Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Ngọc Ẩn G - TUI VÀ NÓ

Friday, September 6, 20242:39 AM(View: 2405)
Nguyễn Ngọc Ẩn G - TUI VÀ NÓ


TUI VÀ NÓ

image001

 

NHỮNG NGÀY ĐI HỌC

 

Trời mưa. Nó mặc áo mưa đi bộ lên nhà tui. Tui chờ nó vì biết thế nào nó cũng lọt tọt tới. Tui đèo nó trên chiếc xe đạp cuộc, hai đứa đi lang thang dưới cơn mưa của bầu trời Biên Hòa. Ghé xe bò viên trước Biên Hùng ăn bò viên xong, tạt qua xe nước mía uống nước mía cho mát.

 

Nhà tui cách nhà nó 500 thước. Mỗi ngày đi học nó lên nhà tui, tui chở nó đi học. Ra về tui chở nó về. Suốt năm đệ lục, đệ ngũ 4, tui làm tài xế cho nó. Năm đệ tứ 4, tui có Honda. Tui chở nó bằng Honda. Nhưng năm đệ tứ 4 là năm đáng ghi nhớ với tui và nó. Nó chơi với thằng Huỳnh trung Cang (sau nầy làm Chánh Án) chuyển trường từ Tân Uyên xuống, tui bang qua chơi với Phạm đình Trọng, Hồ xuân Nghiêm (sau nầy làm hiệu trưởng trường trung học Ngô Quyền), Trần trung Thu (chủ nhân nhà thuốc tây Ngọc Thu ở đường Trịnh hoài Đức): băng học hành tứ 4. Tụi tui bắt đầu biết suy nghĩ về thân phận đất nước, bắt đầu đọc sách Phạm công Thiện, Bùi Giáng và ngồi quán cà phê Tuyệt ở đường Trịnh hoài Đức nhả khói thuốc để suy tư về cuộc đời. Còn nó vẫn còn khoái ăn bò viên và uống nước mía.

 

Tui bắt đầu hút thuốc vào năm 15 tuổi và coi Playboy cũng vào tuổi nầy. Có lần đưa nó một điếu Salem, nó bập bập vài hơi rồi sặc sụa, nước mắt nước mũi chảy lòng thòng như con nít.

 

15 tuổi, tuổi dậy thì. Những biến chuyển về tâm sinh lý làm tui bắt đầu để ý đến đám con gái học Ngô Quyền. Nhà tui đâu vách với cô Nguyễn thị Ngọc Bích, lớp tứ 2. Thấy cô nầy ngồ ngộ, tui bèn xách cái máy chụp hình chờ cô đi học về chụp một pô để làm kỷ niệm. Đi học về, ráng đạp xe về trước để sửa soạn đồ nghề chụp hình nàng. Nó làm phụ tá cho tui. Sau nầy nhắc lại, nó cằn nhằn "Hổng ăn cái giải gì hết mà bắt tao phải về sớm để chụp hình nó, không được ăn bò viên và uống nước mía."

 

Nó nói đúng. Hổng ăn cái giải gì hết.

 

Nó hễ thấy con gái là đỏ mặt. Hút thuốc thì sặc sụa mà ăn bò viên với uống nước mía thì khoái. Bạn bè nói tui phát triển sớm, nó phát triển chậm.

 

Nó học võ Thiếu Lâm. Tui theo nó. Ngặt vì cái chỗ dạy võ ở Hãng Dầu ngay trường tiểu học Đồ Chiểu có vài đứa con gái cứ nhìn lén mà tụi tui phải mặc xà lỏn đỏ để tập. Tui mắc cỡ bỏ tập. Nó kiên trì. Sau này nó trở thành vô địch Đông Nam Á, một ngôi sao sáng trong làng võ Bắc Phái Thiếu Lâm Tự, con gà nòi của Tổng Cục Quyền Thuật Việt Nam và là đồ đệ ruột của Chưởng Môn Xuân Bình.

 

Đi đâu tui cũng dắt nó theo như gạc đờ co.

 

Lên Tân Ba, xuống Cù Lao, chỗ nào có tui là có nó. Nó với tui như bóng với hình. Tui nói gì nó nghe đó. Không bàn cãi, không thắc mắc. Nó như vậy đó.

 

Ngày chọn ban. Tui ban B, bỗng dưng nó xé lẻ qua ban A. Tui nói "bộ mày khùng sao mà mầy qua ban A. Con trai phải đi ban B chớ." Nó kiên quyết xé lẻ qua ban A. Sau nầy nghe nó nói là bạn bè kháo nhau là thằng Nguyễn chí Đức đi ban nào là nó đi ban đó vì nó cọp-dê thằng Đức.  Nguyễn chí Đức đi ban B cho nên nó phải qua ban A để chứng minh với bạn bè là nó không có cọp-dê Chí Đức chớ nó học ban nào cũng vậy thôi

 

Tui Tam B1, nó Tam A1, đôi ngã chia ly,  "thôi là hết anh đi đường anh, tình đôi mình chỉ có thế thôi." Nó học buổi sáng, tui buổi chiều; nó buổi chiều, tui buổi sáng.

 

Nhưng không như vậy mà tụi tui không ngó ngàng gì đến nhau. Mỗi lần gặp nó ngoài đường là tui giơ tay "Ê, đi ăn bò viên" hoặc "Đi ăn nem nướng Hồng Hoa ở Chợ Đồn." là nó tháp tùng theo liền.

 

Năm Tam B1 tui có yêu một con nhỏ học chung lớp.  Năm lớp 12, lấy tiền ba má bao nàng đi ăn ở nhà hàng Hạnh Phước, tui rủ nó theo.  Nó biết mối tình tụi tui từ đó. Sau nầy tui thường nói với nó "Hồi nhỏ lấy tiền ba má bao gái ăn. Lớn lên làm ra tiền dẫn vợ đi ăn. Gái và vợ cũng chỉ là một con." Nó cười.

 

Hết trung học, tui lò mò ghi danh Đại Học Đà Lạt. Thành phố thơ mộng. Cứ mỗi sáng chủ nhựt là thấy mấy anh Võ Bị oai phong lẫm liệt trong bộ đồ đại lễ đi với mấy em Couvent hoặc Bùi thị Xuân. Phở Bằng với cà phê Tùng làm Đà Lạt thêm lãng mạn.

 

Nhưng tui vẫn thấy thiếu một cái gì. A, thì ra thiếu nó. Học hành gì mà một tháng tui về Biên Hoà 2 lần. Nhớ nhà quá. Đi xa Biên Hòa quá. Cũng tại mình. Đại Học Sài Gòn gần xịt mà không chịu ghi tên mà lại ghi tên cái đại học xa vời vợi. Học chỗ nào mà chẳng được.

 

Tui bèn đèo nó lên Đà Lạt bằng xe đò Minh Trung. Đêm 24 Noel, ăn reveillon với gia đình một người bạn mới với nó. Có nó, tui thấy ấm lòng. Hôm sau đi tới nhà một người bạn gái mới, nó nói chuyện tùm lum, lưu loát, chọc cười thiên hạ. Thiên hạ khoái nó nói chuyện, còn tui không biết nói cái gì cho ra hồn. Muốn nói chuyện như nó mà không được. Nó nói chuyện có duyên, con gái khoái nó kể chuyện trên trời dưới đất, còn tui thì câm như hến.

 

Rồi tui rời Đà Lạt về Biên Hòa để sửa soạn đi Nhựt. Tui mê cái xứ Hoa Anh Đào nầy từ khi còn nhỏ. Mấy cô gái Nhựt trong bộ Kimono làm hồn tui xao xuyến.  Giấc mơ của tui khi còn nhỏ là "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhựt." Buổi tối trước khi lên đường, nó đem đến cho tui cái áo choàng (coat) dầy của Hải Quân vì nó biết bên Nhựt lạnh. Tui nói cám ơn nó, bắt tay nó thiệt chặt, vỗ vai nó và hẹn nó năm sau gặp nhau ở Nhựt.

 

Ước mơ của tui là xong trung học nó qua Nhựt với tui. Giấy tờ ghi danh học tiếng Nhựt tui đã sửa soạn sẵn cho nó. Rồi ta lại gặp ta.

 

Đùng một cái. Mùa hè đỏ lửa. Nó hết hạn tuổi nộp đơn đi du học. Tui ở bên Nhựt chới với. Thôi rồi, đôi ngã chia ly một lần nữa.  Tới năm 75 thì lần này chắc là " Thôi chia ly từ đây. Như  Chiêm Vương xa Huyền Trân." Tui và nó bặt tin nhau.

 

Buổi sáng thức dậy,  bưu điện đưa cái điện tín có vỏn vẹn 4 chữ " Má Ẩn G mất rồi." Tên người gởi là nó. Ở bên bờ đại dương xa xôi, nhìn về Việt Nam nhớ má, nhớ nó mà nước mắt tuôn tràn.

 

Ngày tui về Việt Nam thăm gia đình có nó ra tận phi trường Tân Sơn Nhứt đón. Nó chững chạc ra. Tướng tá cao lớn, đẹp trai ra chớ không còn là 'nhi đồng cứu quốc' như xưa. Ăn nói từ tốn. Nhưng cái tinh nghịch trong ánh mắt ngày xưa vẫn vậy, không thay đổi. Tay bắt mặt mừng. Tui ôm nó, nắm tay nó, vỗ vai nó mà lòng như mở hội. Nó đây rồi.

 

Suốt 1 tuần lễ ở Việt Nam tui không ăn cơm nhà. Nó chở tui đi khắp phố phường Biên Hòa, thăm Phạm văn Vàng, Hồ xuân Nghiêm, Trần trung Thu, Phạm đình Trọng, Nguyễn chí Đức..

 

Nó bấy giờ là một doanh nhân. Tui hãnh diện và ngưỡng mộ có một thằng bạn như nó. Ngày trở lại Nhựt cũng có nó ra phi trường đưa tiễn.

 

Tui kết hôn với người bạn học năm xưa sau 30 xa cách.  Năm nào tụi tui cũng về Việt Nam thăm nhà. Người đầu tiên tui bốc máy điện thoại gọi sau khi xuống phi trường TSN là nó rồi sau đó mới tới anh em trong gia đình.

 

"Đi uống cà phê chớ", tiếng nó lanh lảnh trong điện thoại.  Rồi mỗi ngày tui với nó đi hết tiệm nầy qua tiệm khác với cái đám bạn bè tứ 4 năm xưa. Mái tóc có thêm muối nhưng tính tình vẫn vậy.  Vẫn để bạn bè và mấy em trên hết. Người ta nói "Tổ Quốc Trên Hết" còn nó tuyên bố "Bạn Bè và Mấy Em Trên Hết." Cũng vì vậy mà công việc kinh doanh có phần không suông sẽ cho lắm. Tính tình nó nghệ sĩ như vậy đó.

 

Thật tình mà nói, cái động lực thúc đẩy tui về thăm Việt Nam là vì nó.  "Ngày nào mầy không còn ở Việt Nam chắc tao không về nữa quá." tui nói với nó như vậy.

 

QUA MỸ

 

Cuộc đời không ai lường trước được. Đùng một cái nó qua Mỹ. Tui cũng không hiểu sao cũng lọt tọt qua đến cái xứ nầy. Nó qua Mỹ tháng 8 năm 2007, tui tháng giêng năm 2008. Khi còn ở Nhựt mặc dù xa nhau vạn dậm nhưng tui cảm thấy gần gũi nó. Múi giờ ở Nhựt với Việt Nam chỉ cách nhau có 2 tiếng cho nên khi tui nói chuyện với nó qua điện thoại thi tụi tui cảm thông với nhau hơn là một người ở Mỹ nói chuyện với một người ở Việt Nam. Một người sáng, một người tối. Tâm hồn rời rạc không thống nhứt.

 

Qua Mỹ rồi, nó Minnesota, tui Cali. Đôi đàng cách trở. "Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy. Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu. Ngàn dâu xanh ngắt một màu. Lòng tui với nó ai sầu hơn ai."

 

Cuộc đối thoại của tui với nó không còn ấm áp như ngày xưa. Ngày xưa mỗi lần qua điện thoai, qua Skype, tuy xa mà gần. Dường như nó ở bên cạnh, thấy bóng dáng nó trên Skype mà lòng ấm lại. Hỏi nó "Bữa nay mầy đi đâu? Có gặp tụi thằng Trần thành Lập hôn? Có tiệm cà phê nào mới ở Biên Hòa hôn? Nhớ uống dùm tao một ly cà phê nha.”  Nó lanh lảnh "Mới đi uống cà phê với tụi nó về, chút nữa đi nhậu với tụi nó. Hôm trước có đi qua Tân Ba, qua lò gạch cũ của mầy, nhớ mầy."

 

Còn bây giờ. Hãy nghe cuộc nói chuyện giữa tui và nó:

 

"Ẩn G, khỏe hôn mậy? Ở Cali vui hôn?"

"Khỏe, nhưng Cali đâu có gì vui đâu. Tao không biết ai mà ai cũng không biết tao. Còn mầy ở Minnesota ra sao?"

"Ở đây lạnh lắm. Không có đi đâu hết. Ở nhà thôi. Cuối tuần có mấy đứa em chở đi mua đồ lặt vặt."

"Vậy chán bỏ mẹ"

“Ừ, chán lắm. Biết sao giờ."

"Có liên lạc được với thằng nào hôn?"

"Có, mà sao không thấy tụi nó trả lời điện thoại"

 

Như vậy đó. Còn gì nữa mà tâm sự. Bạn có bao giờ thấy hoa anh đào ở Đà Lạt đem về Biên Hòa trồng chưa? Nó èo uột, éo úa, màu của nó không tươi thắm như ở Đà Lạt. Tụi tui như vậy đó. Cũng èo uột, éo úa, nụ cười của tụi tui không còn tươi thắm như những lúc tui còn ở Nhựt và nó còn ở Việt Nam.

 

Ngày nó xuống Cali để tham dự đại hội Võ Thuật, tui gặp nó. Dẫn nó về nhà, ngồi tâm sự, hai đứa nói chuyện mà không đứa nào nở được một nụ cười làm thuốc. Nó nói ”Tao muốn ngày phỏng vấn đi Mỹ chậm lại để tao còn ở lại Việt Nam ngày nào hay ngày đó." Ra quán cà phê Việt Nam ở Cali cũng không tìm lại được những ngày ngồi ở quán Vì Sao, Cội Nguồn, Khúc Thụy Du. Chủ đề cuộc nói chuyện cũng lanh quanh với câu hỏi "Làm sao sống trên cái đất Mỹ nầy?" Ngày bắt tay nó để nó trở lại Minnesota, tui thấy cay đắng mà chắc nó cũng cảm thấy ngậm ngùi mà không nói.

 

Tuy ở chung một xứ mà cảm thấy xa cách với nhau.

 

Rồi tui đi làm ở một ngân hàng. Mỗi ngày đi làm về, nhớ nó. Cuối tuần, đi uống cà phê với bà xã, thì thầm với người bạn học năm xưa mà bây giờ là người bạn trăm năm "Phải có nó ở đây đấu láo thì vui biết mấy hả Sương?"

 

Đi làm hai năm, công việc ổn định. nhưng tui không cảm thấy hứng khởi trong công việc. Rồi suy nghĩ "Cái gì là quan trọng trong cuộc đời còn lại của mình. Ngày đi du học mong được trở lại quê hương làm một cái gì đó. Ngày trở về mới biết mình không làm được cái gì hết. Có phải cuối cuộc đời cái quan trọng nhứt là tình bạn không?  " Nghĩ vậy, một bữa đi làm nhớ ông bà ông vải, bỗng nhiên nổi khùng vô nói với xếp " I'm going to quit my job in two weeks. You should find someone to replace me (Tui xin nghỉ việc của tui trong 2 tuần nữa. Bà kiếm người thay thế tui đi)." Bà xếp chưng hửng:" What's happening" Nói với bả là tui có thằng bạn nối khố ở Minnesota, tui lên sống với nó cho đỡ buồn vì ở Mỹ buồn quá. Bả trợn mắt " Vì bạn mà nghỉ việc hả? Chưa nghe chuyện đó bao giờ"  "Chưa nghe bao giờ thì bây giờ bà nghe".  Bà nói "You know what? You're a Vice President and no one can communicate with clients in multiple languages like you do...." Biết bà xếp ca bài 'Con cá sống vì nước' nhưng lòng đã quyết, bỏ ngang xương cái job ngon ơ để đi tìm thằng bạn ngày xưa.

 

Bà xã ở nhà mở cặp mắt thật bự "Bộ nổi khùng lên rồi chắc. Lên Minnesota rồi lấy gì sống.  Nổi khùng lên một lần là đủ rồi." Ý bà xã nói là lần trước khi khổng khi không, công việc, nhà cửa ổn định ở Nhựt, tự nhiên bay qua Mỹ, ta không biết ai, mà ai cũng không biết ta. Tất cả phải làm lại từ đầu ở tuổi ngũ tuần. Lúc đó phải năn nỉ bả, phải vỗ ngọt bả là qua Mỹ anh mua cho em cái nầy, cái nọ... vân vân và vân vân bà xã tui mới chịu đi. Bằng mặt mà chắc nàng không bằng lòng.

 

Cũng hiểu, ở Nhựt về Việt Nam chỉ có 5 tiếng, bả mê học tiếng Nhựt hơn tiếng Tây, tiếng U, ra đường có cơm ăn, không có chuyện đồ ăn Nhựt đồ ăn Việt vì đồ ăn Nhựt cũng giống như đồ ăn Việt, quán cà phê khắp nơi, cứ đi 1 cây số là có một tiệm cà phê. Không cần lái xe vì giao thông công cộng của Nhựt đứng vào hàng đầu của thế giới. An ninh trật tự vững vàng, đàn bà con gái đi bộ nửa đêm cũng không sao. Không có chuyện nổi giận lên xách súng bắn tùm lum như ở Mỹ, sao lại phải đi tới xứ Mỹ làm chi.

 

Sáu tháng đầu ở Cali, bà xã cứ đòi về Nhựt lại, nằm mơ cũng thấy Nhựt. Nhưng lỡ rồi. Cũng tại tui. Tất cả cũng tại tui.

 

Phải ca bài "Con cá sống vì nước, anh thiếu nó thì anh buồn, sống mà buồn bã thì sống làm chi" nên bà cũng mủi lòng với lại nó cũng là bạn học của bả. Nghe tui nói lên với nó, nó welcome tui, nó nói là mầy cứ lên đây đi, tao lo cho. Mướn U-Haul chạy một mạch lên Minnesota, gặp nó mừng lủi thủi.  Anh em nó welcome tụi tui, đứa lo cái này, đứa lo cái kia. Má nó thì tui đã quen biết từ hồi còn nhỏ nên không xa lạ gì. Tóm lại Châu Về Hợp Phố.

 

MINNESOTA

 

Mới biết, Minnesota lạnh kinh khủng, mùa đông lạnh dưới 20 độ C. Tất cả đều là đông đá, chỉ trừ trái tim của tụi tui. Rồi cũng quen. Người ta sống được, mình sống được. Đi mua căn nhà nhỏ, basement chưa làm, để trống không, nó nói "Mày cứ mua đi, tao làm basement cho." Mua xong, nó huy động anh em nó tới làm giúp, đứa lót gạch, đứa sơn nhà, đứa phụ đóng sheetrock.  Lúc sửa nhà với nó, nói với nó " Tao ngày xưa cứ ao ước là lúc về già hai đứa tụi mình hợp sức làm chung một cái gì, không ngờ ông trời cho tao sửa nhà chung với mầy." Nó nói "Thì cũng làm chung một việc đó chớ. Lần sau mầy có nói với ổng thì mầy nói cho rõ ràng là làm chung với nhau là hai đứa mình làm chủ công ty nầy nọ."

 

Nhà tui, nó ra Goodwill, Salvation Army mua đồ antique trang hoàng cho tui. Phòng ngủ, phòng làm việc, một tay nó làm hết. Bạn bè như nó khó kiếm ra một người thứ hai.

 

Tui lại làm tài xế cho nó như ngày xưa. Ngày xưa chở nó đi bằng xe đạp, bây giờ chở nó đi bằng xe hơi.  Đi uống cà phê với nó có thêm Ngọc Sương, bà xã tui mà cũng là bạn học của nó.  Uống cà phê, ôn lại chuyện cũ, nổ như bắp rang.

 

 

CƯỜI RA NƯỚC MẮT

 

Gần nó mới khám phá ra nhiều điều. Cười ra nước mắt. Nửa cười nửa khóc.

 

Hai đứa tính chuyện làm ăn chung.  Với tui, làm việc gì cũng phải có bài bản.  Trước hết phải viết cái Business Plan trong đó có Mission Statement, Marketing Research, Projected Income Stream... vì đại học Mỹ đã dạy tui như vậy. Còn nó với kinh nghiệm là dân chạy áp phe, nôm na là mì ăn liền,  cứ nhào đại vô làm, tới đâu điều chỉnh theo tới đó. Nó phán  “Không ai biết được ngày mai, ở đó mà tính với toán.” Nó chê tui cứng ngắt trong khuôn khổ sách vở, tui nói nó là thằng làm càn làm ẩu. Bất đồng ý kiến. Xập tiệm.

 

Nói chuyện với nó thì y như ông nói gà bà nói vịt. Nó nói "Đột xuất" thi tui "Bất ngờ"; nó nói "đơn vị" thì tui "công ty"; nó nói "chất lượng" thì tui "phẩm chất", nó nói "Đảm bảo" thì tui "Bảo đảm",  tới khi nó nói "Thao tác" thi tui hổng biết nó muốn nói cái giống gì. 

 

Thôi rồi. Tui với nó đồng sàng dị mộng. Cũng là tiếng Việt mà ngôn ngữ của nó khác ngôn ngữ của tui. Mà ngôn ngữ khác tất nhiên sự suy nghĩ cũng có phần khác.

 

Ra đường đèn đỏ không có cảnh sát nó cứ băng ngang, tui chờ đèn xanh mới băng. Hút thuốc xong nó quăng tàn thuốc xuống đường, tui đi tìm gạt tàn thuốc bỏ vô. Không phải tui tốt lành gì mà 40 năm sống ở Nhựt ai sao tui vậy. Một con đường nhỏ ở Nhựt, không có cảnh sát, mà mọi người đều chờ đèn xanh mới băng qua. Hút thuốc xong không có gạc tàn thuốc, dụi tàn thuốc, kiếm tờ giấy gói lại, kiếm thùng rác bỏ vô.  Ngày mới qua Nhựt, đi chung với một ông đàn anh qua trước, đang đi trên đường gặp 10 yen (khoảng 10 cents) ổng mới lượm lên, đi tới bót cảnh sát, không có ai ở đó, ổng bèn để 10 yen trên bàn rồi kéo tui đi.

 

Mới qua Nhựt chưa biết ất giáp gì hết, mới hỏi ổng "Sao anh không lấy đại 10 yen cho rồi, đem đến đây chi cho mất công." Ông mới trả lời "Cái gì của mình là của mình, không phải của mình thì nên trả lại dù nó là 10 yen đi nữa." Ổng dạy tui một bài học để đời.

 

Hơn 30 năm xa cách nhau, tui ở Nhựt, nó ở Việt Nam, rồi đổi đời, tất nhiên nó khác, tui khác. Thấy vậy mà không phải vậy. Nó ăn đồ Mỹ không được, tui sống ở ngoại quốc 40 năm, đồ gì ăn chẳng được.  Nó cứ thịt kho, bò kho, bao tử hầm tiêu, còn tui thì sandwidch, onion soup, spaghetti. Với tui, đến xứ nào học ngôn ngữ và văn hóa xứ đó. Với nó, không thèm.

 

Nó nói không ra một câu tiếng tiếng Mỹ cho ra hồn. Hỏi nó, nó nói học tiếng Mỹ chừng nào mới giỏi đây, khỏi học luôn.  Tới tiệm cà phê hay quán ăn Mỹ là tui order hết, nó chỉ ngồi ăn. Hỏi nó vậy làm sao mà mầy đậu tú tài 2 được. Nó trả lời là "làm sao để môn Anh văn khỏi bị zero là được, nửa điểm cũng được, rồi lấy môn Vạn Vật hệ số 5 đập qua, vậy là xong." A, là ra vậy.

 

Nó lải nhải như một con ểnh ương "Tao tốt nghiệp đại học chính quy". tui 'chơi' nó "Vậy mà tao tưởng mầy tốt nghiệp đại học du kích chớ."  Thôi thì, bạn mình không biết tiếng Mỹ thì mình đóng cửa dạy bạn, không ai vạch áo cho người xem lưng. Xách cuốn sách tiếng Mỹ tới nhà nó, dạy nó bài đầu tiên " Who is she. She is my wife." Nó đọc tiếng Mỹ như tiếng Tây và mất căn bản từ hồi nhỏ. Hỏi gặn nó, nó mới 'bật mí' là hồi đi học tới giờ Anh Văn là thầy Tồn đuổi nó ra khỏi lớp học vì tội "quậy". Thầy Ngô Đức Tồn, nếu thầy có tình cờ đọc qua bài của em viết thì thầy có biết chăng là vì cơn giận của thầy ngày xưa mà bây giờ thằng bạn của em nó mất căn bản đến nổi mẫu tự tiếng Mỹ nó đọc như là le francais elementaire, bây giờ em có dạy nó tiếng Mỹ thì em phải bắt đầu bằng A,B,C. Sau đó không thấy nó tích cực trong việc học tiếng Mỹ, tui cũng bỏ qua. Nó sống ở Mỹ mà không biết tiếng Mỹ là tại tui. Lỗi tại tui.

 

Nó, vô địch Đông Nam Á Bắc Phái Thiếu Lâm Tự, từng ra miền Trung thách tất cả võ sĩ miền trung. Lên võ đài chưa một lần nào thua địch thủ. Bài quyền nào nó đi cũng rất đẹp, điệu nghệ như phượng múa rồng bay. Bây giờ tới phiên nó dạy tui võ thiếu lâm. Nó dạy tui bài "Cương Đao Phạt Mộc".  Sau đó thấy tui cũng không tích cực gì cho lắm với võ nghệ, nó cũng lơ luôn. Cho nên bây giờ 2 đứa tui, một đứa chỉ biết "Who is she. She is my wife" và một đứa "Cương Đao Phạt Mộc".

 

Hỏi nó "Sao mầy không dạy tao bài khác mà chỉ có "cương đao phạt mộc" không vậy, chẳng thấy phạt mộc đâu hết mà tao cứ phạt bà xã tao không hà." Nó cười nói tại thấy mầy không tích cực học nên tao không có dạy tiếp. Lỗi tại tui.

 

Nhiều khi tui cố ý chọc giận nó, chọc quê nó mà nếu người khác chắc giận lắm mà nó cứ vẫn cười hề hề, bỏ qua. Đi uống cà phê với bà xã, lúc nào cũng có nó, tụi tui 3 đứa. Mấy cô bán cà phê Starbuck chắc ngạc nhiên vì lúc nào cũng thấy 2 ông 1 bà, nghĩ là chắc nó còn độc thân, chưa vợ. Nào ai biết đâu rằng nó có tới 2 bà. Hỏi nó "Tụi tao thằng nào cũng chỉ có 1 bà mà còn thấy ớn, kham không nổi, mà mầy có tới 2 bà. Bí quyết nào mầy chỉ anh em học hỏi coi." Nó cười cười " Thì cũng như mầy chạy chiếc Citroen, lâu lâu mầy cũng muốn chạy thử chiếc Mercedes." Bạn nào muốn chạy thử Mercedes thì chạy chớ tui nói thiệt cho tiền tui không không dám mó mé tới chiếc Mercedes. Chỉ có nó dám can đảm. Tứ 4 không hề thiếu hào kiệt.

 

Năm 2013, nó về Việt Nam thăm bạn bè và mấy em. Nó rủ tui về chung. Nó nói khích tui về chung với nó. Không được, nó 'động viên' bà xã tui để cho tui về với nó. Nhưng tui xin miễn năm nầy mà nói với nó "Mầy về Việt Nam nhớ cho tao gởi lời thăm Nguyễn Chí Đức với con nhỏ bán chè ngoài chợ. Hỏi nó có chồng chưa, nếu chưa thì làm mai cho Chí Đức. Chồng sửa xe, vợ bán chè, vậy là hạnh phúc rồi, tao như nó lấy con nhỏ bán chè liền, nói với thằng Đức còn chờ gì nữa mà không lấy vợ, gần hết đời rồi mà nó cứ ôm thằng cha Krisnamurti hoài, có ngày làm con ma không vợ đó."

 

Cô bán chè trước tiệm sách Huỳnh Hiệp. Cô bán chè Tào Sọn và chè Đậu. Hỏi cô "Sao cô bán có 2 loại chè vậy?" Cô trả lời "Dạ, tại em chỉ biết nấu có hai loại chè nầy thôi." Câu trả lời mộc mạc, chân thành mà hay đáo để. Lần nào về VN cũng ghé qua chợ mua chè của cô. Ngày đi cô nói "Năm sau về mua chè của em nữa nha."

 

Ngày xưa, đưa nó một điếu Salem, nó sặc sụa, nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng mà bây giờ đi uống cà phê, cứ 15 phút là phải chạy ra ngoài để rít một hơi vì ở Starbuck no smoking.  Trên bao thuốc lá có ghi dòng chữ  ‘Hút thuốc dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn.’ Đưa cho nó coi thì nó phán “Hút thuốc chết từ từ. Bỏ thuốc chết liền. Giữa cái chết từ từ và cái chết liền tao chọn chết từ từ.” Bó tay. Không thuyết phục được nó bỏ thuốc lá là lỗi tại tui.

 

Ở Mỹ 10 năm mà nó vẫn không biết  lái xe. Nó đậu bằng viết mà không dám lái xe ra đường. Đi đâu cũng phải có người chở. Thiếu thuốc nó réo tui chở đi mua. Giận quá. Một bữa kêu nó “ Mầy cứ lái xe đại đi. Tao ngồi kế bên mầy. Có chết thì chết chung, chớ không chết mình mầy đâu mà sợ”. Nó OK. Ngồi kế bên nó mà trái tim muốn bay ra khỏi lồng ngực. “Thấy cái đèn đỏ đó chưa? Chạy gần tới thì thắng từ từ. Qua khỏi ngã tư thì quẹo qua tay phải. Nhớ quay đầu qua bên mặt coi có xe nào hôn rồi mới quẹo nha ông nội.” Kêu sao nó làm vậy. Chạy tới tiệm phở an toàn. Hú hồn. Hôm đó sao mà ăn tô phở thấy ngon quá xá cở vì biết mình còn sống. Nó biết chạy xe năm thứ 11 ở Mỹ. Chỉ có điều duy nhứt nầy là làm tui thấy hãnh diện vì có ích cho nó.

 

Ngày xưa, gặp con gái thì đỏ mặt tía tai mà bây giờ quá xá, ra đường thì mấy em bu đầy, về nhà thì 2 bà xa luân chiến.  Bí quyết nào mà nó có số đào hoa như vậy?

 

Tui nghiên cứu nó. Gặp đàn bà con gái, bất cứ lứa tuổi nào, từ 10 tuổi đến 80 tuổi nó nói chuyện nầy qua chuyện khác, không để người đối diện cảm thấy cô đơn, không có khoảng trống im lặng trong cuộc nói chuyện của nó. Bí quyết của nó thu gọn trong 4 chữ 'Mật Ngọt Chết Ruồi'.

 

Mà nó cái gì cũng biết. Từ chuyện trồng sâm, chuyện bị chó cắn chích thuốc gì, đến chuyện đồ cổ, chuyện chính chị, chính em, chuyện cây cối, chuyện ăn uống, cái gì cũng biết, mà biết để diễn tả một cách rành rọt, lưu loát.

 

Nó hầu như không bao giờ chỉ trích người khác. Mà có chỉ trích đi nữa, người bị chỉ trích vẫn thấy hài lòng với cách chỉ trích của nó. Còn tui chỉ trích ai thì người đó đỏ mặt tía tai, chút nữa là bị phang đôi dép vào mặt.

 

Nó có khiếu kể chuyện vui. Câu chuyện tầm thường mà qua cách kể chuyện của nó, thiên hạ lắng nghe và cười. Nó là ngôi sao sáng, là trung tâm của bạn bè. Đi đâu chơi thiếu nó là cuộc chơi phải đình lại cho tới khi có mặt nó. Còn tui thì "thiếu mợ chợ vẫn đông."

 

Nó như vậy đó. Tính tình nghệ sĩ. Tốt với bạn bè. Tốt với mấy em. Luôn luôn tích cực trong cuộc sống. Nó tuyên bố "Hể ông trời cho mình muối thì thế nào ổng cũng cho mình đường để pha cho ngọt." Ngồi uống cà phê với nó không ai có cảm giác chán chường cuộc đời nầy mà thấy phấn khởi trở lại.

 

Kinh nghiệm sống đầy mình. Tui học ở nó nhiều điều. Một tay triết lý. Nó tuyên bố " Ở đời chỉ có hên xui mà thôi. Không thằng nào hơn thằng nào.  Anh hùng khi khó cũng khoanh tay." 

 

Tới đây bạn cũng đoán ra nó là ai rồi chớ. Khỏi nói bạn cũng biết nó là Nguyễn Phùng Phước, võ danh Xuân Phước, người bạn tri âm, tri kỷ của tui và cũng là của bạn nữa đó. Chấm hết.

Viết cho những người bạn Ngô Quyền năm xưa.

Nguyễn Ngọc Ẩn G, Khoá 10.

Sunday, September 22, 2024(View: 575)
Riêng tôi khi mình lung túng không chắc chắn về những từ Hán Việt mà không hỏi ai được thì cứ ‘nôm na là cha mách qué” là hay nhất!
Saturday, September 21, 2024(View: 1124)
Nhìn vào tấm lịch treo trên tường, tôi thấy ngày Thứ Ba 17 Tháng 9 năm 2024 lại là ngày Tết Trung Thu năm 2024.
Friday, September 20, 2024(View: 1538)
Tháng chín Cali đón thầy cô Huỳnh Công Ân đến thăm. Thầy bây giờ cũng không khác học trò là bao, nhiều khi còn trẻ hơn là khác.
Friday, September 20, 2024(View: 650)
Lần lượt từng cuốn album được lật qua, nâng niu, từng kỷ niệm sống lại, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, để rồi ngẩn ngơ chép miệng, mới ngày nào!
Sunday, September 8, 2024(View: 1152)
Nghe nói cơn bão Yagi đang tiến vào Trung Quốc và VN. Xin cho cơn bão mau qua và đừng gây thiệt hại cho người dân tội nghiệp nước tôi. Cầu nguyện. Cầu nguyện.
Sunday, September 8, 2024(View: 5496)
BĐH Website NQBH xin chuyển lại nguyên văn bài viết của em Linh Vũ, là thứ nữ của Thầy Vũ Khánh Thành. Nội dung bài viết tựa lời ly biệt, như tiếng lòng của em Linh Vũ đối với người cha quá cố em yêu thương.
Sunday, September 8, 2024(View: 1050)
Chiều nay cũng như những buổi chiều hôm trước, những cơn mưa cứ rả rích liên miên bất tận. Mưa không lớn, mang theo gió lạnh buốt, hình như từ bên phía đồi cù tràn qua.“Mưa nhè nhẹ cho vừa nhớ thương”,
Saturday, September 7, 2024(View: 1808)
các quán cà phê nhạc được phổ biến những dòng nhạc thịnh hành ở hải ngoại lúc bấy giờ, qua phần trình diễn bởi các ban nhạc nổi tiếng như: ABBA, Boney M, Modern Talking, Bee Gees..
Wednesday, September 4, 2024(View: 994)
Trong thời gian tôi học ở bậc trung học và đại học, đa số các ông thầy của tôi đều là “Bắc Kỳ”. Có lẽ vì ở miền Bắc, đời sống khó khăn hơn, thời tiết khắc nghiệt hơn, ...
Wednesday, September 4, 2024(View: 1152)
Tôi không biết anh Nhật Tiến có sinh hoạt Hướng Đạo cho đến khi gặp Anh tại trại họp bạn Hướng Đạo Giữ Vững 1970 tại Suối Tiên Thủ Đức và được sinh hoạt chung với Anh từ năm 1971
Wednesday, September 4, 2024(View: 788)
Cám ơn người đã dừng chân ghé bến Bến yêu thương, bến quí trọng, thân tình Nếu ta cùng chung một kiếp nhân sinh Thì ta hãy thương yêu trong cuộc sống
Monday, August 26, 2024(View: 2818)
Và thế tôi xin mượn âm điệu bài hát 'NGÀN THU ÁO TÍM" của nhạc sĩ Vĩnh Phúc và Hoàng Trọng để diễn tả cuộc tình thật đẹp của những đôi tình nhân cùng học trường Ngô Quyền Biên Hòa.
Monday, August 26, 2024(View: 877)
Bước vào năm 2000 của thế kỷ 21 chúng tôi quyết định vào mùa hè đi thăm nước Mỹ bằng cách lái xe xuyên bang qua các vùng thuộc miền Trung và Đông Bắc của nước Mỹ ...
Sunday, August 25, 2024(View: 911)
Quả thực, Francoise Sagan là một hiện tượng văn học phổ biến một cách rộng rãi ở miền Nam. Sagan có lối viết thật ngắn, gọn.
Friday, August 23, 2024(View: 950)
Năm 1970, chiếu theo giấy phép số: 3343/GD/KHPC/HD/7 thiết lập Nữ Học Viện bậc Đại Học, áp dụng mô thức một Viện Đại Học Cộng Đồng
Tuesday, August 20, 2024(View: 1012)
Ngày18/8/2024 tin tài tử đẹp trai huyền thoại của Pháp: Alain Delon không còn nữa khiến những người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối.
Tuesday, August 20, 2024(View: 1181)
Kể lại câu chuyện trên tôi nhớ lại thời gian ngắn ngủi làm việc thiện nguyện cùng với YMCA. Nhắc đến ông Ronald Luce tôi có hai điều đáng nhớ.
Monday, August 12, 2024(View: 2007)
Chào tạm biệt, và cảm ơn Paris. Bốn năm nữa, tháng 7 năm 1928, Thế vận hội Los Angeles sẽ mang màu sắc của "thành phố Thiên thần" .
Sunday, August 11, 2024(View: 1260)
Ai nói mẹ chồng không thương con dâu. Bà mẹ chồng tôi viết ở đây là minh chứng cho tình yêu thương tuyệt vời của một người mẹ. Hãy mở lòng ra và yêu thương chân thật, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn ta nghĩ.
Saturday, August 10, 2024(View: 1442)
Tấm gương đạo hạnh uy nghi, và tấm lòng từ bi thương yêu chúng sanh của một vị Chân Tu mãi mãi hằng hữu trong lòng mọi người.