Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Lê Quý Thể - VÀI KỶ NIỆM VỀ COI THI VÀ CHẤM THI

Thursday, July 4, 202412:18 AM(View: 10871)
GS. Lê Quý Thể - VÀI KỶ NIỆM VỀ COI THI VÀ CHẤM THI

VÀI KỶ NIỆM VỀ COI THI VÀ CHẤM THI

GS. Lê Quý Thể 

image001



Ngoài việc dạy học, một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của một thầy giáo như tôi là coi thi và chấm thi. Những năm đầu coi thi và chấm thi hầu như chiếm trọn ba tháng hè với hai kỳ thi tú tài một, hai kỳ thi tú tài hai và một kỳ thi vào đệ thất. Sau nầy thầy giáo như tôi được một ít thời gian ngắn mùa hè rảnh rỗi với hai kỳ thi tốt nghiệp trung học và một kỳ thi vào lớp sáu.

Sau 13 năm dạy học và 12 năm coi thi và chấm thi ở khắp bốn vùng chiến thuật, tôi thấy coi thi và chấm thi có nhiều chuyện vui mà cũng có lắm chuyện buồn. Vui vì được trả lương và phụ cấp để đến những tỉnh lạ, được gặp lại bạn bè cũ, kết thân nhiều bạn bè mới và cũng có lúc gặp lại những người thầy mình kính phục và ít hay nhiều có ảnh hưởng đến sự chọn nghề giáo của mình. Buồn vì chứng kiến nhiều người lợi dụng chức vụ của họ để kiếm tiền trong các kỳ thi. Kỳ thi nào cũng có  phụ huynh chịu chi những số tiền lớn để mua cho con em họ những bằng tú tài một hay bằng tú tài hai vì đó là những tờ giấy hoãn dịch vô cùng quí giá hay chịu chi những số tiền đút lót để con em họ được vào học những trường công lập nổi tiếng và nhất là sau nầy không phải chi tiền học phí hàng tháng cho các trường tư thục.

Những năm đầu tôi chỉ làm giám thị và giám khảo thường nhưng có lẽ sống lâu lên lão làng nên sau đó được giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn là làm phó chủ tịch chịu trách nhiệm một trung tâm coi thi và làm phó chủ khảo chịu trách nhiệm trưởng ban chấm thi hay trưởng ban cộng điểm.

Các trung tâm thi ở những thành phố lớn như Saigòn được tổ chức cho nam sinh riêng, nữ sinh riêng và các người lớn tuổi như quân nhân công chức riêng, Thường mỗi phòng thi có hai vị giám thị, một giáo sư ở xa đến và một giáo viên tiểu học là người địa phương, vị giáo sư quyết định mọi việc còn vị kia chỉ là phụ tá. Hai vị nầy ngoài việc phát đề thi và góp bài thi còn có nhiệm vụ kiểm soát thí sinh không được lén lút gian lận. Phụ trách một trung tâm thi thì cố nhiên trách nhiệm nặng nề hơn nhiều, ngoài công việc tổ chức thi cử còn phải giữ gìn trật tự trường thi, ngăn cấm người ngoài đưa bài giải vào trường thi cũng như ngăn ngừa giám thị gạ bài cho thí sinh.

***

Nhìn lại tôi nghĩ tôi không phải là một giám thị coi thi quá nghiêm khắc nhưng không tha những kẻ lợi dụng kỳ thi để kiếm tiền. Tôi xin kể vài câu chuyện vui buồn về coi thi và chấm thi qua mười ba năm trong nghề giáo.

Câu chuyện số 1: Trong phòng thi ở Saigòn hôm đó toàn là nữ sinh trường Gia Long, Trưng Vương.... Mặc dầu phải thức đêm học thi mấy tuần cuối nhưng cô nào cũng trông rất dễ thương. Tôi để ý có một cô ngồi giữa phòng, mặc áo dài trắng quần trắng cứ nhìn tôi và cười mỉm có vẻ thẹn thò, lâu lâu cô lại nhìn xuống vạt áo dài của cô. Tôi đi qua đi lại và quan sát cô nhưng không thấy có sách vở hay tài liệu gì đáng khả nghi. Sau cùng tôi đi qua mặt cô và quay lại liền thì thấy cô kéo vạt áo dài và đùi cô chằng chịt những công thức hiện rõ qua lớp quần mỏng. Tôi không biết phải làm gì, chỉ nhìn cô và cười trừ.

Câu chuyện số 2: Một lần khác cũng ở Saigòn vào buổi thi lý hóa, phòng thi toàn là nam sinh, ngồi bàn đầu là một học trò của tôi ở trường Châu Văn Tiếp, Bà Rịa. Anh này học lớp đệ nhị, đá trung phong rất giỏi và đã ghi bàn thắng giúp khu ba học sinh chiếm huy chương vàng bóng tròn toàn quốc năm đó, nhưng khổ nỗi học thì lại quá kém. Tôi nghĩ anh này khó mà đậu được bằng tú tài một. Tuy vậy tôi cũng cố gắng chỉ cho anh từ đầu giờ đến cuối giờ thi. Rất may cho anh là lúc chấm bài tôi nhận ra được bài thi của anh nên tôi dễ dãi cho điểm tối đa và khóa đó anh đậu. Sau anh nhập ngủ và trở thành một sĩ quan.

Câu chuyện số 3: Đa số giám thị rất sợ phải coi thi những trung tâm toàn là quân nhân. Tôi thì trái lại. Bước vào phòng thi toàn là quân nhân tôi luôn luôn mở miệng chào hỏi trước: “Chào các anh. Các anh nghỉ phép có vui không? Có về thăm nhà, thăm vợ con hay em út gì không? Tôi biết các anh đi thi là chuyện phụ, nghỉ phép mới là chuyện chính. Để các anh nghỉ phép được vui vẻ tôi đề nghị như sau: sau khi phát đề thi tôi sẽ cho các anh 15 phút lật sách để ôn lại bài vở rồi tôi sẽ thu tất cả sách vở. Sau đó nếu tôi bắt được anh nào dùng tài liệu lần thứ nhất tôi cảnh cáo, lần thứ hai tôi sẽ thu bài và anh đó được đi về sớm rồi buổi thi kế quay lại thi tiếp”.  Tôi thực hiện đúng như lời tôi nói và hôm nào cũng có vài anh vui vẻ đi về sớm.

Câu chuyện số 4: Tôi có mười đứa cháu con anh con chị nhưng tôi đã không giúp được gì cho chúng trong việc thi cử. Có lẽ chúng không cần tôi hay tôi không có cơ hội giúp chúng. Một lần duy nhất tôi coi thi tại một trung tâm cháu gái tôi thi. Buổi thi môn lý hoá, tôi xin anh thư ký xếp tôi vào phòng cháu tôi. Bước vào phòng tôi thấy cháu tôi ngồi ở góc phòng, bàn thì sát vào tường cuối lớp, tôi không có cách nào để đến gần cháu tôi được. Cuối cùng tôi phải chỉ cô ngồi đầu bàn để mong cháu tôi nghe được một phần nào. Cô này chắc cũng ngạc nhiên, có lẽ cô tưởng mình đẹp nên được ông thầy trẻ gạ bài thi cho. Cháu tôi thi đậu khoá đó.

Câu chuyện số 5: Năm đó tôi phụ trách một trung tâm thi tú tài một tại tỉnh Pleiku. Tuy làm phó chủ tịch trung tâm nhưng tôi ăn mặc lè phè nên không ai để ý. Chiều ngày thi cuối tôi bắt được một người mặc thường phục ngang nhiên đưa lời giải bài thi qua cửa sổ cho một nữ thí sinh ngay trước mặt tôi. Tôi bắt anh nầy và xét trong người anh tôi thấy bài giải được sao thành nhiều bản và một danh sách 32 thí sinh ở nhiều phòng thi khác nhau. Tôi tịch thu bài làm của cô thí sinh và đuổi cô ra khỏi phòng. Sau đó các cô giáo địa phương cho biết cô thí sinh nầy là con gái ông tỉnh trưởng và người đưa bài là một nhân viên an ninh của tòa thị chính. Cuối giờ thi tôi trình bày mọi chi tiết với ông chủ tịch hội đồng thi. Sáng sớm hôm sau sợ bài thi bị phá nên ông chủ tịch xin Trung tướng chỉ huy trưởng Quân khu 2 dùng trực thăng chở bài thi về Nha Trang và ông kéo tôi theo. Đó là lần duy nhất tôi đi trực thăng, trực thăng thật. Về sau 32 thí sinh có tên trong danh sách đều bị đánh hỏng vì bài làm của chúng quá giống nhau.

Câu chuyện số 6: Năm đó tôi phụ trách phó chủ tịch một trung tâm thi tú tài hai tại Mỷ Tho. Vì phải đi sớm về trể nên tôi ở lại khách sạn. Buổi chiều tôi nhờ các cô giáo viên hướng dẫn đi thăm ông đạo dừa hay đi thăm xung quanh thành phố. Đêm cuối cùng lại được các anh giáo sư ở Cái Lậy rủ đi ăn tối, vì ham chơi nên tôi vui vẻ nhận lời ngay. Lúc đến nơi tôi mới biết địa điểm là khách sạn Mỹ Tho nằm sát bờ sông và người đãi tiệc là một anh thí sinh. Anh thí sinh này là trung úy trưởng ban mật vụ của Tiểu khu tỉnh Định Tường. Anh muốn có tú tài hai để được thăng cấp bực và chức vụ cao hơn. Tối hôm đó tôi được ăn cao lương mĩ vị, được em út hầu, được ngủ phòng lạnh (tôi tin chắc chủ khách sạn chịu tất cả mọi chi phí). Không may sáng hôm sau anh thí sinh này bị giám thị hành lang bắt vì gian lận và bị mời ra khỏi phòng thi, có nghĩa là anh bị đánh hỏng. Giám thi hành lang đó là một giáo sư lý hóa trường Ngô Quyền. Vì biết quá chậm nên tôi không kịp thay đổi gì được. Đến chiều tôi được tin anh thí sinh này quay lại với ba đồng đội, quân phục và súng ống đầy đủ ngồi trên xe jeep chờ trước cổng trường thi. Để tránh những việc đáng tiếc có thể xẩy ra tôi vội vàng báo cho anh giáo sư Ngô Quyền biết và cho phép anh luồn cửa sau trường rút lui sớm. Sau buổi thi, khi mọi người về hết tôi vẫn còn nấn ná trong trường rồi cuối cùng cũng phải lái xe vespa ra về. Ra tới cổng, nhìn trước nhìn sau không thấy ai, tôi vội vàng phóng xe một mạch cho đến ngả ba Trung Lương mà vẫn còn run.

Câu chuyện số 7: Có một lần tôi làm phó chủ khảo tú tài một ở Saigòn và được giao trách nhiệm trưởng ban cọng điểm. Tôi giữ danh sách quyết định đậu hay hỏng của thí sinh. Sáng đó tôi đến trường thi thì gặp một anh bạn cùng lớp Đại học Sư phạm. Sau vài câu chào hỏi anh đi thẳng vào đề. Anh muốn tôi sửa một điểm thi với giá 200 ngàn đồng và tiền đã có sẳn trong túi áo mưa của anh. Anh nói rõ thí sinh bị hỏng có tổng số điểm là 114. Việc tôi phải làm là sửa số 1 ở giửa thành số 4 để tổng số điểm trở thành 144 thì thí sinh đậu. Sửa số 1 thành số 4 thì quá dễ và 200 ngàn có thể mua bốn chiếc xe honda “dame” thời đó thì quá hấp dẫn nhưng tôi trả lời ngay tôi không làm. Sau đó tôi không theo dõi nên không biết thí sinh này đậu hay hỏng nhưng tôi tin anh giáo sư này sẽ nhờ người khác sửa điểm. Tôi không nghĩ thêm một thí sinh thi tú tài không xứng đáng được đậu là việc quan trọng nhưng tôi không muốn nhận tiền bằng cách làm gian dối đó. Nếu anh bạn nhờ tôi sửa điểm để em anh được đậu tôi sẽ làm ngay không một chút do dự nhưng làm để nhận tiền thì tôi không làm.

Lê Quý Thể

 

 

Friday, April 18, 2025(View: 445)
Tâm thần bà bắt đầu hỗn loạn, bà không biết chuyện gì đã xảy ra với con của mình. Liên tục các câu hỏi hiện ra trong đầu bà “Con mình đã biết nói? Tại sao nó không nói mà chỉ hát?...”.
Friday, April 18, 2025(View: 652)
Tôi vẫn tiếc một điêu khắc gia khác của Việt Nam, đại uý Nguyễn Thanh Thu tác giả bức tượng Thương Tiếc ở Nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà với cuộc đời như một bi kịch lại không được đưa lên màn ảnh nhỏ.
Friday, April 18, 2025(View: 1455)
Thoát hiểm “phá đài TV Qui Nhơn” về Saigon, tối hôm đó Tôi ngủ luôn trong đài vì trúng phiên làm sĩ quan trực Nhân Dân Tự Vệ cấm trại 50%, chia phiên cho anh em canh gác lo về an ninh
Friday, April 18, 2025(View: 1040)
Hôm nay, tôi và bạn bè tam B3, lớp Pháp Văn, có cuộc hẹn gặp gỡ với bạn Đỗ Quang Nam và phu nhân, từ Houston về BH.
Thursday, April 17, 2025(View: 1415)
Nỗi thắc mắc nghĩ ngợi của Tôi nhớ về bạn Đồng Môn cùng lớp Nguyễn Văn Lê tới nay vẫn chưa có tin tức còn sống hay chết!
Sunday, April 6, 2025(View: 1419)
Ở miền tây, chiến trường không ác liệt như miền đông và miền trung nhưng đi hành quân vất vả hơn nhiều vì phải lội sình, có nơi sình lầy cao lên khỏi đầu gối.
Saturday, April 5, 2025(View: 2181)
Tôi viết những gì ghi lại đây là cho chính bản thân mình, với vài người bạn đồng hành là nhân chứng sống chuyến công tác đặc biệt coi như chết hụt tại Qui Nhơn đầu tháng 4-1975.
Saturday, April 5, 2025(View: 1622)
Mấy chục năm qua mỗi khi ngồi nhớ lại đời mình tôi lúc nào cũng nhớ tới Lực. Cậu trai trẻ chân đi cà thọt tật nguyền nhưng luôn dễ thương, yêu đời và tốt bụng.
Friday, April 4, 2025(View: 1632)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
Wednesday, March 26, 2025(View: 2522)
Chúng em, tất cả những cựu học sinh Ngô Quyền kính chúc Thầy Quýnh, thầy Đạt một ngày sinh nhật 90 tuổi thật hạnh phúc.
Wednesday, March 26, 2025(View: 2111)
Trong số các loại rau dại vô cùng phong phú ở quê nhà, tôi thích nhất là rau càng cua, đây là một loại rau dại mọc khắp mọi nơi, đi đâu cũng thấy.
Wednesday, March 26, 2025(View: 1564)
Thật là kinh hoàng, Tôi không đủ khả năng diễn tả nỗi lo sợ khủng khiếp xảy ra lúc đó, lòng phập phòng nơm nớp chỉ sợ máy bay rớt bất tử vì quá nặng.
Monday, March 24, 2025(View: 1961)
Bữa ăn tối cuối cùng trước ngày “BỎ-HUẾ CHẠY” gồm 6 người, năm người đã quá vãng là Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm, TLSĐ1BB rớt máy bay trực thăng chết ở Quảng Ngải.
Monday, March 17, 2025(View: 1912)
Người già trong làng già này sống vui sống khỏe một cách độc lập chứ không bám vào con cháu. Họ “vô tư” ăn chơi! Và cũng không thấy ai đảm nhiệm chuyện “vá dù” cho con cháu
Sunday, March 16, 2025(View: 1404)
Gặp chuyện gì không phải. Chớ vội la bai bải. Hay mặt mày hớt hải. Cứ từ từ chậm rãi: Có hai điều phải nói:
Sunday, March 16, 2025(View: 1992)
Nhân ngày kỷ niệm 50 năm tháng 3 Ban Mê Thuộc, Tôi “người di tản buồn” rất thấm thía với cụm từ: “DI-TẢN CHIẾN THUẬT” xin lạy tạ “ƠN-TRÊN Trời Phật Chúa” độ trì sống sót đến ngày hôm nay!
Friday, March 14, 2025(View: 1807)
Đã nhiều lần Nam có suy nghĩ rằng có phải cuộc đời tình ái của chàng gắn liền với những người con gái xứ Huế. Lạ lùng hơn nữa là hai cái tên, thật ly kỳ khó hiểu. Hồng Nghi… Đông Nghi…
Monday, February 24, 2025(View: 2395)
Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…
Wednesday, February 12, 2025(View: 1722)
Thưa quí vị, nghe nói đến nhẫn, quí bà liên tưởng ngay đến cái hột xoàn lấp lánh chiếu như ánh sáng cầu vồng đính trên cái vật tròn tròn, nhỏ xíu để đeo vào ngón tay,
Tuesday, February 11, 2025(View: 2762)
Hội Đồng Hương Biên Hòa vừa có buổi họp mặt mừng Tân Niên Ất Tỵ 2025 vào sáng Chủ Nhật, 2 Tháng Hai, nhằm Mùng Năm Tết,