Tuổi đời càng tăng, chúng tôi càng nhận ra rằng mình đã học vô số bài học từ trường đời. Mỗi bài học cuộc đời dạy chúng tôi đều kèm theo cái giá phải trả, có lúc chỉ thoáng qua như cơn gió nhẹ không làm hao tổn cả tinh thần lẫn vật chất; có lúc làm tâm hồn tổn thương một thời gian dài.
Ví vậy, chúng tôi càng trân quý những bài học đã góp nhặt được từ trường học (những bài học không bao giờ phải trả giá). Thời Tiểu học thì còn nhỏ quá, ký ức không giữ được nhiều thứ. Công việc của quý Thầy Cô từ lớp một tới lớp năm như xới đất, chuẩn bị căn bản để học trò sẽ được gieo hạt giống tri thức từ các Thầy Cô thời Trung học.
Vào Trung học, lần lượt mỗi năm được tiếp thu thêm nhiều kiến thức từ các Thầy Cô nhiều môn học, được trang bị hành trang bước xuống cuộc đời.
Rời trường càng lâu, kiến thức càng mai một, nhưng nền tảng đạo đức, và suy nghĩ của học trò được đào tạo từ nền giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa thì còn đó, đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời.
Qua những sinh hoạt hàng năm của Hội cựu học sinh Ngô Quyền ở Mỹ, chúng tôi may mắn được giữ liên lạc với nhiều Thầy, Cô qua email hay qua điện thoại. Và vẫn rất mừng khi các Thầy Cô còn rất minh mẫn dù tuổi đời đã chồng chất. Và được học nhiều bài học từ trường đời qua các Thầy Cô.
Trường học đã dạy chúng tôi Quốc Văn, Toán, Lý hóa, Sinh ngữ, Triết, Công dân, Sử Địa, Vạn Vật, Hội họa, Nữ công, Nhạc. Lớn lên tưởng là sẽ chẳng bao giờ còn được trở về thời học trò của thời mới lớn. Nhưng thỉnh thoảng, vẫn được học lại những bài học của một thủa học trò.
Chẳng hạn lâu lâu gọi điện thoại thăm hỏi Thầy Nguyễn Văn Phố , bao giờ chúng tôi cũng được nghe câu nói quen thuộc của Thầy "Cảm ơn em" mà tưởng như mình đang trở về với giờ Công Dân năm lớp 9 được nghe Thầy giảng về "Bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền", Thầy luôn vẫy tay ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống với lời "cảm ơn các em" khi chúng tôi đứng dậy chào Thầy mỗi đầu giờ.
Tương tự khi gọi điện thoại hỏi thăm quý Thầy Cô khác , bao giờ chúng tôi cũng được nghe câu "cảm ơn DH" từ Thầy Trần Phiên, "cảm ơn nhỏ" từ Cô Trần Thị Minh Tâm", hay "cảm ơn em nhiều" từ Cô Hà Thị Nhung, Thầy Hoàng Phùng Võ, Thầy Nguyễn Phi Long, Thầy Đào Đức Thiện, Thầy Nguyễn Thất Hiệp...
Tụi em không làm được gì nhiều cho quý Thầy Cô mà thỉnh thoảng còn được nghe lời cảm ơn như thế thì hàng năm vào dịp lễ Tạ Ơn , xin kính gởi lời tri ân đến quý Thầy Cô đã vun bồi kiến thức, và cả đạo đức cho học trò ngày xưa. Mãi đến bây giờ vẫn nhắc nhở học trò già môn Công dân giáo dục, nhắc nhở học trò biết cảm ơn người khác.
Lời tạ ơn hàng năm đến từ tận lòng thành của học trò xin kính gởi đến những người đã từng đứng trên bục giảng của trường Trung học Ngô Quyền.
Dù ít, dù nhiều quý Thầy Cô đã góp phần tạo nên những người Việt Nam đàng hoàng, có tấm lòng, và đạo làm người.
Xin mượn ánh nến lung linh của lễ Thanksgiving ở Mỹ, xin mượn ánh lửa từ lò sưởi cuối Thu đầu Đông để soi sáng một thời học trò của tụi em có dịp được tiếp thu kiến thức trực tiếp từ quý Thầy Cô. Và cũng mong lời tạ ơn chân thành từ học trò già sẽ giúp Thầy Cô ấm hơn, và mang được về trong tâm tưởng một thời Ngô Quyền bình yên, hạnh phúc thủa nào.
Cũng xin kính gởi lời Tạ Ơn vào hư không đến các Thầy Cô đã khuất bóng. Ở đâu đó trên khắp thế giới vẫn có những lời cầu nguyện của học trò già cho sự thanh thoát của quý Thầy Cô ở thế giới bên kia.
Xin kính gởi lời Tạ Ơn đến các bậc sinh thành đã đưa chúng ta vào đời, đã nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta suốt hai mươi năm đầu đời.
Xin tạ ơn những hạnh ngộ của cuộc đời đã đưa nhiều thế hệ cựu học sinh Ngô Quyền đến bên nhau ở quê người để cùng giữ lửa Việt Nam soi sáng thời đi học ngày xưa.
Nguyễn Trần Diệu Hương
NQ K15