LÚNG TÚNG...
CHỮ NGHĨA NGÀY NAY
GS. Thu Lê
Chữ Việt mà chúng ta đọc, nói, viết hay dùng thường ngày có rất nhiều từ Hán Việt . Những từ phổ biến kiểu ‘thiên trời địa đất, lục sáu tam ba, gia nhà quốc nước” thì ai cũng biết rồi và dùng thoải mái nhưng khi dùng đến những từ kép (2,3 từ ghép lai) thì có hơi phức tạp hơn và ít người hiểu thấu đáo và dùng cho đúng, nhất là những từ dùng để xưng hô hay để gọi các thành viên trong gia đình, gia tộc.
Vốn liếng chữ Hán hay nho của tôi chỉ vẻn vẹn có 3 năm ở trung học đệ nhất cấp, học mỗi tuần một giờ với vị thầy khả kính Thẩm Quỳnh hồi còn ở một trường trung học ở Việt Nam cộng thêm việc góp nhặt dần dần những ngữ vựng trong khi đọc các truyện kiếm hiệp tầu với những từ “xưng hô” thân quen như tỷ muội, thúc bá, huynh đệ, đại ca, v.v... Thành thử tôi rất ngưỡng mộ những người bạn cùng lứa tuổi của tôi mà biết nhiều về các từ Hán Việt hay có thể đọc, dịch được truyện tầu.
Đọc báo chí hàng ngày hay sách vở, tôi vẫn hay để ý các từ Hán Việt mà mọi người dùng. Thấy học được nhiều điều mình không biết đồng thời nhận ra nhiều lỗi lầm mọi người mắc phải trong khi sử dụng. Thực sự tôi cũng không chắc đúng sai, không biết có “sách nào mách có chứng” và cũng không dám hỏi ai vì sợ bị …quê một cục! Hôm nay tôi trút bầu tâm sự ra đây, với hy vọng nghe nhận được ý kiến hay sự giải thích của các bậc trưởng thượng, thâm nho chăng? Và tôi cũng chỉ trình bầy một vài thắc mắc vể cách xưng hô, xưng tụng mà thôi….
Thông thường nhất vào dịp tháng 5, tháng 6 ở Mỹ, người ta hay nói đến, Mother’s Day, Father’s Day mà ta cứ dịch nôm là Ngày Mẹ, Ngày Cha là dản dị nhất trong khi các ngôn từ… cao cấp hơn , sính nho hơn thì gọi đó là Ngày Hiền Mẫu, Ngày Từ Mẫu cho Mẹ và ngày lễ Từ Phụ cho Cha. Bởi ai cũng biết “phụ mẫu là cha mẹ” mà đã có ngày Hiền Mẫu rồi đổi sang Ngày Hiền Phụ để chỉ cha cũng thấy gần! Thế là bé cái lầm vì chẳng có sách vở luật lệ nào chỉ cho mình cả ngoài sự ức đoán rằng Cha không có một hình ảnh hiền từ và dịu dàng của mẹ, nếu không muốn nói là nghiêm khắc, cứng rắn cho nên mới có những chữ như “nghiêm đường, nghiêm quân, phụ thân, thân phụ, v.v...” để chỉ cha rồi.
Cũng đừng quên trong kinh nhà phật, đức Phật được danh xưng tôn kính là đấng (đức) Từ Phụ - là người cha lành trong gia đình đạo thiêng bao trùm khắp chúng sinh muôn loài . Trong trong kinh phần tán dương Phật có viết: “Đấng Pháp vương vô thượng. Ba cõi chẳng ai bằng. Cha lành chung bốn loài…” là thế.
Đây là chuyện thật, có lần một người tôi quen viết thiệp chúc tết một người bạn già sống lâu trăm tuổi bằng câu “Bách niên giai lão”! Vị này không biết rằng câu này chỉ dùng để chúc căp vợ chồng trẻ mới cưới sống cuộc đời tình nghĩa dài lâu cho đến lúc răng long đầu bạc. “Nhị tính liên hôn thành đại lễ. Bách niên giai lão lạc trường xuân.” (Hai họ thông gia thành lễ lớn. Trăm năm lên lão kéo dài xuân.)
Đây là một cái nhầm khác mà tôi thấy rất nhiều:
Khi giới thiệu người vợ hay người chồng chưa cưới của mình, người giới thiệu hay nói: “Đây là hôn phu/hôn thê của tôi” thay vì “vị hôn phu/vị hôn thê của tôi”. Có lẽ người nói cho rằng từ “vị” có vẻ trịnh trọng quá như chữ "liệt vị, quí liệt vị” vậy nên nhún nhường mà bỏ chữ “vị” đi, chứ không biết rằng chữ “vị” đó có nghĩa là CHƯA:
Quí vị thử đọc trang quảng cáo ở trên mạng của một văn phòng Việt Nam lo giúp làm giấy tờ đi Mỹ theo “diện hôn phu/hôn thê” thì thấy hai từ “hôn phu/hôn thê” đã được ...công nhận, không ai thắc mắc gì về sự vắng mặt của “vị” cả! Có nơi còn cẩn thận thêm từ tiếng Pháp fiancé bên cạnh để trong ngoặc đơn. Tiếng Pháp có hai chữ fiancé và fiancée để chỉ vị hôn phu và vị hôn thê, nhưng vì bàn phím của máy tính Mỹ không có cái dấu như dấu sắc của Việt nên có nhiều lúc trông như fiance và fiancee, có khi lại thấy chỉ dùng một chữ fiance để chỉ cả người đàn ông/đàn bà chưa cưới…?
Rồi thỉnh thoảng tôi thấy có nhận được một vài thiệp cưới có đề hàng dưới dưới tên cô dâu là “ái nữ” thay vì “trưởng nữ” hay “thứ nữ”. Tôi nghĩ từ “ái nữ” dùng trong trường hợp này không đúng vì “ái nữ’hay “lệnh nữ” là tiếng xưng tụng để gọi con gái người ta chứ không phải con mình. Thí dụ: Ái nữ ông bà Nguyễn văn X. cũng như “lệnh huynh, lệnh bà, đại huynh, đại ca,…v.v” để tôn xưng người đang nói chuyện với mình. Nếu nói về con gái mình, vợ mình, hay chính mình thì hay nhún nhường, hạ thấp mình xuống mà dùng ‘tiện nữ, tiện nội, hiền nội, tiểu đệ…v.v. Hoặc là chúng ta nên theo hẳn văn hóa Mỹ, rất là hoan hỉ và thoải mái khi giới thiệu hoặc nói tới vợ con yêu quí của mình là my beloved wife and children. (Thật sự tôi thích nét văn hóa này hơn vì đã xưng tụng hoặc nói ra những cảm nghĩ đẹp đẽ cho người thân của chúng ta được nghe bây giờ thì tốt hơn là đợi lúc “đi’ rồi mới làm văn… tế!)
Điều tôi thắc mắc là nếu chỉ có một con trai hay con gái thì trong thiệp cưới có thể viết là “trưởng nữ” hay “trưởng nam” không? Nếu hiểu trưởng là lớn nhất, là đứng đầu thì nghe cũng hợp lý nhưng sẽ có người cãi là phải có thứ thì mới có trưởng, thì sao? Và trong trường hợp chỉ có một con trai thì gọi là gì? là ái nam bắt chước như ái nữ thì chắc không được rồi(!), hay là quí nam (quí với mình thôi?) nhưng tôi lại thấy nhiều người bảo quí nam có nghĩa là con trai út? Vậy thì từ nào là đúng đây? Tôi lúng túng quá mà không biết hỏi ai…
Rồi có lần tôi đọc được trong một mục chia buồn như sau:
“… Rất xúc động nghe tin thân phụ anh Lê văn A. và cũng là nhạc phụ của chị Nguyễn thị B. là cụ Lê văn C. đã tạ thế ngày…. Xin thành thật ..”
Xưa nay danh từ “Nhạc gia” chỉ dùng cho người con rể khi nói về nhà vợ. Nhạc phụ và nhạc mẫu không dùng để chỉ bố mẹ chồng. Có lẽ trong văn hóa Á đông xưa, quan niệm người con gái đã xuất giá là thuộc hẳn về gia đình chồng đúng với câu “dâu là con rể là khách” nên không có danh xưng phân biệt như cho người con rể? Nhưng cũng không biết hoặc chưa nghe thấy ai dùng từ nào khác cho người đàn bà gọi bố mẹ chồng cho đến khi tôi đọc được lời bàn trên báo của một đôc giả miền đông. Vị này được giáo sư Đàm Quang Hưng – dịch giả Bộ Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh- giải thích như sau:
Theo tự điển Trung Hoa ở Beijing thì:
Bố chồng là Trượng Phụ (không phải nhạc phụ)
Mẹ chồng là Trượng Mẫu (không phải nhạc mẫu)
Vào Google Translate thì thấy dịch nôm na husband’s father là bố chồng chứ không biết đến nhạc phụ!
Trong tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh và Việt Pháp –của Đào Đăng Vỹ cũng giảng:
- Nhạc phụ: père de la femme (beau père)
- Nhạc mẫu: mère de la femme (belle mère)
Tôi chưa thấy có ai dùng những từ trượng phụ và trượng mẫu nhưng phải cảm ơn vị độc giả này và gs. Đàm Quang Hưng (là thầy dậy của tồi hồi trung học nay đã quá vãng và là anh ruột của cựu giáo sư Lê Văn Duyệt Đàm thanh Quý) đã cho những thông tin này. Hy vọng mọi ngườì lưu ý và không sử dụng sai lầm. Riêng tôi khi mình lung túng không chắc chắn về những từ Hán Việt mà không hỏi ai được thì cứ ‘nôm na là cha mách qué” là hay nhất!
THU LÊ (5-2024)