Có một người bạn hỏi tôi: “Anh hay nhắc về con đường Trịnh Hoài Đức (THĐ) ở Biên Hòa (BH) quê anh, vậy điều gì đã cho anh nhiều ấn tượng nhất?”
Tôi trả lời: “Là âm thanh sống động của phố xưa”.
Thật vậy, môi trường sống hiện tại của tôi và nhiều người ở Mỹ vốn yên ắng, đơn điệu và “Privacy” quá, nên đôi lúc tôi thèm nghe lại tiếng ồn ào náo nhiệt đầy sức sống, tại khu phố nơi tôi ở ngày xưa.
Trước 1975, nhà tôi tọa lạc ngay trung tâm đường THĐ, là một Depot Lave-Nước ngọt-Nước đá, mở của suốt ngày từ sáng sớm cho đến 9 -10 giờ đêm, nên tôi có cơ hội biết nhiều đến những sinh hoạt đường phố hàng ngày hết sức sinh động trên con đường náo nhiệt bậc nhất của BH.
Từ tờ mờ sáng, tôi đã nghe tiếng khua lộp cộp trên mặt đường khi chiếc xe ngựa chở các gánh hàng từ xóm Ga đến chợ BH ngang qua nhà tôi. Có lần, khi xe ngựa chạy qua, tôi nhìn vào đồng hồ, lúc ấy là 5:30 sáng. Giờ giấc này dường như đã không thay đổi suốt nhiều năm liền, và chính xác đến mức mỗi khi xe ngựa đi qua, không cần xem đồng hồ, tôi cũng có thể biết giờ để bắt đầu cho một ngày mới.
Vào khoảng 6 giờ khi mặt trời vừa ló dạng, tôi thường thấy một anh trai đi xe đạp, chở theo phía sau một giỏ cần xé lớn đựng những ổ bánh mì ngọt thon dài nóng hổi, mà anh vừa lấy từ lò bánh mì Vạn An (cũng trên đường THĐ).Vừa đạp xe anh vừa rao: “Bánh mì nóng giòn đây…” Tiếng rao lớn của anh như lời thúc giục mọi người thức dậy để đón chào bình minh.
Khoảng 7-8 giờ sáng, tôi thường thấy một ông chú người Hoa mặc áo thun trắng, quần Pyjama, một tay ông giữ mâm bánh bò đầy ắp đội trên đầu, tay còn lại ông cắp một chiếc giá đỡ nhỏ. Vừa đi ông vừa rao ngắn gọn bằng giọng lơ lớ: “Pánh Pò”. Bánh của ông có màu trắng ngà, xốp mềm rất ngon.
Tiếp theo sau ông, là một anh thanh niên vác trên vai 2 cây chổi lông gà dài để quét trần nhà. Treo lủng lẳng trên hai cán dài là nhiều chổi lông gà cầm tay đủ cỡ, anh cất tiếng rao chắc nịch: “Chổi đây, chổi lông gà đây…”
Khoảng 8-9 giờ, chợ Lò Bò đối diện nhà tôi trở nên sôi động hơn với những lời rao chào hàng của người bán, tiếng trả giá của người mua, cùng với những tiếng nói cười rôm rả hỏi thăm nhau của các người quen, làm cho không khí của buổi chợ sáng thật náo nhiệt.
Khi nắng đã lên cao, tôi thường thấy một chiếc xe Daihashu bán hàng lưu động đậu gần chợ Lò Bò, trên xe có loa phóng thanh phát đi những bản nhạc vui và quảng cáo kem đánh răng Hynos, bột giặt Viso, bột ngọt Vị Hương Tố, Mì Vị Hương, xà bông 72 phần dầu…
Vào khoảng thời gian này, tôi cũng nghe âm thanh “tùng xèng” từ một chiếc xe Jeep chạy ngang, hai bên thành xe dựng hai tấm pano lớn quảng cáo phim đang chiếu của rạp Biên Hùng, trên xe có hai thiếu niên đánh trống theo nhịp múa lân để gây chú ý đến mọi người, phía sau xe là một đám trẻ con hăm hở chạy theo để xin tờ chương trình.
Khoảng 10-11 giờ, tôi nghe tiếng rao “Mài Dao” của một bác lớn tuổi, vác trên vai một bàn mài nhỏ. Tôi cũng thường nghe tiếng chuông “leng keng” của một ông chú đi xe đạp bán cà rem,hay tiếng reo hò của đám con nít đứng quanh xe đạp của anh chàng bán kẹo kéo quay số… Đôi lúc tôi cũng nghe tiếng còi hú của xe cảnh sát hộ tống cho Vị Tướng tư lệnh vùng, từ nơi làm việc trở về tư dinh.
Đến xế trưa, khoảng 1-2 giờ, tôi thường nghe tiếng rao rất ngọt ngào: “Ai… ăn đậu hủ nước đường không?” từ một cô người Bắc khoảng ngoài 40, gánh hai nồi đậu hủ đi ngang qua nhà tôi. Đậu hủ của cô rất thơm ngon với nước đường gừng nóng hổi. Nhà cô trong hẻm 54 gần nhà tôi. Rồi có một bà bác mua ve chai cất tiếng rao ngọt ngào như tiếng hát: “Ai... thau nhôm, dép đứt, mũ bể, báo cũ, lông vịt bán hôn?”.
Vào buổi chiều, khoảng 4-5 giờ, tôi lại nghe tiếng rao khác, không lời nhưng rất độc đáo, đó là tiếng “lốc cốc xực tắc” từ hai miếng gỗ nhỏ trên tay một cô gái trẻ, theo sau là một ông bác đẩy xe ba gác bán phở bắc với nồi nước lèo bốc khói thơm phức rất hấp dẫn. Nhà của bác trong hẻm 36 cạnh nhà tôi.
Vào khoảng 6-8 giờ tối, đường phố dường như đông vui hơn. Có lẽ khu vực quanh nhà tôi là nhộn nhịp nhất BH, khi mọi người đến vui chơi, ăn uống, mua sắm vào lúc chiều tối với Rạp chiếu phim Khánh Hưng lấp lánh hệ thống đèn sáng trưng, cùng các hàng quán, tiệm buôn,người đi lại tấp nập như Biên Hùng Quán, Billard Thanh Quang, Bar Thủy Thanh, Cà phê Tuyệt, Cà phê Phượng, Tiệm giày Gia, Nhà buôn Lam Thư, Tiệm Mỹ Thuật, Nhà may Đô Hội, Nhà sách Huỳnh Hiệp….
Vào lúc 9 giờ trở đi, âm thanh tôi thường nghe là tiếng đàn tranh réo rắt vô cùng lâm ly qua các bài Dạ cổ hoài Lang, Tứ đại oán… của bác Bảy sát bên nhà tôi. Hàng đêm, bác hay ngồi trước tiệm tạp hóa nhỏ của bác lặng lẽ gảy đàn. Vào cuối tuần, tiệm bác Bảy là nơi tụ họp rất đông thanh niên trong xóm gần đó đến đờn ca vọng cổ rất vui.
Vào khoảng 10-11 giờ đêm đến giờ đi ngủ, tôi còn nghe tiếng khua “loạch xoạch” của anh chàng đấm bóp, giác hơi đi xe đạp ngang qua nhà tôi, và tiếng nói cười vui vẻ của những khách ăn khuya đang đứng mua bánh mì của chị Thư ở đầu chợ Lò Bò...
12 giờ đường phố yên tĩnh, chỉ còn tiếng nói chuyện thì thầm của mấy anh “Nhân dân tự vệ” ở trạm gác. Mọi người đều ngủ say để ngày hôm sau, nhịp sống đô thị lại tái diễn.
Năm tháng cứ dần trôi, BH thay đổi nhiều, đường THĐ sau 1975 đã đổi tên và những âm thanh quen thuộc tôi nghe ngày xưa cũng đã thay đổi. Thay cho những tiếng rao tự nhiên và ngọt ngào của người bán hàng rong ngày xưa, là những chiếc loa với tiếng rao được ghi âm sẵn, nghe lớn và vang xa, rồi tiếng động cơ và tiếng còi xe inh ỏi của đủ loại phương tiện suốt ngày đêm. Thêm vào đó, những âm thanh vang dội lặp đi lặp lại từ chiếc loa Phường công suất lớn, treo trên cột đèn đối diện nhà tôi, tiếng Karaoke vang lên từ đâu đó trong xóm, tiếng nhạc xập xình của các quán cà phê nhạc… Người không quen tiếng ồn sẽ cảm thấy mệt mỏi với những âm thanh không dứt ấy trên đường phố.
Tuy nhiên, những âm thanh đó lại gắn liền với sinh hoạt đời thường của người dân địa phương và tạo thành một bản nhạc giao hưởng độc đáo của đời sống đô thị sinh động. Chính âm thanh của cuộc sống sinh động ấy đã lắng đọng mãi trong ký ức của tôi, và đã cho tôi những hoài niệm đẹp của ngày xa xưa trên con đường THĐ - nơi tôi sinh ra và lớn lên.
(Ảnh từ Album gia đình & trên mạng)
Hiep Phan_ SJ 7/2024