MỖI NGÀY LUÂN CHỌN MỘT NIỀM VUI…
@ Tình bạn của Phạm Kim Luân và tôi kể ra cũng lạ…
Hai đứa biết nhau từ lúc còn là ấu sinh của đạo Trấn Biên: Luân là đầu đàn Trắng bầy Nguyễn Du, tôi đầu đàn Đỏ bầy Bạch Phượng, hàng tuần sinh hoạt Hướng Đạo tại sân trường Tiểu học Nguyễn Du. Cuối năm 1970, Luân và tôi cùng đi dự trại họp bạn toàn quốc Giữ Vững tại Suối Tiên, quận Thủ Đức. Lúc đó Luân là đội trưởng đội Đại Bàng thiếu đoàn Quang Trung, còn tôi đội phó đội Thiên Nga thiếu đoàn Triệu Thị Chinh.
Thiếu sinh Phạm Kim Luân. “Sói con” ngơ ngác …( Dalat, Aug 1963)
Cùng thi đậu vào lớp đệ Thất trung học Ngô Quyền Biên Hòa, Luân và tôi tuy khác lớp, nhưng là học trò chung khóa mười ba. Ba của tôi là lính kỹ thuật Không đoàn Kỹ thuật & Tiếp vận sư đoàn III Không Quân, ba của Luân là sĩ quan cùng binh chủng và là cấp trên của ba tôi… Có khá nhiều điểm chung như vậy, nhưng hồi nhỏ tôi và Luân như hai người xa lạ. Không ghét, nhưng dường như cả hai đứa cũng chẳng có … chút gì để nhớ về nhau.
Luân lãnh phần thưởng. Luân dự lễ phát thưởng.
Ban Báo Chí (NK 1973-1974)
Nhóm thuyết trình Sử-Địa.
Sau kỳ trại họp bạn Hướng Đạo Giữ Vững, tôi chuyển sinh hoạt về thiếu đoàn Trưng Trắc Đạo thuộc Bửu Long, sinh hoạt hàng tuần tại sân trường trung học Ngô Quyền. Còn Luân – mãi về sau này tôi mới được biết – cùng thời gian đó Luân cũng chuyển về học trường Pétrus Ký Sài Gòn. Thời cuộc đổi thay, gia đình tôi không đất cắm dùi đành nổi trôi về vùng kinh tế mới. Tôi biết tin Luân đã vượt biên, nhưng không quan tâm lắm về người “anh em” cựu hướng đạo sinh chung đơn vị cũ của tôi.
Luân và Thiếu trưởng Lê Văn Hiếu tại Trại họp bạn ( Suối Tiên)
@ Luân và tôi tình cờ gặp lại nhau tại Aachen – một thành phố nằm giáp biên giới hai nước Đức và Hòa Lan – sau hơn ba mươi sáu năm dài bặt vô âm tín…
Buổi gặp gỡ cảm động không ngờ, chưa từng có trong suy nghĩ của tôi và Luân trước đó. Duyên may này có được, phải nhắc đến công lao kết nối của em Nguyễn Thị Kim Hoa – cựu học sinh NQBH, và là một cựu HĐS thông minh linh hoạt – thuộc thiếu đoàn Trưng Trắc ngày xưa do tôi phụ trách. Chính Kim Hoa đã nồng nhiệt – và khá kiên quyết – gọi điện cho Luân, trong lúc tôi còn đang chần chừ ngần ngại.
Mai và Cựu thiếu sinh Trưng Trắc Nguyễn Thị Kim Hoa. Mai cùng “ nhân vật” kết nối tình bạn Luân–Mai.
Chỉ có thể lý giải do “xa quê hương ngộ cố tri ” nên tôi và Luân mới … tự dưng thành bạn, từ cuộc hạnh ngộ quá bất ngờ nơi xứ lạ quê người. Cũng hơi “ngồ ngộ” có phải vậy không? Bởi theo Luật Hướng Đạo, thì tôi và Luân đã mặc nhiên là “anh (chị) em” cùng một nhà, kể từ ngày hai đứa đứng trước đoàn kỳ đọc lời tuyên hứa. Ấy vậy mà …
Từ đó Luân và tôi trở nên thân hơn, chuyện trò thường xuyên hơn qua email. Những điểm chung tiềm ẩn thời xa xưa ấy, nay mới được Luân và tôi vun quén một thân tình. Luân chia sẻ cho tôi nhiều hình ảnh tư liệu của đơn vị và gia đình, mà Luân còn lưu giữ được. Thỉnh thoảng Luân và tôi cũng bất đồng ý kiến, nhưng hai đứa thường tranh luận bằng những lý lẽ rất hài hước nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy vui và dễ chịu, bởi “lây nhiễm” ít nhiều phong cách hiền hòa nhã nhặn của Luân. Có thể Luân lịch sự, hoặc không thèm hơn thua với người bạn gái không còn trẻ, nhằm thể hiện … “đẳng cấp đàn ông” của mình. Đoán vậy thôi, chứ tôi hỏng biết trúng hay không nữa?
Luân cùng ba mẹ và các em. Gia đình Luân trước bảo tàng Dali (Hoa Kỳ).
Tháng 05/2012 em Nguyễn Thị Kim Hoa đưa tôi sang thăm đất nước Hòa Lan, quê hương thứ hai của Luân. Cư dân Biên Hòa nơi đây tôi có cơ hội ghé thăm, đều là dân Hướng Đạo. Ngoài gia đình bạn Phạm Kim Luân và gia đình em Phạm Kim Tuấn Khanh – em trai của Luân – còn có gia đình anh Nguyễn Văn Giác, con trai của cố đạo trưởng Nguyễn Văn Thuyết nữa. Từ thủ đô Bruxel nước Bỉ, anh chị Lê Chánh Cần – Đỗ Thị Thanh Tuyền không quản ngại đường xa, đến thăm tư gia vợ chồng bạn Phạm Kim Luân để cùng họp mặt với “cư dân” Ngô Quyền – Biên Hòa năm cũ.
Người Biên Hòa hội ngộ tại tư gia Phạm Kim Luân. Trước Casino Hòa Lan.
Đường qua nhà em Phạm Kim Tuấn Khanh. Phố cổ Hòa Lan.
Trước tư gia anh Nguyễn Văn Giác. Với Bùi Thị Mai (bà xã của Luân).
Cũng mùa hè năm 2012, Luân đưa gia đình thăm lại quê hương. Không hề dự tính trước, vậy mà bạn bè cùng khối của Luân và tôi có một buổi họp mặt vui rần rật bên sông Đồng Nai. Trước đó tôi đã kịp chở Luân dạo một vòng quanh thành phố Biên Hòa, ghé thăm vội vàng trường trung học Ngô Quyền và trường tiểu học Nguyễn Du, hai ngôi trường từng gắn bó với Luân thời thơ ấu.
Luân và bạn học cũ tại nhà hàng Đồng Nai (Tân Hiệp quán ngày xưa)
Tôi cũng kết nối cho Luân gặp gỡ hai ông anh cùng họ “ Kiến” với Luân, đó là KTS. Khương Văn Mười và KTS. Nguyễn Văn Tất. Tôi không báo trước, nên anh em nhà Kiến – đều là CHS.NQBH – rất bất ngờ và vui đôm đốp. KTS. Nguyễn Sơn Tây – chủ quán café Một Thưở – tình cờ trở thành “nhân chứng” cho buổi họp mặt ấm áp nghĩa tình của các CHS trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa, ngôi trường đã một thuở vang danh khắp cả miền Đông Nam Bộ.
@ Luân hay gửi link bài hát cho tôi. Bài mới nhất Luân gửi tặng tôi, là lời tự ru “ Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh…
Nhưng tôi thích “ Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của Trịnh Công Sơn hơn, nên đã rủ Luân cùng hát. Tình bạn Luân và tôi tuy muộn màng, nhưng khá đủ đầy ý nghĩa. Cuộc đời đứa nào giờ cũng trãi biết bao cung bậc vui buồn lẫn đắng cay, nên tuổi xế chiều hai đứa khuyên nhau, hãy xem những chướng ngại còn lại trong đời tựa cơn gió thoảng. Bất kể sống ở nơi nào, thì đôi bạn Luân – Mai cũng chỉ là những “hạt bụi hóa kiếp”, theo ngày tháng miệt mài “ Tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời….”
Học trò lớp 9/6 ngày xưa. Phạm Kim Luân, Nguyễn Ngọc Thanh, Trần Thanh Châu làm báo học trò.
Mai và Luân ở Sài Gòn.
Luân ơi! Tuổi già đang rùng rục đến với tụi mình rồi, tất nhiên tuổi già cũng kéo theo lắm bệnh tật, sau quãng đời dài nặng gánh áo cơm. Thôi thì, tụi mình cùng cầu nguyện cho nhau – và cho tất cả đám bạn bè già nua của tụi mình – thật nhiều nghị lực, để cùng vượt qua chướng ngại đời người ai cũng có lần phải trãi… “ Mỗi ngày chọn một niềm vui” nghe Luân, để làm điểm tựa vững vàng cho trái tim mình…
“Mỗi ngày tôi chọn môt niềm vui”
https://www.youtube.com/watch?v=DKC_muMdO1I
Diệp Hoàng Mai
Tháng 07/2015