Sáng thứ hai. Bà Hải thức dậy thật sớm. Mới năm giờ. Sau khi đánh răng rửa mặt, chải tóc, bà vội vã vào phòng thay áo quần. Cầm chiếc áo đầm mới mà con dâu của bà đưa cho tối qua, bà phân vân trong lòng. Bà suy nghĩ không biết có nên mặc chiếc áo đầm này hay không, hay là cứ mặc áo dài Việt Nam hoặc cứ lấy đại chiếc quần tây trong số cả mớ quần cũ mà cô con dâu không biết ôm từ đâu về giao cho bà từ ngày bà mới qua Mỹ đoàn tụ với con cách nay hơn sáu năm. Tối qua trước khi đi ngủ, cô con dâu còn nhắc bà là… “mẹ phải mặc đồ đầm đó nghen, mình ở Mỹ đó nghe má…”. Cô con dâu của bà còn kể cho bà… “lâu lâu thấy xeo rẻ quá nên con mua cho má mặc, chỉ có chín đồng chín chín hà…”. Bà cũng còn nhớ hình như thỉnh thoảng cô con dâu sau giờ đi làm về, lục lạo trong các tiệm quần áo mua về nào là quần tây, áo đầm, son phấn, dày dép và lắm thứ lỉnh kỉnh khác. Nó nói “xeo xeo xeo rẻ quá chừng”. Có nhiều cái áo cái quần con dâu bà chẳng bao giờ mặc đến. Bà cứ xít xoa nói với nó… “con mặc đâu có hết mà sao mua nhiều quá vậy.” Lúc đó cô con dâu lườm bà một cái rồi vào phòng trong thử hết bộ này đến bộ khác… Có lần bà vào phòng con dâu đếm số quần áo nó máng trong “lô xét” và để đầy trên các kệ tủ bà mới thấy rụng rời tay chân. Gần bốn trăm cái quần cái áo các loại, đủ hiệu, đủ màu sắc. Đồ đầm, đồ tây, áo ngắn, áo dài, đồ mùa hè, đồ mùa đông, áo khoác, áo lông và cả một bãi dày dép… Bà nghĩ trong bụng… “giá mà nó cho mình ngần ấy đem về Việt Nam để mở gian hàng bán quần áo dày dép thì có khối tiền…”. Nghĩ đến đây bà lại nhớ Việt Nam quá, nhớ hai thằng con trai và mấy đứa cháu nội. Bà không được vui dù bà biết hôm nay bà phải đi đến sở di trú để thi nhập quốc tịch.
Cuối cùng thì bà cũng phải lấy bộ đầm màu xanh đậm ra mặc. Bà đứng trước gương nhìn mình. Ối chào! Cái áo đầm rộng thùng thình như không dính vào da thịt của bà. Từ dạo qua Mỹ tới giờ, đây là lần đầu tiên bà mặc đồ đầm. Bà nhìn vào gương thấy mình kỳ kỳ làm sao ấy. Bà loay hoay trước tấm kiếng soi với mấy ngón tay vụng về thoa một lớp phấn hồng lên hai má hóp lõm rồi cầm thỏi son con dâu để sẵn quẹt lên hai môi nhiều lần cho đến khi cả hai môi có màu đỏ nhạt. “thôi cũng được...” bà nghĩ… “ai sao mình vậy có sao đâu… con nó lo cho mình như vậy cũng tốt lắm rồi… nó bỏ công chỉ dẫn cho mình học bài đi thi quốc tịch cũng cám ơn nó…”. Bà lại thấy thương đứa con dâu. Một lần nữa bà nhìn mình trong kiếng từ đầu đến chân. Bà mỉm cười và tự tin.
Khi trở ra phòng khách bà nghe tiếng mưa rào rào bên ngoài. “thật là chán! Cả đêm không mưa đến sáng lại mưa gắt, ông trời mới thiệt là lạ…”. Nhìn đồng hồ treo tường đã năm giờ rưỡi. Bà lại nhìn vào phòng ngủ con dâu. Chưa thấy nó động tịnh gì cả…“sáng nay mày sẽ chở tao đến sở di trú mà giờ này vẫn còn ngủ?”. Bà sốt cả ruột và mắt bà cứ chăm chăm nhìn vào nơi cửa phòng ngủ con dâu. Rồi bà đứng dậy đi tới phía cửa sổ kéo tấm màn nhìn ra ngoài. Mưa xối xả và bầu trời tối đen. Bà lo lo. “không biết từ nhà đến sở di trú bao xa? Liệu trời mưa có làm kẹt đường hay không? Rủi bị ngập lụt thì sao?” Bà thầm rủa con dâu … “đồ quỷ, chỉ có lo ăn lo ngủ. Mày không nhớ là sáng nay mày phải đưa tao đi thi quốc tịch hay sao!”. Bà định đến gõ cửa nhưng bà không dám. Bà trở lại ngồi ở ghế sofa. Sực nhớ, bà bước nhanh vào phòng ngủ lấy tập tài liệu thi quốc tịch ra để trên bàn, rồi bà cầm lên, giở nó ra. Liếc nhìn… câu số một… câu số hai… câu số ba… cho đến câu chín chín … câu một trăm. Bà lật nhanh, lướt qua các câu hỏi và trả lời. Bà đã thuộc lòng từ lâu. Nếu sở di trú hỏi hết một trăm câu như trong tài liệu thì bà sẽ giật cái quốc tịch trăm phần trăm. Bà giở đến trang cuối cùng có ghi chục câu hỏi và trả lời không có trong phần hỏi đáp chính thức do con trai bà soạn thêm cho bà học chẳng hạn như câu “bà đã về Việt Nam chưa? thì phải trả lời là “chưa.”, như câu “tại sao bà muốn trở thành công dân Hoa Kỳ?” thì phải trả lời là “để được đi bầu cử”. Vân vân và vân vân…Trong khi đó bà đã biết tỏng là con dâu muốn bà đậu quốc tịch để xin tiền già vì bà đã quá tuổi sáu lăm.
Cô con dâu lại càng lo cho bà hơn khi bà nhận được giấy mời hẹn đi phỏng vấn, cô ta đã đích thân ôn bài cho bà đến mức thuộc lòng các câu hỏi và trả lời. Cô lại đi mua ở đâu đó một cuốn băng ghi học thi quốc tịch. Cô bắt bà phải nghe đi nghe lại nhiều lần mỗi ngày và phải trả lời đúng từng câu hỏi. Tuy đã sáu lăm tuổi ngoài nhưng bà vẫn còn minh mẫn nhậm lẹ. Hơn nữa, ngày xưa ở những năm trung học, bà cũng đã học Anh văn từ lớp đệ thất cho đến lớp đệ tứ.
Lý do bà muốn đậu quốc tịch khác với lý do của đứa con dâu. Bà không bao giờ nói cái lý do của bà ra cho cô ta nghe và đối với thằng con trai của bà cũng vậy, bà tuyệt đối giữ kín. Cả chúng nó đều muốn bà đậu quốc tịch rồi xin tiền già để đóng cho chúng mỗi tháng mấy trăm. Nhiều lần tình cờ bà đã nghe chúng nói với nhau như thế. Bà suy nghĩ thầm “cũng được, nhưng hạ hồi bà sẽ cho chúng mày biết tay…” vì bà cũng đã dò la thăm hỏi người này người nọ những lúc đi chợ đi chùa “không dễ gì nuốt mấy trăm bạc của bà đâu… mục tiêu trước mắt là phải thi cho đậu cái đã…”
Bà nhấp nhỏm đứng lên ngồi xuống không yên. Bà lại bước ra phía cửa sổ rồi trở vào phòng khách. Bà bước tới cửa phòng ngủ con dâu. Bà nhìn lên đồng hồ treo tường. Một tiếng đồng hồ dài thăm thẳm trôi qua. Trời vẫn còn mưa, bà tới bếp rót một ly nước lạnh. Bà cảm thấy bứt rứt nóng khát. Bà ngồi xuống uống mấy ngụm nước khi đồng hồ trên tường gõ sáu tiếng lạnh lùng. Bà nghe tiếng cửa mở từ phòng ngủ con dâu. Bà đứng bật dậy. Người con dâu bước ra phòng khách mặt còn ngái ngủ. Cô ta nhìn thấy bà và hỏi… “má làm gì thức dậy sớm quá vậy? Mười giờ mới có mặt, đâu cần phải dậy sớm làm gì…”. Nói xong cô dâu trở lại phòng ngủ, đóng mạnh cửa. Bà chưng hửng, đứng trơ ra như vừa bị ai tát một gáo nước lạnh vào mặt. Nhưng rồi bà chợt nghĩ… “chắc nó vào phòng rửa mặt đánh răng trang điểm thay áo quần…”. Phải mất cả tiếng đồng hồ nữa. Nhưng dù sao thì bà cũng đã vững bụng. Nó không quên. Bà ngồi xuống và cầm ly uống hết phần nước còn lại.
Bảy giờ con dâu bà trở ra trong tay cầm chiếc áo ấm đưa cho bà… “má mặc vô cho ấm, hôm nay trời lạnh lắm đó…”. Xong cô ta tới bếp mở lửa nấu cho bà một tô mì gói. Cô ta nói… “má phải ăn…vào đó chờ lâu lắm đói bụng…”, nhưng bà đâu muốn ăn, bà không thấy đói bụng. Nếu ăn thì bà đã tự nấu chứ đâu cần tới tay con dâu. Đã mấy hôm nay bà cứ dật dờ với cơm nước vì bà chỉ mong sớm thi đậu quốc tịch để về quê thăm con cháu. Đã bao lần bà năn nỉ con trai và con dâu cho bà về một lần nhưng chúng không đồng ý, chúng bảo phải có quốc tịch mới về được. Bà cũng đã từng gặp bạn bè quen lúc đi chợ đi chùa cuối tuần, ai ai cũng bảo là chỉ cần có thẻ xanh là về được nhưng khi nói với con trai ý định của mình thì bị con bà gắt gỏng phản đối. Nghe nhiều người kể chuyện về Việt Nam bà cứ háo hức như con nít trông ngày tết đến để được mặc áo quần mới nhận lì xì. Bà miễn cưỡng bưng tô mì lên gắp vài đũa rồi mang cả tô mì đổ vào sink, lùa xuống lỗ mở nút xay cho chúng biến hết.Con dâu bà đã đi vào phòng. Chuyện chính của bà hôm nay là đi thi quốc tịch chứ đâu phải chuyện ăn uống mà từ hồi qua Mỹ đến nay có bao giờ con dâu của bà lo ăn sáng cho bà đâu! Sao hôm nay nó tử tế với bà vậy? Ngay cả áo quần bà mặc cũng vậy, lâu lâu con dâu tha từ ga ra xeo về vứt cho bà một mớ, cái vừa cái không làm sao bà không biết. Chiếc áo đầm bà mặc bữa nay cũng thế… hàng xeo hàng xeo… Khoảng hai mươi phút sau cô con dâu lại trở ra lấy chiếc chảo nhỏ bắc lên bếp, đổ vào hai muỗng dầu, lấy trứng làm ốp la, lấy bánh mì bỏ vào lò nướng… Lát sau cô con dâu bê chảo ốp la bánh mì đặt ở bàn ăn. Cô ta không nói với bà một lời nào. Cô lấy một cái ly đến tủ lạnh lấy sữa, lấy một tờ náp kin đem đến bàn rồi trở lại vòi nước rửa tay. Bà chờ cô ta tới bàn ăn. Chưa. Cô con dâu đi vào phòng ngủ. Năm phút sau trở ra tay cầm chiếc dù màu trắng đỏ đặt gần chỗ bà ngồi. Bà thắc mắc trong bụng… “dù cho mày hay cho tao?…sao mày câu giờ dữ vậy ?”. Bà rủa thầm trong bụng “con ơi là con…dâu ơi là dâu…bao giờ mầy mới chịu chở tao đi…sao cái thân già này khổ quá vậy hở thằng con trời đánh, mày có biết vợ mày đang hành hạ mẹ mày đây hay không…trời ơi là trời…”. Cuối cùng thì cô dâu cũng ngồi xuống bàn ăn. Bà thở phào nhẹ nhõm. Chỉ thoáng chốc bà thấy chẳng còn mẩu bánh nào, trứng cũng hết. Ly sữa cũng cạn. Bà thấy trên mặt con dâu lộ vẻ hả hê, nhìn lên đồng hồ, bảy giờ bốn mươi lăm, trời vẫn mưa. Con dâu mang chiếc chảo nhỏ muỗng ly để vào sink rồi lấy tăm xỉa răng trước khi trở vào phòng ngủ. Bà thấy chóng mặt vì bà cứ mãi nhìn theo con dâu xem nó động tịnh thế nào, đi đâu, làm gì…Khi cô con dâu trở ra tay cầm tờ giấy và cây bút đến ngồi gần bà và viết: “Anh. Em chở má đi thi quốc tịch. Nhớ ủi cho em mấy bộ đồ để sẵn. Gọi điện thoại đến Neo Xấp Lai, Ọt Đơ cho em các mặt hàng như lần trước. Em. Tracy”. Xong cô con dâu cầm tờ giấy cài ở cửa tủ lạnh.
Mưa đã nhẹ hạt. Cô con dâu ra hiệu cho bà theo cô. Hai người leo lên xe. Mở máy. Xe ra khỏi ga ra chạy qua nhiều con đường nhỏ rồi lên phi goay. Nó quay sang hỏi bà: “má đã thuộc hết những câu trả lời chưa?”. Bà vội vã nói: “thuộc như cháo rồi, nhưng nếu họ nói nhanh nghe không kịp…” “Thì cứ xin lỗi và đề nghị họ nói chậm lại… con đã nói với má rồi mà…”. Con dâu ngắt lời bà. Bà im lặng.
Xe chạy chậm vì đường trơn ướt nhưng bà muốn nó chạy nhanh hơn, nhanh như những lần nó chở bà đi với nó trước đây. Bà nhìn đồng hồ trên xe. Chín giờ đúng. Bà thắc mắc… “không biết còn bao xa nữa mới đến nơi…”. Bà cố nén sự bất mãn bực bội bởi thái độ mà bà cho là mất dạy của con dâu. Trong đầu bà luôn có ý nghĩ… “nếu bà thi đậu quốc tịch, lãnh được tiền già rồi bà sẽ không đưa cho mày một cắc…”. Bà sẽ kêu con gái của bà bên Cali qua đón bà sang ở với vợ chồng nó… “bà sẽ…bà sẽ…”. Trong đầu bà hiện ra những viễn ảnh tươi đẹp sau khi có quốc tịch…về Việt Nam thăm con cháu, thăm bạn bè, nhất là bà sẽ kể cho mấy bà bạn của bà trong xóm về đời sống ở Mỹ ra sao…Bà sẽ hãnh diện khi đem khoe cái bằng quốc tịch và bà cũng không quên nói là bà trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh như gió…ôi…bao nhiêu là niềm vui đang chờ đón bà phía trước… “thôi ráng nhịn cái con dâu mất dạy này một bữa nữa…”. Bà cứ nghĩ miên man đủ điều cho đến khi xe đậu trước sân sở di trú.
***
Trong phòng chờ sở di trú có ba hàng ghế. Khi bà Hải bước vào chỉ còn vài chỗ trống, bà đưa mắt nhìn một lượt và thấy có hai người đàn ông mà bà đoán là người Việt Nam ngồi cạnh nhau ở góc bên trong. Hàng ghế giữa có một người phụ nữ, bà cũng đoán là người Việt Nam. Khoảng chục người da đen và da trắng, số còn lại toàn là người Mễ. Một nhân viên người Mễ đang nói gì đó bằng tiếng Mễ với họ mà bà chẳng biết ông ta nói gì, chắc là ông ta dặn dò gì đó. - Bà Hải
Nghe gọi tên mình từ phía sau lưng, bà quay lại và thấy một người đàn bà Việt Nam, thì ra là bà Hai Lắm, bà Hải vội hỏi:
- Ủa! Bà cũng đi thi hôm nay hả?
- Lần này là lần thứ hai rồi bà ơi!
- Bộ họ hỏi khó lắm hả?
- Khó sao không khó bà! Họ nói lẹ mình nghe chẳng kịp, còn bắt mình phải viết một câu tiếng Mỹ nữa!
Bà Hải hơi lo lo khi nghe bà Hai Lắm nói như vậy. Nhiều người trong phòng đợi quay nhìn hai người đàn bà nói chuyện. Bà Hai Lắm lại hỏi:
- Bà thuộc hết trăm câu chưa?
Bà Hải tự tin:
- Kể từ ngày nộp đơn, con trai tôi bắt tôi mỗi ngày phải học thuộc năm câu và phải trả lời ro ro bằng tiếng Mỹ, tôi thuộc như cháo, còn thêm bao nhiêu câu ngoài đề nữa, trước khi đến đây tôi phải thi với con dâu, nó nói tôi đậu là cái chắc.
Bà bạn già chép miệng:
- Phải rồi bà ơi! Ở nhà ai cũng nói ro ro hết, vậy mà vô trỏng miệng cứ ầm ầm ừ ừ không ra tiếng gì cả, dễ rớt lắm chớ không dễ đâu nghen...
Bà Hải và bà Hai Lắm vào trong mấy chỗ ghế trống ngồi đợi và nói chuyện thì thầm. Đứa con dâu của bà đứng ở một góc phía sau. Hơn nửa giờ sau một nữ nhân viên từ phòng trong bước ra gọi tên bà. Bà đưa tay lên, đứng dậy bước theo người nhân viên vào phòng. Vào đến phòng trong bà được người nhân viên mời ngồi đối diện với một phụ nữ Mỹ da đen nhỏ nhắn ngồi phía sau chiếc bàn để đầy giấy tờ. Thấy bà Mỹ đen cười lịch sự, bà Hải thấy có cảm tình, không giống đám đàn bà Mỹ đen mà bà thường thấy ở ngoài đường ngoài chợ. Bà tự trấn tỉnh trong tư thế sẵn sàng của một người học trò vào thi vấn đáp. Bà nhìn thấy hồ sơ của bà trên bàn, trước mặt bà Mỹ. Tấm hình màu chụp hơi nghiêng nghiêng và xấp đơn có dấu lăn tay của bà. Bà Mỹ lật qua lật lại mớ giấy tờ trước mặt. Bà Hải hồi hộp chờ đợi, cố nhủ lòng phải bình tĩnh, không có gì phải sợ. Bà nhớ những lời dặn của con dâu.
Bà Mỹ nhìn bà Hải với vẻ mặt đầy thiện cảm và bắt đầu hỏi mấy câu về lý lịch của bà như tên họ, ngày tháng năm sanh, địa chỉ... Bà trả lời không vấp váp.
- Bà là một thường trú nhân tốt?
Bà Hải hơi ngớ vì câu đó không thấy có trong bài học nhưng bà cũng hiểu và trả lời trôi chảy, bà chỉ trả lời yes. Bà Mỹ gật đầu hài lòng.
- Hoa Kỳ có bao nhiêu tiểu bang?
- Năm mươi
- Ai là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ?
- George Washington
- Thủ đô của Mỹ là gì?
- Washington DC
May quá! Bà nhớ hai chữ DC mà con bà nhiều lần dặn bà phải nhớ để khỏi lộn với tiểu bang Washington. Hú hồn, xém quên, phải có chữ DC mới được.
Bà Mỹ đen thấy bà Hải trả lời trôi chảy nên gật gật cái đầu. Điều này khiến cho bà Hải càng vững tin hơn. Lấy được cái quốc tịch là cái chắc. Bà Hải mừng thầm trong bụng. Bà Mỹ hỏi thêm mấy câu nữa, bà Hải đều trả lời trôi chảy. Bà thấy dễ quá mà sao con mẹ Hai Lắm hù bà dữ vậy... Không bỏ công cả năm dồi mài kinh sử dưới sự chỉ dẫn của con trai và nhất là của con dâu của bà, nhiều lúc nó gắt gỏng nhưng phải cám ơn nó. Nó muốn bà phải đậu quốc tịch để lãnh tiền già đưa cho vợ chồng nó. Không sao! Bà đã có cách. Đang lan man nghĩ bà Hải chợt nghe:
- Tại sao bà muốn trở thành công dân Hoa Kỳ ?
Bà Hải không ngờ lại được hỏi câu này. Câu trả lời bà đã có trong đầu từ lâu. Câu trả lời này bà không bao giờ hé cho con trai và con dâu bà biết. Chúng nó cứ dặn là bà phải trả lời để đi bỏ phiếu nhưng bà sẽ trả lời đúng tâm nguyện của bà. Câu này không có ghi trong bài học. Chẳng những bà phải đậu và được khen nữa là khác. Mặt bà tươi rói và dõng dạc trả lời:
- Về Việt Nam
Bà vô cùng thoả mãn và lộ vẻ vui sướng ra mặt. Bà Mỹ đen nhìn bà cười thông cảm.
***
Khi bà Hải bước ra khỏi phòng thì thấy đứa con dâu đứng đón nơi cửa. Cô ta hỏi ngay:
- Thế nào má?
- Trả lời không trật câu nào
- Thế họ có đưa giấy tờ gì để má ký vào không ?
- Má trả lời thông suốt hết câu này tới câu khác. Xong họ cám ơn má và mời ra chứ có ký giấy tờ gì đâu.
- Vậy là rớt rồi bà ơi...
Bà Hải lớn giọng:
- Mày nói cái gì?
- Không ký giấy tờ là hỏng bét rồi! Bộ bà không trả lời được câu nào hả? Uổng công! Uổng công!
Bà Hải không tin lời con dâu. Bà Hai Lắm vẫn còn ngồi đợi, hướng mắt về bà Hải như muốn hỏi điều gì trong khi cô con dâu quay gót bước ra khỏi phòng đợi dưới cơn mưa. Bà Hải không biết con dâu đi đâu…
Tại một cây xăng, cô con dâu gọi điện thoại nhắn cho chồng: Xe em bị hư, anh đến sở di trú đón má về.
Phong Châu