Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Kiếu Oanh Trịnh - KIẾP HOA

Saturday, March 21, 20209:35 PM(View: 11624)
Kiếu Oanh Trịnh - KIẾP HOA


Kiếp Hoa

 kiephoa


 

Cô sinh ra trong một gia đình gồm năm anh chị em: anh Bách lớn nhất, đến chị Minh Nhật, cô là Miên Du, đến Quỳnh Thi và cô em út là Nguyệt Quế. Bố mất ngày anh em cô còn rất bé, cô mới lên năm, Quỳnh Thi ba tuổi và Nguyệt Quế còn trong bụng Mẹ.

Vì còn bé nên cô không nhớ nhiều về Bố, chỉ nghe Mẹ kể lại: Bố cô ngày xưa văn chương uyên bác lắm. Ông học rộng, hiểu nhiều. Tuy thi đậu cao nhưng ông không chịu ra làm quan, mà chỉ mở một trường học nho nhỏ trong làng để dạy học. Các gia đình khá giả có con cái muốn thi vào các trường lớn ở Hà Nội đều là học sinh của Bố... Bố rất tận tụy, học trò của bố học rất khá, đa số đều thi được vào trường lớn ở Hà Nội, họ rất biết ơn bố… nhờ vào thu lợi nho nhỏ này, gia đình cô cũng tạm đủ sống. Bố Mẹ cô được mọi người trong làng quý mến, họ gọi bố mẹ cô là “Ông Bà Giáo”. 

Anh, chị, em cô lớn dần trong vòng tay ấm êm của bố mẹ. Hằng ngày, lúc bố dạy học thì cô và Quỳnh Thi theo mẹ đi chợ, được mẹ cho ăn quà, khi thì cái bánh dầy giò lụa, lúc thì bát phở thơm tho, xong lại còn vòi mẹ mua thêm quà. Mẹ hay mua thức ăn về cho bố và anh Bách thì thế nào chị em cô cũng được thêm chiếc bánh gai ngọt bùi, beo béo mùi mứt dừa, mứt bí, hay vài cái kẹo lạc… 

Rồi một biến cố xẩy ra, lúc đó cô mới 5 tuổi. Vì còn nhỏ nên cô không nhớ rõ, chỉ thấy một hôm thật tối trời, vào một ngày giáp Tết, chị em cô ngồi quây quần xem Mẹ may quần áo Tết. Bố đang dậy anh Bách học, chợt có tiếng gõ cửa dồn dập. Bố ra mở cửa thì thấy một toán bốn người đàn ông tay cầm súng, đầu đội nón dạ, chân đi dép cao su… họ ập vào, lấy khăn đen bịt mắt bố, bẻ quặt tay ra sau, trói ghì lại rồi lẳng lặng dắt Bố đi để mặc cho Mẹ và anh em cô gào khóc, van xin… 

Trong tranh tối, tranh sáng của ngọn đèn dầu mù mờ, cả nhà chả nhận diện ra họ là ai? Chuyện xẩy ra quá bất ngờ vào ban đêm, ngoài Trời thì tối đen như mực, hàng xóm lại xa nhà nên Mẹ con cô không biết cầu cứu với ai. Sáng hôm sau Mẹ mới báo cho hàng xóm biết, mấy ông viên chức trong làng chẳng giúp gì hơn, chỉ hứa xuông là sẽ tìm tung tích bố. Nhưng vô vọng, bố biệt tăm từ ngày đó.

 Mẹ một nách 5 con, thấy ở lại cái làng quê bất ổn này thật khó khăn cho Mẹ kiếm kế sinh nhai để nuôi anh em cô khôn lớn. Thế là sau khi sanh Nguyệt Quế, Mẹ bán căn nhà 4 gian và mẫu ruộng hương hỏa, gom góp được một số vốn rồi sáu Mẹ con dìu dắt nhau lên Hà Nội. Mẹ thuê một căn nhà nhỏ gần chợ, rồi Mẹ tự làm giò chả bày bán ở trước cửa nhà. Mẹ giã thịt và biến chế ra đủ các loại giò, chả đặc biệt. Ban đầu Mẹ chỉ làm vừa đủ bán, nhưng dần dần khách hàng càng ngày càng đông, một mình Mẹ làm không xuể, anh Bách và chị Nhật sau giờ học cũng phụ giúp Mẹ làm thêm các món chả rán, chả cốm, chả chìa, chả quế, giò bì, v.v... Hàng giò chả của Mẹ càng ngày càng phát. Cùng lúc nghe tin vợ chồng anh Tài, chị Thắm ở quê làm ăn thất mùa nên Mẹ thuê anh chị về giúp Mẹ, nhờ vậy mà hàng giò chả của Mẹ khá tấp nập, Mẹ mua hẳn căn nhà, mở rộng cửa hàng và bán thêm các loại bánh cuốn, bánh dầy giò, xu xê, bánh cốm, v.v…

Nhờ có vợ chồng anh Tài phụ nên anh, chị, em của cô mới có thì giờ học hành, anh Bách chỉ giúp Mẹ phần sổ sách. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, Mẹ buôn bán phát đạt, giò chả của Mẹ được bán sỉ cho khách hàng bán lẻ ở các chợ nhỏ miền xa. Gia đình cô sống thật sung túc trong căn phố lầu hai từng. Bố mất tích năm Mẹ mới 26 tuổi, một mình Mẹ đã tự tay gầy dựng lên một gia sản tạm gọi là khá lớn. Anh em cô đều ăn no, mặc đủ lại được đi học đàng hoàng tại các trường nổi tiếng. Mẹ vẫn không quên nhờ cậy người đi tìm bố. Thời gian sau thì được biết bọn người bắt Bố là Việt Minh, họ đem bố đi biền biệt không tìm ra tung tích.

Năm 1954, khi Hiệp Định Geneve được ký kết… Một cuộc di cư vĩ đại diễn ra, Mẹ quyết định dắt anh em cô di cư vào Nam, bỏ lại tất cả: từ căn phố lầu đến hàng giò chả đang thời sầm uất cho vợ chồng anh Tài, mà đến bây giờ cũng không biết vợ chồng anh ấy ra sao và căn phố lầu kỷ niệm của Mẹ con cô chắc đã bị xung phong làm của công theo chính sách của nhà nước…

***

Mẹ đưa các con theo gia đình Bác Đạt vào Nam trên chiếc máy bay hai mình từ phi trường Cát Bi, Hải Phòng. Lúc bấy giờ Bác Đạt đang làm thông ngôn cho chính phủ Bảo Hộ Pháp nên Bác đã nhập được cả gia đình Mẹ chung với gia đình Bác để cùng vào Nam. Mẹ chỉ có một người anh là Bác Đạt. Thương em, góa bụa với đàn con năm đứa nên Bác Đạt luôn luôn bảo bọc gia đình cô em gái. Thế là hai gia đình gom lại, tất cả 11 người cùng lên máy bay vào Nam. Đó là một ngày cuối Thu buồn ảo não, cô không hiểu tại sao gia đình Bác và Mẹ lại bỏ tất cả cơ ngơi, nhà cửa để đến ở một nơi xa thật xa như thế này?

Trên một khu đất rộng thênh thang trong căn cứ Không Quân Biên Hòa, nơi đây đã được xây lên từng dẫy nhà gạch lợp tôn, mỗi dẫy chia làm 7 căn nhà, căn nào cũng gồm: một phòng khách nho nhỏ, 2 phòng ngủ và phía sau là nhà bếp. Phòng tắm và nhà vệ sinh chung thì cứ bốn dẫy nhà được họ xây cho bốn buồng tắm; mười nhà vệ sinh. Máy nước có tám vòi nước để rửa rau, vo gạo thì ở đầu dẫy. Rồi ở giữa sân trống họ xây một cái nhà giặt có hai bể nước thật to, hai vòi nước chảy rất mạnh đủ cho mọi người trong cư xá đến giặt giũ. Chung quanh nhà giặt họ lại còn giăng những hàng giây kẽm cho mọi người phơi quần áo… Tóm lại, chính phủ đã sắp đặt nơi ăn chốn ở cho những gia đình di cư từ ngoài Bắc vào có nơi ăn chốn ở thật chu đáo. 

Mẹ được Bác xin cho việc trông coi một Câu Lạc Bộ nho nhỏ bán thức ăn cho các quân nhân, công chức làm việc trong phi trường. Buổi tối và cuối tuần Mẹ còn bán thêm thức uống: café, trà, làm thêm bánh paté chaud, chả giò, tôm khô, củ kiệu… nhờ thế mà mọi người sau ngày làm việc mệt mỏi có chỗ giải trí họp mặt cùng bạn bè. Cuộc sống gia đình cô kể cũng tạm đủ nơi vùng đất mới.

Được vài năm thì Bác Đạt đến tuổi về hưu, không còn được cấp nhà trong cư xá nữa, hai Bác bàn với Mẹ dọn lên Sài Gòn vì các anh chị con của hai Bác đang học Đại Học ở đây. Mẹ chỉ có một mình Bác là người thân duy nhất và chính Bác cũng đã giúp đỡ Mẹ rất nhiều, anh Bách thì đang Học Luật và chị Nhật cũng đã vào được Đại Học Văn Khoa, nên Mẹ cũng quyết định theo gia đình Bác Đạt dọn lên Sài Gòn. 

Hai gia đình thuê được hai căn nhà nhỏ ở Chợ Ông Tạ, Mẹ lại bắt đầu làm giò chả bán kế bên là hàng bánh chưng, bánh giò của Bác Đạt gái. Ban đầu chỉ là hai cái bàn nho nhỏ rồi dần dần Mẹ và Bác Đạt mua hai căn nhà lầu cạnh nhau, mở hai cửa tiệm giò chả và bánh chưng ở dưới, trên lầu để ở. Gia đình sống tạm ổn.

Năm 16 tuổi thì cô đã trổ mã, biết thẹn thùng, đỏ má khi đi giữa đám đông hay bị đám con trai để ý chọc ghẹo. Có lần Mẹ hỏi cô:

- Du Miên này, nhà bác Thuật muốn đem trầu cau đến hỏi cưới con cho anh Trường con trai thứ ba của bác ấy đấy, con có ưng không?

- Con mới 16 tuổi thôi mà Mẹ. Con còn thích đi học, chưa muốn lấy chồng sớm Mẹ ơi!

Rồi anh Bách tốt nghiệp Luật Sư, làm việc tại Tòa Án Sài Gòn. Chị Minh Nhật xong ngành Sư Phạm đi dạy học và lập gia đình. Chị theo chồng về Nha Trang nơi anh rể làm việc….

Cô và các em lớn dần theo thời gian, cô thi vào Đại Học Dược Khoa. Năm cô 20 tuổi, Mẹ nhận lời gả cô cho anh bạn của anh Bách cũng là con trai lớn của một người bạn thân của Mẹ hồi còn ở Hà Nội. Gia đình Bác ấy đang sinh sống tại Tân Mai, Biên Hòa. Anh Luân lớn hơn cô 10 tuổi, rất chững chạc, săn sóc cô như một cô em gái. Cô rất cảm mến anh, nhưng cũng không biết mình có yêu anh không? Thấy cô ham học, anh hứa là sau khi cưới, anh vẫn để cho cô tiếp tục học lấy cho xong bằng Dược Sĩ và sẽ mở cho cô một Tiệm Thuốc (Pharmacy). Thế là cô lập gia đình.

Ngày về làm vợ anh Luân cô thật hạnh phúc, anh chăm sóc cô rất chu đáo. Đúng như lời hứa, khi cô vừa xong bằng dược sĩ thì anh mở ngay cho cô một tiệm thuốc tây gần sở của anh. Mỗi ngày, trên đường đi làm, anh lái xe chở cô ra tiệm, chiều đón cô về. Anh mướn người lo việc nhà và cơm nước để cô đỡ vất vả. Khi cô sanh con, sợ cô cực vừa bận tiệm thuốc lại bận con cái nên anh mướn thêm một bà vú về trông coi hai cậu con trai. Cuộc sống gia đình cô thật lý tưởng. Mẹ vui mừng khi thấy cô có được một mái ấm quá đầy đủ…

Cuộc đời tưởng cứ êm đềm như thế thì còn hạnh phúc phúc nào bằng! Nào ngờ, anh Luân đột nhiên qua đời trong một lần đi công vụ miền xa. Hai mươi sáu tuổi, cô đã thành góa phụ hai con. Không có anh cô thật vất vả, vừa làm Mẹ, vừa thay anh làm cha lo cho hai đứa con nhỏ chỉ mới lên 3 và 5 tuổi. Ban ngày cô tất bật ở tiệm thuốc, các con vẫn giao cho bà vú chăm sóc. Tối đến, cô chỉ vội vã ăn cơm và đùa với các con chút ít rồi phải lao vào việc sổ sách và thanh toán các khoản chi tiêu trong gia đình. Ngày xưa, khi còn chồng, anh lo đủ mọi thứ, ở tiệm về cô rất thảnh thơi, tha hồ đùa vui với các con. Gia đình cô luôn có những ngày cuối tuần êm ả đầy ấp tiếng cười. Các con cô lúc nào cũng líu lo bên cạnh. Bây giờ thì cô rất sợ mỗi khi ngồi bên các con và nghe chúng hỏi?

- Bố đâu rồi Mẹ? Sao lâu quá Bố chưa về?

Hay chỉ lên ảnh của anh trên bàn thờ

- Sao Mẹ lại treo ảnh Bố cao thế?

Nhìn con mà cô đứt từng khúc ruột. Cô không biết phải trả lời các con ra sao? Hai đứa con trai bé nhỏ của cô thật tội nghiệp, mới bé tí xíu mà đã mồ côi cha. Cô nghĩ đến ngày xưa, khi cha cô bị bắt lúc cô chỉ 5 tuổi. Mẹ góa bụa với gánh nặng trên vai, một đàn con năm đứa. Thế mà trải qua bao nhiêu vất vả, thời cuộc khó khăn, nghèo khó mà một tay Mẹ đã tự gầy dựng lo cho anh, em cô ăn học thành tài, người nào cũng có danh phận… Cô cảm phục Mẹ quá. Bà đúng là một người đàn bà can đảm và đầy nghị lực. Cô tự trách mình: quá yếu đuối không giống Mẹ tí nào…

Một hôm trên đường từ tiệm thuốc về, tình cờ cô gặp lại Hoàng người bạn làm chung cơ quan và cũng là phụ tá của anh Luân. Gặp cô, anh mừng rỡ hỏi han rối rít. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày anh Luân mất cũng hơn ba năm, cô không có dịp gặp Hoàng. Ngày còn anh Luân, cuối tuần nhà cô hay tổ chức những cuộc họp mặt tại nhà hoặc những buổi cắm trại ngoài trời chung gia đình và bạn bè, thỉnh thoảng Hoàng có dắt cô con gái nhỏ của anh theo. Anh Luân rất thương hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của Hoàng, vợ Hoàng đã bỏ anh và con gái để theo người tình cũ khi con bé mới hơn một tuổi. Hoàng phải đón Mẹ chàng về ở chung để nhờ bà trông cháu. Hôm nay con gái bị bịnh chàng đưa con đi Bác Sĩ rồi lấy toa ra tiệm thuốc của cô mua thuốc… Biết cô hàng ngày phải đón xe đi, về từ nhà ra tiệm nên Hoàng đã tự nguyện đưa đón cô, vì sở của Hoàng cũng không xa tiệm thuốc của cô.

Cứ thế rồi tình cảm nẩy sinh, cô và Hoàng thương nhau, hai hoàn cảnh đơn chiếc, cô góa bụa, anh “gà trống nuôi con”. Anh và cô kết hôn dù anh nhỏ hơn cô vài tuổi, cả hai đều chung sức chăm lo cho mái gia đình nhỏ 5 người: (2 con trai của cô và con gái của anh). Cuộc sống thật êm đềm, hạnh phúc. Rồi anh được sang Mỹ du học.

Anh đi được vài tháng thì một ngày tháng 3, 1975 anh đánh điện tín về bảo cô thu xếp đưa các con đi Mỹ ngay vì tình hình trong nước không an ninh, chiến tranh đang lan rộng, anh không thể về đón cô và các con được nhưng anh đã lo xong thủ tục đem cả gia đình sang Mỹ. Thế là cô phải thu xếp bán tiệm thuốc, giao nhà lại cho Mẹ và em gái rồi cô dắt con gái của Hoàng và 2 con trai của cô lên máy bay sang Mỹ. Lúc đó cô cũng đang có thai đứa con của Hoàng được 6 tháng, nên Hoàng dục cô phải thu xếp đi ngay.

Hoàng đón Mẹ con cô ở phi trường về ở trong một căn nhà khang trang 3 phòng ngủ mà anh đã mua sẵn rất yên tịnh. Vài tháng sau, cô sanh cho Hoàng một bé trai ngộ nghĩnh. Vì bận con nhỏ, cô không thể đi làm xa được nên cô xin làm việc ở một nhà giữ trẻ gần nhà. Mỗi buổi sáng cô cùng các con đến nhà trẻ. Ở đó, cô vừa trông con vừa chăm sóc các đứa trẻ do cha mẹ đem đến gửi.

Cuộc sống gia đình nơi đất lạ quê người như thế này đối với cô đã quá đầy đủ và hạnh phúc lắm rồi. Cô mải mê hòa nhập vào cuộc sống và sinh hoạt nơi xứ người mà không để ý đến sự thay đổi của Hoàng. Anh thường hay về muộn, bỏ cả bữa cơm chiều, có khi anh lại vắng nhà vào những ngày cuối tuần, bảo là đi công tác. Có hỏi thì anh nói sở lúc này bận qúa nên anh phải làm thêm nhiều giờ… và cho đến một hôm, anh nói với cô: “anh muốn ly dị”.

- Tại sao vậy? Em đã làm điều gì sai mà anh đòi ly dị?

- Không, không phải em, mà do nơi anh. Anh đã quen một người đàn bà khác trước khi đón em và các con sang đây.

- Cô ta và anh đã đồng lòng chia tay nhưng tình cảm thật khó nói, càng xa nhau anh càng nhớ cô ấy thật nhiều. Anh không thể sống thiếu cô ấy được. Dù anh rất thương em và các con. Nhưng anh không biết làm sao hơn…?

Cô tan nát cõi lòng, không ngờ đời cô lại quá gian truân như thế! Cô biết phải làm sao đây? Cô không tin dị đoan nhưng cô chợt nhớ lại năm Mẹ anh Luân đến hỏi cưới cô. Mẹ dắt cô đến nhờ một Thầy lấy số Tử Vi. Cô nhớ mang máng ông ta nói:

- Cô Bé này, số giàu sang, có chồng quyền tước nhưng duyên phận khá long đong, đời sống vật chất tuy khá giả nhưng tình duyên khó bền, có thể trải qua vài cuộc hôn nhân gẫy đổ. Nhưng kết cuộc có hậu, sẽ gặp được người tốt hết lòng yêu thương và lo cho đến cuối đời…

Bây giờ, nghĩ lại, cô rất sợ, chả lẽ lời đoán của thầy Tử Vi đã nghiệm vào vận mệnh của cô rồi sao? Cô tủi thân quá. Cô phải làm sao đây? Nơi xứ lạ quê người, không biết phải sống như thế nào? Rồi cô và Hoàng ra tòa ly dị. Anh giao hết nhà cửa xe cộ cho cô. Vì công việc và tiền lương của cô kém lại còn phải lo cho hai đứa con riêng của mình nữa nên Tòa đề nghị cô giao trả con cho Hoàng, cô có quyền thăm con những khi rảnh rỗi hay đón con về ở với cô vài ngày.

Thế là xong, còn lại mình cô trong căn nhà trống vắng, thật buồn, cô nhớ con, nhớ chồng mà đứt tùng khúc ruột. Đời cô sao khổ thế này! Cũng may gia đình cô cũng sang được hết bên Mỹ, hai gia đình chị Minh Nhật và Bích Thi thì ở California, Mẹ cô đang ở cùng gia đình anh chị Bách, gia đình Nguyệt Quế cũng ở gần đấy. Tất cả đều ở cùng tiểu bang này. Bây giờ, hai con trai của cô đã xong Đại Học đều đi làm xa, thế là cô bán căn nhà cũ, mua một căn nhà nho nhỏ gần Mẹ và gia đình anh Bách.

Do sự giới thiệu của vợ chồng Nguyệt Quế trong một bữa tiệc họp mặt tất niên, cô quen được anh. Thoạt mới nhìn, cô cũng ngờ ngợ, thấy anh rất quen, sau một lúc chuyện trò, cô nhận ra anh là chồng trước của cô bạn học của Quỳnh Thi và cũng là hàng xóm với gia đình cô thuở trước ở Tân Định. Anh vừa ly dị. Vợ anh đã dọn sang California và giao cho anh cô con gái mới 15 tuổi. Anh thật vất vả vừa đi làm vừa lo cho con, hoàn cảnh của anh thật tội nghiệp. Vợ chồng Nguyệt Quế thấy anh hiền lành nên muốn cô chắp nối với anh cho có bạn. Thoạt đầu cô không dám nghĩ đến việc bước thêm bước nữa, cô rất sợ khi đã hai lần gẫy đổ.

Nhưng rồi tình cảm tăng dần, cô và anh đã chính thức kết hôn bằng một bữa tiệc nho nhỏ nhưng rất thân mật với sự hiện diện trong vòng bà con bạn bè. Năm ấy cô 45 tuổi, anh vừa 50 tuổi. “Tình Muộn” chắc là tình bền, tính đến nay thì cô và anh đã kết hôn được hơn 33 năm. Con gái của anh đã lập gia đình và các con trai của cô cũng đã yên bề gia thất.

Bây giờ trong căn nhà nho nhỏ chỉ có anh và cô hủ hỉ tuổi già. Anh đúng là một người đàn ông mẫu mực, anh nhẹ nhàng và hết lòng thương yêu săn sóc cô. Bên anh cô cảm thấy yên tâm, anh rất chu đáo, một người chồng hoàn hảo. Cô thầm cảm ơn Thượng Đế đã cho cô gặp được anh trong lúc cô đang chơi vơi giữa tình trường cơ cực, anh như chiếc phao để cô nắm, anh là điểm tựa cho cô, anh dìu cô đến một bến bờ an lành, hạnh phúc.

Hôm nay, một mùa Xuân nữa lại về trên quê người. Giữa không gian giá buốt của tháng Giêng ở miền Đông Bắc lạnh lùng, ngồi đây ôn lại dĩ vãng, nghĩ về cuộc đời mình: Ba đời chồng; ba đứa con trai… và bây giờ chỉ còn cô và anh, cô thấy đời mình như một giấc mơ dài, qua bao nhiêu sóng gió, thăng trầm… giờ đây thuyền đã đậu bến, tuy là bến muộn nhưng chắc chắn là một bến đậu yên lành, cô đã tìm được một tình yêu chân chính thật sự. Anh chính là người đã đem đến cho cô tất cả mọi thứ… Sống cạnh anh cô thấy rất an toàn, cô chẳng mong gì hơn là được sống mãi bên anh như thế này là cô mãn nguyện lắm rồi...

***

 

Ngoài sân những hạt tuyết đầu mùa đang bắt đầu rơi, qua khung cửa sổ, bà lặng ngắm những hạt tuyết trắng long lanh đọng trên cây thông trước cửa, một cánh chim lẻ loi vụt bay ngang, vội vàng đi tìm nơi trốn lạnh. Tiếng dép sau lưng làm bà giựt mình quay lại. Ông đang đến bên bà với tách cà phê nóng hổi trên tay:

- Sao em dậy sớm thế, uống ly cà phê cho ấm. Sáng nay lạnh ghê

- Em không ngủ được ra đây ngắm tuyết rơi

Đỡ ly cà phê trên tay ông, bà nói

- Sắp hết năm rồi, thêm một năm tha hương mình lại ăn Tết vào mùa Đông xứ người anh nhỉ?

Ông cười

- Nhưng lại mùa Xuân của vợ chồng già chúng mình, miễn có nhau thì dù mùa Đông hay mùa Hạ thì vẫn là mùa Xuân nồng ấm phải không em?

Bà sung sướng mỉm cười và tự nhủ: tình yêu của ông và bà tuy đến muộn nhưng chắc chắn sẽ là tình vĩnh cửu, vì cả hai đã trải qua những sóng gió và gẫy đổ … Bà nhớ mãi lời Thầy Tử Vi đã nói với Mẹ ngày xưa:

- Trai Nhâm, gái Quý, cô bé này sinh năm Quý Mùi, đời sống sung túc, đúng ra là cuộc đời cháu sẽ sung sướng lắm, nhưng cháu lại sinh vào cung “đào hoa” nên hơi trục trặc về chuyện tình duyên, tuy nhiên cuối đời mới thật là hạnh phúc…

45 mùa Xuân nơi xứ người, 45 năm nhận nơi này làm quê hương, và cũng nhờ cuộc đời trôi nổi, đưa bà đến nơi đây để rồi gặp được ông, người chồng sau cùng và cũng là người đang cùng bà đi tiếp cuộc đời còn lại, bà cảm thấy mình quá hạnh phúc và cám ơn nước Mỹ đã cưu mang, còn cho bà gặp được ông. Mùa Xuân như đang mở hội trong lòng bà - một “Kiếp Hoa” năm nào… và may mắn đã tìm được một bến đậu bình yên.

 

Kiều Oanh

Xuân Canh Tý

 

 

Saturday, November 16, 2024(View: 1273)
Một điều đáng mừng là sau nhiều biến động lịch sử, SVĐ BH một biểu tượng Văn Hoá-Thể Thao lâu đời của người dân BH xưa, vẫn còn tồn tại, hơn nữa còn có được dự án chỉnh trang tu sửa để hình thành một SVĐ đa chức năng của địa phương.
Saturday, November 16, 2024(View: 473)
Anh Đa Đề, qua bút pháp đa diện và phong cách gợi mở, đã không ngừng mở rộng cánh cửa cho cuộc đồng sáng tạo, nơi người đọc vừa là người tiếp nhận vừa là người đồng hành ...
Saturday, November 16, 2024(View: 616)
Tôi tên Chi, Trần Thị Chi. Nếu ai đọc “Chí Phèo” của Nam Cao ngày xưa, họ sẽ liếc vô tui, nói nhỏ với nhau: – Xấu hơn Thị Nở! Nhưng bây giờ trên đất Mỹ, hiếm người biết về “Thị Nở” nên tôi chỉ nghe xầm xì ở các chợ VN:
Friday, November 15, 2024(View: 767)
Tôi run run lái xe vào parking phía trước nhà băng và tìm chỗ đậu, xe truch cũng đậu cách tôi vài xe. Ở đời luôn có kẻ xấu, có ý đồ điên khùng, ghét người Châu Á.
Sunday, November 3, 2024(View: 902)
Có thể nói không ngoa, rằng bầu cử Tổng Thống Mỹ được cả thế giới quan tâm, huống chi Canada là hàng xóm kế bên, hỏi sao không “hot”?
Saturday, November 2, 2024(View: 970)
Tuy nhiên chúng ta cũng hãy tin người dân Mỹ yêu nước sẽ dùng lá phiếu để chọn người đại diện đúng nhất cho mình. Cả thế giới đang hướng về nước Mỹ chờ đợi kết quả ai sẽ là vị Tổng Thống thứ 47 của Hoa Kỳ.
Saturday, November 2, 2024(View: 930)
Sau vài câu thăm hỏi, chúng tôi nhắc vài mẫu chuyện xưa khi còn đi học và Hải đã kể cho tôi nghe câu chuyện trên và lúc nào Hải cũng bắt đầu câu nói bẳng “Mày biết không?
Saturday, November 2, 2024(View: 810)
và nghe mấy đứa con bà bàn tán về một “điểm hẹn” tụi nhỏ không bao giờ bỏ qua trong ngày lễ Ma, đó là ngôi nhà màu hồng to lớn và thật đẹp ở góc đường của bà “Phù Thủy.”
Saturday, November 2, 2024(View: 995)
Thì ra đàn bà nào cũng sợ bị chê già, chê xấu. Đêm nay em là ma và là một con ma dễ thương như những ma quỷ trẻ con dễ thương đã đến nhà mình trong đêm nay đấy.
Friday, October 18, 2024(View: 1028)
Nếu xứ Mỹ mừng Thanksgiving vào ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư của tháng 11, thì Canada lại mừng Thanksgiving vào ngày Thứ Hai của tuần lễ thứ hai của tháng 10.
Friday, October 18, 2024(View: 1539)
Hiện giờ thì trẻ lạc đã sung sướng tung cánh gà tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đầm ấm. Còn con gái thì mừng rỡ cảm ơn mẹ rối rít! Thôi thì đầu năm mất của mà tìm lại được cũng là điềm tốt,
Wednesday, October 16, 2024(View: 1595)
“Ai cũng từng qua thời, hoặc làm người tan học về, hoặc làm người đi theo, tức là làm ‘Hoàng Thị Ngọ’ hay làm ‘anh theo Ngọ về’ của riêng mình” như lời bài thơ, ca từ của nhạc phẩm.
Saturday, October 5, 2024(View: 1782)
Đoạn viết ngắn này để nhớ đến nhà thơ mà tôi yêu thích cùng hai bài hát qua bàn tay phù phép của nhạc sĩ Phạm Duy – cũng đã đi vào thiên thu...
Saturday, October 5, 2024(View: 2278)
Và gần 50 năm sau sống trên nước Mỹ, qua những năm tháng sống vui vẻ và hạnh phúc của cuối đời, tôi thầm tự hỏi chính tôi, tôi có được những gì?.
Saturday, October 5, 2024(View: 2282)
Dù chỉ được sống trong chính quyền Việt Nam Cộng Hoà vỏn vẹn 9 năm, nhưng ký ức về khung trời tuổi thơ yên vui tươi đẹp, của Miền Nam yêu dấu vẫn sống mãi trong tâm tưởng của tôi.
Friday, October 4, 2024(View: 1616)
Tôi viết bài này để nhớ người “Du Đãng Hiền Lành”. Nếu còn sống và đọc được bài này thế nào người “Du Đãng Hiền Lành” của tôi cũng chỉ mỉm cười và tặng cho tôi mấy chữ “Tổ Cha Mày Châu”…nghe rất dễ thương…
Friday, October 4, 2024(View: 1185)
Ngày đó, tôi chưa biết tiếc nuối những kỷ niệm thời nhỏ dại. Bây giờ, trên nửa thế kỷ sau, ngồi nhớ lại mới thấy hụt hẫng. Những con đom đóm lập lòe của tuổi thơ tôi đã tuyệt chủng ngay từ những ngày xa xưa đó.
Sunday, September 22, 2024(View: 1497)
Riêng tôi khi mình lung túng không chắc chắn về những từ Hán Việt mà không hỏi ai được thì cứ ‘nôm na là cha mách qué” là hay nhất!
Saturday, September 21, 2024(View: 3215)
Nhìn vào tấm lịch treo trên tường, tôi thấy ngày Thứ Ba 17 Tháng 9 năm 2024 lại là ngày Tết Trung Thu năm 2024.
Friday, September 20, 2024(View: 3844)
Tháng chín Cali đón thầy cô Huỳnh Công Ân đến thăm. Thầy bây giờ cũng không khác học trò là bao, nhiều khi còn trẻ hơn là khác.