Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 24 - THẦY HIỆU TRƯỞNG PHẠM ĐỨC BẢO

20 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 23157)
MGTT 24 - THẦY HIỆU TRƯỞNG PHẠM ĐỨC BẢO

MGTT 24 - THẦY HIỆU TRƯỞNG PHẠM ĐỨC BẢO

Gần đây "trưởng tràng khóa 1" Phạm Phú Hòa từ Úc về công tác ở Việt Nam, có đến thăm thầy Phạm Đức Bảo. Anh gi hình cho bạn bè cùng khóa. Và các anh chị cả khóa 1 đã chia sẻ với đàn em. Từ khắp nơi trên thế giới, chs NQ đã thăm Thầy trên computer với một chút ngậm ngùi về những dấu ấn thời gian trên Thầy, trên tất cả mọi người.

Và MGTT số 24 hôm nay dành riêng để vinh danh Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo, xem như tất cả chúng ta cùng về Saigon để chúc thọ Thầy như lớp 12B3 (khóa 13) đã thay mặt đàn anh, đàn chị và đàn em đến thăm Thầy với ngọt ngào của bánh và màu sắc của hoa.

Xin được ghi lại những nét chính và những mẫu chuyện vui, đáng nhớ trong suốt những năm tháng là một nhà giáo của Thầy Phạm Đức Bảo qua ngòi bút cùa Diệp Hoàng Mai.

Để cùng đọc lại kỷ niệm giữa Thầy và trò cùa Thầy Bảo và chs NQ khóa 7 Diệp Cẩm Thu (cũng là một nhà giáo có trên dưới 40 năm miệt mài trên bục giảng) .

Đầu thập niên 1990, từ Đức qua thăm Mỹ, Thầy Bảo ghé qua miền Bắc California và được chs NQ đón Thầy bằng chân tình của học trò Ngô Quyền mắt sáng môi tươi của thủa nào. Gần 20 năm sau, Nguyễn Trần Diệu Hương đã ghi lại tình cảm NQ với Thầy Hiệu trưởng trong hội ngộ Thầy trò ở San Jose.

MGTT số 24 được thực hiện không những với tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo" mà còn bằng tất cả tấm lòng, tình thương yêu, sự quý mến, trân trọng của ChsNQ dành cho Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo, người đã đóng góp rất lớn trong quá trình xây dựng và phát trin trường Trung học Ngô Quyền.

 


THẦY PHẠM ĐỨC BẢO - CUỘC ĐỜI MỘT NHÀ GIÁO

Diệp Hoàng Mai

 

thay_pham_duc_bao-contentthay_bao-mai-2-content

Hình chụp Thầy Phạm Đức Bảo (năm 2006) và (năm 2010)

Thầy Phạm Đức Bảo kể: “Cuộc đời dạy học của tôi đơn giản lắm! Tốt nghiệp khoa Sử Địa Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 1952, bắt đầu sự nghiệp trên bục giảng trường trung học Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu), (thời đó Hà nội chưa có Đại học Sư phạm). Năm 1954 vào Nam dạy ở Phan Thiết hai năm, chuyển về trường Quốc Học (Huế) dạy tiếp sáu năm. Làm hiệu trưởng trường Ngô Quyền (Biên Hòa) mười ba năm. Hai năm cuối cùng làm thanh tra Sở học chánh và Bộ giáo dục. Chỉ có thế thôi!…”

Về thời làm trò, thuở nhỏ Thầy Bảo toàn học trường Tây. Sau năm 1975, Thầy trở thành “học trò” bất đắc dĩ bảy năm ở Bà Tô (Xuyên Mộc). Rời “trường cải tạo ", Thầy được con trai bảo lãnh sang Đức định năm 1984. Thầy tiếp tục học tiếng Đức suốt ba năm, để không bị “câm, điếc” nơi xứ người. Và bây giờ, Thầy vẫn đọc báo Time hằng ngày bằng tiếng Anh, với chiếc kính hiển vi để nhìn rõ chữ.

Thầy Bảo cười nhớ lại: “Hồi đó, không trường nào đông nữ giáo sư có chồng … lái máy bay như trường Ngô Quyền. Thì chồng các cô làm việc sân bay Biên Hòa, về dạy trường Ngô Quyền là gần nhất. Phải nhận về dạy thôi!...” Thầy còn trọng dụng đội ngũ giáo sư trẻ tuổi, luôn tạo thuận lợi để thu hút các giáo sư trẻ về dạy ở trường. Quan tâm tới Thầy Cô giáo, là do Thầy Bảo quan tâm tới học trò tỉnh lỵ Biên Hòa. Có đủ giáo sư giảng dạy, sẽ có đủ lớp học cho trò, sau khi trò thi đậu Tú tài một. Học trò Ngô Quyền không phải vất vả, về Sài Gòn học lớp đệ nhất, để thi tiếp Tú tài toàn phần.

Thầy Bảo một thời nổi tiếng cương trực, không kiêng dè một ai. Học sinh ở trường, bất kể là con nhà lính hay con nhà quan, cứ vi phạm kỹ luật học đường là bị nhận Vitamine R (Roi) từ Thầy ngay tức khắc. Các nam sinh dù ngoan hay … quậy, ít nhiều gì cũng có “kỷ niệm đau thương” từ những ngọn roi nghiêm khắc của Thầy. Thời đó có lẽ do nữ sinh Ngô Quyền… quá ngoan hiền (?!..), nên ít khi học trò con gái bị Thầy Bảo phạt đòn như những nam sinh.

Sau mười lăm năm lưu lạc trời Âu, Thầy Bảo quyết định trở về nhà. Người gần gũi Thầy Bảo nhất trong thời gian này là Thầy Trịnh Hồng Hải, từng là bạn học với Thầy Phạm Thăng Long, em trai của Thầy Bảo. Từ lúc biết tin Thầy Bảo trở về, nhóm học trò 12B3 (NK 68-75) chúng tôi, năm nào cũng tháp tùng Thầy Hải đến chúc mừng Thầy nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo.

thay_hai__thien__bao__mai-contentthay_bao-_thay_thien-content

Thầy Hải, Thầy Thiện, Thầy Bảo, Hoàng Mai (2011) Thầy Đào Đức Thiện và Thầy Bảo (2011)

thay_bao_thay_hai-contenttbao_va-content

Thầy Bảo và Thầy Trịnh Hồng Hải Anh Phạm Văn Chánh lớp 12B3 tặng hoa Thầy Bảo (2011)

thay_bao20-11-2011-contentthay_bao_truoc_nha-large-content

Thầy Hải và học trò lớp 12 B3 thăm thầy Bảo (ngày 20 tháng 11, 2011)

Vẫn còn khá nhiều cựu giáo sư và cựu học sinh Ngô Quyền chưa biết thông tin về Thầy Phạm Đức Bảo, cứ ngỡ Thầy còn sinh sống ở nước ngoài. Đầu năm 2011, Thầy Đào Đức Thiện từ Mỹ về thăm quê, đã cùng Thầy Hải và chúng tôi đến thăm Thầy Bảo. Quý Thầy cùng nhắc lại những chuyện vui, ngày mới được Thầy Bảo nhận về trường. Nhắc về những ngày buồn khi rời trường bỏ lớp, cả những gian truân đã trãi trong cơn biến động nước nhà.

Cuối năm 2011, anh Phạm Phú Hòa (CHS.K1) đưa nhóm giáo viên Úc đến Việt Nam dự hội thảo chuyên đề giảng dạy tiếng Việt cho người Úc, anh mới hay tin Thầy Bảo đang sinh sống tại Sài Gòn. Quá bận rộn với chương trình hội thảo, sau giờ làm việc buổi chiều anh Hòa mới có thời gian trống chạy đến thăm Thầy. Thầy nheo đôi mắt già nua, nhìn “cậu” học trò xưa bây giờ bạc phơ râu tóc:

- Thầy ơi, còn nhớ con không? Con là Hòa, học sinh khóa 1 nè Thầy!...

- A! Có phải Phạm Phú Hòa đó không?

Niềm vui vỡ òa trong mắt của “cụ” học trò Phạm Phú Hòa. Tính từ lúc anh rời trường Ngô Quyền, hai thầy trò lạc mất nhau đã… 49 năm dài, cho đến nay mới bất ngờ gặp lại. Ấy vậy mà, Thầy Bảo vẫn nhớ đầy đủ họ tên của anh Hòa.

thay_bao-pham_phu_hoa-content

Thầy Bảo và anh Phạm Phú Hòa (2011)


Gần đây nhất là anh Đặng Vũ Vĩnh (CHS.K4) hiện sinh sống ở Melbourne, cũng đã hỏi tôi địa chỉ và số phone của Thầy Bảo. Từ lâu lắm rồi, anh không biết tin tức về Thầy. Anh chưa dự định bao giờ thăm lại quê xưa, nhưng anh hy vọng được nghe giọng nói của Thầy qua điện thoại. Hoặc ít nhất, cũng là món quà thay lời tri ân anh gửi đến Thầy hiệu trưởng, nhân dịp Lễ Tết hay sinh nhật của Thầy.

Còn nhớ lần đầu tôi rủ nhóm bạn học cũ thăm Thầy, vẫn có bạn thoáng ngại ngần:

- Thầy có nhớ mình là ai đâu mà tới?

- Cứ giới thiệu mình là cựu học sinh Ngô Quyền, Thầy sẽ biết liền! Mình nhớ Thầy, chứ Thầy làm sao nhớ hết học trò?...

Những lần sau thì bạn là người nhiệt tình nhất, mỗi khi chúng tôi rủ bạn thăm Thầy. Cũng như tôi bạn nghiệm ra rằng, chỉ một giờ được chuyện trò với Thầy, chúng tôi tích lũy cho mình quá nhiều kiến thức. Không nhận học phí, nhưng Thầy vẫn tiếp tục dạy cho đám học trò nhỏ ngày xưa, bao nhiêu là bài học sống ở trên đời…

Chín mươi hai tuổi, sức khỏe của Thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo không còn như xưa, nhưng trí tuệ của Thầy vẫn còn minh mẫn. Chúng tôi vẫn ghé thăm Thầy mỗi khi có dịp, bởi chúng tôi hiểu Thầy bây giờ như một “cây đa, cây đề” quí hiếm của trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa, một ngôi trường từng trãi qua bao nhiêu biến động lịch sử, nhưng tình nghĩa Thầy trò vẫn hoài bền chặt keo sơn.

Tháng 04/2012
Diệp Hoàng Mai

Những mẫu chuyện vui về Thầy Phạm Đức Bảo

 

Thầy bao nhiêu tuổi?..

Khi biết ngày 23/12/1923 là sinh nhật của Thầy Phạm Đức Bảo, nhóm bạn 12B3 chúng tôi manh nha dự định tổ chức “thượng thọ” 90 tuổi cho Thầy vào tháng 12/2013. Nhưng tình cờ, tôi biết chính xác Thầy sinh năm Canh Thân 1920. Như vậy thì nếu tính luôn tuổi mụ, Thầy Bảo năm nay đã … 93 tuổi.

Theo cô cho biết, hồi xưa ông bà thường không làm tờ khai sinh liền, mà để hồi lâu sau mới trình làng xã. Cũng có khi chạy loạn khắp nơi, khi khai lại thì ngày sinh không chính xác. Vì vậy mà lúc sinh thời, cô Hà Bích Loan vẫn hay đùa : “Thầy Bảo không bao giờ nói tuổi thật của thầy đâu!...”

 

Địa chỉ nhà Thầy Bảo …

Thầy bây giờ già yếu, đi lại khó khăn, nhưng thầy vần kiên trì tập thể dục mỗi ngày. Thầy rất vui, khi có học trò cũ ghé thăm. Hiện nay Thầy đang cư ngụ tại nhà số 118/9 đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3; Có thể gửi email thăm hỏi Thầy theo địa chỉ quynhanhpham@hcm.vnn.vn ;

Thầy hay nói vui: “Cóc chết ba năm, quay đầu về núi” là vậy. Tuổi già của Thầy giờ an vui, với sự chăm sóc chu đáo của cô. Phân nửa đàn con của Thầy, cùng đàn cháu nội ngoại sống chan hòa xúm xít quanh Thầy. Đến nỗi Thầy Trịnh Hồng Hải hay đùa: “ Tôi đoán nay mai con đường trước nhà anh, sẽ đổi thành tên đường Phạm Đức Bảo đấy!...”

 

Thầy Bảo “Hẹc – Quynh”…

Năm 2002 Thầy Bảo đến bệnh viện Pháp Việt tại Sài Gòn khám bệnh. Con gái của Thầy đợi hơn một giờ đồng hồ, vẫn không thấy Thầy trở ra. Quá lo lắng, cô gõ cửa phòng khám bước vào. Cô bất ngờ, bởi câu chuyện giữa hai người đang dòn như pháo. Thì ra vị bác sĩ là học trò cũ của Thầy ở trường Quốc Học.

Vị bác sĩ hào hứng kể cho con của Thầy nghe mẫu chuyện về Thầy Bảo … Hẹc – Quynh:

Em biết không, hồi đó Thầy cưỡi chiếc mô-tô thể thao đi dạy học trông thật … ngầu! Tướng Thầy to cao, beau (đẹp) trai lắm! Có năm Huế lũ lụt, cầu Tràng Tiền ngập nước, xe không chạy được. Thế là Thầy vác bổng chiếc mô –tô trên vai, cứ thế lội nước qua cầu. Học trò Quốc Học bọn anh kính nể quá, nên gọi Thầy là Hẹc-Quynh từ đó…”

 

Mô – tô đua … xe lửa?...

Ngoài biệt danh “Hẹc Quynh”, Thầy Phạm Đức Bảo còn được học sinh và đồng nghiệp trường Quốc Học Huế gọi là “Thầy Bảo Mô-tô”. Một lần Thầy Bảo được điều động vào Sài Gòn chấm thi Tú Tài, phương tiện vận chuyển bằng xe lửa. Lần đó các đồng nghiệp “thách đấu” với Thầy rằng:” Nếu Bảo đi vào Sài Gòn bằng mô-tô sớm hơn xe lửa, mỗi người sẽ… chung độ cho Bảo một ngàn đồng…” Thầy Bảo nhận lời … đua.

Sau khi dùng điểm tâm tạm biệt, cả… hai phe mô-tô và xe lửa cùng xuất phát lúc 7 giờ sáng tại ga Huế . Thầy Bảo “một mình, một ngựa … sắt”, chạy suốt một ngày đêm, chỉ dừng nghỉ ngơi ăn uống dọc đường. Khoảng 8 giờ sáng ngày hôm sau Thầy Bảo đến ga Sài Gòn đợi. Mãi đến gần 10 giờ sáng hôm đó, chuyến xe lửa từ Huế chở các đồng nghiệp của Thầy mới hú còi chậm chậm tiến vào ga.

Tôi hỏi: “Thầy… thắng độ, tổng cộng được mấy ngàn đồng hả Thầy?...”

Thầy Bảo: “Không lấy tiền, chỉ uống bia thôi!...”


“Thi đậu rồi! Về đi ...”

Thi Tú Tài 2 mới được vài ngày, Hoàng Oanh (ca sĩ) đạp xe đến nhà Thầy hỏi : “Thầy ơi! Con đậu không Thầy?...” Thầy đáp: “ Đậu rồi! Đi về đi…” Hoàng Oanh hí hửng ra về, không hề biết bài thi chưa chấm xong, lấy đâu ra kết quả mà Thầy bảo cô thi đậu?

Năm đó ca sĩ Hoàng Oanh – tên thật là Huỳnh Thị Thi – đậu Tú Tài 2 hạng Bình, một thứ hạng khá cao lúc bấy giờ.

Thầy Bảo cười: ”Cũng may nó thi đậu, lại đậu hang cao nữa mới ghê chứ! Nếu không thì không biết phải nói sao với nó….” Tôi được biết thêm, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng từng là học trò cũ của Thầy ở Phan Thiết.


“ Con Tỉnh trưởng hả? Bốn roi …”

Năm đó bạn Lâm Quang Hưng – con trai của Đại tá Tỉnh trưởng Biên Hòa lúc bấy giờ – mặc chiếc quần không đúng màu xanh đồng phục học trò. Không may cho Hưng, Thầy Bảo đi ngang qua lớp trông thấy bèn gọi lại bạn lại:

- Này, ai cho phép mầy mặc quần màu này? Hai roi, lên đây!...

Thầy nhịp chiếc roi mây lên bàn. Các bạn trong lớp thấy vậy kêu lên:

- Thầy ơi! Nó là con của ông tỉnh trường đó Thầy!

- Thế à? Con tỉnh trưởng Lâm Quang Chính à? Thế thì… bốn roi!

Bạn Nguyễn Xuân Cường, con trai Thầy Giám thị Nguyễn Quang Hưng cũng từng bị “án oan” tương tự. Cường “can tội” … để tóc dài, mái lòa xòa phủ mắt:

- Này, tóc dài hả? Con của ông Giám thị Hưng phải không?

Thế là “con Giám thị” cũng cùng số phận với “con Tỉnh trưởng”, bốn roi luôn!...

Có thế mà cũng méc!...

Hồi Thầy Bảo còn ở Biên Hòa, nhà của Thầy đối diện với nhà của Thầy Dương Hòa Huân. Bên cạnh nhà Thầy Bảo, là nhà ở của một vị Trung tá Tiểu khu Biên Hòa. Hôm đó, con trai vị Trung tá rủ người bạn học đến nhà chơi. Nói đùa qua lại, cậu học trò trêu bạn:

- Chúc ba của mầy mau lên … cố Đại tá!?!...

Con trai vị Trung tá ức quá khóc òa, chạy sang méc Thầy Bảo. Thầy gọi cả hai lại hỏi:

- Ai cho phép mầy nói bố nó như thế?

Vừa hỏi, Thầy vừa “thưởng” cậu học trò một cái “ bốp!...”

Quay sang con trai vị trung tá láng giềng, thầy “ bộp!...” luôn cái nữa. Cậu nhỏ hết hồn, nín khóc. Thầy nói tiếp:

- Thế bố của mầy đã lên … cố Đại tá chưa? Có thế mà cũng méc!...

Tháng 04/2012
Diệp Hoàng Mai
(Ghi chép lại từ lời kể của cô Đàm Thị Tồn, em Phạm Thị Thanh Tú và bạn Phan Văn Chánh)

 


LỚP 12B3 NQ K13 CHÚC THƯỢNG THỌ THẦY PHẠM ĐỨC BẢO


thay_bao_4-content
Thầy Bảo, Thầy Trịnh Hồng Hải và lớp 12B3 (2012)

Từ lúc biết tuổi thật của Thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo, nhóm bạn chúng tôi nôn nóng được chúc thọ Thầy. Một anh bạn người Hoa của tôi nói vui:” Người cao niên vượt qua ngưỡng 91 tuổi rồi, thì bất cứ ngày nào cũng … thương thọ hết…”

Thế là ngày 14/4/2012, Thầy Trịnh Hồng Hải lại đưa nhóm học trò 12 B3 CHS.NQ đến chúc Thượng Thọ Thầy Phạm Đức Bảo. Chỉ đơn giản một khóm hoa tươi, một chiếc bánh kem nho nhỏ ngọt ngào … lớp học trò cũ chúng tôi đã gửi đến Thầy Phạm Đức Bảo lời chúc thượng thọ với tấm lòng tri ân trân trọng.

Anh Đặng Vũ Vĩnh CHS.NQ khóa 4, hiện định cư tại Úc cũng điện về nhờ tôi kính biếu Thầy 100 AUS làm quà mừng thọ. Anh Vĩnh từng có những năm “làm học trò bất đắc dĩ, ở nội trú và học cùng lớp" với các Thầy. Cho nên dường như giữa anh và các Thầy cũng có một thứ tình cảm khác thiêng liêng gắn bó hơn, ngoài tình nghĩa Thầy trò trường Ngô năm cũ.

Thầy Bảo vui lắm! Thầy cười nhiều, chuyện trò nhiều với đám học trò nhỏ ngày xưa. Chúng tôi mong, Thầy Bảo sẽ nhận thêm được nhiều lời chúc thượng thọ của những cựu học sinh Ngô Quyền năm cũ…

Tháng 04/2012
Học trò 12B3 chs.NQ k13 1968-1975


Hình Thầy Bảo và lớp 12B3 trong ngày chúc Thượng Thọ của Thầy ngày 14/4/2012

thay_bao-1-contentthay_bao_-2-content

thay_bao_5-contentthay_bao_3-content


Thầy Phạm Đức Bảo và những kỷ niệm...


Trong 13 năm dài làm Hiệu trưởng Trung học Ngô Quyền (1961-1974), Thầy Phạm Đức Bảo không còn trực tiếp giảng dạy như thời Thầy còn là GS ở Quốc Học (Huế), nhưng hầu hết các chs NQ ở Đệ Nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12) đều có dịp học với Thầy một hay hai giờ khi Thầy dạy thế thay cho GS chính vì một lý do nào đó phải vắng mặt. Những lần như vậy, cả lớp "ngoan" và chăm học hơn bình thường vì Thầy là ông Hiệu trưởng với quan niệm "thương cho roi cho vọt" thường xuất hiện trong sân trường với cây roi dài lăm lăm trên tay. Hình ảnh đó trở thành một ấn tượng không nhòa trong ký ức cúa tất cà chs NQ. Ngày xưa, học trò NQ sợ Thầy hơn là thương Thầy. Sau này, trưởng thành khôn ra, hiểu ra "nhờ ai ta có ngày nay", hình ảnh ông Hiệu trưởng nghiêm khắc với cây roi dài chừng như trở thành hình ảnh ông tiên cầm cành dương liễu.

Nên cuối thập niên 90s , khi Thầy từ Đức qua Mỹ, ghé qua San Jose, chs Ngô Quyền miền Bắc đón tiếp Thầy rất nồng hậu với nhiệt tình của "thời mới lớn tuổi mười lăm, mười bảy" dù tóc của nhiều anh chị đã đổi màu. Đó là lần đầu tiên chs NQ miền Bắc họp mặt đông kín cả nhà hàng, những người đến trễ phải đứng ở ngoài hàng hiên.

Học trò thơ dại năm xưa đã trưởng thành, sự nghiệp vững vàng nên Thầy Hiệu trưởng không còn nghiêm khắc, không còn cầm theo cây roi. Nhưng học trò xưa vây quanh Thầy vẫn với lòng kính trọng như một thủa nào mắt sáng môi tươi với phù hiệu Ngô Quyền trên đồng phục học sinh. Đêm đó ở một góc San Jose, xa Biên Hòa nửa vòng trái đất, mắt thầy trò cùng lấp lánh niềm vui như những tinh tú trên trời vào một đêm đẹp trời cuối xuân đầu hè …….

Tháng 11/2010


dieu_huong-content

Nguyễn Trần Diệu Hương

 

Đầu năm Đệ lục (sau này đổi thành lớp 7) tôi được Thầy Hiệu Trường Phạm Đức Bảo cho phép chuyển từ "trường quê" Tân Uyên về "trường tỉnh “Ngô Quyền” kèm theo "lời răn đe":

-Liệu mà học hành. Học không chăm, không giỏi sẽ bị đuổi về lại Tân Uyên.

Mười hai tuổi, học trò nhà quê ra tỉnh, tôi vừa sợ Thầy, vừa sợ bị đuổi ra khỏi trường nên hết sức chú tâm vào chuyện học. Có lẽ nhờ vậy mà tôi có căn bản vững chắc trong mọi môn học, đặc biệt là môn Toán, môn có hệ số cao nhất của bậc Trung học.

5 niên khóa trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ, mỗi cuối năm học tôi đều được phần thưởng nên không… “bị đuổi về Tân Uyên” và cũng chìm lẫn vào cả ngàn nam sinh áo trắng quần xanh ngoan ngoãn của ngôi trường công lập lớn nhất miền Đông Nam phần. Cuối năm Đệ Nhị B1 (11B1 sau này), tôi đậu Tú tài 1 ưu hạng nên Thầy càng nhớ tôi hơn. Xong bốn năm ở Sư phạm Toán, tôi được đi học thêm một năm ở Pháp, rồi về lại quê nhà. Ghé thăm trưởng xưa, tôi gặp lại Thầy, lúc đó không còn là Hiệu trưởng Ngô Quyền mà đổi về Khu Học chánh. Thầy vẫn nhớ cậu học trò nhà quê năm xưa nên mặc dù tôi không còn được ưu tiên chọn nhiệm sở như lúc mới ra trường Đại học Sư phạm, Thầy vẫn nhận học trò xưa vào dạy Ngô Quyền như Thầy đã làm với rất nhiều học trò cũ thời Thầy còn dạy Quốc học ở Huế (trong số này có quý Thầy: Tôn Thất Long, Thân Trọng Bình, Tôn Thất Để, Trần Phiên, và Lê Quý Thể đã từng dạy Toán ở Ngô Quyền)

Xin kính cảm ơn Thầy về tất cả những quan tâm Thầy đã dành cho học trò Ngô Quyền nói chung và em nói riêng. Lúc nào em cũng nhớ đến Thầy. Cầu mong Thầy luôn an lạc và vui khỏe như một thuở nào ở Ngô Quyền thân yêu.

Viết theo lời kể của Thầy Diệp Cẩm Thu, chs NQ khóa 7

thaydcthu2010-content

Thầy Diệp Cẩm Thu


p

22 Tháng Năm 2010(Xem: 63854)
Trong biển mịt mùng quên lãng, không một vị thầy nào để thất lạc học trò mà chỉ có những người học trò phũ phàng thổi tắt trong lòng thầy ánh sáng hy vọng.
27 Tháng Hai 2010(Xem: 32286)
Chưa có “cơ duyên hạnh ngộ” với Thầy Lê Quý Thể ở quê người, nhưng các CHS NQ luôn nhớ đến ông Thầy trẻ vừa có nhiệt tâm của một nhà giáo, vừa có tinh thần quyết thắng của một người mê thể thao...
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 38871)
Nhân mùa Thanksgiving, Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, xin được kết hợp hai truyền thống tốt đẹp nhất của Đông và Tây để viết lên những lời tạ ơn chân thành từ tâm hồn của những chsNQ năm xưa ở cả hai thế hệ "nghi bất hoặc" và "tri thiên mệnh" với các Thầy Cô sắp hoặc đã bước vào tuổi "cổ lai hy".
21 Tháng Mười 2009(Xem: 17030)
Ngay cả những lớp CHS NQ vào trường sau này, chỉ được gặp Thầy ở Mỹ những năm gần đây cũng có nhiều ấn tượng rất tốt đẹp về Thầy và “… cứ tưởng tượng cái dáng cao cao của Thầy đi bách bộ thong dong trong trưa hè nắng chói của đường Bolsa, giữa đời sống bon chen, tất bật ở Mỹ giống như cái dáng của các tiên ông hiền từ đi dạo ở cõi trần tục trong truyện cổ tích đã đọc thời còn nhỏ…”
12 Tháng Mười 2009(Xem: 34644)
Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung...
09 Tháng Mười 2009(Xem: 15183)
Một Góc Thầy Trò - Thầy Mai Kiến Phúc. Một đ i ều đặc biệt về Thầy Mai Kiến Phúc là Thầy rất yêu nghề đi dạy, và dù chỉ được đứng trên bục giảng 14 năm (1965-1979) nhưng suốt thời gian đó, Thầy liên tục ..."gõ đầu trẻ" ở Trung học Ngô Quyền với môn Vật Lý.
20 Tháng Bảy 2009(Xem: 34486)
Trong số những "nhà thơ học trò" này, có hai anh Hồ Văn Tân và Hà Xuân Son mà sáng tác từ tâm tình của hai anh thời mới lớn đã bày tỏ được lòng biết ơn Thầy Hoàng Phùng Võ, thầy giáo Việt văn lớp Đệ Ngũ B2 (nk 1958-1959 )
02 Tháng Sáu 2009(Xem: 37549)
Ba mươi năm sau, bên đời lưu lạc, ở tuổi nửa đời người, các cô, các bé ngày xưa mới biết một số Thầy Cô cũ đã từng là học trò Ngô Quyền như mình. Dù muộn màng, “Một góc Thầy Trò” xin được giới thiệu “Những CHS NQ trên bục giảng” để vinh danh các CHS NQ cũng là các Thầy Huỳnh Quan Phận, Diệp Cẩm Thu; các Cô Hà Thị Nhung, Liêng Tuấn Tài, Phạm Thị Hạnh.
26 Tháng Năm 2009(Xem: 37396)
Dưới đây là lá thư của CHS NQ Võ Thị Tuyết Mai, và những bạn bè, đồng nghiệp đã gửi cho Cô Ma Thị Ngọc Huệ, khi được tin Thầy Nguyễn Phong Cảnh từ trần vào ngày 4 tháng 1 năm 2006 tại California.
16 Tháng Năm 2009(Xem: 58548)
“Một góc Thầy Trò” hôm nay mời bạn quay về quá khứ của Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), thế hệ học sinh đầu tiên của Trung học Ngô Quyền – với “chị cả ” Lương Thị Khá đ ang định cư ở Boston, Massachusetts.
07 Tháng Năm 2009(Xem: 81821)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…
30 Tháng Tư 2009(Xem: 37078)
Được sự đồng ý của tác giả – CHS NQ Nguyễn Ngọc Xuân - một bức thư rất cảm động gởi cho Thầy giáo cũ (Thầy Nguyễn Văn Phố) , “ Một góc Thầy Trò ” xin mời bạn cùng đọc lời tâm tình của một học sinh rất giỏi với Thầy giáo dạy Toán thời anh Xuân còn ngồi ghế NQ.
26 Tháng Năm 2008(Xem: 18076)
Các em thân mến, Tôi xin mạn phép, gọi các cựu học sinh của tôi bằng danh từ thân ái " các em ". Các em hôm nay đã ở vào địa vị " ông nội ", hay " bà ngoại ", hay là bậc cha mẹ. Các em không còn học sinh nhỏ bé, đáng yêu, nghịch ngợm của tôi.