Về Nội Dung cuốn Lục Châu Học
Nguyễn Văn Trung, trong việc biên tập cuốn sách này – cuốn Lục Châu Học – như một cơ may hiếm có. Ông đã có dịp phối hợp để xử được tất cả khả năng về triết học, xã hội học, về lý luận văn học, khả năng tri thức luận, sự khách quan trong tương đối luận, nhất là khả năng tổng hợp cộng với khả năng ngôn ngữ để làm nên cuồn sách này.
Khi định viết bài về cuốn Lục Châu Học của Nguyễn Văn Trung, mối băn khoăn của chúng tôi là liệu tài liệu gốc của cuốn sách có bị cắt xén, đục bỏ do kiểm duyệt không?
Nếu là sách in ở hải ngoại thì không có vấn đề gì.
Sách in ở trong nước thì cần phải xem xét cho kỹ. Kinh nghiệm trước đây cho thấy cuốn Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê do Nhà xuất bản Văn Học đã cắt xén khá tàn bạo khi in lại, ngay cả khi ông đã mất. Trong khi đó, bản in Hồi ký Nguyễn Hiến Lê in ở hải ngoại thì được dể nguyên vẹn. Các cuốn Hồi ký của Lý Quý Chung cũng bị cắt xén nhiều chỗ như thế trước khi được in ra.
Riêng nhả xuất bản Trẻ từng in nhiều sách của nhà văn Sơn Nam, nhà văn Nguyễn Văn Hầu, chúng tôi hy vọng là điều này tránh được trong trường hợp cuốn sách Lục Châu Học.
Mặc dầu vậy, chúng tôi cũng tìm lại bản chính của Lục Châu Học để so với bản in trong sách. Kết quả là không có cắt xén, sửa chữa. Tuy nhiên, do cẩn trọng, chúng tôi cũng viết thư hỏi nhà xuất bản trẻ ở Sài Gòn. Nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được thư trả lời.
Vì thế, tạm thời chúng tôi tiếp tục nhận xét về cuốn Lục Châu Học của giáo sư Nguyễn Văn Trung.
Nhận xét thứ nhất của chúng tôi là phải nhìn nhận những sỡ hữu chủ các tập tài liệu quý hiếm này là những người miền Nam hào hiệp và rộng lượng. Theo ông Trung, một người giầu có ở Sài Gòn mà ông hoàn toàn quên tên có một thư viện chứa không biết bao nhiêu là sách báo cũ. Ông này nói với ông Trung là ông cứ thong thả xem xét, có sách báo nào ông cần thì cứ lấy về. Và cuối cùng ông còn bằng lòng cho ông Trung lấy luôn những tài liệu sách báo đó mang ra hải ngoại. Đó cũng là trường hợp của cụ Vương Hồng Sển là sở hữu chủ cuốn truyện thầy Lazaro Phiền. Tính Cụ Sển theo như cụ viết trong cuốn Nửa Đời Hư là ở đời có hai cái dại không nên làm là “cho mượn sách và vợ”. Vậy mà cụ cũng do quý mến ong Trung cho mượn sách quý của cụ. Không có những tấm lòng đó, đôi khi sách vẫn để mục ra và tiêu hủy đi theo thời gian.
Việc làm của ông Trung trong Lục Châu Học là dùng tài liệu địa phương có tại chỗ để đả phá những cái nhìn thiên kiến không đễ gì đả phá và chứng minh một cách thuyết phục.
Chính tài liệu và chỉ tài liệu hiếm quý sưu tập được làm nên cuốn Lục Châu Học.
Nhưng để làm việc đó, ông hơn một số người đi trước là biết hệ thống hóa các tài liệu có được và ông đưa ra một số chủ đề từ đó dùng tài liệu chứng minh như:
“Một mảng văn học bị bỏ qua, bỏ quên. Nho Học ở vùng đất mới. Diễn tiến truyện văn xuôi chữ Quốc Ngữ. Lịch sử Việt Nam nhìn từ miền Nam. Buổi sơ khởi đạo Thiên Chúa ở miền Nam. Đạo Cao Đài ở vùng đất ới. Miền Bắc dưới mắt một người miền Nam. Báo chí văn xuôi và lý luận.Một vài quy luật về sinh hoạt văn hóa ở vùng đất mới. Chính sách văn hóa của người Pháp và ảnh hưởng văn hóa Pháp ở miền Nam thời kỳ đầu thuộc địa. Và cuối cùng là vấn đề tiểu sử các tác giả và đời sống viết văn viết báo, tình hình ấn loát–phát hành.”
Khi đưa ra một dàn bài như thế mà mỗi chương là một cái thème hay một chủ đề. Tác giả sẽ tập trung các tài liệu xoay quanh các chủ để ấy, chú trọng tất cả vào chủ đề. Việc khảo cứu như vậy sẽ được phân định rõ ràng và giúp độc giả đọc một cách hăng say, phấn khởi, không rơi vào sự nhàm chán, hoặc mất hướng vì thiếu dàn bài như khi tôi đọc các tác giả như cụ Nguyễn Văn Hầu.
Đó là những ưu diểm của tác phẩm.
Nếu có đề nghị gì thì tôi nghĩ chương “Chính sách văn Hóa của người Pháp và ảnh hưởng văn hóa Pháp ở miền Nam thời kỳ đầu thuộc địa” nên để ở chương thứ hai của tác phẩm.
Qua các tài liệu vừa trích dẫn ở trên, chúng ta được biết suốt từ khi Pháp chiếm Nam Kỳ, năm 1865 sang đến thời cộng hòa. Miền Nam có khoảng một ngàn tờ báo đủ loại và trên 500 nhà văn nhà thơ.
Làm thế nào để có thu tập tài liệu, vừa soạn thảo, thải loại và cuối cùng có đuợc cái nhìn tổng quan về Văn học Lục Châu Học? Đấy là cả một quá trình làm việc lâu dài trong suốt gần 10 năm.
Nếu tóm lực công trình biên khảo trong Lục Châu Học, có một số câu hỏi được đặt ra ở đây là:
- Liệu cuốn sách này có thể giải tỏa được sai lầm, những ngộ nhận của giới nghiên cứu miền Bắc không mỗi khi đánh giá về mảng văn học mà Nguyễn Văn Trung dùng hai chữ hoặc “bỏ quên” hoặc “bỏ qua”?
- Liệu có thể thuyết phục được mọi người không?
Tôi nghĩ là cho đến nay, chưa có một phê bình chính thức nào lên tiếng phản bác những luận điểm của ông Nguyễn Văn Trung trong Lục Châu Học. Nó cũng bắt buộc các tác giả miền Bắc phải có một thái độ xét lại quan điểm của mình.
Điểm thứ hai, tài liệu đủ loại chứng minh có cho phép nói tới một nền văn học đúng nghĩa qua báo chí, tiểu thuyết không? Ở đây đặt ra vấn đề phẩm chất, giá trị, cái hay của văn học.
Trong cuốn “Lục Châu Học”, rõ ràng tác không muốn có một so sánh nào kiểu đó. Một so sánh không cần thiết. Nó cũng chẳng khác gì không nên so sánh giữa tư tưởng văn minh và tư tưởng hoang dã (pensée sauvage.)
Cùng lắm, ông chỉ đưa ra một chứng từ – nhân chứng là như trong chương III: Lịch sử Việt Nam nhìn từ miền Nam và chương VI: Miền Bắc dưới mắt một người miền Nam qua tập truyện ký Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 của Trương Vĩnh Ký. Tôi nghĩ việc đưa ra những nhân chứng như thế giúp mở đường cho những tiếp cận đầy đủ hơn sau này.
Mà nếu đúng ra mà nói, lịch sử có hằng trăm năm cách biệt đôi bên đã hẳn có nhiều chuyển biến thay đổi cho những người di dân mới tới lập nghiệp.
Trong nhu cầu hội nhập, thích ứng với bản địa, nhiều thứ trong hành lý quá khứ dần dần phải bỏ qua, vứt bớt và biến đổi từ nếp sống tôn giáo, nếp sống luân lý, lễ nghĩa, lễ nghi phức tạp đến đời sống xã hội, đến ngôn ngữ trao đổi hằng ngày, đến phong tục tập quán, đến phép tắc cũng phải phiên phiến, nhẹ nhàng giản tiện.
Và sau một thời gian sự thay đổi đó dần được định hình, được kết tinh lại trở thành cái mà ta gọi là sắc thái hay cá tính miền Nam.
Đấy là sự thành công của quá trình hội nhập.
Chừng bấy nhiêu điều vẫn chưa đủ đâu. Người đọc tinh ý vẫn bắt được một tín hiệu tiềm ẩn nơi ông. 20 năm miền Nam đủ cho ông một cách nào đó coi miền Nam là quê hương thứ hai của mình.
Phải chăng cuốn Lục Châu Học là món quà quý giá nhất ông dành dâng hiến cho mảnh đất miền Nam?
Đây là điều tôi muốn nhấn mạnh và muốn lưu ý mọi người. Ông Nguyễn Văn Trung đã viết cuốn “Lục Châu Học” như thể là người miền Nam viết về miền Nam trong chừng mực, khách quan, và thuyết phục.
Có hai câu chữ ông dùng cho nhan đề tác phẩm cần lưu ý. Ông gọi tác phẩm của ông chỉ là “Hồ sơ”. Hồ sơ có nghĩa chưa xong, cần bổ túc nữa.
Câu chữ thứ hai, tìm hiểu sinh hoạt văn học, theo ông, chính là tìm hiểu về “con người vùng đất mới với nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm”. Và khi hiểu được con người vùng đất mới, ta sẽ hiểu được tại sao có thứ nho học vùng đất mới, tại sao có đạo Cao Đài, tại sao có truyện Tàu và tại sao có vọng cổ. Đây là một sự khảo cứu không thuần túy văn học mà bao gồm cả địa lý, lịch sử, xã hội, con người cách ứng xử, cách hội nhập vào vùng đất mới. Xin đọc chương “Một vài quy luật về sinh hoạt văn hóa ở vùng đất mới”.
Cho nên đọc ông là đọc được con người miền Nam.
Tôi lấy một thí dụ thôi. Thấy một người làm việc nghĩa hiệp, ra tay đánh một kẻ cướp, dân miền Nam chỉ hạ một câu, “Thằng đó chơi được.” Đánh kẻ cướp có thể nguy hiểm đến mất mạng mình mà chỉ là kẻ chơi được! Nhưng đấychính là cả cái cá tính miền Nam.
Điều chắc chắn là người miền Nam sau này có thể tự hào bởi vì họ có được một thứ văn minh, văn hóa riêng cho họ – khác người khác – mà người ta quen gọi là văn minh miệt vườn.
Và nói như Nguyễn Văn Trung thì có một nền văn hóa ở Hà Nội và cũng có một nền văn hóa ở Sài Gòn.
Chỉ sợ rằng kể từ sau 1975, nó đã bị nhập chung vào làm một và chỉ còn có một thứ văn hóa chung cho cả hai miền: thứ văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Và đó là sự thiệt thòi lớn nhất cho miền Nam.
Nó đã phá hủy cả một nền văn hóa văn học của những người di dân ở vùng đất mới trong suốt mấy trăm năm. Đấy cũng là một trong cái tội của chế độ cộng sản.
Phần công trình biên khảo của ông Nguyễn Văn Trung, tôi nghĩ, ông đã làm trọn vẹn công việc của một nhà biên khảo đã dành lại một địa vị xứng đáng cho miền Nam trong văn học.
Nếu xét chung giữa hai thời kỳ sáng tác. Nếu có thể đem cân lên được thì nội cuốn biên khảo “Lục Châu Học” đã là một nửa gia tài của ông rồi. Cuốn sách của ông sau này sẽ được đời sau tìm đọc và quy chiếu cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về một nửa mảng văn học miền Nam.
(8) Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh, Tập II: Văn Học – Báo chí – Giáo dục, từ trang 265 – 377
(9) Tất cả những chi tiết nêu trên được tác giả nguyễn Văn Trung viết trong một tập nhan đề: Nhìn lại những chặng đường đã qua 1955–1995 – Người cầm bút, kẻ làm chứng, bản thảo dầy khoảng 600 trang đánh máy, chưa xuất bản.
(10) Bằng Giang, Sài Gòn cố sự, trang 274–277
(11) Bộ sách Nguyễn Văn Hầu cũng được nxb trẻ vào tháng 1 – 2005
(12) Phan Cư Đệ, Tiểu thuyết Việt Nam Hiện Đại, trang 30.
(13) Nhà in Tân Định được thành lập từ năm 1874. Như vậy cho đến nay Tân Định đã tồn tại được trên 100 năm.
(14) Cả hai cuốn này đã được in lại ở Hải Ngoại. Cuốn “Sấm – Truyền ca” được Hội y sĩ Việt Nam ấn hành năm 2000 tại Montreal. Cuốn “Đọc lại Truyện Thầy Lazarô Phiền” của K– K. Nguyễn Lê Hiếu & B.S. Nguyễn Lê Hiếu do Thời Đại OK ấn hành năm 2009 tại Oklahoma, USA
(15) Tài liệu của Nguyễn Văn Trung, trong Những chặng đường đã qua. Trang 579.
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline