Phiếm Luận … Túc Cầu
Ngưòi Xứ Bưởi
Giải túc cầu Women’s World Cup Canada 2015
Trước trận chung kết: Ai thắng ai bại ?
Chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa là trận chung kết chấm dứt giải túc cầu Women’s World Cup Canada 2015.
Giới mộ điệu mong chờ một trận đấu "nóng bỏng" hơn thường lệ sau đúng một tháng tranh tài của những "nữ kiệt" từ bốn phương tụ về . "Nóng bỏng" bởi lẽ Hội Tuyển Túc Cầu Mỹ sẽ đụng độ Hội Tuyển Túc Cầu Nhật, mà trong giải chung kết 4 năm trước, Nhật đã "hạ" Mỹ một cách may mắn qua màn đá penalty luân lưu. Kỳ này là cơ hội hiếm có để Mỹ có thể "phục thù". Nhưng liệu Mỹ có thực hiện nỗi "giấc mơ" này hay không ?
Hội Tuyển Nhật
Hội Tuyển Mỹ
Hiện nay Mỹ đang đứng hạng thứ 2 trên thế giới, còn Nhật thì chỉ đứng hạng thứ 4 mà thôi. Điều này cho thấy Mỹ phần nào hơn Nhật về khả năng "nhồi bóng". Thực vậy càng vào sâu, Hội Tuyển Mỹ càng thắng vẻ vang một cách rõ rệt. Chẳng hạn như trong vòng tứ kết, Mỹ đã chủ động hầu như trong suốt trận đấu thắng China . Vào vòng bán kết đụng độ với Đức - đang đứng hàng số 1 trên thế giới - Hội Tuyển Mỹ đã chứng minh khả năng tấn công "ào ạt" thắng rõ rệt 2:0, khiến cho chính Nữ Huấn Luyện Viên Quốc Gia Silvia Neid của Đức phải công nhận là Mỹ thắng rất xứng đáng. So sánh lại thì Hội Tuyển Nhật chỉ thắng một cách "nhỏ nhặt" không có gì vẻ vang cả với chênh lệch chỉ 1 bàn thắng mà thôi. Nhứt là trong vòng bán kết Nhật chỉ thắng Anh một cách quá may mắn vào giây phút chót, khi hậu vệ Bassett của Anh xui xẻo "tự đá" vào gôn nhà.
Xét qua kết quả và "chiến pháp" thì thấy rõ về sở trường của đôi bên. Chiến thuật của Nhật là giữ banh chắc để phòng thủ và đưa banh ngắn vào vùng cấm địa để làm bàn. Về phía Mỹ thì tiến quân ào ạt dũng mãnh tựa như xe lửa siêu tốc TGV với đường banh dài và cao. Chính với chiến thuật tấn công này mà Mỹ đã hạ "đo ván" Đức 2:0 . Chắc chắn bộ tham mưu Mỹ cũng sẽ tiếp tục chiến thuật này với "thể xác" cao lớn vượt trội để áp đão Nhật "lùn" chiếm "không phận" trong vùng cấm địa trước gôn.
Ngoài ra Hội Tuyển Mỹ có 3 lợi thế lớn:
1/ Hội Tuyển Mỹ được nghỉ dưỡng sức hơn Nhật 1 ngày trời. Yếu tố này rất quan trọng, nhứt là cả tháng gắng sức tranh tài khiến cơ thể vô cùng mệt mỏi .
2/ Kế đến lại đá ngay tại Bắc Mỹ, cho nên Hội Tuyển Mỹ "khoẻ ru" không sợ bị chênh lệch múi giờ quá độ như Hội Tuyển Nhật phải mệt mỏi chịu đựng cách biệt 16 tiếng.
3/ Sau cùng trận chung kết được tổ chức tại Vancouver sát ngay biên giới Mỹ thì khán giả đa số là dân Mỹ và sẽ hết lòng ủng hộ tinh thần "gà nhà".
Những yếu tố này vô cùng quan trọng và đã giải thích được tại sao đến mãi đến năm ngoái 2014 một hội tuyển từ Âu Châu (đội Đức) mới thắng giải túc cầu thế giới tại Nam Mỹ (Ba Tây).
Vài ngày trước đây - trưóc trận bán kết giữa Mỹ và Đức -, người viết đã đưa nhận định sau khi eMail phân tích cùng các thân hữu NQ : "Đây có thể được coi là trận chung kết "thật sự" của 2 đội tuyển đứng nhất & nhì trên thế giới. Như vậy đội nào thắng thì có hy vọng 90 % đoạt giải vào chủ nhựt tới ".
Được cả 3 yếu tố thiên thời địa lợi và nhân hoà mà nếu kỳ này Hội Tuyển Mỹ không đoạt cúp vàng thì kể như "hết chỗ nói" .
Vậy thử chờ xem "hồi kết" ra sao!
Trong phần phụ đính 1, tác giả Trương Thị Hàm Yên có đề cập thú vị đến giải túc cầu này và nhận xét về trận chung kết sắp tới. Rất tiếc là tác giả "đứng cửa giữa" không tiên đoán "ai thắng ai bại". Trong quá khứ , tác giả này là một phụ nữ "hiếm hoi" dám viết về địa hạt túc cầu và được nhiều độc giả hâm mộ . Đặc biệt trước đây 5 năm trong giải túc cầu thế giới tác giả có viễn kiến nhìn thấy Hội Tuyển Đức trên đà "đổi mới" để có thể vô địch thế giới (click xem Nguồn 1 ở dưới bài).
Tương tự trong phần phụ đính 2, chs-NQ 11 Trương Đức Hoàng (cũng cùng họ Trương!) đưa những phân tích sâu sắc và nhận định lý thú về diễn biến chung quanh giải túc cầu Women’s World Cup Canada 2015 qua eMail cùng các thân hữu NQ.
Sau hết xin cám ơn Cô Đặng Thị Trí - một Nữ Giáo Sư môn Việt Văn tại trường Ngô Quyền trước 1975 - đã ưu ái viết một eMail cách nay đúng 1 năm vào ngày 18/07/2014 trong dịp giải túc cầu thế giới tại Ba Tây 2014 ( xem Nguồn 2 ) để "khuyến khích" học trò NQ năm xưa:
"Chờ mãi hôm nay mới đọc được bài viết về trận chung kết, chắc chờ cho nỗi vui lắng xuống?!
Đùa thôi. Đọc "bình loạn" lại thêm lý luận theo âm dương nữa thì thật tuyệt!!!. Không ngờ em có nhiều tài như thế. Nhất định học trò 'đàm thụ" của Cô thì phải hơn người chứ. Chúc em ngủ ngon chóng lại sức sau một tháng vất vả."
Vâng, tại vì "vất vả" quá nên đến nay mới dám ngồi lại "viết lách" lại!!
Ngưòi Xứ Bưởi
03/07/2015
Nguồn 1:
http://www.ngo-quyen.org/p101a1140/nguoi-xu-buoi-noi-chuyen-tuc-cau-1-2-3-4
Nguồn 2:
http://www.ngo-quyen.org/p101a3804/nguoi-xu-buoi-tu-ngo-quyen-den-giai-tuc-cau-world-cup-2014-4
Phụ đính 1
Trương Thị Hàm Yên
Thắng Anh 2-1, Nhật vào chung kết với Mỹ vào chủ nhật
Trong bóng đá, yếu tố bất ngờ và may mắn luôn hiện diện. Nhận xét trận Mỹ thắng Đức, một bình luận viên đã nhận xét thật hay. Chiến thắng của Mỹ có phần của sự xứng đáng (deserved) nhưng cũng có phần may mắn (lucky). Nhật cũng vậy, chiến thắng của họ cũng có cả hai yếu tố đó: Xứng đáng và may mắn. Hãy chờ xem hai yếu tố này sẽ đứng về đội nào trong trận cầu vô địch nữ 2015 giữa Mỹ và Nhật!
Với chiều cao vượt trội, đội Anh nhiều lần dùng “không chiến” để tấn công đội Nhật
Cali Today News – Cứ tưởng chừng như hai đội Anh và Nhật sẽ đá thêm giờ, vì trận đấu đã vào những giây phút cuối cùng, thế nhưng ở thời điểm đó, Nhật đã thắng 2-1 nhờ cú sút vào lưới nhà của hậu vệ Anh Laura Bassett, khi cô cố phá quả bóng trước khung thành đội Anh. Bóng dội vào phía mặt trong của xà ngang, dội xuống đất, phía sau lằn ranh ngang của khung thành (goal line). Bàn thua này kết thúc giấc mơ của đội nữ Anh, đội bóng mang tên những con sư tử cái.
Đây là lần đầu tiên đội tuyển nữ của Anh vào bán kết và đây cũng là lần đầu tiên mà đội nữ Anh vụt mất cơ hội vào chung kết. Toàn cục trận đấu, đội Anh phải chịu nhiều lần không may mắn. Các “con sư tử cái” đã sút dội khung thành đến hai lần trong hiệp 2 qua cú sút của Toni Duggan và Ellen White. Ngoài ra, cú đánh đầu ra ngoài trong gang tất của Jill Scott từ một quả phạt góc cũng là điều đáng tiếc cho đội Anh. Cơ may đã không mĩm cười với đội Anh, và lỗi lầm của hậu vệ Bassett vào giây phút cuối đã làm tiêu tan giấc mơ của những cô gái đảo quốc Anh Cát Lợi.
Với trận thắng này, Nhật sẽ từ Edmonton bay về Vancouver để gặp đội Mỹ trong trận tranh chức vô địch vào chủ nhật này. Đây là hai đội kỳ phùng địch thủ. 4 năm trước Mỹ thua Nhật trong trận chung kết vì những cú sút luân lưu 11 mét.
Hai bàn thắng ở hiệp 1 là từ hai cú phạt đền và hai cú phạt này cũng đầy tranh cải. Bàn thắng đầu vào phút 33 cho đội Nhật do Miyama sút phạt đền thành công. Hậu vệ trái của Anh Claire Rafferty đã cố đuổi theo Saori Ariyoshi trong một pha bóng, và xô lưng Saori, và hậu quả là trọng tài chỉ ngay chấm phạt đền. Đây là quyết định sai của trọng tài người Tân Tây Lan là Anna-Marie Keighley, giống như trong trận Mỹ – Đức, vì truyền hình quay lại cho thấy rằng lỗi của Clair Rafferty xảy ra ngoài khu vực 16.5 mét. Đội Anh phản đối cú phạt này, nhưng trọng tài bác bỏ sự phản đối đó.
Chỉ 7 phút sau, cũng bằng quả phạt đền, Fara Williams sang bằng tỷ số cho đội Anh. Đây cũng là quả phạt đầy tranh cải. Đội trưởng đội Anh là Steph Houghton ngả trong vòng 16.5 mét do lỗi của hậu vệ Yuki Ogimi, và Williams đã chuyển thành bàn thắng, quân bình tỷ số 1-1 cho đội Anh.
Trong trận này, ngay từ đầu, đội Anh có vẻ nhĩnh hơn. Mới phút thứ nhất, tiền đạo Jodie Taylor đi bóng sắc sảo, vượt thoát khỏi hậu vệ Nhật kèm chặt cô, và cô đã tung cú sút nguy hiểm nhưng ra ngoài trong gang tất.
Nhật mất một thời gian mới tìm thấy lại phong độ, và bắt được nhịp độ trận đấu, quân bình thế trận khu trung tuyến và bắt đầu kiểm soát bóng lại như sở trường của họ.
Theo thống kê toàn trận, Nhật kiểm soát bóng 62% trận đấu so với 38% của Anh. Trong lúc đó, Anh sút cầu môn nhiều lần hơn (11 lần), so với Nhật chỉ có 4 lần. Nhật cầm bóng nhiều, bật tường và lên bóng chậm, cố tạo ra cơ hội tấn công, trong lúc đó, các cô gái Anh đi bóng dài, nhanh và tấn công chớp nhoáng hơn.
Trận đấu được xem là căng thẳng, quyết liệt, và đầy va chạm. Anh phạm lỗi 17 lần, trong lúc đó Nhật phạm lỗi 9 lần.
Trong bóng đá, yếu tố bất ngờ và may mắn luôn hiện diện. Nhận xét trận Mỹ thắng Đức, một bình luận viên đã nhận xét thật hay. Chiến thắng của Mỹ có phần của sự xứng đáng (deserved) nhưng cũng có phần may mắn (lucky). Nhật cũng vậy, chiến thắng của họ cũng có cả hai yếu tố đó: Xứng đáng và may mắn.
Hãy chờ xem hai yếu tố này sẽ đứng về đội nào trong trận cầu vô địch nữ 2015 giữa Mỹ và Nhật!
Trương Thị Hàm Yên
Phụ đính 2
Trương Đức Hoàng
Một nốt nhạc buồn cho đội tuyển Đức!
Huấn luyện viên và 2 nữ cầu thủ Đức bị thua Mỹ "buồn đứt ruột"
Jul 1, 2015
Hoàng nghĩ đúng là "karma" vì ở trận tứ kết, trọng tài cho Đức đá phạt đền khi trái banh (bay tới) chạm cánh tay hậu vệ Amel Majri của Pháp. Trong trận bán kết hôm nay, hậu vệ Annike Krahn của Đức phạm lỗi khi truy cản tiền đạo Alex Morgan ở ngoài vòng cấm địa nhưng Mỹ lại được "hưởng" trái phạt đền ?! (ở vòng 16, trọng tài cũng "tặng" Mỹ một trái phạt đền và thủ môn Catalina Perez của Colombia bị thẻ đỏ, dù cô chỉ chạm chân Morgan ở ngoài vạch 16 mét 50 ). Thường thì các tiền đạo hay mượn đà để... lao tới và...té trong vòng cấm địa, nếu trọng tài không tinh tế sẽ quyết định sai lầm và chỉ ngay chấm phạt đền!
Ngoài ra, trọng tài chỉ phạt hậu vệ Julie Johnston của Mỹ thẻ vàng thay vì thẻ đỏ! (nếu trong 30 phút còn lại Mỹ chỉ đá với 10 người, chưa chắc họ thắng Đức dễ dàng với tỉ số 2-0).
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tiền đạo Sasic của Đức đá phạt thành công và Mỹ không được "biếu" 1 trái phạt đền ?! Tất cả chỉ là định mệnh nên "xe tăng" Đức phải dừng lại ở ngưỡng cửa vào vòng chung kết!
Hoàng có đọc một bài viết về các trọng tài nữ trong giải World Cup 2015 và thấy tác giả nhận xét rất đúng: một số chưa đủ trình độ cầm còi khi so sánh với những bậc lão luyện, hình như họ quyết định theo...cảm tính chứ không phán đoán chính xác theo diễn biến vừa xảy ra (có khi các cầu thủ chuyền banh rồi chừng vài giây sau mới thổi phạt!)
Hoàng nghĩ Giám đốc huấn luyện Jill Ellis của Mỹ và bộ tham mưu đã nghiên cứu kỹ trận đấu giữa Đức và Pháp, từ đó họ mới đưa ra đấu pháp 4-5-1 (4 hậu vệ, 5 tiền vệ và 1 tiền đạo cắm là Alex Morgan). Như vậy dàn thủ của họ rất kín kẻ với 2 tiền vệ che chắn trước 2 trung vệ. Hơn nữa, 2 tiền vệ cánh có thể tăng tốc để gây khó dễ cho 2 hậu vệ biên của Đức (như tiền đạo cánh phải Thomis của Pháp). Suốt hiệp đầu họ đã chơi với lối "pressing" rất hiệu quả và đáng lẽ đã dẫn trước ít nhứt 2 bàn!
Trong trận gặp Pháp, Giám đốc huấn luyện Silvia Neid đã tung 3 tiền vệ vào thay người ở hiệp 2 với quyết tâm gỡ huề 1-1. Hoàng không hiểu tại sao lần này, sau khi Đức bị lấn lướt và khốn đốn ở hiệp 1, cô lại không đưa những tiền vệ tài năng vào để đối chọi với với hàng tiền vệ của Mỹ ?! Với 3 tiền vệ đang sung sức thay thế tiền đạo Popp (bị chấn thương ở đầu), Mittag và 1 tiền vệ đang mệt mỏi, Đức có thể thủ huề để đá thêm giờ với Mỹ!
Như vậy không phải cầu thủ Đức thua vì đá... dở hơn Mỹ, nhưng vì sai lầm chiến thuật! Nếu rút kinh nghiệm từ bài học trong trận tứ kết với Pháp: tăng cường thêm tiền vệ thủ để che chắn và bọc lót cho hậu vệ, thay người đúng lúc và hợp lý (bằng những tiền vệ đang mạnh mẻ) để tranh và kiểm soát banh, những tài hoa của Đức không phải thất vọng não nề như vậy!
Kết quả trận bán kết hôm nay là một nốt nhạc buồn cho đội tuyển Đức! Sau trận tranh hạng 3, cô Sylvia Neid, thủ môn đội trưởng Angerer và một số đồng đội sẽ "rửa tay gác kiếm", trong khi các cầu thủ còn lại phải đợi 4 năm sau để dự trận thư hùng World Cup 2019 tại Pháp.
Khi bắt đầu giải, ngoài đội Úc nhà Hoàng đã "chấm" Đức và Pháp. Khi xem trận tứ kết giữa Đức và Pháp, Hoàng không muốn bên nào thua hết! Bây giờ Hoàng "tan nát cõi lòng" vì Úc, Pháp bị loại và Đức cũng vừa thua 2 bàn không gỡ (nếu đánh cá kiểu này chắc "từ chết tới bị thương", phải không anh Phúc?).
Jul 2, 2015
Một lần nữa trọng tài New Zealand đã "tặng" không mỗi bên 1 trái phạt đền trong trận bán kết giữa Anh và Nhựt:
- Hậu vệ Claire Rafferty của Anh đuổi theo phía sau và xô lưng hữu vệ Saori Ariyoshi ở ngoài vòng cấm địa! (rất rõ khi xem lại trong video). Hơn nữa, khi đá trái banh "penalty", cái kiểu thủ quân Aya Miyama của Nhật chạy tới rồi chần chừ, nhấp nhứ vài giây để "nhử" thủ môn của Anh có thể coi như "illegal" (không hợp lệ) và trọng tài có thể bắt cô đá lại!
- Tiền đạo Yuki Ogimi của Nhật chỉ chạm nhẹ vào gót chân hậu vệ Steph Houston nhưng cô đã...té lăn kềnh! Cú té này chỉ đỡ coi hơn lần tiền vệ Lavoger của Pháp lao vào rồi ngã trong vòng cấm địa (ở trận tứ kết giữa Pháp và Đức) một chút.
Đội Anh... xui tận mạng, đâu ai ngờ khi hậu vệ Laura Basset đưa chân phải để phá banh từ đường chuyền của tiền vệ Nahomi Kawasumi, quả da lại xẹt "ép phê" vào góc thượng lưới nhà vào phút cuối! Thiệt thương tâm khi thấy cô tuyệt vọng ngước lên nhìn về phía khung thành, không biết bao nhiêu người bị vỡ tim vì trái "own goal" này ?!
Đúng là "hay không bằng hên", nhưng trong trận này Nhựt đá không thuyết phục lắm! Hoàng nghĩ với phong độ thắng Đức 2-0 ở trận bán kết, đội Mỹ có thể nâng cao chiếc cúp vô địch lần nữa!
Lần này Ban điều hành FiFa đã (tán tận lương tâm) sắp xếp để mấy đội banh đứng đầu gặp nhau từ vòng ngoài: Đức - Pháp ở tứ kết, Đức - Mỹ ở vòng bán kết, trong khi ở nhóm còn lại chỉ có Ba Tây, Nhật và mấy đội làng nhàng. Họ làm như vậy để bán vé và kiếm thêm tiền thu từ các đài truyền hình, đặc biệt nếu Canada và Mỹ gặp nhau ở trận chung kết! Khán giả rất thưa thớt trong hầu hết các trận đấu (ngoại trừ những lần Canada ra quân là khoảng hơn 50 ngàn người xem) nên đội chủ nhà càng vô sâu, ban điều hành càng dễ kiếm thêm tiền! Đây là lý do khiến các đội banh hay dễ bị loại ở vòng ngoài (như Pháp) và những trận bán kết, chung kết không còn hấp dẫn nữa!
Ngoài ra, Đức bị áp lực nhiều nhứt vì họ phải đấu với những đội có khả năng đoạt giải theo thứ tự như sau: vòng 16 (Thụy Điển - hạng 5), tứ kết (Pháp - hạng 3), bán kết (Mỹ - hạng 2). Nếu thắng Mỹ khi vào chung kết họ có thể gặp Nhựt (hạng 4).
Có thể nói lần này Mỹ rất hên: đứng đầu bảng ở vòng loại dù thuộc nhóm "tử thần" (group of death) với Thụy Điển, Úc và Nigeria, ở vòng 16 gặp Colombia (hạng 28), tứ kết (China - hạng 16).
Nhựt cũng may mắn không kém vì ở vòng loại chỉ gặp Thụy Sĩ, Cameroon và Equador, ở vòng 16 gặp Hòa Lan (hạng 12), tứ kết (Úc - hạng 10). Ba Tây là ứng viên nặng ký cho chức vô địch nhưng đã thua Úc nên đường vào chung kết của Nhựt không gian nan như nhóm 1.
Trong thư vừa rồi Hoàng có nhắc đến những quyết định... chết người của trọng tài. Nếu không có những trái phạt đền oan uổng thì:
- Canada huề với China 0-0, được 3 điểm (3 huề) và sẽ bị loại vì chỉ ghi được 1 trái trong trận gặp Hòa Lan (1-1).
- New Zealand thắng China 2-1 và được 4 điểm (1 thắng, 1 huề, 1 thua), China 3 điểm (1 thắng, 2 thua): China bị loại, New Zealand sẽ gặp Cameroon ở vòng 16 và có thể đụng Mỹ ở tứ kết.
- Colombia hoà với Anh 1-1 và được 5 điểm (1 thắng, 2 huề), Anh 4 điểm (1 thắng, 1 huề, 1 thua): ở vòng 16, Anh sẽ đụng Mỹ, Colombia đứng nhì sẽ gặp Na Uy.
Như vậy biết đâu Mỹ có thể bị loại vì...kỵ "rơ" với New Zealand và Anh ?!
- Pháp không bị phạt đền ở phút 84 sẽ thắng Đức 1-0 và gặp Mỹ ở bán kết! Với khí thế hừng hực không chừng họ có thể vào chung kết và thắng Nhựt (hay Anh) để nâng cao chiếc cúp vô địch.
Bàn chơi cho vui chứ đội banh nào cũng có lúc xui xẻo và thua tức tưởi để "fan" nhà tức như bị...bò đá, phải không anh Phúc? (chẳng hạn như hậu vệ Lauren Sesselmann của Canada đỡ banh bị trượt chân để tiền đạo Taylor của Anh chớp thời cơ ghi bàn ở phút thứ 10).
eMail về WWC 2015 / Trương Đức Hoàng