Francoise Sagan: Adieu Tristesse (I)
(Con người, cuộc đời và tác phẩm)
Francoise Sagan. Tác giả cuốn tiểu thuyết thời danh Bonjour Tristesse đã từ biệt cõi đời, ngày thứ sáu, 24 tháng 09, 2004 ở tuổi 69. Tên thật của bà là Francoise Quoirez, sinh ngày 21, tháng 6, năm 1935, tại Cajarc. Khi xuất bản cuốn truyện đầu tay, gia đình không muốn bà dùng tên thật, họ đã yêu cầu bà chọn một biệt hiệu. Bà đã chọn biệt hiệu lấy lại trong tác phẩm của Proust, một tác giả được bà ưa chuộng : Hélie de Talleyrand Périgord, princesse de Sagan. Bà có biệt hiệu Francoise Sagan từ đó.
Con người của Francoise Sagan
Đã có lần bà viết : "Hạnh phúc, đối với tôi trước hết là được an vui. Pour moi, le bonheur, c'est d'abord d'être bien". Câu nói đó gói trọn tất cả ý nghĩa cuộc sống của F.Sagan sau này. Xuất thân từ một gia đình khá giả, cha là kỹ sư thuộc giới trưởng giả thành thị, Sagan có một cuộc sống dễ dãi, sung túc đầy đủ, ngay cả vào những năm chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng gốc gác thì lại ở làng quê Carjarc mà theo Sagan trong cuốn .. Et Toute ma sympathie.. , bà mô tả như một vùng nghèo túng, chỉ có đá và đá. Nguồn thu lợi trong làng là trồng ngô, thuốc lá và nho. Khí hậu khắc nghiệt, nóng như ở sa mạc, trải dài hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác với những dấu vết những căn nhà hoang tàn, đổ nát của những thôn xóm không người ở.
Sagan là một cô bé mê sách ngay từ khi ba tuổi. Chưa biết đọc, nhưng cầm cuốn sách, đôi khi cầm ngược, nhưng làm ra vẻ quan trọng như thể ta đây biết đọc. Mê tiểu thuyết của Claude Farrère vì tính cách exotisme ..Thiếu thời đã mê đọc Camus và Proust. Đọc đi đọc lại Proust. Mê Maupassant. Mê thơ của Cocteau. Rồi đọc những tác giả cùng thời như Bernard Frank, Francois-Olivier Rousseau, hay Marguerite Duras.
1 Đặc biệt bà Duras sinh ra ở Gia Định, Việt Nam, năm 1914. Bà mồ côi cha lúc 5 tuổi. Cuộc sống nghèo khổ làm vốn cho bà sau này với tác phẩm Un barrage contre le Pacifique, 1950 , kể lại thời thơ ấu của bà. Năm 1934, bà quay về Pháp, học luật rồi lấy chồng. Vừa là nhà văn, vừa là nhà làm phim. Những tác phẩm của bà gồm những cuốn : Le marin de Gilbraltar, Moderato cantabile, l'Amante Anglaise
Sagan cũng thích loại tiểu thuyết mới như của Robbe-Grillet. Lớn lên càng đọc nhiều hơn, đọc bất cứ lúc nào rảnh. Nhất là khi nào làm việc nhiều không ngưng nghỉ. Đối với Sagan thì đọc sách là một lối giải trí. Mê cuốn La promenade au phare của Virginia Woolf ( nữ tiểu thuyết gia người Anh, 1882-1941). Rồi vô số sách thuộc loại Série noire của Hoa Kỳ, hay Anh được dịch ra tiếng Pháp nhhư Iris Murdoch, Saul Bellow, William Styron, Jerome Salinger, Carson McCullers, John Gardner, Katherine Mansfield, Anthony Burgers, Evelyne Waugh. Vì thế hành trình dẫn Sagan đi vào con đường văn chương rất là sớm như đã nói ở trên. Sớm lắm so với lứa tuổi học trò. Giống như trong một số gia đình trưỡng giả khác, nhà Sagan có cả một thư viện đầy sách bầy biện ở đó từ nhiều thế hệ. Nguời ta có thể tìm thấy những quyển sách cấm, thuộc lọai đồi trụy nhất như cuốn Les civilisés của Claude Farrère.. Cạnh đó có đủ thứ lẫn lộn từ Delly, la Fontaine, Pierre Loti, Montaigne, Dostoievski.. Nhất là Rimbaud và Proust. Bà đã nghiền ngẫm Rimbaud như bị một tiếng sét khi đọc Illumiations. Proust không phải dễ đọc đối với một số đông người. Nhưng vói Sagan, Sagan có thể yêu mến bất cứ thứ gì nơi Proust. Sagan yêu tất cả những nhân vật của Proust, từ cách diễn tả tâm lý con người, tất cả những phân tích mà Proust nêu ra, phân tích rạch ròi, soi mói, mổ xẻ từng ly từng từng tý.. Có lần Sagan đã so sánh Proust là một thiên tài, còn Sagan thì có tài . "Proust a du génie, moi j'ai du talent". Theo bà thư ký Bartoli tiết lộ, sách của Proust là loại sách gối đầu giường của Sagan. Như chúng ta dã biết, Tên Sagan có được là sau khi Sagan đã đọc : A la recherche du temps perdu của Proust. Có nhiều điểm tương đồng giữa Proust và Sagan : Họ ở cùng một khu phố. Gia đình Proust ở số 9, đường Malesaherbes. Gia đình Quoirez ở số 167. Cùng mê đánh bài, cùng tiêu tiền như nước, cùng thích vùng Normandie, Deauville.. Proust có một cái giường bằng đồng, Sagan cũng mỏi mắt tìm cho bằng được một cái giường như thế và giữ cái giường đó cho mãi đến về sau này.
13 tuổi đã đọc Les nourritures terrestres của André Gide. Đây là tác phẩm gây dấu ấn mạnh mẽ nơi tâm hồn một cô gái trẻ. Cuốn sách đã đánh động tâm can Sagan trong từng câu, từng đọan văn của tác giả khi Gide viết về Nathael. Sagan ngồi dưới bóng những cây dương liễu đọc Gide và Sagan đã khám phá ra đời sống trong cái tròn đầy viên mãn và trong cả cái quá độ của nó.( La plénitude et ses extrêmes). Chỉ với 13 tuổi đầu, Sagan đã có được giây phút cảm nghiệm siêu hình về hiện hữu người, về sự xung mãn tròn đầy của hiện hữu và về sự quá độ của hiện hữu ấy.. Thật là hiếm hoi lắm. Cảm nghiệm đó bắt được từ hàng ngàn những cánh lá bé nhỏ quấn vào nhau, với mầu xanh sáng, rơi rụng trên vai, trên đầu Sagan. Và mỗi cánh lá như chuyên chở một niềm hạnh phúc . Như thể cuộc sống không bao giờ biết già nua mà chỉ có những nguồn vui trẻ thơ và lãng mạn đổ xuống : Nào xe cộ, nào ngựa, nào vinh quang, nào sách vở, nào biển, nào tầu thủy, những máy bay ban đêm, những nụ hôn, nào vinh quang.. Tất cả đều đến cùng lúc do tưởng tượng đã tràn ngập tâm hồn cô, những tình cảm tốt đẹp nhất và cũng có thể man rợ nhất.
Sau Gide đến Camus với L'homme révolté. Tuổi đời còn quá trẻ, đọc L'homme révolté là tập tành phủ nhận tất cả. Trước hết là Thượng Đế. Về điều này, không cần đợi đến lúc đọc Camus. Con người nổi lọan nơi Sagan đã đánh mất Thượng Đế trong một dịp đến Lourdes. Sagan tình cờ thấy một cô gái đang khóc cầu nguyện. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu : Thượng Đế để làm gì? Có cần không? thế rồi Sagan có ý tưởng phủ nhận Thượng Đế, chối từ cả một phần đời Sagan đã được rèn luyện, đào tạo ở trong các nhà nội trú của tôn giáo. Hình ảnh cô gái cầu nguyện chỉ là cái cớ cho sự chối từ này. Đã hẳn, những thúc ép, những lề luật khô cứng, những kinh kệ trong nhà nội trú đã làm Sagan chán nản . Nó chỉ chờ dịp để nổ bung ra.. Chừng đó tuổi đầu, tuổi còn mơ mợng đối với các cô gái khác, Sagan rơi vào một khủng hoảng siêu hình làm Sagan vừa băn khoăn và vừa hãnh diện. Khi trở về phòng trọ, khủng hoảng siêu hình còn kéo dài. Sagan không thiết đến ăn uống và mơ tưởng tới một mảnh đất không có Thượng Đế, một thế giới không có lòng thương hại, cũng không có ân sủng và cũng chẳng có công lý..Đọc Camus, Sagan đã khám phá ra trong L'homme révolté một thế giới không có mặt Thượng Đế, mà chỉ có con người. Và con người thay thế chỗ của Thượng Đế.. Và con người tự tìm ra những câu trả lời cho bất cứ những câu hỏi nào được đặt ra mà không còn cần đến Thượng Đế nữa. Có lẽ, cuốn truyện con người phản kháng của Camus đã ảnh hưởng trực tiếp trên sự nghiệp viết văn của Sagan sau này. Về điểm mất niềm tin tôn giáo, Sagan cũng đã nhắc lại trong Répliques, trang 114.. theo đó, kể từ khi học Couvent des oiseaux lúc 12 tuổi, bà đã bỏ rơi tôn giáo, rồi cảnh tượng những người bệnh tật đến cầu nguyện ở Lourdes đã làm bà chán đến ghê tởm. Đến khi 14, 15 tuổi, đọc Sartre, Camus, Prévert, bà đã khằng định đánh mất hẳn niềm tin tôn giáo.
Sau Camus thì đến Sartre. Sartre đã là một kỳ tài. Nhưng kẻ đọc Sartre lúc 15 tuổi thì gọi bằng gì? Có thể nói, Sagan đã dành tất cả sự trân trọng và yêu mến cho Sartre. Trong một lá thư tỏ bầy công khai gửi cho Sartre, đăng trong Le Matin de Paris và trong L'Egoiste, vào năm 1979, nghĩa là gần 30 năm sau khi biết và đọc Sartre, dưới nhan đề : Lettre d'amour à J.P Sartre. Sagan đã ca ngợi cuốn Les mots bằng những lời lẽ đẹp nhất. :" Vous avez écrit les livres les plus intelligents et les plus honnêtes de votre génération, vous avez même écrit le livre le plus éclatant de talent de la littérature Francaise : Les mots." <SUPII< sup>
Trong một cuộc phỏng vấn, Sagan đã đưa ra nhận xét khi đọc Sartre : Sartre làm tôi xúc động tận tâm can và cùng một lúc làm đảo lộn và chóa ngập tôi với tư cách một nhà văn và một con người. Il me touche, me bouleverse et m'éblouit à la fois comme écrivain et comme homme. Được hỏi Sartre có phải là người mà Sagan yêu mến không? Trả lởi : Parmi les gens que j'ai admirés, c'est celui que j'ai le plus aimé. Mon père est mort au moment òu j'ai bien connu Sartre.III Và một số câu hỏi gài và trực tiếp của người phỏng vấn : Sartre vous manque-t-il? Trả lời : Bien sur . Hỏi : L'amour en somme? Sagan đã trả lời : Une forme d'amour… de ma part certainement. Nhưng chỉ là : Une passion brève…Và một câu hỏi cuối cùng : Simone de Beauvoir n'était-elle pas Jalouse ? Sagan trả lời : Je ne pense pas, elle n'avait aucune raison de l'être. Mais touts les gens qui étaient autour de Sartre étaient très jaloux de lui. Quand J'arrivais, il était déjà tout prêt à partir, dans le hall d'entrée avec son manteau sur le dos. Il me disait :" On file ? Alors on filait.
12 tuổi được gửi vào trường "Couvent des oiseaux", nhưng bị đuổi về vì thiếu chiều tâm linh (Manque de spiritualité).
Năm 1951, đỗ tú tài với số điểm cao là 17 trên 20 cho bài luận Pháp văn với đề luận : Thảm kịch có cái gì giống với lại đời sống thường ngày? (En quoi la tragédie ressemble-t-elle à la vie? ). Sagan ghi tên học Sorbonne và trong kỳ hè 1953 đã viết xong cuốn truyện đầu tiên trong 6 tuần lễ. Sagan đã gửi cho hai nhà xuất bản Plon và Julliard, cuối cùng thì René Julliard chỉ đọc bản thảo trong một đêm và sáng hôm sau quyết định cho in : Đó là cuốn Bonjour Tristesse. Sau đó. Có 6 cuốn nữa cũng được in ở nhà Julliard, nhưng không có cuốn nào đạt thành công như cuốn đầu với hơn 2 triệu ấn bản. Đó là thành công rực rỡ mà Sagan đá nói :" Tôi đã đạt được danh vọng từ hồi 18 tuổi trong 188 trang giấy. Chẳng khác gì một cú của bình hơi nổ. La gloire, je l'ai rencontré à 18 ans en 188 pages, c'était comme un coup de grisou". Nhà văn F. Mauriac trong dịp này đã viết trên tờ Le Figaro bằng một giọng trìu mến, ông gọi Sagan " Petite fille trop douée" hay le "petit monstre " sacré.
15 tuổi đã có dáng dấp gái "Parisienne" với tâm trạng vừa hãnh diện, vừa xấu hổ. Còn nhớ lại, trong những ngày hội cổ truyền của nông dân, Sagan xao xuyến mong đợi được con trai của người bán tạp hóa hay người người làm bánh mì ít ra cũng mời nàng nhảy. Mười tám tuổi thì lâu lâu mới có dịp trở về làng quê. Người ta vẫn chỉ coi Sagan là con gái của bà Quoirez, nhưng nay " đã là người viết tiểu thuyết ". Tuy vậy, cả làng cũng chẳng mấy ai chú ý đến chuyện viết lách này.
Kể từ nay, Sagan đi đi về về vùng quê này thường hơn không phải với tư cách người đi du lịch mà là một người trở về làng mình, trở về chốn cũ. Sagan đã cảm nghiệm được một điều gì đó . Và càng ngày Sagan càng khám phá ra nhiều nét đẹp ở quê nhà. Những thung lũng nay trải một mầu xanh, bị cắt nang bởi một con sông với mầu xám xịt.. Những buổi chiều, trời đang mầu hồng nhạt chuyển sang mầu tím nhạt rồi xanh..Thiên nhiên thì thế. Người dân quê ở đây, họ có cái vẻ nhàn tản và rộng lượng trong sách sống của họ. Có cái vẻ đẹp nơi thiên nhiên mà cũng có cái vẻ đẹp nơi con người. Ở đây đời sống như chậm lại.. Sagan ngồi trên ngưỡng cửa bực đá trước nhà nhìn người qua lại, nhìn con chó nằm soải chân bên cạnh, nhìn mặt trời đang xuống sắp sửa lặn.. Xa đằng kia, bên kia đường, vẫn cái giếng cũ mà một thời Sagan đã ra đấy lấy nước..Tiếng chuông nhà thờ kêu râm ran ba bốn bận mà chẳng ai lấy làm khó chịu. Một buổi chiều thật êm ả. Sagan cảm thấy đói, đi vào nhà, sập cửa xuống trong khi ngoài phố yên lặng .. Và rồi, ngày mai sẽ cũng vẫn thế, giống như ngày hôm nay..
Giống như con cái của một số gia đình quyền quý, Sagan sống nhiều năm trong nội trú ở Paris với những đàn con gái cùng lứa tuổi, cùng kiểu áo, cùng đồng phục một mầu. Các nữ sinh đã xếp hàng thành từng đoàn, rảo bước, đi dạo ngoài đường phố như một đàn cừu ngoan ngoãn, dễ dạy. Sagan đã cảm thấy xấu hổ và bực dọc đến nổi khùng.. Sagan đã cố tình đi chậm buớc lại để tách rời ra khỏi đám con gái đó. Càng lùi xa chừng nào tốt chừng nấy. Chỉ đến khi nào, viên giám thị huýt còi ra dấu cho Sagan , lúc đó Sagan nhảy tung tăng theo gót đám bạn.. Hình ảnh đó đẹp.. Nhưng cũng báo hiệu một cái gì..?
Cho mãi đến sau này, trong hồi ký của Marie-Thérèse Bartoli IV, một thư ký riêng của Sagan trong 16 năm vẫn tự hỏi : Làm sao một người con gái cùng lứa tuổi như bà ta đã có thể viết một cuốn truyện một cách rất là xấc xược và từng trải đến như thế? Phần bà ấy, ở vào tuổi 19 thì đã chưa hề bao giờ biết đến những " surprise-party", những hộp đêm, ma túy, tốc độ, cờ bạc, làm những chuyện điên khùng và chưa hề biết rượu Whisky như thế nào. Tưởng chỉ là một thức uống trong mấy phim Mỹ.. Nhưng cũng chính ở chỗ đó, cuốn chuyện đầu tay của Sagan đã thu hút giới trẻ và làm họ mơ mộng một cuộc sống mới đầy hấp dẫn…
Những tra vấn và thắc mắc của Marie-Thérèse Bartoli cũng có thể cắt nghĩa được. Sagan thông minh, lanh lợi, trưởng thành sớm hơn những người con gái cùng lứa tuổi..Trong bài viết ngắn, chưa tới 10 trang có nhan đề : La ville buisonnière.. trong cuốn .. Et toute ma sympathie.., từ trang 181-187. Sagan đã kể lại thời gian nội trú ở Paris . Lúc đó là mùa hè. Paris trống vắng không người, buồn tẻ. Các cô nữ sinh bị bắt buộc giam hãm trong nội trú theo sự độc đoán của cha mẹ họ. Họ bị giam hãm ở đây để chuẩn bị cho kỳ thi tháng 7 trong lo âu và mệt mỏi. Chỉ có mỗi một giải trí duy nhất đối với họ là việc đi bộ buổi chiều, họ xếp thành từng hàng đi diễu qua các đường phố Paris không người. Cũng như ở trên, Sagan coi việc đi bộ này là cực hình không chịu đựng nổi và là một nỗi nhục nhã phải xếp hàng đi từng đoàn. Chỉ còn một lối giải thoát là Sagan lợi dụng lúc đi bộ ra ngoài, thoát ra khỏi đám con gái, rồi một mình lang thang trên những đường phố lát gạch gô ghề của Paris.. Vậy mà Paris đối với Sagan hoàn toàn xa lạ. Sông Seine gần đó. Paris đối với Sagan thu gọn vào trong một giờ. Sagan phải nắm lấy cái Paris một giờ này cho mình hoặc không có gì cả. Quá một giờ mà chưa có mặt trong hàng ngũ sẽ bị đuổi ra khỏi nội trú. Sagan còn đeo cả cái tấm tạp dề vấy mực lúc đi lang thang như thế. Cô đi dọc bờ sông Seine. Bây giờ là 6 giờ. Trời xám. Không có lấy một người..Sagan thả bộ, đi dọc bờ sông, rồi ngồi xuống ven sông, chân duỗi ra thoải mái. Sagan viết : J'étais parfaitement heureuse. Chĩ một câu nói đó thôi, người đọc cảm nghiệm được khao khát tự do của một nữ sinh nội trú như thế nào? Con người Sagan muốn nổi lọan, muốn bứt phá, muốn ra khỏi những ràng buộc, ra khỏi cái nhà tù nội trú đi tìm cho mình một thoáng giây tự do, thoáng giây của hạnh phúc... Vì thế, chỉ cần ngồi một mình bên bờ sông đã cảm nhận ra được cái hạnh phúc ấy. Có một lần ngồi như thế bên ven sông, Sagan đã gặp một người đàn ông lớn tuổi, dáng cò bơ cò bất. Có chút dơ dáy, chút chểnh mảng, lãng tử trong cử chỉ điệu bộ. Chút quần áo lôi thôi, lếch thếch. Nhưng Sagan có vẻ thích người này và chính Sagan cũng ngạc nhiên về điều đó. Lúc đó Sagan mới vừa chớm tuổi 16. Sagan vốn mê đọc sách và đã gặp người đàn ông này cũng mê sách không kém. Có vẻ như họ hợp nhau trong câu chuyện. Gần 7 giờ. Sagan hốt hoảng sợ trễ, sợ bị phạt . Người đàn ông cười cái vẻ " hoảng hốt nữ sinh " đó. Họ hẹn gặp lại ngày hôm sau. Ông ta nói về Flaubert. Lại trễ giờ. Lại cắm đầu cắm cổ chạy và bắt kịp lũ con gái ở góc phố, Sagan lẻn vào hàng ngũ đám nữ sinh và trở về trường. Một tuần lễ đến là kỳ lạ. Lại gặp người đàn ông. Xa lạ. Đến tên cũng không biết. Mặt trời đã lặn. Chỉ còn 10 phút. Sagan quay về phiá người đàn ông. Cười buồn. Ông ta cũng cười buồn như vậy. Sagan muốn có được cuộc sống như người đàn ông xa lạ. Ông ta nói : Không dễ đâu, phải biết cách sống..Nhưng thế nào là biết cách sống? Người đàn ông đã kể cho Sagan nghe, ông có một gia đình đàng hoàng, có nhà cửa, vợ con đề huề. Nhưng để làm gì? 20 năm nữa vẫn thế? Và ông đã chọn cuộc sống lang thang như lúc này. Hôm sau, trời mưa to. Vẫn cuộc đi dạo. Sagan cắm đầu cắm cổ chạy đến hụt hơi như sợ trễ. Người đàn ông đã ở đó, quàng cho Sagan một cái áo săng đai cũ, thủng nhiều lỗ. Xin được trích nguyên văn để thấm thía được cái tâm trạng của người con gái mới lớn :"Đây là lần đầu tiên, tôi cầm tay anh ta. Bàn tay khô và cứng. Nhưng nó đem lại một va chạm dễ chịu. Có lẽ, đó là người bạn duy nhất của tôi và anh ta sẽ đi khỏi. Tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại anh ấy. Rồi thì anh ta cười với tôi và ra đi. Tôi nhìn anh đi xa về phía mặt trời. Tôi trở về nội trú vửa đi vừa chạy. Nhưng đã có điều gì khác xảy ra, một thứ như sự mệt mỏi mà sung sướng. Và cái cảm giác thích thú của thời gian như bám dính vào tôi, như một con vật quen thuộc.Pour la première fois, je lui pris la main. Elle était dure et sèche, mais c'était un contact agréable. C'était peut-être mon seul ami et il allait partir. Je ne le reverrai plus…. Puis il me sourit et partit. Je le vis s'éloigner dans le soleil.. Je rentrai en courant à la pension.. Mais il y avait autre chose, une espèce de fatigue heureuse.. Et le gout du temps accroché à moi comme une bête désormais familière.." ( trang 187, sách đã dẫn trên).
Chỉ có hai điều có thể giải thích được về sự già dặn và từng chải của con người Sagan là : Thông minh thiên bẩm và sự say mê đọc sách. F. Mauriac đã nhận xét về Sagan ngay từ cuốn sách đầu tiên của bà là : De cette peite fille trop douée. Phải, trop douée , thông minh quá, tài tuấn quá. Thứ hai là Sagan say mê đọc sách ngay từ lúc thiếu thời..trước khi biết đến chuyện yêu đương hay trai gái. Người đọc Sagan thường chỉ kịp nghĩ tới những mối tình ngang trái, táo bạo đến vô luân trong thế giới tiểu thuyết cũng như đời sống của bà. Nhưng quên rằng, Sagan trước hết là người của sách vở.
(Còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline