hôm nay tôi mới có thể ngồi viết những tư tưởng của mình một cách say mê. Cám ơn các thầy cô nhiều lắm.

Thầy nhìn xuống lớp,

Những ánh mắt mở to.

Ánh mắt trong veo của học trò

Sao đẹp quá những mầm non đất nước

Và nào có ai biết được,

Mấy chục năm sau gặp lại nơi này.

Nhóm học trò thơ ngây,

Tóc pha muối tiêu đã thành nội, ngoại

Trò nắm tay thầy rưng rưng kể lại.

Chuyện ngày xưa, chuyện của những gian lao.

Tù tội, vượt biên, khổ cực làm sao.

Giờ gặp lại thầy, hân hoan xúc động.

Thầy mừng vui, run run gậy chống

Nghề giáo thanh bần, ân sủng là đây

Học trò ngày xưa vụng dại thơ ngây

Giờ tụ hội sum vầy trân trọng.

Cám ơn thầy cô, cám ơn nhiều lắm.

Bài học ngày xưa theo gió mây bay,

Còn lại trong em lời nói của thầy.

Những dạy bảo về con người và cuộc sống.

Thầy cô như ánh trăng cao lồng lộng.

Dõi theo em lời giáo huấn ngày xưa.

Công ơn thầy cô biết mấy cho vừa

Xin nhận nơi đây lời tri ân trân trọng nhất.

 

Nguyễn thị Thêm.

Mùa tạ ơn 2015

 

PHỤ ĐÍNH:

 

*Xin bấm vào link bên dưới để thưởng thức:
 

 

 

27 Tháng Hai 2010(Xem: 32115)
Chưa có “cơ duyên hạnh ngộ” với Thầy Lê Quý Thể ở quê người, nhưng các CHS NQ luôn nhớ đến ông Thầy trẻ vừa có nhiệt tâm của một nhà giáo, vừa có tinh thần quyết thắng của một người mê thể thao...
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 38720)
Nhân mùa Thanksgiving, Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, xin được kết hợp hai truyền thống tốt đẹp nhất của Đông và Tây để viết lên những lời tạ ơn chân thành từ tâm hồn của những chsNQ năm xưa ở cả hai thế hệ "nghi bất hoặc" và "tri thiên mệnh" với các Thầy Cô sắp hoặc đã bước vào tuổi "cổ lai hy".
21 Tháng Mười 2009(Xem: 16984)
Ngay cả những lớp CHS NQ vào trường sau này, chỉ được gặp Thầy ở Mỹ những năm gần đây cũng có nhiều ấn tượng rất tốt đẹp về Thầy và “… cứ tưởng tượng cái dáng cao cao của Thầy đi bách bộ thong dong trong trưa hè nắng chói của đường Bolsa, giữa đời sống bon chen, tất bật ở Mỹ giống như cái dáng của các tiên ông hiền từ đi dạo ở cõi trần tục trong truyện cổ tích đã đọc thời còn nhỏ…”
12 Tháng Mười 2009(Xem: 34313)
Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung...
09 Tháng Mười 2009(Xem: 15137)
Một Góc Thầy Trò - Thầy Mai Kiến Phúc. Một đ i ều đặc biệt về Thầy Mai Kiến Phúc là Thầy rất yêu nghề đi dạy, và dù chỉ được đứng trên bục giảng 14 năm (1965-1979) nhưng suốt thời gian đó, Thầy liên tục ..."gõ đầu trẻ" ở Trung học Ngô Quyền với môn Vật Lý.
20 Tháng Bảy 2009(Xem: 34102)
Trong số những "nhà thơ học trò" này, có hai anh Hồ Văn Tân và Hà Xuân Son mà sáng tác từ tâm tình của hai anh thời mới lớn đã bày tỏ được lòng biết ơn Thầy Hoàng Phùng Võ, thầy giáo Việt văn lớp Đệ Ngũ B2 (nk 1958-1959 )
02 Tháng Sáu 2009(Xem: 37224)
Ba mươi năm sau, bên đời lưu lạc, ở tuổi nửa đời người, các cô, các bé ngày xưa mới biết một số Thầy Cô cũ đã từng là học trò Ngô Quyền như mình. Dù muộn màng, “Một góc Thầy Trò” xin được giới thiệu “Những CHS NQ trên bục giảng” để vinh danh các CHS NQ cũng là các Thầy Huỳnh Quan Phận, Diệp Cẩm Thu; các Cô Hà Thị Nhung, Liêng Tuấn Tài, Phạm Thị Hạnh.
26 Tháng Năm 2009(Xem: 37089)
Dưới đây là lá thư của CHS NQ Võ Thị Tuyết Mai, và những bạn bè, đồng nghiệp đã gửi cho Cô Ma Thị Ngọc Huệ, khi được tin Thầy Nguyễn Phong Cảnh từ trần vào ngày 4 tháng 1 năm 2006 tại California.
16 Tháng Năm 2009(Xem: 58159)
“Một góc Thầy Trò” hôm nay mời bạn quay về quá khứ của Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), thế hệ học sinh đầu tiên của Trung học Ngô Quyền – với “chị cả ” Lương Thị Khá đ ang định cư ở Boston, Massachusetts.
07 Tháng Năm 2009(Xem: 81185)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…
30 Tháng Tư 2009(Xem: 36749)
Được sự đồng ý của tác giả – CHS NQ Nguyễn Ngọc Xuân - một bức thư rất cảm động gởi cho Thầy giáo cũ (Thầy Nguyễn Văn Phố) , “ Một góc Thầy Trò ” xin mời bạn cùng đọc lời tâm tình của một học sinh rất giỏi với Thầy giáo dạy Toán thời anh Xuân còn ngồi ghế NQ.
26 Tháng Năm 2008(Xem: 18008)
Các em thân mến, Tôi xin mạn phép, gọi các cựu học sinh của tôi bằng danh từ thân ái " các em ". Các em hôm nay đã ở vào địa vị " ông nội ", hay " bà ngoại ", hay là bậc cha mẹ. Các em không còn học sinh nhỏ bé, đáng yêu, nghịch ngợm của tôi.