Người uống rượu đỏ mặt dễ bị ung thư?
Ít ai trong chúng ta không từng biết một người có đặc tính “lạ”: uống rượu, dù chỉ là một vài hớp bia, mặt họ sẽ đỏ bừng lên. Thật ra chứng này không có gì là “lạ” vì nó xảy ra thường đến nỗi người Mỹ có danh từ cho chứng này đàng hoàng: “Asian flush.”
Cơ quan National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism của Mỹ đã nghiên cứu về chứng đỏ mặt này và nói rằng có tới 1 phần 3 dân Á châu bị đỏ mặt sau khi uống rượu. Thông thường thì họ không những bị đỏ mặt mà còn bị nhức đầu, buồn nôn và tim đập nhanh khiến họ rất khó chịu.
Nguyên nhân của chứng này là do di truyền. Nạn nhân không có khả năng tiêu hóa chất ethanol trong rượu. Thường thì chất ethanol được các phân hóa tố từ gan biến đổi trước tiên thành một chất độc là acetaldehyde, chất này gây ung thư nơi thú vật bằng cách hủy hoại DNA và các hiệu ứng khác. Sau đó, acetaldehyde mới được biến đổi tiếp thành một chất vô hại là acetate. Người bị chứng đỏ mặt khi uống rượu bị một khuyết điểm di truyền là không có phân hóa tố ALDH 2 nên không thể biến dưỡng chất độc acetaldehyde thành chất vô hại acetate. Do đó chất độc acetaldehyde sẽ tích tụ trong máu, gây triệu chứng nở mạch máu khiến mặt và tai họ đỏ bừng.
Một số người còn có tới hai phiên bản của cái gene khiếm khuyết khiến triệu chứng đỏ mặt của họ nặng đến nỗi họ không thể nếm một giọt rượu nào cả. Người chỉ có một phiên bản thì có thể chịu đựng nổi và vẫn có thể uống rượu.
Tuy nhiên, đây mới là mấu chốt của vấn đề. Người thiếu ALHD2 có nguy cơ cao sẽ bị ung thư thực quản nếu họ uống rượu. Càng uống nhiều rượu thì nguy cơ càng cao.
Một nghiên cứu cho thấy một người với chỉ một phiên bản của gene khiếm khuyết, khi uống 2 lon bia một ngày sẽ có nguy cơ bị ung thư thực quản cao gấp 10 lần so với người có thể tiêu hóa rượu bình thường.
Nhiều người gốc Á châu không xa lạ gì với chuyện bị đỏ mặt khi uống rượu nhưng ít người biết rằng việc uống rượu bị đỏ mặt như vậy có liên hệ mật thiết tới nguy cơ ung thư thực quản, một trong những loại ung thư gây tử vong cao nhất trên thế giới.
Người gốc Á châu nên cẩn thận hơn trong việc uống rượu nếu họ bị đỏ mặt vì số lượng độc chất acetaldehyde được tạo ra trong khắp cơ thể.
Coi chừng: Tiếng động nghe trong đầu có thể là bệnh thật chứ không phải tưởng tượng
Một cô người Anh nọ sau khi đi nghỉ hè ở Peru về bỗng nhiên nghe trong đầu mình có tiếng rào rào. Sau khi khám bệnh cho cô xong, các bác sĩ cho biết cô đang bị một đám dòi sống trong lỗ tai cô tấn công.
Cô Rochelle Harris, 27 tuổi , nhớ lại rằng cô có lấy một con ruồi từ lỗ tai ra khi cô đang ở Peru nhưng rồi quên đi cho đến khi cô bắt đầu bị nhức đầu và đau một bên mặt khi về đến Anh. Một hôm, khi thức dây, cô thấy gối bị thấm mủ. Nghĩ rằng mình bị viêm tai, cô đến nhà thương để khám bệnh. Bác sĩ đã tìm thấy một đám dòi nằm trong một cái lỗ trong ống tai của cô. Họ dùng dầu ô liu bơm vào ống tai để làm trôi đám dòi ra khỏi tai.
Cô Harris cảm thấy rất sợ hãi, “Không biết chúng có vào óc tôi không? Mấy tiếng đồng hồ chờ bác sĩ lấy dòi ra khỏi tai là những tiếng dài nhất trong đời tôi. Lúc đó tôi vẫn còn cảm nhận được chúng, nghe chúng và biết được những tiếng động đó là cái gì, cái nhột nhạt trong tai ấy là cái gì, eo ơi, kinh quá...”
Sau khi dầu ô liu không làm cho mấy con dòi ra khỏi ổ, bác sĩ phải giải phẫu và lấy ra được 8 con dòi, con cháu của một con ruồi giống New World Army Screw Worm.
Hát Happy Birthday làm bánh sinh nhật ngon hơn!
Không biết có người lớn nào thích tổ chức sinh nhật để được đứng cạnh một chiếc bánh sinh nhật nghe mọi người “gào” bài happy birthday. Nhưng ăn bánh thì đa số đều thích. Một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng thực hiện một nghi lễ trước khi ăn - giống như nghi lễ hát happy birthday trước khi cắt bánh - thực sự làm cho hương vị thức ăn tốt hơn.
Hầu hết chúng ta đều làm những “nghi lễ” như vậy - và không chỉ vào ngày sinh nhật - mà không nhận ra, thí dụ như cụng ly và nói “dô” trước khi nốc rượu. Trên thế giới, nhiều nền văn hóa khác đã tìm ra việc này – như việc chuẩn bị và trình bày của “lễ trà” truyền thống của Nhật Bản.
Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu tuyển chọn 52 người và cho họ ăn một thanh chocolate. Khoảng một nửa số người đã được hướng dẫn làm một “nghi lễ” trước khi ăn: bẻ hai thanh chocolate mà không mở giấy bọc, mở giấy bọc của nửa thanh và ăn, sau đó mới mở giấy bọc của nửa kia và ăn. Những người khác thì chỉ cần ăn kẹo như bình thường. Kết quả là những người đã thực hiện một nghi lễ nào đó trước khi ăn nói rằng họ thích thanh chocolate hơn những người ăn một cách bình thường. Họ cũng ăn thanh kẹo chậm hơn và nói rằng họ sẽ phải mua thêm. Và điều này không chỉ áp dụng cho kẹo: thí nghiệm dùng nước chanh và cà rốt cũng cho kết quả tương tự.
Làm sao giảm hay ngừa chứng hôi miệng
Hôi miệng có nhiều nguyên nhân. Sau khi thử những cách sau đây, nếu không hiệu quả chút nào, có thể bạn phải đi khám bác sĩ hay nha sĩ để tìm nguyên nhân.
- Đánh răng sau khi ăn. Giữ một bàn chải đánh răng tại nơi làm việc để sử dụng sau khi ăn. Đánh răng với kem đánh răng có chứa fluoride ít nhất hai lần một ngày, đặc biệt là sau bữa ăn. Kem đánh răng có tính chất kháng vi trùng, đã được chứng minh là làm giảm hôi miệng.
- Dùng chỉ nha khoa (floss) ít nhất một lần một ngày. Dùng chỉ nha khoa đúng cách để loại bỏ các hạt thức ăn và mảng bám giữa răng, giúp kiểm soát hơi thở hôi.
- Nạo lưỡi. Lưỡi là môi trường nuôi dưỡng vi trùng, vì vậy nạo lưỡi để giảm bớt những chất bám vào lưỡi, có thể làm giảm mùi hôi. Những người bị lưỡi trắng do vi trùng phát triển quá mức, thí dụ từ hút thuốc lá hoặc bị khô miệng, có thể bớt bị hôi miệng khi dùng cạo lưỡi hoặc sử dụng một bàn chải đánh răng có gắn dụng cụ làm sạch lưỡi.
- Giữ sạch răng giả hoặc các thiết bị nha khoa. Nếu bạn có cầu răng hay hàm răng giả, nên làm sạch kỹ ít nhất một lần mỗi ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ nha khoa của bạn. Nếu bạn đeo miếng giữ răng (retainer) hoặc miếng bảo vệ miệng (mouth guard), nên làm sạch chúng trước khi đặt vào trong miệng. Nha sĩ có thể giới thiệu các sản phẩm làm sạch tốt nhất cho bạn.
- Tránh khô miệng. Để giữ miệng ẩm, tránh hút thuốc lá, và uống nhiều nước - cà phê, nước giải khát hoặc rượu có thể làm miệng khô hơn. Nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo (không đường) để kích thích nước bọt. Đối với chứng khô miệng mạn tính, nha sĩ hoặc bác sĩ có thể kê toa mua nước bọt nhân tạo hoặc một loại thuốc uống kích thích nước bọt.
- Điều chỉnh cách ăn uống. Tránh các loại thực phẩm như hành tây và tỏi có thể gây hơi thở hôi. Ăn nhiều các thực phẩm có đường cũng được liên kết với hơi thở hôi.
- Thường xuyên dùng bàn chải đánh răng mới. Thay đổi bàn chải đánh răng của bạn khi nó bị sờn, mỗi 3-4 tháng, và chọn bàn chải mềm.
- Khám nha khoa thường xuyên theo định kỳ, thường hai lần một năm, để kiểm tra và làm sạch răng hay răng giả.
BS Nguyễn Thị Nhuận