MGTT 46 - CÔ BẠCH THỊ BÊ (1938-2018)
MGTT 46 là nén hương lòng thành kính của lớp 7/1 K15 viếng
GS hướng dẫn Bạch Thị Bê (1938-2018)
Năm học lớp 7, đã thành "cựu chiến binh" của Trung học Ngô Quyền, không còn là “lính mới tò te” như khi vừa đậu vào lớp 6. Đầu niên học, chúng tôi được chép thời khóa biểu, biết giáo sư huớng dẫn của mình là Cô Bạch Thị Bê. Và cứ hỏi nhau "không biết Cô Bê có hiền như Cô Nguyệt?" (GS hướng dẫn, dạy Cổ Văn năm lớp 6)
Năm đó, lớp chúng tôi có hai GS dạy Quốc Văn là Cô Lê Thị Thanh dạy Kim Văn, và Cô Bạch Thị Bê dạy Cổ Văn, cũng là giáo sư hướng dẫn. Có lẽ thấy chúng ta còn tuổi "măng", chưa thành "tre", nên quý Thầy Cô, đặc biệt là các GS hướng dẫn uốn nắn chúng tôi kỹ càng.
Năm lớp 6, mấy đứa ngồi bàn đầu (trong đó có chúng tôi) đều được Cô Nguyệt nhắc nhở "con gái phải nề nếp, không được rung đùi". Tương tự như vậy, đầu năm lớp 7, ngay từ giờ học đầu tiên Cô Bê đã dạy chúng tôi hai câu từ "Gia Huấn Ca" của ông Nguyễn Trải :
"Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời đức hạnh làm câu trau mình"
Lớp 7/1 của chúng tôi toàn là nữ sinh, nên Cô Bê dạy kỹ càng câu thứ hai.
Mỗi giờ học, Cô dạy về một đức tính của đàn bà con gái từ "Công, Dung, Ngôn, Hạnh" đến những bổn phận của người phụ nữ Việt Nam .
Bằng kinh nghiệm của một giáo sư có nhiều năm trong nghề, bằng kinh nghiệm của một người mẹ (Trần Thùy Ngân, con gái đầu lòng của Cô, trạc tuổi chúng tôi), Cô "đi guốc trong bụng” chúng tôi, không đứa nào (kể cả những "chị quậy” nhất ở "xóm nhà lá") dám "ló đuôi thứ ba học trò". Nên lớp chúng tôi không chỉ được các Thầy Cô dạy năm đó khen là lớp ngoan hiền nhất trường, mà còn được phòng Tổng Giám thị tuyên dương.
Cô Phước, Giám thị, còn cho là :
-Lớp nào cũng ngoan như lớp 7/1 này thì chắc là công việc của Cô nhàn hạ vô cùng.
Bằng phương pháp "mưa lâu thấm đất", bằng nhiệt tình của một nhà giáo, một người mẹ, Cô Bê đã uốn nắn được gần 60 nữ sinh lớp 7/1 khóa 15 thành nhũng cô gái ngoan hiền ra đường chỉ nhìn thẳng không bao giờ dám liếc ngang liếc dọc. Có vui lắm cũng không bao giờ dám cười toe toét, không dám nói leo, không dám ăn mặc hở hang. Lúc nào cũng nghiêm trang vì nhớ lời Cô nhắc nhở hàng tuần :
Con gái chưa nói đã cười
Chưa đi đã chạy là người vô duyên
Thưa Cô, tụi em bây giờ đã qua thời con gái, còn lớn hơn cả tuổi Cô ngày xưa, thời thầy trò mình còn ở trong lớp 7/1, nhưng vẫn nhớ lời Cô dạy, và chưa có ai làm gì để Cô phải buồn lòng.
*** ---***---
Mãi về sau, sau này (hơn ba thập niên trôi qua) nghe nói Cô đang ở Mỹ, nhưng sống khép kín, tu tại gia với pháp danh Diệu Thủy, em không dám làm phiền Cô với những chuyện thị phi đời thường, nhưng vẫn tìm cách được nghe lại giọng nói của giáo sư hướng dẫn năm lớp 7 qua điện thoại.
Rồi mới đây, được tham dự họp mặt với chs NQ ở Houston, Texas, gặp được chị Bạch Thị Hồng (NQ K6) là em ruột của Cô, em xin Chị số điện thoại của Cô, và ra một góc phòng để gọi thăm Cô, mong được nghe lại tiếng Cô, nhưng chuông điện thoại vang lên, lạnh lùng, không có người trả lời, không có voicemail.
Sau đó mỗi ngày em đều gọi, ở nhiều thời khắc khác nhau, nhưng vẫn chỉ là tiếng chuông điện thoại đơn điệu, lạnh lùng.
Vài ngày sau, em được tin Cô mất. Nước mắt em ứa ra, những dòng chữ trên Email báo tin Cô mất nhảy múa, nhạt nhòa. Thì ra lúc em gọi từ Houston qua Atlanta thăm Cô thì Cô đã hôn mê trong bệnh viện.
Hình như mình đã hết "duyên" từ sau tháng 4 năm 1975 phải không thưa Cô?
Nhưng em biết là Cô vui vì những lời giảng dạy "mưa lâu thấm đất" về đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam đã thấm vào tư tưởng và tâm hồn của tụi em.
Bất cứ môt chs NQ nào học với Cô chương trình Cổ Văn với tác phẩm "Gia Huấn Ca" đều không quên :
"Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời đức hạnh làm câu trau mình"
Từ khắp mọi nơi trên thế giới, từ Biên Hòa, từ Saigon, từ Việt Nam, từ Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc, tụi em hướng về Atlanta, Georgia, US- chào Cô lần cuối.
Tụi em sẽ hồi hướng, cầu nguyện cho Phật tử Bạch Thị Bê, pháp danh Diệu Thủy đến 49 ngày để Cô được thanh thoát, an nhiên.
Xin tiễn Cô bằng hai câu thơ của học trò thi sĩ Đông Hồ :
Ơn sâu nghĩa nặng tình dài
Khóc Thầy khóc mãi biết đời nào nguôi"
Cô đi bình yên, đã có nhiều đồng nghiệp và học trò đón Cô ở thế giới bên kia. Tụi em không bao giờ quên Cô và nhớ lời Cô dạy để sống với “đức hạnh” và “trung hiếu” đến hết cuộc đời.
Nguyễn Trần Diệu Hương