Ngô Đình Cẩn. Ông là ai? (p4)
Nhận xét về các hoạt động của Ngô Đình Cẩn tại Huế
Nó là Những hoạt động của ông Ngô Đình Cẩn là hoạt động tinh báo, phản tình báo không nằm trong khuôn khổ của tổ chức hành chánh. những hoạt động bí mật. Mười Hương gọi mật vụ Ngô Đình Cẩn là một “siêu tổ chức” không có “bộ máy ngụy” nào có thể so sánh bằng.
(Nguyễn Thị Ngọc Hải, “Trần Quốc Hương — Người chỉ huy tình báo”, nxb Tổng Hợp TP HCM, trang 122)
Chính vì tính cách bí mật của nó, hoạt động bên ngoài guồng máy chính quyền đã tạo ra nhiều tai tiếng xấu, nhiều dư luận đồn thổi. Bởi lẽ việc bắt người thường là bắt cóc, không có trát tòa, không xử án và việc bắt giam vô thời hạn.
Ngay trong ngành phản gián, mật vụ Ngô Đình Cẩn cũng bị các cơ quan bạn như An Ninh Quân Đội, Lực lượng Đặc Biệt, Sở Nghiên cứu chính trị nghi ngờ. Mặc dầu mỗi ngành có lãnh vực hoạt động khác nhau. Sở tình báo của Trần Kim Tuyến chú trọng đến vấn đề nội an như dò xét các thành phần đối lập. Cơ quan an ninh của Đỗ Mậu lo an ninh quân đội. Lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung gồm một trung đoàn có nhiệm vụ chính yếu là bảo vệ Tổng Thống.
Trong bài phỏng vấn của ông Lâm Lễ Trinh với Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt miền Trung, nhan đề “Trưởng đoàn Dương Văn Hiếu lên tiếng”, ông Dương Văn Hiếu tiết lộ như sau:
Đại tá Nguyễn Văn Y (1922-2012). Nguồn: http://nguyentin.tripod.com
“Đại tá Nguyễn văn Y, Tổng Giám Đốc Công An cũng như Trần Kim Tuyến (SNCCTXH), Lê Quang Tung (Lực Lượng Đặc Biệt) và Đỗ Mậu (An Ninh Quân Đội) đều không ưa tôi.”
(Lâm Lễ Trinh, “Thức Tỉnh, Quốc Gia và Cộng Sản”, trong bài Trưởng Đoàn Dương Văn Hiếu lên tiếng, trang 425)
(Dương Văn Hiếu, sinh quán ở Hà Nam, Bắc Việt trong một gia đình trung lưu, học trường Louis Pasteur, có bằng Diplome d`Études primaires supérieures Trung học Đệ Nhất cấp). Lập gia đình năm 1948, bố vợ là bác sĩ Nguyễn Văn Tam, cộng tác với gm Lê Hữu Từ, Phát Diệm. Sau Hiệp Định Genève vào Nam, ông được cụ Võ Như Nguyện, Giám đốc công an Trung Phần tuyển vào ngành công an, giữ chức Trưởng Ban Khai thác Nha CA-CS Trung nguyên, Trung Phần. Rồi trở thành Trưởng Ty Công an tỉnh Thừa Thiên và đô thị Huế. Năm 1957 được ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Đình Cẩn và ông đại biểu chính phủ Hồ Đắc Khương giới thiệu nhiệt tình với Tổng Thống Diệm. Năm 1958, ông được bổ nhiệm Trưởng Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung (TĐCTĐBMT) làm việc tại Sài Gòn.
Mặc dầu ông Dương Văn Hiếu không nói rõ sự không ưa kia. Nhưng chúng ta vẫn có thể tìm hiểu được như sau:
Có nhiều bộ phận tình báo, mặc dầu được phân chia vùng hoạt động hoặc phạm vi công tác. Nhưng vẫn có sự tròng chéo và dẫm chân lên nhau. Chẳng hạn, ông Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn công tác vốn hoạt động ở miền Trung. Nhưng sau được điều động vào miền Nam hoạt động, trụ sở nằm trong trại Lê Văn Duyệt. Ông vào Nam làm việc theo chỉ thị của ông Cẩn. Nhưng khi cần bá cáo điều gì, ông chỉ chính thức bá cáo cho ông Ngô Đình Nhu, hoặc khi có chuyện hệ trọng, ông gặp thẳng Tổng Thông Diệm. Thỉnh thoảng ông mới gửi vài bản sao bá cáo cho ông Cẩn mà thôi.
Mặc dầu hoạt động của Dương Văn Hiếu bí mật và độc lập. Nhưng về mặt hành chánh, ông lại ăn lương theo ngạch Cảnh sát Quốc Gia nên mọi chi phí hoạt động như lương bổng, thực phẩm, tiền vãng phán đều do Phòng Hành Chánh của Tổng Nha Công an cung cấp theo hệ thống, qua Phòng Hành Chánh của Phụ tá Nguyễn Thành đài thọ. Vì chính thức, về mật hành chánh, ông vẫn thuộc Ty Công An Thừa Thiên. Vì có những công tác đặc biệt mà Tổng Nha không cung cấp phương tiện được như tiền thì qua ông Võ văn Hải với tiền lấy từ Quỹ đen của Tổng Thống để đài thọ. Số tiền này không quan trọng chỉ như một thứ tiền thưởng hoặc khích lệ. Xét như thế về mặt Hành Chánh, ông Nguyễn Văn Y làm sao không nghi ngại được? Ông Dương Văn Hiếu cũng tiết lộ cho thấy, Đoàn công tác của ông không nhận một đồng nào của ông Cẩn cả.
Vì cách thức hoạt động như vậy, vì không có một chức vụ gì công khai như giám đốc chẳng hạn- nên để có chỗ ăn ở, Dương Văn Hiếu phải tự bỏ tiền ra mua một căn nhà ở cư Xá Công Lý làm nhà riêng. Và vì đã không làm việc trực tiếp với ông Cẩn nên sau này cũng bị chính ông Cẩn nghi ngờ là quá thân cận với Sài Gòn và gây khó dễ không ít cho ông cũng như Phạm Thu Đường, chánh văn phòng cố vấn Nhu, ngay cả Nguyễn Văn Minh, bí thư của ông Cẩn cũng bị nghi ngờ. (Lâm Lễ Trinh, ibid., trang 437)
Về phía Tòa án cách Mạng, sau này đưa Dương Văn Hiếu ra tòa và coi ông là người chủ mưu và trách nhiệm nhiều vụ bắt bớ, ám sát người là do lệnh Ngô Đình Cẩn, theo tôi, là rất hàm hồ. Chẳng hạn các vụ ám sát người đối lập như Nguyễn Bảo Toàn, Tạ Chí Diệp và Vũ Tam Anh. Về điểm này, Dương Văn Hiếu trả lời ls Lâm Lễ Trinh là “chúng tôi không liên hệ. Chúng tôi không có trách nhiệm truy nã các phần tử đối lập. ”Cũng theo Dương Văn Hiếu, sau này được biết công việc này do Thẩm Sát viên Khưu Văn Hai và đồng bọn trong Ban Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc Tổng Nha Công An của đại tá Nguyễn Văn Y đã giết Nguyễn Bảo Toàn và Tạ Chí Diệp.
Tuy nhiên, điều tôi ngạc nhiên đến không tin nổi là Dương Văn Hiếu tiết lộ cho biết toàn thể nhân viên của ông chỉ có 8 nhân viên và hai thơ ký đánh máy. Với 8 nhân viên này mà có thể thao túng bắt trọn mạng lưới gián điệp của cộng sản?
Và nếu có biết ít nhiều thì đều có thành kiến xấu về ông. Trong đó người ta nói nhiều đến Đoàn công tác mật vụ của Ngô Đình Cẩn.
Nhưng tôi có thể khẳng định ngay chính người dân Huế cũng thật sự không biết các công tác và công việc cụ thể của Đoàn này như thế nào? Những mặt hoạt động tích cực có hiệu quả thì dân chúng không được biết.
Chẳng hạn, Đoàn Công Tác Đặc biệt miền Trung đã phá vỡ trong vòng hai năm toàn bộ hệ thống điệp báo Khu 5 và từ đó lan ra các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Thuận, Quy Nhơn.
Thành tích này là lớn lắm mà một quân đoàn chưa chắc đã bình định nổi.
Ngay Trần Văn Đôn, một thời là tướng Quân đoàn I ở miền Trung cũng hầu như không biết gì về hoạt động chống Cộng hữu hiệu của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung. Ông đánh giá rất thấp khả năng của ông Cẩn về ngăn chặn tình báo cộng sản gài người trong guồng máy Quốc gia. Điều đó chứng tỏ ở vị trí Tư lệnh Quân đoàn I lúc đó, ông không hay biết gì về Mật vụ ông Cẩn đối phó với cộng sản.
Điều đó cho chúng ta một bài học sau đây: Những sĩ quan thời Tây để lại thường thiếu tinh thần Quốc gia, thiếu lý tưởng chống cộng sản.
Họ chỉ là loại sĩ quan văn phòng, làm cảnh và bất tài, kém cỏi sau khi lật đổ chế độ Đệ Nhất cộng hòa. Họ không có viễn kiến chính trị, không có kế hoạch, không có chương trình và tỏ ra hoàn toàn bất lực, thụ động ngay từ những ngày đầu sau 1963.
Một ông tướng mà còn ngu muội như thế nói chi đến dân thường.
(Còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline