Ngọc Dung nhận được Email Thầy Huỳnh Công Ân. Em hí hửng email cho mọi người loan báo tin vui. Bức thư của thầy ngắn gọn nhưng làm những cựu học sinh Ngô Quyền nôn nao.
Em Dung thân mến,
Từ ngày 5/9 đến ngày 12/9 thầy cô về lại Little Sài Gòn để thăm một số người thân, bạn bè và học trò cũ nhân tiện tham dự buổi họp mặt của các em cựu học sinh Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng mà thầy có dạy sau khi rời trường Ngô Quyền trong ngày 7/9.
Thầy cũng muốn gặp các em Ngô Quyền nếu có thể.
Thầy
Huỳnh Công Ẩn.
Thầy Huỳnh Công Ân hiện đang định cư tại Canada nên một lần về Nam Cali là một lần khó. Thầy Email cho Ngọc Dung là ngày 02/9/2024. Được tin nhắn của Ngọc Dung, ngay lập tức Ngọc Huệ phác họa chương trình gặp mặt thầy cô. Trong hộp thư Messages chung của nhóm liên tục phát tin nhắn …ting… ting …
Tôi vì đã có kế hoạch trước, ngày đó qua thăm con nên báo tin không thể đến. Các anh chị em cũng nhắn tin trong các bạn bè Ngô Quyền và cùng nhau bàn kế hoạch tiếp đón thầy Ân.
Thầy Huỳnh Công Ân về dạy tại trường Trung Học Ngô Quyền năm thầy 25 tuổi, độ tuổi cũng còn trẻ để làm một giáo sư trung học đệ nhị cấp. Trước đó thầy ra trường và đã dạy tại trường trung học Vĩnh Bình 4 năm. Trong một bài viết của thầy hình như lúc bấy giờ thầy đang là một sĩ quan biệt phái.
Hiệu trưởng trường Trung Học Ngô Quyền đương nhiệm lúc ấy là thầy Phạm Đức Bảo, một vị hiệu trưởng rất uy nghiêm học trò nào cũng sợ. Tuy nhiên đối với các giáo sư được phân bổ về Ngô Quyền thầy Bảo là một hiệu trưởng rất có tâm. Thầy Bảo luôn thông cảm với những giáo sư có gia đình ở Sài Gòn, thầy luôn tạo điều kiện cho vị ấy được gần gũi với gia đình. Thầy sắp xếp các giáo sư dạy đủ giờ quy định gói ghém trong vài ngày liền nhau. Sau đó các thầy có thể về Sài Gòn với vợ con hay dạy thêm ở các trường tư thục để bù đắp thêm lương cố định của công chức.
Thầy Huỳnh Công Ẩn cũng vậy, thầy chỉ dạy hai ngày đầu tuần ở trường Ngô Quyền, còn lại 4 ngày thầy dạy một số trường tư hay các lớp luyện thi ở Sài gòn. Cuộc đời dạy học đang êm đềm như thế, một biến cố khiến thầy phải từ bỏ nghề giáo, rời nhiệm sở trở về làm một quân nhân. Điều đặc biệt là thầy lại được điều động về làm đại đội trưởng canh giữ cầu Đồng Nai ngoài xa lộ Biên Hòa.
Hai năm với biết bao biến cố trong thời gian tại ngũ, thầy Ân xin biệt phái về Bộ Giáo Dục để được tiếp tục làm nghề dạy học của mình. Duyên may, thầy lại được trở về ngôi trường Ngô Quyền của chúng ta thêm một lần nữa.
Và đây là những điều thầy viết về trường Ngô Quyền của chúng ta:
Cuối năm 1973, tôi làm đơn xin tái biệt phái về bộ giáo dục và được chấp thuận. Lúc đó, ngành giáo dục chủ trương tản quyền, nên thay vì về thẳng trường Ngô Quyền tôi trình diện ở Sở Học Chánh Biên Hòa, (sau là Ty Giáo Dục Biên Hòa). Tôi được tạm cử làm việc ở phòng Học Vụ mà chủ sự là ông Lê Hồng Sanh. Đầu niên khóa 74-75, tôi xin về trường Ngô Quyền dạy lại.
Ở trường Ngô Quyền, tôi tìm được mối giao tình thân hữu với các giáo sư đồng nghiệp, cùng ngày dạy, nhưng với các vị dạy khác ngày có khi tôi chỉ biết tên đề trên thời khóa biểu mà không có dịp gặp mặt. Lúc đó tôi thuộc nhóm giáo sư trẻ nên chơi thân với các anh Nguyễn Phi Long, dạy toán (hiện ở Texas ), Tô Văn Phú, dạy Vạn vật (đã mất), Trần Văn Phúc, dạy sử địa (đã mất), Trần Thái Hùng, dạy toán (hiện ở Việt Nam), Trần Văn Kỷ, dạy toán… Nhưng thỉnh thoảng, trong đêm ở lại Biên Hòa tôi đến nhà trọ của anh Lê Quý Thể xem anh và các bạn đồng nghiệp khác xoa mạc chược. Sau này, tôi tận dụng đêm ở lại để dạy vài giờ toán cho các cours luyện thi ban đêm của anh Nguyễn Thành Dũng ở trường Nguyễn Du.
Dù đã hơn 37 năm đã qua, những kỷ niệm ở Biên Hòa, dù đẹp hoặc không hay, dù vui hay buồn vẫn tồn tại trong ký ức của tôi. Những bữa ăn trưa ngon miệng với Trần Thái Hùng ở quán Thu Hà hay quán Bình Dân, những đêm cùng các bạn đồng ngũ đi tìm hoa khôi Dốc Sỏi, lần nhậu nhẹt sinh ấu đả ở quán nhậu của ông thượng sĩ trung tâm quản trị trung ương ở xã Tân Vạn mà tôi chạy về đại đội dẫn lính đến uy hiếp trụ sở xã, những tối vào phi trường Biên Hòa xem vũ sexy ở các câu lạc bộ Mỹ… tưởng chừng mới xảy ra không lâu.
Những địa danh: cù lao Phố, ngã ba Vườn Mít, ngã ba Tam Hiệp, ngã ba Tân Vạn, công trường Sông Phố… ba cây cầu: cầu Gành, cầu Đồng Nai, cầu Hóa An, các yếu điểm quân sự hay hành chánh: phi trường, tòa tỉnh, tiểu khu … là những nơi tôi từng lui tới và nhất là trường trung học Ngô Quyền, nơi mà tình thầy trò nẩy nở và kéo dài đến ngày hôm nay dù thầy trò đều đầu bạc như nhau.
Có ai về xứ Bưởi cho tôi nhắn gởi nỗi niềm của một thầy giáo trẻ, một anh lính ba gai ngày nào của Biên Hòa nay đã ngót nghét ở độ tuổi ”thất thập cổ lai hy” vẫn thương nhớ vùng đất thân yêu có con sông Đồng Nai hiền hòa, có ngọn núi Bửu Long thơ mộng và nhất là có những cô Bắc kỳ cũng như Nam kỳ nho nhỏ đáng yêu.
Montreal, đầu mùa tuyết rơi 2013.
Huỳnh Công Ân
Lần này thầy Huỳnh Công Ân và phu nhân trong chuyến du lịch có ghé lại miền Nam Cali. Thầy cô muốn thăm những người bạn từng dạy chung trường Ngô Quyền và những học trò xưa.
Ngôi trường xưa không hiện hữu ở xứ người, nhưng những người từng gắn bó với ngôi trường này vẫn còn đó. Một mái trường Ngô Quyền vô hình vẫn sống trong lòng mọi người. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ mà người ly hương kết chặt tình thân.
Đã qua gần 50 năm đất nước Viêt Nam thay ngôi đổi chủ. Những người muôn năm cũ của ngôi trường Ngô Quyền không còn nữa. Thầy giáo, học trò tan tác đi khắp bốn phương. Thế giới bao la là nơi tạm dung cho những người VN mất căn cước của mình. Còn gặp được nhau là một điều vô cùng quý hóa. Một số lớn những cựu học sinh Ngô Quyền từng học thầy Ân biết tin nhưng không có phương tiện về thăm. Mừng thầy về nhưng không thể đến bên thầy để thăm hỏi. Các bạn chỉ gửi tin nhắn chúc thầy sức khỏe và chúc cuộc họp mặt sẽ là niềm hạnh phúc của tất cả mọi người.
Riêng tôi, tôi rất muốn gặp được thầy Huỳnh Công Ân một lần vì tôi rất kính phục thầy về những bài viết của thầy trên trang web Ngô Quyền. Thầy đã có những nhận định sâu sắc về tình hình và lịch sử Việt Nam. Thầy đã góp mặt thường xuyên trong website Ngô Quyền với những bài viết vô cùng giá trị. Thầy đã cho tôi mở rộng tầm mắt về một thời kỳ hưng thịnh về giáo dục ngày xưa. Về việc đời thường của những người thầy mà ngày còn đi học tôi vô cùng thần tượng.
Đây là những bài viết của thầy Huỳnh Công Ân mà nếu các bạn chưa đọc hãy vào trang Web Ngô Quyền của chúng ta tìm đọc. Tôi tin chắc sẽ rất hữu ích cho kiến thức của chúng ta.
- Vài Kỷ Niệm Với Thầy Nguyễn Phi Long
- Khóc Cho Ngày 30/4
- Sài Gòn Sau 1975 (6 phần)
- Alain Delon Người Tình Trong Mộng Của Bao Thiếu Nữ…..
- Những Ông Thầy Bắc Kỳ Của Tôi
- Các Trường Đại Học Ở Miền Nam Trước 1975
- Những Trường Trung Học Tiêu Biểu Của Miền Nam Trước 1975
Những bài viết của thầy Ân còn nhiều, tôi chỉ nêu một số bài tiêu biểu.
Chương trình gặp mặt thầy cô Huỳnh Công Ân được thống nhất là ngày thứ hai 09/9/2024 lúc 5:30 pm tại nhà hàng Quốc Thái, Những người đến đây tham dự với một niềm vui tái ngộ.
Trong hình tôi nhận được thấy có sự góp mặt của cô Kim Dung, thầy Lê Quý Thể, phu quân cô Huỳnh Thanh Mai. Về phía học trò có anh Trầm Hữu Tình, Lữ Công Tâm, vợ chồng Tô Anh Tuấn, Ngọc Huệ, Tất Ứng và vợ chồng Xuân & Phượng, Võ Hà Thông. Cô Nhung đến trễ nhưng cũng rất vui. Trong hình đa phần các anh chị có mặt là những học trò các khóa trước khi thầy Ân đến dạy. Tuy nhiên đã là thầy đã dạy tại trường Ngô Quyền đều là thầy của chúng ta.
Trong hình thầy cô Huỳnh Công Ân còn rất tráng kiện, khỏe mạnh. Thầy nhìn còn phong độ tươi vui. Tôi đã đọc những bài viết của thầy, tôi nghĩ ngày xưa còn trẻ thầy cũng phong lưu bay bướm lắm. Cô chắc cũng đau tim về thầy.
Món ăn hôm đó là món cá nướng cuốn bánh tráng đặc biệt ở nơi này. Ngọc Huệ đóng góp thêm món bánh Flan
Anh Tình đã mô tả qua mấy vần thơ ngắn sau đây:
Thầy Trò : 15 , 3 Cá Nướng
Mấy ly Bia Lạnh nhậu sương sương
Bánh Flan Hue Ma ngot mía đường
Selfie ảnh chụp By Xuân Phượng
Nhắc lại chuyện xưa dưới mái trường
Ấm lòng Già Trẻ sống Tha Hương
THT
Tôi không tham dự được nên cũng nôn nao gọi phone để hỏi thăm. Từ đó tôi cũng biết vài chuyện bên lề khá vui.
Anh Trầm hữu Tình và thầy Ân cùng tuổi. Hai người “Một người làm thầy tóc đen nhánh. Một người làm học trò tóc bạc như mây.”
Trong lúc chụp hình, Tô Anh Tuấn nói “Thầy cô ngồi ở ghế, tất cả học trò đứng phía sau” Thế là một… hai… ba bấm máy. Bức hình hiện ra như các bạn thấy ở trên.
Hình được gửi đi và Ngọc Huệ nhận được điện thoại của cô giáo Sương Trầm từ Việt Nam. (Sương Trầm ngày xưa là học trò cưng của thầy Ân đó nha.) Sương Trầm than thở cùng Ngọc Huệ như sau:
_ Chị ơi! Em xem hình thấy tội nghiệp cho ông anh của em quá. Anh em cùng tuổi với thầy Ân mà anh em tóc bạc phải làm học trò đứng đàng sau thầy khoanh tay cung kính (Tôi nhìn hình, thấy giống như anh Tình bị thầy phạt hi hi). Vui thật.
Thầy Thể và thầy Ân ngày xưa đi dạy là cặp bài trùng nên khi nhận được tin thầy Ân qua Cali Ngọc Huệ liền báo tin cho các thầy cô ở trong vùng Orange County. Trong đó không thể quên thầy Thể. Em ấy đã text cho thầy Thể địa chỉ nhà hàng nhưng không thấy thầy Thể trả lời. Lại nghĩ chắc thầy không thể đến được. Khi nhận được phone thầy Thể gọi lại, thầy nói đang lái xe tìm nhà hàng và hỏi Ngọc Huệ xin địa chỉ. Ngọc Huệ nói: “Em đã text cho thầy, không thấy thầy trả lời em tưởng thầy không đi được. Thầy Thể nói: “Không trả lời là đi, nghe gặp ông Ân là phải đi”
Các bạn biết tính thầy Thể rồi, như vậy đủ biết tình anh em, đồng nghiệp của thầy Ân và thầy Thể ra sao.
Lần họp mặt này có mặt cô Kim Dung. Từ ngày thầy Cát mất cô có một thời gian ảnh hưởng khá lớn. Bây giờ rất mừng là cô đã ổn định lại nhiều. Trông cô trẻ, khỏe và vui ra. Lần này anh Tình lái xe đưa cô tới. Cô nói với học trò: “Nếu có dịp gì họp mặt Ngô Quyền các em nhớ gọi cho cô. Cô rất thích tham dự cùng các em."
Cô ơi! Nhìn cô khỏe mạnh và vui vẻ em rất mừng. Có những nỗi đau nếu mình không biết chế ngự sẽ làm mình suy sụp nhanh chóng. Bây giờ điều qung trọng nhất là cô phải giữ gìn sức khỏe của mình, vui với con cháu học trò và sống thật an lạc.
Phu quân của cô Huỳnh Thanh Mai có mặt từ sớm. Ngày xưa mỗi lần trường Ngô Quyền có họp mặt thầy cô đều đi chung rất hạnh phúc. Bây giờ cô Mai mất nhưng tình cảm của thầy đối với Ngô Quyền vẫn được giữ một cách tốt đẹp. Hội ngộ Ngô Quyền tháng 7 vừa qua thầy có mặt. Mừng sinh nhật Hạnh, Thầy cũng đến chung vui. Sự có mặt của thầy lần này cho thấy tình yêu của thầy dành cho cô thật lớn lao. Chúng em rất vui và hạnh phúc.
Nhân gặp mặt các bạn Ngô Quyền, thầy tâm sự với Lữ Công Tâm: “Hôm Tết cô Thanh Mai đã chuẩn bị sẳn phong bao lì xì cho một số các học sinh Ngô Quyền nhưng không đưa kịp.". (Có lẽ đây là những bạn đã đến nhà chúc Tết thầy cô năm ngoái.) Thầy cũng nhã ý mời ban chấp hành hội Ngô Quyền một bữa ăn trưa hoặc chiều ở nhà hàng gần nhà thầy để thầy đại diện cô gửi trễ lì xì đến mọi người.
Đọc tin nhắn của Lữ Công Tâm trong iphone tôi rất xúc động và thấy mình bạc bẽo. Tình thương của cô Thanh Mai với Ngô Quyền bao la quá. Những ngày cơ thể cô đau đớn đấu tranh với bệnh tật mà cô cũng không quên chúng tôi. Vậy mà ngày tang lễ cô tôi bận đi chơi xa không thể đến đốt cho cô nén hương tiễn cô đoạn đường cuối cùng. Cô ơi! Em thật lòng xin lỗi cô và cám ơn cô vẫn nhớ tới em.
Một người không có mặt trong ngày hôm ấy là Ngọc Dung. Em là người nhận email của thầy, chuyển tin tức và hứa sẽ tham dự, vì cũng muốn gặp Thầy Ân, Thầy Thể, hai người Thầy đã thường xuyên viết bài cho trang nhà, vì nghe nói 2 Thầy rất thân nhau. Thầy Ân ở xa về chắc Thầy Thể sẽ đến dự. Nhưng cuối cùng em lại không có mặt, vì lý do mấy ngày trước đó Cali quá nóng, sức khỏe của ba má em không ổn. Y tá phải đến nhà thường xuyên để theo dõi, các em ở xa về thăm, em lại không được khỏe, nên đến giờ chót em phải gọi cho Ngọc Huệ cancel không đến được. Mặc dù Ngọc Dung đã chuẩn bị sẵn một chai rượu để đến mừng thầy như lời hứa với Ngọc Huệ nhưng việc chẳng đặng đừng em phải thất hứa.
Thấy hình Ngọc Huệ gửi, ngoài các Thầy còn có cô Kim Dung, cô Nhung và các đại sư huynh, sư tỷ... ai cũng tươi như hoa, Ngọc Dung cũng vui lây mà lòng thì tiếc hùi hụi. Em nhắn gửi lời xin lỗi thầy cô và các bạn.
Tháng chín Cali đón thầy cô Huỳnh Công Ân đến thăm. Thầy bây giờ cũng không khác học trò là bao, nhiều khi còn trẻ hơn là khác. Có lẽ khi thầy Ân gặp mặt thầy Thể thầy sẽ nhớ đến Biên Hòa ngày xưa, nhớ một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Nhớ những đêm đến nhà thầy Thể xoa mạc chược. Nhớ thầy Phi Long và nhớ những đứa học trò ngây thơ ngày nào.
Tháng Chín gói trọn niềm vui
Thầy về để nhớ tiếng cười ngày xưa
Cali chiều nắng lưa thưa
Học trò bạn cũ vui đùa đoàn viên
Qua rồi một thuở đảo điên
Ly hương đất khách khắp miền gần xa
Bây giờ ta lại gặp ta
Ngô Quyền trường cũ một nhà về đây
Bàn tay siết chặt bàn tay
Nhớ ngày còn trẻ hăng say miệt mài
Bảng đen phấn trắng làm thầy
Biên Hòa ngày cũ biết ngày nào quên
Về đây quên mọi ưu phiền
Ngô Quyền ta lại nối liền bờ vui.
Em kính chúc các thầy cô, các anh chị thật nhiều sức khỏe. Kính chúc thầy cô Huỳnh Công Ân những ngày về thăm miền Nam Cali vui vẻ, hạnh phúc, mọi sự an lành.
Trân trọng.
Nguyễn Thị Thêm.
14/9/2024