Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Diệp Hoàng Mai - HẠNH PHÚC QUANH TA

05 Tháng Hai 20169:00 CH(Xem: 33075)
Diệp Hoàng Mai - HẠNH PHÚC QUANH TA


HẠNH PHÚC QUANH TA

Năm 2015 gia đình cựu hđs Biên Hòa chúng tôi không họp mặt. Chuyện café “điểm danh” anh em nhà mình mất hay còn, thật ra không khó. Nhưng để tất cả cùng vui, ít nhiều gì tôi cũng cần chút thời gian và sức lực phát tín hiệu gọi đàn. Ngặt nỗi, hồi đầu năm tôi bận quá bận. Cuối năm, tôi bệnh quá bệnh. Cho nên, tôi đành hẹn lại … năm sau. Nhưng may mắn làm sao! Dù không hẹn ngày họp mặt thường kỳ, nhưng phần lớn cựu hđs. Biên Hòa phương xa có dịp thăm lại quê nhà, vẫn đến với tôi bằng tất cả chân tình Hướng Đạo chung mái nhà xưa…

 

                                         hanhphuc_1

@ Hoàng Gia Phong:

       Hơn ba mươi sáu năm lưu lạc xứ người – qua góc sân cựu hđs.NQBH trên trang nhà – anh Hoàng Gia Phong đã nhận ra tôi. Trở lại thăm quê lần này, anh Phong trao tặng tôi món quà quí báu. Đó là những kỷ vật hướng đạo anh giữ gìn quá nửa đời người, mặc cho cuộc đời anh đã trãi biết bao phong ba bão tố. Ngập ngừng, tôi hỏi lại anh lần nữa:

- Tặng em những kỷ vật này, anh Phong có hối tiếc không?

- Không, bởi anh tin em sẽ sử dụng tư liệu này một cách hữu ích nhất…

hanhphuc_3hanhphuc_2

       Đó là những tấm hình anh Phong chụp từ những năm 1960, cùng tư liệu hướng đạo các ngành ấu – thiếu – tráng… Xếp áo thư sinh năm 1970, Hoàng Gia Phong vào lính như bao thanh niên chưa tròn tuổi loạn khác. Để rồi mười năm sau đó, anh vượt biển đến định cư ở Hoa Kỳ. Ngày hội ngộ cùng anh chị em cựu hđs. Biên Hòa, anh Phong vẫn nhớ những bài ca hướng đạo, rồi cùng đồng đội cũ cất tiếng hát nghêu ngao:

“ Anh em ta, mau cố chất cây khô vào đây đốt chung …

Anh em ta, đùa vui hăng hái. Phỏng người đời như ta được bao?…”

                                                        hanhphuc_5hanhphuc_4

 

@ Anh Trương Đức Hoàng:

       Nhận cuộc gọi của anh Trương Đức Hoàng – cựu kha sinh Biên Giang, đạo Bửu Long –  từ sáng sớm, tôi dặn anh từ Sài Gòn về trạm xe buýt Biên Hòa gọi cho tôi. Trong vòng một giờ sau đó, tôi sắp xếp thật nhanh công việc qua phone, hủy luôn cuộc hẹn trong ngày rồi đi đón anh Hoàng.

hanhphuc_6

 

       Cùng với anh Đào Tấn Ngọc và anh Dũng De Gaulle, anh em tôi trực chỉ Hóa An thăm anh Lê Thanh Danh. Trà và rượu vang anh Danh chuẩn  bị sẵn, nhưng cuối cùng mấy anh em rủ nhau đến quán “ Dê Dốc Núi” nhậu một trận đã đời. Theo đề nghị của anh Hoàng, mọi người lục tục kéo nhau qua bến phà An Hảo, vượt sông Đồng Nai để đến nhà trưởng lớp Nguyễn Văn Sấm. Anh chị Sấm đã chuẩn bị món gỏi xoài tượng xanh trộn khô sặc nướng, sẵn sàng thù tiếp anh em nhà “Bê Bối” năm xưa.

hanhphuc_7

       Giữ lời hứa hướng đạo, tôi đưa ông anh thăm lại thầy cô giáo cũ và những bạn hiền của anh. Lần này vui quá, khi hai cựu hđs. thuộc đạo Bửu Long, được dịp bắt tay trái nhau tại quê nhà: Là đàn anh Trương Đức Hoàng –  chs.NQBH K.11 – về từ Australia, cùng đàn em Phạm Kim Phi Hùng –  chs.NQBH K.14 – về từ xứ lạnh Canada …

      

@ Chị Nguyễn Thị Kim Hồng:

       Chị Nguyễn Thị Kim Hồng – cựu thiếu sinh Triệu Thị Chinh, đạo Trấn Biên – là chị em nhà cô nhà cậu ruột với tôi. Hồi chị còn nhỏ, cậu ba tôi cho chị Hồng về chung sống với gia đình tôi. Nhờ vậy mà hai chị em được học chung trường Nữ Tiểu học, và được gia đình cho đi hướng đạo cùng lúc. Hơn tôi hai tuổi, nên chị Hồng sinh hoạt ngành Thiếu trước tôi hai năm. Và cũng có thể do lớn tuổi hơn, nên chị Hồng luôn nhường nhịn và ra sức che chở cho đứa em nhỏ của mình.

hanhphuc_8

       Lên bậc trung học, cậu ba của tôi đón chị Hồng về Sài Gòn học tiếp. Nhưng đã thành quen, nên mỗi bận tôi về thăm bà ngoại, là hai chị em tôi vẫn gắn bó như bóng với hình. Cuối năm 1978, chị Hồng vượt biển và định cư ở Canada. Cuộc sống quá vất vả và đầy rẫy lo toan, đã xô đẩy chị em tôi rời xa nhau từ đó…

hanhphuc_9

       Sau ba mươi bảy năm lưu lạc xứ người, hai chị em tôi mới được dịp kề cận bên nhau, trong chuyến đi chung về miền thùy dương cát trắng. Hai chị em vui vẻ nhắc chuyện trại hè, chuyện những vật dụng cần mang theo, mà tôi hay ghi thành danh mục trước mỗi kỳ trại. Hai đứa trẻ thơ ngày nào – bây giờ đã hóa thành “hai bà lão” – nhưng trong thâm tâm hai chị em tôi, vẫn còn đâu đó những tình thương xưa cũ… Tôi tự nhủ lần tới sang Canada, nhất định tôi sẽ đến “quấy rầy” bà chị cựu hđs.BH ngày ấy của tôi …  

 

@ Chị Nguyễn Thị Hồng:

       Ngày gặp lại chị Nguyễn Thị Hồng – cựu thiếu sinh Nguyễn Thị Tồn, đạo Trấn Biên – sức khỏe của tôi hãy còn … bê bết. Hai chị em hẹn nhau café ven sông “tâm sự loài chim biển”, vì tôi biết thời gian chị Hồng lưu lại thăm quê không nhiều. Phần tôi bây chừ rất ngán ngẩm tiệc tùng, nên tôi từ chối dự ngày họp mặt đông vui với khóa đàn chị. Có lẽ bộ máy tiêu hóa tôi đã bị “già nua”, nên hễ bàn đến lĩnh vực “ăn” là tôi ... hoang mang ngay tức khắc.

hanhphuc_10

 

       Cùng đi café với chị Hồng, có cả chị Phạm Thanh Thu – cựu thiếu sinh Nguyễn Thị Tồn – và bạn học cùng khóa 13 Trần Bích Thủy của tôi nữa. Bốn chị em cùng trường, cùng là dân cựu hướng đạo, nên câu chuyện bốn chị em tôi khá dễ thương. Chị Hồng có nhiều chương trình vui chơi cùng bè bạn và người thân ở Việt Nam, cho nên một buổi café trọn vẹn bên nhau thế này, đó cũng là niềm vui chung của những cựu hướng đạo sinh và cựu học sinh Ngô Quyền – Biên Hòa …

hanhphuc_11

 

@ Nguyễn Hữu Dũng:

       Dũng cũng là cựu thiếu sinh Ba Đình, nhưng khi tôi biết tin em định cư ở Hoa Kỳ, thì Dũng đã bình yên rời cõi tạm. Dũng được anh trai bảo lãnh định cư nước Mỹ, vào làm việc trong hãng máy bay Boeing vừa được sáu tháng, thì Dũng biết em bị bệnh ngặt nghèo. Hạnh phúc cuộc đời Nguyễn Hữu Dũng tuy không trọn vẹn, nhưng hai đứa con của em may mắn được nước Mỹ đùm bọc cưu mang…

hanhphuc_12

       Nguyễn Chí Hiếu không đi hướng đạo, nhưng Hiếu là bạn học chung khóa 13 với tôi, và là anh ruột của Nguyễn Hữu Dũng. Hiếu cũng là người cung cấp thông tin về Dũng, người em cùng đơn vị cũ với tôi. Hiếu lớn tuổi hơn tôi, nên năm lớp 11 Hiếu học nhảy lớp. Vì vậy Hiếu và tôi không biết nhau, lúc hai đứa còn học chung trường. Qua “cái sân chơi” Hướng Đạo trên trang nhà, Hiếu và tôi mới có dịp nhận “bà con”...

hanhphuc_13

       Hiếu cũng cho tôi biết thêm tin tức về những bạn học cũ, hiện đang cư trú trên nước Mỹ. Đặc biệt là Nguyễn Hữu Thành B, bạn chung lớp Bê Ba ngày cũ với tôi. Những  ngày giáp Tết năm nay, tôi và Hiếu mới gặp được nhau, khi Hiếu đưa mẹ của Hiếu về thăm quê cũ. Hiếu cười to, khi tôi tỏ ra nghi ngại:

-  Đến nước Mỹ rồi, phải thấy mới tin Hiếu ơi!...

-  Hiếu mời thật lòng đó, Mai nên đến thăm Seattle một lần cho biết. Cảnh thiên nhiên nơi đây đẹp tuyệt vời, rất hợp với sở thích của Mai.Vợ chồng của Sơn cũng ở gần Hiếu mà, Mai chớ có lo …

 

@ Đặng Vũ Giang:

       Giang xem chiếc áo lửa tựa báu vật đời Hướng Đạo của em. Tham dự bất cứ kỳ trại nào, Giang cũng chăm chỉ trao đổi huy hiệu với đơn vị bạn. Kho tàng kỷ vật của Giang càng nhiều, thì chiếc áo lửa thân yêu của em càng phong phú. Những ngày ghé thăm em ở Melbourne, tôi giúp em đính kết mớ bagde vào áo lửa. Việc làm của tôi nhỏ xíu xiu, nhưng cả nhà của Giang tung hô tôi hết cỡ. Vui nhất vẫn là Giang:

-  Hên quá! Nhờ chị Mai qua chơi, nên cái “đống badge” này mới được may vô áo lửa …

Bà xã Phương Khanh của Giang – cũng là một nữ trưởng hướng đạo – cứ cảm ơn tôi rối rít:

-  Em bận quá chừng quá đỗi chị Mai ơi! Không còn thời gian để may vá áo lửa hướng đạo gì cho ổng được…

hanhphuc_14

       Đặng Vũ Giang và tôi dường như có “duyên” dự trại họp bạn Hướng Đạo. Mà không “duyên” sao được? Tại kỳ trại họp bạn thế giới người Việt Thẳng Tiến IX, được tổ chức vào mùa hè năm 2009 tại San Jose nước Mỹ, tôi và em gặp lại nhau vào một buổi tối thật bất ngờ. Giang đến từ nước Úc, tôi từ Việt Nam sang … Để rồi giữa một rừng người khoảng 3.000 trại sinh, hai chị em không hẹn nhưng đã gặp nhau, sau hơn 34 năm dài bặt vô âm tín…

hanhphuc_15

 

       Cũng không hẹn, nhưng hai chị em tôi lại gặp nhau tại trại Thẳng Tiến X – được tổ chức vào mùa hè 2014 tại thành phố Houston (Texas, Hoa Kỳ) –  Tuy tình cờ, nhưng hai chị em đã thực hiện được một “giấc mơ có thật”… Huy hiệu đạo Bửu Long đã song hành cùng huy hiệu đạo Trấn Biên, tại một kỳ trại hướng đạo mang tầm cỡ quốc tế…

       Lần này Đặng Vũ Giang về thăm quê, tôi đã đưa em gặp lại bạn học cũ Phạm Kim Phi Hùng, trước khi mấy chị em tạm biệt Phi Hùng trở lại Canada… 

 

@ Trần Trung Sơn:

       Đôi chân còn chông chênh siêu vẹo sau cơn bệnh, nhưng tôi vẫn háo hức gặp lại em Trần Trung Sơn. Từ Seattle, em đã email cho tôi: “Vợ chồng em trở lại quê nhà, rất mong gặp lại chị…” Bốn mươi năm lưu lạc, hai chị em tôi mới có ngày này … Dù chưa khỏe hẳn, nhưng biết mẹ già mong gặp cậu Sơn, nên con trai tôi chịu khó “hộ tống” mẹ đến điểm hẹn. Trung Sơn hiện giờ đã có học vị tiến sĩ, và là giảng viên đại học ở Hoa Kỳ. Minh Phương – bà xã của Sơn – là một phụ nữ trẻ tuổi, dịu dàng và xinh xắn. Nhưng điều khiến cho tôi dễ chịu nhất, chính là thái độ hòa nhã và ứng xử tế nhị của Minh Phương.

hanhphuc_16

       Thấy tôi lúng túng với chiếc iphone, Minh Phương nhẹ nhàng đỡ lấy rồi nhanh nhẹn  giúp tôi cài đặt chương trình. Em tận tình hướng dẫn tôi cách sử dụng, để có thể gọi “free”  trò chuyện với Trung Sơn. Chuyện rất vui nhưng Phương kiếu sớm, nhường không gian lại cho tôi và ông xã của em:

-       Có dịp sang Mỹ lần nữa, em mời chị Mai đến “tệ xá” của vợ chồng em. Bây giờ em xin kiếu trước, em biết thế nào chị và anh Sơn cũng nhắc nhiều kỷ niệm trường xưa. Mà chuyện thời đó, em có biết gì đâu…

Tôi cảm ơn Phương, và khen lấy khen để với Trung Sơn:

-       Nè, mi cũ xì xì mà “săn” được cô vợ vừa trẻ đẹp, vừa dễ thương như vầy, mi khiến chị phát ghiền đó Sơn. Sao đám em của chị, đứa nào cũng giỏi dữ vậy ta?..

hanhphuc_18hanhphuc_17

       Hai chị em nhắc nhiều đến bốn cái tên: Phạm Kim Phi Hùng, Ngô Trọng Ân, Lưu Thừa Vũ và không thể thiếu Trần Trung Sơn … là nhóm bạn học cũ chung khóa 14 của Sơn, cũng đồng thời là những cựu thiếu sinh Ba Đình (đạo Bửu Long), đã  từng gắn bó với Sơn suốt quãng đời niên thiếu…

 

@ Phạm Kim Phi Hùng:

       Còn nhớ lần gặp cuối ở quê nhà, Phạm Kim Phi Hùng dặn tôi:” Chị nhớ viết thư cho em…” Từ kinh tế mới, tôi viết cho Phi Hùng lá thư thật dài, khuyên em “vượt qua số phận”… Nhưng thực sự lúc đó, tôi như khuyên nhủ chính bản thân mình. Chẳng qua tôi  tìm sự đồng cảm nơi Hùng, bằng những trang thư tôi viết cho em… Tôi không nhận được hồi âm của Hùng. Một thời gian khá dài sau đó, tôi mới hay tin em đã ra khơi.

hanhphuc_19
       Phi Hùng thuộc lớp đàn em, học sau tôi một khóa. Hùng cũng là sói con bầy Phù Đổng, thuộc đạo Bửu Long. Hồi đi học, tôi thân với Phi Hùng ở lớp học thêm Anh Văn. Em học giỏi, nhưng không kiêu căng. Tính tình Hùng giản dị, dễ hòa đồng. Ngồi học bên cạnh Hùng, tôi không cần tra tự điển. Tôi có cảm giác, em thuộc từng chữ từng trang trong quyển “English for today” book four đang học với tôi.

       Trước ngày sang Canada dự trại kỷ niệm 80 năm Hướng ĐạoViệt Nam – do chi nhánh HĐVN Canada tổ chức – tôi được Phạm Kim Luân cung cấp số phone và địa chỉ của Phi Hùng. Sau ba mươi tám năm lạc loài, hai chị em tôi mới gặp gỡ nhau, trong buổi hoàng hôn hắt hiu màu lá của khu rừng Tamaracouta (Quebec)…

hanhphuc_21hanhphuc_20

 

       Phương Mai – bà xã của Hùng, cũng là một huynh trưởng Hướng Đạo – kể tôi nghe chuyện vui về Hùng:

-  Ban đầu biểu làm tài chở mẹ con em đến trại, ổng cứ lừng khừng. Đến hồi nghe tin chị cũng sang đây dự trại, ổng còn hối mẹ con em đi sớm để gặp lại chị…

       Phương Mai làm phiên dịch tiếng Pháp cho trại, nên em khá bận rộn. Còn Phi Hùng và tôi, cùng hai cậu bé Việt Tâm và Việt Linh – hậu duệ của Phi Hùng – tha hồ tung tăng với những chương trình khác. Hai đứa nhỏ thích nghi khá nhanh với hoạt động trại, đặc biệt là bé Việt Linh đã khiến các trại sinh thích thú, với khả năng xoay rubic thật nhanh … Chỉ tốn khoảng 15 giây đồng hồ, là sáu mặt của khối rubic sẽ được sắp xếp cùng màu, bằng đôi tay vô cùng khéo léo của bé Việt Linh…

 

       Ba mươi tám năm lạc loài giờ gặp lại, Phi Hùng và tôi quấn quít sẻ chia đủ chuyện trên đời. Sự thân thiện của hai chị em, khiến một số trại sinh thắc mắc. Thời may bên cạnh căn lều tôi trú ngụ, là chiếc bàn ăn tựa “trạm thông tin” mỗi sáng, nên thắc mắc của các anh chị được giải đáp tức thì. Thậm chí, còn được mở rộng thêm nhiều tình cảm thân thiện khác nữa. Trưởng Ngô Sĩ Hân, qua câu chuyện đã nhận ra từng chung đơn vị với bác Phạm Kim Lân, ba của Phạm Kim Phi Hùng. Anh Hân bèn giới thiệu những địa chỉ có thể “chăm sóc” tôi, nếu tôi có dịp “lưu linh, lưu địa” về các tỉnh miền Tây nữa. Tình cảm anh chị em hướng đạo dễ thương vậy đó, khi anh chị em tôi nhận ra tín hiệu “người nhà” ở khắp năm châu …

hanhphuc_22

       Đã bốn mươi năm anh chị em tôi không mặc đồng phục hướng đạo, nhưng cũng ngần ấy năm dài anh chị em tôi vẫn tự hào, mình là những hướng đạo sinh chân chính. Nghĩa tình của gia đình cựu hướng đạo sinh Biên Hòa, qua thử thách thời gian bốn mươi năm vẫn keo sơn bền chặt. Anh chị em mình ơi! Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc đã trở thành dòng chảy ngay trong huyết quản anh chị em mình ...

                                                                “Anh em chúng ta, chung một đường lên,
Chung một đường lên đến nơi nguồn thật.
     Nguồn thật là đây, sức sống vô biên,
Sống vô biên là, sống cùng cùng tạo vật ...”

Diệp Hoàng Mai

Tháng 02/2016

01 Tháng Giêng 2024(Xem: 848)
Ngày 10 tháng 3 năm 2024 Hội Ngộ Ngô Quyền Mừng Tân Niên Giáp Thìn tại Houston, Texas.
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2067)
Nhưng lần họp mặt năm nay và những năm sau nầy…chị Thanh Vân Anderson không còn về với chúng ta nữa !!!
23 Tháng Hai 2023(Xem: 3713)
Sự hiện diện đông đảo của Quý Thầy Cô và Quý anh chị Đồng Môn nói lên tình đoàn kết keo sơn giữa tình đồng hương nơi xứ lạ quê người.
03 Tháng Tư 2022(Xem: 6556)
Đây là hồi ký của Tiến Sĩ Thanh Vân Anderson. Nội dung nói về ba giai đoạn trong cuộc hành trình gian khổ,