Anh chị tôi vốn là cựu giáo sư, đã từng dạy học tại trường Trung Học Công Thanh (THCT) thuộc quận Công Thanh (CT) -Tỉnh Biên Hoà (BH) trước 1975.
Đầu tháng 3 /2024, anh chị tôi có một chuyến từ Mỹ về thăm quê hương.
Như những đợt về trước đây, anh chị cũng có dịp hội ngộ với các cựu học sinh trường THCT, với tình cảm Thầy Trò nồng thắm và cảm động. Anh tôi cho biết trường THCT đã để lại cho anh nhiều kỷ niệm đẹp trong những ngày đầu tiên anh đi dạy học, và anh cũng có tình cảm thân thương đặc biệt với các cựu học sinh của trường, vốn có truyền thống hiếu học và tôn sự trọng đạo.
Trong thời gian anh dạy học tại THCT (1970-4/1975), thỉnh thoảng tôi được anh tôi cho tháp tùng đến thăm trường cho biết. Qua vài lần đi theo anh như vậy, tôi mới biết đến trường THCT, với cảnh thôn quê yên bình của con đường đến trường, cùng những người dân hiền lành chất phác tại đây.
Có thể nói trong ký ức của tôi, con đường từ trong Biên Hòa ra vùng ngoại ô, mà tôi cho là đẹp nhất thời ấy là đoạn đường khoảng 12-13 km từ BH đến trường THCT, bởi con đường ấy êm ả, thanh bình với cảnh trí bên đường đẹp như một bức tranh đồng quê tuyệt sắc .
Từ Cây Chàm của nội ô BH đi ngang phía trái là sở cải của người Tiều với những giồng cải thẳng tắp xanh mướt đẹp mắt, rồi qua ngã tư Cầu Mới đi thẳng đến địa phận xã Tân Lại, phía bên phải có con đường đất dẫn vào Đình Tân Lại cổ kính, bình yên, bao quanh bởi cánh đồng lúa rất đẹp.
Qua Tân Lại đến xã Tân Thành, nơi có làng điêu khắc đá với các sản phẩm đá mỹ nghệ nổi tiếng. Qua Tân Thành đến địa phận xã Bửu Long, phía bên phải là các hầm đá lởm chởm sâu hun hút. Thời ấy các hầm đá chưa tích tụ nhiều nước để thành hồ, nên chưa có thắng cảnh hồ Long Ẩn như hiện nay. Rồi đến Chùa núi Bửu Phong, một danh thắng của BH.
Qua xã Bửu Long là đến địa phận xã Bình Hòa, rồi đến cù lao Tân Triều, là một cù lao nhỏ bao bọc bởi sông Đồng Nai, quanh năm được phù sa bồi đắp, nên cây trái ở đây, đặc biệt là cây bưởi luôn xanh tốt, là sản vật quý của vùng đất này.
Ngang qua cù lao Tân Triều là đến ngã ba Bến Cá .Tiếp tục đi tới là xã Bình Ý, hai bên đường là rẫy trồng đậu phọng và mía lau, bao la ngút ngàn.Thỉnh thoảng trên đường đi , tôi gặp những chiếc xe máy cày chất đầy mía lau chở về các lò đường.
Các anh tài xế đôi lúc cũng hào phóng, rút ra một ít cây mía ném xuống cho đám trẻ em đang háo hức đứng chờ ven đường.
Rồi đến địa phận xã Bình Thạnh, xã Tân Phú trung tâm của quân Công Thanh (CT).Hai bên đường là nhà dân với vườn cây trái xum xuê. Ngày ấy chưa có phong trào mở mặt tiền để kinh doanh như hiện nay, nên quang cảnh đồng quê rất yên bình, mang đậm chất nông thôn điển hình của miền nam xưa. Xã Tân Phú có ngôi chợ Quận CT, bên hông chợ có bến xe đò Renault và xe lam, chở khách đi tuyến đường Biên Hòa Tân Phú. Đi dọc theo con đường đất bên hông chợ là đến trường trung học bán công Trần Quốc Tuấn.
Từ chợ Quận đi tới độ 300 m theo đường cái bên trái là ngã ba đi vào xã Bình Long, đó là con đường đất rộng, đi về bên phải độ 100 m là trường THCT. Trường có ba dãy phòng học tầng trệt, bao quanh cột cờ. Dãy giữa là phòng hiệu trưởng, phòng giáo sư và một vài lớp học. Lúc ấy, tôi có ấn tượng nhiều nhất là mặt sau của bảng tên trường có kẻ 4 chữ lớn “Lương Sư Hưng Quốc”, nhấn mạnh tài năng trí tuệ, lương tâm chức nghiệp, và đạo đức mô phạm của Thầy Cô trong thiên chức giáo dục, là yếu tố quyết định sự hưng thịnh của quốc gia. Trên mặt trong của tường rào phía trước có ghi dòng chữ lớn “Cơm Cha- Áo Mẹ- Công Thầy”, nhắc nhở học sinh ghi nhớ công ơn dạy dỗ của Thầy Cô. Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
Phía mặt sau của trường là một cánh đồng lúa xanh mướt trải dài đến chân trời. Phía đối diện trường là chi khu Quận, nơi làm việc của Quận trưởng và có hẳn một bãi đáp trực thăng.
Trường THCT là một ngôi trường nhỏ của một quận nông thôn, nhưng học sinh tại đây có truyền thống hiếu học và học giỏi. Đa phần các Thầy Cô dạy học tại đây là những vị giáo sư giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết đến từ BH, Sài Gòn, đã tận tâm giảng dạy,truyền đạt kiến thức cho học sinh, nên dù là một trường Quận nhưng học sinh THCT siêng năng,học giỏi và đỗ đạt với tỷ lệ cao không kém gì trường Tỉnh. Nhiều cựu học sinh THCT thành đạt và có nhiều cống hiến giá trị cho xã hội.
Anh tôi kể vào năm 1972, trong lúc anh đang dạy tại trường Trung học Ngô Quyền (Lớp đêm) thì ngoài cửa lớp có một tốp 5-6 học sinh náo nức muốn gặp Thầy. Anh tôi đi ra hỏi, thì ra là các anh chị học sinh THCT đến báo tin vui cho anh tôi biết, là họ đã thi đậu kỳ thi tú tài 2, và tỏ lời tri ân Thầy. Niềm vui mừng hớn hở của các anh chị THCT ngoài cửa lớp đã đem đến không khí hứng khởi ham học cho các học sinh đang ngồi trong lớp. Đây là niềm hạnh phúc to lớn mà anh tôi nhớ mãi trong suốt quãng đời đi dạy của anh.
Thời cuộc biến đổi, sau hơn nửa thế kỷ, quận lỵ và trường xưa nay đã đổi tên, nhưng tinh thần “Lương Sư Hưng Quốc” và truyền thống “Tôn Sự Trọng Đạo” của trường THCT ngày xưa, mãi mãi sẽ không thay đổi, và luôn là một nét đẹp văn hoá của Thầy Trò trường THCT nói riêng và người dân CT hiền hòa nói chung.
Trong tương lai, khi có dịp trở lại quê nhà, nhất định tôi sẽ đi lại trên con đường ngoại ô từ BH đến trường THCT - nơi anh chị tôi đã từng dạy học - để được sống lại những giây phút êm đềm đầy ắp kỷ niệm của ngày xa xưa.
(Ảnh từ Kỷ yếu Trung Học Công Thanh)
Hiep Phan—SJ 3/2024