BA LỜI HỨA HƯỚNG ĐẠO CỦA THẦY GIÁO NĂM XƯA
Nghe Sáo lý luận gọi thầy giáo Lâm Xuân Dương là “anh Dương” bạn đồng niên của anh nhìn Sáo bằng đôi mắt bàng hoàng (?!…) ngơ ngác:
- Mấy chú đừng “ganh tỵ” với anh Dương nha, nhờ anh Dương đi Hướng Đạo nên anh cứ vậy “trẻ” hoài…
Các trưởng lão cười xòa “À, ra vậy…” riết thành quen, đã thôi ngạc nhiên với Thầy Tư Dương “được” trẻ miệt mài dù đã cao niên lắm tuổi. Không những vậy các chú bác còn thoải mái bổ sung tình tiết liên quan đến những cựu hđs. là thầy giáo, từng dạy học cùng thời với anh Dương.
@ Người “gác đền” Tiên Sư tỉnh Biên Hòa xưa…
Tốt nghiệp Trường Sư phạm quốc gia Sài Gòn cuối năm 1956, cũng trong năm này thầy giáo trẻ Lâm Xuân Dương đã đặt tay lên Đoàn kỳ tuyên thệ trở thành một hướng đạo sinh. Kể từ đó 3 lời hứa hướng đạo đã đi cùng thầy giáo - tráng sinh Lâm Xuân Dương đến hết cuộc đời…
Trường tiểu học Nguyễn Du (xã Bình Trước, tỉnh Biên Hòa) là bục giảng đầu tiên khi anh Lâm Xuân Dương dấn thân vào nghề nhà giáo. Luôn từ tốn và điềm đạm nhưng rất tận tâm, anh lúc nào cũng cư xử với mọi người bằng phong cách chuẩn mực của một nhà giáo thời xưa.
Theo mách nước của anh Đoàn Văn Trọng - chs.NQBH K1 cũng là một giáo viên tiểu học trước năm 1975 - trong lúc Sáo gần như thúc thủ, khi cần tìm gặp một cô giáo trường tiểu học Nguyễn Du xưa:
- Em đến hỏi thầy Lâm Xuân Dương đi, ổng chính là cái “kho tư liệu” của ngành giáo dục Biên Hòa hồi đó…
Vậy là Sáo đến gặp anh Dương, với niềm hy vọng mỏng manh tựa sợi tơ mành. Nhẹ nhàng anh mang ra từng xấp tư liệu cũ mèm, nhưng được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp. Anh cẩn trọng dò tìm từng dòng tư liệu, để cuối cùng anh cung cấp chính xác những thông tin mà Sáo đang cần. Anh chính là một trong những người Biên Hòa hiếm hoi còn lưu giữ nhiều tư liệu quý hơn vàng ròng, đúng y như lời nhận xét của anh Đoàn Văn Trọng.
Thân thiết với anh Dương, Sáo được anh kể nhiều câu chuyện “xưa nay hiếm” của xứ Bưởi Biên Hòa, mà thế hệ sinh sau như Sáo không dễ gì biết được. Một trong những nét đẹp nhân văn vô cùng cao quý - đã diễn ra từ lâu trên mảnh đất đầy tình người của tỉnh Biên Hòa xưa - cho đến giờ Sáo mới may mắn trực tiếp cảm nhận, nhờ vào lời mời dự lễ Giỗ Tiên Sư Biên Hòa của người “gác đền” tận tụy Lâm Xuân Dương.
https://sites.google.com/site/diephoangmaibh/dhen-tho-tien-su-bh
ĐỀN THỜ TIÊN SƯ BIÊN HÒA XƯA VÀ NAY
Đến tuổi nghỉ hưu, thầy giáo Lâm Xuân Dương đã có thâm niên 33 năm trong ngành giáo dục. Để rồi xuyên suốt 35 năm kế tiếp của cuộc đời, anh tự nguyện “vác tù và hàng tổng” sẵn sàng phục vụ cộng đồng, giúp ích tha nhân. Chậm rãi mà bền bĩ kiên trì, anh luôn cập nhật danh sách thầy cô giáo quá vãng cho ngày Lễ Giỗ Tiên Sư, được tổ chức hằng năm tại Trường tiểu học Nguyễn Du - thành phố Biên Hòa.
@ Mai ơi, anh nhớ cafe Hướng Đạo quá!…
Cafe Hướng Đạo là những buổi họp mặt nho nhỏ của cựu hđs.BH, bên những ly cafe sữa đá ngọt ngào hay ấm trà thơm nóng ấm. Và chỉ thế thôi, anh chị em nhà Sáo tha hồ đàm đạo chuyện mới cũ xưa nay. Những buổi cafe như thế thường rất vui bởi tất cả dù đã… già đều, nhưng anh chị em nhà Sáo vẫn hồn nhiên trao nhau những chuổi cười dòn tan theo phong cách rất… Hướng Đạo. Vì vậy anh Dương nhớ cafe Hướng Đạo là chuyện bình thường, chứ anh bảo không nhớ mới thiệt là kỳ “lục cục” lắm luôn.
Sáo “quen biết” anh Dương từ một lời “trách cứ” rất dễ thương:
- Cái cô Hoàng Mai đó “quên” ghi tên tui vô danh sách cựu hướng đạo sinh Biên Hòa rồi…
Cho đến lúc tìm gặp được anh, Sáo mới hay anh Dương tham gia Hướng Đạo từ lúc Sáo chưa được nằm trong bụng má của Sáo. Anh cười hiền lành khi Sáo phân trần mình bị trách oan. Theo phong tục của người miền Nam, lẽ ra Sáo phải gọi anh là chú (hoặc bác) Tư Dương là tên thường gọi theo thứ bậc trong gia đình của anh. Nhưng cùng là dân siết tay trái, nên Sáo gọi thầy giáo Tư Dương là “anh” theo thứ bậc trong gia đình Hướng Đạo hết sức tự nhiên.
Những lần gia đình cựu hđs.BH họp mặt, Sáo luôn mặc định Bạch Đằng Giang là bài ca “kinh điển” của anh Dương (?!…) bởi lần nao cũng như lần nào, anh sẽ dùng bài hát này làm “mồi” bắt nhịp để anh chị em cùng hát. Giọng nói của anh Dương nhỏ nhẹ, hiền hòa nên anh bắt bài hay bị bể (?!…) nhịp. Thế nhưng anh chị em Hướng Đạo nhà mình nhanh nhẹn lắm, ngay tức thì cất cao tiếng hát hào hùng hòa giọng theo anh:
- Đây Bạch Đằng Giang, sông hùng dũng, của nòi giống Tiên Rồng.
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung…
Thời gian Biên Hòa phong tỏa bởi Cô-Vi (Covid-19) hành không đi lại được, anh Dương vẫn thường gọi điện cho Sáo:
- Mai ơi, anh nhớ cafe Hướng Đạo quá! Anh đang mong anh em mình sớm gặp lại nhau…
- Mai ơi, em của Sương Trầm bên Mỹ mới gửi tặng anh 500 ngàn đồng, anh gọi điện khoe với em nè. Hôm nào ghé nhà anh mời em cafe, em nhớ để anh trả tiền nha…
Nhỏ bạn thân biết chuyện, đã căn dặn Sáo:
- Mầy bớt nhanh dùm tao chút xíu, cứ để ông già trả tiền cafe vì ổng thích vậy mà. Mầy giành trả hoài làm kỷ năng xài tiền của ổng bị triệt tiêu sớm (?!…) vậy là mầy mang tội lớn với ổng đó nha…
Hai đứa cười dòn, bởi ly cafe có nhiều nhặn chi đâu? Niềm vui tuổi già của anh chị em nhà Sáo, mới thật đáng “đồng tiền bát gạo” chứ!… Sau mùa đại dịch căng thẳng, anh Lâm Xuân Dương lẫn lộn rất nhiều nên anh không sử dụng điện thoại được nữa. Phần Sáo cũng trôi về phố núi, vì vậy hai anh em gần như không còn dịp gặp nhau để cùng nhâm nhi ly cafe đời Hướng Đạo nữa.
Cho đến trung tuần tháng tư năm hai không hai bốn, Sáo đại diện gia đình cựu hđs.BH lần cuối “siết bàn tay trái” cựu hđs.BH thầy giáo Lâm Xuân Dương, rồi sau đó Sáo thắp nén nhang thơm tiễn biệt anh trở về nhà…
Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai
Tháng 4/2024
(*) Phụ đính:
Lễ Giỗ Tiên Sư năm 2009 tại trường tiểu học Nguyễn Du (Biên Hòa)
https://www.youtube.com/watch?v=71CXVcmoL7o
Trường tiểu học Nguyễn Du (Biên Hòa)_Lễ Giỗ Tiên Sư_P1
https://www.youtube.com/watch?v=n-1_9aqpggw&t=169s
Trường tiểu học Nguyễn Du (Biên Hòa)_Lễ Giỗ Tiên Sư_P2
https://www.youtube.com/watch?v=wxAuHgthOw0
Trường tiểu học Nguyễn Du (Biên Hòa)_Lễ Giỗ Tiên Sư_P3