Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - Cuộc sống người dân miền Nam thời kỳ trước và sau thuộc địa Pháp (P2)

24 Tháng Mười Một 201610:00 CH(Xem: 16805)
GS. Nguyễn Văn Lục - Cuộc sống người dân miền Nam thời kỳ trước và sau thuộc địa Pháp (P2)

Cuộc sống người dân miền Nam thời kỳ trước và sau thuộc địa Pháp (P2)


Tài liệu của các tác giả ngoại quốc viết về xứ Nam Kỳ trước thuộc địa

Đã có nhiều sách, phải nói khá nhiều các tài liệu viết về giai đoạn trước thời kỳ thuộc địa Pháp. Có hàng trăm tác giả, tài liệu đầu nguồn qua các tên tuổi như Henri Cordier, Launay, Alexis Faure, các thừa sai như Baldinotti, Bori, Charles B. Maybon, Koffler, De Rhodes, La Bissachère, v.v.

Chỉ cần đọc Alexis Faure với “Les Francais en Cochinchine au XVIII siècle”, đặc biệt viết về Mgr Pigneau de Behaine, giám mục Adran (1891) đã là một kho tài liệu về giai đoạn Nguyễn Ánh Gia Long khôi phục giang sơn về một mối như thế nào rồi.

Một cuốn khác không kém quan trọng như “Histoire moderne du pays d’Annam (1592- 1820)” của Charles B. Maybon, Docteur ès-lettres, viết khá đầy đủ về giai đoạn mở đầu bang giao giữa Pháp-Việt Nam với Trịnh-Nguyễn, rồi Tây Sơn-Nguyễn Ánh và nhất là giai đoạn Bá Đa Lộc-Nguyễn Ánh cho đến khi Nguyễn Ánh băng hà.

Histoire moderne du pays d’Annam (1592- 1820), Charles B. Maybon, Docteur ès-lettres. Nguồn:

Histoire moderne du pays d’Annam (1592- 1820), Charles B. Maybon, Docteur ès-lettres. Nguồn: Librairie Plon, Paris

Maybon biết cuốn này vì nghĩ rằng người Pháp không mấy quan tâm đến sử Việt Nam, trừ cuốn “Cours d’hístoire d’Annamite” của Trương Vĩnh Ký viết năm 1875, vì thế, Maybon đã viết đầy đủ với nhiều chứng dẫn tài liệu mà Trương Vĩnh Ký đã không có đủ tư liệu để viết được.

Chưa kể đến các cuốn hồi ký lý thú của Barrow, Crawfurd, Hamilton, Dampier, Poivre. Trước đây ít người có cơ hội đọc những tác giả này, trong đó có người viết bài này, nhiều người Việt Nam vẫn lầm tưởng rằng họ biết rõ về đất nước mình mà thực sự chẳng biết gì cả.

Cả một quá khứ được mở toang ra cho thấy cha ông chúng ta thực sự đã sống như thế nào? Nếu căn cứ vào những tài liệu vừa kể trên, phải nói thật với nhau, xã hội của cha ông chúng ta chỉ vừa ra khỏi xã hội bầy đoàn, chưa có khái niệm chính xác về đất nước, quốc gia dân tộc. Một xã hội còn bán khai, cùng lắm vượt qua thời kỳ hái luợm, du mục, săn bắn.

Tính chất nổi bật nhất là cha ông chúng ta vẫn chưa thực sự được khai hóa.

Cái văn hóa Trung Hoa truyền vào Việt Nam, từ nhiều đời, trải qua nhiều giai đoạn cuối cùng trước những thử thách phải đương đầu với thế giới Tây Phương, nó cho thấy sự yếu kém trước sức mạnh của tàu đồng, của súng thần công và kim địa bàn!

Đây là giai đoạn cho thấy thực chất chế độ vua quan là gì? Và nó cũng cảnh báo một sự suy tàn do sự ngu dốt, bảo thủ của họ.

Ở đây, xin chỉ giới hạn vào một vài cuốn tiêu biểu.

Tôi xin chọn các cuốn Hồi ký nhờ đó biết được đời sống thực, con người Việt Nam thực, nếp sinh hoạt thực của dân mình trước thời kỳ thuộc địa. Nó cho thấy sự thật là người Việt Nam trong giai đoạn các Chúa Nguyễn được gọi chung là La Cochinhchine, Đàng trong so với xứ Tonkin, Đàng ngoài còn ở một tình trạng bán khai ở nhiều mặt. Nếp sống văn minh chưa được khai hóa. Nói chung, nó cho thấy con người Việt Nam vóc người nhỏ bé, dị hình còn đi chân đất, đóng khố. Đời sống dân chúng cực nghèo khổ, bữa đói bữa no cộng thêm sự ngu dốt về mọi mặt cũng như mê tín dị đoan trước nếp sống văn minh của người Tây Phương.

Xin tóm tắt một vài đoạn trong cuốn hồi ký sau đây, bạn đọc sẽ thấy rõ điều đó.

Đó là cuốn “Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine”. Transcrit et présenté par Henri Cordier. Cordier đã sao chép lại và đăng trong Revue de l’Extrême-Orient, năm 1887,t3, pp 81-121, 364-510.

Pierre Poivre  (1719-1786). Nguồn: La Galerie Napoleon

Pierre Poivre (1719-1786). Nguồn: La Galerie Napoleon

Những hồi ký của ông đã đưa ra rất nhiều nhận xét khá trung thực những gì ông đã quan sát, đã tiếp xúc với triều đình nhà Nguyễn với cái nhìn xa trông rộng. Nhưng qua cuốn hồi ký, tôi có cảm tưởng có nhiều điều cần xem xét lại. Riêng Bộ trưởng hải quân Pháp đã giao hai sứ mạng cho ông khi sang xứ Đàng Trong: một là làm sao tạo được mối quan hệ buôn bán với các Chúa Nguyễn. Hai là về mặt thương mại, cần thu thập những loại cây gia vị.

Về điểm này, Poivre được coi là người đi mở đường sớm nhất cho việc liên lạc buôn bán giữa Pháp và Việt Nam bên cạnh người Bồ Đào Nha và người Anh.

Tài liệu của Pierre Poivre đã được sao chép thành hai tập; Tập thứ nhất nhan đề “Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine (Suite): Journal d’une voyage a la Cochinchine depuis le 29 aoust 1749, jour de notre arrivee, jusqu’au 11 fevrier 1750”. Tập thứ nhất từ trang 1-78, Tập tài liệu thứ hai từ trang 79-99 với nhan đề “Description de la Cochinchine (1749-1750)- Voyage du vaisseau de la compagnie le “Machault”, à la Cochinchine en 1749 et 1750”.

Cuốn sách tuy đề tên tác giả là Poivre, nhưng thật sự người viết là một sĩ quan tùy tùng của Poivre viết. Vì thế, có những đoạn nhắc đến Poivre ở ngôi thứ ba.

Nếu tính thời điểm của chuyến đi của Pierre Poivre vào năm 1749-1750 đến xứ Cochinchina thì đó là dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, cho đúc ấn Quốc Vương và được gọi là Võ Vương. Trong tài liệu của Poivre, ông cũng đích danh đề cập đến con người của Võ Vương, (Viou Gouvon), vị vua thứ 10 triều Chúa Nguyễn. Theo Poivre, hình dáng bề ngoài của Võ Vương là bình thường, có cái mũi quặp, đôi mắt đẹp, nước da tương đối không đen như phần đông dân chúng. Giọng nói dễ nghe, vui vẻ, nhưng có vẻ hơi tầm thường. Nói nhưng chuyện tầm phào. ( Xin xem tiếp ở phần sau)

Sau đây là tóm lược một số đoạn của cuốn sách, giúp hiểu rõ thực trạng dân xứ Đàng Trong thời đó như thế nào.

“Ngày 29 tháng 8 năm 1749 thì tầu cập bến Tourane và ở lại cho đến ngày 11 tháng 2 năm 1750. (Poivre rời nước Pháp ngày 23 tháng 10, năm 1748, mất gần một năm mới đến Việt Nam.) Tại đây, đã có một ông đội, một ông xếp về quan thuế, tiếp đón. Poivre đã nhờ viên đội chuyển thư cho vua và một vài lá thư cho các thừa sai Pháp cũng như một hai người thông ngôn. Viên đội đã cho phái đoàn của Poivre một số tiền Việt Nam, một con bò, một số gà và hoa quả. Hôm sau thì phái đoàn của Poivre phải đi Faifo (Hội An) để gặp một vị quan lớn trông coi các thuyền bè ngoại quốc. Poivre đã khai báo số quà dùng để biếu tặng lên vua và khai số hàng hóa trên tàu. Sau đó, họ có dựng một căn nhà bằng tranh ở Tourane cho thủy thủ đoàn trú ngụ.”

(Pierre Poivre, “Journal d’un voyage à la Cochinchine”, 29-8-1749, trang 2-3. Những trích dẫn Poivre về sau sẽ chỉ ghi số trang.)

Giải thích thêm. Các tàu biển ngoại quốc đến Đàng Trong bắt buộc phả bỏ neo ở Tourane mà không thể ra thẳng Huế được. Đây cũng là một trong những lý do Pháp chiếm Sài Gòn sau này.Theo một tài liệu của tác giả Robert Kirsop, một người đã đến Đàng Trong và đã sống khoảng hai năm ở đấy cùng một thời với Poivre đã đưa ra một số chi tiết quan trọng giúp hiểu rõ công việc làm của phái đoàn Pháp hơn. Nhan đề tài liệu là “Oriental Repertory”, vựng tập Phương Đông, do Ngô Bắc dịch, Gio-o.com. Chúng tôi sẽ trích dẫn đầy đủ phần tài liệu này trong phần cuối viết về Poivre.

Theo sự tường trình của Robert Kirsop, các tàu đều bỏ neo ở vịnh Đà Nẵng. Sau đó phải mất hai ngày đường đến Hội An để đóng cước phí tùy theo tầu lớn nhỏ. Tàu của Poivre chính ra phải đóng 3000 quan, nhưng đã được miễn phí. Có ba người thông dịch mà họ gọi là nhà ngôn ngữ là: Miguel, dịch tiếng Pháp. Người khác dịch tiếng Bồ Đao Nha. Và một mùa phải trả cho họ chừng 200-300 quan tiền công.

Ngoại giao quà tặng

Việc buôn bán thuở xưa trước hết khởi đầu bằng quà tặng, chưa kể thuế bến đậu tùy theo trọng lượng của tàu, nhất là nguồn gốc của tầu. Không có lễ vật, coi như việc buôn bán không thành. Lễ vật đút lót từ trên xuống dưới không trừ một người nào. Phải chăng nó trở thành một thứ triết lý sống, một thứ văn hóa trong một xã hội còn kém cỏi mọi mặt. Các chúa được đút lót theo thứ bậc, ngay cả họ hàng, quan lại, tùy chức vụ và ai cũng có phần của mình. Việc “đánh thuế” rất tùy tiện, tùy theo tàu nước nào. Tàu ở Hải Nam, ở Ma Cao, ở Siam, ở Java chịu thuế khác tàu từ Tây Phương đến.

Theo nhận xét của Chaigneau viết vào ngày 3 tháng sáu 1819 như sau:

“Dans ce pays-ci, il n’est plus possible qu’aucun navire y vienne: ce sont tous les jours de nouveaux moyens de vexations poussés à l’excès”.

(Ở xứ sở này, không một tàu bè nào có thể đến đây được. Mỗi ngày lại có những sự sách nhiễu mới đến chỗ quá mức).

(Charles B. Maybon, “Histoire moderne du pays d’Annam”, Paris, Librairie Plon, trang 362)

Chưa kể các chúa Nguyễn cấm xuất khẩu các gỗ quý, kim loại quý, gạo và muối.

Đường bộ hầu như chưa có, mọi sự di chuyển đều bằng tàu bè, thuyền đủ loại. Trong đoạn văn dưới đây, phái đoàn Pháp phải mất bốn ngày đường để đi từ Tourane ra Huế, lúc dùng đường bộ, lúc dùng đường biển, rồi đường sông khi vào đến Huế.

“Poivre đã tặng vua một số ngựa và súc vật, cộng thêm 13 thùng lớn tặng vật và thư giới thiệu của vua nước Pháp mong muốn có trao đổi thương mại giữa hai nước. Sau khi mở một vài thùng quà thì viên quan lớn cho chở tất cả những thùng quà đó trên một chiếc tầu lớn bằng đường biển đến nhà vua. Còn các món quà nhỏ có thể chở bằng đường bộ thì giao cho một đội trưởng canh gác trông nom. [13 thùng quà này không biết vì sao không được chở vào Huế, theo như Poivre viết sau này. NVL]

Giờ buổi trưa thì ngưng mọi hoạt động vì trùng vào giờ sinh đẻ của vua.

Ngày 18 tháng 9, phái đoàn bắt đầu chuyến khởi hành đến triều đình nhà vua ở Huế. Chi phí chuyên chở do triều đình trả. Họ cho đánh mõ và dân làng ở đó gửi đến 100 cu li để khuân đồ trèo núi. Đường lên núi đã có lối đi, qua một vài cái vực và có cầu bắc qua. Nhưng những cầu này không vững chãi và rất nguy hiểm. Buổi trưa dừng lại ở một quán ăn trên núi và đến buổi chiều thì xuống núi. Đêm đó chúng tôi đã ngủ tại một làng bên bờ biển.

Dưới chân núi đã có một số gái điếm trực chờ sẵn ở đó để đón khách. Từ đây, đi thêm vài làng nữa trên những cánh đồng có trồng trọt, sau đó tới một làng có tên là “Cho mehe” nhưng dân làng đã bỏ trốn để khỏi phải khuân vác. Và phái đoàn đã phải thuê cu li khác trả tiền hậu hĩ, rồi phải trèo qua hai rặng núi thấp, nhưng dốc núi thẳng đứng mà phía sau nó là một cánh đồng có một con suối chẩy qua. Cuối cánh đồng này là một cửa sông, cửa ngõ vào Huế. Chúng tôi đã nghỉ trưa và ăn cơm sau đó lại thuê 4 thuyền tam bản lớn. Thuê người chèo thuyền và đi cả đêm. Tất cả đoạn đường từ Tourane đến đây, chúng tôi đều đi dọc theo bờ biển.

Mãi tới 10 giờ sáng ngày 22 mới tới Huế, ở “Chottiam”, rồi buổi trưa đến “Chôlé”.

(Trang 5-8)

Con đường từ Đà Nẵng-Huế phải đi mất 4 ngày. Việc di chuyển ở triều đình Huế củng như tại đất Nam Kỳ phần lớn là dựa trên thuyền bè, vì đường bộ hầu như chưa có.

Thế nhưng vào năm 1830, John Crawfurd, trong “Journal of an Embassy”, và đoàn tùy tùng người Anh, 80 năm sau, đã dùng tàu thủy một cách không khó khăn gì.

Khác hẳn thái độ tiêu cực của Pierre Povre, John Crawwfurd khi rời Huế ngày 17-10 để vào Tourane, ông nhìn quang cảnh thiên nhiên hai bên bờ sông một cách thích thú. Nhà cửa, ruộng vườn hai bên bờ sông, đời sống sinh hoạt của dân chúng nhiều chỗ nhộn nhịp. Ông đếm ra có đến 255 lò gạch ở hai bên bờ sông. Vì đây là mùa nước lụt, nhiều thuyền di chuyển ngay trên ruộng lúa để bắt cá trong khi chờ đợi mùa gặt tới trong vài tháng nữa. Trong khi thuyền dừng, ông được cho ở trong những căn nhà đầy đủ tiện nghi dành cho khách vãng lai.

(John Crawfurd, “Journal of An embassy”, From the Governor-general of India to the Courts of Siam and Cochinchina. London, 1830, tóm lược từ trang 427-435).

Tiếp tục đọc hồi ký của Pierre Poivre:

“Ngày 23 đến bái kiến nhà vua lúc 11 giờ. Để thêm trang trọng cho phái đoàn, Poivre đã cho 8 lính đi mở đường, ăn mặc chỉnh tề, súng đeo vai. Tiếp đến là Poivre và các sĩ quan, rồi đến các thủy thủ trên tàu. Cuối cùng là hai đầy tớ gốc Ấn Độ ăn mặc theo kiểu lính cipaye của Ấn Độ, đeo kiếm cạnh sườn cùng với các đầy tớ khác.

Buổi trưa, phái đoàn được dẫn vào cung điện. đến một tòa nhà lớn thường được gọi là nhà voi, vì vua thường có thú tiêu khiển với mấy con voi.

Trên dường vào cung điện là hàng rào lính đứng hai bên, tuốt gươm dơ cao. Còn độ 50 thước thì tới một cửa lớn, trong đó nhà vua ngồi trên một ngai có vương niệm bên trên, vua mặc áo của hoàng gia. Khi chừng còn độ 10 thước thì phái đoàn làm lễ cúi đầu theo lối người Pháp. Riêng viên thông ngôn tên Ruộng thì cúi gập đầu xuống đất ba lần.

Poivre đã trình bày lý do đến đây theo lệnh của vua nước Pháp, một vị vua mạnh nhất của Âu Châu và để dâng lên những lễ vật và mong có một thỏa ước thân hữu giữa nước Pháp và vua nhà Nguyễn. Nhà vua tỏ ra nhã nhặn và khả ái đã tò mò hỏi cả ngàn câu hỏi, đủ thứ chuyện. Nhà vua hỏi đoạn dường từ Âu Châu sang đây là bao xa. Poivre trả lời là 6000 dặm và phải mất 10 tháng trời để đi. Rồi hỏi thăm về tuổi vua nước Pháp, sức khỏe, gia đình, về quân lính, về hải quân. Rồi nhà vua tiến lại gần và ra dấu cho Poivre tiến lại để xem xét quần áo từng cái một và đặc biệt xem các bộ tóc giả và các chất bột rắc trên đầu làm cho tóc khô và dính cứng. Vua có vẻ không mấy ưa bộ tóc giả. Sau đó nhà vua ra lệnh đãi tiệc cho chúng tôi và phần ông cũng rút lui vào bên trong để ăn. Trong khi chờ đợi bữa ăn thì những quan hầu cận xúm lại chung quanh chúng tôi và tò mò một cách thô bạo, vừa nhìn xem, vừa sờ mó từng thứ, cởi cả cúc áo để xem, nhấc bỏ tóc giả, cởi giầy một cách thô bạo không ngượng ngùng gì.” (Trang 8)

Và sau đây là những nhận xét của Poivre về những gì ông quan sát thấy:

“Những người lính thì đều mang gươm dài chừng hơn một thước. Chuôi gươm thường trạm chổ và dược đánh bóng, một số được nạm bạc và khoảng 40 người lính có chuôi gươm nạm vàng. Những người này thuộc lính canh ở trong nội cung. |Họ phần đông đều gầy ốm yếu, quần áo thường bẩn thỉu. Chúng tôi phải chịu đựng trả lời những câu hỏi xấc láo và ngu dốt của họ. Sau đó, bốn người lính bê ra một cái bàn, trên đó bầy các món thịt và thịt hầm theo lối ăn uống của họ. Rồi vua cũng ra lại để xem và nói chuyện với chúng tôi. Họ cũng cho xử dụng dao muỗng bên cạnh các đôi đũa như người Trung Hoa. Rồi vua bắt chúng tôi phải nếm thử tất cả các món ăn đã được bày ra trên bàn và hỏi chúng tôi về mỗi món ăn ấy. Nhiều khi phải cố nhăn mặt nhăn mũi cố nuốt những món thịt hầm mà nhiều phần bị nhiễm độc. Phải nhìn nhận là người miền Đàng Trong là những tên đầu bếp dở. Đôi khi chúng tôi phải nhổ những gì đã ăn vào và vua cho là không vệ sinh vừa ăn vừa nhổ như thế. Nói chung thì bữa ăn vui vẻ và vua thì luôn cười nói.” (Trang 8)

Chúng ta đã quen với lối viết sử của các triều vua thời trước chỉ viết về triều đại các vua chúa. Đó là lối viết một chiều và thường thiếu khách quan và sự trung thực. Sự hiểu biết về sử của chúng ta thực sự là nghèo nàn và giới hạn, thiếu nhiều chi tiết và sự kiện cụ thể. Nhưng từ thế kỷ 17 khi có mặt của người Tây Phương đến Việt Nam thì có một khuynh hướng viết thứ hai do người Tây Phương viết, đặc biệt là do các giáo sĩ đi truyền giáo và các nhà buôn hoặc các nhà thám hiểm.

Poivre là một trong số những người ấy. Mặc dầu cuốn hồi ký của ông viết cách đây cả ba thế kỷ mà nhiều sự việc được nêu ra đọc thấy sống động, linh hoạt mà ngày nay ta vẫn có thể mường tượng được lối suy nghĩ, lối sống của vua Nguyễn. Nhiều khi ông đã không ngần ngại phơi bày trắng trợn nhiều tính nết xấu của các quan và của Võ Vương.

Cái cảm tưởng còn đọng lại nơi người viết là thấy tính cách vô tích sự, vô trách nhiệm của một thể chế vua chúa, quan lại. Họ chỉ lo tích thu hưởng thụ trên cái lưng khốn khổ của người dân thường trước nạn đói, nạn lụt lội, mất mùa. Họ tỏ ra bất cần.

Mình nhà vua đã có đến 300 cung phi, cung nữ để hầu hạ cung phụng. Vua đam mê tửu sắc nên phần đông các thế hệ hoàng tử, công chúa được sinh ra thường yểu mệnh. 30-40 người hầu chỉ lo truyện ăn uống, tắm rửa, đấm bóp, lo áo quần và vệ sinh cho mình nhà Chúa.

Nhà vua chỉ có mỗi công việc ăn và ngủ.

Mọi công việc triều chính giao vào tay hai ba vị quan và những người này mặc tình thao thúng vơ vét thêm một lần nữa.

Xin được trích nguyên văn đoạn này như sau:

“Ce prince est vain, ignorant, paresseux, avare, superstitieux et fort adonné aux femmes. Il a un séral de trois cents concubines d’où il ne sort jamais. Les affaires du royaume ne l’occupent point; il les abandonne à trois ou quatre mandarins qui abusent de l’autorité qui’il leur donne pour tyraniser le peuple.”

(Vị hoàng tử này là thứ vô tích sự, dốt nát, lười biếng, hà tiện, mê tín và mải mê phụ nữ. Ông có cả thẩy 300 nàng hầu nên không bao giờ ông ra ngoài. Công việc triều chính không làm ông bận tâm; ông phó mặc cho ba hoặc bốn vị quan, những vị này lợi dụng quyền thế có được trong tay hà hiếp dân chúng). (Trang 81).

Thú chơi như săn hổ, săn voi của ông thì có hàng trăm người phục dịch. Khi biết có con hổ thì một đám người lo giăng lưới. Đám người khác lo đánh trống, gõ mõ, nổi lửa để con mồi hoảng sợ chạy về phía có chăng lưới, ở đây đã sẵn có đám người túc trực chăng lưới bắt hổ. (Trang 25).

Săn voi đực thì cho vài con voi cái đã được thuần, bắt chúng chạy vào rừng tìm voi đực. Voi đực tìm đến thì voi cái chạy hướng dẫn nó vào một nơi có một vài voi đực được thuần hóa quây chung quanh. Rồi những người thợ săn tìm cách trói voi lại. Con voi đực bị trói sau đó bị bỏ nhịn đói cho đến khi voi yếu mệt. Sau đó họ cho nó tiếp tục ăn trở lại và cho bốn voi đực đã thuần kềm con voi đực đến tận bờ sông và ở nơi này voi được huấn luyện để thuần hóa.

Hổ Quyền là một di tích hết sức đặc biệt trong quần thể di tích cố đô Huế, tọa lạc tại địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, thành phố Huế. Nguồn:  http://www.huefestival.com/

Hổ Quyền là một di tích hết sức đặc biệt trong quần thể di tích cố đô Huế, tọa lạc tại địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, thành phố Huế. Nguồn: http://www.huefestival.com/

Có lần nhà vua còn tổ chức một buổi chiến đấu giữa hổ và đàn voi. Người ta chở những con hổ bị nhốt ở trong cũi đến một nơi gần con sông lớn của Huế. Phía đối diện, người ta cho 40 con voi đứng xếp hàng như thể đang chiến đấu. Nhà chúa cho lệnh chiến đấu bàng cách gõ nhiều lần vào một thanh tre. Nghe hiệu lệnh, một binh lính mở củi cho một con hổ ra khỏi chuồng. Con vật khốn nạn này trước đó đã bị rút hết móng và bị buộc mõm, yếu ớt nửa sống nửa chết, chân bị cột vào một cái cột. Rồi một con voi được ra hiệu lệnh tiến đến gần con hổ, nhấc bổng con hổ lên không đụng đậy, quất lên cao và cứ thế trò chơi, dơ lên quật xuống cho đến khi con hổ hoàn toàn chết. Sau đó lính đến dùng rơm đốt những cái râu con hổ vì sợ dân chúng đến bứt những sợi râu này để tẩm thuốc độc.

Trò chơi nhàm chán cứ thế tiếp tục cho đến con hổ thứ 18. Sở dĩ có trò chơi không công bằng này, vì nhà vua sợ những con voi bị giết, vì giá trị một con voi rất đắt tiền hơn một con hổ. Vả lại, voi vốn là con vật được như sức mạnh chính của triều đình. (Trang 57)

Poivre cho rằng đó là sự đánh giá sai lầm. Những con voi này chẳng có chút giá trị gì cả trước tiếng súng nổ của pháo đội Pháp. Chúng có hại hơn là có lợi. Nó cũng chẳng khác gi dàn súng đại bác được trưng bày trước dinh của chúa. Mà cũng không một ai có khả năng điều khiển khi cần. Cũng chẳng trông thấy bất cứ một viên đạn nào ở đó mỗi khi cần xử dụng. Chỉ khi nào nhà vua cần bắn biểu diễn hay thị uy thì mới ra lệnh chuẩn bị thuốc súng mà thôi.

Ngoài những người phục vụ như thế, còn có khoảng 10 ngàn quân lính đủ loại canh gác khắp nơi. Cộng chung có khoảng 40.000 người sống bám vào ngai vàng của vị chúa.

Sự tham lam của cải vật chất thì vô độ. Có lần có một vị quan lớn trong triều qua đời. Ông quan này thuộc loại giàu có để lại vô số của và gia tài, đất đai, vàng bạc. Nhà vua tự nhận là họ hàng và quyền thừa kế, không một ai dám cãi lại, mặc dầu mọi người đều biết vị quan này có nhiều bà con rất gần gũi mới là những kẻ thừa kế chính thức. Ông vua đã lấy hết số tiền là 200.000 quan, 6000 bánh vàng (pain d’or) của người quá cố để lại.(Trang 24).

Ngoài ra, nhà vua còn có tính tò mò quá thô kệch và quê mùa như khi nhà vua hỏi Poivre các cung điện ở đây có to lớn và đẹp hơn ở cung điện của vua bên Tây không? Dĩ nhiên,, Poivre nói khéo là các cung điện ở đây cũng đẹp, nhưng không thể so sánh với cung điện bên Tây vì hai lối kiến trúc khác nhau. Poivre thừa hiểu các cung điện bên Tây đều rộng bát ngát, xây cất kiên cố bằng đá, trần thiết quá công phu sang trọng làm sao cung điện nhà vua có thể so bì được. Ngoài ra nhà vua cũng như hàng quan lại đều có tính tham lam vô độ, việc tráo trở mua bán không sòng phẳng. Ngoài ra việc ăn ở thường thiếu vệ sinh và dơ bẩn từ quần áo đến nhà cửa cũng như sự ngu dốt về nhiều mặt cũng như việc mê tín. (Trang 7)

Theo Poivre, nhà vua cho xây dựng nhiều đền thờ, cạnh các bờ sông chỉ để thờ đủ các loại thần. Các chùa này do tiền của nhà vua bỏ ra xây cất đôi khi nhằm để vinh danh tổ tiên nhà vua. Bởi vì, các vì vua chúa xứ này sau khi qua đời trở thành thần thánh. Chùa được xây cất ở một nơi đẹp đẽ nhất, có tường xây bao bọc, có vườn rộng rãi. Muốn vào chùa có hai cửa nhỏ, còn cửa lớn dành cho nhà vua. Có đến bảy chùa được xây cất theo hàng như thế. Trong chùa có nhiều tượng những con sư tử cũng như rồng và tượng thần. Dưới mắt Poivre, các tượng này thường xấu xí, hình thù dị hợm, ở giữa có đốt một lò hương khói, cháy suốt ngày đêm cũng như những đèn và những ngọn nến mà mùi hương tỏa ra khắp nơi. Có khoảng 60 nhà sư sống nhờ bổng lộc của nhà vua cung cấp phần gạo, còn rau hoa quả thì có sẵn trong vườn. Công việc của họ là hát kinh kệ suốt đêm với sự hỗ trợ của tiếng trống và chuông. (Trang 17)

Poivre cũng dành nhiều thời gian để đi thăm các quan trong triều, nhất là hàng quan lại có họ hàng với nhà vua. Theo Poivre nhà cửa của các vị quan này thì thường quá nghèo nàn và tầm thường xem ra không xứng đáng với chức vụ của họ. Ông viết:

“Je remarque chez ce mandarin une vanité grossière, beaucoup d’indolence, un grand soin de s’ajuster, mais peu de dignité et de noblesse.” (Trang 9).

(Tôi nhận xét thấy nơi vị quan này một sự khoa trương kệch cỡm, biếng nhác, cố gắng thích nghi nhưng vẫn thiếu sự trang trọng và thanh cao)

Theo tục lệ nhà vua không nuôi dạy một đứa con nào của mình, trừ một đứa con sẽ kế thừa ngôi vua. Những đứa khác đẻ ra là được giao ngay cho các quan cận thần, giàu có. Họ có bổn phận nuôi dạy con của vua và được coi như bố nuôi của đứa trẻ. Vì thế, coi như nhà vua tránh được trách nhiệm nuôi dậy vô số con của các cung phi. Khi đứa trẻ được giao cho vị quan chăm sóc thì vua không còn quan tâm đến đứa trẻ đó nữa. Chính vị quan này phải lo chăm sóc và nuôi dạy đứa trẻ. Khi đã lớn thì đôi lần cho đứa trẻ vào cung để gặp mẹ nó. (Trang 12).

Poivre cũng dành một số cơ hội nói về dân tình. Theo ông, nhiều người dân quá khốn khổ đã bỏ xứ mà đi, nhiều người trốn sang xứ Cam Bốt hay Xiêm la. Có người đi đến tận đảo Pulo-condor. Tuy nhiên, đàn ông lại có quyền lấy nhiều vợ nếu có đủ tiền cấp dưỡng. Đa thê được cho phép. Nếu cần phải ly dị, người đàn ông chỉ cần mời viên quan và họ hàng đến chứng kiên đến dự một bữa tiệc, rồi tuyên bố bỏ vợ là xong. Con thì chia, nếu một con thì người chồng được giữ đứa con, hai con thì chia đôi, nếu ba con thì người chồng giữ hai đứa. Nếu người đàn bà ngoại tình thì bị kết án tử hình. Họ bỏ người đàn bà vào một cái rọ với một con heo và cho trôi sông. Người ta cũng dùng những con voi để trừng phạt người đàn bà phạm tội bằng cách cho voi giầy. (Trang 85)

Thành phố Huế là thủ đô của nhà vua, nằm trên một cánh đồng rộng và đẹp được vây quanh bằng những rặng núi và một con sông cắt ngang thành phố. Đường phố thì hẹp và lầy lội khi vào mùa mưa. Khu phố người Tầu tương đối rộng và sạch sẽ hơn. Dân số trong thành phố tương đối đông đảo, khoảng 60 ngàn người.

Mùa mưa ở xứ Huế kéo dài ngày nọ sang ngày kia, kéo dài vài tháng, gây lụt lội khắp nơi. Mọi sinh hoạt đều đình trệ. Mái nhà ẩm mốc mọc rêu xanh.

Chính John Crawfurd cũng ngao ngán chứng kiến cảnh những trận mưa liên tục và kéo dài trong suốt ba ngày. Bờ sông ngập nước. Nhà cửa chìm trong biển nước. (Crawfurd, ibid, trang 420-421).

Việc ngập lụt như thế kéo dài hàng bao thế kỷ và cho đến nay cảnh đó cũng vẫn diễn ra hàng năm.

Người dân họ có những hủ tục man rợ. Chẳng hạn, con gái làm điếm công khai và những người có tiền cũng như quan lại thường lấy những người này về làm vợ. Hoặc dùng những người đàn bà này làm quà tặng như thể người ta mời uống một tách trà hay ăn một miếng trầu. Trong khi người đàn bà có chồng mà ngoại tình có thể bị tử hình. Trong khi những cô gái điếm có thể công khai ngủ với bất cứ ai. Tuy nhiên, người thụ hưởng có nhiều phần liều lĩnh vì có thể mắc bệnh.

Luật phát cũng lỏng lẻo trong việc ăn trộm, ăn cắp. Việc cho vay lãi nặng nề bằng 100% vốn vay. Chưa kể hàng ngàn hủ tục độc hại khác nữa và được tuân thủ do thành kiến và sự ngu dốt. (Trang 88).

Cổ tục còn cho phép cha mẹ có quyền tuyệt đối trên những đứa con của mình. Con cái chỉ được phép ăn chung với cha mẹ khi đã trưởng thành. Sự tùng phục đi đến chỗ tuân thủ như một sự tôn thờ. Những lời nói cuối cùng của người cha trở thành lời trối trăng linh thiêng. Anh em thường không yêu thương nhau mà kèn cựa nhau, nghi ngờ nhau. Họ chỉ trọng cái bề ngoài. Bề ngoài tỏ ra lễ phép lịch sự với người ngoại quốc, nhưng trong bụng lại khinh bỉ. Họ gian đối chỉ cốt thu lợi những gì họ không lấy cắp được.

Dù cho giàu có, họ ăn uống hà tiện chỉ có cơm và cá mặn. Họ chỉ ăn thịt khi có dịp lễ lạc hoặc chỉ ăn thịt khi con vật già ốm yếu, hoặc chết. Thay vào đó, họ thích ăn thịt chó. Họ ăn uống dơ bẩn và thường ăn những món ăn mùi vị ghê tởm.

(Còn tiếp)


Nguyễn Văn Lục

Nguồn: DCVOnline
09 Tháng Ba 2024(Xem: 565)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 570)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 657)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 448)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 605)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 575)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 710)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 757)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 966)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1074)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1000)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 856)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 990)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 812)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1693)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 768)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 712)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1711)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 968)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri