ĐIẾU VĂN
Các con đọc trong lễ Tưởng Niệm Thầy Phan Thanh Hoài
Những ngày cuối của tháng 4 năm 1975, là 1 viên chức cao cấp trong 1 công ty Mỹ, Getz Bros & Co., Ba va gia đình được công ty cho di tản chung rời khỏi Saigon. Ba lúc đó nói với gia đình nán lại chờ làm xong lương nhân viên rồi sẽ đi. Quyết định đó đã khiến cho Ba và gia đình không thể rời VN, bị mất tất cả. Tuy cuộc sống bị đảo lộn với nhiều khó khăn, Ba chúng tôi chưa bao giờ hối tiếc hay nhắc lại việc này. Đối với ông, làm tròn trách nhiệm, giữ chữ tín chỉ đơn giản là việc cần làm.
Các con đọc trong lễ Tưởng Niệm Thầy Phan Thanh Hoài
Những ngày cuối của tháng 4 năm 1975, là 1 viên chức cao cấp trong 1 công ty Mỹ, Getz Bros & Co., Ba va gia đình được công ty cho di tản chung rời khỏi Saigon. Ba lúc đó nói với gia đình nán lại chờ làm xong lương nhân viên rồi sẽ đi. Quyết định đó đã khiến cho Ba và gia đình không thể rời VN, bị mất tất cả. Tuy cuộc sống bị đảo lộn với nhiều khó khăn, Ba chúng tôi chưa bao giờ hối tiếc hay nhắc lại việc này. Đối với ông, làm tròn trách nhiệm, giữ chữ tín chỉ đơn giản là việc cần làm.
Công ty Getz Bros, Co. vẫn giữ lời hứa với Ba tôi, đã tài trợ hết chi phí khi Ba và gia đình đến định cư ở Mỹ vào năm 1992.
Tôi được may mắn sống gần với Ba trong nhiều năm để chứng kiến được tài hoa và sự hiểu biết uyên bác của Ba. Nhưng với tính cách đơn giản và khiêm nhường, Ba đã không để bộc lộ ra ngoài. Ba là một trong số ít người được học bổng toàn phần đến Mỹ tu nghiệp trong những năm đầu thập niên 1960. Ông đã được trao bằng Master trong 2 lĩnh vực kế toán va giáo dục tại trường đại học Kent State ở tiểu bang Ohio. Ba đã từng được trao tặng huy chương bội tinh do những cống hiến trong ngành giáo dục.
Một trong những đức tính của Ba mà tôi luôn khâm phục đó là sự bao dung, rộng lượng. Trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn cách mấy, Ba tôi cũng vẫn thanh thản, không oán trách, giận hờn. Có câu nói “sướng khổ tại tâm mình”, Ba chọn để tâm của mình thanh thản, coi nhẹ những vật ngoại thân, xem những được mất là sự tạm thời, cho dù đó là tài sản, danh vọng bị tước đoạt, cho dù vất vã với những lần đi kinh tế mới, cho dù cực khổ trong nhà tù Côn Đảo sau những chuyến vượt biển thất bại, Ba cũng đã không để ảnh hưởng tơí sự thanh thản trong lòng. Ngay cả khi trí nhớ bị mất dần do Alzheimer, Ba cũng đón nhận bằng nụ cười hiền hòa, và tấm lòng bao dung. Cả nhà họp mặt mừng sinh nhật thứ 87 của Ba. khi mọi người hỏi “Ba nhớ năm nay Ba được mấy tuổi không?” Sau vài giây suy nghĩ, Ba tôi nhoẽn miệng cười, một nụ cười thật tươi, và trả lời “48 tuổi”. Ba đã không còn nhớ. Ba ngồi phía sau bánh sinh nhật, đọc mặt sau của số 87 thành 48. Ba là vậy, tâm hoài thanh thản, lòng luôn bao dung.
Ba là người tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người, từ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè của con, cho đến cả những người chưa hề quen biết. Khoảng thời gian sau này, tôi nhận được nhiều thư từ rất nhiều hội từ thiện cảm ơn những quyên góp của Ba. Ba ra đi tuy không để lại tài sản cho các con, nhưng lòng bác ái nhân từ của Ba là di sản vô giá, là sức mạnh vô hình luôn dẫn dắt chúng con tìm đến những may mắn trong cuộc sống của riêng mình.
Tôi quí trọng và khâm phục ở Ba nhất là lòng thương yêu gia đình, sự tận tụy hy sinh không điều kiện của Ba. Tôi tìm được hình ảnh của Ba trong bài thơ “Tình Cha” của thi sĩ Đỗ Sơn:
Tính nết cha thường ít nói ra
Luôn tay quán xuyến việc nơi nhà
Luôn tay quán xuyến việc nơi nhà
Tình thương ở dạ như trời biển
Quý mến trong lòng tựa hải hà
Cả một đời người luôn nhẫn nại
Hằng ngày vật lộn với phong ba
Mong dành tốt đẹp cho con cái
Nhận lại riêng mình khổ ải qua
Ba đã âm thầm hy sinh tất cả, sự nghiệp của riêng mình, gác lại sự sum hợp vợ chồng với những lần chia ly dài với Má chỉ để giúp cho các con, cháu một cơ hội xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự thương yêu vô điều kiện của Ba, chúng con sẽ mãi ghi nhớ.
Ta ngã mũ cúi chào chân thật
Bởi suốt đời ta gặp một cha ta
Thưa Ba, “sống gửi, thác về”. Ngày hôm nay, Ba đã được về đoàn tụ với Má. Tụi con thương chúc Ba cùng Má được mãi tiêu diêu nơi miền cực lạc.
Các con cảm ơn Ba và luôn thương nhớ Ba.