Mùa Halloween, Đọc Hải Phù của Hoàng Xuân Sơn.
Thi sĩ lấy cảm hứng từ tất cả những gì chung quanh họ, một đóa hoa, một giọt sương, trăng, sao, hay một tình yêu đẫm lệ, nhiều và nhiều thứ lắm, nhưng lấy cảm hứng từ ngày lễ Haloween như Hoàng Xuân Sơn (HXS) thì thật là hiếm. Và từ nguồn cảm hứng hiếm hoi ấy: Hoàng Xuân Sơn viết nên một bài thơ rất độc và lạ-- Bài Hải Phù. Ở đây (trong bài Hải Phù này) chúng ta may mắn có một cơ duyên tiền định: Ông Vua Thi Ca trên Núi (HXS) làm thơ về bà phù thủy của Biển- Hải Phù.
Hải Phù là một bài thơ rất lạ. Chi tiết, ngôn ngữ ma mị, nhưng di thẳng và tiềm thức người đọc nên để lại ấn tượng mạnh vì độc giả có thể cảm giác được qua cách phối ngôn điều ngữ của Thi Sĩ. Tiếng ru của nàng Hải Phù rất nhẹ nhàng mà ghê rợn, nó khiến cho chính tôi bị dựng tóc gáy khi đọc đến cuối bài thơ. Chúng ta thử đọc lại chậm rãi bài thơ lạ này:
Chiều nay rất mệt đầu sắp vỡ
những mảnh thủy tinh bay đầy trời
cọ cứa ngọn đồi không manh áo
nơi dung thân của một loài dơi
-Hải Phù, khổ 1-
Một buổi chiều ở chốn nhân gian rất mệt mõi, đầu ai đó như sắp vở tung, và đau buốt như hàng vạn mảnh thủy tinh bay đầy trời, chúng cứa vào từng tế bào neuron của não bộ, như những lá cọ cứa vào những "ngọn đồi" không manh áo. Cảm giác đau buốt đó phá tan một "chổ dung thân của một bầy dơi"??? Bầy dơi nào? Chốn dung thân của chúng ở đâu, có liên hệ gì tới cơn đau đầu như hàng vạn mãnh thủy tinh bay đầy trời? Hay là "Chốn dung thân của bầy dơi" đó chính là ngay trong đầu của ai đó? Tôi đoán bầy dơi có lẻ là một ần dụ, cho cái chết đang rình rập tất cả hữu thể trong cỏi nhân gian này
Chúng xếp hàng và đo diện tích
chiều dài của một bài phúng thi
thủy thể con ngươi dần nở lớn
nhìn khối óc câm đã nhiễm chì
-Hải Phù, khổ 2-
Bài phúng thi? Ai chết đó? vì sao bài phúng thi rất dài, hay là “chết” cũng là một biểu tượng? há chẳng phải ngay chính chúng ta cũng đã “chết” rất nhiều lần trong cùng một kiếp sống? Thủy thể con ngươi của con mắt dần mở lớn: một sự căng thẳng tột độ đang tăng dần với sự nở lớn của đồng tử. Nhưng mà: có thể nào con mắt luôn nhìn ra, hôm nay lại có thể nhìn trở vô để mà nhận ra: “khối óc câm đã nhiễm chì”. Một : khối óc câm đã nhiễm chì” thì sống cũng coi như đã chết! Ai đó đã chết thực rồi ư?
Cầm xâu trái tim như chìa khóa
nàng thong thả đi trên cát đen
đọc hết những cái tên thần chú
bọn nam nhân chết rực dưới đèn
/
Có một loài thiêu thân của sóng
va đầu vào mỏm đá tru di
đại lục chiều nay xanh mỏi mệt
lũ dơi hoang vẫn cứ rù rì
-Hải Phù, khổ 3 &4
Cả cuộc đời chúng ta đi lăn xả vào những thứ vô bổ, như một loài thiêu thân của sóng, đâm đầu vào mỏm đá tru di. Công danh, sự nghiệp, tiền tạc, tình yêu, tất cả điều vô nghĩa và cái chết biểu tượng bởi “lũ dơi hoang” vẫn cứ rù rì. Tham vọng che mờ nên loài thiêu thân của sóng không biết mỏi mệt trong khi “đại lục chiều nay xanh mỏi mệt”: trái đất xanh mỏi mệt quay 356 ngày, trong khi loài loài thiêu thân của sóng vẩn không mỏi mệt va đầu vào mỏm đá tru di. Giữa lúc đó cái chết vẫn cứ rủ rỉ rù rì!
Mùa thu mùa thu nơi đâu cánh
vá buồm nâu những mụn quy hồi
biển rao. và tiếng nàng phù thủy
vào đi vào đi ngoan. à ơi
-Hải Phù, khổ cuối
Con người bị ném vào chốn nhân gian như những cánh buồm bị ném vào lòng biển khơi, từng mùa thu, mùa thu qua di, tất cả những cánh buồm nâu rốt ráo đều phải qui hồi!
biển rao. và tiếng nàng phù thủy
vào đi vào đi ngoan. à ơi
Ôi! Tiếng ru của nàng Hải Phù, viết tới đây tôi bỗng rợn tóc gáy. Bài thơ Hải Phù của Thi Sĩ Hoàng Xuân Sơn thật là tuyệt vời. Nó chạm tới cái sâu thẳm nhất của sự thật hiển nhiên phơi bày trước mắt mà chúng ta không hay chưa nhìn thấu. Xin tri ân thi sĩ vế một bài thơ độc và lạ, ngôn ngữ ma mị và tác dụng thật thậm sâu.