CUỘC PHIÊU LƯU CỦA VOI VÀ SÁO…
BA: LAS VEGAS - ĐƯỜNG DÀI GÓP NHẶT CHUYỆN VUI
Tôi không hiểu lý do Sáo lý luận nằng nặc thoái thác tham dự tour Las Vegas, thế nhưng thời gian lưu trú của Sáo ở Mỹ không nhiều – mà tôi lại cần trao đổi với em một số công việc trước ngày nhập trại họp bạn Hướng Đạo – vì vậy tôi cố gắng thuyết phục Sáo:
- Cô cứ ngồi yên ở cuối xe: đói ăn, khát uống, vui thì chơi, buồn thì ngủ, có sao đâu?...
Có thể do dịch bệnh kéo dài khiến Sáo trở nên thụ động, tâm lý ngán ngại đám đông. Nhưng tôi tin, một hướng đạo sinh như Sáo lý luận sẽ mau chóng thích nghi. Đường xa chuyện phiếm cho vui, qua thời Covid tả tơi lắm rồi…
Đúng như dự đoán của tôi, câu chuyện “hấp hôn” của chị Chung đi kèm nhận xét của anh Tâm:
- May là bả ăn chay trường đó nghen, ăn chay thì hiền nhưng chuyện bả kể không hiền đâu (?!...)
Chuyện tiếu lâm không dứt trên đường, đã khơi trúng mạch hài của Sáo lý luận. Từ cuối xe, em bất chợt bò lên góp chuyện:
- Cuộc sống đôi khi không giống cuộc đời, mà cuộc đời không thể tách rời cuộc sống. Ông bà xưa đã bảo Thế gian không có đàn bà, thì cả thế giới chỉ là số không. Vì vậy mấy anh nhà mình hãy luôn nhớ Nhất vợ nhì trời, nghe lời vợ thì sống, chống lệnh vợ thì từ chết đến bị thương…
Gan lì như Voi trầm tĩnh, mới nghe sơ sơ đã thấy… hãi hùng. Không những vậy, Sáo còn buông lời ta thán:
Thương thay thân phận đàn ông, từ ngày cưới vợ người không ra người.
Ngày xưa như cá biển khơi, ngày nay như cá chỉ bơi trong lờ…
Sáo nhắc anh em mình, khi đã bước vào thời kỳ “Bạc tung tóe ở trên đầu, vàng mười nhét kỹ trong răng, đá quý kim cương đang dằn trong thận, còn bất động sản dấu hết trong… quần” thì các anh nên nhún nhường lắng nghe “Diệu Cơ” theo gương anh Kiệt, các anh sẽ đỡ lo lắng “cắn răng đứt lưỡi” như anh Xương... (?!...) Sáo lý luận “chế biến” câu chuyện người đẹp trên đường du xuân, bỗng dưng tức cảnh sinh tình chổng mông hạ thủy, xả nước cứu thân, gửi tình yêu vào đất bằng một hình ảnh đầy âm thanh, nhiều màu sắc…
Sè sè nắm đất bên đường,
“Dzầu dzầu” ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh…
Cái lối tả người tả cảnh của Sáo, đến cô giáo Đặng Thị Trí dạy Việt Văn của Sáo cũng lắc đầu. Nếu còn đi học, thế nào Sáo cũng lãnh ngay hai trứng ngỗng ghi vô sổ điểm…
Tôi không lạ khả năng nhập cuộc của Sáo, chỉ hơi bất ngờ với kho chuyện hài hước của cô nàng:
- Úi chà, toàn chuyện góp nhặt kiểu “đường trường xa, con chó nó tha con mèo…” không hà. Anh Voi biết không, hồi trẻ Sáo mang tiếng là đứa “nhiều chuyện” thuộc loại ve sầu, trên những cung đường xuôi Nam ngược Bắc cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Đến đỗi cô phụ trách Hội Hồng Thập Tự chịu hỏng nổi Sáo luôn “Xe có chật cỡ nào tao cũng bắt con Mai đem theo, tao bỏ nó vô bao treo trên nóc xe nghe nó gáy…” Bi giờ tại Sáo già rồi, trí nhớ lam nham như chó gặm nên Sáo quên nhiều lắm…
Bắt chước anh Tâm, tôi đế luôn:
- Ờ! Cũng may chó gặm bớt trí nhớ của cô, mà cô còn “lung tung chuyện” đến vậy… giống hệt chị Chung, ăn chay kể chuyện mặn lè…
Tập bài hát in sẵn anh Nguyễn Chánh Nghĩa mang theo phân phát cho mọi người, chính là chất liệu gắn kết các thành viên trên chuyến buýt. Bởi rằng thì là…
Đến đây hỏng hát thì hò,
Hỏng phải con cò mà ngóng cổ nghe…
… Huống chi học sinh Ngô Quyền dù không biết hát, nhưng dứt khoát ai cũng đọc được chữ. Con chữ trong tập bài hát của anh Nghĩa chạy đến đâu bà con chạy theo đến đó, thế là chuyến buýt đường dài có một ban hợp ca nhiều bè rộn rã reo vui. Mười hai bài hát quen thuộc đua nhau rượt đuổi, vậy mà Sáo lý luận vẫn chưa chịu:
- Anh Nghĩa phải bổ túc thêm bài Hè về của nhạc sĩ Hùng Lân nữa…
- Ờ, anh nhớ rồi. Bài hát “Trời hồng hồng, ích… cong cong” chớ gì?...
- Chính xác luôn, bài này thầy hay dạy lớp tụi em hát nè…
Người thầy mà Sáo nhắc đến là cựu GS. Nguyễn Văn Tỵ, thân phụ của anh Nguyễn Chánh Nghĩa. Ngày xưa thầy Tỵ dạy Nhạc cho học trò Ngô Quyền, ngày nay anh Nghĩa tiếp tục nâng niu tiếng hát học trò Ngô Quyền, bằng dàn nhạc đệm mini anh thường mang theo trong những lần họp mặt trường xưa.
Chuyến du ngoạn Las Vegas lần này cũng là dịp để các thi nhân trường Ngô Quyền thỏa chí đam mê, sáng tác tức thì những vần thơ chân tình và nhiều cảm xúc. Gien sáng tác thơ của các thi nhân học trò, ắt hẳn di truyền đến hàng con hàng cháu. Chẳng trách nàng dâu trong bữa ăn ra mắt nhà chồng, rất lễ phép làm thơ xin phép ra ngoài:
- Thưa ba thưa má thưa chồng, cho con lấy nước trong lòng con ra…
Đi xong, con dâu bước vào thưa tiếp:
- Thưa ba thưa má thưa chồng, con đi lấy nước đong tràn ba tô...
Chồng đang gặm cái đùi gà, tức mình quá đứng bật dậy:
- Thưa ba thưa má thưa mầy, mầy mà nói nữa là cây lên đầu…
Kết thúc chuyến phiêu lưu của Sáo và Voi, tôi xin ghi lại bài thơ Sáo lý luận đã góp nhặt và chia sẻ trên chuyến buýt đến Las Vegas ngày Jul 4, 2022, để anh chị em mình sau chuyến đi Las Vegas lần này bỗng dưng tự tin hơn, khi chung cảm nhận… sáu mươi chưa phải là già (?!...)
Sáu mươi chưa phải là già, sáu mươi là tuổi mới qua dậy thì.
Nhưng ông Diêm Vương này tâm lý lắm, bèn phán luôn:
Cứ ở trên ấy yêu thương thỏa lòng,
Chừng nào đạn hết lên nòng,
Từ từ nằm xuống mới xong cuộc đời…
Vậy mới hay, dân Ngô Quyền ta càng vui chơi thả ga càng bung càng tung cánh. Nhưng riêng trên chuyến buýt này, thế thời “âm thịnh, dương suy” khi người thắng giải thưởng trò chơi “bắt cọp, bóp cọp, đá… cọp” lại là một nữ nhi chi chí, thần sắc ngời ngời…
Tháng 8/2022
VOI TRẦM TĨNH – MAI QUAN VINH