Mùa Xuân Và Nụ Cười Giác Ngộ
Thích Nữ Hằng Như
-------------------
Thời gian ở thế giới Ta-Bà này được người ta xếp một năm gồm ba trăm sáu mươi lăm ngày. Trong ba trăm sáu mươi lăm ngày lại được chia thành bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Xuân là mùa bắt đầu một năm mới tràn đầy sức sống của vạn vật. Mùa Xuân được người ta mô tả là một mùa mà cảnh vật hết sức thắm tươi, là một mùa có muôn hoa đua nở, cành lá đâm chồi nẩy lộc sau một mùa Đông hoang tàn trơ cành trụi lá. Người đời so sánh mùa Đông là mùa của sự chết, mùa của lạnh lẽo, mùa của hoàng hôn. Đi xa hơn mùa Đông là mùa sau cùng còn sót lại của một kiếp người đã tới tuổi xế chiều. Không còn bao lâu thời gian nữa... là trời sẽ tối. Khi màn đêm của tuổi xế chiều đến rồi, thì buộc lòng phải giả từ cõi sống này để đi về với cát bụi, cho dù người đó muốn hay không muốn. Điều này Đức Phật đã cảnh báo rồi. Con người hay vạn vật đều phải chịu quy luật sanh, già, bệnh, chết hay sinh, trụ, hoại, không... và ngay khi đó trở thành một cái gì khác bắt đầu cho một đời sống mới trong tương lai, như tiễn đưa mùa Đông để đón chào mùa Xuân mới chẳng hạn!
Đối với cái nhìn của người liễu đạo thì con người hay vạn vật sống qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cũng giống như trải qua chu kỳ Sinh, Trụ, Hoại, Diệt và Sinh thành cái khác. Nhưng tích cực hơn người sống đạo không xem mùa Đông là mùa của sự chết, mà xem đó là mùa cây cỏ hoa lá đang thu hút tất cả những tinh hoa trời đất, cất giữ vào một nơi chốn trong tận cùng lõi cây. Khi sức sống tràn đầy thì sẽ vươn thân, uốn cành, đâm chồi, nẩy lộc, mọc lá, nở hoa mang hương sắc đến cho cuộc đời. Lúc bấy giờ người ta đặt cho tên thời gian này là mùa Xuân.
Là thành phần sống trong vũ trụ, chúng ta đã hơn mấy lần trải qua Xuân, Hạ, Thu, Đông. Khác với loài cỏ cây, chúng ta là những sinh vật có bộ óc biết suy nghĩ, có tâm tình xúc cảm trước niềm vui nỗi khổ đang quấn chặt một kiếp người. Đâu phải mấy tỷ người trên thế giới này đều hân hoan chào đón một mùa Xuân với tâm trạng vui tươi hạnh phúc, như những áng văn chương thường được mô tả trên sách vở. Còn có bao nhiêu người đang sống co ro lạnh lẽo ngoài trời bụng đói queo đói quắt. Còn có biết bao nhiêu kẻ đang quằn người ôm mặt khóc khi phải đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Hoá ra khuôn mặt Xuân của mỗi người mỗi khác không ai giống ai. Và nụ cười Xuân cũng thế. Mặc dù nụ cười thường được mô tả là biểu hiện của sự vui mừng, hạnh phúc, nhưng tại sao lại có người nói: "Rằng cười thì có cười nhưng chỉ là cười gượng, cười buồn đó thôi!".
Tại sao thế? Đã là cười mà lại là cười buồn, cười gượng ư? Thì ra, cười cũng có đủ loại cười, đủ dạng cười. Tóm gọn là cười thiệt và cười giả. Nhưng thế nào là cười thiệt và thế nào là cười giả đây?
Nụ Cười giả tạo của kẻ Phàm Phu
Nụ cười giả tạo là nụ cười không thật, vì nụ cười đó không biểu lộ thật tâm trạng của người cười. Có người nhoẽn miệng cười chào mình trông rất tươi, mà thật ra trong lòng người ta đang không vui hoặc là người ta không mấy ưa thích mình nhưng vì xã giao phải mĩm cười chào mình đó thôi! Có những nụ cười biểu lộ sự vui sướng, nhưng rồi nụ cười đó cũng qua mau vì niềm vui sướng đó không còn tồn tại trong lòng họ nữa. Sống ở đời con người ta xử dụng nụ cười trong mỗi lúc, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần những nụ cười đó thường giả dối vì nó luôn tuân thủ theo sự sai khiến của cái Ta, cái Ngã. Mà cái Ta cái Ngã này bản chất nó không thật thì nụ cười của nó làm sao thật được!
Người ta hay đặt tên nụ cười nhiều lắm, chẳng hạn như cười ích kỷ, cười khinh bỉ, cười ác độc, cười hạnh phúc, cười đau khổ. Những kiểu cách cười này được mô tả như cười không hở răng, cười nhếch môi, cười không ra tiếng, cười gằn, cười khan, cười trong cuống họng v.v...
Đây là những nụ cười xảy ra hằng ngày của con người. Cười gằn, cười khan, cười ích kỷ, cười khinh bỉ, cười ác độc... là những nụ cười khiến cho người được ban cho một trong những nụ cười đó, cảm thấy phiền não khó chịu. Có khi người ta còn mang một nỗi buồn, nỗi hận lâu dài sau khi nhận nụ cười đó. Những kẻ thường ban phát những nụ cười ác độc như thế, là những kẻ đang tạo Nhân bất thiện. Tạo Nhân bất thiện thì sớm hay muộn gì cũng nhận Quả bất thiện. Còn những nụ cười hạnh phúc hay khổ đau là những nụ cười đang nhận Quả báo tốt hay xấu.
Như vậy, tất cả những nụ cười trong nhân gian đều là những nụ cười không thật, nó xảy ra qua lăng kính của Nhân Quả. Nụ cười Nhân Quả thì vô thường, lúc buồn, lúc vui, lúc thiệt, lúc giả. Nếu thế, thì có nụ cười nào thường hằng sống mãi theo thời gian bất tận hay không?
Nụ Cười của bậc Giác Ngộ
Mùa Xuân, đi chùa mọi người thường đến thắp nhang lễ lạy tôn tượng đức Phật Di Lặc được thờ bên ngoài Chánh điện. Phật Di Lặc là vị Phật tương lai, có hình dáng vui vẻ thoải mái, bụng to rắn chắc, có sáu đồng tử vây quanh, đứa ngồi trên đùi, đứa bám trên vai, đứa móc mũi, đứa che mắt, đứa nào khuôn mặt cũng xinh đẹp vui tươi nhưng không kém phần lém lỉnh. Trong nhà Phật sáu đứa nhỏ này chính là sáu lục tặc luôn năng động phá phách khiến cho tâm người tu tập không được an ổn. Sáu lục tặc đó là Nhãn thức, Nhỉ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức. Khi sáu căn Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý tiếp xúc với hiện tượng thế gian là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Nếu người tu tập không thu thúc lục căn thì khi lục căn tiếp xúc lục trần sẽ sinh ra chúng. Dù cho mấy đứa nhỏ này có quậy phá cỡ nào thì tâm của Ngài Di Lặc vẫn không lung lay. Sự bình thản an nhiên hiện trên khuôn mặt tròn trịa, nổi bật nhất là nụ cười. Nụ cười toe rộng rãi thoải mái không giấu giếm giữ lại bên trong điều gì. Ngày đầu Xuân chiêm ngưỡng nụ cười của Ngài chúng ta cảm thấy trong lòng lâng lâng vui vẻ và mang "Nụ Cười Di Lặc" về nhà với niềm mong ước an lành hạnh phúc cũng như may mắn suốt năm.
Bước vào chánh điện, ngước mặt thành kính chiêm ngưỡng tôn tượng đức Thế Tôn. Người ngắm nhìn có khi không thấy Ngài cười mà trông như Ngài đang cười bởi trên khuôn mặt thanh thoát của Ngài chan hoà một nét từ bi độ lượng không thể nghỉ bàn. Ánh mắt của Ngài không mở lớn mà đang lim dim chừng như không an trụ một chỗ nào ở thế gian này. Vậy mà chúng ta lại có cảm giác như Ngài đang nhìn thấu tâm cang của chúng ta. Hiện tại khuôn mặt đó, hai trái tai đó, ánh mắt, sóng mũi và đôi môi đó cũng như dáng ngồi thẳng lưng toạ thiền đó, chỉ là hiện thân của một pho tượng do nghệ nhân thế gian tạc thành, nhưng sao chúng ta lại cảm thấy một sự bình an, một niềm hạnh phúc xuất hiện ngay trong giây phút được chiêm ngưỡng pho tượng uy nghiêm không nói không rằng đang tĩnh toạ trên kia? T hì ra tôn tượng trên kia, nụ cười trên kia chính là Pháp thân của một bậc đã giác ngộ từ hơn 2,600 năm qua đang bàng bạc bao trùm khắp nơi. Cười mà như không cười mới chính là cười thật sự. Chỗ này là bài học nói về bản thể của vạn pháp là trống không, trống rỗng, có mà không có, không có mà có, thật là thâm thuý, phải tu tập như thế nào mới thâm nhập được sự vi diệu này đây?
Trước thềm năm mới
Trước thềm năm mới người sống ở ngoài đời hay người đang đi trên đường đạo. Ai cũng có nhu cầu quay về năm cũ để xem năm qua cuộc sống của mình như thế nào hầu sửa chữa hay bổ xung cho đời sống năm mới được tốt đẹp hơn. Là người chập chững đi trên con đường Tâm linh. Chúng ta còn có trách nhiệm tự kiểm điểm mình nhiều hơn. Con đường Tâm Linh là con đường tu tập từng chặng từng bước để tiến tới mục đích thoát khổ giác ngộ giải thoát.
Con đường tu tập để được giác ngộ giải thoát là con đường cực kỳ khó khăn, không phải một đời hay nhiều đời mà đạt được. Nhưng nếu nói khó rồi không làm thì chúng ta sẽ chẳng được gì cả. Hiện tại chúng ta là cư sĩ, không ai bắt buộc chúng ta phải buông bỏ tất cả như Thái Tử Sỹ-Đạt-Ta, nhưng ít ra chúng ta cần tu tập một số hạnh lành như sau:
- Đối với Tam Bảo, chúng ta đặt trọn niềm tin. Tin vào Tam Bảo là tin vào đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì Ngài là bậc đã hoàn toàn giác ngộ. Tin vào Pháp là tin và học những lời dạy của bậc Giác ngộ, thuật ngữ gọi là Phật pháp. Tin vào Tăng là tin và ủng hộ những vị xuất gia sống đời đạo hạnh, đang tiếp nối con đường của Đức Phật hoằng dương Chánh pháp.
- Học Pháp Phật phải hiểu rõ quy luật "Tương Quan Nhân Quả" và phải biết sợ "Nhân Quả Nghiệp Báo". Để tránh huân tập Nghiệp xấu, thường nhật chúng ta nên thực hành pháp "Tứ Chánh Cần". Đó là việc thiện chưa làm thì nên phát tâm làm. Nếu đã từng làm việc thiện thì nên tiếp tục làm thêm. Nếu việc ác chưa làm thì nhất định không làm dù là việc nhỏ. Còn đã lỡ phạm lỗi thì mau chấm dứt và không tái phạm.
Trong kinh, có ghi lại lời nhắc nhở của Đức Phật: "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo". Đây là lời huấn thị tuyệt vời hàm chứa lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca. Chúng ta cứ y theo mà phụng hành. "Không làm việc ác, thường làm việc lành. Giữ tâm ý trong sạch. Đó là lời chư Phật dạy". Chúng ta cùng nhau sống như thế, giữ được một ngày, tức chúng ta tạo Nhân tốt một ngày.
- Là thiền sinh, mục đích tu tập thiền của chúng ta là huấn luyện cái Tâm vốn hay vọng động, lăng xăng trở nên yên lặng, thanh thản. Khi đạt được định vững chắc thì huệ sẽ phát huy. Huệ này mới chính là trí huệ của chúng ta, không vay mượn của ai, dù là vay mượn của đức Phật hay của Thầy Tổ. Muốn được thế, lúc nào chúng ta cũng phải nghiêm chỉnh tuân theo lời Phật dạy tu tập theo phương pháp Tam Tuệ Học. Tam Tuệ Học là gì?
Đó là pháp tu tập để tự khai mở trí huệ của mình. Trước hết là Văn Tuệ: Nghĩa là phải thường nghe Thầy Tổ giảng Chánh pháp, hoặc thường đọc những lời Phật dạy trong kinh điển. Tư Tuệ: Là sau khi nghe giảng hay đọc bài kinh nào rồi, chúng ta cần phải suy tư, tìm hiểu thật cặn kẻ theo đúng Chánh pháp. Và sau cùng Tu Tuệ: Là tu tập thiền Định để kinh nghiệm thực chứng trên thân, tâm và trí huệ tâm linh.
Ngoài ra chúng ta cũng cần nghiêm chỉnh giữ Giới. Giới là những điều ngăn cấm của đức Phật dành cho chúng ta. Chẳng hạn như năm giới dành cho Phật tử tại gia là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không xử dụng những chất say nghiện. Giới là bộ áo giáp bảo vệ chúng ta không phạm những lỗi lầm tai hại, giúp chúng ta không sa ngã rơi vào con đường xấu tạo Nghiệp để phải chịu trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử.
Sự tu tập của chúng ta không đòi hỏi nhiều. Chỉ cần thực hành miên mật những điều trên thì sẽ có ngày chúng ta đạt được mục đích. Dù con đường còn dài không biết bao lâu mới tới. Tuy nhiên ngày nào chúng ta an trú trong các hạnh vừa nêu trên thì ngày ấy nụ cười của chúng ta không phải là nụ cười giả tạo của kẻ phàm phu, mà nụ cười của chúng ta là nụ cười của người có Tâm gần giống như Tâm bậc Thánh. Nụ cười của bậc Giác Ngộ là nụ cười của đức Phật đã thành. Còn nụ cười của chúng ta là nụ cười của Người Giác ngộ sẽ thành vậy.
Trước thềm năm mới chúng con kính cầu chúc quý chư tôn Trưởng lão, chư tôn Hoà Thượng và chư tôn Đức Tăng Ni khắp nơi luôn được pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, Phật sự viên thành. Chúng tôi kính chúc quý đồng hương độc giả và toàn thể quý Thiền sinh Phật tử khắp nơi được một năm mới bình yên khoẻ mạnh, tâm Bồ Đề kiên cố, chí tu học vững bền. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
Thềm Xuân Kỷ Hợi-2019