Thi sĩ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Tất Nhiên được biết đến nhiều nhất qua mối tình với cô gái Bắc tên Duyên. Người tên Duyên này đã đi vào nhạc Phạm Duy và nổi tiếng khắp cả miền Nam. Tuy nhiên đó là một mối tình không thành. Ít người biết rằng trong thơ Nguyễn Tất Nhiên còn có một số bóng hồng khác, trong đó có “em xưa còn thắt bính” trong bài “Hai Năm Tình Lận Đận” đã nên duyên vợ chồng với ông sau này.
Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên
Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, theo học trường trung học Ngô Quyền từ năm 1963 cho tới năm 1970. Lúc mới vừa lên trung học đệ nhất cấp, Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ. Theo lời những người bạn cùng trường lúc đó, thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã rất hay từ nhỏ. Lúc đó Nguyễn Tất Nhiên thành lập thi văn đoàn với bạn học là Đinh Thiên Phương, tên thật là Đinh Thiên Thọ. Cả hai thi sĩ học trò này cùng chung nhau xuất bản tập thơ Nàng thơ trong mắt năm 1966, khi đó Nguyễn Tất Nhiên được 14 tuổi. Trong tập thơ này Nguyễn Tất Nhiên lấy bút hiệu là Hoài Thi Yên Thi.
Thời gian này, Nguyễn Tất Nhiên đã gặp một cô gái người miền Bắc tên là Duyên và có với cô này một tình cảm nhẹ nhàng nhưng không thành công vì hoàn cảnh gia đình và cả tính nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên. Dù vậy, cô gái tên Duyên này cũng đã là cảm hứng cho ông sáng tác khá nhiều bài thơ.
Tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên đã bộc lộ từ lúc ông còn rất trẻ. Đầu óc của ông được miêu tả lúc nào cũng như mơ mộng suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả khi đang học. Bạn bè thời gian này gọi đùa ông là Hải Ngáo hay Hải Khùng khi cò người trông thấy và kể lại có một buổi sáng, Nguyễn Tất Nhiên đứng giữa ngã tư ở Biên Hòa như chỗ không người, bỏ tay trong túi quần nhìn lên trên trời mặt mày ngơ ngác.
Mối tình vô vọng với cô Duyên, nỗi đam mê, niềm đau khổ làm người đã tạo nên phong cách thơ của ông.
Duyên còn là cảm hứng bất tận, là nguyên mẫu nhiều bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên, khi anh ở độ tuổi đôi mươi. Những tưởng nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên sẽ chiếm trọn trái tim người đẹp khi tên cô ngân vang cùng nhạc Phạm Duy trong lòng bao người yêu mến. Thế nhưng, người đẹp tên Duyên và nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên vẫn đường hai lối rẽ. Sau này, họ cùng sống ở bên Mỹ, nhưng không biết có cơ hội nào gặp nhau không.
Cô gái xứ Bắc mang tên Bùi Thị Duyên ngày nào, nay sống tại Michigan, Hoa Kỳ. Sau này, qua những người bạn của Nguyễn Tất Nhiên, cô gái tên Duyên đã nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò áo trắng: “Tụi này học chung với nhau từ năm đệ tứ. Nhưng lúc đó, tôi ngây thơ, chưa nghĩ gì hết, còn Nguyễn Tất Nhiên nghĩ gì hay không thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14, 15 tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ mà Nguyễn Tất Nhiên nói là có ba bản chính. Một bản của Nhiên, một bản cho tôi và một bản cho ai tôi quên mất rồi. In ra khoảng chừng 100 quyển thôi. Tôi biết sự hình thành quyển thơ của Nguyễn Tất Nhiên chứ không phải không. Tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết, nhưng đó là chuyện thời mới lớn”.
Ở Biên Hoà thời ấy có rất nhiều nhà thờ. Là người theo đạo, Bùi Thị Duyên hay đi lễ, và những buổi sáng hay chiều, anh chàng làm thơ si tình Nguyễn Tất Nhiên thường ngồi trong quán cà phê bên đường để ngắm nhìn người đẹp đi ngang qua. Ắt hẳn đã nhận ra tình mình chỉ là đơn phương, thơ của ông viết cho Duyên đa phần là thở than, trách móc, có khi rất… dữ dội.
Bài thơ đầu tiên ông làm cho Duyên đã có tên là “Khúc Tình buồn”, sau đó nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bản nhạc “Thà Như Giọt Mưa” hầu như ngày nào cũng được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn, được giới học sinh, sinh viên mua, chép, chuyền tay nhau với tất cả sự thích thú vốn có của tuổi trẻ:
“Thà như giọt mưa
Vỡ trên mặt Duyên
Để ta nghe thoáng
Tiếng mưa vội đến
Những giọt run run
Ướt ngọn lông măng
Khiến người trăm năm
Đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên
Đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên
Đau khổ muôn niên”.
Với cái tên Duyên được “rêu rao” trong ca từ một cách thê thiết như thế, cảm xúc của người nghe như được nhân lên gấp bội, cho nên bản nhạc cũng như tên tuổi của Nguyễn Tất Nhiên nhanh chóng được lan truyền rất rộng rãi.
Tiếp sau bản nhạc đó, và ngoài tập thơ “Thiên Tai”, Nguyễn Tất Nhiên còn tiếp tục làm nhiều thơ “ai oán” cho Bùi Thị Duyên. Như bài “Duyên của tình ta con gái Bắc” với những câu… ấn tượng:
em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang
nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt!
và:
Nghe nói em vừa thi rớt Luật
Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!
(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
Thế nhưng, dường như trái tim của Bùi Thị Duyên vẫn không hề mềm sũng trước những bài thơ ướt át đó, thậm chí ngược lại đã có nhiều hờn trách từ phía gia đình bà dành cho nhà thơ tài hoa si tình.
Cả dư luận, trong khi thán phục, tìm đọc thơ của Nguyễn Tất Nhiên cũng bắt đầu tỏ ý phê phán ông “độc ác” với người-tình-không–trái-tim Bùi Thị Duyên. Để đến nỗi, khoảng năm 1973, Nguyễn Tất Nhiên thật sự mệt mỏi (chữ của ông hay dùng trong thơ) với cuộc tình tuyệt vọng của mình và làm bài thơ coi như là bài cuối cùng dành cho Duyên, trong đó ông “dũng cảm” tự nhận mình là một “tên quái đản”, là người “cầu danh vọng trên nước mắt người tình” như một tạ lỗi:
Năm năm trời… ta làm tên quái đản
Cầu danh trên nước mắt của người tình
Năm năm trời có nhục có vinh
Có chua, chát, ngọt, bùi, cay, đắng…
Có hai mái đầu chia nhau thù oán
Có thằng ta trút nạn xuốn vai em!
Năm năm trời… có một tên Duyên
Ta ca tụng, rồi chính ta bôi lọ
Tình ta đẹp nhưng tính ta còn nít nhỏ
Nên lỗi lầm đã đục màu sông
Nếu em còn thương mến tuổi mười lăm
Xin nuốt hận mỉm môi cười xí xóa
Hồn ta đẹp nhưng đời ta thảm quá…
Em xưa còn thắt bính…
Cũng trong thời kỳ Nguyễn Tất Nhiên học đệ nhất (lớp 12) và xuất bản tập thơ “Thiên tai”, ông có chú ý đến một cô bạn học chung trường khác tên là Nguyễn Thị Minh Thuỷ.
Minh Thuỷ cũng xinh xắn, dễ thương, học giỏi nhất trường, có thể nói là tài năng toàn diện, đặc biệt là hết sức dịu dàng. Đã biết chắc rằng tình yêu mình dành cho Duyên là vô vọng, Nguyễn Tất Nhiên tỏ ra săn đón Minh Thuỷ hơn. Vốn có bản tính dịu dàng, Minh Thuỷ không tỏ ra từ chối tình yêu của nhà thơ mà chỉ im lặng nửa nhận nửa không.
Cứ mỗi khi tan trường, đang đi bên cạnh cô bạn học, nhác thấy chiếc Honda của Nguyễn Tất Nhiên lạng lại từ xa là Thuỷ vội đẩy bạn ra phía ngoài, còn mình đi bên trong để tránh tiếp xúc trực tiếp. Những lần như thế, thư từ, quà cáp của nhà thơ được cô bạn nhận giúp và sau đó chuyển lại cho Thuỷ. Bà kể về thời đó: “Có lần anh ấy dúi vào tay bạn tôi một cái bọc và nói trước khi phóng xe đi: “Thuốc bổ óc đó, một cho Dung (tên bạn tôi) và một cho Thuỷ, ráng thức để mà học thi”. Tôi cũng cảm động, vui vui một chút. Anh chàng làm thơ mà cũng biết điệu đó chứ”.
Tuy vậy, khi thấy “hiện tượng” mối tình Nhiên Duyên rộ lên cả trường, cả tỉnh, cả miền Nam, Minh Thuỷ cũng rất dè chừng. Lần nọ, bà quyết định gom hết tất cả quà cáp, thư tình của Nguyễn Tất Nhiên lâu nay gửi cho mình đem đến nhà bạn, nhờ bạn trả lại hết. Sự kiện đó đã làm cho nhà thơ si tình chấn động. Ông viết ngay bài thơ “Kẻ tự đóng đinh tim” cho Minh Thuỷ:
Chiều em đi học về, thơm tóc thả
Áo eo suông trinh bạch cả giáo đường
Ta ngọt ngào gọi khẽ, người đi luôn.
Trong một bài khác, ông còn trách cụ thể về việc Minh Thuỷ đã từng nhận thư, quà của ông như sau:
Ta vẫn nhớ trưa nào em ngồi hát
Ta thèm hôn lên mắt tiểu thư buồn
Ta vẫn ăn năn những lúc đón đường
Em khó chịu mà thư nào cũng nhận!.
Cũng là thơ hờn trách nhưng có gì nhẹ nhàng, đằm thắm hơn chứ không “phẫn uất” như thơ viết cho Bùi Thị Duyên, vì Nguyễn Tất Nhiên đã nhận ra vẻ dịu dàng “Em hiền như ma soeur” của Minh Thuỷ. Phải nói những bài thơ ông viết cho Minh Thuỷ tình tứ, cảm động hơn, dù “chuyện tình” này không ồn ào như với Bùi Thị Duyên. Hình ảnh thắt bính tóc của Minh Thuỷ đi vào thơ ông thơ mộng lắm, ngay cả khi có nguy cơ hai người chia tay:
Em không còn thắt bính
Nuôi dưỡng thời ngây thơ
Anh không còn luýnh quýnh
Giữa sân trường trao thư.
Em thường hay mắt liếc
Anh thường ngóng cổ cao
Ngoài đường em bước chậm
Quán chiều anh nôn nao
Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao.
Hai năm trời mùa lạnh
Hai đứa cùng hư hao.
Bài thơ này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát nổi tiếng Hai Năm Tình Lận Đận.
Lên đại học, Nguyễn Tất Nhiên vào học Luật khoa, Minh Thuỷ vào Vạn Hạnh, Sài Gòn. Từ đó, hai người hầu như không còn gặp nhau. Thế nhưng, thỉnh thoảng trên báo, ông vẫn có thơ cho Minh Thuỷ, như đoạn thơ dưới đây là một, vẫn da diết lắm:
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng vẫn ướt đôi đầu
Tình yêu không đáng lắm
Nhưng đủ làm… tiêu nhau.
Em tính còn ham chơi
Lưng ngoan dòng tóc bính
Môi trinh hay thích cười
Chiều chiều ra giỡn nắng
Tình trôi kệ tình trôi?
Đến năm 1975, biến động của thời cuộc đã vô tình đẩy Minh Thủy và Tất Nhiên gặp lại nhau ở tại quê hương Biên Hòa. Sự thay đổi quá nhanh và đột ngột của hoàn cảnh đã khiến trái tim một thi nhân điên tình, say tình như Nguyễn Tất Nhiên ngủ yên và bình lặng. Nó đã làm nguội sự bốc đồng của một chàng trai trẻ một thời. Hai người đến với nhau thanh thản, hiểu đời hơn và tình yêu từ đó cũng được hồi sinh trở lại.
Năm 1978, họ chính thức làm đám cưới. Tuy nhiên, với một tâm hồn quá mẫn nhạy, thậm chí hơi khác thường, ngay cả khi chuẩn bị chuyển từ vị trí người tình thành người chồng, Nguyễn Tất Nhiên vẫn có những bài thơ dự cảm rằng mình không xứng với sự dịu dàng, hiền ngoan, với kiểu “con nhà gấm lụa thánh hiền” của Minh Thuỷ. Nghe người ta chúc “trăm năm hạnh phúc” ông cũng lo nghĩ. Ông viết:
Phu thê nếu đã nợ rồi
Thì tôi đâu ngại ngỏ lời yêu em
Như con chim mới tập chuyền
Bâng khuâng gấm lụa thánh hiền em ra
Mặt trời rực rỡ phương xa
Ở đây hạnh phúc chỉ là đau thương
Phu thê nếu đã buộc ràng
Thì xin nhẫn nhục cưu mang vợ chồng
Tôi quanh năm sống hoang đàng
Cũng xin nhỏ lệ hoàn lương, khóc tình.
Với những bài thơ viết cho người vừa thành vợ của mình, dễ thấy Nguyễn Tất Nhiên yêu Minh Thuỷ thật tình thứ tình yêu không còn ai oán, hờn trách, hơn thua như xưa nữa mà đong đầy mặc cảm, lo lắng, làm như tạng người ông thì chỉ yêu thôi chứ đừng cưới, khi yêu thì “hùng hổ” nhưng khi cưới thì “ăn năn”. Như bài “Uyên ương” cái tựa thơ đã rõ là nói về tình vợ chồng, nhưng sao mà… hoài tiếc, thổn thức với những gì đã qua:
Có những chiều muốn hôn em rồi khóc
Mùa bình an nào chờ đợi uyên ương?
Với tính cách khác thường của Nguyễn Tất Nhiên như thế, quả nhiên cuộc sống của họ không hạnh phúc lắm, chủ yếu là do “tính nết hoang đàng” cố hữu của Nguyễn Tất Nhiên như ông thường tự nhận, toàn là “nhẫn nhục cưu mang vợ chồng”. Dù đã có với nhau hai con trai, nhưng hai người thường xuyên có những cuộc “di cư” mỗi người một nơi mỗi khi trong nhà có “giông bão”. Năm 1992, trong một lần Minh Thuỷ dẫn hai con “di cư” như thế thì nghe tin Nguyễn Tất Nhiên đã tự kết liễu đời mình trong một ngôi chùa ở California, Mỹ
Chính Minh Thuỷ cũng không tin ông chọn giải pháp đó dù quá biết tính cách khác thường của ông. Vì những chuyến “di cư” như thế, đối với bà, chỉ là cách để ông “biết điều” hơn với vợ con mà thôi, nhưng than ôi, “chính vì em mà thiên tài chán sống”, ông đã từng cảnh báo như thế trong một bài thơ thời còn độc thân rồi mà…
Bà Minh Thuỷ cũng có làm thơ, bà đã viết cho mối duyên nợ mỏng với người chồng nổi tiếng bài thơ này:
trên xa lộ, thoáng bàng hoàng
khói xe như loãng giữa làn thu phong
hoa lau nở, trắng một vùng
phất phơ gió sớm mịt mùng heo may
nắng, mưa dệt nối tình dài
một mùa thu vẫn còn hoài dấu xưa
ơn ai, trời biếc, mây đưa
ơn ai, hơi giá cho vừa nhớ nhau
nhớ ai, sáng biển dạt dào
chiều vàng nắng núi, đêm sao lưng đèo
một mùa yêu đã cho nhau
nụ cười chia, sớt khổ đau cũng nhiều
nợ tình mỏng, mà nặng đeo
mỗi thu như mỗi dày theo tuổi đời
hơi may gợn, nhắc bồi hồi
một bờ mây, đã, cuối trời quan san…
Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ
Ngoài mối tình nổi tiếng tên Duyên và người vợ Minh Thủy, xen kẽ trong đó thì Nguyễn Tất Nhiên còn một nàng thơ khác, là cảm hứng để ông viết Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, đó là Hoàng Thị Kim Oanh. Cô gái này sinh trong Nam nhưng bố mẹ gốc Bắc. Cô Oanh học thua ông hai lớp, gia đình có quán cafe nổi tiếng một thời tên là “Ca Dao”. Kim Oanh có một thời để tóc demi garcon.
Cô Kim Oanh kể rằng khi xưa cô hiền lành, nhưng không khờ khạo đến mức không biết có nhiều cây si trước ngõ nhà mình. Nhưng điều đó chỉ khiến cô mỗi lúc một ngại ngùng giao tiếp. Dần dà, cô sống khép kín tựa chim non trong chiếc lồng son. Nhà của cô đông con, nhưng các anh chị em rất thuận hòa, hết lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Với suy nghĩ non nớt lúc bấy giờ, như vậy đã quá đủ cho cuộc sống riêng.
Thật ra, cô Oanh không thuộc tuýp người lãng mạn. Ngoài tình thương yêu của ba mẹ và anh chị em trong gia đình, cô gần như không có nhu cầu tình cảm nào khác. Khi được hỏi rằng cô có biết mình là nguyên mẫu trong bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên, thì Kim Oanh nói: “Có biết, nhưng hồi đó sợ muốn chết luôn…”
Biết Kim Oanh thích đọc sách, Nguyễn Tất Nhiên tặng nhiều quyển sách bìa cứng bọc gáy vàng rất đẹp. Ông cũng tặng Kim Oanh nhiều cánh thiệp xinh xinh vào những dịp lễ, hoặc thậm chí là không nhân dịp gì cũng tặng. Đặc biệt là nhà thơ luôn tặng cô Oanh những bài thơ tình còn… nóng hôi hổi, ngay khi thơ xuất hiện trên các trang tạp chí học trò. Tuy nhút nhát và kiệm lời, nhưng cô tiểu chủ cà phê Ca Dao luôn cư xử đúng mực với khách hàng đến quán.
Trước ngày sang Pháp, Nguyễn Tất Nhiên mang đến cho cô Oanh một va-li đầy sách quí “Em giữ sách cho anh…”. Sau khi Nguyễn Tất Nhiên ra đi, một phụ nữ trẻ tìm đến và đưa cho cô Oanh bức thư tay, bảo do Nguyễn Tất Nhiên gửi. Nội dung thư, ông nhắn cô Oanh giao va-li sách cho người cầm thư. Cô thoáng băn khoăn, vì nét chữ trong thư không giống nét chữ nhà thơ thường xuyên gửi. Nhưng vốn cả tin, cô đã giao va-li sách cho người phụ nữ – mà đến tận bây giờ, cô vẫn chưa biết rõ người là ai và từ đâu đến? Cô đã để lạc mất những quyển sách quí, như món quà từ biệt của Nguyễn Tất Nhiên trước ngày ông xa xứ. Chỉ vì “cô Bắc kỳ nho nhỏ” ngày xưa ấy, nào biết chi “toan tính chuyện lọc lừa”, như Nguyễn Tất Nhiên từng lên án… một người con gái Bắc khác.
Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ
Đôi mắt tròn, đen, như búp bế
Cô đã nhìn anh rất … Bắc Kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Để anh đừng uổng mớ tình si
Anh vái trời cho cô thích mộng
Để anh ngồi kể chuyện nằm mơ
“Đêm qua có một chàng bươm bướm
Nguyện chết khô trên giấy học trò “
Anh chắc rằng cô sinh trong nam
Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng?
Khi nghe ai luyến thương Hà Nội
Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng
Anh vái trời cho cô dửng dưng
Coi như Hà Nội – xứ hoang đường
Để anh còn dắt cô đi dạo
Còn rủ cô vào rạp cải lương
Anh vái trời cô thích cải lương
“Thích kẻ anh hùng diệt bạo tàn”
Mốt mai thê thảm quanh đời sống
Cô sẽ còn đôi chút lạc quan
Đôi mắt tròn, đen, như búp bế
Cô nhớ nhìn thiên hạ lận lường
Mà hãy nhìn anh cay lắm chuyện
Nhưng còn con trẻ chuyện yêu đương
nhacxua.vn biên soạn