Chuyện Trước Ngày 30 Tháng Tư, 1975
Ông Châu dựng chiếc xe gắn máy trước cửa, bước vào nhà, thấy hai chị em Ngà, Ngọc, cô thì vo gạo, cô đang nhặt rau, ông hỏi:
- Mẹ đâu, sao hôm nay 2 cô con gái của Ba phải nấu cơm thế?
- Mẹ mới sang nhà bác Giáo khui hụi, Mẹ bảo chúng con lo cơm chiều, Mẹ sẽ về ngay
- Thế hôm nay hai cô cho cả nhà ăn món gì?
- Mẹ dặn chị Ngà nấu canh dưa chua thịt bò, con làm món chả trứng chiên thịt băm, hành, thì là, còn món thịt bò xào khoai tây thì đợi Mẹ về xào cho nóng, Mẹ sợ chúng con xào thịt dai …
- Thế còn: Nga, Ngân, Nguyệt. Chúng nó đâu cả rồi?
- Các em đang làm bài trong phòng Ba ạ
Đúng lúc, Bà Châu cũng vừa về đến nhà, bà vội vào bếp xào món thịt bò rồi dục các con dọn cơm. Trên bàn trải khăn xanh nhạt, một tô canh dưa cải chua nấu với thịt bò, cà chua; 1 đĩa chả trứng; 1 đĩa thịt bò xào khoai tây; thêm 1 đĩa rau sà lách trộn rau thơm, bắp chuối bào. Cả nhà 7 người cùng quây quần bên mâm cơm đầm ấm…
Ông Châu vừa gắp món ăn bỏ vào bát vừa gật gù
- Món ăn hôm nay ngon lắm, cơm canh vừa miệng, chả trứng thơm, dòn, thịt bò mềm lắm. Ba ăn được 3 bát cơm đầy đấy
- À! Ba quên hỏi các con chuyện này. Chiều nay lúc tan sở, Ba dắt xe ra từ bãi đậu, có mấy chàng trai trẻ cũng đến lấy xe, thấy Ba cả đám cùng cúi đầu gọi “Ba ơi, ba à ầm ỹ…”. Ba ngạc nhiên hỏi:
- Sao mấy cậu lại gọi tôi là “Ba”?
Một chàng nhanh nhẩu trả lời
- Vì con biết nhà Ba có 5 cô con gái?
- Tuy biết các cậu trêu chọc cho vui, nhưng Ba vẫn ngạc nhiên, không hiểu do đâu mà các chàng biết Ba có năm cô con gái nhỉ?
Nói xong ông nhìn quét 1 lượt 5 cô con gái đang ngồi chung quanh bàn ăn, mỉm cười rồi tiếp:
- Theo Ba nghĩ thì Ngân, Nga, Nguyệt còn nhỏ, chắc mấy chàng đó không dám để ý đâu, chỉ có 2 cô lớn là Ngà, và Ngọc thôi. Vậy cô nào quen mấy cậu trai tân đó nói Ba nghe nào?
Ngọc liến thoắng,
- Họ không biết con đâu, con đi học về đều ở trong nhà, vả lại con xấu xí, như con giai, không biết làm dáng, Ba có thấy con hay vui đùa, ca hát với đám thằng Quang, thằng Dưỡng như bạn trai với nhau không? Chắc chắn là chị Ngà rồi.
Ngà ngồi kế bên, nguýt Ngọc một cái dài, rồi la lên
- Con cũng chả biết mấy người đó là ai cả Ba ba ạ!
Bà Bích vội đỡ lời cho các con
- Ôi! Hơi đâu mà ông để ý, mình sống trong cư xá, đông đúc, nhà nhà san sát, ra vào gặp mặt nhau hàng bữa, nên quen nhau hết. Nhà mình lại có 5 cô con gái ai mà chẳng biết. Ăn thua con mình thôi.
- Ừ, thì tôi cũng biết thế, nên tôi muốn nhân đây dặn các con gái nhà mình vài điều thế thôi…
---*---
Di Cư (1954)
Ông Bà Châu di cư vào Nam trên chuyến máy bay 2 mình, từ Phi Trường Cát Bi, Hải Phòng bay thẳng về cư xá Không Quân Biên Hòa, tháng 7, năm 1954. Ngày đó ông bà chỉ mới có 3 cô con gái: Bích Ngà (14 tuổi), Bích Ngọc (10 tuổi) và Bích Ngân vừa lên 7. Một chuyến di cư tuy không vất vả nhưng rất buồn, ông bà đã bỏ lại sau lưng tất cả gia tài, sự nghiệp gầy dựng mấy chục năm qua, ra đi với 2 bàn tay trắng. Ban đầu, Bà Châu nhất định không chịu rời xa Hà Nội. Bà tiếc của và thương người chị gái (Bác Quản) sống 1 mình với 1 tiệm cao lâu đồ sộ đang hồi sầm uất, đắt hàng. Nhưng ông Châu thì nhất định phải đi. Ông ra đi vì tương lai cho cả nhà, ông biết chắc, nếu ở lại, ông rất khổ, sẽ bị đấu tố vì ông đang làm việc cho Pháp, hoặc sẽ bị bắt đi biệt tích như những người bạn cùng sở với ông. Rồi thì tài sản, nhà cửa cũng bị xung phong, và điều quan trọng nhất là tương lai các con của ông chẳng biết sẽ đi về đâu?
Vào Nam, gia đình ông được cấp cho 1 căn cư xá như mọi gia đình các bạn cùng sở, nhà gồm có phòng ăn, nhà bếp, phòng ngủ, phòng tắm, nhà vệ sinh, khá tiện nghi. Giữa những dãy cư xá có 1 cái nhà giặt lợp mái tôn rất rộng;một bể nước bằng xi măng thật to, có 2 vòi nước lớn chảy đầy hồ, nước từ bể lớn chảy xuống 1 cái bể nhỏ dài ở phía dưới để mọi người xả nước giặt quần áo… Sáng, chiều mấy chị em Ngọc, Ngà đều đem quần áo đến đây giặt và phơi trên giây phơi của từng gia đình, đã được phân chia rõ ràng. Cuộc sống tạm đầy đủ, êm đềm và vui lắm.
Nhà chỉ có một mình ông Châu đi làm, bà Châu lo việc nội trợ, nhờ bàn tay khéo léo và cũng nhờ đã được học thêu may từ những ngày còn trẻ, nên Bà may được nhiều kiểu quần áo và thêu hoa rất lạ, bà đan cho các cô con gái những tấm áo len tuyệt vời, màu sắc rực rỡ, các cô luôn được mặc những bộ quần áo do bà thêu cắt vừa vặn, lạ mắt, lại rẻ. Vì thế mà mọi người trong cư xá thường đến đặt bà Châu may, sửa quần áo, bà làm không kịp, nên phải chỉ dẫn thêm cho Bích Ngà tiếp tay. Hai mẹ con lãnh may quần áo cho toàn cư xá, nhờ thế cũng phụ giúp được thêm ít tiền chợ vào lương công chức của ông Châu, rồi Bà sinh thêm Bích Nga, vài năm sau Bà lại mang bầu, ông Châu vui mừng, hy vọng kỳ này bà sẽ sinh cho ông 1 mụn con trai nối dòng họ Lê. Nhưng rồi Bà Châu lại sinh thêm một thị mẹt nữa—"Bích Nguyệt”, và ông bà thôi, không dám nghĩ đến chuyện sanh con trai nữa. Gia đình 7 miệng ăn đã là 1 gánh nặng cho ông lắm rồi.
Các cô con gái càng ngày càng lớn, mỗi cô một cá tánh và sắc vóc khác nhau. Chị cả Bích Ngà, hiền lành, chịu khó, làm đủ mọi việc trong nhà. Cô là cánh tay phải của Bà Châu, thường giúp Mẹ khi Bà nhận may thêm quần áo cho hàng xóm, rồi khi có một số các anh độc thân, ở gần đề nghị Bà Châu nhận nấu cơm tháng, các chàng lấy cớ: đi làm về mệt mỏi ngại phải đạp xe ra các tiệm ăn, vừa xa nhà vừa không ngon, và cũng muốn giúp bà Châu thêm chút thu nhập vào gia đình. Nhưng có lẽ, điểm chính là các chàng muốn ngấm nghé đến cô Bích Ngà, con gái lớn của ông bà Châu. Ngà không đẹp sắc xảo, quyến rũ nhưng cô rất mặn mà, duyên dáng và hiền nhất so với các em. Thương ba mẹ vất vả, nhà thì đông miệng ăn, nên khi vừa xong lớp Đệ Lục thì cô bỏ học ở nhà phụ Mẹ vừa may vá và nấu cơm tháng.
Là chị cả, cô tự nghĩ: “học như thế cũng đủ rồi, cô cần phụ giúp Mẹ kiếm tiền để lo cho các em ăn học đến nơi đến chốn…” nhưng thật ra thì cô cũng chả còn đầu óc để học. Vì cô đã có người yêu, anh Thái, chàng Không Quân theo đuổi cô cả mấy năm nay, đang ngấp nghé xin ông bà Châu cho anh cưới Ngà. Bà Châu không bằng lòng, không phải bà chê anh Thái vì tánh tình, dáng vóc hay tư cách không tốt, trái lại, anh rất lịch sự, mềm mỏng, dễ thương, vấn đề ở đây là Tôn giáo. Bà Châu theo Đạo Phật, bà rất sùng bái, hay đi lễ Chùa vào những ngày Rằm và mùng Một. Bà ăn chay thường xuyên. Trong khi gia đình anh Thái gốc Thiên Chúa Giáo. Mẹ anh Thái buộc nếu cưới Ngà về thì cô phải học đạo ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm, rồi phải chịu lễ rửa tội, các con của hai người cũng đều phải rửa tội. Nên Bà Châu nhất định không chịu. Hai gia đình cứ lục đục mãi làm anh Thái và Ngà khổ sở, đành chia tay, vì buồn chán nên Ngà nghỉ học luôn.
Bích Ngọc được vào ngôi trường Trung Học lớn nhất tỉnh, cô may mắn thi đậu với chỉ số khá cao, rồi các cô Bích Ngân, Bích Nga, Bích Nguyệt cứ thế lớn dần theo ngày tháng, càng lớn càng xinh đẹp khiến các chàng trai lối xóm thường xuyên ngấp nghé, ông bà Châu càng nhức đầu khi thấy các con gái thi nhau trổ mã lớn xồng xộc. Ông Bà chỉ mong cho Bích Ngà mau có gia đình để các em nối gót theo sau.
Ông thường chép miệng bảo bà:
- Nhà có 5 đứa con gái lớn lồng lộng như thế này, như chứa bom nguyên tử, chả biết nổ lúc nào
Bà Châu cũng thở dài:
- Cũng tại tôi, ngày trước gía tôi đừng chấp nhất, cứ để cho cái Ngà lấy thằng Thái cho xong
Ông Châu an ủi
- Chắc tại chúng nó không duyên nợ với nhau chứ không phải lỗi tại bà đâu, bà đừng tự trách mình.
Rồi thì, ông Bà dành dụm được ít tiền bèn tìm mua một căn nhà gần Phi Trường và dọn ra khỏi cư xá cho thoải mái. Bích Ngọc vừa xong Tú Tài, cô thi vào Sư Phạm để trở thành cô giáo, cô quen anh Sinh Viên tên Khánh, chưa kịp ra trường thì anh đến xin hỏi cưới Bích Ngọc. Không chờ cho Bích Ngọc học xong, ông bà gả ngay vì không muốn cô lại bị lỡ duyên như Bích Ngà. Bích Ngọc lên xe hoa về nhà chồng năm cô vừa 20 tuổi, cô định lập gia đình xong, sẽ đi học lại, nhưng chỉ 1 năm sau cô sinh con gái đầu lòng, thế là cô đành bỏ mộng cô giáo, ở nhà chăm lo con cái, để lại một thời thơ mộng sau lưng, Khánh vào Không Quân, may mắn được làm việc tại phi trường Biên Hòa, tuy được cấp nhà ở trong cư xá sĩ quan, nhưng chàng lại mua căn nhà gần ông bà Châu để vợ con được gần cha-mẹ, chạy qua lại cho tiện.
Rồi năm sau Ngân cũng lập gia đình với Thịnh, chàng Sĩ Quan Bộ Binh, được 2 năm Thịnh bị thương trong một chuyến hành quân xa nên được giải ngũ, chàng xin vào làm công chức tại Ty Thuế Vụ cho đến ngày mất nước.
Chị Bích Ngà vẫn độc thân. Chiến tranh càng ngày càng lan rộng, VC pháo kích tới tấp, tấn công khắp nơi. Khánh bị cắm trại liên miên, VC đánh chiếm từ từ các tỉnh và pháo kích dồn dập, khi thì vào Phi Trường, lúc vào nhà dân, trường học. Đêm đêm nghe tiếng hỏa tiễn bay vèo vèo làm mọi người rùng mình không biết tai bay, vạ gởi sẽ đến nhà ai? Ông Bà Châu mướn người đào hầm phía sau vườn, mỗi lần nghe còi báo động thì cả nhà chui xuống hầm ngồi suốt đêm. Cứ thế mà dân chúng trong thành phố không ngày nào được yên ổn. và rồi VC lấn chiếm từ từ các tỉnh lân cận. Chiến tranh càng khốc liệt, ông bà Châu càng bồn chồn lo lắng, ông Châu cứ đi ra, đi vào thở dài thườn thượt. Ông như người mất hồn, lẩm bẩm nói với bà:
- Tình hình này rồi miền Nam lại rơi vào tay Cộng Sản mất thôi. Mình tưởng năm 1954 lìa bỏ Hà Nội vào đây là đã thoát, nào ngờ giờ đây chúng sắp lấy hết miền Nam, khổ đến nơi rồi.
Ông mất ăn, mất ngủ, người gầy dọc, xuống sắc. Bà Châu lo lắng thúc dục các con lo thu dọn đồ đạc sẵn, chờ xem tình hình ra sao? Rồi Khánh từ Phi Trường hối hả dục cả nhà lên xe, anh chở vào Phi Trường Tân Sơn Nhất rồi lên máy bay di tản sang Mỹ. Đó là ngày 27 tháng 4, 1975…
Nơi Đất Khách Sau Ngày Mất Nước (30/4/19750)
May mắn cho cả gia đình ông bà Châu vừa con gái, con rể, cháu ngoại cùng gia đình Khánh tất cả hơn hai chục người được đến Mỹ an toàn. Gia đình ông Châu vì đông người nên được một hội nhà Thờ bảo lãnh về ở Norfolk, thuộc Tiểu Bang Virginia.
Sau khi mọi thủ tục xong xuôi, các con rể, con gái đã có công ăn việc làm tạm đủ lo cho gia đình. Hai ông bà ở nhà chăm dùm đàn cháu cho vợ chồng Bích Ngọc, Bích Ngân đi làm. Bích Ngà cũng được nhà Thờ tìm việc cho cô làm cashier tại một Siêu Thị lớn gần nhà, lương lậu tuy ít ỏi nhưng cũng đủ phụ giúp vào gia đình để ông bà Châu đỡ vất vả lo tiền học cho 2 em gái Bích Nga và Bích Nguyệt vào Đại Học. Cuộc sống của một đại gia đình nơi xứ lạ quê người như thế cũng tạm ổn định.
Hàng ngày khi các con đi làm, Bà Châu lo cơm nước, ông chăm lo các cháu ngoại phụ bà, khi thì đưa đón chúng từ trạm xe bus về, lúc thì dạy dỗ bọn trẻ bài vở. Chiều tối thì cả nhà cùng quây quần cơm nước bên nhau thật vui nhộn. Sau cơm chiều thì vợ chồng Bích Ngọc, Bích Ngân đưa các con về, chỉ còn lại hai ông bà Châu ngồi nhìn nhau buồn hiu. Nga và Nguyệt đang nội trú ở trường Đại Học cách nhà 5-6 tiếng. Các cô chỉ về nhà vào dịp Lễ, Tết. Bích Ngà thì làm ca chiều, 10:00 giờ khuya cô mới về.
Ngày nào cũng thế, ban ngày nhờ bận rộn nên ông bà vui với các con cháu, nhưng khi mọi người ra về thì ông bà buồn lắm, nhất là ông Châu, cứ thấy nhà vắng vẻ, ông lại chép miệng than với bà:
- Chán qúa, tưởng thoát sang đây được thanh thản, bớt lo âu, nào ngờ còn bao nhiêu điều rắc rối. Không nghĩ thì thôi, chứ mỗi khi nghĩ đến tôi bần thần lắm bà ạ
- Có gì mà ông bần thần? Sang được đây, thoát được tay Cộng Sản là mừng rồi, ông còn lo lắng gì nữa?
- Không lo sao được? Bà chỉ vô tư chứ bà không thấy gì sao?
- Thấy gì nào? Ông này hay nghĩ vẩn vơ
- Đây này, để tôi nói cho bà nghe. Nhà 5 đứa con gái mà chỉ gả chồng được có 2 đứa, còn 3 đứa nữa vẫn trơ trơ kia kìa. Nga, Nguyệt thì còn đang đi học không nói làm gì, còn con Ngà mới đáng lo, năm nay nó đã 34 tuổi rồi chứ còn trẻ gì nữa? Ở đây làm sao nó kiếm được chồng?
- Ông khéo lo, tại chưa phải duyên chứ biết đâu đấy. Kệ nó, ông lo làm gì cho mệt trí
- Nhà có con gái khổ lắm bà không biết đâu. Mỗi lần tôi thức giấc nửa đêm, cứ nghĩ đến con Ngà thì tôi lo ngay ngáy
Bà Châu thông cảm với chồng, tuy bà trấn an cho ông yên tâm, chứ bà cũng lo không kém. Hằng đêm, khi thắp nhang trên bàn Thờ Phật bà đều van vái mọi sự yên vui đến gia đình bà và không quên khấn nguyện cho 3 cô con gái còn độc thân của bà chóng gặp được người chồng tốt. Bà càng hối hận vì ngày trước đã không chịu gả Bích Ngà cho người con trai ngoại Đạo. Càng nghĩ, bà càng trách mình qúa cố chấp và kỳ thị…
Riêng Ngà, cô hiểu nỗi lòng cha mẹ rất lo cho cô. Cô cũng buồn lắm. Cô càng buồn hơn khi nghĩ về mối tình của cô với Thái năm nào, tưởng đã thành, ai ngờ chỉ vì Tôn Giáo mà đành tan rã. Càng buồn cô càng chăm chỉ làm việc để quên, ngoài việc làm cashier cho tiệm thực phẩm, cô ghi tên đi học thêm để lấy GED cho xong chứng chỉ Trung Học mà cô đã bỏ dở hồi còn ở Việt Nam. Một hôm cô ghé ngang một tiệm bán đồ cũ để tìm mua vài bức tranh về treo tường. Bất ngờ 1 người đàn ông lạ đến bên hỏi cô bằng tiếng Việt làm cô giựt mình:
- Cô cần mua gì, tôi giúp cho
- Ông làm việc ở đây sao?
- Vâng, tôi đứng bán hàng cho tiệm. Cô mới đến Tiểu Bang này?
- Vâng, gia đình tôi vừa mới được bảo lãnh đến đây được 1 năm
- Nhà cô có gần đây không? ….
Dần dần hai người quen nhau, Tuấn, ngày trước là Trung Úy Hải quân. Ngày 28 tháng Tư, 1975 anh đang trên tàu đậu ở bến Bạch Đằng, khi VC pháo kích vào thành phố, một số người chen chúc lên tàu nên vị Thiếu Tá Thuyền Trưởng ra lịnh cho Tàu tách bến, thế là anh--một thân, một mình theo đoàn người trên Tàu ra khơi, và được bảo lãnh sang Mỹ bỏ cha, mẹ, anh chị em lại quê hương Đà Nẵng của anh…
Vài tháng sau, anh đến xin ông bà Châu cho anh cưới Ngà. Sang Mỹ vừa hơn một năm thì cô Ngà bước lên xe hoa về với anh Tuấn. Ông Bà Châu thở phào nhẹ nhõm vì vừa bớt được một mối lo.
Bà Châu nói với ông
- Thôi kệ, tuy hai đứa mới quen nhau, mình chưa kịp tìm hiểu tính tình thằng rể này ra sao mà đã vội gả con Ngà rồi, không biết có đúng không? Cầu mong cho các con hạnh phúc. Thật ra, con Ngà khá lớn tuổi rồi. Chả lẽ cứ giữ nó ở nhà làm gái già sao? Tôi sợ cản ngăn nó rồi sẽ như hồi thằng Thái lại lỡ duyên con
- Ừ! Thôi, tôi cũng nghĩ như Bà, nhà một đống con gái, gả được đứa nào thì mình đỡ nhức đầu bà ơi! Bây giờ nó có chồng thì chúng nó tự lo cho nhau.
Vợ chồng Ngà cũng mướn nhà ở gần để chạy qua, chạy lại như gia đình Bích Ngọc, Bích Ngân… Hai ông bà Châu thấy Bích Ngà yên bề gia thất rồi mà còn quyến luyến cha mẹ và gia đình các em nên ông bà vui lắm. Chỉ còn chờ hai cô Út và áp út lấy cho xong bằng Đại Học và tìm được người vừa ý để kết hôn nữa thì ông bà mới yên tâm.
Vài năm sau, Bích Nga tốt nghiệp Dược Sĩ được làm việc trong một Pharmacy gần nhà. Bích Nguyệt đã xong Cử Nhân Kinh Tế, cô cũng tạm nghỉ học, đi làm kiếm tiền để học lên lấy thêm bằng Thạc Sĩ, các cô đều có bạn trai, là những người các cô đã quen khi học chung Đại Học, và đem về ra mắt ông bà Châu. Ông bà hơi ngại ngùng vì hai chàng đều là người ngoại quốc, James bạn trai của Bích Nga và Robert, bạn trai của Bích Nguyệt.
Ông Bà Châu rất ngại gả con cho người Ngoại Quốc, tuy không nói ra nhưng lòng ông bà không vui, ông chỉ ước mong các con gái của ông kiếm được chồng đồng hương, cùng phong tục tập quán, ngôn ngữ để dễ thông cảm…
Biết cha mẹ không thích, các cô cũng buồn lắm. Tuy không nói ra, nhưng các cô rất hiểu lòng cha mẹ, càng khó xử khi các chàng ngỏ lời muốn kết hôn. Các cô cứ tìm cách thoái thác, hẹn lần, hẹn hồi. Biết tánh ông Châu khó khăn, Bích Nga thỏ thẻ với Mẹ:
- Mẹ ơi! James đã dẫn con về ra mắt bố mẹ James ở Florida rồi, và James muốn kết hôn với con, nhưng con chưa dám nhận lời, vì sợ Ba.
- Con biết Ba Mẹ chỉ muốn chúng con có chồng VN cho đồng ngôn ngữ, tập quán, nhưng chúng con thương nhau thật lòng, James rất tử tế, anh qúy mến và tôn trọng con cũng như rất qúy mến gia đình mình. Mẹ làm ơn thuyết phục Ba dùm con. Nếu không thì con sẽ chẳng lấy chồng đâu, vì con yêu James thật lòng.
Bà Châu chép miệng
- Thôi để mẹ sẽ cố nói chuyện với Ba xem sao?
Tuy trong lòng, bà Châu cũng đồng ý với chồng, nhưng thương con nên bà cũng lựa dịp khi ông Châu vui vui để bàn chuyện cùng ông.
Sáng nay, thời tiết mát mẻ, nắng vàng nhè nhẹ đem vào không khí êm ả của mùa Thu, bước ra sân nhìn cảnh sắc nên thơ, bụi cúc bên hiên đang mum múp vài nụ hoa vàng, mướp, bầu trên giàn thi nhau đươm trái nặng chiũ. Mùa Thu là mùa đẹp nhất trong năm, khí hậu mát mẻ, gió heo may vi vu lùa nhẹ. Ông Châu rủ bà cùng ông đi bách bộ quanh khu phố. Thấy ông vui, bà Châu bèn mở lời:
- Ông à, gia đình thằng James ngỏ lời muốn cưới con Nga, tối hôm qua chúng nó nhờ tôi nói với ông trước, rồi hẹn ngày cho cha mẹ của James đến nói chuyện. Chúng nó bảo, mình muốn tổ chức Lễ Cưới như thế nào, chúng nó cũng chiều. Vậy ông nghĩ sao?
Ông Châu im lặng, một lúc sau ông hỏi:
- Con Nga năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Nó 28, con Nguyệt 26. Chúng nó lớn tuổi rồi đó ông. Hồi bằng tuổi chúng nó tôi đã 3 con rồi.
- Gả con cho người Ngoại Quốc lôi thôi lắm, ngôn ngữ, phong tục khác nhau, xui gia cũng khó nói chuyện, rồi thì bạn bè hay dèm pha.
- Thì thế, nhưng con nó thương nhau, vả lại con mình lấy chồng chứ có lấy xui gia đâu? Miễn là chúng nó hạnh phúc. Thôi, thương con đi ông ạ, vả lại, vợ chồng là duyên nợ, do nó chọn, may nhờ, dở chịu, chứ có phải mình ép nó đâu… Còn chuyện bạn bè dèm pha thì tôi chả để tâm. Mong sang nước Mỹ định cư mà sao lại chê người Mỹ?
Thế rồi ông cũng siêu lòng. Ngày cưới Nga thì nhà trai đều chiều theo ý kiến ông bà Châu, họ cũng đến làm Lễ Gia Tiên, và làm theo mọi thủ tục ông bà Châu yêu cầu, và họ còn lấy làm vui vì lần đầu tiên họ được biết đến một đám cưới Á Đông, tuy rườm rà nhưng thật trang trọng và đẹp lòng hai họ.
Một năm sau thì Bích Nguyệt cũng lên xe hoa với anh chàng Robert. Ông Châu thở phào nhẹ nhõm. Ông bảo bà
- Thôi thế cũng xong, mình đã tròn bổn phận làm cha mẹ rồi. Nuôi con lớn, cho chúng ăn học và lo gia thất cho chúng xong thì mình đã già. Năm nay tôi đã hơn 70 bà cũng vài năm nữa bước sang hàng bảy chục. Nuôi năm đứa con gái thật nặng nề, dù các con mình rất ngoan, không đứa nào làm phiền cha mẹ. Nhưng cứ nghĩ lại những năm chúng còn độc thân mà tôi giựt mình.
- Có gì đâu, tại tánh ông hơi khó, chuyện gì ông cũng bắt buộc phải đúng nguyên tắc, ông lại nóng tánh, không chịu nghe những gì các con bày tỏ, chứ đối với tôi, con gái hay trai gì cũng đều phải lo như nhau ông ạ. Trời cho con nào mình nhận con đó, miễn là mình giáo dục con mình đàng hoàng là mình đã tròn bổn phận làm cha mẹ. Bây giờ để chúng nó lo cho gia đình con cái của chúng. Mình thảnh thơi, đi du lịch, khi rảnh rang thì đến thăm con cháu là vui rồi.
* 0 *
Và từ khi gả xong cô Út Bích Nguyệt thì ông bà Châu hết còn lo lắng. Ở nhà một mình, ông lui cui dọn dẹp sơn phết lại phòng ốc trong nhà, ngoài vườn, ông trồng thêm cây kiểng cho vui. Khi ông lui cui vườn tược thì bà Châu bày ra nấu món này, món kia cho ông bà rồi lại gói ghém từng phần, gọi các con đến lấy về. Lâu lâu ông bà cùng nhau đi du lịch với bạn bè.
Cuộc sống tuổi già trên xứ người tuy không đầm ấm, được sống chung nhà với các con cháu như ở quê mình. Cả 5 cô con gái, cô nào cũng muốn mời ông bà đến ở chung cho tiện, các cô lo vì ông bà đã lớn tuổi mà không ở gần con cháu, lỡ đêm hôm có chuyện gì thì khổ lắm? Nhưng ông bà Châu thích cuộc sống riêng tư, vả lại ông bà cũng không muốn làm gánh nặng cho các con, chúng đều có gia đình riêng… Sống như thế này cũng yên ổn, mỗi cuối tuần khi rảnh rang, hai ông bà chở nhau đến họp mặt cùng gia đình các con, nhìn lũ cháu ngoại thỏ thẻ vui đùa cũng đủ thấy ấm lòng …
Sáng nay ra vườn, nhìn mấy qủa hồng đang hườm hườm sắp chín, những chiếc lá đang ngả vàng sắp rụng. Thấm thoát mà gia đình ông bà Châu đã sống nơi đây hơn mấy chục mùa Thu. Nơi xứ người ông bà đã gây dựng một gia đình, nuôi nấng đàn con 5 đứa tuy vất vả nhưng đền bù lại, các con gái của ông bà rất ngoan, dù lòng thương nhớ quê hương không lúc nào nguôi trong tâm ông nhưng khi nghĩ về quê nhà bây giờ, ông thật xót xa… Một đất nước tang thương, đang dần dần rơi vào tay bọn Tàu Cộng… Thương cho dân mình, không biết rồi đây, mấy chục năm sau, nước Việt Nam có còn là quê hương của mình nữa không? Cứ nghĩ đến cảnh “nước mất, nhà tan”… ông ngậm ngùi thở dài…
Ngoài kia, nắng đã lên cao, tiếng chim ríu rít trên cành gọi nhau làm ông thức tỉnh, ông vội lấy thức ăn rải xuống sân và nhìn đàn chim sà xuống tranh nhau miếng mồi. Ông vào nhà rót ly trà nóng, vói tay mở máy hát nghe lại bài hát xa xưa mà ông rất thích vì hợp với tâm trạng của ông. Ông thả hồn mơ màng về:
Rồi một chiều Thu tôi về cố hương
Nhìn cảnh làng xưa bếp hoang tàn đìu hiu gió sương
Nhìn xóm nhà vắng thưa nhớ chốn đây năm nào
Chiều chiều bao người hẹn nhau đến bên nhịp cầu…
Lại một Mùa Thu nơi đất khách, khơi lên bao mối sầu, “buồn nhớ quê hương”.
Kiều Oanh
Viết xong ngày cuối Thu 2018