MÓN QUÀ ĐẦU NĂM
Bạn nghĩ coi, tôi phải làm gì đây? Nên đốt đi, đem cho người khác, hay đọc?
Như bạn đã biết, vợ chồng chúng tôi từng có cả ngàn tựa sách ở nhà, tích tụ từ mấy thập niên trước và từ vốn liếng của một thời mở một tiệm sách ở Stockton. Sau nhiều năm hít thở với đống sách chất trong nhà, dọn từ phòng khách qua phòng ngủ xong xuống garage, vợ chồng quyết định cắt đứt mối liên hệ với chữ nghĩa để khỏi vướng bận trên hướng đi mới. Chúng tôi hì hục khiêng sách tặng cho thư viện một mớ, giao bán ở nhà sách một mớ, và vất bỏ vào thùng rác mấy mớ. Vậy mà tới nay dưới garage vẫn còn cả trăm cuốn nằm ngay ngắn trên kệ, chưa biết tính sao cho phòng được thoáng hơn.
Ấy thế mà sách vẫn đến với tôi như duyên tiền nghiệp. Biết đâu chừng trong một kiếp nào đó, khi sống cô độc trên núi rừng trong một đời của một kẻ tiều phu, hay giữa ruộng đồng của một gã nông dân, (tôi không nghĩ trong một kiếp trước nào đó tôi từng sống trên đại dương như một người chài lưới, vì lý do đơn giản là kiếp này tôi không biết bơi, rất dễ bị say sóng mỗi khi bước lên tàu mặc dù rất mê biển), tôi đã từng ao ước được đọc sách để mở mang trí tuệ, để được thấy xa hơn cuộc sống cô quạnh của mình, nên kiếp này tôi đã cất công tích trữ sách trong nhiều năm trước khi quyết định chia tay với sách.
Nãy giờ tôi tâm sự như vậy vì sách mới vẫn đến với tôi hầu như mỗi tháng. Ngay trên bàn viết của tôi trong lúc này, bên cạnh máy laptop và tách cà phê (vâng, tôi thường ngồi viết với ly cà phê bên cạnh nhưng không còn cầm điếu thuốc trên tay với ánh mắt mơ màng nhìn ra cửa sổ như thời còn làm dáng cho giống ‘nhà văn’ thứ thiệt), là ba tựa sách tôi mới nhận được trong mấy tuần qua.
Cuốn đầu tiên là ‘Samadhi on Zen Gardens’ của hai tác giả Mizuno Katsuhiko và Tom Wright. Chưa biết dịch tựa sách sao cho chính xác hơn, nên tạm gọi là ‘Tâm Định Ở Vườn Thiền.’ Bạn nghĩ ra tựa nào hay hơn thì nhớ chỉ cho tôi biết, nha. Cuốn này là quà Giáng Sinh từ một ‘Ông Già Noel bí mật’ trong sở làm của tôi. Có lẽ qua thần giao cách cảm mà tác phẩm này đã đến tay tôi.
Tôi nói vậy là vì trong mấy tháng gần đây, mỗi khi nhìn ra sân vườn sau nhà tôi thường thở dài ngao ngán. Vườn gì mà cỏ dại mọc tùm lum, cây không tỉa tót rậm um tùm, sân chỗ dày cỏ chỗ khô cằn vì nước tưới không đều. Lần nào nhìn sân sau nhà là tâm tôi cũng rối loạn, nhảy nhót lung tung, chẳng ‘định’ được vào đâu. Xem sơ qua hình ảnh những vườn thiền bên xứ Nhật trong cuốn sách mới tặng ấy, tôi bắt đầu nghĩ tới một khái niệm nào đó mà tôi có thể thực hiện, làm một cuộc cải cách ‘nhớn’ cho sân bớt xô bồ như cuộc đời quanh đây.
Cuốn thứ nhì là truyện dài ‘Xóm Bầu Láng’ của tác giả Sơn Nam. Tác phẩm này là quà tặng từ một ký giả của báo Viễn Đông. Cô này chuyên viết về văn nghệ, phóng sự tuổi trẻ. Cô còn có tài làm thám tử, mới đọc qua một bài viết của tôi liền đoán ra gần ‘trúng phóc’ ngày sinh nhật của tôi và bèn tặng quà. Không chừng cô đang làm việc cho FBI hay CIA gì đó, vì có lần tôi thấy cô mặc áo mưa pa-đờ-suy dài y chang như áo thám tử mặc trong phim Hollywood thời xưa. Từ rày về sau chắc tôi phải cẩn thận hơn với những chi tiết trong bài viết của mình.
Cuốn thứ ba cũng là một món quà, từ một người bạn mà lâu lắm chúng tôi không gặp. Đó là anh bạn Nguyễn Nam An, một nhà thơ sống và sáng tác với nhiều tình cảm, có trí nhớ phong phú về một thời đi lính cùng các đồng đội của anh ở miền Trung Việt Nam trước năm 1975.
Sống với nghề viết, tôi từng có cơ hội được ‘chơi’ với hoặc gặp nhiều nhà văn, nhà thơ, và khám phá phần lớn những người có óc sáng tạo cũng thường có các thói quen, lối sống, hoặc cách hành xử khác lạ. Chuyện khác thường (hay bình thường?) đầu tiên của hầu hết người sáng tạo trong lãnh vực nghệ thuật đều có, đều sở hữu như vật bất ly thân là… nghèo. Rồi từ đó mỗi ông hoặc mỗi bà nghệ sĩ nhà mình lại đèo thêm một hoặc vài cá tính không giống ai. Anh bạn An của tôi chưa đến nỗi nghèo lắm về mặt tài chánh, nhưng cũng có cái khác thường. Tôi nói vậy dựa theo tác phẩm mới nhất mà anh vừa ‘thả’ trước nhà tôi.
Cuốn này có tới hai mặt bìa (tôi chưa dám gọi anh là thi sĩ ‘hai mặt’ vì anh ta to con hơn tôi), một bên mang tựa ‘Anh Biết Đà Nẵng Qua Mây’ của Nguyễn Nam An, bên kia là ‘Thơ’ của Bùi Ân và Dương Nổ do Quyên Book xuất bản. Lật tập thơ này theo chiều thẳng đứng thì sẽ thấy mỗi bìa hiện ra theo đúng ý muốn trình bày của tác giả (một hay ba người? chắc phải nhờ cô ký giả thám tử điều tra vụ này).
Bìa ‘Anh Biết Đà Nẵng Qua Mây’ được vẽ lên những dòng thơ từ trên mây rơi xuống trần gian, mà cũng có thể là hồn thơ phát lên từ cõi trần gian biến thành mây? Bìa ‘Thơ’ bên kia có hình ảnh xương lá khô mỏng, trong suốt vắt ngang với hai quả cây sao lơ lửng ở trên không. Hai tranh bìa rất nghệ thuật này do họa sĩ Mai Phương – Trầm Hương ở Utah trình bày. Toàn cuốn sách chứa đựng khoảng 400 bài thơ.
Điều làm tôi chú ý đến tập thơ này lại không nằm trong sách, mà trong tin nhắn Nguyễn Nam An gởi vào máy điện thoại của tôi. Hôm qua, lúc bận viết ở trong phòng, tôi chợt nghe tiếng chó sủa ở ngoài sân. Con Kiwi vẫn thường sủa mỗi khi có người phát thư hoặc có chó đi ngang trước nhà, nên tôi chỉ lắng nghe một chút rồi trở lại phím chữ khi biết nó ngưng sủa. Một hồi sau vợ tôi đi chợ về, thấy có phong bì lớn để trước cửa liền mang vào nhà. Mở phong bì ra xem mới biết Kiwi đã sủa vì anh bạn có ghé để tặng sách mới.
Đến buổi trưa, tôi nhận được tin nhắn với nội dung như sau: “Hồi sáng có ghé ngang nhà gửi cuốn sách, vì chở Má không tiện ghé lâu nên không bấm chuông. Sorry. Bà già lúc này phải trông chừng 24 giờ mỗi ngày, nên không đi đâu được.”
Xem xong tin nhắn tôi thấy thương bạn. Mẹ của An đã trên tám mươi tuổi. Chuyện gia đình riêng vẫn được An lo toan hết mọi thứ, theo dõi từng giai đoạn trưởng thành của các con. Rồi còn chuyện đi làm kiếm sống ở hãng xưởng. Vậy mà An vẫn dành được nhiều thời giờ để chăm sóc người mẹ già yếu mà An luôn nhắc đến với sự thương yêu vô hạn.
Nghĩ đến điều đó, tôi lật tìm trong tập thơ ‘Anh Biết Đà Nẵng Qua Mây’ để ghi lại một vài bài thơ nói về mẹ của An cho bạn được biết.
Giao Thừa Má Má Con Con
[tặng Mẹ đêm Giao Thừa xa xứ]
chờ giao thừa má với con
ngồi cụng cụng má kể hồi còn thơ
má về con đó ngồi chờ
mong năm mới lại được giờ ngồi nghe
giao thừa con, má tiếng xe
chạy từ quê ngoại rề rề đến đây
nơi trú thân thị trấn này
đêm nghe pháo đợi mai ngày tân xuân
tôi lớn lên cứ xa dần
những giao thừa nhỏ ân cần má, con./.
Đây là một bài khác:
Mẹ Những Ngày Tám Mấy
bây giờ mẹ ngó trong gương
không biết mình đó nỗi buồn của con
thứ hai thức dậy lên đường
nghe yên chợt nhớ mà thương phận người ./.
Giữa những hoài niệm về quá khứ thời học trò ở Đà Nẵng, thời chinh chiến, có lẽ kỷ niệm tình mẹ con của Nguyễn Nam An dễ làm cho tôi xúc động nhất từ tập thơ gồm ba tác giả của anh.
Đó, bạn thấy không. Nói là không muốn dính líu với văn chương, không còn muốn đọc sách, chẳng thèm dính dáng gì thêm với sách vở, tôi nhận ra mình vẫn trân quí chữ nghĩa qua ba món quà với nội dung khác nhau. Có lẽ sách vở chỉ là phương tiện để bày tỏ tấm lòng quí mến mà tôi đã nhận được. Nghĩ vậy tôi bỗng muốn tự dành cho mình một chút thời gian trong mấy ngày đầu tiên của một năm mới, để đọc những món quà mới nhận, như tôi từng ao ước từ một kiếp nào.
Hoàng Mai Đạt
nguồn: “https://hoangmaidat.wordpress.com.”