Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (P12)
Không biết phải lặp lại gọi những hoạt động của Bảo Đại là gì? Ông có phải là một thứ con buôn chính trị hay con buôn thời cuộc? Ông nhận công khai nhiều món tiền của người Pháp, nhưng đồng thời cũng không từ chối tiền của Hồ Chí Minh?
Phải cắt nghĩa và giải thích về điều này như thế nào cho thuận lý? Ông chống Pháp hay chống Việt Minh? Ông làm việc cho ai? Có lúc ông tuyên bố, ông sẽ không bao giờ quay trở về Huế để đóng vai trò một ông Vua bù nhìn! Như thế là không còn làm việc cho Pháp? Những kẻ chống Việt Minh, số này rất đông nay nhìn thấy ở Bảo Đại một giải pháp dành lại độc lập một cách ôn hòa và tránh được cảnh chết chóc tàn bạo kiểu Việt Minh. Một giải pháp dễ dãi, một nền độc lập được mua bằng một giá rẻ mà không tốn một giọt máu.
Chỉ mãi đến tháng 9-1947, người ta mới nhận rõ lập trường cứng rắn của Bảo Đại đối với Việt Minh. Người Pháp thở dài nhẹ nhõm. Chưa bao giờ ngôi sao Bảo Đại lên như lúc này, sự kính mến ông còn hơn lúc ông từ chức. Phái đoàn gốc người Huế sang chầu chực ông và khẩn khoản ông trở về lãnh đạo đất nước.
Về phía người Pháp, Bollaert là người cương quyết và tin tưởng nhất yêu cầu Bảo Đại trở về nước cầm quyền. Boolaert sẵn sàng chi tiền và đã chi nhiều tiền và chi nhiều lần. Bảo Đại tuyên bố chỉ về nước khi bảo đảm có một nền độc lập toàn diện.
Cái khó khăn trở ngại duy nhất là người Pháp chỉ muốn trao trả một nửa nền độc lập, một nền độc lập tự do có kiểm soát và giới hạn trong một vài lãnh vực. Nghĩa là một thỏa thuận trong đó một nền độc lập trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp trong đó chính quyền Việt Nam có một nền hành chánh riêng, cảnh sát riêng. Tuy nhiên quân đội và ngoại giao thì phải chịu dưới quyền kiểm soát của người Pháp.
Đây là những tiền đề như bước mở đầu cho cho một giải pháp cho Việt Nam mà sau này ta gọi là “ Những thỏa ước của vịnh Hạ Long” được ký kết giữa Pháp và Bảo Đại, đại diện cho quốc gia Việt Nam mà ngay cả chính quyền cộng sản cho đến lúc ấy cũng không bao giờ đạt được rộng rãi như thế về phía người Pháp.
Sau đó, theo Hồi ký của Nghiêm kế Tổ, các người của đảng phái đã gửi người ra liên lạc và tiếp xúc với Bảo Đại tại Trùng Khánh như Lưu Đức Trung, Phạm Văn Bính, Đinh Xuân Quảng, Bùi Tường Chiểu.
Tranh vẽ Bảo Đại ở Hong Kong. Nguồn: AKG Images.
Nhưng đến tháng 7 năm 1946, khi Bảo Đại đến Hồng Kông thì đã có một số lãnh tụ Quốc gia lúc đó đã lưu vong đã tiếp xúc với Bảo Đại. (Nghiêm Kế Tổ, Ibid.,trang 109)
Nhưng cũng theo hồi ký Bảo Đại, Bảo Đại đã tiếp kiến các đại diện đảng phái Quốc gia, chạy trốn khỏi Hà Nội từ tháng bảy, khi có cuộc truy lùng, ám sát các người của các đảng phái. Đó là các quý ông Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam của VNQDD, Nguyễn Hải Thần của Đồng Minh Hội. Ba người này bày tỏ lòng trung thành với Bảo Đại:
“Le peuple vietnamien, dans sa grande majorité, attend un geste de Votre Majesté. Dès maintenant, Sire, vous pouvez compter sur nous.” (S.M. Bao Daï, ibid., trang 167)
Vài ngày sau thì đến lượt Trần Trọng Kim và một số người khác. Tất cả đều đến từ Quảng Đông. Trần Trọng Kim khuyên |Bảo Đại nên chuyển đến Nam Kinh trông chờ vào Tưởng Giới Thạch. Bảo Đại từ chối liền và cho biết trong tương lai Trung Hoa Dân Quốc sẽ mất vào tay Mao Trạch Đông.
Trong số những người đến gặp Bảo Đại có mặt Phan Văn Giáo!
Sau đó, cảnh sát Anh ở Hồng kông có đến yêu cầu Bảo Đại chọn một Hotel nhất điịnh, họ sẽ phái hai cảnh sát Hồng Kông đến để lo bảo vệ an ninh cho Bảo Đại. Có tiền rủng rỉnh, Bảo Đại đã chọn một biệt thự sang trọng ở Repulse Bay, ở Victoria.
Từ khi dọn đến đây, theo Bảo Đại, biệt thự trở thành nơi lui tới của rất nhiều loại khách lui tới. Trong số này có bác sĩ Phan Huy Đán, luật sư Đinh Xuân Quảng thuộc đảng Xã Hội. Phía Quốc Dân Đảng có luật sư Trần Văn Tuyên.
Những người thân cận của Bảo Đại có Hoàng thân Vĩnh Cẩn, Phan Văn Giáo và Vĩnh Tường trở thành người nhà ở thường trực.
Nhiều người nổi tiếng khác như bác sĩ Lê văn Hoạch, thuộc nhóm Cao Đài. Phạm Văn Bình, Ngô Đình Diêm, Phạm Công Tắc, giáo chủ ở Tây Ninh, Lê Văn Soái, tướng Hòa Hảo đều lần lượt đến Hồng Kong.
Có thể nói hầu như không thiếu một khuôn mặt chính trị nào mà không có mặt. Kết quả các cuộc gặp gỡ này ra sao?
Theo cách nhìn và nhận định của cá nhân người viết bài này, tất cả phần lớn bọn họ đều là thứ chính trị sa lông, đại diện một nhóm thiểu số đảng phái hay tôn giáo mà đằng sau không có thực lực.
Như đã viêt trong đoạn kết của phần 5, cuối cùng dù thắng hay bại là ở nơi những kẻ ở lại. Chiến thắng hay thất bại hay không là thuộc về họ. Những kẻ đã chạ trốn, bỏ của chạy lấy người, cho dù lý luận cách nào đi nữa thì họ vẫn bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Họ, tất cả đều bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Cuộc chơi cuối cùng chỉ còn hai đối thủ, đối đầu giữa hai nhân vật là J.R. Saintenty và Ho Chi Minh trong một tuyên bố chung như sau.
“Déclaration
La France et le Viêt Nam viennent de signer des accords politiques.
Par ces accords, La France reconnait le Viet-Nam, État libre dans ce cadre de la fédération Indochinoise et au sein de l`Union Francaise. Le Viet Nam aura ses Gouvernements, son Parlement, ses Finances, son Armée propre.
Le Viet Nam acceuillera pacifiquement de son côté les troupes Francaises qui viennent relever les troupes Chinoises au Nord du 16e parallele, conformément aux conventions signées entre la France et la Chine.
Ces accords ramènent la paix sur le territoire du Viet Nam et mettent un terme à une période troublée des relations Franco-Vietnamien. La France et le Viet Nam vont reprendre d’un même élan leur marche vers le progrès politique, social, humain dans une collaboration loyale.
Vive la France et le Viet Nam, peuples libres associés dans l”Union Francaise!!
J.R Sainteny
Délégué du Haut Commissaire de France pour L’Indochine
Ho Chi Minh
Président du Gouvernement du Viet Nam” (Eric Deroo, Piere Vallaud, Indochine Francaise 1856-1956, Guerres, Mythes et Passions, nxb Perrin, trang 73)
1946 – Ký kết Hiệp định Sainteny-Ho Chi Minh
(Tuyên Bố chung. Pháp và Việt Nam vừa mới ký kết một thỏa thuận chính trị. Do thỏa thuận này, nước Pháp nhìn nhận Việt Nam, một quốc gia tự do trong khuôn khổ một Liên Minh Đông Dương nằm trong khuôn khổ Liên Hiện Pháp. Nước Việt Nam sẽ có một chính quyền riêng, một Quốc Hội riêng, tài chánh riêng, một quân đội riêng.
Nước Việt Nam sẽ đón tiếp một cách hòa bình quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa từ phía Băc, vĩ tuyến 16, đúng với thỏa ước đã được ký kết giữa Pháp và Trung Quốc.
Các thỏa ước này sẽ đem lại hòa bình trên lãnh thổ Việt Nam và chấm dứt một giai đoạn hỗn loạn giữa mối liên lạc Viet-Pháp. Nước Pháp và Việt Nam sẽ tiếp tục đi tới những tiến bộ chính trị, xã hội và con người trong sự hợp tác chân thành.
Hoan hô nước Pháp và Viet Nam, những dân tộc tự do trong khuôn khổ liên Hiệp Pháp. Ký tên)
Mặc dầu nội dung thỏa ước này còn què quặt với những hoa từ thì đây cũng là những gì được ký kết chính thức giữa đại diện chính quyền Pháp và Hồ Chí Minh mà các đảng phái lãnh tụ Quốc gia đã không đủ tư cách có mặt, ngay cả ngài cố vấn tối cao.
Bảo Đại hay các đảng phải mà phần đông tìm chỗ trú ngụ tạm thời ở Quảng Đông đã không đủ tư thế để nói chuyện với người Pháp. Nay họ tìm đến Bảo Dại như một chỗ dựa, một uy tín chính trị như một giải pháp thứ ba, thay vì chống Pháp thì quay ra chống Việt Minh.
Và chính ở chỗ này sẽ hình thành trong tương lai cái mà người Pháp cũng như chúng ta thường có thói quen gọi là: La solution de Bao Đai. (Giải Pháp Bảo Đại).
Liệu giải pháp sẽ đem lại điều gì và kết quả ra sao? Và từ chỗ đó chấm dứt vai trò cố vấn tối cao để nhận một danh xưng mới: Quốc Trưởng Bảo Đại.
Về phía người Pháp, nay nhờ những tài liệu, thư từ , nhân chứng cho thấy họ đang phải đối đầu một cuộc chiến sói mòn mà những ngày tháng dễ dàng lúc ban đầu càng ngày như càng vuột khỏi tầm tay của họ. Trên thực tế thì ngay từ những ngay đầu cuộc chiến đã có nhưng dấu hiệu mệt mỏi, một tương lai không mấy sáng sủa cho quân đội viễn chinh Pháp qua một lá thư của một đại úy pháo binh viết cho người vợ ở Toulon ngày 13 tháng giêng, năm 1947 như sau:
“Chỗ anh ở đây, tình hình mỗi ngày một thêm trầm trọng. Đó là cuộc chiến du kích âm thầm, giống như cuộc chiến bưng biền trước đây ở Pháp, nhưng với một mức độ mất an ninh hơn nhiều, do hoàn cảnh địa lý thiên nhiên của xứ sở này cũng như của người dân quê bản xứ. Người ta sống trong tình trạng báo động liên tục, không thể nào đi ra ngoài vào buổi chiều mà không bị rủi ro bị đâm một nhát dao găm vào sau lưng hay một quả lựu đạn ở dưới chân. Ban đêm, phải phòng thủ bên trong khi nhiệt độ xứ này trung bình là 32 độ dưới bóng mát. (…) Đó là một cuộc chiến chênh lệch mà người ta có thể bị chết bất cứ lúc nào, ngay cả ở trong các vùng được coi là an toàn, bị bắn tỉa bởi một tên bắn tỉa trốn ở một góc xó nào đó (…) Người ta muốn ăn chuối, ăn dứa, gạo, sô cô la.. Người ta muốn cả cao su cho các đôi giầy đế crêpe như hồi trước chiến tranh. (…) Nhưng có nghĩa lý gì những điều đó. (…) Và thật là không đủ binh sĩ ở đây để có thể tự phòng ngự và như vậy rồi sẽ thua.” (Eric Deroon-Pierre Vallaud, ibid., trang 97)
(Chúng ta được biết, Pháp chỉ có hơn 100.000 quân đồn trú rải ra 917 đồn bót).
Phần mở đầu cho cuộc chiến tranh Việt- Pháp bùng nổ tối 19 tháng 12, 1946
Kể từ tháng 3 đến 19-12-1946 là một khoảng trống chính trị trong đó không có mặt Bảo Đại tại Việt Nam. Nó đã dẫn đưa đến một cách không dừng được một cuộc chiến tranh Việt-Pháp mặc dầu với một cố gắng phi thường về phần Hồ Chí Minh cũng như nhượng bộ của ông Hồ đối với người Pháp.
Người Pháp bằng mọi giá muốn tái diễn sự có mặt của họ tại Việt Nam.
Việt Minh thì nhượng bộ đến một lúc không thể nhượng bộ được nữa thì chính Võ Nguyên Giáp là người phát động cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bằng cách dùng bộc pha cho nổ nhà máy đèn Hà Nội vào khoảng 9 giờ tối ngày 19 tháng12.
Rất tiếc là Pháp đã được thông báo qua thông tin tình báo nên đã chuẩn bị cuộc ứng chiến ngay từ phút đầu và chỉ trong một đêm, một ngày họ đã làm chủ tình hình Hà Nội và sau hai tháng đã xua đuổi cũng như tiêu diệt mọi chốt chiếm đóng của hơn 10 ngàn thanh niên xung phong, lực lượng được chỉ định cầm cự và bảo vệ thủ đô Hà Nội.
Theo trí nhớ của tôi thì thời gian ổn định không phải hai tháng mà chỉ trong vòng vài ngày thì không còn nghe tiếng súng tắc bọp nữa.
Tuy nhiên cuộc chiến đối đầu như chúng ta thấy sau này càng có dấu hiệu bất lợi khi người Pháp chủ trương xây dựng các đồn bốt mà người Pháp quen gọi là Guerre des Postes.
Sau này, thỉnh thoảng có nghe tiếng súng thì đó là tiếng súng liên thanh của lính tây mà thôi.
Về sự thiệt hại trong thành phố thì phải kể như Hà Nội còn nguyên vẹn.. Các khu phố tây thì hầu như không có đến một dấu vết đạn để lại trên các căn biệt thự, các cớ sở công thự như nhà bưu điện, sở toàn quyền, sở hành chánh, tài chánh, nhà thờ lớn Hà Nội, trường Albert Sarault, các cửa hàng trên phố Tràng Tiền hoặc chung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, phố Quan Thánh vv…
Nhưng trong phố cổ Hà Nội như các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Than, do sự thúc đẩy của Tự vệ thành, buộc người dân phải tản cư. Rồi sau đó, tự vệ thành đào các ngạch tường như các lỗ chó chui để di chuyển từ chỗ nọ đến chỗ kia.. Lâu lâu còn thấy sót lại một ụ đắp mô vội vã còn sót lại.
Trên một vài bức tường quét vôi còn sót lại vài câu tuyên truyền với hình vẽ còn sót lại như: Ngoài mặt trận cũng như ở hậu phương, ai ai cũng có bổn phận cứu nước, quyết TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN đi đến ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN. Một câu khác: Hỡi đồng bào! Hãy vững gan bền chí. Chúng ta quyết đập tan gông, xích nô lệ và tin tưởng ở THẮNG LỢI CUốI CÙNG. Ta quyết thắng. Nhiều chỗ còn ghi hai thứ tiếng: Viet Nam Độc Lập! Viet Nam Indépendant!
Lúc ấy, tôi chỉ thấy chiến tranh là điều kỳ cục.
Ở khu phố cổ vốn xưa nay là nơi buôn bán sầm uất với đông người qua lại thi nay chúng trở thành những hoang địa. Ngoài mặt đường đầy những rác rưởi với cả đồ đạc giường tủ vất ngổn ngang, quần áo, đồ dùng trong nhà đủ loại vứt tung ra ngoài đường. Tuy nhiên, sau này tôi muốn đi “thổ phỉ” một cái áo lạnh cũng không có được. Người Hà Nội coi vậy cũng chẳng giàu có gì. Rời khỏi Hà Nội, họ cũng chuẩn bị quang gánh và đủ loại phương tiện chuyên để mang đi bất cứ thứ gì có thể mang đi được. Như quần áo, gạo thóc, nồi niêu xong chảo, thực phẩm khô như cá khô, muối vừng v.v.
Những người còn ở lại Hà Nội như tôi, dù không có bao nhiêu cũng không thể tìm kiếm được chút lương thực ít ỏi còn sót lại để sống qua ngày nếu không có sự tiếp tế của người Pháp thì sẽ rơi vào cảnh chết đói..
Chiến tranh thì chắc là phải có người chết. Nhiều là đàng khác. Vậy mà ngay sáng hôm sau, tôi biết chắc chắn có sự giao tranh giữa đôi bên và tưởng sẽ có nhiều người chết. Súng gỗ thì còn thấy vứt rải rác, nhưng người chết chắc đã được khuân di kịp thời nên không để lại dấu tích gì.
Kinh nghiệm chiến tranh của tôi cuối cùng chỉ là sự đói nghèo. Sự sợ hãi chỉ xẩy trong những ngày đầu. Người Pháp cũng như kiều dân Pháp không còn những ngày tháng quá khứ “vivre comme en Europe” sống như ở Pháp. Ít còn thấy những ông Tây thực dân, quần áo vét trắng, đội mũ cô lô nhần, xách ba tong đi nghênh ngang ngoài phố. Nhưng họ kín đáo hơn mặc dầu không tỏ ra thân thiện như trước chiến tranh.
Dầu vậy, Hà Nội chóng tìm lại được những sinh hoạt bình thường. Cái điều bình thường và thân quen nhất là hai toa tàu điện chạy từ phía Bờ Hồ, qua Ngã Tư Sở rồi cứ thế qua huyện Hàm Long hướng về phía Hà Đông. Tiếng kính keng quen thuộc, tiếng bánh xe điện rit trên đường sắt mỗi khi qua một khúc quanh.
Chỉ trong vài tháng thì đã có dấu hiệu của sinh hoạt buôn bán trở lại. Số lượng người hồi cư hay được gọi là dinh tê mỗi ngày mỗi đông.
Sự trở về đông đảo của dân chúng Hà Nội là một dấu hiệu tốt đẹp một ngày mai được thanh bình. Nhưng không phải vậy, mỗi ngày cuộc chiến diễn ra một cách ác liệt! và phân chia thế giới thành hai cực, biến cuộc chiến tranh mang hình thái tranh chấp ý thức hệ vượt tầm tay mọi người.
Kết quả là một chiến thắng và một xỉ nhục.
Hôm nay, nhìn lại cuộc chiến tranh Việt-Pháp 1946-1954 trong một chiều kích không phải ý thức hệ, cũng không hẳn là cuộc chiến chống ngoại xâm theo lối nhìn thông thường.
Một chiều kích đặt trên nền tảng lý luận dựa trên ba phạm trù căn bản, nhờ đó có cái nhìn toàn diện bao quát toàn bộ cuộc chiến tranh để thấy rằng, tất cả không trừ ai, chúng ta đã làm một sự lãng phí quá to tát về sinh mạng con người, về tài sản thiên nhiên đã ban phát cho chúng ta chỉ vì những chọn lựa sai lầm của mỗi bên. Nhất là về tương lai con người Việt mà hậu quả ra ngoài sự thẫm định và đo lường của mọi người. Thắng hay bại, người Việt Nam vẫn cuối cùng là kẻ thua cuộc do những lý luận dựa trên 3 phạm trù sau đây
- Phạm Trù thứ nhất: Sự canh tân, tiến bộ và phát triển
Những nhà lãnh đạo khôn ngoan và hiểu biết luôn luôn đặt cao sự canh tân, tiến bộ và phát triển như như mục tiêu hàng đầu đưa đất nước đi lên. Bệnh nghèo khó, sụ ngu dốt, sự thua kém người ngoài là do những căn bệnh trên. Vậy thì trước khi có đủ tiềm lực để có thể đương đầu với kẻ thù địch. Chúng ta trước hết phải đủ mạnh. Không có con đường nào khác giúp đất nước mạnh bằng con đường canh tân. Canh tân sẽ làm cho đất nước giầu mạnh không bị một bất cứ thế lực nào có thể chà đạp lên đất nước của mình. Dùng võ lực, sức mạnh quân sự chỉ là kế sách ngắn hạn. Chỉ có canh tân xứ sở mới là lũy trường thành bảo vệ bờ cõi. Vạn lý trường thành đã cho thấy sự thất bại của các vua chúa quan lại nước Tàu như thế nào. Nước ta kể từ các vua chúa đến sau này đến các lãnh tụ đảng phái, đến đảng cộng sản đều coi nhẹ chọn lựa canh tân. Chiến thắng xong rồi chỉ còn lại một tập đoàn lãnh dạo mà trình độ chỉ xấp sỉ qua bực tiểu học. Làm sao họ có thể lãnh đạo đất nước đi lên với sự dốt nát như thế? Họ đã coi rẻ kế sách canh tân nên đã rước họa cho cả dân tộc, gây cảnh lầm than chiến tranh kéo dài hàng trăm năm. Hết họa thực dân Pháp đến thực dân Nhật nay đến thực dân Tàu?
- Phạm trù thứ hai: Chọn lựa sự nổi dậy hay sự nổi loạn
Từ văn chương thơ phú đến lịch sử VN đều đề cao sự nổi dậy như một phương thức duy nhất đem lại an bình. Lịch sử chỉ là lịch sử chiến tranh miên tục để bảo vệ bờ cõi thì ít mà để tranh dành quyền lực thay đổi một triều đại thì nhiều. Kẻ chiến thắng được gọi là anh hùng, kẻ thua gọi là giặc. Dưới triều đại nhà Nguyễn, có những thời kỳ ghi được 250 các cuộc nổi dậy. Thời VNCH, 20 năm miền Nam, giặc nội thù chính là sự tranh dành của các đảng phái trong những mưu toan lật đổ chính quyền hợp pháp. Cái ung nhọt lớn nhất của miền Nam tự do là sự quấy rối của hàng trăm đảng phái khác nhau. Mà mỗi đảng nhiều khi chỉ có cái tên, hữu danh vô thực. Từ một đảng lại chia ra nhiều hệ phái, từ hệ phái lại chia ra nhiều chi phái. Chia rẽ là chính. Rồi thiết lập Liên Minh, mặt trận thống nhất đến một lúc nào đó đều chìm xuồng. Hết nạn Đảng phái đến nạn Hội đoàn. Chỉ tính ở hải ngoại bây giờ thôi, chúng ta có hơn 500 Hội Đoàn. Càng có nhiều hội đoàn, dấu hiệu chia rẽ càng trầm trọng. Càng kêu gọi đoàn kết, càng đẻ thêm các mâu thuẫn nội bộ, mâu thuẫn cá nhân với cá nhân, nhóm nọ nhóm kia, phe phái. Chưa bao giờ người Việt Nam biết học để kết đoàn. Sự chia rẽ là mầm mống của sụ bị lệ thuộc làm suy yếu tiềm lực dân tộc. Nhìn trong nước hiện nay cũng như ở hải ngoại, chúng ta đều thấy có chung mẫu số: sự chia rẽ và phân hóa.
- Phạm trù thứ ba: Làm cách mạng
Đây là cái tai họa lớn nhất cho dân tộc. Lịch sử cho thấy các cuộc cách mạng, dù mang nhãn hiệu gì, rồi cũng đi đến chỗ đổ máu và một chế độ cai trị tàn bạo. Cách Mạng nào đã đem lại điều tốt đẹp cho con người? Hầu như không có. Riêng cuộc cách mạng của người cộng sản đưa đến sự lầm than và khốn nạn nhất cho nhân loại.
Ba phạm trù trên là kim chỉ nam giúp chúng ta nhìn lại.
(Còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline