Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 40 - TẠ ƠN THẦY CÔ - THANKSGIVING 2014

20 Tháng Mười Một 20143:10 SA(Xem: 27020)
MGTT 40 - TẠ ƠN THẦY CÔ - THANKSGIVING 2014


MGTT 40 - TẠ ƠN THẦY CÔ - THANKSGIVING 2014

nho on thay co-1

 

Tháng 11, cuối năm lấp ló rất gần, người ta chuẩn bị tạ ơn ân nhân, tạ ơn cả cây cỏ, đất trời cho mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt đẹp nuôi con người ăn no mặc ấm. Nhân Lễ Tạ ơn ở Mỹ, xin nhắc lại vài kỷ niệm thời Trung học và xin cảm tạ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, công ơn dạy dỗ, bảo ban của thầy cô trong suốt thời đèn sách.

 

Thầy Phạm Tấn Bình (Pháp văn) và 7/8 – K15


thay bình-1 Lâu lâu gặp nhau, sau ba điều bốn chuyện hỏi thăm nhau, bao giờ chúng tôi cũng có những câu đối thoại không thể thiếu:

- Có tin gì mới về mấy thầy cô không?

- Cũng không có gì mới, hy vọng "no news is good news"

...

- Lâu ghê tụi mình không gọi điện thoại thăm Thầy Bình.

- Gọi liền bây giờ nghe.

Tiếng Thầy vọng qua miền Tây Nam từ vùng Đông Bắc của Mỹ nghe vẫn như xưa, không khác giọng nói Saigon trầm ấm của Thầy dạy Pháp Văn (như chương trình) và lễ nghĩa (những lúc đã học xong bài) ngày chúng tôi còn ngồi ở ghế Ngô Quyền .

- Thầy cảm ơn tụi em lúc nào cũng nhớ đến Thầy.

Không hẹn mà cả bọn cùng lên tiếng qua speaker phone: "Đó là bổn phận của học trò với thầy cô giáo cũ, tụi em phải cảm ơn Thầy mới đúng"

Khi bầu trời trở nên xám đục dưới cái lạnh của mùa Đông ở Bắc Mỹ, từ Toronto, bác sĩ C. (7/8 ngày xưa) chân mang ủng, đầu đội tuyết, ra Bưu điện gởi thuốc suyễn từ Canada qua Mỹ cho Thầy. Các nam sinh khóa 15 nhớ rất rõ Thầy Phạm Tấn Bình vì Thầy vừa dạy mỗi tuần 6 giờ Pháp văn vừa là GS Hướng dẫn liên tục 3 năm từ lớp 7 đến lớp 9. Từ năm lớp 7, cả lớp đã thấy Thầy lên cơn suyễn, không thở được ở một giờ học cuối tháng 12 khi trời trở lạnh. Học trò lớp 7 xanh mặt vừa sợ vừa thương Thầy mà không biết phải làm gì?

 

Bao nhiêu năm trôi qua, những cậu bé lớp 7 ngày xưa, bây giờ là những ông trung niên, hai vai nặng gánh áo cơm, tâm trí đủ thứ lo toan của một người chủ gia đình, ưu tư của một người Việt Nam yêu nước, nhưng vẫn không quên vị Thầy cũ thường bị những cơn suyễn kéo về hành hạ khi trời trở lạnh.

 

 

Cô Trần Thị Minh Tâm (Sử Địa) và 7/1 – K15

 

Cô dạy chúng tôi chỉ một giờ Sử mỗi tuần nhưng chúng tôi nhớ Cô rất nhiều vì hình như Cô là một trong số những GS trẻ nhấtCô Minh Tâm trường NQ đầu thập niên 70. Hồi đó còn non nớt, khờ dại, không đoán được Cô mấy tuổi nhưng trông Cô không khác các anh chị học lớp 12 nhiều lắm, nhất là vào những hôm Cô mặc áo màu nhạt. (Chưa thấy Cô mặc áo dài trắng bao giờ, có lẽ vì sợ bị lầm là học trò.)  

Có lần Cô cùng Cô Ngô Bích Liên dẫn chúng tôi đi cắm trại một ngày ở núi Châu Thới. Cô Liên dạy nữ công nên đã hướng dẫn học trò chuẩn bị thức ăn. Cô Tâm là quản trò, điều khiển chúng tôi chơi các trò tập thể.

Cả một đoàn học trò con gái lớp 7 đạp xe mini chở nhau hay đi một mình, đi hàng hai nối đuôi nhau rất kỷ luật. Cô Liên chở Cô Tâm trên chiếc Yamaha màu xanh dương, chạy lên chạy xuống từ đầu đến cuối đoàn, make sure không có đứa nào bị … bốc hơi dọc đường.

Buổi cắm trại hôm đó vui và để lại trong ký ức chúng tôi nhiều kỷ niệm cho đến tận bây giờ. Một trong những hình ảnh chúng tôi nhớ nhất là trò chơi đố vui để học, đặc biệt là môn Sử, vì Cô Tâm là GS dạy Sử của chúng tôi năm đó. Cô Tâm điều khiển chương trình, Cô Liên làm giám khảo. Các Cô vui lắm vì học trò rất ngoan, và thuộc Sử. Khi trao phần thưởng tinh thần cho cá nhân và đội thắng giải, Cô Tâm cười rất tươi và nửa đùa nửa thật:

- Thuộc Sử như thế thì sau này có phải đi đến chân trời góc bể nào chắc chắn các em cũng nhớ mình là người Việt Nam với 4000 năm văn hiến.

Lời nói đùa năm xưa thành sự thật. Biến cố tháng 4 năm 1975 làm một số chs Ngô Quyền phải sống lưu lạc ở khắp mọi nơi, cách xa quê nhà bằng cả một đại dương. Đúng như Cô Tâm đã... tiên tri 40 năm trước, chúng tôi không quên Việt Sử mặc dù có rất nhiều thứ học được năm xưa đã rơi rớt dọc đường theo năm tháng…

Chúng tôi nhớ đến Cô Ngô Bích Liên không chỉ ở những đường kim mũi chỉ, nhớ đến Cô Trần Thị Minh Tâm không chỉ ở các bài Việt Sử mà còn nhớ đến các Cô với những lời khuyên đầy thương yêu, chân tình. Mỗi mùa Lễ Thanksgiving, chúng tôi vẫn thầm cầu nguyện cho Cô Liên được an vui ở cõi vĩnh hằng dù thân xác Cô đã mãi mãi nằm lại ở Thái Bình Dương, và thầm thưa với Cô tụi em vẫn nhớ giữ nết na con gái. Cũng xin thay mặt cả lớp gởi lời tạ ơn và mong Cô Tâm luôn vui khỏe ở New York với con và cháu, tụi em sẽ không bao giờ quên cô giáo dạy Sử ngày xưa.

Thầy Lê Quý Thể (Lý Hóa), Thầy Lê Văn Túy (Toán) & các lớp Đệ Nhất B


Thay The

Kỷ niệm của mỗi chs NQ, mỗi khóa, mỗi lớp với Thầy Cô vẫn rõ nét dù là trong các giờ học cuối bậc Trung học bài vở ngập đầu của các anh chị lớp 12, vẫn có những tiếng cười trong trẻo khi Thầy Lê Quý Thể nhắc nhở học trò :

 - Chịu khó học hành để đậu tú tài, nghề nào cũng quý, nhưng sau này  tôi không muốn gặp lại các anh đạp xích lô.

 

 




ThayLeVanTuyvaNQK9

Thầy Lê Văn Túy (đứng, đeo kính đen) và hai lớp Đệ Nhất B2/ B3 khóa 9

 

Các Thầy Cô bằng kiến thức và nhiệt tâm, ra sức đưa từng con đò, từng khóa, qua khúc sông Trung học. Không phụ ơn Thầy Cô, chs NQ đã có mặt đủ ở các trường Đại học ở Saigon, các trường Đại học ở Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Úc... từ cuối thập niên 60. Các anh vào quân trường cũng là những sĩ quan giỏi, các anh bên hành chánh vào đầu năm 1975 cũng đã là Trưởng Ty ở một Tỉnh VNCH. Nhiều anh chị đã nối tiếp bước của các Thầy Cô đứng trên bục giảng NQ dạy lại các lớp đàn em.

Thấp thoáng sau những thành công đó có công sức của những Thầy Cô NQ năm xưa, những người đưa chúng ta đến bờ bến thành đạt.

Ngay cả các anh chị bị "thủa trời đất nổi cơn gió bụi" cuốn bay mất ước vọng và tương lai, phải vất vả ngược xuôi, vẫn còn nguyên tư cách của một chs NQ được học đạo làm người từ các Thầy Cô dạy Cổ Văn, từ các Thầy Cô dạy Công dân giáo dục. Và vẫn canh cánh bên lòng "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy".

 

Tri onNhân dịp Lễ Tạ Ơn,  xin gởi những cánh hoa hồng đến quý Thầy Cô bên cạnh lời cảm ơn bằng chữ nghĩa mỗi năm. Cựu học sinh Ngô Quyền chưa, và sẽ không bao giờ quên ơn những người đã truyền đạt kiến thức, đã dạy điều hay lẽ phải cho mình

 

Xin thắp lên ngọn nến tưởng niệm các cựu giáo sư Ngô Quyền đã quá cố. Xin đặc biệt thắp nén hương lòng cho quý Thầy Cô vừa khuất bóng năm 2014: Cô Phạm Thị Hạnh Tuong nho(1949-2014), Thầy Nguyễn Xuân Hoàng (1937-2014)

 



Nguyễn Trần Diệu Hương
Thanksgiving 2014
 



Cũng cảm ơn Thầy Cô bằng thơ qua "Lời Ru Của Thầy" của Đoàn Vị Thượng và tưởng nhớ các Thầy Cô đã khuất bóng với "Đôi mắt của Thầy" của Trần Kiêu Bạc

Xin cảm ơn đời sống và những tình cờ đã cho chúng ta biết, quý mến nhau dưới mái trường Ngô Quyền yêu dấu ngày xưa. Hạnh ngộ đó đã trải dài theo bước chân lưu lạc của Thầy trò NQ ở khắp thế giới với tình nghĩa Thầy trò như "rượu chát càng cổ xưa càng dịu ngọt".


Ngo Quyen

 
Lời Ru Của Thầy

Mỗi nghề có một lời ru
Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này
Lời ru của gió màu mây
Con sông của mẹ đường cày của cha

Bắt đầu cái tuổi lên ba
Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em
Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm
Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu!

Thầy không ru đủ nghìn câu
Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời
Tuổi thơ em có một thời
Ước mơ thì rộng như trời, ngàn năm

Như ru ánh lửa trong hồn
Cái hoa trong lá, cái mầm trong cây
Thầy ru hết cả mê say
Mong cho trọn ước mơ đầy của em.

Mẹ ru em ngủ tròn đêm
Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày
Trong em hạt chữ xếp dày
Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm

Từ trong vòm mát ngôi trường
Xin lời ru được dẫn đường em đi
(Con đường thầy ngỡ đôi khi
Tuổi thơ lăn một vòng bi tới rồi!)

Hẳn là thầy cũng già thôi
Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em
Thì dù phấn trắng bảng đen
Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình

Đoàn Vị Thượng
 

ĐÔI MẮT CỦA THẦY

 Chiều qua đôi mắt ấy khép lại rồi
Trời đang xanh mây trở màu tím ngắt
Mắt chúng con cay trộn ngàn hạt cát
Khóc đôi mắt Thầy, bảo vật thân yêu
 
Chúng con về mang ánh mắt đi theo
Tia nhìn bao dung từ lòng bục giảng
Khi chúng con ngã dài trong cuộc sống
Cũng đôi mắt nầy âu yếm vực lên
 
Bài Sử bài Văn như có hồn thêm
Theo lời giảng mắt Thầy như có lửa
Khóc Lệ Chi Viên, hận lòng Nguyễn Trải
Buồn Tây Hồ theo Thị Lộ Bán chiếu gon
 
Thầy đem chúng con đến Sử Việt gần hơn
Mắt nhìn xa thâú nỗi lòng Thi Sách
Kể qua cuộc đời anh thư Trưng Trắc
Mắt Thầy vui theo nợ nước thù chồng
 
Những hộc bàn giấu vài trái me non
Trong tầm mắt Thầy trên cao nhìn xuống
Cây phượng già góc sân trường lưu luyến
Cũng đỏ hoe theo mắt đỏ học trò
 
Không có Thầy không đôi mắt âu lo
Cổng trường xưa tiếc Thầy như hiu hắt
Không có ưu tiên nào dành riêng cho đôi mắt
Nên mắt khép rồi trong cõi nhớ ngược xuôi
 
Chúng con giữ hoài đôi mắt của Thầy thôi!
 
TRẦN KIÊU BẠC 


 

Cuối cùng xin được tạ ơn quý Thầy Cô bằng bài hát "Ơn Thầy" của Tâm Thơ,
Ngô Nguyễn Trần, Lê Huỳnh hòa âm, qua giọng hát của Quỳnh Lan.



27 Tháng Hai 2010(Xem: 32123)
Chưa có “cơ duyên hạnh ngộ” với Thầy Lê Quý Thể ở quê người, nhưng các CHS NQ luôn nhớ đến ông Thầy trẻ vừa có nhiệt tâm của một nhà giáo, vừa có tinh thần quyết thắng của một người mê thể thao...
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 38731)
Nhân mùa Thanksgiving, Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, xin được kết hợp hai truyền thống tốt đẹp nhất của Đông và Tây để viết lên những lời tạ ơn chân thành từ tâm hồn của những chsNQ năm xưa ở cả hai thế hệ "nghi bất hoặc" và "tri thiên mệnh" với các Thầy Cô sắp hoặc đã bước vào tuổi "cổ lai hy".
21 Tháng Mười 2009(Xem: 16985)
Ngay cả những lớp CHS NQ vào trường sau này, chỉ được gặp Thầy ở Mỹ những năm gần đây cũng có nhiều ấn tượng rất tốt đẹp về Thầy và “… cứ tưởng tượng cái dáng cao cao của Thầy đi bách bộ thong dong trong trưa hè nắng chói của đường Bolsa, giữa đời sống bon chen, tất bật ở Mỹ giống như cái dáng của các tiên ông hiền từ đi dạo ở cõi trần tục trong truyện cổ tích đã đọc thời còn nhỏ…”
12 Tháng Mười 2009(Xem: 34322)
Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung...
09 Tháng Mười 2009(Xem: 15141)
Một Góc Thầy Trò - Thầy Mai Kiến Phúc. Một đ i ều đặc biệt về Thầy Mai Kiến Phúc là Thầy rất yêu nghề đi dạy, và dù chỉ được đứng trên bục giảng 14 năm (1965-1979) nhưng suốt thời gian đó, Thầy liên tục ..."gõ đầu trẻ" ở Trung học Ngô Quyền với môn Vật Lý.
20 Tháng Bảy 2009(Xem: 34108)
Trong số những "nhà thơ học trò" này, có hai anh Hồ Văn Tân và Hà Xuân Son mà sáng tác từ tâm tình của hai anh thời mới lớn đã bày tỏ được lòng biết ơn Thầy Hoàng Phùng Võ, thầy giáo Việt văn lớp Đệ Ngũ B2 (nk 1958-1959 )
02 Tháng Sáu 2009(Xem: 37280)
Ba mươi năm sau, bên đời lưu lạc, ở tuổi nửa đời người, các cô, các bé ngày xưa mới biết một số Thầy Cô cũ đã từng là học trò Ngô Quyền như mình. Dù muộn màng, “Một góc Thầy Trò” xin được giới thiệu “Những CHS NQ trên bục giảng” để vinh danh các CHS NQ cũng là các Thầy Huỳnh Quan Phận, Diệp Cẩm Thu; các Cô Hà Thị Nhung, Liêng Tuấn Tài, Phạm Thị Hạnh.
26 Tháng Năm 2009(Xem: 37102)
Dưới đây là lá thư của CHS NQ Võ Thị Tuyết Mai, và những bạn bè, đồng nghiệp đã gửi cho Cô Ma Thị Ngọc Huệ, khi được tin Thầy Nguyễn Phong Cảnh từ trần vào ngày 4 tháng 1 năm 2006 tại California.
16 Tháng Năm 2009(Xem: 58168)
“Một góc Thầy Trò” hôm nay mời bạn quay về quá khứ của Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), thế hệ học sinh đầu tiên của Trung học Ngô Quyền – với “chị cả ” Lương Thị Khá đ ang định cư ở Boston, Massachusetts.
07 Tháng Năm 2009(Xem: 81207)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…
30 Tháng Tư 2009(Xem: 36758)
Được sự đồng ý của tác giả – CHS NQ Nguyễn Ngọc Xuân - một bức thư rất cảm động gởi cho Thầy giáo cũ (Thầy Nguyễn Văn Phố) , “ Một góc Thầy Trò ” xin mời bạn cùng đọc lời tâm tình của một học sinh rất giỏi với Thầy giáo dạy Toán thời anh Xuân còn ngồi ghế NQ.
26 Tháng Năm 2008(Xem: 18011)
Các em thân mến, Tôi xin mạn phép, gọi các cựu học sinh của tôi bằng danh từ thân ái " các em ". Các em hôm nay đã ở vào địa vị " ông nội ", hay " bà ngoại ", hay là bậc cha mẹ. Các em không còn học sinh nhỏ bé, đáng yêu, nghịch ngợm của tôi.