Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 36 - TẠ ƠN THẦY CÔ - THANKSGIVING 2013

26 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 16389)
MGTT 36 - TẠ ƠN THẦY CÔ - THANKSGIVING 2013


MGTT 36 - TẠ ƠN THẦY CÔ - THANKSGIVING 2013

 

Lời Tạ ơn bằng chữ nghĩa xin được viết ra mỗi năm nhân mùa Lễ Tạ ơn ở Bắc Mỹ. Ơn dày sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ơn sâu dạy dỗ bảo ban của thầy cô là hai ơn lớn nhất trong mỗi đời người. Không một ngôn từ nào có thể trả đủ ơn sâu. Nhưng xin được nhắc lại mỗi năm với các bậc sinh thành,cùng các thầy cô đã ít nhiều góp phần tạo nên chúng ta hôm nay: chúng con không bao giờ quên ơn.

Ở một góc sâu nhất của tâm hồn là lòng biết ơn, vẫn được thắp sáng mỗi năm. Dù đã rời trường lâu lâu lắm rồi, xin về lại MGTT để cùng nhớ đến quý Thầy Cô đã uốn nắn chúng ta không chỉ về kiến thức mà còn về đạo làm người , và xin cùng gởi lời tạ ơn trong tâm tưởng đến các vị lái đò đã nhẫn nại đưa chúng ta qua khúc sông Trung học trong biển học mênh mông của đời người.


on_thay-co1-content



 

Xin được mở đầu mùa tạ ơn 2013 của Hội chs NQ với lời thơ của anh Đỗ Công Luận:


Tạ ơn thầy đã tận tình.

Cho con rộng cửa tử sinh tâm hồn.

Cô dạy chữ nghĩa tinh khôn.

Trao tay đuốc sáng chỉ đường chúng con.


80__dcluan2-content

Đỗ Công Luận (Biên Hòa- Việt Nam)


Và cùng chị Hà Thu Thủy thắp một nén huơng lòng đến cố giáo sư Việt văn Hà Bích Loan


26-6-2013 HOÀNG HÔN TRÊN BẾN SÔNG

 Em thấy cô trong bài thơ sinh nhật

Viết từ thời mười bốn tuổi xa xôi

 Năm đệ tứ dưới mái trường ngọt mật

 Cô giảng thơ Kiều tóc mượt buông lơi

 Em nhớ cô qua bài thơ sinh nhật

 Bốn mươi bảy năm ,giấy đã ố vàng

 Hoa ngọc lan mưa về thơm ngào ngạt

 Chốn vĩnh hằng cô yên nghỉ bình an

 Bến sông Chùa lãng đãng bóng hoàng hôn

 Có một vầng mây lênh đênh phía ấy

 Cô đã đi vào thiên đường yên ổn

 Nước dòng sông ôm giữ chút tro gầy.


htthuy-1-content

Hà Thu Thủy (Biên Hòa- Việt Nam)

 

Cùng nghe các chs NQ thuộc nhiều niên khóa ở khắp nơi trên thế giới bày tò lòng biết ơn chân thành đến các Thầy Cô của mình:

 

Chúng ta nên hãnh diện và tự hào đã có một căn bản vững chắc dưới sự dạy dỗ tận tụy của Thầy Cô cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở xứ lạ quê người hay nhập vào nền văn hóa cùng giáo dục ở quê hương thứ hai. (Thầy Cô ơi, con biết rằng con không thể đền công ơn dạy dỗ của Thầy Cô, không biết bao giờ con gặp lại đượcThầy Cô để tỏ lòng tri ân).

tran_thi_lan-content

Trần Thị Lan (Florida, USA)

 

Tôi nhớ đến trường Ngô Quyền với các Thầy Cô thân thương truyền giảng những kiến thức để chúng tôi làm hành trang đi vào đời. Ngày ấy các Thầy Cô còn trẻ lắm với lòng đầy nhiệt huyết, tận tâm trong công tác giảng dạy, mong cho học trò của mình trở thành những người trưởng thành với đầy đủ Chân Thiện Mỹ để giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội sau nầy. Đôi khi Thầy Cô biểu lộ sự nghiêm khắc để học sinh mình chăm chỉ học hành, nhưng đằng sau sự nghiêm khắc đó là cả một tấm lòng tận tuỵ với nghề nghiệp, không quản khó nhọc và đầy tình thương mến.

pthuu_hanh-content

Phạm Thị Hữu Hạnh (Washington –USA)

 

Lời giảng bài của thầy Phiên (Toán), thầy Cát (Toán), thầy Lang (Pháp văn), thầy Chước (Anh Văn), cô Oanh ( Sử Điạ), thầy Bích (Triết) , thầy Phúc (Lý Hóa) ngày nào vẫn đầy uy lực trong tôi. Đó là những nhịp cầu đầu tiên đưa tôi vào đời mà bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy cần mang ơn đến trọn đời.

tran_ngoc_danh-1-content

Trần Ngọc Danh (Sacramento, CA – USA)

 

Cô Bích Liên dạy tôi môn Nữ Công vào những năm đầu trung học. Tuy là cô giáo của mình nhưng tôi vẫn coi cô như một người chị. Cô có dáng người mảnh khảnh với mái tóc dài ngang lưng. Khuôn mặt cô nhỏ nhắn thanh tao. Giọng nói miền Nam của cô lúc nào cũng dịu dàng và ngọt ngào. Tôi rất yêu thích giờ học của cô. Khác với những môn học kia, trước giờ cô, tôi không phải tập trung tư tưởng, lẩm nhẩm học thuộc bài để rồi trong giờ học, ngồi dưới bàn học nhìn lên, hồi hộp, cầu xin thầy cô đừng gọi đến tên mình. Qua sự hướng dẫn của cô, tôi đã biết cách thêu thùa. Từ những mũi thêu đơn giản như mũi dây chuyền, mũi chữ thập đến những mũi khá phức tạp như mũi xương cá đơn, mũi xương cá kép. Ngoài ra cô còn dậy tụi tôi vá quần áo, làm khuy áo, rua khăn “mouchoir” (handkerchief). Vụng về như tôi, việc rua khăn là một sự thử thách rất lớn. Nào là rút chỉ chung quanh khăn rồi rua trên, rua dưới. Đã vậy cũng chưa hết. Phải luôn chung quanh nẹp của khăn để khăn không bị xổ ra. Thật là một kỳ công. Ấy thế mà cũng xong. Tin tưởng vào khả năng của lũ học trò, một hôm gần Tết, cô nói tụi tôi mỗi đứa thêu một cái khăn “mouchoir” để gởi tặng các anh chiến sĩ đóng quân ở các tiền đồn hẻo lánh. Tôi háo hức ra công. Cái miếng vải “teteron” trắng vô tri bỗng dưng trở nên có hồn. Tôi mê say thêu khăn. Tôi thêu khăn với cả tâm tình trìu mến và biết ơn của một người em gái hậu phương đến một người quân nhân nơi tiền tuyến. Chiếc khăn tay trắng được thêu với cành hoa mai vàng rực rỡ ở một góc. Ở góc đối diện là tên của tôi và tên của trường. Sau đó tôi cẩn thận ướp tác phẩm của mình với vài giọt nước hoa Tabu mà tôi đã lấy trộm của chị tôi. Khăn gởi đi rồi, tôi thấp thỏm , mơ màng, chờ tin của người lính không chân dung. Không biết anh lính nào sẽ nhận được chiếc khăn của tôi nhỉ? Trong giấc mơ, tôi thấy anh đến tìm tôi ở cổng trường, tay cầm chiếc khăn “mouchoir” với cánh mai vàng ở một góc. Ở văn phòng giáo sư nhìn ra, cô Liên tủm tỉm miệng cười. Cô Liên ơi, tuy giờ đây cô không còn ở trên thế gian này nữa nhưng em vẫn còn nhớ và mang ơn cô, nhất là mỗi khi lên gấu quần hay vá quần áo cho những đứa con của em.

hanhp-content

Phạm Thị Hạnh (Australia)

 

Hồi đó mới vào Trung học trong mắt của chúng tôi, Ba Mẹ và Thầy Cô luôn luôm là khuôn mẫu để chúng tôi noi theo. Các Thầy Cô không chỉ dạy chữ nghĩa cho chúng tôi mà còn dạy đạo làm người, nhất là các Cô đã chỉ bảo chúng tôi nhiều thứ:

- Con gái phải dịu dàng, nhỏ nhẹ. Ra đường thấy đám ma phải ngã mũ chào. Vào bệnh viện phải im lặng để người bệnh được yên tĩnh nghỉ ngơi...

Sau này lớn lên, nhất là lúc ở các trại tỵ nạn một mình ở tuổi mới ngoài hai mươi, tôi cứ nhớ lại ra nét dịu dàng của Mẹ, cũa cô Đinh Thị Hòa, cô Đỗ Thị Diêp, những câu thơ từ "Gia huấn ca" của cụ Nguyễn Trải (mà cô Bạch Thị Bê đã phân tích rất kỹ cho chúng tôi ở lớp 7/1 năm xưa)

 "Trai thời trung hiêu làm đầu

Gái thời đức hạnh làm câu trau mình"

để sống xứng đáng là con của Ba Mẹ tôi, là học trò của các Thầy Cô ở Ngô Quyền.

Hôm nay bớt dại khờ hơn thời còn học Ngô Quyền, tôi vẫn còn học được rất nhiều kinh nghiệm sống từ quý Thầy Cô ở California, ở Mỹ, ở khắp nơi trên thế giới qua điện thoại và Email.

Rất riêng xin kính cảm ơn quý Thầy Cô dạy Toán (ở Ngô Quyền xưa) : Nguyễn Văn Đức, Huỳnh Kim Thân, Khương Văn Biền, Nguyễn Phi Long, Trần Thiện Cơ, Diệp Cẩm Thu, Hà thị Nhung, Liêng Tuấn Tài ; và quý Thầy Cô dạy Việt văn: Nguyễn Thị Nguyệt, Lê Thị Thanh, Bạch Thị Bê, Nguyễn Thị Diệp, Trương Hữu Hạnh, Trương Hữu Chí. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, em quên gần hết mọi lời giảng ngày xưa , nhưng nền tảng suy luận và đạo làm người quý Thầy Cô đặt vào trong em và các bạn cùng lớp còn đó không nhòa. Xin một lẩn nữa, tri ân quý Thầy Cô những năm đầu Trung học của em ở Ngô Quyền yêu dấu ngày xưa.

dieu_huong-large-content-1-content

Nguyễn Trần Diệu Hương (Santa Clara, CA- USA)

 

Xin được khép MGTT36 với lời tri ân của anh Trần Hữu Phúc ghi nhận bao sự tận tâm của Thầy Cô Ngô Quyền dành cho học trò của mình:

 

Thầy Lê Văn Túy dạy môn toán năm đệ nhất rất giỏi và đã góp phần giúp nhiều học trò cũ được lọt vào “tung hoành” trong Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ. Sau đó là Cô Phan Thị Tốt dạy môn Anh Văn năm đệ nhất hết sức tận tụy, có lẽ cô có tài “bấm độn” biết trước đám học trò sau này tha hương qua Cali cần vốn liếng sinh ngữ để... trả nợ áo cơm.

Nói chung năm xưa, phần đông thầy ra thầy và trò ra trò. Tình nghĩa thầy trò quý mến nhau bất vụ lợi, mà thời đại bây giờ chắc khó tìm thấy được.

99_tranhuuphuc1-content

Trần Hữu Phúc (Germany)

 

Cuối cùng, vào tối ngày Lễ Tạ ơn, xin được thắp lên một ngọn nến soi sáng công ơn cha mẹ, thầy cô, và một nén hương lòng cho các đáng sinh thành cùng các Thầy Cô đã về với hạc nội mây ngàn.

 

 ta_on-content

 

30 Tháng Chín 2012(Xem: 20729)
Nhìn đám học trò cứ như từ cung trăng mới xuống, Thầy bảo “Thôi, cứ nhớ ít thôi, bốn chữ là đủ, Tu Tề Trị Bình, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Eo ôi! Thầy dạy học trò đệ tứ nuôi mộng lớn “trị quốc, bình thiên hạ“.
07 Tháng Chín 2012(Xem: 17181)
Cả học trò anh (chị) lẫn học trò em đều nhớ đến quý Thầy cũng như tất cả Thầy Cô đã dạy bảo chúng tôi thời mới lớn. Ngày xưa, chúng tôi học Toán từ quý Thầy; bây giờ, chúng tôi học được những kinh nghiệm sống quý báu từ Thầy.
20 Tháng Tư 2012(Xem: 23164)
MGTT số 24 được thực hiện không những với tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo" mà còn bằng tất cả tấm lòng, tình thương yêu, sự quý mến, trân trọng của ChsNQ dành cho Thầy Hiệu Trưởng,
08 Tháng Ba 2012(Xem: 15781)
Chưa có dịp gặp lại Cô Hòa, học trò của Cô thuộc rất nhiều niên khóa xin mượn "Một góc Thầy trò" để cùng bạn bè xưa nhớ lại một thời êm đềm trong các giờ Pháp văn năm lớp 7.
22 Tháng Mười Một 2011(Xem: 20839)
Xin tạ ơn các đấng sinh thành đã nuôi dạy chúng ta nên người. Xin tạ ơn Thầy Cô đã giảng dạy cho chúng ta những kiến thức đầu đời suốt một thời thơ dại.
22 Tháng Mười Một 2011(Xem: 53453)
KÍNH CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ TOÀN THỂ CHS NGÔ QUYỀN, BIÊN HÒA MỘT NGÀY LỄ TẠ ƠN THẬT HẠNH PHÚC, ĐẦM ẤM BÊN GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI THÂN.
07 Tháng Mười Một 2011(Xem: 17701)
Những bài học sơ khai về thân phận con người, về thế giới quan và nhân sinh quan thầy dạy chúng tôi còn dang dở, thì cơn lốc dữ đã xô dạt thầy trò chúng tôi tan tác muôn nơi…
26 Tháng Chín 2011(Xem: 16763)
Cô yêu văn chương Việt Nam, đặc biệt là Cổ văn, nên dạy học trò không chỉ bằng sách giáo khoa mà còn bằng trái tim. Vì vậy, Cô đã góp phần lớn đào tạo được nhiều thi sĩ học trò.
22 Tháng Ba 2011(Xem: 19243)
Cụ Dương quảng Hàm là một nhà giáo có công dựng nền tảng cho văn học Việt Nam, một người uyên bác, tài hoa đã bị “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” nên đã lìa đời lúc chưa đến 48 tuổi...
30 Tháng Mười Một 2010(Xem: 62777)
Cô Trần Thị Hương, nguyên giáo sư dạy môn Quốc văn ở Trung học Ngô Quyền từ năm 1966 đến năm 1973, đã đột ngột qua đời ngày 26 tháng 11 năm 2010 ở Santa Clara, California,
18 Tháng Mười Một 2010(Xem: 31291)
Mỗi năm vào dịp Lễ Tạ Ơn ờ Mỹ, chs NQ nhắc nhau cùng bày tỏ lòng biết ơn các đấng sinh thành, quý Thầy Cô đúng như tinh thần lễ giáo Đông phương...
04 Tháng Mười 2010(Xem: 40197)
Mời các chs NQ (nhất là các anh chị khóa 11, đã mang phù hiệu NQ từ năm 1966 đến năm 1973) cùng trở về Ngô Quyền xưa như chúng ta chưa từng có trên dưới bốn mươi năm ngăn cách mình với thời mới lớn
30 Tháng Chín 2010(Xem: 19179)
các cô bé học trò đệ nhất cấp nâm xưa vẫn nhớ rõ ràng trái tim và hệ thống tuần hoàn trong giờ Vạn vật của Cô Phạm Thị Khang như vừa mới xảy ra hôm qua.
08 Tháng Chín 2010(Xem: 37790)
môn Triết được giảng dạy ở Ngô Quyền lần lượt bởi quý Thầy: Nguyễn Xuân Hoàng, Lưu Ngọc Bích, Nguyễn Văn Lan, Vũ Khánh Thành, Nguyễn Minh Lý, Trương Hữu Chí, và Nguyễn Văn Lục.
24 Tháng Bảy 2010(Xem: 35748)
Chắc là có một lúc nào đó bình tâm, mỗi người chúng ta đều tự hỏi không biết mình đã nhận được bao nhiêu chữ từ các Thầy Cô trong suốt những năm dài cắp sách.