Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Gs Vĩnh Phúc - THỨ BA HỌC TRÒ

Wednesday, March 5, 201412:00 AM(View: 30878)
Gs Vĩnh Phúc - THỨ BA HỌC TRÒ


 Thứ Ba Học Trò

 

 

_thaykieuvinhphuc3-content

 

Gs.Vĩnh Phúc

 

 


 

     

 Một bản tin ngắn của thông tấn xã AP (Associated Press) gửi đi từ thị trấn Gillette, tiểu bang Wyoming, làm cho nhiều người không khỏi phì cười. Cười vì cái thói tinh nghịch rắn mắt của các cô cậu học trò của một trường trung học tại địa phương.

 Nguyên nhân là vì trường trung học Campbell County High School có hai con lạc đà làm bằng kim loại, đặt trong khuôn viên trường, một ở khu Bắc, một ở khu Nam. Hai con lạc đà này tượng trưng cho sự may mắn. Con ở khu vườn phía Bắc có tên là Humphrey. Nhưng khi đúc, nhà nghệ sĩ không thấy cần thiết phải làm nổi bật giới tính của hai con lạc đà. Một đêm, một số học trò của trường bỗng nảy ra sáng kiến kết hợp chúng lại với nhau cho chúng khỏi cảm thấy cô đơn. Bởi vì các cô cậu lý luận rằng bắt chúng đứng dãi dầu mưa nắng lẻ loi mãi, tội nghiệp quá. Có lẽ đám học sinh đang ở lứa tuổi dậy thì, thèm khát tình yêu, cho nên nghĩ rằng hai con lạc đà này cũng như họ. Thế mà bắt chúng đứng cô đơn mãi thì quả là tội nghiệp! Nhưng trông hai con lạc đà lại giống nhau quá, không phân biệt được con nào là đực, con nào cái. Cho nên các cậu bèn thêm cho lạc đà Humphrey đứng ở vườn hoa phía Bắc của trường một bộ phận, để nó đích thực trở thành một con đực. Theo lời ông Hiệu trưởng Boyd Brown, cái bộ phận giả này đã được đám học trò tinh quái của ông bắt vít vào bụng anh lạc đà Humphrey. Rồi đám học trò hè nhau chuyển Humphrey về khu vườn phía Nam, cho anh ta có những giây phút hạnh phúc với chị lạc đà kia. Nhưng họ chưa kịp hoàn tất phần việc này thì bị phát giác. Cảnh sát ập đến, khiến các cô cậu bỏ chạy tán loạn. Một cậu bị tóm với bằng chứng là một ống khí acetylene, dùng để hàn hai anh chị lạc đà lại với nhau, ý chừng cho chúng được kết hợp bền bỉ, và để những phút giây hạnh phúc trở thành thiên thu.

 Đây không phải là trường hợp duy nhất cho thấy sự tinh nghịch của học trò ở Mỹ. Một lần khác, vẫn thông tấn xã AP loan tin rằng trường Boiling Springs High School thuộc thị trấn Carlisle, tiểu bang Pennsylvania, có một hành động quá khác thường khiến cho một số phụ huynh học sinh hết sức ngạc nhiên, không ngờ nhà trường lại tiến bộ đến như thế. Số là, có chừng hai chục phụ huynh nhận được thư của trường, thông báo rằng trường sẽ cung cấp phòng khách sạn và bao cao su ngừa thai cho các học sinh đệ nhị cấp trong đêm nhà trường tổ chức dạ vũ và ca nhạc hàng năm cho học sinh. Lý do là vì trường nhận thấy vào những dịp vui như vậy, có nhiều học sinh đã hành động bừa bãi về sinh lý. Cho nên nhà trường quyết định thuê phòng khách sạn, cung cấp bao cao su và tài liệu nói về sự nguy hiểm của việc gần gũi nhau mà không đề phòng bệnh tật hoặc ngừa thai. Tất cả đều free! Thế là dân chúng địa phương bàn tán xôn xao. Nhiều người mang chuyện này đến những buổi sinh hoạt ở nhà thờ để bàn cãi, cho rằng nhà trường tỏ ra phóng khoáng quá trớn. Các bà mẹ kêu Trời rằng đạo đức suy đồi mất rồi! Chính mục sư Robert C. Gray của giáo đường địa phương cũng chẳng hiểu sao nữa. Vốn là nhà đạo đức, ông tin ngay rằng đó là chuyện có thật. Nhưng may mắn, cậu con trai ông trấn an rằng đây có thể là tác phẩm của một anh học sinh tinh nghịch nào đó. Quả nhiên, khi tin đồn đến tai ông Hiệu trưởng Joe Mancuso, ông vội vàng viết thư cải chính ngay và xin lỗi phụ huynh về biến cố này. Ông bảo rằng hẳn có một học sinh nào đó của trường có nhiều sáng kiến, nên đã chôm giấy viết thư có in tiêu đề (letterhead) của trường để giả mạo lá thư. Lá thư còn yêu cầu quý vị phụ huynh hảo tâm muốn ủng hộ bao cao su và các dụng cụ trợ lý (!), xin cứ đem bỏ vào văn phòng ông Hiệu Trưởng!

 Những chuyện tinh nghịch này của đám học trò người Mỹ đã gợi lại cho tôi hai kỷ niệm khó quên trong quãng đời làm thầy đồ của tôi cách đây 40 năm. Và nếu năm 2003 ở Mỹ -- một quốc gia phóng khoáng và dân chủ -- có những học sinh với những sáng kiến như ở hai trường trung học nêu trên, thì ở Việt Nam, một nước vốn gò bó trong khuôn phép Nho Giáo và đạo đức Đông Phương, cách đây 40 năm, các học sinh của tôi -- mà nay tuổi tác đã thuộc hạng tiền bối của đám học sinh người Mỹ này-- phải được kể là đã rất tiến bộ và giàu óc sáng tạo.

Niên học 1962-1963 tôi về dạy tại trường trung học Ngô Quyền tỉnh Biên Hòa. Hồi đó căn cứ không quân Biên Hòa chưa phát triển, người Mỹ chưa đổ sang Việt Nam nhiều, nên tỉnh này còn vắng vẻ và thơ mộng. Trăng nước Đồng Nai (1) còn nhiều sức quyến rũ khách phương xa và chưa bị nếp sống xô bồ phá mất sự tĩnh lặng cố hữu của một tỉnh nổi tiếng là có những vườn bưởi đặc sản ngon nhất ở Nam Bộ. Niên học 63-64, một trong những lớp tôi được giao phó dạy Anh văn kiêm luôn phận sự Hướng Dẫn là lớp Đệ Tứ A2 gồm toàn nữ sinh (sau tháng 4 năm 75 gọi là giáo viên Chủ Nhiệm). Học sinh thời đó còn rất hiền lành và chăm học. Chưa thấy ảnh hưởng của lối sống bon chen vật chất đối với một số người, như vào những năm càng về sau này là lúc đã có nhiều quân nhân Mỹ trú đóng ở Biên Hòa, đến nỗi một cô nữ sinh đã phải than với tôi rằng: “Thầy ơi, bây giờ cuộc sống ở đây 'bầy hầy' quá !” Tuy nhiên, học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, trọng kỷ luật, lễ nghĩa, không nhất thiết là họ không biết nghịch ngợm phá phách. Và đôi khi những trò tinh nghịch của họ cũng làm cho các thầy cô nhức đầu không ít.

 Khoảng những năm đó, ở Miền Nam có chương trình phát thanh của Dạ Lan, một giọng nữ rất ướt át gửi tới các chiến sĩ trong chương trình phát thanh hàng tuần nhằm động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ . Ngoài ra, cứ mỗi dịp Tết đến thì một số trường bắt nữ sinh viết thư và thêu khăn tay để gửi ra các đơn vị tiền tuyến ủy lạo chiến sĩ, giúp họ bớt cảm thấy cô đơn và nâng cao tinh thần chiến đấu. Do đó, các nữ sinh của trường trung học Ngô Quyền cũng được vinh dự làm công tác này. Chẳng biết lệnh đó do đâu ban ra, nhưng trong thâm tâm, nhiều nhà giáo đã thấy việc làm này chỉ có tính cách hình thức chứ thực chất có lẽ không đem lại được mấy kết quả. Và trong số các nữ sinh ngồi thêu khăn tay và gò gẫm viết những lá thư gửi Anh chiến sĩ không biết mặt, hẳn cũng có những cô không cảm thấy hào hứng chút nào. Bởi thế mới xẩy ra một tai nạn cho lớp do tôi phụ trách hướng dẫn. Trong lớp có một nữ sinh thuộc loại học giỏi, lanh lợi nhưng cũng rất tinh nghịch (tôi tạm dấu tên). Hôm được chỉ định cùng các bạn ngồi viết thư để gửi kèm tấm khăn tay ra tiền tuyến ủy lạo chiến sĩ, không hiểu do ngẫu hứng từ đâu mà cô này đã mở đầu lá thư với những lời như sau (Tôi chỉ nhớ đại khái, vì lâu quá rồi):

 

 Anh chiến sĩ thương mến,

 Em tên là Dạ Con, mẹ của Dạ Lan ... (tiếp tục lá thư)

 

20_thu_ba_hoc_tro_thaykieuvinhphuc4-content

 

 May quá, có lệnh rằng tất cả các thư sau khi viết xong phải nạp cho các vị nữ giáo sư kiểm soát lại. Có lẽ với mục đích loại bỏ những thư viết dở quá, không làm cho các anh chiến sĩ tiền tuyến xúc động nổi! Nhờ vậy mà các cô giáo đã khám phá ra điều tai hại này. Thế là câu chuyện loan truyền nhanh như một tia chớp. May mắn đó là thời của chính thể Cộng Hòa chứ nếu vào thời Cộng sản thì biến cố này chắc chắn bị khép vào loại mang tính chất phá hoại, phản động. Tôi thấy quê quá, khi một cô giáo nói lớn:

 

- Ông Phúc, lại đây mà đọc lá thư của học trò ông viết đây này! Chết thật, thế này mà không khám phá ra kịp, để lá thư gửi đi thì đẹp mặt cả trường nhé!

 

 Thoạt đầu tôi hơi bực mình một chút vì cô nữ sinh này viết bậy bạ để cho thầy bị lôi ra mắng vốn, nhưng thực sự sau đó trong bụng buồn cười lắm. Và cũng ngầm phục sự tinh quái của cô học trò. Ông Giám Học Phan Thanh Hoài, một người hiền lành đạo đức, và ông Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo, trông bề ngoài có vẻ dữ dằn nhưng thực sự cũng hiền, có lẽ cả hai đều ngầm có chung nhận xét như tôi mà không nói ra. Cho nên ai cũng vờ tỏ ra khó chịu vì có một học sinh phạm kỷ luật có thể làm mang tiếng cả trường. Ông Hiệu Trưởng quyết định là cần phải nhân dịp này đề cao kỷ luật nhà trường để cho tất cả học sinh tởn đến già, đừng cô cậu nào từ nay dám nghĩ tới cái trò nghịch ngợm tinh quái như vậy nữa. Thế là vào buổi lễ chào cờ sáng Thứ Hai tuần kế đó, cô nữ sinh kia bị gọi ra trước cột cờ nghe đọc bản cáo trạng và lệnh trừng phạt: Bị đánh đòn ngay ở chân cột cờ, trước sự chứng kiến của ban giáo sư và học sinh toàn trường.

Ông Hiệu Trưởng vốn to con, tay lăm lăm con roi mây, mang vẻ mặt nghiêm khắc và giận dữ cho phù hợp với hoàn cảnh, khiến cho phạm nhân sợ xanh mặt, rối rít khóc lóc van xin tha tội. Như đã dự định từ trước, nên đợi đến lúc đó, tôi bước ra, nhân danh giáo sư hướng dẫn của lớp mà xin lỗi ông Hiệu Trưởng và toàn ban giáo sư về sự sơ sót không dạy dỗ và kiểm soát kỹ, để cho một học sinh của lớp phạm kỷ luật, viết lách bậy bạ, có thể làm ô danh cả trường. Tôi xin nhận hết trách nhiệm, và xin ông Hiệu Trưởng khoan hồng cho em nữ sinh kia. Tiếp theo, ông Giám Học Phan Thanh Hoài cũng tiến ra nói đôi lời đại ý cũng nhận một phần liên đới trách nhiệm, và cũng xin ông Hiệu Trưởng tạm tha cho em nữ sinh này, vì đây mới là lần đầu tiên em phạm kỷ luật. Hình như còn một hai vị giáo chức nữa xin khoan hồng cho nữ sinh này(?). Tới đó, ông Hiệu Trưởng mới tỏ ra nể lời lắm, tạm tha cho, và đe dọa nếu còn tái phạm thì sẽ đuổi học luôn! Sau màn kịch đằng đằng sát khí đó, chắc chắn chẳng cô nữ sinh nào dù rắn mắt tới đâu, dám nghĩ tới chuyện sáng tác những lá thư tương tự.

 

03_thaykieuvinhphuc5_tuhai2-content

 

 Một lần khác, lại một vụ nhất quỉ nhì ma xảy ra nhưng chỉ có mình tôi và mấy học sinh liên hệ biết mà thôi. Và câu chuyện cũng không đến nỗi nghiêm trọng lắm, trái lại còn mang tính chất văn nghệ (theo thiển ý). Đó là vào khoảng gần cuối thập niên 1960 (?). Hôm đó gần đến dịp nghỉ hè, cho nên cả thầy lẫn trò đều mang tâm trạng hơi phóng túng. Thầy thì dễ dãi còn trò thì háo hức vì sắp được nghỉ mấy tháng hè rong chơi đặc biệt đối với những lớp không đi thi. Hôm đó tôi dạy một lớp đệ Tam (sau này gọi là lớp 10) ở cuối dẫy phòng học trên lầu. Còn chừng 5 phút nữa mới tới giờ ra chơi. Tuy chưa nghe chuông reo, nhưng vì đã dạy hết bài và học trò (cả lớp là nam sinh) xin thầy cho ra sớm một chút, nên tôi cũng dễ dãi gật đầu. Thế là đám tiểu quỉ chạy ùa ra hết. Tôi còn đang thu xếp mấy cuốn sách thì bỗng nghe ngoài hành lang phía trước lớp bên cạnh có tiếng hát. Thì ra, bên đó cũng là một lớp đệ tam, nhưng học Pháp văn với cô giáo L. Th. M., một cô giáo trông còn trẻ như một nữ sinh lớp đệ nhị hay đệ nhất vậy. Chừng 5, 6 tên tiểu quỉ của tôi đang tụ lại bên ngoài, phía trước lớp của cô M., rồi tất cả cất giọng hợp ca một bài hát (Tôi quên mất tên tác giả, hình như tựa là Em Yêu Ai ?) với những câu: “Nếu hỏi rằng em yêu ai, thì em rằng em yêu Ba này, thì em rằng em yêu Má này, yêu Thầy yêu Cô, yêu hết mọi người”. Tới đó, một cậu bèn cất cao giọng: “Nhưng--- yêu nhất là Cô Giáo cơ!” Tôi hoảng quá, vội vàng vơ mấy cuốn sách rồi bước ra, giả vờ ho lên mấy tiếng. Thế là đám tiểu quỉ ngưng bặt, trong chớp mắt biến mất hết xuống cầu thang phía cuối hành lang đằng kia. Tôi vờ như không nghe, không thấy gì cả, cố giữ vẻ mặt nghiêm trang bước nhanh, vì sợ bị cô giáo kêu lại mắng vốn. Nhưng chân bước mà không khỏi thầm nghĩ rằng cô giáo lớp bên cạnh hẳn cũng đã got the message, còn đám nam sinh kia thì ... lếu quá ! Tuy nhiên họ lếu một cách khá thông minh!

Nay đã gần 40 năm trôi qua, thầy trò đều lưu lạc mỗi người một phương trời. Đám tiểu quỉ của tôi hẳn đầu đã hai thứ tóc, và có người có lẽ đã thành ông nội, ông ngoại không chừng. Liệu trong số này, có ông nào còn nhớ chuyện cũ đó không?

 

 Vĩnh Phúc

 

 

Chú thích: (1) Tên một truyện dài của Nguyễn Hoạt viết trên nhật báo Tự Do vào thời gian 1955 -56, lúc mới có cuộc di cư.

 

 (Trích trong Kỷ Yếu NGÔ QUYỀN 2004)


Friday, November 7, 2014(View: 50258)
Kỷ niệm tuổi học trò là một trong những điều yêu dấu đó. Mong rằng các bằng hữu của tôi, dù bây giờ đang sống ở đâu, dù bây giờ vẫn còn mang những niềm tin khác biệt, sẽ còn một vài giây phút nào đó, chợt nhớ ra rằng “Ngày xưa, ta cùng học ở Ngô Quyền…”
Saturday, July 19, 2014(View: 13754)
Những hình ảnh ghi lại sẽ nói lên tình cảm đồng môn Ngô Quyền. Cầu mong Thầy Cô và chúng tôi luôn giữ mãi niềm vui và mọi an lành như lời ước nguyện
Friday, July 18, 2014(View: 25166)
Xin được một lời cám ơn Thầy, cám ơn Cô. Cám ơn quý anh chị và các bạn đã thực lòng với trường xưa, cùng góp bàn tay mang bao nụ cười, niềm vui nhiều kỷ niệm trên hai chuyến đi về.
Friday, July 11, 2014(View: 33310)
Hai ngày theo phái đoàn Nam Cali xuôi về miền Bắc dự Hội Ngộ Ngô Quyền lần thứ 13 đã cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều tình thương và quyến luyến. Nếu tôi có thêm hai tay nữa, tôi cũng sẽ bấm hết ra, viết hết ra...
Friday, July 11, 2014(View: 31407)
"Hãy đem niềm vui đến cho gia đình mình, bạn bè mình, những người chung quanh mình ". Sự góp mặt và đóng góp những gì mình có thể làm được cho những lần Hội Ngộ Ngô Quyền trong tương lai cũng là điều mà tôi sẽ và phải làm.
Friday, May 2, 2014(View: 26012)
Nợ non sông ơn đồng đội, bằng cả sự trân trọng và cảm thông xin được nói với nhau một lời “ Chúng tôi là người lính”
Friday, May 2, 2014(View: 71659)
Nhắc nhở đừng quên để còn viết và còn nhớ về trường cũ Ngô Quyền, mặc dù bây giờ “trường xưa cảnh cũ còn đâu nữa”. Mà thực sự đâu cần, bởi lẽ vẫn còn sự hiện hữu mãi mãi của kỷ niệm, tình cảm và hai chữ Ngô Quyền.
Thursday, May 1, 2014(View: 26222)
Chỉ là buổi họp mặt thân mật thường niên, nhưng các anh Mười Bê Bốn luôn rạch ròi hai phần Lễ – Hội. Ly rượu Lễ đầu tiên, anh Nguyễn Văn Sấm thay mặt cả lớp mời quí thầy cô, với lời chúc sức khỏe “Kính mong thầy cô vạn thọ – đại vạn thọ,...
Wednesday, April 23, 2014(View: 22942)
Gabriel Garcia Marquez, 87 tuổi, văn hào người Colombia nổi danh khắp thế giới với tác phẩm “Trăm Năm Cô Đơn,” qua đời hôm Thứ Năm 17 tháng 4, 2014, tại Mexico City, nơi ông đã sống 30 năm cuối đời.
Saturday, April 12, 2014(View: 27859)
Sau 12 lần họp mặt truyền thống và 2 lần Hội ngộ Ngô Quyền toàn thế giới ở Little Saigon (Nam CA) hay thung lũng hoa vàng (Bắc CA), lần đầu tiên chúng tôi tổ chức họp mặt ở một khách sạn loại 4 sao ở Mỹ.
Saturday, April 12, 2014(View: 77581)
Các thầy cô, các vị thân hữu Ngô Quyền, các bằng hữu sẽ hết lòng ủng hộ và giúp đỡ các em trong nhiệm vụ và công việc mà các em đã, đang và sẽ thực hiện cho hội CHSNQ
Saturday, April 12, 2014(View: 65949)
Mỗi năm thầy cô và học sinh của Ngô Quyền xưa họp nhau lại, nhắc nhở kỷ niệm xưa cũ với tất cả lòng thương nhớ, ăn uống vui vẻ, xong rồi ai về nhà nấy. Vậy chưa đủ nghĩa. Tôi hy vọng các em trong HAHCHSNQ tại hải ngoại hay tại quê nhà, nên tiếp tục công việc...
Friday, April 11, 2014(View: 36287)
nhưng nhìn qua mái tóc của thầy Hà Tường Cát, tôi liên tưởng đến mái tóc bạc trắng của thầy Nguyễn Xuân Hoàng và của thầy Phan Thanh Hoài, và chợt nhận ra hoàng hôn đã ngã bóng…
Friday, April 4, 2014(View: 69561)
Học trò tôi đôi khi ngoan ngoãn, dễ thương như thiên thần, đôi khi phá phách, tinh nghịch còn hơn quỉ. Nhưng tôi phục học trò tôi. Tôi không biết cơ quan CIA tinh nhuệ như thế nào, nhưng theo tôi còn thua xa học trò tôi.