Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - Tham vọng viết lại lịch sử Việt Nam: Trường hợp Thụy Khuê (7a - phần 2)

16 Tháng Sáu 201612:33 CH(Xem: 16846)
GS. Nguyễn Văn Lục - Tham vọng viết lại lịch sử Việt Nam: Trường hợp Thụy Khuê (7a - phần 2)

Tham vọng viết lại lịch sử Việt Nam:
Trường hợp Thụy Khuê (7a - phần 2)


Sử gia Trần Trọng Kim bị kết án là có sử quan thuộc địa?

Đối với Trần trọng Kim, bà viết chi tiết hơn như sau:

“Trần Trọng Kim tuy có đọc những bộ sử của nhà Nguyễn, nhưng ông vẫn đặt niềm tin trọn vẹn vào tài liệu Pháp. Khi nhận định về những lý do của cuộc xâm lăng, Trần Trọng Kim lấy lại ý kiến các sử gia thuộc địa, cho rằng triều đình Huế không chịu canh tân đất nước, áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng, cấm đạo, diệt đạo nên người Pháp mới đánh Việt Nam, để cứu giáo dân, giáo sĩ và bảo vệ tự do buôn bán.”(3)

Trừ các sử gia miền Bắc thường có thói quen bôi nhọ Trần Trọng Kim, có thể đây cũng là lần đầu tiên ở miền Nam sử gia Trần Trọng Kim được xếp là một sử gia có sử quan thuộc địa.

Có ba điều cần thưa với bà Thụy Khuê.

1. Điều thứ nhất, xếp như thế, một cách gián tiếp coi Trần Trọng Kim như loại tay sai của Pháp. Điều này đụng chạm đến nhân cách và hành trạng trí thức của cụ Trần Trọng Kim. Cụ mặc dầu là người được đào tạo Tây học, nhưng khí tiết nhà nho trọng lễ nghĩa cũng thật rõ ràng. Tôi đã có lần viết một bài nhan đề Trần Trọng Kim, công hay tội với lịch sử? Chỉ cần đọc Một cơn gió bụi của cụ Trần cho thấy nỗi lòng của cụ đối với quốc gia, đất nước. Công thì rất nhiều, tội chỉ vì là một trí thức bất đắc dĩ bị lôi cuốn vào cơn gió bụi chính trị của thời cuộc!

Nếu không giải quyết được công hay tội của một người như Trần Trọng Kim, nếu coi Trần Trọng Kim như một loại người viết với sử quan thuộc địa, xin hỏi bà Thụy Khuê có thể nào nêu tên một vài người viết sử chân chính? Phải chăng đó là Cao Huy Thuần?

Bà nên có quan điểm rành mạch về điều này! Ai là sử gia thuộc địa? Và những ai là sử gia chân chính? Bà có thể nào nêu tên một vài người, theo bà, là sử gia chân chính?

Chúng ta cũng cần minh định một lần nữa một cách dứt khoát, việc giết hại tín đồ Gia tô giáo là một tội phạm mà không thể nhân danh bất cứ cái gì để bào chữa được. Thói thường của một số người viết sử coi người Thiên Chúa giáo theo Tây như một thứ phản quốc nên hình phạt dành cho họ là điều đương nhiên không cần bàn cãi nữa.

Đó là một sai lầm lịch sử kéo dài được rất nhiều người lập đi lập lại rồi.

Thật vậy trường hợp Trần Trọng Kim giống như rất nhiều người trí thức Việt Nam, trong một hoàn cảnh bĩ cực đến tuyệt vọng bị đẩy vào sân khấu chính trị mà bản thân họ không có một chuẩn bị nào cho công việc ấy. Đó là trường hợp của Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương và khi ấy họ sẵn sàng dùng cái chết như một võ khí tự vệ để bảo toàn nhân cách của họ!

Những cái chết ấy tự nó là một giá trị miên viễn, nhưng về thực tế thì nó giải quyết được gì? Và mặt khác nó cho thấy chỉ lòng yêu nước thôi chưa đủ, cần có kỹ thuật và võ khí tương xứng.

Vấn đề quan trọng hơn cả là nhận thức được tại sao ta yếu kém, tại sao ta không chống nổi lại người Pháp?

Thành Hà Nội nhìn cái bề ngoài bề thế như thế, tường thành cao cả 30 chục thước. Vậy mà vết tích duy nhất còn ghi dấu để lại là một lỗ đạn đại bác sâu chừng 40 cm! Thành Hà Nội đã thất thủ vào sáng ngày 25 tháng tư năm 1882, vào lúc 11 giờ 15 phút sau hơn ba giờ bị Rivière tấn công.

Vết đại bác trên cổng Bắc thành Hà Nội do pháo thuyền của Pháp bắn vào. Nguyên văn biển đá bằng tiếng Pháp: 25 avril 1882: Bombarde de la citadelle par les canonnières "Surprise" et "Fanfare"; nghĩa là Ngày 25/04/1882: Vết bắn phá thành của các pháo thuyền "Surprise" và "Fanfare".

Vết đại bác trên cổng Bắc cổ thành Hà Nội do pháo thuyền của Pháp bắn vào. Nguyên văn biển đá bằng tiếng Pháp: 25 avril 1882: Bombarde de la citadelle par les canonnières “Surprise” et “Fanfare”; nghĩa là Ngày 25/04/1882: Vết bắn phá thành của các pháo thuyền “Surprise” và “Fanfare”. Nguồn: Wikipedia.

 

Không thể đổ trách nhiệm đó cho ai được để chạy tội!

Trần Trọng Kim chỉ hơn và khác các vị trên vì ông được đào luyện theo Tây học, cái nhìn của ông về lịch sử rõ ràng và phân biệt đâu là phải trái. Hiểu biết được sức mạnh của địch và sự yếu kém của ta.

Nói ra cái lẽ phải trái ấy mà ông bị coi là người theo Tây?

2. Điều thứ hai, sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, đã là sách giáo khoa của nhiều thế hệ học sinh , mặc dầu đã trải qua hơn một thế kỷ thử thách của thời gian, vậy mà vẫn còn được nhiều tác giả trân trọng đọc, sử dụng và quy chiếu vì hai lý do sau đây:

Nguồn: Tân Việt.

Nguồn: Tân Việt.

  • Sách sử ấy về mặt tài liệu tuy còn thiếu sót nhiều vì điều kiện chưa cho phép tiếp cận nhiều tài liệu còn được lưu trữ. Nhưng bù lại, cuốn sách cố bảo đảm tính chân thực của tài liệu trong sự cẩn trọng và chừng mực nhờ đó vẫn giữ được sự tin cẩn của người đọc.
  • Điều thứ hai quan trọng không kém, sử gia Trần Trọng Kim có một quan điểm sử học tương đối khách quan và vô tư. Vì thế, vốn có khi tiết của một nhà nho, nhưng lại được đào tạo có bài bản, nhưng trong hơn 100 trang chót của cuốn sách, ông vẫn thẳng tay phê bình khá nặng nề bằng lý luận sắc bén vua quan nhà Nguyễn là sai lầm trong việc giết hại Gia Tô giáo cũng như chính sách ngoại giao cứng rắn với phương Tây.

Đáng lẽ đến giờ phút này của lịch sử thì mọi người phải hiểu chuyện và đừng đổ tội quanh để bào chữa cho triều đình nhà Nguyễn.

Vậy mà vẫn có một số người tự nhận có ăn học – ăn học đến nơi đến chốn – vẫn chưa nhận ra được sự thật!

Giết hại người theo Gia Tô giáo tự nó không giải quyết được gì mà chỉ làm cho tình trạng thêm trầm trọng và là cái cớ chính đáng cho người Pháp vào Việt Nam.

Phải chăng vì thế mà bà Thụy Khuê thẳng thừng xếp Trần Trọng Kim vào loại tác giả viết theo quan điểm thực dân của giáo sĩ và quân đội viễn chinh?

3/ Điểm thứ ba, để biện minh cho quan điểm của mình, bà đề cao các sách sử nhà Nguyễn như

“Đại Nam Thực Lục, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, v.v. Nhờ thế mà ta biết được những gì đã xảy ra trong nội bộ triều Nguyễn, những bàn luận giữa vua và các đại thần về chính sách đối phó với ngoại xâm… Cũng nhờ đó mà ta có thể gột rửa nhãn hiệu ‘bạo chúa’, ‘ Néron Annam’ mà các thừa sai đã gán cho vua Minh Mạng từ hơn 100 năm nay.”(4).

Xin thưa với bà Thụy Khuê là tôi đồng ý một phần nhỏ với bà là các sách sử triều Nguyễn đều do các vị đại thần uy tín đứng chủ trì – như Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, v.v. Thời gian kéo dài trong nhiều năm nhất là phần Chính Biên. Nhưng các vị đại thần ấy viết một câu một chữ cũng phải đắn đo, suy nghĩ vì nếu không cẩn trọng thì cái đầu trên cổ cũng không còn. Có sử quan nào không viết tốt cho triều đại họ đang phục vụ và ban phát bổng lộc, áo mũ, cân đai cho họ?

Trong hoàn cảnh viết như thế thì sự trung thực được bao nhiêu phần? Đó là thứ sử của triều Nguyễn không phải sử Việt viết về người Việt. Chỉ là những câu chuyện của vua quan mà không có câu chuyện của người dân Việt.

Vậy, thưa bà Thụy Khuê, bà tìm được sự thật gì trong hàng ngàn trang sách sử ấy?

Tôi xin phép dở tập II, Đại Nam Liệt Truyện viết về Bá Đa Lộc để thấy các nhà chép sử một cách có hệ thống đã tìm cách đánh tụt giá vai trò của ông trong sự xây dựng kinh đô nhà Nguyễn như thế nào.

Tại sao các sử gia triều Nguyễn đã cố tình coi nhẹ công lao của Bá Đa Lộc? Chẳng lẽ bà Thụy Khuê ngây thơ đến không biết rằng càng tránh né không nhắc đến công lao của Bá Đa Lộc, việc thống nhất đất nước càng thêm có chính nghĩa, càng thêm sáng tỏ.

Việc bà Thụy Khuê tìm đủ mọi chứng liệu làm thế nào chứng tỏ được tài năng của Nguyễn Ánh Gia Long, bất chấp thực tế lịch sử buộc tôi một lần nữa xếp bà vào trường hợp những tác giả theo Sô Vanh chủ nghĩa.

“Năm Canh Tý (1780), Thế Tổ Cao Hoàng Đế lên ngôi vương ở Gia Định, Đa Lộc đến yết kiến xin cố sức giúp việc, vua nhận lời. Ở Tây 4 năm, người Tây Dương không chịu giúp. Năm Kỷ Dậu lấy lại Gia Định, bèn đưa Hoàng Tử Cảnh về. Khi đã trở về, vua cho là có công trèo non vượt biển riêng ưu đãi thêm làm Đạt mệnh điều chế tần thủy bộ viện binh, giam mục Thượng sư.”(5)

Chỉ một đoạn văn trích ngắn trên đây cho thấy sử quan triều Nguyễn đã cố tình lái câu chuyện và xóa trắng công lao của Bá Đa Lộc bên cạnh Nguyễn Ánh như thế nào?

Có chỗ nào cho thấy, Bá Đa Lộc “xin yết kiến, xin cố sức giúp việc”?

Trong bài “Bác cái thuyết “Nước Pháp giúp nước Nam về hồi cuối thế kỷ XVIII”” của Phan Khôi đăng báo năm 1928, tác giả viết,

“Việc nầy quan hệ với nước Nam nhiều hơn, cho nên phải lấy sử sách của người Nam chép ra làm chủ yếu.

Sách Đại Nam chánh biên liệt truyện về truyện Bá Đa Lộc chép rằng:

“Năm Giáp Thìn (1784), mùa thu, vua (Gia Long) lấy quân Xiêm về đánh Gia Định, bị thua. Vua lại trở qua nước Xiêm, sai người sang Chơn Bôn vời Bá Đa Lộc về phò Hoàng tử Cảnh qua Tây cầu viện. Ở Tây bốn năm, người Tây không có thể giúp được; năm Kỷ Dậu (1789) khi vua đã lấy lại Gia Định rồi, Bá Đa Lộc bèn đem Hoàng tử Cảnh trở về.”

(Xem Đại Nam chánh biên liệt truyện cuốn 28, tờ 8).

Sách Quốc triều chánh biên toát yếu, về năm Quý Mão (1783) vào năm vua Cao hoàng tức vị tại Gia Định được bốn năm, chép rằng:

“Vua nghe Bá Đa Lộc ở Chơn Bôn (đất Xiêm), sai người đi mời về. Bá Đa Lộc là người nước Pháp, thường đi truyền đạo trong các xứ Chơn Lạp và Gia Định, đã từng đến yết kiến vua, vua lấy khách lễ mà đãi. Lúc đó mời đến, vua bảo rằng: Vận nước ta đương hồi khốn khó, giặc giã chưa yên, thầy cũng vẫn biết ; bây giờ thầy có thể vì ta đi sứ bên nước Tây, nói với họ đem binh qua giúp ta không? Bá Đa Lộc bằng lòng xin đi, và hỏi lấy gì làm con tin. Vua đáp rằng: Con trai ta là Cảnh, lên bốn tuổi, nay ta đem nó mà phó cho thầy, thầy hãy giữ gìn lấy nó, đường sá xa xuôi, nếu gặp sự ruổi ro gì thì bảo hộ nó một chút. Bá Đa Lộc vâng lời.

Vua cùng bà phi gạt lệ mà đưa đi. Vua có sai phó vệ uý là Phạm Văn Nhân và Cai cơ là Nguyễn Văn Liêm đi với.””

(Nguồn:  Phan Khôi, “Bác cái thuyết “Nước Pháp giúp nước Nam về hồi cuối thế kỷ XVIII””, Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.720 (15.5.1928) ; s.721 (19.5.1928), viet-studies.info đăng lại.)

Cùng quan điểm “bác cái thuyết ‘Nước Pháp giúp nước Nam’” nhưng Phan Khôi trích dẫn “khác” với Thuỵ Khuê.

Trong bao nhiêu năm trời đi theo Gia Long, lúc vào sinh ra tử, sách vở Tây Phương như Alex Faure đã dành hẳn một cuốn sách nhan đề: “Mgr Pigneau de Béhaine, Évéque D’Adran”, Paris, 1801. Bà Thụy Khuê cũng hằn học với cuốn sách này.

Trong cuốn Vua Gia Long, J.B. Dronet, xuất bản tại Hồng Kông, năm 1913, người viết đưa ra hai bản – một của Đại Nam Liệt Truyện để so sánh tìm hiểu xem cái nào là thật, cái nào là che dấu? Đây là lối trình bày rất chân thật, nhưng vụng về của lối văn thời bấy giờ:

“Đời ấy đã lâu năm, chúa trị đàng trong, chúa trị đàng ngoài hay đánh nhau, rồi kế đến giặc Tây Sơn nổi lên, nó đã hạ được nhiều tỉnh đàng trong; đến sau ông Thái Đức (Nguyễn Nhạc) lại hạ được tỉnh Phũ Xuân (Thành Huế), là kinh đô chúa Nguyễn, giết chúa Nguyễn cùng các con cái người nữa, chỉ còn độc một ông Nguyễn Ánh thoát khỏi được mà thôi; ông này không chết, song túng cực mọi đàng, của gì cũng không còn nữa, không có ai giúp đỡ, không biết tin cậy vào đâu…”

Sau này, tác giả Ngô Bắc có đưa lên mạng một bản tương tự mà theo tác giả Ngô Bắc tìm thấy được ở thư viện đại học Nornthern Illinois University.

“Vậy đang khi ông Nguyễn Ánh còn ở trong thuyền mà trốn ẩn trong bụi lau khóm lác, tình cờ gặp một thầy cuả bản cuốc, tên là Phê rô, cũng chạy giặc ra trốn ở đấy. Khi ông Nguyễn Ánh biết tỏ người ấy là thầy giảng đạo, thì mới tỏ mình ra cùng xin người cứu giúp mình: tức thì thầy cả ấy đem ông Nguyễn Ánh vào nhà Đức thầy Phê rô ở tỉnh Hà Tiên. Chẳng may khi ấy Đức thầy Phê Rô sang Cao Miên, bấy giờ thầy cả gởi tờ cho Đức Thầy Phê Rô được hay, và nhứt diện tìm nơi kín đáo trong rừng cho ông Nguyễn Ánh ẩn trú cùng tư cấp lương thực cho người đủ dùng trong hai ba tháng giời.”(6)

Bà Thụy Khuê có thể vô tình không đọc đoạn văn này chăng?

Để gián tiếp trả lời bà Thụy Khuê, tác giả Nguyễn Duy Chính, một tác giả chuyên khảo về đời Tây Sơn, đã cho đăng một bài biên khảo của ông nhan đề “Sự đóng góp của Giám Mục Pigneau de Béhaine vào công cuộc cải cách ở Gia Định.”.

Tiếp đến Phan Khoang, Nguyễn Thế Anh, Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Khắc Ngữ và nhất là Tạ Chí Đại Trường. Tất cả không trừ đều rập theo “sử quan thuộc địa” để xác định công lao của Bá Đa Lộc và những ‘sĩ quan’ Pháp trong việc giúp Gia Long dựng lại cơ đồ.

Có thể trích dẫn quan điểm của bà Thuỵ Khuê về tình hình sử học của ta trong nhận xét sau đây của bà:

“Về phần người Việt, sau hơn thế kỷ bị Pháp đô hộ, đã mất gần hết bản tính tự cường về tư tưởng, trở thành ỉ lại, cái gì người ngoài, người Âu, nhất là người Pháp làm, đều hơn ta cả. Đó là lý do giải thích, đã không có lấy một bài viết nào đả phá những sự sự bịa đặt thô thiển của những ngòi bút thực nào khả dĩ có thể thay thế được cuốn sử của Trần Trọng Kim.

Và đó cũng là cái nhục tinh thần của một đất nước;”(7)

Sự bênh vực gián tiếp cho Minh Mạng nhằm rửa sạch vết nhơ bạo chúa đặt bà vào một hoàn cảnh khó xử. Một cách nào đó, bà gián tiếp tán thành chính sách cấm đạo của vua quan triều Nguyễn mà tất cả các sử gia nêu trên đều đồng loạt lên án.

Bà từng cho rằng đã trên 50 năm sống ở nước Pháp, hiểu được nước Pháp, mà một nguyên tắc căn bản là quyền tự do tín ngưỡng đã bị vua quan nhà Nguyễn chà đạp, biến thành luật pháp quốc gia để từ đó giết hại hàng trăm ngàn người dân vô tội bằng những hình phạt dã man nhất dành cho con người như cho voi giầy, xé xác!

Đó là một thứ tội ác mà không có một thứ lời bào chữa nào có thể chấp nhận được.

Quan điểm nhìn lịch sử của bà về việc bênh vực vua quan triều Nguyễn là một quan điểm nhìn lạc hậu, cực đoan, phản lại mọi lý tưởng về quyền tự do con người ở thế kỷ 21.

Bà thử nghĩ xem, các nhà truyền giáo đã thất bại tại xứ Xiêm La vì những người phật tử ở nơi đấy trung thành với nhà vua của họ đồng thời cảm thấy Phật giáo là đủ cho họ và không cần một tín ngưỡng ngoại lai nào khác!

Tại sao ở Việt Nam thì có hiện tượng trái ngược?

Bà thử làm một so sánh giữa các vua Xiêm La và Vua Việt Nam xem thử như thế nào?

Chỉ về đường thê thiếp, các vua kể từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị tổng cộng có hơn 200 thê thiếp và hơn 200 dòng con. Riêng Minh Mạng là người chiếm kỷ lục và nổi danh về đường tình dục hủ hóa. Trong một dịp hạn hán nghĩ là điềm không lành, ông đã cho về quê 100 cung phi. Cứ giả dụ ông có 300 cung phi, sáng một đứa con gái, tuổi đáng con, chiều một đứa, tuổi đáng cháu thì sức đâu để điều hành đất nước?

Xét về mặt y khoa, dâm dục quá độ như thế thì khả năng truyền giống sẽ đưa tới hậu quả nghiêm trọng như thế nào? Tuổi thọ trung bình của các công chúa là không quá 21 tuổi. Trong hơn 200 công chúa và hoàng tử trên đều giao cho các hoàng tôn trông coi, nuôi nấng và trong suốt gần trăm năm nhà Nguyễn không có lấy nổi một vài người có đủ năng lực, tài đức kế vị ngôi báu.

Trong một bài viết khác của tôi nhan đề Tấm vải bọc điều, tôi nhận thấy Gia Long có 13 hoàng tử, 18 hoàng nữ, cộng chung 31 người. Minh Mạng nhiều hơn, có 74 hoàng tử, 64 hoàng nữ, cộng chung 142 người. Thiệu Trị có 29 hoàng tử, 53 hoàng nữ, cộng chung 64 người. Cả ba nhà vua, số con cộng lại là 233, cộng với ba người con nuôi của Tự Đức là 236.

Trong số 236 người này đều được ăn học đến nơi đến chốn, liệu có được vài ba người có khả năng làm vua có tài có đức?

Không có. Vì thế mới có cảnh xoán ngôi đoạt vị xẩy ra.

Người cuối cùng là Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, được ăn học đàng hoàng, cũng là hình ảnh mục nát của cả một dòng họ.(8)

Sử gia Tạ Chí Đại Trường

Trong số các sử gia nêu trên, bà Thụy Khuê dành sự phê phán nặng nề nhất đối với Tạ Chí Đại Trường.

Bà viết,

“Thực kinh hoàng, khi thấy một người viết sử Việt Nam, không những đã phụ họa sự sai lầm của Lavoué, thêm thắt vào để xuyên tạc lịch sử đến như vậy. (9) (Trích dẫn Tạ Chí Đại Trường trong Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, trang 298-290).

Nguồn: Nhã Nam

Nguồn: Nhã Nam

Chỗ khác, bà viết,

“Nhưng đáng buồn hơn cả là sự vinh thăng Bá Đa Lộc làm chủ soái của Tạ Chi Đại Trường, ông viết,

‘Vào gần nửa đêm một ngày nào đó, ông (Nguyễn Ánh) đi tìm Bá Đa Lộc để hỏi ý kiến. Ông này phân vân giữa Đỗ Thành Nhân và Nguyễn Ánh, cả hai người ông đều có ý giữ liên lạc, để lợi dụng truyền đạo, nên trả lời thoái thác một cách khôn ngoan. Ánh khóc về, vẫn không bỏ ý định giành lại quyền bính.’ (Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến, trang 99).

Ở một đoạn khác Tạ Chí Đại Trường viết, ‘Từ đầu tháng 3-1783, Bá Đa Lộc dã phải hội bàn với Nguyễn Ánh về việc tránh Tây Sơn.’

Bà kết luận,

“Không cần dẫn thêm, chúng ta đã thấy tinh thần Ste-Croix trải dài trong cuốn Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường, thông qua Faure, Maybon, Taboulet…”(10)

(Còn tiếp phần 7b, 7c)

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline minh hoạ.

(1) Thụy Khuê, “Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long”, chương 2, Bộ sử Nguyễn Văn Tường.
(2) Thuỵ Khuê, Ibid., Chương 1.
(3) Thuỵ Khuê, Ibid., Chương 1.
(4) Thuỵ Khuê, Ibid., Chương 1.
(5) Đại Nam Liệt truyện, tập 2, Quốc sử quán triều Nguyễn, trang 505-506.
(6) Bản của Ngô Bắc, trích trang đầu.
(7) Thuỵ Khuê, Ibid., Chương 9.
(8) Về các công chua nhà Nguyễn, xem Đại Nam liệt truyện, Nhị quyển, trang 171 trở đi.
(9) Thụy Khê, Ibid, chương 10, Bài Introduction của Ste-Croix.
(10) Thuỵ Khuê, Ibid., Chương 10.

Nguyễn Văn Lục

Nguồn: DCVOnline

09 Tháng Ba 2024(Xem: 573)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 575)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 667)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 457)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 610)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 583)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 775)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 766)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 997)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1083)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1005)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 862)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 996)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 816)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1709)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 778)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 719)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1719)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 975)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri