Về hai cuốn Following Ho Chi Minh và La face cachée du régime
Về hai cuốn sách tiếng Anh và Pháp có thể nói rõ bản tiếng Pháp là bản dịch từ bảng tiếng Anh. Có thể có một hai chỗ sửa đổi của Bùi Tín theo như lời nói đầu cuốn sách tiếng Pháp.
Trong phần mở đầu của cuốn sách “1945-1999, Vietnam la face cachée du régime” (Bộ mặt thật của chế độ), người ta được biết thêm, cuốn này được Marc Bloch dịch ra tiếng Pháp từ bản tiếng Anh, cuốn “Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel” (Theo Chân Bác), bản dịch của Hoa Xuyên Tuyết của Judy Stowe và Đỗ Văn.
Đọc xong “1945-1999, Vietnam la face cachée du régime” (Bộ mặt thật của chế độ) và so sánh với cuốn Hoa Xuyên Tuyết của Bùi Tín, tôi không dấu nổi sự kinh ngạc! Nội dung Hoa Xuyên Tuyết và “1945-1999, Vietnam la face cachée du régime” (Bộ mặt che dấu của chế độ) hay “Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel” (Theo Chân Bác) hoàn toàn khác nhau.
Làm thế nào mà Đỗ Văn và Judy Stowe của đài BBC có thể gọi là dịch “Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel” từ cuốn Hoa Xuyên Tuyết? Có một điều gì đó bí ẩn không hiểu được! Có sự đồng tình giữa Đỗ Văn, Judy Stowe và Bùi Tín không?
So sánh một đoạn mở đầu trong Hoa Xuyên Tuyết và Following Ho Chi Minh
“Đã 15 năm nay, từ những ngày Hòa Bình, nhiều nỗi đau giằng xé lòng tôi. Những nỗi đau không vật chất, không thể xác. Những nỗi đau ngấm sâu trong tâm linh. Không phải nỗi đau của sinh, lão, bệnh, tử. Dù cho lưỡi hái tử thần đã kể cổ tôi vào đêm 2-6-1989 ấy trong một cơn nhồi máu cơ tim cực hiểm.
Đó là nỗi đau của tinh thần, của trí tuệ. Lý tưởng xâm nhập tôi tự nhiên, sâu sắc ở tuổi 18. Tôi sống từ đó lạc quan, hừng hực cả thời tuổi trẻ. Vào bộ đội nhẹ tênh, phơi phới, chỉ một bộ quần áo cũ, một chiếc áo len nâu cụt tay, thủng một lỗ ở bên ngực. Đại đội trưởng ở dịch hậu( hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, Quảng Trị), khi chưa tới 19 tuổi, lo chuyện súng đạn, gạo, muối, lo truyện trinh sát đồn địch, dẫn anh em đi phục kích, chan hòa với đồng bào sống dọc những bãi cát, sung sướng với củ khoai luộc, ăn cùng cà muối của các bọ, các mạ( các bố, các mẹ); cũng có hồi cả đại đội bị sốt rét, bị bệnh ghẻ lở sâu quảng- những vết lở tròn sâu hoắm- mà vẫn vui hát náo nức trong các buổi lửa trại quân dân.”
(Thành Tín, Hoa Xuyên Tuyết, 1991, trang 1)
Và sau đây là “cái được gọi là bản dịch từ Hoa Xuyên Tuyết” do Đỗ Văn và Judy Stowe đảm trách và có nhan đề mới Theo Chân Bác .
“Chương 1. Cuộc cách mạng. Ngày 15 tháng 8, Hoàng đế Nhật Bản ra lệnh cho quân đội Nhật đầu hàng, chấm dứt chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Hai ngày sau, ngày 17, tôi có mặt sau buổi trưa trước cửa Nhà Hát lớn Hà Nội, một tòa nhà do người Pháp xây cất mà vẻ tráng lệ giống như kiến trúc của Nhà Hát lớn ở Paris. Các công chức chính phủ đã tụ tập tại nơi đây để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, một thủ tướng do Bảo Đại chỉ định vào tháng tư năm 1945. Một tháng trước, ngày mồng 9 tháng 3, quân đội Nhật đã loại bỏ chính quyền thuộc địa trên toàn Đông Dương và đã bắt giam các công chức cũng như binh lính pháp.
Nhưng bỗng chốc, vào giữa buổi mít tinh, một nhóm người có mang súng lục đã chiếm chiếc micro. Họ thay nhau tuyên bố chấm dứt chính quyền Bảo Đại và đưa ra một chính phủ mới. Đó là những cán bội Việt Minh, một phong trào được ông Hồ Chí Minh thành lập từ năm 1941 để cùng một lúc chống Nhật và chống Pháp để đem lại độc lập cho Việt Nam.. Người Nhật vừa đầu hàng và cuộc biểu dương là bước khởi đầu mà sau chúng ta gọi là cuộc Cách Mạng tháng 8.”
Xem hai đoạn văn trích dẫn ở trên cho thấy 2 cuốn sách “Theo Chân Bác”/“Bộ mặt thật của chế độ” không có dính dáng gì, dù chỉ một chữ, đến cuốn Hoa Xuyên Tuyết của tác giả.
Bùi Tín có đủ tư cách để viết một cuốn sách khác với Hoa Xuyên Tuyết mà không cần phải gian lận như vậy.
Tôi nhận ra có một sự gì đó không ổn. Nội dung hai cuốn sách bằng tiếng Việt là phê phán chế độ cộng sản về đủ mọi mặt, về đủ điều.
Nội dung trong cuốn sách bằng tiếng Anh và bằng tiếng Pháp thì trân trọng Hồ Chí Minh được coi như một anh hùng cứu nước. Và ông cũng đủ thời giờ biện giải hai chữ Bác Hồ mà ông coi như một truyền thống của người Việt. Đối với Võ Nguyên Giáp, ông coi như một người lãnh đạo cả một thế hệ giới thanh niên theo ông trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Thời gian ba cuốn sách được — một bằng tiếng Việt, một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Pháp — chỉ cách nhau vài năm với cùng một tác giả?
Giả dụ hai cuốn sách tiếng Anh và tiếng Pháp này được dich sang tiếng Việt thì sự thể sẽ như thế nào? Tác giả có được yên hay bị bạn đọc hải ngoại bới móc, chửi ngày lẫn đêm?
Việc trước tiên, chúng ta thử so sánh một đoạn trong cuốn: “Theo Chân Bác” và cuốn dịch ra tiếng Pháp, “Bộ Mặt thật của chế độ”, có giống như Hoa Xuyên Tuyết hay không? Chương đầu cuốn sách nhan đề Revolution. Trong đó, tác giả muốn nhắc lại giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng tháng 8 diễn tiến như thế nào như nhiều sách sử bên phía cộng sản đã ghi chép như: niềm hân hoan, phấn khởi, niềm mơ ước đất nước được độc lập, thanh niên thiếu nữ với rừng cờ đỏ với những bộ quần áo đẹp nhất xuất hiện chung quanh Bờ Hồ.
Sau đây là bản dịch cuốn “Theo Chân Bác” sang tiếng Pháp với nhan đề mới, “Mặt thật của chế độ”.
“Hai tuần lễ sau, tôi cũng có mặt trong ngày 2 tháng 9 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Độc Lập tại Ba Đình. Nhiều dân chúng Hà Nội đã mặc những bộ quần áo đẹp nhất và mang theo cả gia đình. Những bộ âu phục với cà vạt của các công chức bên cạnh các cô gái trẻ ở ngoại ô ăn bận áo dài theo cổ truyền. Những bộ quần áo đen hoặc mầu nâu tương phản với những bộ quần áo đủ mầu sắc. Mọi người trên tay đều phất một lá cờ mầu đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng. Nhiều người còn cầm trên tay những bó hoa. Tôi cũng ở trong hàng ngũ các thanh niên trẻ Việt Minh, nhưng tôi đã tìm cách len lỏi để có thể tới gần được chiếc xe limousine màu đen của chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi còn có thể sờ được vào cánh cửa xe trong khi chủ tịch Hồ Chí Minh rời khỏi nơi đây sau khi đã đọc bài diễn văn lịch sử.”
(Bùi Tín, Mặt thật của chế độ, “Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime”, trang 20.)
Rồi có thể đây là lần đầu tiên hiếm hoi và duy nhất, tác giả tiết lộ gia phả dòng họ một cách công khai. Cũng nhân dịp này, xin được phổ biến về gia thế của ông cho mọi người được biết cũng như thái độ của tác giả đối với ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng mà ông đã không dám đề cập công khai trong Hoa Xuyên Tuyết và Mặt Thật.
Bùi Tín đã nói khá đầy đủ về gia thế của ông. Bố Bùi Tín là Bùi Bằng Đoàn, đỗ đạt và làm quan với Triều Đình Huế, được tiếng là thanh liêm. Và ông cho rằng chính vì có tiếng thanh liêm này mà Hồ Chí Minh vào tháng 9, năm 1945 đã mời ông Bùi Bằng Đoàn tham gia chính phủ sau khi ông Hồ tuyên bố độc lập.
Thật ra việc mời một số người có tên trong chính phủ của Việt Minh chỉ là một hình thức tạo một thế đoàn kết quốc gia, quy tụ mọi đảng phái.
Sự giao hảo ấy đi đến chỗ là ông Bùi Bằng Đoàn theo ông Hồ lên Việt Bắc. Tuy nhiên, không thấy một sự đóng góp cụ thể nào giữa hai người. Ông Bùi Tín chỉ đưa ra một nhận xét duy nhất là,
“Les deux hommes qui s’estimaient en dépit de leurs différences idéologiques, se lièrent d’amitié et devint très proche. Il leur arrriva même d’échanges des poèmes.”
(Hai người quý trọng nhau mặc dầu có những khác biệt về ý thức hệ bằng một sự liên kết tình bạn và trở thành rất gần gũi nhau. Đi đến chỗ là cả hai đã trao đổi làm thơ phú.)
Và một trong những bài thơ mà HCM đã làm được ghi nhận ngay từ năm 1948, một trong những bài thơ hay nhất của ông Hồ. Năm 1955, khi ông Bùi Bằng Đoàn mất vì tai biến mạch máu não, nhà nước cộng sản dụ định làm quốc táng cho Bùi Bằng Đoàn tại Nghĩa trang Mai Địch bên cạnh những người anh hùng của chế độ. Nhưng thể theo nguyện vọng của người quá cố, ông đã được chôn ở chốn quê nhà, bên cạnh vợ ông, tại Liên Bạt, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
Đọc đoạn này cho thấy nếu không phải đây là thủ đoạn của ông Bùi Bằng Đoàn thì hẳn là thủ đoạn của ông Hồ. Ông Bùi Bằng Đoàn chỉ có giá trị “làm cảnh” dù HCM đã mời ông tham gia Ban cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết và chính phủ cách mạng đã cử ông làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt. Ông được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, tham gia thành lập Hội liên hiệp quốc dân. Năm 1946, ông được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cho ông Nguyễn Văn Tố.
Vai trò của ông Bùi Bằng Đoàn có khác chi với chức cố vấn của ông Bảo Đại sau này? Cũng có thể Bùi Tín xem chuyện HCM và cha ông đối đáp làm thơ là việc quan trọng hơn cả!
Ông cho biết gia đình ông cư ngụ tại số 221C, phố Khâm Thiên với những người hàng xóm sống vất vưởng qua ngày. Như ông đại tá về hưu làm nghề vá xe đạp. Một ông bác sĩ tốt nghiệp ở Paris, sống một mình, ngày ngày đi sách hai xô nước về để nấu nướng. Thành phố lúc nhúc những thành phần bất hảo như trộm cắp, móc túi, cờ bạc, gái điếm và nghiện hút. Nhưng tất cả mọi người đều ẩn nhẫn sống qua ngày.
13 tuổi, Bùi Tín theo cha vào Huế và học trường Khải Định. Ông thuộc một gia đình quan lại mà cha làm quan lớn trong Triều nhà Nguyễn nên gia đình ông gồm 10 anh em có cuộc sống dễ dãi với một tài xế, 2 phu kéo xe, 4 người giúp việc và một người nấu ăn, một người đi chợ.
Cuộc sống xem ra dễ dãi nhưng theo ông, bố ông là một vị quan liêm khiết “cấm mọi cơ hội biếu xén quà cáp”. Trong hàng trăm vụ án ông phân xử, ông không hề chấp nhận một xu tiền hối lộ. Chính vì tiếng tăm thanh liêm như thế mà Hồ Chí Minh lên nắm chính quyền đã mời cha ông tham gia chính quyền cách mạng. Ông trích dẫn lá thư Hồ Chí Minh gửi cho ông Bùi Bằng Đoàn năm xưa:
“Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư. Hồ Chí Minh”
(Bùi Tín, Ibid., trang 28)
Ông Bùi Bằng Đoàn nhận nhận chức vụ Thanh tra hành chánh với quyền hành rộng rãi và đã áp dụng nghiêm khắc các vụ tham nhũng hối mại quyền thế tại các tỉnh Vĩnh Phú và Hà Nam. Thời kháng chiến chuyển lên Việt Bắc, ông Bùi Bằng Đoàn lại có dịp gần gũi với ông Hồ hơn và có trao đổi làm thơ như đã nói ở trên.
Phần mẹ ông đã bị bắn chết trong một vụ càn quét của quân đội Pháp vào năm 1948. Cái chết của mẹ ông ám ảnh ông không rời.
Ở trang 37 của cuốn sách, Bùi Tin ca tụng Hồ Chí Minh như một người giản dị, có cuộc sống lương thiện. Ông yêu mến trẻ con và dễ dàng, thoải mái, tự nhiên trong các giao thiệp với các nhà báo cũng như các người bình thường. Vì thế, theo Bùi Tín:
“cực lực phản đối những ai cho rằng đó là cái tài đóng kịch của Hồ Chí Minh. Phải nhìn nhận rằng con người có văn hóa ấy đã đi khắp thế giới vẫn cho thấy một con người rất nhân bản.”
(Bùi Tín, Ibid., trang 37)
Ông cũng bênh vực cách thức người ta gọi ông Hồ bằng Bác. Ông cho rằng đó là điều tự nhiên đối với trẻ con và giới trẻ. Và đó là truyền thống của Việt Nam. Mặc dầu lúc đó ông Hồ mới 55 tuổi. Và điều đó phải chăng cũng chỉ là bắt chước trường hợp Stalin và Mao Trạch Đông. Và đó là những nhân vật anh hùng đã cứu vãn nhân loại khỏi ách Phát Xít và giúp cho hơn chục nước Đông Âu cũng như Việt Nam nổi dậy và dành độc lập.
(còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline