CUỘC PHIÊU LƯU CỦA VOI VÀ SÁO…
HAI: SAN DIEGO - MIỀN TÂY NƯỚC MỸ
“Cô rất vui mừng gặp lại các em sau hơn 50 năm. Cuộc đời vô thường, giây phút hiện tại là quý giá nhất. Ngày mai em về, cô chúc em thượng lộ bình an, giữ gìn sức khỏe, trân quý từng giây phút còn lại… Cô cảm ơn Mai Quan Vinh đã đưa chúng ta đi hành hương, cô cảm em đã có nhã ý đến thăm cô…” Sáo lý luận chuyển dòng tin nhắn của cô Nguyễn Khoa Diệu Dung cho tôi, trước khi em đổi chiếc sim điện thoại, lên chuyến bay trở lại quê nhà…
@ Sáo muốn đến thăm cô giáo:
Bế mạc trại, tôi đưa Sáo lý luận đi thăm một số thắng cảnh quanh vùng. Nhưng dường như, Sáo không hào hứng lắm với cảnh quan Harbor tours đẹp tuyệt vời. Vài câu gặng hỏi, tôi hiểu ngay nỗi niềm của Sáo:
- Anh đưa Sáo đến thăm cô giáo Nguyễn Khoa Diệu Dung được không? Không có internet, Sáo không biết nơi cô ở xa hay gần…
Cầm địa chỉ và số phone cô giáo Diệu Dung, tôi gọi ngay cho cô:
- Cô ơi em là Vinh, lần trước em có chở cô đến Orange County họp mặt Ngô Quyền…
- Có gì không Vinh?
- Dạ có cô học trò Diệp Hoàng Mai muốn đến thăm cô, được không cô?
- Ah, cô học trò ở VN phải không? Được Vinh à, nhưng nhà của cô có người đang ốm. Vậy cô hẹn tiếp hai em ở quán ăn gần nhà của cô nhé! À, ngày nào hai em đến nhớ đón cô Nguyệt đi cùng…
@ Hội ngộ bất ngờ:
Đúng ngày giờ hẹn, cô Diệu Dung đứng đợi cô giáo Hoàng Minh Nguyệt và hai đứa học trò trước nhà. Cô chuẩn bị một làn gỏi cuốn nhân tôm thịt kèm món nước chấm đặc sắc do cô chế biến, một giỏ trái cây đầy ắp và nước uống cho cả bốn người. Đến một cái park thoáng mát trên lưng đồi, tôi lấy tấm bạt trên xe trãi ra bãi cỏ… Vậy là bốn cô trò có một buổi picnic thân thiết, nhẹ nhàng. Sáo hồi tưởng những ngày đội nắng, dầm mưa đi bộ qua lại nhà cô Diệu Dung trên đường đi học:
- Em vẫn nhớ căn nhà hai tầng kiểu Pháp của cô trong cư xá sĩ quan sân bay Biên Hòa, đối diện nơi làm việc của bs.Vương Tú Toàn, chồng cô Nhã Ý… Ngày nào đi học em cũng ngang qua nhà cô, nhưng em chỉ dám nhìn thôi chứ em đâu dám vô. Hồi đó vô lớp cô nghiêm nghị lắm…
Cô Dung cười xòa:
- Đúng rồi, hồi đi dạy học cô ít nói lắm. Nhưng mà, tính của cô không phải như vậy đâu nhé! Lúc đó mới ra trường, cô cứ nghĩ làm nghề dạy học phải như vậy mới đúng phong cách người thầy trên bục giảng. Đến lớp là cô chỉ giảng bài, hết giờ là cô rời lớp… vậy thôi. Nếu mấy em có buồn cô, cho cô xin lỗi nhé!..
Cô và trò cùng cười, kỷ niệm học trò từ hơn 50 năm trước rồi cô. Bây giờ thì cô và trò đều già, nhắc lại chỉ càng nhớ càng thương thêm cô ơi!.. Nhân dịp kể những câu chuyện liên quan đến sân bay Biên Hòa, cô Hoàng Minh Nguyệt cho mọi người biết ông xã của cô cũng là sĩ quan Không Quân, và cô cũng từng có thời gian cư trú ở sân bay SĐ3KQ Biên Hòa.
- Oh cô ơi! Em cũng là cư dân Không Quân sân bay Biên Hòa nè cô. Vậy là hôm nay cả “gia đình Không Quân” tình cờ hội ngộ. Hay quá cô ơi!...
Thông tin của Voi trầm tĩnh tuy cũ xì xì, nhưng lại mới toanh toanh với hai cô giáo và Sáo lý luận. Hạnh phúc vỡ òa, mấy cô trò lại có thêm nhiều câu “chuyện ngày xưa ấy bây giờ mới kể” nhau nghe…
@ Đến đi thong dong:
Theo hướng dẫn của cô Diệu Dung, “gia đình KQ” đến thăm Tu viện Lộc Uyển và Thiền viện Đại Đăng. Đây là là hai địa danh du lịch tâm linh nổi tiếng khắp thế giới. Ẩn khuất trong thung lũng rộng hơn 450 ha núi đồi hùng vĩ của thành phố Escondido, Tu viện Lộc Uyển được bao phủ bởi một rừng cây xanh bát ngát, tiếng chuông ngân vang vọng núi rừng, không gian khoáng đạt trong lành khiến tâm hồn người cảm thấy thảnh thơi an lạc …
Cô Diệu Dung hướng dẫn mọi người cài lên áo câu tâm niệm “đến đi thong dong” để dặn lòng thanh tịnh, buông bỏ ưu phiền… Thật may mắn cho chúng tôi, nếu cô Diệu Dung không có code mở cổng, thì chúng tôi đã không có chuyến viếng thăm không định trước thế này.
Rời Tu viện Lộc Uyển cô và trò hướng đến Thiền viện Đại Đăng, cách Tu viện Lộc Uyển chừng 20 phút chạy xe. Tọa lạc trên một sườn đồi yên tĩnh rộng 9 mẫu tây tại thành phố Bonsall – tuy không mênh mông hùng vĩ như Tu viện Ngọc Uyển – thế nhưng chung quanh Đại Đăng Thiền viện cũng được bao bọc bởi rừng cây xanh mát ngút ngàn, xa xa phía dưới chân đồi là hồ nước trong xanh, khí hậu ôn hòa… Trong khuôn viên thiền viện ngập đầy hoa kiểng và bonsai các loại được chăm sóc công phu, hình thành một không gian yên bình rất thích hợp cho các tăng đoàn tịnh tâm hành thiền tu tập…
@ Trại sinh một ngày:
Thời tiết năm nay khá thất thường, Sáo lý luận đổ bệnh sau ngày nhập trại. Địa điểm cắm trại không có sóng điện thoại, cũng không có wifi… Sáo bị tắt tiếng gần như không nói năng, hát hò gì được. Trong môi trường sinh hoạt sôi động của kỳ trại họp bạn Hướng Đạo, mà bị rơi vào tình huống dở khóc dở cười “không đui, không điếc” nhưng lại “bị câm, bị cùi” như thế thì Sáo làm sao chịu nổi (?!...) Ngay lập tức tôi đưa Sáo rời khỏi trại, tìm nơi có sóng điện thoại để liên lạc với Trần Thanh Châu:
- Diệp Hoàng Mai bị bệnh rồi, ông lên đón nó về liền đi. Tôi đang chở nó đi mua thuốc, nó bị tắt tiếng nín nói luôn rồi…
- Hoàng Mai bệnh hả? Ok, tôi lên đón Mai ngay bây giờ…
Thời gian Châu đến đón Sáo nhanh nhất cũng vài giờ đồng hồ, mà lúc đó tôi không thể phân thân vừa lo cho Sáo vừa lo cho sinh hoạt ở trại. Tính toán thật nhanh, tôi chạy đi lấy thuốc cho Sáo theo đơn bác sĩ. Mua thêm thức ăn nước uống, book phòng cho em nghỉ ngơi rồi text địa chỉ cho Châu đến đón. Sáo mệt mỏi lắm, nhưng em vẫn khoát tay ra dấu bảo tôi về trại tức thì. Cho đến lúc nhận dòng tin nhắn của Sáo “Đã về đến nhà của Thanh Châu…” tôi mới yên lòng, chắc chắn vợ chồng Thanh Châu sẽ chăm sóc Hoàng Mai chu đáo.
Lần này Sáo lý luận dự trại chớp nhoáng, dù chỉ là “trại sinh một ngày” nhưng Sáo bảo em chẳng buồn lâu. Bởi “không ai nhận được hoài, cũng không ai bị mất mãi” đâu, Sáo luôn tin như thế…
@ Lời tri ân...
Cô ơi, học trò nhỏ Diệp Hoàng Mai của cô đã bình an trở lại quê nhà, mang theo cả niềm hạnh phúc cô giáo trường Ngô Quyền năm xưa trao tặng. Cùng với Hoàng Mai, em kính lời tri ân đến cô Nguyễn Khoa Diệu Dung và cô Hoàng Minh Nguyệt. Hai cô đã cho học trò cũ kỹ hơn 50 năm trước của trường xưa một niềm vui quá đỗi lớn lao, một chuổi hạnh phúc ngọt ngào đẹp tựa giấc mơ…
Tháng 8/2022
VOI TRẦM TĨNH - MAI QUAN VINH