Trên một vùng đất được đông đảo người Biên Hòa, nhất là quý Thầy Cô và các cựu học sinh Ngô Quyền chọn nơi nầy làm quê hương thứ hai. Đất rộng người đông, kẻ đến người đi, nhưng thời gian qua mau từng người thân quen cũng lần lượt xa dần, với những tình cảm quý trọng mến thương chúng tôi đã đến viếng tang và tưởng niệm Thầy Phan Thanh Hoài trong một buổi chiều buồn… thứ sáu.
Một băng rôn màu đen chữ trắng do anh Tô Anh Tuấn thực hiện bằng sự trang trọng, đã nói lên được những tình cảm của quý Thầy Cô và các cựu học sinh Ngô Quyền khắp nơi kính dâng và tưởng nhớ công ơn Thầy Giám Học Phan Thanh Hoài. Như một lời tiễn biệt quý Thầy Cô và các cựu học sinh kẻ trước người sau lần lượt viếng tang với lời thì thầm khấn nguyện cho người đi xa về một nơi nào đó…
Thầy Nguyễn văn Phố, cô Đặng Thị Trí, cô Nguyễn Kim Dung, Thầy Cô Huỳnh Thanh Mai, Cô Ma Thị Ngọc Huệ, anh Nguyễn Đức Hiền, anh Đỗ Trung Quân, Anh Lữ Công Tâm, Anh Lê văn Thành, Anh chị Lê văn Hiếu, Anh Chị Lê Thị Thuận, Anh chị Tuấn Hiền, Đinh Hoàng Vân, Nguyễn Hữu Hạnh, Võ Thị Ngọc Dung, Huỳnh Hữu Thọ Mai, Mia Mỹ, Tuyết Hương và Minh Tâm…
Thương tiếc người đi, vẫn không quên người ở lại. Với những lời vấn an chân tình nhất của Đại Gia Đình Ngô Quyền dành cho những người con, người cháu của Thầy. Chỉ tiếc là với tình hình sức khỏe hiện tại, Thầy Cô và các cựu học sinh luôn dành sự quý trọng Thầy Hoài lúc sinh thời đã không đến với phút sau cùng của Thầy với một nén nhang.
Gia đình đã tổ chức buổi tưởng niệm Thầy sau phần viếng tang. Những tình cảm của đồng nghiệp, gia đình còn ở Việt Nam, của quý Thầy Cô và cựu Học Sinh Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức. Những tâm tình chưa bao giờ nói, người nằm xuống chưa một lần được nghe. Từ tình cảm của gia đình từ những đứa em từ Việt Nam về một người anh thương kính, được cháu ngoại của thầy chuyển đạt đến mọi người qua đôi giòng nước mắt, cháu còn nhỏ lắm nhưng những giọt nước mắt của cháu đã khóc thay cho các Thầy Cô và cựu học sinh có mặt trong giây phút nầy.
Thầy Phan Thanh Hoài có một thời gian dài phục vụ tại trường trung học Kiễu Mẫu Thủ Đức, hôm nay trong ngày tiễn biệt đông đảo đồng nghiệp của Thầy tuổi đời còn rất trẻ, những cựu học sinh thành đạt nơi xứ người cũng một lòng đến đây với sự thương tiếc và tri ơn bao công lao Thầy đã gầy dựng sau khi tu nghiệp từ Hoa Kỳ về cho một ngôi trường kiểu mẫu giờ đã mất tên. Thương biết mấy tình cảm của người Thầy không còn bụi phấn, thiên chức thiêng liêng đã mờ nhạt với đôi người, nhưng với mọi người Thầy vẫn là chùm sao Đại Hùng đã dẫn dắt bao thế hệ biết tìm hướng đi trong tăm tối…
Sau phần chia sẻ của gia đình và người thân và đại diện quý Thầy Cô và cựu học sinh Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức là phần tưởng niệm đặc biệt của quý Thầy Cô và cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa…
Nguyễn Hữu Hạnh bắt đầu phần Tưởng Niệm với giọng bùi ngùi: “Thầy Phan Thanh Hoài đã ra đi, gia đình Thầy đã mất đi người ông, người cha đáng thương, đáng kính. Với đại gia đình cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa, quý Thầy Cô đã mất đi người bạn đồng nghiệp gương mẫu, các ChsNQ mất đi một người Thầy đáng kính, đáng yêu.” sau đó, anh giới thiệu quý Thầy Cô và CHSNQ lên chia sẻ cùng Tang Quyến.
Cô Đặng Thị Trí là một trong những đồng nghiệp cùng Thầy Hoài gắn bó trong mọi sinh hoạt Ngô Quyền, đã chia sẻ kỷ niệm về thời gian mà một nhóm Thầy Cô Ngô Quyền thường xuyên họp mặt nhau hằng tháng ở CA như một sự gần gủi, ủi an. Cô nói: “Lúc đầu nhóm có dăm mươi người, sau đó thì ... rụng từ từ. Bây giờ thì tới phiên Thầy Hoài. Nhớ khi không còn sức khoẻ Thầy vẫn được người con đưa đến để họp mặt. Hôm nay Thầy Hoài đi rồi, tôi luôn tưởng nhớ và quý mến Thầy. Từ đây, trong những lần họp mặt NQ tới sẽ không có Thầy Hoài nữa, thêm một đồng nghiệp ra đi, người mỗi ngày một thưa dần…”
Với lòng thiềt tha mong muốn, Thầy Nguyễn Thất Hiệp từ San José trực tiếp qua Viber đã đến viếng tang, thầy nhờ thắp 1 nén nhang, thầy đã đến bên nhìn linh cữu, Thầy ngõ lời cùng tang quyến, bày tỏ lòng kính trọng dành cho một người đàn anh, một đồng nghiệp với bao công sức gầy dựng và tạo sự phát triển cho trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa. Và như một nén nhang lòng, thầy xin phép đại diện quý Thầy Cô Ngô Quyền khắp nơi, kính chuyển lời phân ưu đến gia đình và sự quý mến, tiếc thương đến người đã mất...
Mai Trọng Ngãi đã luôn gần gủi và khắng khít với Thầy Hoài qua những lần đưa đón đi họp mặt, cũng vì lý do sức khỏe không thể đến với Thầy trong ngày chung cuộc của cuộc đời chỉ biết gửi tâm tình và ý nguyện của mình qua những lời rất thật nhờ anh Nguyễn Hữu Hạnh đọc để tiễn đưa: "Thầy ơi! Thầy đã vĩnh viễn xa rời đời sống, nhưng hình ảnh của Thầy luôn tồn tại trong tâm thức của tất cả cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa. Cầu nguyện hương linh Thầy sớm siêu thoát miền cực lạc”.
Anh Lữ Công Tâm ôn lại những công lao của Thầy Hoài đã đóng góp cho trường trung học Ngô Quyền cũng như hội ái hữu cựu học sinh Ngô Quyền hải ngoại và đồng thời nhắc lại những kỹ niệm đáng nhớ với những giọt nước mắt của Thầy Hoài tuôn tràn như tình yêu thương luôn ngập tràn trong lòng Thầy.
Anh Lữ Công Tâm đã đọc bài thơ “Viếng Linh Thầy” của chị Nguyễn Thị Thêm như một bản điếu văn thay lời tưởng niệm thiết tha và tưởng nhớ công ơn của các học trò gửi đến người Thầy đã mất…
... Kính Thưa Thầy! Chúng con hôm nay cúi đầu đảnh lễ
Tạ ơn Thầy công dạy dỗ bảo ban.
Thầy phiêu diêu nơi cỏ nội mây ngàn.
Xin chứng giám học trò xưa kính điếu.
Bằng sự trân trọng và quý mến, tôi đã đọc toàn bộ bài viết của cô em Nguyễn Trần Diệu Hương đã ôm ấp bao trăn trở với công lao của quý Thầy Cô đã từng là người lái đò đưa khách qua sông và những người khách chưa một lần trở lại ”Hoa nở rồi tàn, mặt trời mọc rồi sẽ lặn”. Con người sinh ra, rồi sẽ phải ra đi khỏi cuộc đời. Nhưng có những người dù đã vĩnh viễn không còn, nhưng ảnh hưởng của họ còn lại trong những người ở lại lâu dài. Thầy Phan Thanh Hoài của chúng ta là một người như thế đó.
Tô Anh Tuấn, lần đầu tiên thể hiện sự xúc động tận cùng trong ngày hôm nay, khi anh tưởng nhớ những kỹ niệm từ ngày đầu cùng với Thầy Hoài từng bước chung lo thực hiện quyển Kỷ Yếu NQ 2006 (chuẩn bị ngày Ngô Quyền Hội Ngộ toàn thế giới lần đầu tiên) cho đến việc cùng thực hiện Ngô Quyền Toàn Tập; anh đã kể những kỷ niệm chưa được kể. Anh bày tỏ: "Chính vì sự mến mộ và ngưỡng phục tình cảm trong sáng vô bờ của thầy Phan Thanh Hoài dành cho Ngô Quyền đó là tấm gương sáng, đó là một trong những mãnh lực thúc đẩy cho tôi bước tới để cùng Thầy cô bạn hữu xây dựng lại trường xưa bằng tất cả tâm huyết của mình…"
Buổi tưởng niệm kết thúc qua phần tri ơn của gia đình “Chúng con vô cùng tri ơn quý Thầy Cô và quý anh chị cựu học sinh Ngô Quyền đã mang đến cho ba chúng con một cuộc đời, một cuộc sống đầy ý nghĩa”.
Quang cảnh parking nghĩa trang tựa hồ như vắng lặng, tai tôi vẫn còn giữ lời tâm tình ngắn gọn của người trẻ, không gắn bó nhiều với thời kỳ vàng son của trường trung học Ngô Quyền, Lưu Tuyết Hương: “Dù sức khỏe không cho phép, nhưng con vẫn cố gắng đến lạy Thầy vì Thầy Hoài là người con kính trọng và thương mến nhất“.
Dù không có sự hẹn trước, Tô Anh Tuấn và tôi cùng gặp mặt sáng ngày hôm sau trước khi thân xác Thầy Hoài về với bụi tro. Trong giây phút cuối cùng hai chúng tôi lặng lẽ quỳ trước bàn thờ, đồng lễ bái tạ Thầy, không chụp hình không quay phim những bước lạy như những người học trò lễ trong ngày lễ hội kính dâng lên những quan thần đã có công dựng đất …
Cũng không quên sự có mặt của anh Lê Văn Ngoan K1 và anh Tiêu Hồng Phước trong ngày tiễn biệt. Với lời tưởng niệm anh Ngoan nhắc nhớ lại thầy Phan Thanh Hoài đã dạy anh môn Anh Văn của những ngày đầu vô Ngô Quyền. Rất tiếc vì điều kiện trong thời đai dịch corona không cho phép nhiều chs Ngô Quyền các khóa rất mong muốn cùng được đến với Thầy trong ngày tưởng niệm cho tròn tình nghĩa.
Trong một đời người, chúng ta hân hoan chào đón bình minh buổi sáng, rồi cũng phải từ biệt một chiều hoàng hôn. “Sinh lão bệnh tử “ là quy luật tự nhiên của trời đất, cố gắng sống sao để sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Nếu tin vào cõi vô hình, tin rằng Thầy Phan Thanh Hoài sẽ gặp lại những người thân, những người bạn thầy luôn nhắc nhớ, đặc biệt là Thầy Phạm Đức Bảo và Thầy Phan Thông Hảo. Riêng người ở lại Thầy Nguyễn Văn Phố với chiếc xe cà tàng từng đưa đón thầy Phan Thanh Hoài đến mọi sinh hoạt của trường Ngô Quyền. Ngày nay và mãi mãi về sau dù Thầy Phố ngồi trên chiếc xe mới hơn, hiện đại hơn cũng không tìm lại được hình bóng của đồng nghiệp, người anh thân thương khả kính: Thầy Phan Thanh Hoài.
NGUYỄN HỮU HẠNH