Lúc còn nhỏ, tôi rất thích nghe cố ca sĩ Duy Khánh hát bài “Ngày xưa lên năm lên ba” rất dễ thương, trong đó có đoạn:
“Ngày xưa lên năm lên ba. Tuổi thơ như bông như hoa. Đã ghi bao nhiêu kỷ niệm ngọc ngà.
Đời vui như chim sơn ca. Líu lo giữa trời đầy hoa. Hát vang giữa đời đầy hoa…” ♪ ♪
Thời ấu thơ của thế hệ chúng tôi ngày xưa là như vậy đó: vô cùng trong trẻo và hồn nhiên.
Một điều tuyệt vời nhất trong thời hoa mộng ấy là tuổi thơ của chúng tôi chưa có sự hiện diện của Internet .Chúng tôi đã không bị trói buộc suốt ngày ngồi im một chỗ, dán mắt vào màn hình của chiếc Smart phone hoặc Ipad để thả hồn phiêu diêu vào các games online hoặc tán gẫu với bạn bè trên mạng xã hội, đâm ra sinh nghiện để rồi đắm mình trong thế giới ảo mà không thoát ra được, như phần đông thanh thiếu niên ngày nay...
Thay vào đó, chúng tôi thích vận động, chạy nhảy nô đùa bên ngoài, tự tìm tòi ra các trò chơi để các anh chị em trong nhà cùng vui chơi với nhau, tạo ra sự gắn kết các thành viên trong gia đình.
Thời gian ấy ngoài giờ học ra, anh em chúng tôi bày ra đủ loại trò chơi vận động trong không gian bao la ngoài trời như: Cá sấu lên bờ, tạt lon, trò chơi 5-10 (trốn tìm), đánh vũ cầu, nhảy dây, bắn bi hoặc chơi bắn bì giấy (Bì được làm bằng giấy, xếp cuốn lại thành hình chữ V, được bắn ra bằng thun). Chúng tôi chia ra làm 2 phe để lâm trận bắn nhau chan chát. Sau này Ba Mẹ tôi cấm không cho chơi vì nguy hiểm khi đạn giấy bay trúng vào mắt.
Tai các cột đèn trên đường Trịnh Hoài Đức đối diện nhà tôi thời ấy, vào khoảng chiều tối khi một con mưa mùa hè vừa dứt hẳn, không hiểu từ đâu kéo đến một bầy dế cơm, con nào con nấy lớn bằng ba lóng tay, nhiều vô kể. Tôi đi theo người anh lớn mang theo thùng không, gom những chú dế cơm thiếu may mắn bỏ vào. Nhưng bắt được mấy chú dế này không phải dễ, vì chúng có đôi chân sau khoẻ và búng rất mạnh làm đau rát tay. Đi rảo quanh chừng 3-4 cột đèn, chúng tôi đã có được gần 50 chú dế. Vì chỉ để bắt chơi, sau đó không biết để làm gì, nên chúng tôi biếu tặng hết cho bác gái phụ việc trong nhà.
Ngày hôm sau, bác đem lại vài con dế cơm chiên giòn, bên trong bụng có nhét 1 hạt đậu phọng, cho chúng tôi ăn thử. Thoạt đầu cảm thấy hơi sờ sợ ,làm liều nhắm mắt ăn thử thì thấy thân dế thơm giòn kèm theo vị ngọt bùi của đậu phọng. Lúc ấy chúng tôi cho đó chỉ là món ăn lạ miệng chứ không có ấn tượng gì nhiều. Không ngờ sau này, món dế cơm chiên giòn này nghiễm nhiên trở thành món đặc sản tại các nhà hàng sang trọng.
Nhà Nội tôi ở ấp Tân Bản Chợ Đồn. Khu vườn quanh nhà ông được phân ra từng khoảnh ngăn nắp và trồng nhiều loại hoa rất đẹp. Bên ngoài hàng rào phía sau là một ao nước lớn của một lò gạch. Trong những lúc cùng gia đình thăm viếng Nội, trong khi các người lớn vui vẻ hàn huyên tâm sự bên trong nhà ăn, mấy đứa con nít chúng tôi rủ nhau ra bờ ao, tìm một mớ đất sét để nặn hình thành các món đồ chơi nhỏ xinh hoặc vo tròn thành những viên bi nhỏ, để vào trong ống nhựa luồn dây điện, làm ống thụt để thổi bắn vào các mục tiêu định sẵn. Sau đó ra vườn leo hái trái trứng cá, trái mận hoặc tìm hái đám rau càng cua tươi xanh mơn mởn mọc đầy men theo bờ ao và quanh các gốc cây lớn, để về làm món salad càng cua trộn dầu giấm rất hấp dẫn.
Vào tháng cận tết, khí trời mát mẻ, vào buổi chiều thấp thoáng trên bầu trời Biên Hòa (BH) xuất hiện những cánh diều giấy bay lượn trong gió. Tôi cũng mày mò uốn tre, cắt giấy để làm diều. Làm xong diều đem lên gác lửng trong nhà để thả, nhưng có điều phiền toái là thả diều trong thành phố thường hay bị vướng trên dây điện hay là bị nạn câu diều (bị đối phương dùng một hòn đá nhỏ có cột dây ném qua dây diều của tôi rồi kéo mạnh xuống, thế là mất diều). Nên một lần ba tôi có công việc đến thăm ông chủ lò gạch ở xã Phước Tân Long Thành. Tôi xin đi cùng, mang theo con diều tự chế. Trong quang cảnh rộng rãi khoáng đạt nơi miền quê, có một chút nắng nhàn nhạt và gió hiu hiu mát rượi của buổi chiều cận Tết, cánh diều tuổi thơ của tôi no gió vi vu bay cao vút trên bầu trời. Cái thú cầm một cuộn chỉ căng đong đưa theo gió để điều khiển con diều bay tít trên cao, giương mắt dõi theo cánh diều giấy bay lượn trên trời xanh là một thú tiêu khiển tao nhã khi được hòa mình với thiên nhiên. Cái cảm giác lâng lâng thú vị ấy khiến tôi không thể nào quên được.
Trong mùa Trung Thu, tôi cũng tập tành vuốt tre để làm thành một lồng đèn ngôi sao lớn. Vào đêm rằm tháng tám, thay vì đi rước đèn Trung Thu thông thường như các trẻ em khác, người anh lớn của tôi dồn hết mấy đứa em nhỏ lên xe ba gác chở hàng của gia đình, anh đạp xe chạy vòng quanh các đường phố chính của BH, mấy đứa nhỏ trên xe, tay vừa cầm lồng đèn giơ cao, vừa hát vang bài “Rước đèn tháng tám”, gây sự chú ý và thích thú của mọi người.
Vì nhà tôi có bán bia và nước ngọt, nên tôi có cơ hội thu thập rất nhiều nắp chai. Sau đó phân loại cho làm quân lính để dàn trận đánh nhau. Các nắp chai hiếm như nước ngọt Bireley’s hoặc nắp chai Fanta Moka được phong cho làm tướng, còn các nắp chai thông dụng khác như lade, 33 hoặc CocaCola cho làm quân lính, hai bên giáp trận xáp lá cà, bên nào không bị lật ngửa lên là bên đó thắng.
Ngoài các trò chơi vận động, tôi giành nhiều thời gian để đọc sách. Thích nhất là tuần báo Thiếu Nhi, Thằng Bờm, Tuổi hoa, Tuổi Ngọc, Truyện tranh của nhà xuất bản Sách Vàng, Bán nguyệt san Thời nay…, đọc chưa đủ, tôi còn đi thuê thêm truyện ở nhà sách Nam Tạo.
Vào mùa hè, Ba tôi thường đưa chúng tôi đi bơi tại Biên Hòa- Club (đối diện ngã ba Máy Cưa). Ba thường chọn chiều thứ sáu hàng tuần vì ít người, và nhất là nơi đây có thông lệ thay nước vào sáng thứ sáu, nên buổi chiều chúng tôi được bơi lội vẫy vùng thỏa thích trong hồ bơi với nước mới.
Mỗi tối cả nhà quây quần bên chiếc truyền hình xem kịch, cải lương … hoặc cùng thưởng thức một tape cassette hay. Đặc biệt tôi thích mở máy hát đĩa hiệu Pickup để lắng nghe âm thanh tuyệt vời của ban nhạc “The Shadows“ hòa tấu guitar bài Apache, Rider in the sky … huyền ảo hoặc nhạc cao bồi sôi động của miền viễn tây: The Good, The bad, the ugly; Once upon a time in the West…
Có lần đứa cháu trai trong gia đình hỏi tôi: ”Sao chú luôn nhớ và thích viết hoài niệm về những truyện ngày xưa? Tại sao tuy ở Mỹ lâu năm mà chú vẫn còn nhiều tình cảm lưu luyến với quê hương BH?”
Tôi trả lời: vì chú có một vùng trời bình yên của tuổi thơ rất đẹp trong mái ấm gia đình, được hòa mình với thiên nhiên qua các trò chơi dân dã để vui chơi và khám phá những điều kỳ diệu ở thế giới chung quanh mình, từ đó, có được những kỷ niệm đẹp, những ký ức không thể nào quên. Thời ấy chưa có Internet, nên chú được sống trong thế giới thực chứ không ảo. Cảm xúc chú có được là do kinh nghiệm trong thực tế đời thường, chứ không phải lướt qua kiếm tìm đâu đó trên mạng xã hội, trên Internet để rồi tự tưởng tượng ra, cho đó là cảm xúc của mình.
Có trãi nghiệm với thực tế cuộc sống chung quanh, chú mới cảm thấy yêu gia đình, yêu những kỷ niệm đẹp thời thơ bé, rồi yêu thương luôn cả vùng đất mà chú đã sống và gắn bó suốt quãng đời niên thiếu, để rồi khi rời xa quê hương, trong lòng cứ phải luôn quay quắt nhớ về.
Như một nhà thơ đã từng viết: “Khi ta ở, đất chỉ là nơi để ở, khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn”.
Không biết cháu nghĩ sao về lời thơ này, chứ đối với chú, quả thật, đúng là như vậy. Vùng đất BH hiền hòa và thân thương đã luôn ngự trị mãi trong tâm hồn của chú.
(Ảnh gia đình)
Hiep Phan—9/2022