Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hoàng Duy Liệu - BÍCH CHÂU

19 Tháng Hai 20165:32 CH(Xem: 15794)
Hoàng Duy Liệu - BÍCH CHÂU
biichchâu

 

 

Buổi chiều tan trường thả bộ về gần tới nhà ngang qua cái cống phủ đầy rau muống xanh um Hoàng nổi hứng giơ cao cặp lên quay đủ một vòng trên đầu thì cũng vừa hết hứng. Một quyển sách văng ra rớt tòm ngay xuống cái cống đang nửa nổi nửa chìm chậm rãi trôi theo dòng nước nâu nâu màu bùn. Hoàng xanh máu mặt. Cuốn truyện Dzũng Đakao mới mượn ở tiệm của ông Nam Tạo. Để cặp xuống bên đường tháo lẹ đôi giày bata trắng nó lội ào xuống ruộng rượt theo cuốn sách giờ đã gần chìm. Mùi bùn, mùi rác pha lẫn mùi đủ thứ con gì chết không biết làm cho nó khó chịu chỉ hơi thun thun cái lỗ mũi mà mừng. Nó đã vớt kịp cuốn truyện trước khi bị cuốn trôi vô trong ống cống đen ngòm như cái miệng con ma trong nhà xác.


Đang lấy mớ rau muống chùi chân lem nhem bê bết bùn sình thì chị Lan đạp xe đạp đi đâu về ngang rề xe lại dơ chân hất đôi giày của nó xuống ruộng rồi nhỏng đít lên đạp vù vù theo tiếng cười hăng hắc thỏa thuê.

 

Cái bà này! Sắp đi lấy chồng rồi mà vẫn còn ưa chọc phá em út. Hoàng hậm hực ngó theo, vái cho bả lấy trúng một anh chồng lính thiệt là dữ dằn chuyên nghề đá đít bằng bốt đờ sô cho bỏ ghét.

 

Con đường Hưng Đạo Vương khúc đi từ rạp hát Biên Hùng vô ga xe lửa Biên Hòa trong buổi chiều về đông người xuôi ngược, ngược xuôi không ai thèm để ý đến một thằng nhóc học trò đệ lục Ngô Quyền đang thất thểu lê chân lem lấm về nhà trong đầu làm toán theo tiếng roi nhịp trên bộ ván của bà già. Cái quần bị ướt nước ruộng hôi rình, đôi giày trắng bóc giờ đã hoá nâu điểm chút vàng tổng cộng là mấy roi đây ta?

Dẫu cho đã học tới bậc trung học mà lại là học trò của một trường có tiếng ngon lành nhứt tỉnh thành nó vẫn thường hay bị má quýnh vì vô số tội.

 

Nhà Hoàng không như nhiều nhà khác. Cả nhà từ mấy anh em nó cho đến chị Gấm, cái chị người làm, đều chỉ sợ má chứ không ngán ba. Ba nó đi lính nhưng hiền khô, không có đánh đứa con nào, ổng chỉ thích đánh chén rồi cười.

 

Má nó thì ngược lại. Bả dữ mà không hiền. Lúc nào cũng phát uy quyền lực với kẻ nằm sấp phơi mông bằng những ngọn roi quắn đít. Bị má đánh đau lắm. Bị đánh đau đánh nhiều Hoàng đâm ra trở thành nhà khoa học nghiên cứu thần kinh hệ. Mỗi khi bị đánh xong nó thường nằm phân tích nghiền ngẫm cơn đau. Ai nghĩ ra tiếng quắn thiệt là hay. Khi cây roi mây hay cái chổi lông gà vừa chạm vào mông thì mình không có bị đau liền mà là cái cảm giác nóng rát co giật cuộn kéo về chung một tâm điểm để hiểu ra thế nào là… quắn. Hoàng quắn quanh năm.

 

Như Trình Giảo Kim ba búa trong chuyện Anh hùng Lương Sơn Bạc, má Hoàng ốm yếu sức vóc chẳng bao nhiêu nên chỉ ba roi là ngồi thở dốc rồi ra rả chửi hàng giờ … Con ơi là con… nên cũng đỡ khổ chút đỉnh. 

 

Thấy nó bị má đánh suốt ngày cô giáo Công, vợ thầy Phước phải động lòng nhỏ nhẹ khuyên can:

   -   Chị đánh nó hoài mai mốt lớn lên nó sợ đàn bà con gái thì sao?

 

Thời đó không hiểu gì sao mà xóm Ga có nhiều cô giáo lắm, cô nào cũng đẹp cũng hiền. Hoàng nhớ ơn cô Công với cô Bạch Liên.

 

Cô Bạch Liên người Sài Gòn rất trẻ đẹp dạy ở trường nữ tiểu học Cây Chàm có chồng là ông Đại Úy làm việc ở trong quân trường Thủ Đức. Nhà Hoàng chia chung với nhà cô Bạch Liên một bức tường phía bên trái.

Có một lần Hoàng thấy gói thuốc Melia vàng của ông già bỏ quên ngoài hàng ba bèn tò mò đốt thử một điếu để tìm xem cái cảm giác khói buồn bay lên mây như thế nào thì cô Bạch Liên vừa xuống xích lô ngay trước nhà. Hoảng hồn chưa biết làm gì thì cô Bạch Liên đã cười ngặt nghẽo:

- Thôi bỏ đi ông tướng! Trông chẳng giống ai. Ha Ha...

Quê cơ quá độ Hoàng trốn cô Bạch Liên luôn cả tháng trời. May mà cô giáo đẹp tha tào không thèm mét má nó.

 

oOo

 

Căn phố bên cạnh có người mới dọn tới. Cũng chẳng lạ mà cũng không quen với Hoàng. Gia đình bác Khánh bạn của ba Hoàng từ Nha Trang vừa mới đổi về phi trường Biên Hòa. Nghe đâu hai ông là bạn từ thuở đi học trường tiểu học Nguyễn Du cho tới lúc đi học làm lính Không Quân cho tới bây giờ.

 

Rồi cũng có một thời bác Khánh suýt làm ba vợ của Hoàng. Hai ông lính hứa gả con cho nhau trong bàn nhậu. Bác Khánh có đứa con gái đầu lòng trắng trẻo mủm mỉm, xinh xinh với cặp mắt bự đầy lông nheo nhỏ hơn Hoàng 2 tuổi đang chờ cô giáo Loan, vợ bác Ngôn nhà cùng phố xin cho vô học lớp Nhì trường nữ tiểu học Cây Chàm. Nó là con nhỏ lạ kỳ đã lưu lại trong tâm tư Hoàng nổi buồn vu vơ mỗi khi trời đổi gió.

 

Những ngày đầu khi mới dọn về Hoàng thấy nó thường hay ngồi trước hàng ba, có lúc ẵm em, có khi một mình với hai con mắt đỏ hoe đầy lệ. ''Nó ưa khóc mày đừng chọc nó!'' chị Gấm hăm he Hoàng.

 

Chắc vì thích khóc nên nó được bác Khánh đặt tên là Bích Châu và lúc nào trên tay cũng có cái khăn tay màu trắng cuộn tròn.

 

Một bữa đi học về thấy Bich Châu ngồi trước nhà một mình. Hoàng muốn coi nó khóc ra làm sao bèn tới ngồi chồm hổm trước mặt nó mà ngó. Thiệt là ngộ. Con bé không nói gì chỉ có hai dòng lệ từ từ lăn xuống trên cặp má bầu đang dần ửng đỏ cái miệng nhỏ xíu đang bắt đầu mêu mếu. Bác Khánh gái đi ra trông thấy la lên bằng cái giọng Nha Trang:

   -   Anh hai lại chọc em rồi.

Sợ bị má đánh Hoàng ôm cặp lủi về nhà. Tui có làm chi đâu? Con nhỏ kỳ thiệt.

 

0o0

 

Phía sau nhà Hoàng cách một cái xóm lao động của bác Tư bán xôi là cái sân vườn rất rộng có trồng nhiều cây trái của ông Nội. Không biết Nội trồng từ bao giờ mà có nhiều cây cao to lớn cành lá xum xuê sai trái mỗi mùa. Nào là cây mít, cây ổi, cây bưởi cùng cây mãng cầu xiêm đầy kiến lửa.Tận cùng trong một góc sau phía giáp ranh đường rầy xe lửa có một cây Gòn già trái rụng đầy quanh gốc bông trắng bay lung tung lờ đờ. Chiều chiều bọn con nít thường hay rủ nhau tập họp ở đó chơi đủ thứ trò sau khi kiểm tra cặn kẻ mấy cái cây đang có trái. Con nhỏ ưa khóc nhè Bích Châu cũng ẵm em mò ra đứng ngó xa xa ...

 

Thường thì tụi nó ưa chơi trò rượt bắt. Trai gái chia đều ra 2 phe rồi oánh tù tì để quyết định phe nào chạy phe nào bắt mà cây Gòn là nhà tù.

Phe nào chạy thì cứ chạy lòng vòng trong sân, có đứa chạy luôn về nhà uống vội gáo nước lu tiện tay chôm trái chuối trên bàn thờ rồi chạy trở ra chơi tiếp. Có khi bị ba má nhốt lại ở nhà thì bị kêu là mất tích coi như đã chết. Phe bắt thì ráng rượt theo mà phát vô lưng đứa phe chạy một phát . Đứa nào bị phát một cú thì trở thành tù binh, bị áp tải về nhốt ở dưới gốc cây Gòn.

 

Cứ tiếp tục như thế cho đến khi nào bắt hết mấy đứa thuộc phe chạy thì thay phiên bắt và chạy. Coi đơn sơ vậy chứ cũng có luật lệ đàng hoàng. Mấy đứa tù binh phải đứng nắm tay nhau thành một hàng dài, đứa bị bắt đầu tiên lúc nào cũng phải để tay dính trên thân cây Gòn còn tay kia phải nắm chặt tay đứa tù binh thứ hai.

 

Cũng có luật giải cứu tù binh phe mình. Nếu có đứa nào phe chạy lẻn vào chạm tay được với cái hàng tù binh thì kể như cái đám tù được giải thoát, tụi nó sẽ túa ra mà chạy và phe bắt phải mất công đi bắt lại từng đứa. Trò chơi này rất thịnh hành vào thuở đó, trai gái đứa nào cũng thích. Hoàng cũng chơi cái trò này trong trường hàng ngày vào giờ ra chơi.

 

 Chơi ở trong trường thì có thêm cái thú vui là được núp sau lưng hay chính giữa một đám mấy chị lớp trên cao lớn bự con hơn đang đi thơ thẩn vòng quanh khoe sắc thắm trong sân rồi chạy ào ra mà cứu bồ. Đôi lần Hoàng xui bị mấy bà chị chơi trác làm bộ che chắn cho chui vô đi ở chính giữa đến khi tới gần mấy tên phe bắt thì mấy chỉ rủ nhau dồn lại một cục ép nó như cái nhưn hột gà bánh Trung Thu hết cục cựa rồi la lớn lên :

-   Cu Lửa nè!

Kẹt quá nó phải vẹt áo dài chui giữa hai chân mấy bả mà chạy. Không biết mấy bà chị đó bây giờ ra sao. Có buồn vui chi trong những buổi chiều về.

 

  Trời âm u như muốn đỗ cơn mưa cả ngày làm cho vườn nhà ông nội vắng hoe không có bóng dáng của một đứa nhóc nào Hoàng định quay trở về nhà thì có tiếng gọi nhỏ sau lưng :

   - Anh Hai!

  Ồ ! Bích Châu đang đứng sau cây trứng cá vò vò cái khăn đưa mắt chờ. Lúc này nó đã bắt đầu quen với Hoàng và bắt chước mấy đứa em gọi Hoàng bằng anh Hai.

Bước đến trước mặt nó Hoàng hỏi:

   -  Làm gì đó?

Bích Châu ấp úng:

   -  Em không biết nữa.

Hoàng cười cho con nhỏ lạ lùng:

  -  Thôi đi về, đâu có đứa nào đâu. Trời sắp mưa rồi.

Bích Châu gật đầu im lặng đi bên Hoàng cho tới khi gần nhà thì Hoàng nghe một tiếng nấc liền quay qua nhìn. Con nhỏ lại bắt đầu khóc. Bỗng dưng một chút thương cảm dâng lên trong lòng Hoàng hỏi nó;

  -  Sao mày ưa khóc quá vậy? Có ai chọc mày đâu?

  -  Em không biết. Tự nó khóc.

Nói xong Bích Châu nhoẻn miệng cười giơ khăn lên chậm nước mắt. Lần đầu tiên sau mấy tháng kể từ khi dọn nhà về ở kế bên cho tới nay Hoàng mới thấy nó cười.

 

Hôm sau, trong lúc con Hoa ù đang chia phe thấy Bích Châu không có ẵm em đang đứng xớ rớ gần đó một mình Hoàng đưa tay ngoắc.

   -  Mày muốn chơi không ?

Bích Châu hí hởn gật đầu. Mái tóc bum bê của nó được cột dây thung làm thành 2 chùm hai bên trông ngồ ngộ. Thế là nó được Hoa ù sắp theo phe chạy của Hoàng và nó là đứa bị bắt trước nhứt hôm nay cùng tất cả những lần chơi sau.

Lúc ban đầu mãi lo vui chơi Hoàng không để ý cho mãi đến một hôm kia khi thấy con Lê chạy ngang Bích Châu rồi bỏ chạy luôn rượt theo bắt đứa khác Hoàng lấy làm lạ bèn hỏi thì mới biết Bích Châu không bao giờ chạy. Nó chỉ đi lang thang trong vườn chờ bị bắt dẫn về rồi ngoan ngoãn đứng yên bên cây Gòn. Riết rồi cái tụi phe bắt đâm nản có khi không thèm bắt nó nữa như con Lê đã làm hôm nay.

 

Thấy Bích Châu cứ bị bắt đứng ôm gốc cây Gòn một mình hoài Hoàng đâm ra thương hại, nó làm bộ hụt chân để cho Hoa ù dộng một phát vô lưng áp tải về nhốt chung với Bích Châu. Con nhỏ mừng rỡ nhét vôi cái khăn vô lưng quần rồi đưa tay ra cho Hoàng nắm. Cái bàn tay đỏ hồng luôn có cái khăn màu trắng ấm áp êm êm .

Hoàng hỏi:

   - Sao mày không chạy cứ để bị bắt hoài vậy?

   - Em không biết chạy lẹ. Thôi bị bắt cho rồi.

 

Ừ, mà Bích Châu chạy chậm thiệt. Nó cứ lạch bà lạch bạch như hột mít lăn trên bãi cát. Len lén nhìn khi thấy cái thằng canh tù không để ý Bích Châu thả tay vịn gốc cây móc trong túi áo bà ba ra cho Hoàng một cục kẹo. Nó có vẻ vui mừng khi được ở tù chung với Hoàng. Hai cái sừng tóc trên đầu luôn lúc lắc. Còn Hoàng thì tự dưng không thích chạy trốn nữa cho dù có được cứu bồ. Nó bắt đầu thích bị ở tù đứng im nắm tay Bích Châu từ ngày đó. Một chút gì thân thương gần gũi êm ả lan nhẹ vào hồn.

 

Bác Khánh gái khen nó có tài trị bớt bịnh khóc một mình của Bích Châu. Có những buổi chiều đi học về ngang mấy cái quán nhậu bên hông Biên Hùng bác Khánh trai thường hay ngoắc nó vô vò đầu kẹp cổ lè nhè giới thiệu với mấy ông bạn nhậu:

- Thằng rễ tao nè! Ngon lành hông?

Nó mắc cỡ đứng chết trân cái mặt đỏ ửng.

 

Mùa Hè năm đệ ngũ sau một tháng đi chơi ở nhà ông Ngoại ngoài Phan Thiết về đứa em gái út báo cho Hoàng một tin hơi buồn buồn:

   -  Nhà chị Bích Châu dọn về lại Nha Trang rồi.

Nó nghĩ tới mấy cái vỏ sò đầy màu sắc mang về từ Mũi Né. Bây giờ… bơ vơ…

 

 

Bước ra hàng ba chỗ có bức tường ngăn chia hai căn nhà nơi có một cái lỗ nhỏ trong viên gạch bể mà Bích Châu thường hay để dành kẹo cho Hoàng trong đó nó moi ra một cái khăn tay quấn quanh trang giấy học trò có hàng chữ nắn nót…. ''Em theo Ba Má đi về Nha Trang, chừng nào lớn lên anh ra thăm em nha. Bích Châu''.

 

0o0

 

Mấy năm trời qua đi hầu như không còn nhớ gì về con nhỏ ưa khóc nhà bên cạnh năm nào thì ngẫu nhiên Hoàng gặp lại bác Khánh. Bây giờ Hoàng đã lớn hết còn bị má đánh và đang học lớp đệ nhứt trên trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc.

 

Đang ngồi trong quán cơm tháng Như Ý chờ chị Quý dọn phần cơm trưa ra thì có mấy ông lính Không Quân từ trong quán Ngọc Lan ở bên kia đường đi ra leo lên chiếc xe jeep. Hoàng nhận ra bác Khánh đang đi sau cùng nó vội vàng đứng dậy chạy ào qua đường.

Không dè gặp lại Hoàng nơi chốn rừng xanh núi thẫm xa xôi này bác Khánh mừng rỡ nói huyên thuyên sau tiếng chửi thề:

   -  Mày lớn lên trông giống thằng cha mày quá! Con Châu đang ở trên máy bay ngoài phi trường, nó bị say sóng nên không đi theo ăn cơm. Đi đi… lên xe đi ra ngoài đó với bác. Thấy mày chắc con Châu mừng lắm. Má con nó vẫn còn hay nhắc đến mày.

 

Hoàng cũng mừng vui không thua gì bác Khánh nhưng chợt nhớ lại phi trường quá xa chút nữa làm sao về lại trường nên nó hẹn với bác Khánh là sẽ mượn xe honda của một thằng bạn rồi ra gặp bác với Bích Châu ngoài đó trước giờ bác Khánh bay về Nha Trang.

 

Phi trường Bảo Lộc rất là nhỏ chỉ có một phi đạo cùng một sân đáp trực thăng nằm cạnh một bìa rừng. Chắc là ông xếp phi trường bạn của bác Khánh bác có dặn trước nên anh lính gác cổng chỉ khoát tay cho Hoàng chạy xe qua chứ không chận lại xét giấy tờ như thường lệ.

 

Từ xa Hoàng thấy một chiếc trực thăng độc nhứt đang sửa soạn bay lên trong vùng bụi đỏ. Nó hối hả dựng xe chạy bộ tới nhưng không còn kịp nữa. Chiếc trực thăng chúi mũi bay ngang đầu nó thấy bác Khánh ngồi ngay cửa giơ tay vẫy chào. Thấp thoáng bên trong có cánh áo dài màu trắng mà Hoàng đoán là Bích Châu.

 

Đang buồn bực sao bác Khánh không chịu chờ chút xíu nữa thì chiếc trực thăng bay một vòng tròn rồi quành lại xuống thấp hơn ngay trước chỗ Hoàng đang đứng ngẩn ngơ buồn. Bích Châu hiện ra từ khung cửa bên cạnh anh lính thủ khẩu đại liên sáu nòng. Mái tóc bum bê ôm lấy gương mặt tròn đã có thêm một khoảng dài phủ ngang lưng của đứa con gái dậy thì Bích Châu đưa tay ra thả xuống một cái gì màu trắng bay bay … Cái khăn tay.

 

Chưa kịp cười cái tật cố hữu của Bích Châu vẫn còn thì Hoàng thấy cái khăn đang bị gió quạt trực thăng thổi bay qua bên kia phi đạo về hướng bìa rừng có đầy mìn với những tấm bảng hình cái đầu lâu trắng nền đen. Cái khăn lộng gió bay phất phơ lơ lững một lúc rồi nhẹ nhàng đáp xuống vướng vào một khúc kẽm gai nằm im rũ gục như niềm vui hụt hẫng chơi vơi tắt lịm của Hoàng.

 

Ngày hôm sau rồi hôm sau nữa Hoàng trốn học trở lại phi trường đứng im nhìn cái khăn tay giờ đã đang bắt đầu rách nát đổi màu mà mong có một cơn gió đổi chiều. Anh lính gát phi trường thương tình đến gần hỏi nhỏ:

   -   Khăn của bồ mày đó hả?

Tự dưng Hoàng lập lại câu trả lời của Bích Châu năm nào:

    -   Em không biết nữa.

Nó tự trách mình đã mấy lần đu xe đò đi bụi đời ra tận Nha Trang mà không nhớ tìm thăm con nhỏ ưa khóc nhè ngày cũ.

  

Nhìn chiếc máy bay bà già đang lắc lư hạ cánh trên phi đạo một ý tưởng loé ra trong đầu Hoàng quay xe phóng về trường. Vài tháng nữa khi ra trường mình sẽ xin đi lính Không Quân ra học ngoài Nha Trang thì sẽ có dịp gặp lại Bích Châu. Con đường quốc lộ thẳng như một đường bay trong nắng sáng ban mai.

 

Vậy mà...

Chưa tới 9 giờ sáng mà phi trường Tân Sơn Nhứt nắng nung hầm hập làm cho Hoàng khó chịu khi cởi bỏ quần áo leo lên cái bàn cân. Nó còn có thêm một cái khó chịu ray rứt khác trong lòng. Từ sáng tới giờ nó đã nốc không biết bao nhiêu là nước lạnh phông tên với hy vọng cho đủ kí lô để qua kỳ khám sức khỏe đi lính lái máy bay.

   -  Chú mày nhẹ quá đi pilot máy bay không đáp xuống được.

Ông Trung Sĩ canh bàn cân lắc đầu nói giỡn chơi khi thấy mũi kim dừng ở số 48. Hoàng thất vọng nghĩ thầm… Thôi thì cho tui... ra một cái.

 

Hơn nửa đời người lang thang chật vật với cuộc sống quê người làm cho Hoàng không còn bao nhiêu ký ức với con xóm nhỏ ngày xưa thì một giọng nói Nha Trang quen quen vang lên trong điện thoại một ngày kia:

    -  Anh Hai phải không? Bích Châu đây. Em nhận ra anh qua những bài viết trên mạng. Anh có còn nhớ em không?

Quá bất ngờ Hoàng lật đật hỏi:

    -   Em đang ở đâu?

Bích Châu nói chậm từng tiếng như sợ mình quên:

 -  Lần sau về Biên Hòa nhớ xuống vườn nhà ông Nội. Em chờ anh ở gốc cây Gòn cho anh coi em chạy đua với thằng cháu ngoại. hì hì …

Hoàng bật cười:

    -   Em còn hay khóc nữa không ?

Có tiếng cười dòn tan...

 

Hoàng Duy Liệu

2015

 

Hậu Ký

 

Đây là chuyện thật thời thơ dại mà tui đã viết ra lâu rồi trước ngày biết được hội Ái Hữu Biên Hòa chứ nếu mới viết gần đây thì sẽ có thêm một đoạn xạo sự như vầy cho vui vẻ người Biên Hòa.

 

… Một người anh bà con bên ngoại đi học lái máy bay ở Mỹ gởi về cho tui một cái quần jean có miếng da bò in chữ Lee ở phía sau trông thật là ngầu. Khoái quá tui liền mặc đi học thì bị ông giám thị Cầm đuổi về vì hôm nay là thứ hai phải mặc quần tây trắng. Ổng chỉ bảo là về nhà thay quần rồi trở lại học nhưng tui quyết định nằm nhà luôn. Con dốc Ngô Quyền giữa trưa trời nắng chói không có chút gì hấp dẫn cho một tên nhóc chưa biết đến cái nỗi phê phê anh theo Ngọ về mấy dốc cũng leo như mấy anh lớn có râu lún phún mà đi lên một lần nữa.

Ngang qua cái tiệm sửa xe tui thấy chị Phùng đang cùng chị Mỹ Tiên rượt bắt con nhỏ Mỹ Chơn chạy lòng vòng trước sân. Tui biết, tới giờ nó bị bắt đi tắm.

 

Về nhà chẳng thấy ai chỉ có nhỏ em kế đang nằm tréo chân đọc truyện Mai Bê Bi trên bộ ván gõ. Hỏi ra thì hôm nay nhà bác Khánh tổ chức tiện tân gia má tui với chị Gấm đang qua bển phụ nấu bếp. Lò dò ra đàng trước thấy con nhỏ khóc nhè đang ngồi chậm nước mắt tui bước qua làm quen.

- Mày tên gì ?

- Châu

- Cái gì Châu ?

- Bích Châu

 

Nghe cái lối trả lời cộc lốc dấm dẳng khó ưa của nó làm tui bực mình nảy sinh ý nghĩ mình phải huấn luyện cho nó biết thế nào là lễ độ với người lớn hơn 2, 3 tuổi. Tui ngồi xuống trước mặt nó giơ nắm tay lên:

- Mày phải tập ăn nói đàng hoàng hơn một chút. Đây là đất Biên Hòa. Không tao ịn cái này vô miệng.

Lộ vẻ ngạc nhiên nó ngừng khóc:

- Tui phải nói làm sao?

- Mày phải xưng em kêu tao bằng anh rồi nói như vầy nè: - Dạ thưa anh em tên là Bích Châu ! Nói lại tao nghe coi.

Nó mếu máo :

- Dạ… em… tên là Bích… Châu

 

Bắt đầu hứng thú với cái trò chơi mới tui làm tới dạy đời cho nó:

- Mày phải biết người Biên Hòa rất là hiền lành lễ độ lúc nào cũng trọng trên mến dưới không bao giờ ăn hiếp em út…

Nói chưa hết câu tui biết mình đã lỡ lời nhắc lại nguyên câu nói của ông già mỗi khi răn đe tui nhưng không muốn cho nó có cơ hội trả đòn tui nói qua chuyện khác.

- Chừng nào mày đi học

- Tuần tới … Dạ thưa tuần tới. Nó lẹ miệng sửa lại liền.

 

Hà hà … Con nhỏ này coi vậy mà dễ dạy. Cái mỏ đỏ hỏn chúm chím trông muốn cắn. Cái má bầu bầu trông mà muốn bẹo cho một phát.

Chợt nhớ ra một chuyện tui móc túi quần đưa cho nó cục kẹo thèo lèo:

- Mày giỏi, tao thưởng cho cục kẹo nè.

Nó tròn mắt dẫy nẫy :

- Kẹo gì mà ghê vậy! Đen thùi lùi như cứt chuột. Coi kẹo của em nè .

Nó bỏ cái khăn xuống lôi trong túi áo đồ bộ ra một gói kẹo M&M đỏ chói.

- Trời ! Nó chơi ngon ăn kẹo Mỹ.

- Anh muốn ăn kẹo của em hông ?

Tuy là thèm quá cha nhưng tui làm bộ kẻ cả:

- Kẹo của con nít tao không ăn.

Tuy nói cho ngon vậy chớ sau này tui đều miễn cưỡng chìa tay nhận cho cô em vui lòng.

 

Bác Khánh làm việc chung với mấy ông lính Mỹ trong phi trường thỉnh thoảng họ kéo đến nhà chơi nên Bích Châu có rất nhiều bánh kẹo ngon lành nó thường hay triều cống cho tui.

 

Thình lình Bích Châu hỏi:

--Anh biết trường Cây Chàm của em không ?

- Biết chứ ! Cái trường có mấy con nhỏ mặc quần phồng đứng ngoài sân làm chim bay cò bay.

- Anh chỉ đường cho em đi học nha.

- Ừ chờ chút. Để tao lấy giấy vẽ đường cho mày đi.

Tui chạy về nhà xé ra một tờ giấy trắng vẽ lên đó vài đường thẳng rồi trở qua định chỉ cho Bích Châu thì không hiểu sao tui lại có ý muốn hù cho nó sợ chơi.

 

- Đây là nhà tụi mình… Tui chỉ vô tờ giấy.

Bích Châu gục gặc cái đầu.

- Ra khỏi nhà mày phải đi cho lẹ nha không.

- Sao vậy anh?

Chỉ tay ra đường tui hạ giọng thì thào:

- Mày thấy cái nhà bên kia không? Đó là nhà của con Minh Nguyệt cùng băng với tụi con Mai, con Dung, con Thúy, Vũ đoàn khóa 14 Ngô Quyền. Tụi nó ưa đá lắm mày phải coi chừng.

Nhỏ Châu ngạc nhiên ra vẻ hổng tin:

- Thiệt hả?

- Ai thèm nói láo chi. Mày thấy thằng Lam chưa? Nó cao lớn lênh khênh vậy mà mỗi khi đứng gần mấy con nhỏ đó nó phải nhón chân ưỡn ngực rươn rướn cho cao thêm trông tội nghiệp lắm.

- Ảnh rướn lên chi vậy?

- Nó sợ bị đá méo mặt.

Con nhỏ bắt đầu teo, nó len lén liếc qua bên kia đường.

- Khi đi tới rạp hát mày cũng phải đi bên này không được ngó qua bên kia chỗ có xe sinh tố.

- Xe sinh tố của ai?

- Của cái bà có hai con mắt lồi ra thiệt là bự quê ở Long Thành, bả ghét đứa nào xin thêm.

- Bả bán mắc hả?

- Ùm, ly sinh tố của bả toàn là nước đá hút cái rột là hết liền.

- Em sẽ không mua sinh tố của bả.

- Giỏi. Sau khi băng qua ngã năm …

Tui hơi lúng túng không biết hù tiếp nó bằng đường nào cho nó sợ hơn.

- Đi thẳng lên ngã ba Thành hay là quẹo trái Trịnh Hoài Đức …

 

Nhỏ Châu cứu bồ tui đúng lúc, nó rà rà ngón tay trắng hồng nhỏ xíu như cây viết chì trên tấm bản đồ tui mới vẽ:

- Rồi em đi thẳng đường này hả? Nó chỉ vô đường lên Dốc Sỏi ngã ba Thành.

Ha Ha… Tui nhớ ra rồi.

- Ừ đi thẳng cũng được nhưng mà khi tới con hẻm kế bên cái chùa mày phải băng qua bên kia đường nếu không Thúy Loan với cháu nó là con nhỏ Thủy sẽ nhào ra bắt mày mua nón *.

Tụi nó là dân xóm Chùa.

- Em có nón rồi mà. Má mới mua hôm qua.

- Dì cháu nó sẽ bắt mày mua thêm. Con gái phải có nhiều nón. Tao nghe Dì Ba Nón nói như thế.

 

Không cho Bích Châu có thì giờ thắc mắc tui đi luôn:

- Tới ngã ba mày phải ôm cặp chạy cho lẹ theo hướng này. Tui vẽ tiếp con đường về hướng chợ.

- Sao em phải chạy?

- Không chạy cho lẹ mày sẽ gặp con Nhan. Nó ở trong thành Kèn chung với con ma vú dài. Mày trắng trẻo thơm thơm như vầy có thể nó sẽ bắt mày xẻ thịt làm khô bò. Nó khoái chế biến món đó lắm .

- Í …

- Chưa hết đâu. Mày tiếp tục đi hết con đường này cho tới chợ thì quẹo phải nhưng phải nhớ là khi đi ngang nhà may Nam Long của bác Hai Thiện thì phải khoanh tay cúi đầu chào nha chưa.

- Rủi em quên thì sao ?

- Cũng chẳng có gì, chị Phượng Liên con bác Hai sẽ bắt mày nhảy đầm rụng cẳng luôn.

-  Kiểu gì vui vậy ?

- Vui hay không thì mày cứ hỏi ông chồng của bả. Tao thấy rồi.

 

Chắc bị tui nhồi nhét vô cái đầu tròn vo nhiều chuyện lạ dễ sợ của người Biên Hòa nên nhỏ Châu quên khóc, nó chậm rãi xé gói kẹo cho một viên màu đỏ vô miệng. Tui nuốt nước miếng đợi chờ nhưng nó không có mời. Tức mình tui hù tiếp:

- Ra tới chợ đụng cái tiệm may Mỹ Dung thì ráng núp sau lưng ai có cái mông bừ bự mà đi cho lẹ.

- Tiệm đó có cái gì mà sợ?

- Trong đó có con Ngọc Dung nó sẽ xét lỗi chính tả của mày.

- Bộ chỉ là cô giáo hả ?

- Ừ. Ở đâu nó cũng làm cô giáo. Nó dạy tao nữa đó.

Có lẽ Bích Châu học giỏi nên tui thấy cái chiêu mang cô giáo ra hù không có vẻ ép phê chi mấy. Nó lại móc ra thêm một viên kẹo bỏ thủm vô miệng. Viên này màu vàng óng ánh. Trời ơi…

- Gần tới trường chưa anh ?

- Qua khỏi chợ một chút là tới. Mà mày phải nhớ là nếu có bà già nào đứng dưới gốc Cây Chàm ngoắc ngoắc thì đừng có đứng lại mà hãy chạy mau vô trong trường.

- Bả làm gì tui? …á..em.

- Đó là bà Tuyết Sì Nô. Bả ưa dụ mấy đứa con nít như mình thức khuya canh chừng mấy cái download hay upload Youtube của bả cho đến sáng trưng luôn, buồn ngủ lắm.

- Mình hổng chịu thì sao ?

- Bả có hàm răng mới mua năm ngoái ngoài chợ Biên Hòa bén hết xẩy. Bả sẽ há miệng cắn mày kêu cái Bụp! Tui dơ tay lên làm dấu, nhỏ Châu hoảng hồn há miệng lết vô vách tường. Viên kẹo màu vàng còn chừng phân nửa đang nằm trên cái lưỡi nhỏ xíu cong cong…

 

Chịu hết nổi tui chộp lấy một viên cho vô miệng. Bích Châu tròn mắt:

- Anh chê kẹo con nít mà !

- Ừ thì ăn thử chút xíu dùm mày coi có ngon hong.

 

Vị ngọt của đường mùi thơm của vanila làm tui đâm ra hiền hòa thân thiện. Tui cho nó một tí xả hơi:

- Vô trường nếu bị ai đó bắt nạt thì mày đi kiếm con nhỏ Mười Hoàng.

- Nói với chỉ là em biết anh hả ?

Tui lật đật lắc đầu:

- Đừng ! Nghe tên tao nó sẽ khóc chung với mày. Nó chuyên môn nấu món thỏ đế hầm nước mắt.

Xụ mặt nhỏ Châu ngồi im mút kẹo. Tui muốn chơi thêm một viên nữa mà chưa biết tính sao.

Một lát sau nó chỉ vô tờ giấy:

- Đường đó ghê quá em đi ngõ này được không ?

- À ! Đó là đường Trịnh Hoài Đức cũng đưa tới trường nhưng xa hơn và cũng có chuyện…

- Chuyện gì hả anh ?

- Trên đường này chổ có cái bồn nước trông giống cái dĩa bay mày sẽ phải đi ngang nhà cô giáo đẹp nhứt hành tinh. Bả sẽ ra bắt mày đánh vần chữ Sư Tử.

- Anh có bị chưa ?

- Rồi. Tao đánh vần trật bị bả cú đầu đau điếng. Nhưng mà không sao, bả hiền lắm. Kí đầu xong bả dắt vô nhà cho ăn cà ri gà đã điếu.

- Vậy thì em hổng sợ. Anh chỉ cho em đi đường này đi. Em thích cà ri gà.

- Chưa hết đâu. Đụng cái chỗ có bồn nước phun lên ờ ngả ba mày quẹo tay mặt đi chút xíu thì gặp ngay con Kim Hường. Nhớ đừng có nghe lời nó dụ dỗ đi theo bán vé số trễ học nghe chưa.

 

Đúng là con nhỏ thông minh khi thấy con đường lại đưa đến chợ nó la lên chói lọi:

- Đi đường này thì cũng gặp chị Ngọc Dung vậy.

- Bà Tuyết nữa.

- Í da… Còn đường nào khác không anh?

- Đường đi học thì nhiều từ từ rồi mày sẽ biết … Chẳng hạn như con đường xưa tao đi. Tui vẽ thêm con đường Kỷ Niệm đi lên trường Ngô Quyền.

- Đường đó có ai ?

- Nhiều lắm … Chẳng hạn như nếu mày đi gần tới cái tiệm sửa xe thì sẽ có chị Phùng, chị Kết khoá 5 ào ra bắt vô tắm chung với con nhỏ Mỹ Chơn.

 

Không biết cái mặt tui hiền từ hơn chút đỉnh hay là tại mấy viên kẹo làm tăng calorie mà Bích Châu hết sợ:

- Em thích tắm!

Đến nước này tui đành hạ độc thủ:

- Mày chưa biết đâu. Hôm nào chỉ có chị Phùng hay chị Mỹ Tiên cùng chị Kết thì còn đỡ, mấy bả chỉ thích kì cọ lung tung rồi thả đi. Chị Kết còn lấy lược đồi mồi chảy đầu cho mình đàng hoàng.

- Tóc anh đâu cần chải. Chỉ tay lên cái đầu trọc của tui nó ré .

A ! Cái con này lém nhỉ ! Tui bèn đi chiêu chót:

- Hôm nào xui có chị Oanh bắc kỳ năm tư ở đó thì  …

- Sao Anh?

Tui cố tình chần chừ cho nó hồi hộp…

- Bả sẽ lấy bàn chải tre mà chà vô mông của mày xướt đít chảy máu tùm lum!

- Á! Em không đi học nữa đâu. Nó ôm đít chạy te te vô trong bếp khóc vang rân.Tui chộp gói kẹo M&M vọt ra đường.

 

Chuyện cũ ngày xưa nhưng tui vẫn nhớ. Chiều hôm đó tui bị má tui quất cho ba roi về mấy cái tội khủng bố tinh thần, chôm kẹo em út và xuyên tạc.

Tui biết má xử oan cho tui cái tội thứ ba nhưng không dám nói ra.

 

Hoàng Duy Liệu

2015

 

*Xin theo đường link này mà hiểu thêm về cái vụ nón.

 

http://www.aihuubienhoa.com/p127a3138/2/nua-hon-lang-thang-chuong-2-chi-gam-va-thang-cu-lua-hoang-duy-lieu

 

09 Tháng Ba 2024(Xem: 564)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 567)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 655)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 445)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 602)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 570)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 703)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 707)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 952)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1068)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1000)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 851)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 989)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 806)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1682)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 765)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 705)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1700)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 964)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri