Francoise Sagan: Adieu Tristesse (III)
(Con người, cuộc đời và tác phẩm)
Tác phẩm của Sagan.
Gia tài văn học của Sagan để lại khá đồ sộ. Khoảng 30 cuốn tiểu thuyết, 9 vở kịch. Cộng chung ngót nghét 50 chục tác phẩm..Nhiều cuốn chuyện đã được dịch ra đến 15 thứ tiếng. Hằng triệu ấn bản đã được in ra. Trong phần này, xin giới hạn vào ba cuốn sách đầu tiên mà thôi. Đó là một thành công không thể chối cãi được. Nhưng cái gì đã là mấu chốt của sự thành công này?
Bonjour Tristesse. Đây là cuốn chuyện đầu tay cũng là cuốn chuyện thành công nhất của Sagan. Như chính Sagan đã nhận xét :"Gần như tất cả mọi người đọc tôi thì dều đã đọc Bonjour Tristesse."VIII Cuốn chuyện với giọng văn rất tự nhiên, gần như theo bản năng mà viết, theo cái nghĩa nghĩ sao viết vậy, theo cái động lực bên trong đẩy tới, theo cái thôi thúc đòi hỏi của tuổi trẻ. Cuốn truyện toát ra sự dễ dàng trôi chảy, sự tự nhiên đến hồn nhiên của một người thiếu nữ. Nó không có sự mầu mè hoặc cầu kỳ, nhưng nó cũng không rơi vào chỗ tầm thường, nhàm chán Khó là ở chỗ đó, viết về những chuyện tầm thường mà không rơi vào cái tầm thường nhàm chán. Câu chuyện chuyển biến nhanh, gọn với sự thành thật đến trơ trụi, bóc trần, trực tiếp, đầy nhục cảm, ngây thơ đến vô luân.. Không có gì ràng buộc, mọi chuyện, mọi tình tiết cứ lướt đi như thế, lôi cuốn, mạnh. Đọc như một giải trí, dễ dàng và đơn giản ..
Cái mấu chốt câu chuyện xảy ra ở vùng Midi, trong một căn nhà nghỉ mùa hè mà nhân vật chính lần đầu đi nghỉ với cha cô trong một tháng. Mồ côi mẹ, suốt đời ở nội trú, nay là lúc Cécile khám phá ra đời sống, một đời sống khác hẳn quãng đời ở trong nội trú.. Cha cô đã đưa về một người tình nhân có tuổi, đẹp, quyến rũ, lịch sự, tế nhị. Thế là câu chuyện vỡ đồ. Anne, người tình của cha cô đã gây rắc rối, xáo trộn kỳ nghì nghỉ hè này. Cécile ghen tức cũng có, xét đoán nặng nề cũng có, trả thù cũng có, sợ mất cha về tay Anne cũng có nên tìm cách phá đám cuộc hôn nhân này. Cuối cùng thì Cécile đã dẩy Anne đến chỗ tuyệt vọng đến một chọn lựa một khúc ngẹo cuộc đời, hay khúc ngẹo của con đường bằng một tai nạn xe hơi.
Ngày nay, lấy ra đọc thử lại thì không thấy gì, thấy cũng hay hay, nhưng cũng thường thường, vậy vậy. Nhưng ở thời 50 năm về trước đã hẳn đó là một xì căng đan. Truyện của Sagan nổi tiếng ở chỗ đó cộng thêm cái lối viết hồn nhiên đến trơ trẽn đến sống sượng, ngây thơ mà vô luân, mà dâm đãng, thản nhiên vô số tội. Chẳng hạn như thế này : J'aimais l'enfant en toi, et le mâle et le vieillard possible. ( Trích trong lettre d'adieu..trang 32, Trong Et toute ma sympathie.. ) Cuốn chuyện cho thấy có sự đối lập giữa các cặp Hồn nhiên mà tội lỗi, ngây thơ mà già dặn, trẻ mà bạo dợn, tử tế mà xấc xược, trẻ mà đầy toan tính, mà tàn bạo. Tàn bạo đến thản nhiên, đến như thế này : Je ne te lègue plus rien. Tu le sais, il n'ya rien d!autre à léguer, rien de compréhensible, rien d'umain, surtout rien d'umain, pqrce que moi, je t'aime encore, mais cela, je ne te lègue pas. Je te le promets : Je ne veux pas te revoir. ( Cũng trong Lettre d'adieu, trang 37) Cái sự tàn bạo cuối cùng là dàn dựng một vụ "tự tử đẹp" của Anne : Một tai nạn xe cộ ở một khúc quẹo. Và câu chuyện chấm dứt ở đó.
Un certain sourire
Người ta chờ đợi cuốn chuyện thứ hai của Sagan để có phản ứng, để phê phán và để xem Sagan viết cái gì nữa. Cuốn Un certain sourire ra đời gần hai năm sau, 1956. Vẫn đơn giản, vẫn nhạy cảm và nhục cảm và rất gần với đời sống bình thường, với những câu chuyện bình thường. Đó là một câu chuyện tình cảm êm dịu đi tìm một tình yêu lớn với những nhân vật truyện rất đời thường mà ta gặp mỗi ngày. Một người đàn bà đã yêu một người đàn ông có thể trong một hoàn cảnh đối nghịch với phong tục, lề thói. Câu chuyện đơn giản chỉ có vậy. Giọng văn nhanh, gọn, vắn tắt, không mầu mè làm dáng, được chăm sóc kỹ càng . Giả dụ như thế này : L'amour, c'est tellement ordinaire. Rồi Je passe sur la nuit. :
Beau, tu étais beau,
Derrière toi bougeait le rideau
Fleuri de la maison de passe.
( trích trong Lettre d'adieu, trang 31)
Rồi do những trùng hợp nào đó, câu chuyện trong văn chường trùng hợp với câu chuyện đời thường, trộn lẫn vào nhau. Sau khi xuất bản Un certain sourire thì Sagan gặp Guy Schoeller, chủ nhà xuất bản cũng có đôi mắt xám, dáng điệu mệt mỏi, gần như buồn " les yeux gris, l'air fatigué, presque triste". Và 6 tháng sau thì chuyện cần xảy ra đã xảy ra.. Guy và Sagan lấy nhau để rồi ly dị sau đó. IX
Dans un mois, dans un an
Cuốn chuyện là một thất bại đối với F.Sagan. Những lời phê bình khá nặng :"Voici un vrai brouillon". Chỉ đáng vất vào thùng rác. Ngay những nhà phê bình đứng đắn từng khen ngợi Sagan trong hai cuốn trước như Henriot, Kemp, Kanters, Rousseaux cũng cất tiếng chê bai Cuốn chuyện 185 trang với khoảng hơn mười nhân vật truyện rất mờ nhạt. Câu chuyện kéo dài từ Paris xuống đến vài tỉnh lẻ bị cắt xén, đứt đọan, lộn xộn. Có sự rời rạc, không mạch lạc thứ tự. Nhân vật truyện thiếu cá tính, chưa rõ nét. Tôi thử đọc lại cuốn chuyện từ trang đầu đến trang 53, thật khó mà hiểu câu chuyện ra sao? Hết Jacques, Béatric, Bernard, Fanny, Josée, Nicole và Edouard Maligrasse xuất hiện như trong một buổi trình diễn thời trang, thoáng xuất hiện, rồi thoáng mất.. Thay vì 160 trang, phải cần 500 trang như thế để giàn dựng, xếp đặt lại cho ra một cuốn truyện. Người đọc có cảm tưởng Sagan viết cẩu thả đến dễ dãi. Vậy mà 250 ngàn cuốn sách đã được bán ra trong hai ngày?
Có lẽ chỉ có Sartre bênh vực Sagan. Điều đó đã hẳn làm cho Sagan sau này gắn bó với Sartre hơn. Ngoài Sartre, Chính Sagan cũng nhìn nhận ra những thất bại của cuốn chuyện. Sagan đã viết lại cảm tưởng của mình vào một buổi chiều ở Gassin sau khi đọc xong cuốn sách của chính mình viết : Sự chán nản đến tuyệt vọng." J'avais même les yeux embués de larmes en évoquant ce destin que certains lecteurs m!enviaient tant. S'ils m'avaient vue mettre le mot " fin" après trois où six mois d'efforts, dans l'indifférence et l'inintérêt de mes meilleurs amis.. Ah, il est bien vrai que la " gloire était le deuil éclatant du bonheur…" ( trích trong Derrière l'épaule, trang 50 )
Cũng trong giai đọan này, hai vợ chồng Sagan, mỗi người có bồ bịch riêng đi ăn lẻ, lén lút. Có vẻ như câu truyện trong văn chương và câu truyện trong tác phẩm khớp vào nhau.. Cả hai cặp bồ lén lút, trong ngõ hẻm, trong những nơi vắng vẻ, bóng tối, hoặc một địa điểm của bạn bè cho mượn. Ôm ghì nhau vội vã rồi buông ra, hẹn nhau ở hộp đêm, hay ở bãi biển trong một ngày. Đó là cuộc sống hai mặt. Chồng vợ và tình nhân. Rồi J.P. Sartre xuất hiện đúng lúc, trên sân thượng Gassin, cũng những ôm xiết mà cả hai đều thỏa mãn..Guy chỉ còn là cái bóng mà Sagan quên dần..
Vài lời cuối
Đã một thời, chuyện của Sagan đã để lại một cái gì, đã là tiếng nói của một giai đọan, của một thời kỳ và đã để lại dấu ấn của mình ở giai đọan đó. Chừng đó có lẽ đủ với Sagan. Hãy thử nghĩ xem. Bằng ngòi bút đó, viết trên giấy vở học trò, như một thứ nhật ký tuổi 17. Tưởng rằng đơn sơ, ngây thơ và trong trắng. Không phải vậy.. Đó là sự ngây thơ phản kháng, ngây thơ ngần ngật nhục tính. Đó là sự dẫm đạp lên mọi thứ dưới gót chân người con gái đó đi qua một cách thản nhiên đến tàn bạo. Cuộc đời đã chiều chuộng quá và Sagan đã dẫm đạp lên ngay cả cái chiều chuộng đó : Coi tiền như rác, tình yêu đến dễ dàng như lấy món đồ trong túi, xong rồi quẳng ra đấy chạy theo tất cả những dẫn đưa, những cảm giác, những trò chơi mới bằng đủ mọi thứ cảm giác, bằng đủ thứ " mánh mung", bằng đủ thứ người và bằng đủ mọi cách thức và phương tiện. Thuốc lá, hộp đêm, cờ bạc, quán cà phê, họp bạn thâu đêm, lái xe với tốc độ.. Tất cả cho một cái được gọi là "lối sống mới".. Sagan đã đại diện cho những thứ đó, đã viết ra trên những trang giấy học trò và đã sống như thế những điều mình viết.
Độc giả khắp thế giới đã đón nhận bằng cả hai tay.. Nhưng, những tác phẩm tiếp theo đó dã thiếu hẳn cái chất ngây thơ, cái chất học trò, cái chất tuổi 16, 17, cái chất hồn nhiên vô số tội. Những cuốn sách tiếp ngay sau đó được đón tiếp một cách hững hờ..Sau này, các nhà phê bình văn học, các sách văn học sử Pháp đã dành một chỗ quá nhỏ cho Sagan, đọc thấy mà thất vọng. Qua đám tang của Sagan mới đây cho thấy dư luận người đọc đã quên đã có một thời có một nhà văn nữ nổi tiếng của nước Pháp. Kể ra cũng là tàn nhẫn.
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline