Đến năm 1954, cha Kỷ làm chủ tịch “Ủy Ban Liên Lạc những người công giáo yêu tổ quốc yêu Hòa Bình” – thường gọi tắt là Ủy Ban liên lạc – Nhưng được biết một điều bí ẩn qua lời kể của Lm Trọng sau này
“Khi cha Kỷ gần qua đời, nằm ở bệnh viện Việt Xô, cha Oánh ra làm các phép cho Ngài, còn các cha liên lạc nói ngài không nghe. Một hôm tôi đến, ngài đang nằm quay mặt vào trong, các ông liên lạc đứng ở ngoài hơn chục cha. Tôi đến, các ông liên lạc nói với nhau, ‘Cha Trọng đấy’, ngài nghe thấy và quay ra, bắt tay cười vui vẻ, có lẽ lúc đó ngài đã giã từ liên lạc rồi.”
(Phao lồ Lê ĐắcTrọng, Ibid, trang 502)
Lm Oánh ở đoạn trích dẫn trên cũng là bạn cùng về về miền Bắc với anh tôi.
Những người đã suốt đời theo Việt Minh vì hai chữ lý tưởng rồi lúc cuối cuộc đời cũng biết mình đã lầm đường như Cha Kỷ thật không thiếu.
Cha Trọng có kể một câu chuyện mà tôi muốn nhắc lại như một tấm gương và cũng để kết thúc phần các tu sĩ tham gia chính trị.
Đó là trường hợp cha già Hồng rất năng nổ, đi đâu cũng “tư cách người cách mạng”, đứng thẳng, giơ nắm tay chào, rồi vẫy theo kiểu các nhà cách mệnh lúc đó. Trong các buổi lễ công giáo như lễ các linh hồn, cha già Hồng thường chen vào để mừng luôn thể như mừng ngày lễ Độc Lập tại họ Phúc Lâm. Rồi sau lễ, Ngài ngồi để giáo dân đi qua mặt ngài cũng giơ nắm tay chào. Lúc ấy cha Trọng cũng có mặt trong những buổi lễ đó.
Vậy mà, theo Lm Trọng:
“Hai linh mục Bằng và Hồng kết thúc cuộc đời một cách vất vả. Linh mục Bằng vào đêm 19-12-1946, có thể đã bị trôi sông do Việt Minh, áo thâm dài của ngài nằm đâu đó trước bờ sông Hồng, phía Nam Hà Nội.”
(Phao Lồ Lê Đắc Trọng, Ibid, trang 290-291)
Cha Trọng quá cẩn thận. Còn ai vào đây nữa mà linh mục lại dùng chữ “có thể”.
Những ngày hè tại quê tôi
Nếp sống đạo của người Thiên chúa giáo chan hòa trong mọi sinh hoạt làm ăn, trong lễ nghi cưới hỏi, ma chay, v.v.. Nhưng đối với riêng tôi thì những ngày hè là những ngày vui khó quên. Và không hề biết tới những biến động chính trị sắp xẩy ra trong làng, cho anh tôi và nhiều người khác. Sau này mới nhận ra rằng đây là những kỳ hè cuối cùng mà anh tôi đã về quê nhà trước khi bước vào một định mệnh rời bỏ quê hương đi du học năm 1950.
Kỳ hè này có thể xác định là vào khoảng năm 1944. Đến năm 1946, sau khi cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, anh tôi một lần nữa, từ Đại chủng viện Xuân Bích Hà Nội, chạy tản cư về quê. Nhưng kể từ đây không bao giờ có những kỳ hè an bình như trước nữa..
Sau này, bản thân tôi cũng chỉ còn nhớ đến anh tôi là qua kỳ nghỉ hè lúc anh đã lên Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội. Mới đầu anh tôi học ở trường Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, ở Sở Kiện. Nơi đây để đào tạo các chú. Mãn tràng, anh tôi lên Hà Nội, được đặc biệt học trường Trung Học Pascal của Pháp để đi thi tú tài. Lấy xong hai bằng tú tài thì anh chính thức được nhận vào Đại chủng viện Xuân Bích — học để chuẩn bị làm linh mục. Và phải học qua hai năm Triết Học và sau đó 4 năm về thần học.
Lúc này tôi đã có trí khôn và hiểu biết của một đứa trẻ 5, 6 tuổi.
Tôi còn nhớ kỳ hè là tôi và người anh kế nô nức mong anh tôi về, nhưng đồng thời cũng lo sợ vì anh tôi rất nghiêm khắc, cần thì dùng roi vọt thẳng tay, hoặc bắt quỳ đến rụng đầu gối. Vậy mà tôi may mắn chưa một lần bị anh tôi phạt. Bao nhiêu hình phạt nặng nhẹ, người anh kế của tôi lãnh hết. Anh tôi lập ra thời khóa biểu mỗi ngày mà hai anh em chúng tôi phải theo, không cần nhắc nhở. Nhưng các chị tôi thì được miễn!
Từ sáng sớm tinh mơ, khi có chuông hiệu nhà thờ thì anh em chúng tôi như các bổn đạo đã phải dạy để đi lễ từ lúc trời còn tờ mờ sáng, khoảng 5 giờ, sau đó giáo dân còn ra đồng làm việc. Nhà thờ chỉ le lói vài ánh đèn dầu treo lơ lửng không đủ sáng. Trước khi cha ra làm lễ, còn phải học kinh bổn, rồi các kinh trong ngày, sau đó cha mới ra làm lễ.
Trẻ con trai gái được xếp ngồi hai bên, phía gần bao lơn nhất. Đây là thời gian mà trẻ con như chúng tôi dễ ngủ gà, ngủ gật. Cơn buồn ngủ đến không cưỡng lại được, cố gắng lắm mắt cũng cứ díp lại. Nhưng ác thay có một ông quản giáo đi lên đi xuống dọc nhà thờ, chỉ phía trẻ con thôi, tay ông lăm lăm chiếc roi mây và chỉ rình xem đứa trẻ nào ngủ gật là quất một cái vào lưng thật điếng người. Và suốt buổi lễ, ông chỉ chăm chăm cầm chiếc roi mây sẵn sàng ra roi. Trẻ con đang ngủ gà, ngủ gật, bị roi quất, giật bắn mình như thấy sao trên trời!
Nhưng phía sau người lớn ngủ gật thì ông lại không quất mà lờ đi. Kể cũng lạ thật.
Ở đây, xin dài dòng đôi chút về vai trò của Bõ kéo chuông. Ông bõ còn gọi là anh mới vì anh ở làng khác đến có bổn phận kéo chuông ngày 4 lần. Khi kéo chuông hiệu, Bõ kéo ba tiếng rồi ngưng, kéo tiếp ba tiếng khác, lại ngưng, rồi tiếp 3 tiếng nữa, cộng lại là 9 tiếng. Sau đó bõ kéo một hồi dài, quả chuông lắc từ bên này sang bên kia như điên cuồng. Bõ đu người lên, đu dưa từ bên này sang bên kia trông như một con nhái bén. Cái khó là bõ phải đánh vật với cái chuông, kìm để chuông không đánh tiếng thứ tư. Đánh tiếng thứ tư là hỏng. Kìm cái chuông nặng 200 kí lô nghe nói đặt mua từ bên Pháp hẳn không dễ. Phải dùng sức người ghì chuông lại không cho chuông trở ngược lại.
Khoảng 15 phút sau chuông hiệu là lúc cha đã bắt đầu ra làm lễ. Đến khoảng trưa thì Bõ kéo chuông nguyện. Bổn đạo đang làm việc ngoài đồng, nghe tiếng chuông phải ngừng tay lại, quỳ xuồng, chắp hai tay đọc kinh Truyền Tin hoặc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, đọc xong mới tiếp tục làm việc trở lại.Và đến tầm 8 giờ tối lại có hồi chuông tắt lửa và bổn đạo đọc kinh Vực sâu trước khi đi ngủ..
Tiếng chuông nhà thờ như nhắc nhở, như thúc dục, như phấn khích như nếp sống đạo thời xưa! Tôi như nghiện tiếng chuông ấy. Nay sống ở nước ngoài được 4 thập niên, còn mấy ai còn được nghe tiếng chuông nhà thờ trong tâm tình sống đạo như thế nữa?
Trăm lần như một, ông Bõ kéo không lỡ một nhịp, năm này qua năm khác, như một Quasimodo của nhà thờ Đức Bà Paris.
Nhưng cái khó nhất là tiếng chuông cầu hồn khi có bổn đạo qua đời. Áo quan được đưa vào nhà thờ để làm lễ đưa chân. Thoạt đầu Bõ kéo một hồi dài như khi kéo chuông nguyện hay hồi chuông tắt lửa. Tiếp đến là kéo ba tiếng một mà tiếng chuông “bỏ lửng” chỉ va nhẹ vào thành chuông với một tiếng ngân, như rớt vào khoảng không. Ba tiếng chuông bỏ lửng, từng tiếng rót một, nhẹ rung vào thinh không, như báo hiệu sự ra đi của người mới qua đời. Lòng người như chùng lại vì biết ai đó đã ra di vào cõi vĩnh viễn.
Wayne Tunison, người kéo chuông lâu năm tại nhà thờ Knox-Metropolitan, sẽ được phong làm Master Bell Ringer. Wayne đứng lên trong tháp chuông hôm thứ Sáu, ngày 9 tháng 11 năm 2012.
Nguồn: TROY FLEECE / REGINA LEADER-POST
Cuộc đời ông Bõ là một cuộc đời tăm tối nhất trong một xứ đạo. Dưới Bõ không còn ai. Trên Bõ là các chú có bổn phận hầu cha xứ, giúp lế, hầu quạt cha lúc ăn cơm. Các chú và Bõ ăn cơm gạo đỏ, rau cỏ làm chuẩn, điểm thêm tý tương cà là quý rồi. Nhưng các chú dù sao cũng có một tương lai trước mặt. Hầu cha xứ, nhưng sau này, rất có thể ngồi vào địa vị cha xứ cho người khác hầu như ngày hôm nay .
Trên các chú là các thầy giảng lo phần mục vụ nhà thờ, tập hát, dạy giáo lý cho trẻ con. Giới thầy giảng, trách nhiệm nhiều, quyền lợi lại ít. Trong thành phần các thầy giảng cũng có người đã học hành leo đến chức thầy Bốn, nhưng là thầy “Bốn ung” không được đỗ cụ. Có thể do phạm một lỗi lầm nào đó hoặc có sự nhận xét của Bề Trên thấy rằng ông thầy này không xứng đáng đỗ cụ. Không đường lựa chọn nào khác đành chuyển sang làm thầy Giảng sưốt đời với nỗi ấm ức không nguôi. Hầu như mọi chuyện lớn nhỏ đều nằm trong tay các thầy giảng. Sự so sánh hơn thiệt có chứ không phải không, vì cũng là con người chứ thần thánh gì.
Nên trong dân gian mới có những câu hát bỡn cợt:
Hodie fecit. Hôm nay làm con gà cồ
Totum. Tất cả cổ cánh nhập mâm bô (Mâm ông bõ).
Omnia ossa. Tất cả sương nhai bất đắc
Bô truyền redevere. Vứt trả nhà kho
Cơm thầy giảng có tiêu chuẩn ăn gạo thường. Thịt cá chạy qua loa còn bổng lộng thức ngon vật lạ là chuyện họa hoằn, hiếm hoi, năm thì mười họa. Chế độ thầy giảng là sáng kiến của các thừa sai tại Địa phận Đàng Trong rồi lan ra Đàng Ngoài để giải quyết nhân sự vì thiếu linh mục.
Sau này, miền bắc có đến hơn 2000 thầy giảng để phụ giúp các cha xứ cộng với khoảng 5000 nữ tu hoạt động trong nhiều lãnh vực.
Trên thầy giảng là các cha phó, nếu có. Trên cùng là cha xứ. Cơm nước có khi ngài ăn riêng, không ăn với cha Phó. Có cơm gạo tám thơm, đồ ăn có thịt cá, món ngon vật lạ của giáo dân dâng cúng. Ở nhà riêng trong khu nhà xứ. Trong dịp về thăm Việt Nam, tôi có đến thăm cha bạn của anh tôi, ở một nhà xứ, cách Hà Nội đến 45 cây số. Dù là một nhà xứ lẻ loi, bổn đạo một phần làm đồ gỗ, phần khác làm nghề chài lưới. Vậy mà cha xứ cũng đãi tôi một bữa cơm tươm tất và thịnh soạn với nhũng con tôm càng nướng, một con cá quả nặng khoảng hai kilo nấu cháo.
Số phận Bõ trong nhà xứ so với anh Mõ trong làng thì còn thua một bậc. Anh mõ làng có chức tước hẳn hoi, có được chia một phần ruộng vài sào, quyền hành cũng có, bổng lộc cũng không thiếu. Nhà nào có giỗ chạp thì anh mõ không quên và cũng có một mâm riêng.
Việc trình bày phân biệt đảng cấp ở trên cho thấy, tổ chức giáo hội còn đượm nhiều nét phong kiến lắm. Dần dần phải thay đổi thôi!
Nhưng ông Bõ là người cầm chịch đời sống dân làng từ sáng tới tối. Tiếng chuông như thúc dục, như nhắn gửi, như an ủi và như mối giao cảm Thiên Chúa và con người. Tiếng chuông như tiếng của Chúa, đấng Thần linh tối cao chăm sóc và phù hộ cho con người.
Vai trò của ông Bõ nói cho cùng chỉ sau cha xứ!
Sau hồi chuông hiệu, chúng tôi vội vã ra bể nước mưa lớn ngoài sân để đánh răng rửa mặt. Tôi còn nhớ như in là anh tôi đã mang về từ Hà Nội bàn chải đánh răng và nhất là một thứ “thuốc” đánh răng. Loại “thuốc” này được bỏ trong một hộp nhôm tròn, mầu đỏ và cứng như sà phòng. Phải dùng bàn chải ướt rồi chà sát trên mặt “thuốc”, sau đó mới đánh. “Thuốc” đánh răng có mùi thơm và hơi cay rất dễ chịu.
Bình thường trước đây, chúng tôi chỉ có dùng một miếng cau khô chà sát răng và súc miệng. Đây là lần đâu tiên chúng tôi được dùng loại “thuốc” đánh răng này. Sau đó, chúng tôi vội vã đến nhà thờ.
Đường đến nhà thờ bắt buộc đi qua một cái ao mà tôi rất sợ vì tiếng kêu của ếch nhái, nhất là khi trời mưa. Đi qua khúc đường này, tôi thường lò mò bước rảo từng bước, sau đó ù té chạy cho đến khi thấy sân nhà thờ mới hoàn hồn. Lần nào cũng vậy, thần hồn nát thần tính, cứ chỗ nào có bóng tối là tưởng tượng có ma. Có những khúc củi mục vật vờ trên mặt ao, đang tắm, tôi cũng vội bơi vào bờ, lấy tay té nước đẻ khúc củi mục trôi ra xa.
Sau này, tại cửa Cổng Vọng thời Việt Minh tàn sát người dân lành thì không còn là củi mục nữa, mà là những thây người chương phình; có khi xác người bỏ trong cái giỏ lợn, đen thui trôi vật vờ trước cửa Cống, cùng với đám bèo tây đập ra đập vô như ma trơi đến hãi hùng. Đó là cách giết người của Việt Minh. Giết một người mà làm muôn người khiếp sợ.
Lễ xong ra về thì trời đã tảng sáng. Thường mẹ chúng tôi đã chuẩn bị sẵn, lúc thì xôi đủ loại, lúc thì cơm với mắm tép đỏ. Ăn xong thì trời đã bắt đầu sáng. Người nông dân trong làng đã lũ lượt ra đồng ai vào việc nấy tươm tất như nhịp sống của con người với thiên nhiên.
Cái đẹp nhất của đời sống nông thôn là một nhịp sống hòa cùng thiên nhiên như quyện vào nhau như cùng một bọc. Tứ thời bát tiết, mùa nào thức nấy, mưa thuận gió hòa thì năm đó đủ ăn. Trông trời, Trông đất, Trông non là vì vậy. Cái vẻ đẹp của thiên nhiên cũng chính là vẻ đẹp của con người. Đã bao nhiêu năm rồi, dễ cũng 70 năm có lẻ mà tôi vẫn có thể mường tượng ra anh Thùy, anh con nhà bác. Anh vóc người vạm vỡ, nước da đen, tóc xoăn, mặt mũi đen mun với hàm răng hơi hô. Nhưng nụ cười thì hồn nhiên chất phác, làm lụng cũng vất vả, việc lớn việc nhỏ đều đến tay anh mà lúc nào cũng vâng dạ bảo vâng. Mẹ tôi luôn luôn dành một phần rộng rãi cho gia đình anh.
Ôi hiếm có những người nông dân như anh Thùy. Nay không biết số phận anh ra sao khi đất nước đổi thay. Thế hệ con cái anh như thế nào?
Mỗi ngày chúng tôi phải đọc một chuyện các Thánh theo đúng lịch công giáo. Tôi thường không mấy thích thú với các truyện thánh này như các Thánh tử đạo, Thánh Hiển tu, Thánh Nữ Đồng Trinh. Tôi chẳng học được gì qua những gương sáng của các Thánh ấy. Nhiều buổi sáng đọc được nửa trang là tôi đã ngủ gật. Ngoài ra, anh tôi còn dạy một số bài hát và một số bài thơ phải học thuộc lòng. Tôi còn nhớ bài thơ sau đây mà thuở bé tôi rất ưa thích:
“Tôi đi học để nên người,
Nên người, yêu hết mọi người gần xa.
Trước là yêu mẹ yêu cha,
Cô, dì, chú, bác, ông bà, anh em.
Lân bang hàng xóm bốn bên.
Người làng người nước chẳng quên người nào.
Lòng tôi hằng vẫn ước ao.
Ở sao cho chọn mọi mọi điều yêu đương.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Những ngày phiên chợ
Nói tới các ngày phiên chợ thì đó là nguồn vui của chúng tôi vì được ăn quà đủ thứ. Nhưng đúng ra những ngày phiên chợ là nguồn vui nhất của mẹ tôi mới phải. Một tháng có 6 phiên chợ; cứ cách 5 ngày lại có một phiên, rơi vào các ngày mồng một, mồng sáu, mười một, mười sáu, hai mươi mốt và hai mươi sáu. Chợ ở các làng lân cận thì họp vào các ngày mồng hai, mồng bảy, v.v.. Chợ làng Yên Phú chỉ cách nhà tôi khoảng một cây số, tại làng Chàng. Sáng sớm mẹ tôi thuê một người chị người làm gánh hai thúng vải sồ màu nâu hoặc đen, một ít lĩnh đen và vải dệt Nam Định. Mẹ tôi đội một thúng cau khô. Chợ thì ồn ào như ong vỡ tổ. Mẹ tôi được dịp đon đả, mời chào hết người này, người kia. Hầu như bà quen hết mọi người. Và biết rõ từng gia đình, chia xẻ và biết những lo âu, phiền muộn của họ. Việc buôn bán là để thu chút lợi nhuận, nhưng cạnh đó có chút tình làng xóm, buôn bán có thêm bớt gia giảm, nhường nhau mà giá cả không so kè.
Khi bán xong một mớ hàng rồi, bắt đầu thưa khách, mẹn tôi để chị người làm trông hàng và rảo đi một vòng chợ, mua hết thứ này thứ kia. Đồ ăn trong nhà bữa đó hẳn là sẽ có đủ thứ ngon mà đôi khi chỉ ngay phiên chợ mới có. Vì vậy trẻ con nào chả mong mẹ về chợ vì có quà bánh.
Chợ như thế là một ngày hội làng. Nó không nhất thiêt là việc buôn bán mà còn là một ngày họp mặt. Kẻ buôn người bán đều vui mà phần đông họ vừa là người bán, vừa là người mua. Người có vài con gà mang bán rồi lấy tiền đó mua thực phẩm như rau cỏ, gạo thóc.
Đàn ông thì thường tụ họp nhau lại rít vài hơi thuốc lào. Hay dư giả thi mời nhau dăm ba xị rượu, nhâm nhi vài củ lạc rang, nói chuyện đời, chuyện nhà xứ. Hầu như bao nhiêu mệt nhọc đồng áng cứ thế không cánh mà bay đi đâu hết.
Trẻ con thì chực chợ mẹ mua cho vài xu kẹo bột, hay cái bánh đa, khoanh mía. Sang thì được ăn một đĩa bún chấm mắm tôm có thêm vài khoanh đậu rán chiên. Thế là vui rồi. Thế là hạnh phúc.
Mọi người đều vui để rồi khi mặt trời xế bóng với ánh nắng xiên khoai trả lại cho chợ cái khung cảnh tiêu điều xơ sác với những túp lều nghiêng ngả, siêu vẹo. Hình như ở đâu có con người thì ở đó có nguồn vui.
Khi không có những ngày phiên chợ, mẹ tôi cũng bừa bộn với trăm công nghìn việc. Hầu như không có lúc nào bà nghỉ tay. Lúc nuôi tằm, lúc bổ cau khô. Cau mua về lột vỏ bổ làm tư, xếp vào mẹt đem phơi. Cau khô rồi lại xếp vào mẹt đem ra chợ bán. Nhiều miếng cau khô, cái nhân bên trong bung ra khỏi vỏ. Bà phải quậy hồ, quét tý bột vào nhân cau để dính lại với hột..
Cho nên, cho đến bây giờ, tôi vẫn thấm thía khi đọc mấy câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến khi viết về Chợ Đồng. Cũng như sau này, tôi có dịp được sống trọn vẹn những phiên chợ miền cao mà tôi đã mô tả trong truyện Dì Xinh.
Thơ của cụ Nguyễn Khuyến vịnh chợ Đồng.
“Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời, mưa bụi còn hơi rét,
Nếm rượu, tường đền(1) được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới
Pháo trúc(2) nhà ai một tiếng đùng.”
(1) Chợ Đồng họp ngay ở bên cạnh một ngôi đền. Xung quanh đền lại đắp tường đất dày bao bọc, gọi là tường đền.
(2) Pháo trúc: trúc đốt trong lửa, có tiếng nổ to như pháo.
(còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục