Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 55 - THEO DẤU CHÂN XƯA

Saturday, July 13, 202412:23 AM(View: 4887)
MGTT 55 - THEO DẤU CHÂN XƯA


MGTT 55 - THEO  DẤU  CHÂN  XƯA

Nguyễn Trần Diệu Hương


Dẫn nhập: Chuyện này được viết khi sắp tròn nửa thế kỷ Sài gòn bị mất tên. Qua một phần đời của một vị Thầy dạy Toán, gắn liền với nhiều thăng trầm của lịch sử từ Việt Nam đến Mỹ, cùng nhìn lại những vết chân xưa với hy vọng các thế hệ kế tiếp học hỏi được nhiều điều để đưa được đất nước trở về vị trí "minh châu trời Đông"

Nguyễn Trần Diệu Hương



  

 Vector footprint trail human walking route footsteps track shoe print path with gps pointers boot shoesblank

Source: https://www.freepik.com

 


Đầu mùa thu ở Mỹ, khi thời tiết đã thay chiếc áo mùa hè, khoác lên áo mùa thu, lá đổi màu, trời trở lạnh, nhắc ông Phan nhớ đến sương mù của Đà Lạt, đến trường Võ Bị Quốc Gia Dalat, nằm trên ngọn đồi 1515 ở phía Bắc của Đà Lạt, những năm tháng ông dạy môn Toán (Giải tích và Thống kê) cho các Sinh viên Sĩ quan.

 

Đó không phải là lần đầu tiên ông Phan đứng trên bục giảng. Ông đã từng dạy Toán cho học trò Trung học từ lúc đang là sinh viên năm cuối ở khoa Toán trường Đại học Khoa học. 

Ông trở thành thầy dạy Toán từ một tình cờ của đời sống. 

Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, vào một chiều thứ bảy, ông Phan, như đa số các sinh viên thời đó, đi coi ciné ở rạp Rex để giải trí sau một tuần đèn sách, đi dạy kèm để có thêm thu nhập. Không giống những lần đi coi ciné khác, lần này ông gặp Thầy giáo cũ dạy ông năm Đệ Nhị (lớp 11) ở trường Quốc học (Huế) ở ngay trước cửa rạp Rex. Ông Phan chào Thầy cũ, vẫn cung kính, lễ độ như thời còn được nghe thầy giảng Việt Sử và Thế giới Sử năm Đệ Nhị B1 trên bục giảng trường Quốc Học.

 

Đang là Hiệu trưởng Trường Trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa, Thầy về Sài gòn để xin Bộ Giáo dục bổ nhiệm giáo sư Toán về thay một Giáo sư khác được thuyên chuyển về Sài gòn. Thầy muốn học sinh các lớp Đệ Nhất B (lớp ban Toán) của Ngô Quyền vẫn giữ được tỷ số đậu cao như truyền thống của ngôi trường Trung học công lập lớn nhất miền Đông Nam phần.

 

Thầy nhớ ngay người học cũ tên Phan trầm tĩnh, chững chạc, chăm học của sáu năm trước. 

 

- Bây giờ đang đi làm hay đi học?

 

- Thưa em đang học năm thứ ba khoa Toán ở Khoa học.

 

- Lấy được mấy chứng chỉ rồi?

 

- Thưa mới được ba chứng chỉ.

 

- Có phải đi làm kiếm thêm thu nhập không?

 

- Thưa em có đi dạy kèm Toán cho một số học sinh đang chuẩn bị thi tú tài.

 

- Đi dạy kèm Toán lâu chưa?

 

- Thưa từ năm đầu Khoa học, khi em mới từ Huế vào Sài gòn.

 

- Thế có muốn về dạy giờ môn Toán ở Ngô Quyền cho một vài lớp ban B không?

 

Như thế đó, ông Phan trở thành một thầy giáo dạy Toán rất tình cờ. Biên Hòa chỉ cách Sài gòn 30km nên ông Phan có thể vừa đi học, vừa đi dạy. Và vì chưa hoàn thành Cử nhân Toán, lại không học Đại học Sư phạm, chuyên đào tạo thầy cô giáo, nên dù dạy cho các lớp Đệ Nhất (lớp 12) ban Toán, ông Phan chỉ là giáo sư dạy giờ. Nhưng điều đó không phải là vấn đề với ông Phan, điều quan trọng là ông có thể kiếm được một khoản thu nhập tương đối, vừa sống thoải mái hơn, vừa có thể phụ giúp cho gia đình.

 

Đó cũng là lần đầu tiên anh sinh viên năm cuối Đại học mua và thắt " cà vạt" (cravate / tie), vì các nam giáo sư trẻ thời đó phải thắt cravate để  không bị lầm là học trò. Các cô giáo trẻ thì không mặc áo dài trắng để dễ phân biệt với các nữ sinh lớp 12.

Không tốt nghiệp Đại học sư phạm như các thầy cô giáo khác, còn ở năm cuối của Đại học Khoa học, mỗi giờ ra chơi ở trường Ngô Quyền dạo đó, ông Phan chọn một góc phòng yên tĩnh nhất ở phòng Giáo sư chấm bài của học trò hay làm bài của chính mình .

 

Ở những năm 1960s của thế kỷ trước, tỷ số đậu Tú tài của học sinh Trung học ngay lần đầu chưa đến 20% nên trình độ của "các cô cậu Tú" thời đó rất vững chắc và  đầy đủ "chất lượng". Một học sinh đậu Tú tài 2 ban B hạng Bình thứ (tương đương C plus ở Mỹ) có thể dạy giờ môn Toán cho các học sinh lớp 8, lớp 9 ở các trường Trung học tư. So sánh với số lượng và chất lượng của các cô cậu tốt nghiệp Trung học của  đầu thế kỷ 21 thì đúng là "cái học ngày nay đã hỏng rồi"(1) 

 

Thời đó, không có "chỉ tiêu", không có "tổng kết thi đua", nhưng chất lượng của nền giáo dục nhân bản của VNCH rất cao dù đất nước đang có chiến tranh. Học trò thì cố hết sức học để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Thầy cô thì hết lòng dạy dỗ vì học trò chăm học, có tinh thần "tôn sư trọng đạo", và canh cánh bên lòng tâm niệm mình đang góp phần giúp cho tương lai đất nước phát triển hơn.

 

Trong bối cảnh đó, cả  ông Thầy trẻ còn “nặng nợ sách đèn”, và các cô cậu Tú tương lai đã có những giờ Hình học Giải tích đầy sinh động, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp mang theo suốt cuộc đời cho cả Thầy lẫn trò.

 

Cuối niên khóa đầu tiên hành nghề "gõ đầu trẻ" của ông Phan, hơn hai phần ba số học trò của ông ở lớp Đệ Nhất ban B (12B) đã "vượt vũ môn" thành công ở kỳ thi Tú tài II lần đầu. Vài người trong số họ được đi du học ở Mỹ, ở Nhật với học bổng của Chính phủ. Một vài người khác vào Đại học, ra trường và được giữ lại giảng dạy ở trường Đại học Kiến trúc Sài gòn. Một số theo võ nghiệp và trở thành những sĩ quan văn võ song toàn của QLVNCH. Ba nữ sinh duy nhất của lớp Đệ Nhất B2  nối gót ông Phan trở thành giáo sư Toán, trở về trường xưa dạy lại cho các lớp đàn em.

 

                                         blankblank

                                  Thầy TP  @ Sân trường Trung học Ngô Quyền Biên Hòa năm 1963

 

Tốt nghiệp cử nhân Toán ở Đại học Khoa học, ông Phan vẫn tiếp tục dạy ở trường Trung học Ngô Quyền Biên Hòa chờ định hướng cho sự nghiệp của mình. Nhưng chiến tranh trở nên khốc liệt hơn, quân đội cần rất nhiều nhân lực để bổ sung cho những người đã nằm xuống cho tự do của miền Nam, lệnh Tổng động viên ban hành. Như hầu hết đàn ông, thanh niên thời đó, ông Phan vào Quân trường Thủ Đức. Là một người miền Trung "đất cày lên sỏi đá", ông không gặp trở ngại khi phải khép mình vào kỷ luật sắt của quân đội, thích nghi dễ dàng với những bữa ăn đạm bạc của quân trường. Cứ nghĩ là hết chín tuần huấn luyện quân sự, ông Phan sẽ trở về với bục giảng, tiếp tục ước mơ đã định hướng của mình.

 

Đúng lúc đó, trường Võ Bị Đà Lạt (QLVNCH) bắt đầu mở chương trình đào tạo sĩ quan cả quân sự lẫn văn hóa với học trình bốn năm theo khuôn mẫu của trưởng Võ Bị West Point nằm dọc theo phía Tây của bờ sông Hudson ở New York. Trường rất cần các giảng viên văn hóa có trình độ Đại học. Gần đến ngày mãn khóa, ông Phan cùng một số các bạn cùng khóa - đã tốt nghiệp Đại học về các ngành Khoa học tự nhiên (Toán, Vật Lý, Hóa học, Công chánh, Điện…) - được bổ nhiệm về dạy văn hóa ở trường Võ Bị Đà Lạt.

 

Rời quân trường Thủ Đức, ông Phan bắt đầu một chương mới của đời mình ở núi đồi Dalat lúc đó hãy còn thanh khiết. Vẫn dạy môn Giải tích và Toán Thống kê, nhưng học trò của ông lần này không phải là các cô cậu học trò vẫn còn nét ngây thơ với áo trắng tinh khôi, mà là các thanh niên trưởng thành hơn, ngổ ngáo hơn với đồng phục treillis của sinh viên sĩ quan. 

 

blankblank

 


Cũng học văn hóa chín tháng mỗi năm như học trò, nhưng ba tháng hè của các sinh viên sĩ quan trường Võ bị Quốc gia là thời gian học Quân sự. Họ được huấn luyện đầy đủ quân phong, quân kỷ, các kỹ năng chiến đấu, thoát hiểm, và sinh tồn.

 

Sách vở có, nhưng chưa đầy đủ, ông Phan cùng các đồng nghiệp của mình phải vừa dạy, vừa soạn tài liệu, soạn sách để phù hợp với nhu cầu của trường Võ bị giữa một đất nước đang chiến tranh.

Chưa có đủ số lượng giảng viên cần thiết, trường Võ Bị Đà Lạt phải mời thêm một số Giảng viên dân sự bên ngoài vào dạy. Các giảng viên này thường bay đến Đà Lạt và về Sài gòn cùng ngày bằng máy bay Quân sự C130. Các giảng viên là lính như ông Phan thì phải theo kỷ luật của quân đội, ở lại trường 24/7, trực thuộc khối Văn Hóa Vụ của trường, đảm trách dạy tất cả các môn văn hóa (Toán, Khoa học, Công chánh, Điện, Cơ khí, Anh văn,  Kỹ thuật Quân Sự,  và Khoa học xã hội). Họ ở trong một khu doanh trại của các giảng viên văn hóa, trong khuôn viên trường Võ Bị Đà Lạt, mỗi phòng  hai người.

 

Cũng như mọi quân nhân khác, họ thay phiên nhau được nghỉ phép hai tuần mỗi năm. Thảng hoặc, có vợ con ai đó đến thăm, những người cùng phòng tế nhị ôm gối sang phòng trực ngủ nhờ, giữ riêng tư cho người được gia đình đến thăm.

 

Các giảng viên cũng cùng ăn ở câu lạc bộ như tất cả các sinh viên sĩ quan. Điều khác biệt là họ phải đóng tiền, không được ăn miễn phí như các sinh viên sĩ quan. Lệ phí ăn uống của giảng viên được trừ vào lương mỗi tháng. Để giữ khoảng cách thầy trò, tầng một rộng hơn là phòng ăn của sinh viên sĩ quan, tầng hai là phòng ăn của các giảng viên Khối Văn Hóa Vụ, và các sĩ quan chỉ huy của trường. Bất cứ một đoàn thể nào, dù bình đẳng đến đâu, vẫn phải duy trì khoảng cách, duy trì kỷ luật  để dễ làm việc. Ở một quân trường huấn luyện, đào tạo các Sĩ quan tương lai, những người sẽ duy trì sức mạnh quân đội, bảo vệ tự do cho miền Nam thì khoảng cách đó lại càng rõ ràng hơn.

 

Theo đúng khuôn mẫu của West Point, tất cả giảng viên thuộc khối Văn hóa vụ khi đứng trên bục giảng phải mặc quân phục. Điều khác biệt duy nhất là  họ không đeo lon , vì phần lớn các giảng viên giai đoạn trường mới thành lập chỉ mới là Thiếu úy, một trong hai cấp bậc nhỏ nhất của Sĩ quan Quân Lực VNCH. Về cấp bậc, các giảng viên còn mang cấp thấp hơn nhiều sĩ quan khác trong trường, nên các giảng viên không mang lon để giữ khoảng cách Thầy trò. Hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, ngay cả ở quân trường, vẫn có bóng dáng của nền giáo dục nhân bản, và tinh thần tôn sư trọng đạo.

 

Giống như Học viện Quân sự West Point ở Mỹ, các sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt từ khóa 22 trở về sau được đào tạo theo chương trình bốn năm như các trường Đại học khác. Họ học văn hóa buổi sáng, buổi chiều tự học, làm bài tập, học ở thư viện. Khác với sinh viên dân sự, mùa hè họ không được nghỉ hè, mà học Quân sự, thực tập ở các thao trường . Họ được các sinh viên sĩ quan các khóa đàn anh dạy các kỹ năng tác chiến, đối phó với hiểm nguy để sống còn.

 

Trong ba tháng các sinh viên sĩ quan học quân sự, không phải dạy học và chấm bài, các giảng viên khối Văn hóa vụ phải cùng nhau soạn thảo, tu bổ các giáo trình giảng dạy trong những ngày trường Võ bị Đà Lạt bắt đầu chương trình đào tạo bốn năm. Một số giáo trình được dịch từ các sách vở được gởi qua từ West Point, một số giáo trình được soạn theo các kiến thức đương thời. Ông Phan được phân công cùng một người đồng nghiệp khác, biên soạn giáo trình, sách cho bộ môn Toán Thống kê (Statistic Math) . Ông mang hết kiến thức của mình đã học được trong những năm học Toán với Giáo Sư Đặng Đình Áng (1926-2020) ở Đại học Khoa học để có thể soạn ra một giáo trình có hiệu quả tốt nhất, có thể phục vụ tốt nhất cho hiệu quả của cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của miền Bắc, bảo vệ tự do cho hơn hai mươi triệu dân miền Nam. Công việc đang dở dang, sắp hoàn thành thì ông được gởi đi học Anh Văn mười tám tháng ở Sài gòn -mỗi ngày bốn tiếng- để chuẩn bị đi học chương trình Thạc sĩ ở Mỹ. Là cả một ngạc nhiên lớn cho ông Phan (một ngạc nhiên hạnh phúc vì ông được trở lại thời đèn sách bình yên) vì ông không quen biết rộng, cũng chưa có ý định xin đi du học sau chỉ mới hơn một năm dạy Toán cho các sinh viên Sĩ quan các khóa 22B, 23, và 24 ở trường Võ bị Đà lạt.

 

Đó là thời gian an nhàn nhất của ông trong suốt quãng đời binh nghiệp. Khóa học chấm dứt, cũng như những Sĩ quan cùng khóa học, Trung úy Phan đến Cục Quân Nhu ở Sài gòn nhận hai bộ lễ phục của quân đội, cùng một số quân phục mới để chuẩn bị đi du học về Computer Science ở Mỹ sau khi đã được khám sức khỏe tổng quát ở một văn phòng Bác sĩ được chỉ định bởi văn phòng của USAID  ở Sài gòn. USAID (United States Agency for International Development), là một tổ chức trực thuộc Chính quyền liên bang đặc trách chương trình giúp đỡ tất cả các nước đồng minh, và các nước kém phát triển về tất cả mọi mặt, đặc biệt là đào tạo chuyên viên khoa học kỹ thuật.

USAID còn giúp các Sĩ quan QLVNCH gởi hồ sơ xin học các chương trình sau Đại học ở các trường Đại học bên Mỹ tùy theo chuyên môn của họ.

 

Cuộc đời ông Phan cũng rẻ qua một trang mới, cách xa núi đồi Dalat , cách xa quê hương tội nghiệp đang bị tàn phá vì chiến tranh gần như mỗi ngày.

 

Cùng với hai mươi chín người khác, Trung úy Phan rời Việt Nam với trọng trách phải học được những kiến thức về khoa học kỹ thuật đương thời để cùng góp tay với các quân nhân đang chiến đấu ở tuyến đầu bảo vệ tự do cho hai mươi triệu người dân miền Nam.

 

Xong thủ tục nhập cảnh ở phi trường Quốc tế San Francisco, ba mươi người Việt Nam mảnh mai nhưng vác cả một trọng trách lớn trên vai, lên một chuyến bay khác bay xuyên chiều dài rộng lớn  từ Tây sang Đông Hoa kỳ để đến Washington DC. Ở đó, họ được USAID hướng dẫn trong hai tháng rất  chi tiết về văn hóa Mỹ ( American cultural orientation) và đời sống sinh viên để giúp họ hội nhập và đạt được kết quả cao nhất trong thời gian du học.

 

Rồi họ về các trường Đại học ở nhiều tiểu bang khác nhau theo ngành học của mình. Cùng với bốn người bạn khác, Trung úy Phan bay về  miền Nam Hoa kỳ để theo học chương trình Cao học về Computer Science tại University of Texas ở Austin, được gọi ngắn gọn là UT Austin.  

 

blankblank

 


Ông Phan trở lại đời sống sinh viên ở tuổi ngoài 30, không gặp bất cứ trở ngại nào, vì đã được chuẩn bị rất đầy đủ tổng cộng hai mươi tháng, từ Sài gòn đến Washington DC. cả về ngôn ngữ lẫn văn hóa Mỹ. Kiến thức vững vàng về Toán tích lũy được trong bốn năm học Toán ở Đại học Khoa học và bốn năm dạy Toán từ Trung học Ngô Quyền, qua Võ Bị Đà Lạt giúp ông suy luận chặt chẽ hơn khi học một môn học hoàn toàn mới (Computer Science) với những ngôn ngữ riêng của máy điện toán  đầu thập niên 1970s .

 

 UT Austin là trường Đại học công lập dân sự ở Texas nên ông Phan cùng bốn người bạn không phải mặc quân phục khi đi học. Họ hòa lẫn vào hơn bốn mươi mốt ngàn sinh viên bản xứ ở UT Austin, vào thời điểm đầu thập niên 1970s, trong quần jeans, áo chemise, với backpack trên vai. Điều khác biệt và cũng là quyền lợi các Sĩ quan QLVNCH đi du học là họ được mua nhu yếu phẩm miễn thuế trong  PX (Post Exchange/ Quân Tiếp Vụ) Mỹ ở địa phương.

 

Ông Phan và một người khác được chỉ định học ngành Computer Science, tập trung vào việc viết program ở UT Austin (University of Texas in Austin). 


computer programming languagesblank

       Nguồn:www.totaltek.com (Computer Program Writing in the 1970s)

Trung úy Phan  cùng bạn không chỉ học ở giảng đường, mà còn tự học ở Computer Lab. Họ còn tập viết những program đầu tiên trong cafeteria ở trường. Ngoài những giờ học ở lớp , họ luôn có mặt ở Lab, thư viện, và luôn luôn là những sinh viên cuối cùng rời những nơi này trước giờ đóng cửa vài phút. 

@@@

Thời điểm đó, đang ở mùa hè đỏ lửa 1972, bà tài tử Jane Fonda (lúc đó đã 35 tuổi) ngờ nghệch qua thăm Hà Nội, trở về kích động những cuộc biểu tình phản chiến ở các trường Đại học bên Mỹ, mà "hang ổ" lớn nhất ở UC Berkeley, miền Bắc California.

Đó là một sự  quay lưng -vô cảm và phản bội- với xương máu của hơn năm mươi tám ngàn lính Mỹ tham chiến và tử trận ở Việt Nam cho cuộc chiến bảo vệ tự do. Vì vậy, Jane Fonda được người Mỹ gọi là  HaNoi Jane. Cái tên này gắn liền với bà đến cuối đời như một vết nhơ tai tiếng lưu lại ngàn đời, mặc dù bà đã chính thức  xin lỗi nhiều lần:

“I would like to say something, not just to Vietnam veterans in New England, but to men who were in Vietnam, who I hurt, or whose pain I caused to deepen because of things that I said or did. It hurt so many soldiers. It galvanized such hostility. It was the most horrible thing I could possibly have done. It was just thoughtless***
It hurts me and it will go to my grave that I made a huge, huge mistake …” (2)

@@@


Ông Phan và người bạn của ông theo dõi thời sự trên các tờ báo Mỹ trong thư viện, trên Tivi.  Sinh viên của nhiều trường Đại học bị kích động sau chuyến về thăm VN của HaNoi Jane, càng biểu tình chống chiến tranh VN,  ông Phan càng lao vào học, để có thể viết program cho computer khi về nước, để ghi lại một ấn tượng tốt đẹp cho người bản xứ về người Việt Nam. Ông cùng với một vài sinh viên VN khác ở UT Austin viết lên quan điểm của mình trên bản tin của Hội Sinh viên đặt ở Alumni Campus. Ở một đất nước tự do, mỗi người đều có quyền nói lên quan điểm chính trị của mình. Những sinh viên VN  muốn cho các sinh viên  Mỹ và nhiều chủng tộc khác hiểu miền Nam chỉ chiến đấu để bảo vệ tự do, quân đội VNCH chỉ tự vệ, không vượt Trường Sơn, không vượt vĩ tuyến 17 để xâm lấn miền Nam như quân đội của miền Bắc.

Rất tiếc, Việt Nam không có một người lãnh đạo vừa giỏi vừa có tấm lòng như Tổng Thống Abraham Lincoln (1809-1865) để có thể thống nhất đất nước mà không có các trại cải tạo tập trung, không có chủ nghĩa lý lịch, không có cải tạo tư sản, không có tịch thu và đốt sách, không có tù đày dành cho một số Nhà Văn, Nhà Báo của VNCH…


Cả ông Phan và bạn đều cắm cúi học, không nghĩ đến chuyện đi chơi, vì họ biết bên kia địa cầu, bạn bè của họ, các thanh niên thế hệ đàn em của họ đã và đang hy sinh xương máu trên chiến trường mỗi ngày để đánh đổi những năm tháng tự do quý báu của miền Nam Việt Nam. Họ được cử đi học thì phải học hết sức để còn về trở về tiếp sức với mọi người , để xứng đáng với sự hy sinh của những người đã "vị quốc vong thân"

Giữa cả ngàn sinh viên tốt nghiệp năm đó ở UT Austin, hai người học trò Việt Nam để lại  ấn tượng sâu đậm trong lòng các giáo sư người bản xứ. Họ hoàn thành Cao học về Computer Science loại giỏi, được giữ lại trường làm việc, nhưng cả hai cùng chọn quay về "vùng lửa đạn" vì ở đó họ còn có gia đình, còn có bổn phận với quê hương, còn có cam kết phải viết được program cho hai cái computer đầu tiên ở Việt Nam. Hơn nữa, với lương tâm, họ không muốn lỗi đạo với những người lính trẻ đã nằm xuống để họ được thênh thang du học ở quê người.

Hoàn thành học trình, Trung úy Phan về trình diện văn phòng USAID ở Washington DC. Vì là quân nhân, họ được USAID cấp giấy giới thiệu (hơn nửa thế kỷ trước, ngay cả ở Mỹ, người ta vẫn còn cầm giấy giới thiệu)  qua Pentagon thuộc Bộ Quốc phòng nằm ở bên kia sông Potomac thuộc tiểu bang Virginia. Pentagon đã sắp xếp máy bay quân sự cho những sĩ quan Việt Nam -vừa được Mỹ đào tạo chương trình Thạc sĩ về nhiều ngành Khoa học- trở về quê nhà.

Lúc đó, vào đầu mùa Xuân ở Mỹ, hoa anh đào nở hồng cả một không gian lớn, chạy dọc theo sông Potomac với rất nhiều du khách từ khắp nước Mỹ đến thăm. Cuộc sống đầy màu hồng như màu hoa đào, hạnh phúc và bình an. Ông Phan thầm buồn cho đất nước VN của mình đang chìm trong màu xám của chiến tranh gần hai mươi năm, chưa có cơ hội để xây dựng và tái thiết.

Về đến Sài gòn, chỉ được nghỉ ngơi đúng ba ngày, ông Phan về lại Dalat, trình diện trường Võ bị để tiếp tục dạy Toán Thống Kê và Giải tích cho các sinh viên sĩ quan khóa 25, và 26.

Tưởng là sẽ tiếp tục ở ngọn đồi 1515 với khí hậu se lạnh của Đà Lạt trong vị trí giảng dạy và biên soạn giáo trình môn Toán. Nhưng một buổi sáng, Trung úy Phan được gọi lên Văn phòng Chỉ huy trưởng. Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Võ bị cho ông biết Phủ Tổng Thống vừa gởi công điện khẩn yêu cầu:

"Trung úy Trần Phan về trình diện Phủ Tổng thống gấp để nhận nhiệm vụ mới. Mọi sự lưu giữ không được chấp thuận. Tình trạng hành chánh sẽ được điều chỉnh bằng nghị định sau"

Nhận sự vụ lệnh trình diện Chánh Văn phòng Phủ Tổng Thống sáng mai, quay về phòng mình, ông Phan thu xếp, nhét vội quần áo vào cái sac marin màu olive của quân đội, xuống văn phòng câu lạc bộ thanh toán tiền ăn từ đầu tháng đến hôm đó. 

Rồi không kịp từ giả bạn bè, ông đi theo máy bay C130 chở các giảng viên dân sự về lại Sài gòn, trong lòng nhiều câu hỏi ngổn ngang. Kỷ luật quân đội là vậy: gọi là phải đi, ngay khi có thể (ASAP); làm trước, thắc mắc khiếu nại sau.

 

Sáng hôm sau, trong quân phục chỉnh tề, trình diện Phủ Tổng Thống, ông Phan mới biết cuộc đời mình lại chuyển qua một trang mới.

 

Những Sĩ quan VNCH du học về với bằng Thạc sĩ về Khoa học ở Mỹ được đãi ngộ chu đáo mặc dù họ không hề quen biết ai, không có "connection", không phải là "con ông cháu cha", lại càng không có chuyện hối lộ,  đút lót để được tiến thân, để "xa nơi lửa đạn, về chốn bình yên". Đơn giản là vì họ đã được dạy Công dân giáo dục từ lớp một đến lớp 11, hiểu là làm người thì phải cố gắng đền đáp công ơn của cha mẹ, thầy cô, của đất nước, và sống xứng đáng với sự hy sinh của những người nằm xuống cho họ đứng lên ở miền Nam tự do. 

 

Thời điểm đó, Phủ Tổng Thống đang tiến hành cuộc cách mạng hành chánh, cải tổ các ban ngành, cái tiến thủ tục hành chánh cho gọn nhẹ và hữu hiệu hơn. Việc cải tổ phát sinh nhu cầu mới: một hệ thống điện toán quản trị nhân viên cho Phủ Tổng ủy Công vụ. 

(Phủ Tổng Ủy Công Vụ là một đơn vị mới trong cuộc cách mạng hành chánh của VNCH đầu thập niên 70, sát nhập bốn đơn vị cũ gồm Tổng Nha Công Vụ, Trường Quốc gia Hành chánh, Trung tâm huấn luyện Công chức ở Vũng Tàu, và Tổng nha An Ninh Hành chánh)

 

blank

                                                      Học viện Quốc Gia Hành Chánh ( 1963-1975)

 

Ông Phan được cử tới Phủ Tổng Ủy Công Vụ tìm hiểu chi tiết về cách quản trị quân nhân, công chức của VNCH hiện hành. Ông cũng tìm hiểu về yêu cầu cần có của cuộc cải tổ hệ thống hành chánh với hiệu quả cao nhất, mà không cần phải tốn nhiều công sức qua sự giúp đỡ của hệ thống điện toán. Ông được cấp phép có thể sử dụng hệ thống điện toán ở Phủ Thủ Tướng, để để nghiên cứu thiết hệ thống quản trị nhân viên cho Phủ Tổng Ủy Công Vụ.

 

Program mới thường được viết ra bởi cả một team, nhưng ông Phan đã phải  một mình "ta nhìn ta trên vách" để mày mò viết program cho computer lưu giữ  toàn bộ data, từ những điều đơn giản đến những điều phức tạp.

 

Vạn sự khởi đầu nan", công việc bắt đầu từ số không, ông Phan mang hết suy luận của một người học và dạy Toán, kết hợp với kiến thức về Programing ông vừa học được từ UT Austin, để "chạy program".  Nhiều lần viết, tự sửa chữa, xóa đi, viết lại, cuối cùng ông cũng vận hành được hệ thống điện toán  như yêu cầu của cấp trên.



blank

                            Source: http://www.cs.manchester.ac.uk/about-us/history/mu5/ Computer in  the 1970s

 

Đó là những ngày cuối năm 1974, đầu năm 1975. Máy điện toán của Phủ Tổng Ủy Công Vụ  sắp vận hành thì vận nước xoay chiều, biến cố 30 tháng 4 năm 1975 cuốn trôi tự do, hoài bão của hơn  hai mươi triệu người dân miền Nam, cuốn trôi luôn công trình tim óc của ông Phan. Ông thấy câu ca dao "Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay" như được viết riêng cho mình. 

 

Mà không chỉ đắng cay, còn có tủi nhục đi kèm khi Trung úy Phan cùng với gần nửa triệu sĩ quan, và công chức của Việt Nam Cộng Hòa đi trình diện "học tập cải tạo một tháng" theo thông báo của “Ủy ban Quân quản Thành phố” vào tháng 6 năm 1975, chưa đến hai tháng sau khi  Sài gòn mất tên. Một tháng đó, tùy chức vụ, cấp bậc từng người, kéo dài từ hai đến mười bảy năm!!! 

 

Điều đau đớn nhất là họ bị những người không được học hành đến nơi đến chốn "lên lớp" , mạt sát, và đôi khi đánh đập họ. Mãi cho đến bây giờ, bao nhiêu năm trôi qua, thỉnh thoảng, nhiều người tù cải tạo năm xưa vẫn nằm mơ thấy lại thời đắng cay, tủi nhục năm nào. Nhiều cựu "tù cải tạo" đã tha thứ cho những người hành hạ mình, bạc đãi vợ mình, cắt ngang đường đi học của con mình nhưng quên thì chẳng bao giờ quên được!



Là Trung úy biệt phái qua Phủ Tổng Ủy Công Vụ, ông Phan bị xếp vào "ngụy bình phương", vừa là "ngụy quân", vừa là "ngụy quyền". Cho nên gần mười năm đi làm dưới thời VNCH, dù chỉ dạy Toán, nghiên cứu, và được gởi đi tu nghiệp, ông vẫn bị chính quyền mới xếp vào "thành phần có nợ máu với nhân dân"




blank

Ông trải qua sáu năm trong các trại cải tạo tập trung từ Trảng Lớn, qua Long Khánh, chuyển đến Thành Ông Năm, rồi Bù Gia Mập, cuối cùng là trại Xuân Lộc. Mỉa mai nhất là năm 1980, ông Phan  và các cựu Sĩ quan QLVNCH đã qua đến năm thứ năm trong trại tù, sinh lực của tuổi 30, 40 gần như cạn kiệt với lao động khổ sai. Với khẩu phần ăn uống không đủ lấp đầy một phần tư bao tử, họ trở thành những người tù còm cõi, ốm yếu trong một trại tù có tên là Bù Gia Mập. Không có gì khôi hài hơn, nhiều năm trôi qua nhiều người vẫn cười ra nước mắt khi nhớ lại  thân hình ỐM đói của mình và đồng đội trong trại Bù gia MẬP.

 

Ở đó, cựu giáo sư Toán Trần Phan vẫn thấy được tình nghĩa Thầy trò của nền giáo dục nhân bản còn sót lại. Hầu như mỗi ngày đi lao động về, ông Phan thấy một lon guigoz canh cải... thiện đặt trên đầu chỗ nằm của mình. Canh chẳng có gì, chỉ có nước sôi thêm vào một ít muối hột, lác đác vài cọng rau xanh bầm dập:  khi thì rau đắng, lúc thì bạc hà (không có cà chua, không có cá lóc, cũng không có đậu bắp, giá đỗ…), hôm thì rau muống hay rau lang ... Chỉ có vậy, không còn gì khác, nhưng đó là cả một tấm lòng, trong hoàn cảnh tù đày, từ những cựu sĩ quan QLVNCH đã từng là học trò của "thầy Phan" ở Trung học Ngô Quyền Biên Hòa, hay ở trường Võ Bị Đà Lạt . Vậy mà với ông Phan, đó là món canh ngon nhất trong đời, nhất là trong hoàn cảnh "thầy và trò cùng học chung một lớp" trong trường "Đại học máu" (3)

 

Gần sáu năm sống đời "tù không tội", ông Phan nghiệm ra một điều: trong bóng tối của  khốn cùng, nhân cách và tình nghĩa càng tỏa sáng. Một trong những điểm sáng đó là tình cảm của "ngụy dân" dành cho "ngụy quân", "ngụy quyền". 

 

Một lần đang vác những bó cây nặng gần gấp đôi trọng lượng của mình ở một góc rừng Xuân Lộc, một bà cụ đầu tóc bạc phơ, thân hình gầy yếu, đến gần đưa cho ông mấy củ khoai lang:

 

-Ăn đi con. cho đỡ đói. Rồi cũng phải có ngày về, Trời Phật không bỏ các con đâu.

 

Đó chỉ là những củ khoai lang nhỏ xíu (còm cõi như cả người cho lẫn người nhận) nhưng với một người "tù cải tạo" (phải lao động khổ sai, thường xuyên "đói đến vàng mắt") quý báu và có tác dụng còn hơn sâm hay yến. Cũng như những lon canh rau mặn chát từ học trò cũ, chỉ lác đác vài cọng rau xanh trong nước muối, nhưng đó là món ăn ngon nhất đi theo ông Phan cả cuộc đời.

 

Sài gòn bị mất tên, mọi thứ đều mất, nhưng tình nghĩa và hệ quả của nền giáo dục nhân bản vẫn còn, giúp những người tù nhẫn nhục "nín thở qua sông" với  hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.

 

Một lần duy nhất, ở năm thứ ba sống đời tù không tội, thân mẫu của ông Phan được con dâu đưa lên trại tù Long Khánh thăm con. Bà cụ  gần như mù lòa (vì tuổi tác, vì khóc nhiều khi con trai vẫn chịu cảnh tù đày, không biết ngày về), thăm và nhìn con bằng xúc giác thay vì thị giác. Bàn tay của người Mẹ đưa từ mặt, qua vai, đến tay chân ông Phan, nước mắt lăn dài, bà lẩm bẩm:

 

- Sao ốm quá vậy con? Gắng giữ sức khỏe để còn có ngày về với Mẹ, với gia đình.

 

Ông Phan nuốt nước mắt vào lòng. Đó cũng là lần cuối, ông được gặp mẹ. Gần một năm sau, bà cụ qua đời, ông Phan chỉ biết tin vài tháng sau đó, qua thư nhà gởi lên trại tù. Dù rất thương cha mẹ, vì phải chịu cảnh tù đày, hầu hết cựu Sĩ quan QLVNCH không thể về để nhìn cha mẹ, báo hiếu lần cuối, và chịu tang các đấng sinh thành. Nỗi đau đó chắc chắn đi theo họ đến cuối cuộc đời.

 

Cũng may là ông Phan không bị lưu đày ở các "trại cải tạo" trong rừng thiêng nước độc ở miền Bắc như các sĩ quan cấp tướng, cấp tá và một số ít các sĩ quan cấp úy khác. Cùng một cách đối xử, cùng một chính sách, nhưng ở ngoài Bắc thời tiết khắc nghiệt hơn trong Nam. Hơn nữa, một số gia đình không đủ điều kiện kinh tế đi thăm nuôi thân nhân ở các trại tù miền Bắc. Nên hầu hết các cựu Sĩ quan QLVNCH đã thiệt mạng trong các trại cải tạo lên đến cả trăm ngàn người  (4) (theo ước tính của tổ chức ân xá quốc tế/ Amnesty International ở Luân Đôn), đều ở các trại tù  miền Bắc. Nhiều người mãi mãi nằm lại ở một góc rừng heo hút ở miền Bắc. Nỗi đau đó vẫn còn âm ỉ trong lòng thế hệ thứ hai, thứ ba… 

 

Đầu năm 1981, "cải tạo viên" Trần Phan được phóng thích. Từ nhà tù lớn ra nhà tù nhỏ, ông tìm đường vượt biển. May mắn, ông cùng vợ và con đến được trại tỵ nạn ba tháng sau ngày rời trại cải tạo. Gia đình ông Phan chỉ phải ở trại tỵ nạn Pulau Bidong -Malaysia- vỏn vẹn ba tháng. Như một giấc mơ, chỉ nửa  năm sau ngày được "phóng thích", ông Phan đặt chân đến Mỹ lần thứ hai. Lần này, đau xót hơn, là một người lưu vong, ngày về vô định.

 

Một trang đời mới mở ra…

 

Từ nơi định cư đầu tiên, ở San Diego, miền Nam California, một ngày mùa hè, ngoài dự tưởng, người Việt Nam đầu tiên đến thăm ông Phan là Văn, người học trò giỏi Toán nhất lớp Đệ Nhất B2 ở trường Trung học Ngô Quyền Biên Hòa năm nào. Thời đó, năm 1981, mười năm trước ngày Internet phổ cập cho như cái tên World Wide Web (www), nhưng bằng một cách nào đó, Văn biết được ông vừa đến Mỹ, xuất hiện ngay trước cửa căn apartment của ông, với đầy đủ lễ độ và ân cần như mười bốn năm trước khi anh còn ngồi nghe ông thầy trẻ giảng Giải tích trên bục giảng năm cuối Trung học. Khi người ta quý nhau đủ để tìm gặp nhau, khi vẫn còn duyên hạnh ngộ thì sẽ có cách tìm thấy nhau dù ở bất cứ chân trời góc biển nào.

 

Đậu tú tài  ban B hạng ưu (tương đương grade A ở Mỹ) năm 1967, Văn được học bổng toàn phần du học ở Mỹ. Với chính sách luôn luôn thu dụng nhân tài của Mỹ, sức học và sự chuyên cần của Văn giúp anh tìm được công việc, và thành công dân Mỹ chỉ vài năm sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ở Mỹ. Ngày xưa, ở quê nhà, Thầy Phan dạy Văn môn Giải tích, Tân toán học. Mười lăm năm sau, ở quê người, Văn giúp Thầy định hướng tốt nhất để an cư lạc nghiệp. 

 

Thời điểm đó, nước Mỹ đang ở trong khủng hoảng kinh tế từ tháng 7/1981 đến tháng 11/1982, tỷ lệ thất nghiệp rất cao, ngay cả người bản xứ cũng lao đao. Nên dù có Master Degree về Computer Science ở Mỹ, là một người tỵ nạn chân ướt chân ráo, ông Phan cũng không thể tìm được việc làm. Ông liên lạc với thầy cũ ở UT Austin để nhờ thầy giúp tìm việc đúng với chuyên môn. Vị giáo sư nhớ ngay người học trò cũ học giỏi, là Trung úy VNCH được gởi đi du học ở Mỹ gần mười năm trước. Nên lời hồi đáp đầu tiên dành cho ông Phan là "Congratulation for reaching Freedom again". Giáo sư khuyên ông Phan học tiếp chương trình Tiến sĩ và xin cho ông Phan vào làm Teaching  Assistant (vẫn được gọi tắt là TA) ở UT Austin, giúp chấm bài, và trả lời các câu hỏi cho sinh viên đang học chương trình cử nhân. 

 

Vốn quen "đường đi lối về" ở Austin trong mười tám tháng du học, ông Phan  đưa gia đình về Austin vào giữa năm 1982. Hành trang của một gia đình tỵ nạn ba người gọn gàng, chất chưa đầy một chiếc xe sedan cũ kỹ xuôi về miền Đông, băng qua nửa chiều rộng ở phía Nam của Hoa kỳ,  từ San Diego (California) qua Austin (Texas).

 

Lương tháng của ông thời điểm đó vỏn vẹn bảy trăm dollars một tháng, không nhiều, đủ cho cả gia đình sống chật vật. Nhưng ông Phan vẫn hài lòng vì ông vẫn lo được cho vợ, con đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần ở một xứ sở tự do. 

 

Ông Phan xin vào học chương trình Tiến sĩ như lời khuyên của Thầy, trở lại thời sinh viên  khi đã ngoài bốn mươi. Lần này dang dở không hoàn thành, không phải vì ông không đủ trình độ theo học, cũng chẳng  phải vì ông bị trở ngại ngôn ngữ, mà vì bệnh lãng tai của ông (bắt đầu từ trại tù Long Khánh) trở nặng hơn. Dù với hearing aids trợ giúp, ông vẫn không thể nghe đầy đủ lời của giảng viên. Ông đành ngậm ngùi xếp lại thời đèn sách vào quá khứ, và tập trung vào việc hội nhập nâng cao đời sống ở Mỹ.

 

Ngoài công việc Teaching Assistant, để tăng thêm thu nhập, ông Phan xin dạy thêm môn Computer Science bán thời gian ở trường một trường Community College gần nhà.

Trong những giờ học sinh làm bài trong lớp, rảnh rỗi, nhìn xuống lớp học, ông vẫn nhớ đến thời đi dạy của mình những ngày còn ở quê nhà. Quãng đời đi dạy chỉ kéo dài chưa đến mười năm, nhưng học trò của ông Phan rất đa dạng: từ những cô cậu học trò đồng phục màu trắng tinh khôi ở năm cuối Trung học; đến các sinh viên sĩ quan ở những năm đầu của tuổi hai mươi với quân phục thẳng nếp; và bây giờ là học sinh nhiều màu da, tuổi tác chênh lệch, người nhỏ nhất chưa đến hai mươi, người lớn nhất còn trọng tuổi hơn ông.  

Thời điểm đó (cuối thập niên 80 của thế kỷ hai mươi), computer dù chưa đi đến từng nhà, nhưng trong các công sở, hầu hết các nhân viên đã làm việc trên desktop computer, nên rất nhiều người đã được nơi làm việc gởi đi, hoặc tự ghi tên đi học để có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.

 

Sau khi trở thành công dân Hoa kỳ, thông thạo đời sống ở Mỹ, ông Phan thi vào làm cho Sở Thuế Hoa Kỳ (Internal Revenue Service), chi nhánh ở Austin, Texas, để có được một khoản pension cao hơn lương hưu trí của người làm cho công ty tư nhân.

Từ một quân nhân, rồi công chức thời chiến tranh của Việt Nam Cộng Hòa, ông trở thành công chức của Mỹ với đời sống bình yên hơn ở một đất nước hòa bình, tự do, và giàu có.

Công việc của ông là cùng với IT Department bảo trì và update các program của Sở thuế IRS mỗi lần chính sách về thuế thay đổi. Thay đổi thường niên diễn ra vào ngày đầu mỗi năm (JAN 1) khi mức miễn thuế thu nhập cá nhân tăng lên theo mức độ lạm phát. Ngoài ra chính sách thuế cho các công ty, các ngành nghề có thể điều chỉnh bất cứ lúc nào theo chính sách mới của liên bang.

Làm với Chính phủ khá an nhàn, đó là công việc 8-5 (từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều, với đúng một tiếng ăn trưa) nên ông Phan có nhiều thì giờ để nhớ lại bạn bè, những cựu Sĩ quan QLVNCH vẫn còn đang sống đời tù không tội ở quê nhà. Thỉnh thoảng, ông vẫn gởi tiền về giúp đỡ cho một số bạn bè vẫn đang còn khốn khó ở quê nhà. "Bàn tay không thể che nổi mặt trời" nhưng tạo ra được một bóng mát bình yên, dù nhỏ nhoi, cho bất kỳ ai đó cũng là một niềm vui không nhỏ của cả người cho lẫn người nhận.

 

Công việc được trao đổi bằng email nhiều hơn là họp ở các conference room, nên dù thính giác kém đi theo năm tháng, ông Phan không hề gặp trở ngại. Làm việc ở Sở Thuế ở Texas mười năm, đủ thời hạn để về hưu với khoản pension có thể sống sung túc, ông Phan xin nghỉ việc, để tìm thêm công việc làm ở các công ty tư nhân. Thời điểm đó, ở Mỹ, computer đang chuyển tiếp từ desktop sang laptop, và đã đến được từng cá nhân. Nên không khó để ông Phan dù đã mấp mé ở tuổi 60, một người có đủ cả bằng cấp và hơn mười năm làm việc trong ngành computer, xin được việc đúng khả năng với thu nhập thích đáng.

Những lúc rảnh, ông còn tự mua linh kiện về để lắp ráp computer, vừa giải trí, vừa bán cho những cửa tiệm nhỏ. Tiền thu được từ hobby này, ông dành để giúp cho những người cơ nhỡ.

 

Quãng đời khá sung túc này kéo dài đúng bốn năm, theo chu kỳ kinh tế "what's up, will be down", nước Mỹ lại bị rơi vào khủng hoảng kinh tế. Như một số hãng điện tử tư nhân khác, nơi ông làm bị giải thể. Lúc đó, ông vừa tròn 65 tuổi, đủ tuổi để xin về hưu theo chính sách liên bang.

Sáu mươi lăm tuổi ở đầu thế kỷ 21, để mắt đến chế độ ăn uống như người Mỹ vẫn nói "you are what you eat”, và chịu khó tập thể dục ít nhất năm ngày mỗi tuần, người ta vẫn còn "trẻ" để làm việc. (Do vậy, Chính phủ Mỹ đã tăng tuổi về hưu lên 67 cho tất cả những người sinh sau năm 1960).  Sau một tháng sống đời của một người về hưu (“golden time” như cách người Mỹ gọi thời gian hưu trí), ông Phan thấy thời gian dài vô tận. Biết người, biết ta, biết mình không còn đầy đủ sức khỏe và sinh lực như thời trẻ, ông xin làm công việc bán thời gian (part time job). 

 

Ông Phan  trở lại "chốn xưa", nơi ông đã sống đời công chức bình an hơn mười năm, Sở thuế Liên bang IRS , chi nhánh Austin (TX), xin làm part time. Hiểu rõ năng lực, và tinh thần trách nhiệm của ông Phan, bộ phận IT của Sở thuế tiếp nhận ông Phan làm bán thời gian ở đó đến năm tám  mươi tuổi. Điều đó làm cho "học trò của học trò" thầy Phan, những người sinh sau năm 1960 thấy tuổi về hưu theo quy định hiện nay có thể được tăng thêm đến bảy mươi vừa để khuyến khích người Mỹ ăn uống cẩn thận hơn, vừa để quỹ an sinh xã hội không bị nguy cơ cạn kiệt khi tuổi thọ của con người ngày càng cao hơn.  Trong thực tế, ngày càng có nhiều người Mỹ dự tính làm đến năm bảy mươi hay tám mươi tuổi.

Về hưu muộn, vừa thặng dư tiền bạc, theo kịp đà lạm phát, vừa thấy mình vẫn còn trẻ, khỏe, để đóng góp cho xã hội. Và quan trọng hơn hết, để bận rộn, để đỡ bị "hội chứng" bị bạc đãi của một thời gần hai mươi triệu người miền Nam “cùng mang họ ngụy”, quay về ám ảnh. Hệ quả tốt nhất của bận rộn là không có thì giờ để buồn, không có thì giờ để nghĩ ngợi lung tung, dễ bị vướng vào tình trạng "nhàn cư vi bất thiện" hay "rảnh rỗi sinh nông nỗi"

 

Xin ghi lại một phần đời của một thầy giáo dạy Toán, một cựu Sĩ quan QLVNCH để các thế hệ kế tiếp biết nền giáo dục nhân bản ngày xưa đã đào tạo được vài thế hệ như thế. Ngày xưa thời Việt Nam Cộng Hòa, môn Công dân giáo dục được dạy từ lớp mẫu giáo đến lớp mười một, môn Đức dục được dạy từ lớp một đến lớp năm (elementary school).

 

Những bài học đạo đức, làm con hiếu, trò ngoan, công dân tốt, theo chúng tôi đến suốt cuộc đời. Dù thế hệ chúng tôi chỉ được học Công dân giáo dục một vài năm thì  VNCH sụp đổ vì vận nước, nhưng từng trang sách "Tâm hồn cao thượng" (dịch từ phiên bản tiếng Pháp "Les grand Coeurs" từ nguyên tác tiếng Ý “Cuore” của Nhà Văn Edmondo De Amicis) đã đủ thời gian thấm sâu vào tâm hồn chúng tôi, góp phần lớn tạo nên tư cách của chúng tôi ngày hôm nay.

 

                                              blankblankblank

                                           Tác giả Edmondo De Amicis (1846-1908) /  Dịch giả Hà Mai Anh (1905-1975)

 

Gần nửa thế kỷ trôi qua, Sài gòn mất tên, nhiều thứ, buồn thay cũng bị bức tử như số phận VNCH, nhưng ít nhất hai thế hệ đã được đào tạo từ nền giáo dục Dân Tộc, Nhân Bản, và Khai Phóng của Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn. Và như thế, Sài gòn, hòn ngọc viễn đông, vẫn còn trong trí tưởng của rất nhiều người. Qua một đoạn đời của ông Phan, cùng nhìn lại một trong những thành công của nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa.

 

Rồi sẽ có một ngày các em được học  Đức dục và Công dân giáo dục như chúng tôi ngày còn thơ dại. Lúc đó, hẳn là đất nước sẽ tốt đẹp hơn, và cả thế giới sẽ nhìn người Việt Nam như một khuôn mẫu của đạo đức, cần cù, tinh thần trách nhiệm cao, luôn cầu tiến, học hỏi dù ở bất cứ tuổi nào.

 

Không bao giờ quá muộn để bắt đầu dạy Đức dục và Công dân Giáo dục từ lúc các em bé bắt đầu đủ trí khôn. Các thế hệ đi trước phải cùng nhau thắp cho các em, các cháu một ngọn đèn, như những câu thơ/nhạc của Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn: 

 

Cố thắp cho em một ngọn đèn

Dù mệt nhoài trông ngóng

Để nhủ lòng gắng nuôi niềm tin (5) 

 

Nhiều ngọn đèn, dù nhỏ, sẽ làm nên một nguồn ánh sáng lớn, soi sáng đêm đen, đủ để đưa Việt Nam trở lại vị trí "minh châu trời Đông".

 



Nguyễn Trần Diệu Hương

JUNE 2024

(Kính cảm ơn Thầy TP và Thầy NVP đã cung cấp nhiều tư liệu để vẽ lại "những dấu chân xưa")

 

 Footnotes:

1.  Thơ Trần Tế Xương (1870-1907)

 

 2. Nguồn : "Interview with Barbara Walters". UC Berkeley Library Sound Recording Project. 1988. Archived from the original on October 8, 2018. Retrieved February 16, 2008.

 

3. Tựa một hồi ký của Hà Thúc Sinh (cựu Trung Úy  QLVNCH Phạm Vĩnh Xuân)

 

4. After the Vietnam/American War, an estimated 1–2.5 million people were imprisoned in reeducation camps or “trại học tập cải tạo” with no formal charges or trials and 165,000 people were estimated to have died in the camps either from malnourishment, disease, or execution. (Wikipedia)

5. “Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn” - Nguyễn Đình Toàn  (1936-2023)






Thursday, November 28, 2024(View: 2175)
Và như thế nên hàng năm theo truyền thống Lễ Tạ Ơn của người Mỹ, xin gởi lòng tri ân chân thành từ các cựu học sinh Ngô Quyền năm xưa đến quý Thầy Cô ở khắp nơi trên thế giới
Monday, November 18, 2024(View: 2143)
Thưa Thầy, học trò ở khắp nơi trên thế giới xin chào Thầy lần cuối với lòng biết ơn và tưởng tiếc. Chân thành cầu nguyện Thầy an nhiên thanh thản ở tịnh độ.
Thursday, April 11, 2024(View: 5778)
Đồng nghiệp và học trò sẽ nhớ Thầy với vẻ nghiêm khắc, nhiệt tình của một ông Thầy trẻ của Trung học Ngô Quyền Biên Hòa gần nửa thế kỷ trước. Vĩnh biệt Thầy với chân thành thương tiếc.
Monday, January 15, 2024(View: 6055)
Họp mặt mini của Thầy trò Ngô Quyền ở thủ phủ Austin ở một tiểu bang được mệnh danh là "Everything's big here" vào cuối tháng 11 năm 2023 được chúng tôi gọi là "Tạ ơn ở Austin".
Thursday, November 23, 2023(View: 5148)
Mỗi năm một lần, vào mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, trước buổi tiệc Thanksgiving chúng tôi vẫn thầm cảm ơn cha mẹ, Thầy Cô, những người đã hy sinh một phần đời để chúng tôi có được ngày hôm nay.
Wednesday, November 23, 2022(View: 3560)
Mùa lễ Tạ ơn đang về ở Mỹ, xin mượn ánh sáng từ lò sưởi thắp sáng thời đèn sách ở Ngô Quyền, và một lần nữa xin gởi lòng biết ơn chân thành đến quý Thầy Cô, đến các bậc sinh thành.
Wednesday, November 24, 2021(View: 3534)
Xin tạ ơn những hạnh ngộ của cuộc đời đã đưa nhiều thế hệ cựu học sinh Ngô Quyền đến bên nhau ở quê người để cùng giữ lửa Việt Nam soi sáng thời đi học ngày xưa.
Tuesday, November 24, 2020(View: 4150)
Sau công cha mẹ ... ấy ơn thầy Ghi nhớ muôn đời chẳng nhạt phai Giũa chữ... cô rèn bao tính tốt Khơi tâm... thầy luyện lắm điều hay Ra sông người chống cơn triều dữ Đến bến trò mang giấc mộng đầy
Friday, August 21, 2020(View: 5384)
Nhưng than ôi! Đã đến lúc chiếc gậy chống không thể nào dẫn dắt Chiếc xe lăn đưa Thầy đến dự mỗi lần Tuổi càng cao sức khỏe yếu dần. Ngày 7 tháng 8 Thầy rời xa dương thế.
Saturday, August 8, 2020(View: 4950)
Giờ đây chúng em là những đứa học trò đã già, vẫn nhớ thương và tiếc nuối khi Thầy bỏ chúng em đi, Nhưng lẽ đời, Thầy là sông rộng chúng em là suối nhỏ; rồi tất cả chúng ta sẽ cùng nhau ra biển lớn
Tuesday, November 26, 2019(View: 7706)
Xin kính cảm ơn quý Thầy Cô đã góp phần tạo nên những chs Ngô Quyền thành đạt, những chs NQ luôn giữ được phẩm hạnh, và nhân cách của con cháu Vua Ngô Quyền...
Tuesday, November 20, 2018(View: 13531)
Sau cùng, xin tạ ơn đời đã cho chúng ta đươc một thời hãnh diện mang phù hiệu Ngô Quyền trên ngực áo, và cơ duyên hạnh ngộ trong những lần họp mặt chs Ngô Quyền.
Sunday, April 8, 2018(View: 10562)
MGTT 46 là nén hương lòng thành kính của lớp 7/1 K15 viếng GS hướng dẫn Bạch Thị Bê (1938-2018)
Saturday, November 18, 2017(View: 17908)
Thầy Cô mang theo mình lời “Lương Sư Hưng Quốc” Trò cũng đau đáu trong lòng câu “Nhất Tự Vi Sư”
Thursday, November 24, 2016(View: 13723)
Nhân lễ Tạ ơn 2016 ở Mỹ, xin được một lần nữa, tri ân quý Thầy Cô đã khai tâm cho chúng ta, đã ít nhiều góp phần cho ta có được ngày hôm nay.