Giải mã cái chết non yểu của nền Đệ nhất Cộng hòa miền Nam (II)
Giải mã vấn đề kỳ thị tôn giáo ở miền Nam
Vấn đề tôn giáo và kỳ thị chủng tộc là những đề tài nóng hiện nay. Nó đã gây ra biết bao cuộc chém giết đẫm máu những người vô tội hầu như vô phương giải quyết. Các nước thuộc khối Ả Rập và Phi Châu là nơi đang diễn ra những thảm kịch nhân loại.
Nhìn về Việt Nam thì quả thực thảm kịch ấy chưa hề có bao giờ xảy ra.
Dưới thời Pháp họ đã hầu như thất bại trong âm mưu chia rẽ Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Ở Mỹ đã xảy ra biết bao nhiêu cuộc chém giết đẫm máu mà đã có lần nào cần đến sự can thiệp của phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc? Dọc dòng sông Mississippi chảy qua xuyên bang nước Mỹ nay có vùng như Cairo nay trở thành một thành phố chết vì nạn kỳ thị đến nỗi cả hai phía đều rời bỏ để đến thành phố khác làm ăn. Bệnh viện, truờng học, tiệm buôn đều đóng cửa.
Nước Mỹ như thế thì tư cách gì dạy ai dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo? Mục sư Martin Luther King chết vì lý do gì?
Việc kỳ thị tôn giáo ở Việt Nam dưới thời Minh Mạng là có thật. Và đã đước quy định bằng văn bản pháp luật. Và cũng chưa bao giờ được khảo sát đúng mức.
Một tỉ dụ cho thấy có hai loại công dân trên cùng một vùng địa lý. Tại làng Đông Ngạc, đã có 63 người trong làng thi đỗ tiến sĩ, cử nhân. Nhiều gia đình cha con cùng thi đậu, thậm chí cả ba thế hệ đều có tên trong danh sách thi đậu. Nhưng chỉ cách một con sông ngay sát lang Đông Ngạc, có một làng công giáo là làng Ngọc Cục. Chưa hề có một người nào của làng này được ứng thi nói chi đến thi đậu.
Vậy mà chuyện đó được coi là bình thường. Và mặc dầu người Pháp là chỗ tựa cho người công giáo.
Nhưng trong khoảng 250 cuộc khởi loạn dưới triều Minh Mạng, người ta cũng không có một bằng cớ pháp lý nào cho phép đi đến kết luận là một trong các cuộc nổi loạn ấy do người Thiên Chúa giáo cầm đầu.
Vậy mà vào năm 1963 làm sao đã có thể nổ ra một cuộc biến động chính trị mà yếu tố then chốt là môt cuộc đàn áp tôn giáo đi đến kết thúc là sự sụp đổ một chế độ mà nguyên do chi là một chỉ thị về vấn đề treo cờ.
Ai đã có thể làm được một điều đến kỳ diệu như thế ?
Chúng ta trước hết thử nêu ra một trường hợp tiêu biểu về mối tương quan tôn giáo và chính trị tại nước Mỹ.
Kennedy là một người thứ hai theo đạo công giáo ra tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Mặc dầu sống trong một đất nước có truyền thống dân chủ hơn 300 năm, nhưng ông là một ứng cử viên Thiên Chúa giáo, tự nhiên vì là thiểu số nên ông có tâm trạng ngại ngùng, né tránh không muốn bày tỏ công khai việc này.
Patrick J. Slovan lúc đó còn là một sinh viên đã đặt câu hỏi sau đây cho Kennedy:
“Tôi còn nhớ cuộc tranh cử tổng thống năm 1928, ứng cử viên dân chủ Al. Smith vốn là một người công giáo đã bị ông ứng cử viên cộng hòa là Herbert Hoover đánh bại. Nhiều người thời đó cho rằng yếu tố tôn giáo là nguyên nhân thất bại của Al. Smith. Vậy thì nay ông có nghĩ rằng yếu tố tôn giáo sẽ có có ảnh hưởng trên việc thắng cử của ông không?”(2)
Đám đông đang reo hò cổ võ ứng cử viên Kennedy bỗng chốc im bặt. Câu hỏi đặt ra, đặt mọi người vào một hoàn cảnh khó xử, không tiện nói ra công khai.
Mặt Kennedy đang tươi cười rạng rỡ bỗng đanh lại, mắt sắc lạnh nhìn người đã đặt ra câu hỏi ấy.
Vì thế, thượng nghị sĩ Albert Gore, dân chủ, nhận xét vấn đề ‘công giáo’ là vấn đề không thể gánh nổi (Insurmontable problem) cho đảng Dân Chủ.
Nước Mỹ vào năm 1960 mà còn bảo thủ và cố chấp như thế thì Việt Nam là một nước còn chậm tiến trên nhiều phương diện thì làm thế nào để có thể chấp nhận một tổng thống công giáo?
Trên cái lý khách quan, ông Diệm có thể không gánh nổi trách nhiệm vai trò một tổng thống công giáo trong một đất nước có rất nhiều người Phật giáo.
Đây là điều mà nhiều người không chịu nhìn thẳng vào sự kiện.
Người dân chưa có đủ điều kiện chín mùi để có thể chấp nhận một người công giáo đứng đầu nước một cách dễ dàng. Những khó chịu, những bực bội, những hiểu lầm đôi bên cứ thế mà lớn dần.
Người ta còn nhớ trước đây trong đám cưới của ông Ngô Đình Nhu lúc đó 34 tuổi, bà Nhu mới 18 tuổi. Sự khác đạo đã là lý do chính khiến cuộc hôn nhân suýt không thành. Đã có một buổi họp đại gia đình để quyết định về việc này. Bà cụ Ngô Đình Khả phản đối quyết liệt cuộc hôn nhân vì lý do tôn giáo, vì một bên là một gia đình đạo gốc từ lâu đời và bên kia, gia đình Trần Văn Chương thì không.
Sau này cho dù bà Nhu có đồng ý theo đạo thì việc theo đạo đó không có căn bản niềm tin. Ông Ngô Đình Khôi, người anh cả trong gia đình cũng không đồng ý. Ngô Đình Cẩn còn đặt thẳng thừng vấn đề bà vợ ông Trần Văn Chương là một người đàn bà có nhiều tai tiếng.
Ông Ngô Đình Nhu tuyệt vọng đòi tự tử nếu không lấy được bà Nhu. Ông cũng cương quyết xin từ bỏ không dính dáng vào những hoạt động chính trị của đại gia đình này vốn theo gương thân phụ của họ muốn con cái sau này tiếp tục tranh đấu dành được độc lập cho đất nước.
Đám cưới của ông Ngô Đình Nhu sau cùng chỉ được mọi người thỏa thuận với sự đồng ý của ông Ngô Dình Diệm, Ngô Đình Luyện và bà Ngô Đình Hiệp.
Phần ông Diệm, đã nhiều năm làm việc trong triều đình, ông hiểu rõ hơn ai hết cái hố sâu ngăn cách người của hai đạo giáo
.
- Việc thứ nhất, cụ Ngô Đình Khả thường không tham dự vào ngày lễ tế Nam Giao của triều đình và thường ở nhà. Bà Ngô Đình Hiệp dù còn nhỏ đã đem cái thắc mắc ấy hỏi cha. Cụ Ngô Đình Khả từ tốn phân giải vì theo đạo công giáo chỉ thờ một Chúa nên không được phép cúng lậy ai khác. Vì lý do đó chắc cụ đã phải xin phép triều đình Huế đặc cách cho được miễn cho được ở nhà trong ngày đó. Nhưng điều đó chứng tỏ có những trở ngại không phải là lúc nào cũng dễ dàng vượt qua.
- Cụ Ngô Đình Khả lại được vị vua trẻ là Thành Thái tin dùng, có một ảnh hưởng nhất định trên một số quyết định của triều đình. Những vị quan lại khác không khỏi xầm xì, bàn tán và nghĩ đến ảnh hưởng tiêu cực của công giáo trên vị vua này.
- Cụ Nguyễn Hữu Bài được phong thượng thư vào năm 1908. Ông còn có chân trong Viện Cơ Mật.. Ảnh hưởng của cụ đối với triều đình Huế cũng như người Pháp là hiển nhiên. Cụ được tháp tùng phái đoàn vua Khải Định vào năm 1922 sang Pháp, rồi nhân đó có ghé Rome. Tại đây ông được yết kiến Giáo Hoàng và ông đã thỉnh cầu Giáo Hoàng cho thiết lập một tòa Khâm sứ ở Đông Dương. Chính quyền Pháp nghi ngại vì lời thỉnh cầu này có thể đưa đến chính sách bản địa hóa hàng giáo phẩm bản xứ thay cho hàng giáo sĩ ngoại quốc. Sự e ngại ấy chẳng những đến từ phía người Pháp mà còn từ phía quan lại Việt Nam nữa, phần đông e ngại hoặc chống lại những người công giáo.(3)
- Việc vua Bảo Đại quyết định chọn bà Nam Phương làm Hoàng hậu cũng tạo ra biết bao nhiêu điều dị nghị trong triều đỉnh. Bà mẹ vua Bảo Đại là người đầu tiên mà cũng không phải người cuối cùng phản đối cuộc hôn nhân này. Bà cho rằng, bà Nam Phương chẳng những là người công giáo mà rồi việc giáo dục con cái sau này sẽ ra sao? Lại còn việc thờ cúng tổ tiên, vấn đề giữa Đông và Tây, vấn đề đạo nho. Vua Khải Định theo đạo Phật, nhưng chùa chỉ được xây dựng ngoài cung điện nhà vua? Chẳng những thế, bà Nam Phương còn được đào luyện ở Tây Phương. Và bà Từ Cung mong muốn có một cuộc hôn nhân dựa theo truyền thống cổ truyền. Mặc dầu có rất nhiều sự chống đối, nhưng Bảo Đại cương quyết tiến hành và vì thế, đám cưới đã được cử hành vào ngày 20 tháng 3- 1934. Và trong dịp này, Bảo Đại đã phong cho bà Nam Phương tước hiệu là Hoàng Hậu. Tuy nhiên, ông cũng phải nhìn nhận, đây không còn phải là một vấn đề liên quan đến tôn giáo mà thôi, mà còn là vấn đề liên quan đến chính trị quốc gia.(4) (En réalite, il ne s’agit pas d’une affaire religieuse, mais d’une affaire d’Etat). Chẳng những thế, Bảo Đại còn viết thư cho giáo hoàng Pie XI lúc bấy giờ xin một số phép chuẩn, nhờ đó có sự xích lại gần giữa Đông và Tây giúp cho mối liên hệ bớt căng thẳng và hiểu nhau hơn.
Một người như ông Diệm với nhiều kinh nghiệm trong giao tiếp với phía Phật giáo đã hiểu một cách sâu xa những suy nghĩ của ông với người Phật giáo như lời ghi lại của bà Ngô Đình Hiệp như sau:
‘We should always remember that we are a minority.’(5)
Sự cẩn trọng của ông Diệm trong sự phân biệt lãnh vực tôn giáo và chính trị đã được ông lưu tâm ngay từ khi chưa nắm chính quyền. Ở trong Nam thuộc khu vực Vĩnh Long, giám mục Ngô Đình Thục muốn yểm trợ cho ông Diệm nên đã lập ra những đoàn thể tôn giáo kiểu các tổ chức nhân dân tự vệ như ở Phát Diệm. Những tổ chức này chẳng những bị người Pháp nghi kỵ mà chính bản thân ông Diệm cũng cực lực phản đối. Việt Minh cũng không tha, tìm cách ám toán. Bà Trần Thị Liên trong tập sách của bà nhận định như sau:
‘La position de Mgr Thuc était donc très nettement critiqé vis-à-vis du gouvernement Bao Đại, tout comme celle de son frère Ngo Dinh Diem.’(6)
(Lập trường của giám mục Thục đã bị Bảo Đại phê phá một cách minh bạch và cũng bị chính người em của ông là Ngô Đình Diệm chỉ trích).
Do muốn yểm trợ cho người em là Ngô Đình Diệm theo lời trăn trối của người cha trước khi qua đời mà giám mục Ngô Đình Thục đã vấp phải sai lầm trầm trọng vì không hiểu được mối tương quan tôn giáo chính trị. Vì thế, trong những buổi họp của đại gia đình ông Ngô Đình Diệm đã không ngần ngại chỉ trích sai lầm của anh mình. Đối với ông Diệm, dùng thế lực tôn giáo hay một đảng công giáo như đảng Xã hội công giáo cho một mưu cầu chính trị lâu dài chỉ có hại mà không có lợi. Ông nói: “I can talk about the disavantages of Catholic parties myself.”(7)
Giám Mục Thục do thiếu kinh nghiệm đời, thiếu kinh nhiệm chính trị, lo sợ ông Diệm sẽ bị người Pháp ám toán nên giám mục Thục đã có lần dại dột gửi một thư cho toàn quyền Decoux ngày21-8-1944 mà nội dung có đoạn:
“Các em của tôi đã liên tục dâng hiến mạng sống họ cho nước Pháp trong dịp cộng sản nổi loạn. Diệm, em tôi đã ngã may mắn thoát chết do những viên đạn súng lục của người Tàu Chợ Lớn, người này được gởi tới Phan Rang, nơi Diệm hăng say ngăn chặn sự xâm nhập của các cán bộ cộng sản từ Nam Kỳ.”(8)
Một lần nữa ông Diệm lại nổi giận về việc làm của giám mục Thục.
Trong một buổi họp gia đình, cả ông Nhu, ông Cẩn đều cho rằng Giám Mục Thục phạm sai lầm khi nhờ chính quyền Pháp bảo hộ tính mạng cho ông Diệm. Và theo Giám Mục Ngô Đình Thục, người Pháp đã từ chối vì cho rằng họ không đủ phương tiện để bảo vệ cho ông Diệm. Việc làm của giám mục Thục chẳng những không đem lại kết quả gì cho ông Ngô Đình Diệm mà còn để lại lá thư sau này nhiều người đã dùng lá thư đó tố cáo anh em Ngô Đình Diệm về sự hợp tác với người Pháp.
Điều mà trong suốt cả đời ông Diệm là bằng mọi giá, ông muốn mang lại cho Việt Nam một nền độc lập thoát khỏi sự cai trị của người Pháp.
Sự sai lầm của Giám Mục lại có cơ hội xảy ra một lần nữa trong vụ Phật giáo miền Trung mà thái độ của Giám Mục Thục tỏ ra không thức thời trong một thành phố như Huế vốn được coi như cái nôi hay Quê Hương của Phật giáo.
Huế là Phật giáo chẳng khác gì Phát Diệm là công giáo.
Theo tôi, ông Ngô Đình Thục là người thương em mà đã hại em đưa đến chỗ ông Ngô Đình Diệm bị thảm sát. Dĩ nhiên, cái chết của anh em ông Ngô Đình Diệm chủ yếu do Averell Harriman và vây cánh của ông như Forestall, John Keneth Galbraith.
Theo Patrick J. Slovan, những người này thuộc thành phần ‘anti-Diem activists’.(9) Cũng theo PJ Slovan, sau này khi biết việc mình làm, ông Forestall đã đệ đơn từ chức với TT.Kenedy.(10)
Những người ủng hộ ông Diệm như đại sứ Nolting biết rõ âm mưu của những người này thì đã bị thay thế. Phần bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Robert McNamara cũng bị gạt ra ngoài vòng -out of reach- tại vùng Grand Teton Mountains of Wyoming.
Phần Đại tướng Maxwell Taylor chỉ chuyên trách về quân sự nên cũng đã không được biết đến bức công điện 243- và ông chỉ được biết đến sau khi nó đã được gửi đi. Nhưng cũng xin ghi lại đây tâm tư của ông đối với ông Diệm:
“Our position ưas that Diem is certainly not ideal. He is terrible pain in the neck in many ways. But he ís an honest man. He is devoted to his country. And we are for him until we can find someone better- looking under the bushes for George Wagshington, I used to call it.”(11)
Sau này, nhờ Nguyễn Đệ, một người bạn đồng chí của ông Ngô Đình Diệm, đang làm Đổng Lý Văn Phòng cho Bảo Đại được nguồn tin mật tình báo cho biết, người Pháp sẽ trừ khử ông Diệm. Nhờ ông Nguyễn Đệ mà ông Diệm kịp thời trốn thoát và xuất ngoại.
Cũng theo tài liệu của cuốn sách “A lifetime in the eye of the storm”, người đưa ra ý kiến là ông Diệm nên đi ra ngoại quốc là bà Ngô Đình Hiệp – người em gái của ông. Người đọc “A lifetime in the eye of the storm” sẽ có một sự ngạc nhiên không nhỏ: Là bất cứ chuyện gì, hay một quyết định quan trọng nào, ông Diệm đều bàn với em gái.
Nhận xét về những người đồng chí từng sát cánh với ông Diệm hay cùng có thời có chung lý tưởng, nhưng sau này hầu như họ không còn có liên lạc với nhau nữa. Người viết nhận ra là ông Diệm có lập trường kiên định chống Pháp nên những người nào theo Pháp, ông Diệm cắt đứt liên lạc như trường hợp Lê Quang Luật, Trần Văn Lý, Phan Văn Giáo, các linh mục Phát Diệm như Hoàng Quỳnh. Riêng giám mục Lê Hữu Từ mới đầu ảnh hưởng lập trường cứng rắn của ông Diệm, sau cũng có thay đổi. Liên lạc giữa hai người, ông Diệm và giám mục Lê Hữu Từ không còn chặt chẽ khi vào đến miền Nam.
Sau nhiều năm trời, người viết bài này mới hiểu được tại sao có sự mâu thuẫn và cắt đứt liên lạc giữa ông Trần Văn Lý, ở miền Trung vốn là một đồng chí thân cận của ông Diệm? Chỉ vì ông Trần Văn Lý đã lập ra đảng Xã Hội công giáo và chủ trương phò Thái tử Bửu Long sau này lên nối ngôi Bảo Đại. Cả hai điều đó đều đi trái với lập trường chính trị của ông Diệm là: tách biệt lãnh vực tôn giáo ra khỏi chính trị, không cộng tác với người Pháp và ủng hộ việc đưa Hoàng Thân Cường Để nối nghiệp nhà Nguyễn.
Cho nên rất nhiều tài liệu sách vở sử học sau này thiếu công bằng đều hô hoán một cách vô bằng là có một chính sách kỳ thị tôn giáo, kỳ thị Phật giáo dưới thời Ngô Đình Diệm.
Nhiều người đã tin chắc chắn như thế. Nhưng nếu căn cứ vào những dẫn chứng ở trên -ai khác thì không biết- Riêng ông Diệm rất e ngại những dính líu của công giáo vào chính trị.
Vậy mà sau này ông đã chết vì chính những điều ông lo ngại.
Ai kỳ thị Phật giáo thì không biết. Nhưng nhất định không phải ông Diệm, ông Nhu cũng như ông Cẩn. Ông Nhu, một người trí thức theo Tây học, nhiễm tinh thần chống giáo trị (Anti-clérical). Đã có mấy ai thấy ông Ngô Đình Nhu trong những buổi lễ công giáo chính thức? Bạn của ông Nhu, bạn đồng chí nếu có tu sĩ công giáo nào thì đó là linh mục Parrel hồi còn ở Đà Lạt. Ông chỉ thực sự vào cuộc trong vụ Phật giáo khi có sự phát động chống chính phủ tại chùa Xá Lợi!
Vì thế không lạ gì, dù rất cẩn trọng, dù rất đề phòng, dù có thừa kinh nghiệm quản trị hành chánh, dù hiểu hết cái tâm tình tôn giáo của con người, ông Diệm lại rơi vào cái bẫy. Yếu tố tôn giáo đã được khai thác đúng lúc tạo nên một phong trào tranh đấu dữ dội đi đến chỗ góp phần vào việc lật đổ chế độ.
Nghĩ lại về điều này, tôi thấy chẳng những đó là điều bất hạnh cho ông Diệm và gia đình ông mà còn là điều bất hạnh cho chế độ cộng hòa non trẻ của chúng ta.
Chỉ đơn giản từ việc treo cờ trong một thông cáo xảy ra không đúng lúc.
Nghĩ lại trường hợp Việt Nam, Ông Diệm dù có là người có đạo đức, có yêu nước, có lý tưởng, nhưng đất miền Nam nhất là đất miền Trung thấm nhuần đạo Phật chưa có tâm thức sẵn sàng để có thể chấp nhận một tổng thống theo Thiên Chúa giáo. Và nói theo ông Ngô Đình Nhu khi trả lời phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc: Chưa có sự trưởng thành về ý thức tôn giáo và chính trị.(12)
Phật giáo ở miền Nam có ba sắc thái rõ rệt: Phật giáo miền Nam, Phật giáo di cư và Phật giáo miền Trung. Trong Phật giáo miền Nam có Hội Phật Học Nam Việt do cư sĩ Mai Thọ Truyền và chùa Xá Lợi. Cạnh đó có Giáo Hội Tăng Già VN do Thượng tọa Thích Thiện Hoa với chùa Ấn Quang và Phật giáo nguyên thủy nhóm Tiểu Thừa với chùa Kỳ Viên.
Các nhóm Phật giáo miền Nam thường có thái độ đứng ngoài chính trị, một thái độ xuất thế của người tu hành.
Nhóm Phật giáo di cư gồm khoảng 200.000 phật tử, nhưng tản mác khắp nơi chỉ có khoảng 100.000 người tụ tập chung quanh Sài Gòn và chia thành hai nhóm. Nhóm thuộc chùa Phổ Quang và Nghĩa Trang Bắc Việt với thượng tọa Thích Trí Dũng. Nhóm đa số và có ảnh hưởng thuộc chùa Từ Quang của TT Thích Tâm Châu.
Riêng Phật giáo miền Trung được coi là đông đảo và có tổ chức và sinh hoạt từ cấp Khuôn hội đến cấp Trung ương ở chùa Từ Đàm.
Phật giáo miền Trung với số lượng Phật tử lên đến 800.000 là thành phần chủ lực trong giai đọan khủng hoảng Phật giáo thời ông Diệm, do hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm hội chủ. Ông là một cao tăng đạo đức đã lớn tuổi nên mọi sự việc hành xử đều do các vị như Thích Trí Quang và Thiện Minh đảm trách.(13)
Điều đó hiểu được khi hiểu rõ tính cách địa lý, xã hội ảnh hưởng trên những cộng đồng một xã hội. Giữa đạo Phật miền Nam và đạo Phật miền Trung có sự khác biệt sâu xa về tâm thức đạo nên cách xử lý, ứng xử cũng vì thế có những phản ứng khác nhau. Cũng một lý do tương tự khi so sánh người công giáo miền Bắc di cư và tín hữu trong Nam, người ta cũng có thể nhận ra sự khác biệt như vậy.
Xét về mặt xã hội, cái thiểu số bao giờ cũng ở thế thiệt thòi nhượng bộ. Sống ở xứ người, chúng ta có thừa kinh nghiệm để đối phó với tình huống thiệt thòi đó.
Và vì thế, kẻ kỳ thị tôn giáo theo nguyên tắc phải đến từ phía đa số.
Đối với tôi, phải sống trong một tình trạng mà tôi gọi đó là nỗi bực tôn giáo trong một đất nước còn chưa phát triển và thiếu một ý thức chính trị dân sự và để cho tâm thức tôn giáo lấn lướt, thay thế.
Ngày nay, người ta càng có dịp hiểu sâu sắc tâm thức đạo thời VNCH khi so sánh tâm thức đạo của dân Hồi Giáo hiện nay. Tôn giáo đã biến thành một bạo lực tôn giáo có thể mù quáng và che mờ lương tri và lẽ phải của con người.
Ngày nay nhìn lại cho thấy sự bùng phát của cuộc khủng hoảng Phật Giáo ra ngoài ý muốn và dự liệu của các các người lãnh đạo miền Nam, dẫn đưa đến cuộc khủng hoảng quyền lực của cả một chính thể. Không một người lãnh đạo miền Nam nào lại có thể ngu dốt muốn loại trừ một tôn giáo lớn như đạo Phật ra khỏi xã hội miền Nam. Nay đọc lại những điều bày tỏ của bà Ngô Đình Hiệp, em gái ông Diệm trong A lifetime in the eye of the storm qua sự ghi chép lại của ông Nguyễn Văn Châu cho thấy nỗi oan nghiệt của ông Ngô Đình Diệm.(14)
Chùa Xá Lợi trở thành trạm thông tin nơi ra vào của các báo chí quốc tế. TT.Trí Quang theo như quan điểm của Nolting thì mục tiêu tối hậu của nhà sư này là lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.(15)
Phật giáo đã bị giật giây và lợi dụng và ông Trí Quang trở thành người lãnh uy tín vượt ra ngoài lãnh vực tôn giáo. Nhưng cũng nhà sư này đã bị chính bàn tay người Mỹ loại bỏ khi lá bài của ông trở thành không cần thiết nữa.
Ba năm sau,1966, ông trở về lại về chùa tiếp tục tu hành và quên đi những giây phút hào quang vì bị một tướng lãnh dẹp tan các phong trào nổi dậy ở miền Trung. Ông đã thắng được một tay mưu lược chính trị như ông Ngô Đình Nhu, nhưng lại thua một tay tướng tay mơ về chính trị.
Cuộc tuyệt thực 100 ngày của ông mà không chết ở bệnh viện Duy Tân chỉ là một lá bài chính với tẩy sất. Nó đã bị vô hiệu hóa một cách nhục nhã.
Câu hỏi còn lại cuối cùng là kể từ đó đến nay, ông đã làm gì và làm được gì cho Giáo Hội Phật giáo trong những tình huống mà đạo Phật có nguy cơ mất đạo?
Ai là người nay có thể là người gánh vác số phận Phật giáo trong cái giờ thứ 25 này?
Còn nhớ thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người Mỹ đã dùng linh mục Trần Hữu Thanh với lá bài chống tham nhũng.
Rất may, Linh Mục Trần Hữu Thanh thì không phải tầm cỡ Thích Trí Quang và Nguyễn Văn Thiệu thì cũng không phải Ngô Đình Diệm. Nhưng yếu tố chính là miền Nam đã có nguy cơ rơi vào tay cộng sản và mục đích loại trừ Nguyễn Văn Thiệu đã không còn còn là điều cần thiết nữa!
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline
Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline minh họa và phụ chú:
(1) Lan Cao, Monkey Bridge
(2) Patrick J. Slovan, The politics of Deception, trang Lời mở đầu.
(3) Charles Keith, Annam Uplifted: The First Vietnamese Catholic Bishops and the Birth of a National Church, 1919–1945 – Annam vùng lên. Những vị giám mục đầu tiên của Việt Nam và sự hình thành giáo hội, giai đoạn dân tộc 1919 -1945, Phạm Minh Ngọc dich, Talawas.org, số mùa Thu 2009.
(4) S.M Bao Dai, Le Dragon d’Annam, trang 63-64
(5) A lifetime in the eyes of the storms, Nguyen Van Chau, Chapter “A time for Indecision”
(6) Tran Thi Lien, Les catholiques Vietnamiens pendant la gue2rre d’inde1pendance (1945-1954) entre la reconque6te Colonioale et la resistance commununiste, trang 363.
(7) Nguyen Van Chau, Ibid., chương 17.
(8) Chinh Đạo, Cuộc Thánh Chiến chống Cộng, trang 388.
(9) Patrick J. Sloyan, Ibid., trang 180.
(10) Patrick J.Sloyan: When the humiliated Forrestall realized what he had done, he submitted hí resignation to the president. Trang 181
(11) Patrick J. Sloyan, Ibid., trang 183
(12) Xem tài liệu về phái đoàn Đoàn Điều tra Liên Hiệp Quôc tại Việt Nam, phỏng vấn ông Ngô Đình Nhu.
(13) Lương Khải Minh, Cao vị Hoàng, Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống, trang 330-331
(14) Nguyen Van Chau, A lifetime in the eye of the storm.Ngo Dinh Hiep, A toufger sister of late President Ngo Dinh Diem
(15) Patrick J. Slovsn, Ibid., trang 138.