
Hồng trở lại bàn:
“Anh Thăng ăn gì? Anh Nam thì em biết rồi!”
“Cô Hồng cho mì, hủ tiếu gì cũng được.”
Tôi lấy bao nilông ở trong ngực ra đặt xuống bàn. Tôi mở bao thư. Những tờ giấy bạc thơm phức.
“Tiền gì vậy anh Thăng?” Hồng hỏi.
“Tiền Tây.”
“Anh Nam có biết chỗ nào đổi tiền không?”
“Tôi có biết một chỗ đổi đó. Nhưng không biết ở đó có đổi đồng quan Pháp không?”
“Anh Nam hỏi giùm tôi. Tôi muốn đổi lấy vàng.”
“Chi vậy? Anh tính vượt biên à?”
“Ừ. Thì cũng tính chớ.”
“Sao anh không chờ chị bảo lãnh?”
“Cho tới bây giờ tôi cũng chưa rõ nhà tôi sống chết ra sao, làm sao mà chờ bảo lãnh?”
“Mà chị đi lâu chưa?”
“Lâu rồi. Cũng ba bốn tháng rồi. Chẳng lẽ ở trên biển tới ba bốn tháng!”
“Anh Thăng đừng lo.” Hồng an ủi, “Trước sau gì anh cũng được tin mà. Còn chuyện đổi tiền, em nghĩ là anh Phước làm được.”
Tôi xếp những tờ giấy bạc bỏ vào phong bì.
“Em sẽ mua hủ tiếu Nam Vang cho anh Thăng. Còn anh Nam vẫn bò viên hay thứ khác?”
“Bò viên. Tôi chung thủy lắm.”
Hồng đứng dậy đi ra cửa.
“Lại mưa nữa rồi anh Nam ơi!”
“Thôi, tôi không đói đâu.” Tôi tiếp, “Cô Hồng cho tôi thêm một ly cà phê nữa.”
“Đừng lo, anh Thăng! Để tôi đưa cô Hồng đi. Anh cứ ngồi đây nhâm nhi cà phê.”
Ngồi lại một mình trong quán cà phê, tôi lấy thư Ma Chirac ra đọc. Rồi tôi xếp những tờ đồng quan Pháp hết theo chiều dọc lại theo chiều ngang, lại xòe cánh quạt. Tôi đưa lên mũi ngửi. Sao mà đồng tiền Tây nó thơm thế. Tôi nhớ lối tiếp chuyện của tay Thierry Rousselin. Hắn có khuôn mặt của một thanh niên vừa mới lớn, dưới chiếc đầu sói sọi của một cụ già. Hắn nói hắn chào đời ở Vientiane và có thời gian học ở Jean-Jacques Rousseau Saigon. Hắn nói hắn không quen Marguerite Chirac, nhưng hắn có biết bố của cô. Hắn hỏi tôi có ý định đi Pháp hay không? Gia đình tôi có ai ở Pháp không? Ba tôi làm gì? Tôi nói ba tôi đã chết. Hắn hỏi nhưng mà trước đó ông cụ làm gì? Tôi nói ông đi lính cho Pháp, ông là sĩ quan tốt nghiệp trường Võ Bị Dar-el-Beida, đã theo chân Tướng Juin đổ bộ lên Ý Đại Lợi, đã được ân thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh và được tuyên dương công trạng mười hai lần trước hành quân... “Nhưng ba ông tên gì?” “Trần Lâm Thành.”
“Tốt nghiệp Võ Bị Dar-el-Beida năm nào?” “Tôi hoàn toàn không biết. Tất cả những gì tôi nhớ được chỉ là những câu nói của cha tôi lúc ông say rượu. Còn nữa.
Ổng là bạn của ông Phan, cựu thủ tướng của Việt Nam Cộng Hòa. Ông Phan hiện ở Mỹ. Cha tôi hồi còn sống có treo trong phòng một tấm ảnh chụp với ông Phan và những người lính Pháp...” “Ông còn giữ những tấm ảnh ấy không?” “Không. Tôi không có trong tay một thứ hình ảnh hay giấy tờ nào liên quan đến công việc của cha tôi.” “Tiếc quá! Làm sao bây giờ. Nếu ông có thể chứng minh được ông cụ là người từng chiến đấu dưới lá cờ Pháp Quốc, tôi nghĩ là tôi có thể giúp ông đi Pháp nhanh chóng.” “Hiện tôi có mấy đứa con ở Pháp.” “Họ đang làm gì?” “Chúng nó còn đi học. Đứa lớn nhất mới mười bốn tuổi.” “Nhưng chúng ở với ai?” “Với mẹ chúng.” “Tại sao bà ấy không bảo lãnh ông?” “Chúng tôi đã ly dị. Và tôi đã lập gia đình với một người đàn bà khác.” “Người đàn bà này hiện ở đây với ông?” “Không. Bà ấy đã vượt biên.” “Nghĩa là?” “Nghĩa là tôi ở đây một mình.”
Tên Thierry Rousselin này ghê thật. Sao hắn cho mình cái túi nilông đựng giấy tờ hè?
Ma Chirac. Tôi dần dần nhớ lại khuôn mặt của cô. Mái tóc ngắn, hai con mắt to xanh lơ, mũi thon nhọn, những sợi lông măng trên một khuôn mặt hồng, môi không mỏng nhưng hơi cong. “Bố tôi nói...” Cô luôn luôn giải thích mọi chuyện bằng cách nói rằng “bố tôi nói như vậy.” “Bố nói căn phòng tôi ở là căn phòng mà nữ ca sĩ Dalida, người rất nổi tiếng với ca khúc Bambino một thời đã ở.” “Bố tôi nói khi Dalida đến Việt Nam, cô đã ở khách sạn này và cô đã bắt khách sạn thay toàn bộ màn cửa màu hồng, hoa hồng mỗi sáng cho mỗi phòng.” “Bố tôi nói bố tôi thích bài Les Feuilles Mortes. Et la mer s'efface sur le sable... les pas des amants désunis...” “Yves Montand. Ông có biết Yves Montand không? Bố tôi nói bố tôi không thích tay này. Ông chỉ thích Edith Piaf và Simone Signoret, những người phụ nữ đã làm cho Yves Montand nổi tiếng. Bố tôi nói tay này lạng quạng về chính trị lắm. Lúc theo cộng sản, lúc chống cộng sản. Cũng may, ông ta chưa bao giờ là một đảng viên cuồng tín. Tôi thì tôi thích Catherine Deneuve hơn...”
“Bố tôi nói...” Chỉ một buổi tối thôi mà Ma Chirac cho “Bố tôi nói...” nhiều quá. Bây giờ tôi mới nhớ ra như vậy. Và hết.
Như cuốn phim bị đứt và đèn trong rạp bật sáng. Những hình ảnh nhảy lạng quạng trên màn ảnh. Tiếng cửa sắt bị đập làm tôi giật mình.
“Cô Hồng ơi! Có ai trong nhà không?”
Tôi đứng dậy xếp tiền và giấy tờ vào bao nilông! Thói quen thôi.
“Cô Hồng không có nhà,” tôi vừa nói vừa bước tới gần cửa, ghé nhìn ra ngoài.
“Anh Thăng. Sao anh ở đây?”
Tôi giật mình, nhận ra người gọi cửa là Phước.
“Trời. Phước hả?”
“Phước đây. Anh mở cửa cho tôi vào đi!”
Tôi nâng cái móc lên, đẩy cửa. Phước lách vào.
“Làm sao anh quen nhà này?”
“Tôi đi với Nam. Có phải Phước quen một người tên Nam không?”
“Quen gì! Bạn nối khố của tôi đó. Nó đâu rồi anh?”
“Nam với cô Hồng đi chợ Nguyễn Thiện Thuật mua thức ăn rồi!”
Phước tự động kéo ghế ngồi xuống.
“Tôi sắp có chuyến đi.”
“Lại đi?”
“Anh không đi sao? Anh được tin chị chưa?”
“Chưa. Nhưng mà...”
“Bộ anh muốn hỏi tôi sao lần gặp cũng nói chuyện đi phải không?”
“...”
“Anh không tính đi, vậy chớ anh tính ở đây luôn à?”
“Thì tôi cũng vừa tính với Nam xong. Phước, tôi đang có một món tiền!”
“Một món tiền? Như vậy là anh đã liên lạc được với chị rồi à?”
“Không. Tôi vẫn chưa có tin tức gì của nhà tôi. Nhưng,...” tôi mở bao nilông của tay Thierry Rousselin ra, “đây có thể giúp cho anh và tôi đủ chỗ trên ghe không?”
Phước nhìn những đồng quan Pháp. Anh cầm lên săm soi, lật ngược lật xuôi. Anh lấy ngón tay trỏ búng vào tờ giấy bạc, xòe những tờ giấy bạc như xòe bài và xốc lại.
“Dư sức! Dư sức! Chừng này năm người đi cũng được.” Phước tiếp, “Nhưng lần này tôi đã có một chỗ trên ghe rồi. Anh không phải lo cho tôi. Tôi biết chỗ đổi lấy vàng hoặc đô. A,...” Bỗng nhiên Phước ngừng lại, cầm tờ giấy bảo lãnh của Ma Chirac lên, “cái gì đây?”
“Giấy bảo lãnh!”
“Vậy, anh đâu cần vượt biên!”
“Nhưng đây chỉ là một tờ giấy bảo lãnh thường thôi. Giữa người bảo lãnh và tôi không có liên hệ ruột thịt gì hết.”
Tôi kể cho Phước nghe một chút về Ma Chirac và về sự quen biết của chúng tôi.
Phước lắc đầu:
“Vậy thì phải vượt biên thôi. Anh để tôi lo cho anh.” Phước ngó chăm vào mắt tôi, “Mà anh có dám không?”
“Dám gì?”
“Dám đi với tôi không?”
“Sao không?”
“Vậy thì... thế này,” Phước lẩm nhẩm tính, “bốn ngàn. Tôi lấy bốn ngàn đổi vàng mua chỗ cho anh, và thêm hai ngàn tôi muốn mượn anh mua súng. Tôi cần súng và lựu đạn...”
Phước nhét tiền vào túi, đẩy tờ giấy bảo lãnh và số tiền còn lại về phía tôi.
“Anh cứ giữ số còn lại. Tính sau. Mai tôi gặp anh. Chuyện này coi như đã xong.”
Phước đưa tay đập vào ngực, chỗ túi áo có những tờ giấy bạc của tôi.
Tôi ngồi yên nhìn Phước. Tôi không chút nghi ngờ gì anh. Người đàn ông này đã một lần tha chết cho tôi.
Bây giờ đây anh ta lại đang cứu tôi.
“Anh Thăng có muốn biết lâu nay tôi ở đâu không?”
“...”
“Tôi ở tù. Có bao giờ anh nghe tiếng kẻng trong nhà tù không?”
Tôi ngó Phước. Tôi không hiểu tại sao anh đổi đề tài. Chúng tôi đang nói chuyện đổi tiền và chuyện vượt biên mà. Phước ngó lại tôi. Tôi nhìn thấy anh đang cầm cái muỗng khuấy cà phê khỏ lên cái phin. Tiếng động buồn bã, đặc nghẽn lại chứ không vang xa. Tôi thấy Phước nghiêng tai như lắng nghe một tiếng vọng vô hình.
Thấy tôi nhìn ngạc nhiên, Phước nói:
“Trong tai tôi lúc nào cũng nghe có tiếng kẻng báo thức lúc năm giờ sáng và cả tiếng kẻng báo ngủ lúc mười giờ đêm.”
“Tiếng kẻng?”
“Phải rồi, tiếng kẻng trong nhà tù. Chỗ của anh không có tiếng kẻng sao?”
“Không. Tôi không nhớ là có tiếng kẻng không. Có lẽ có...”
Phước đứng dậy thọc hai tay vào túi quần, đi ra phía cửa sắt. Anh đi thong thả, những bước chân chắc nịch.
Nhìn sau lưng, tôi thấy Phước gầy hẳn so với lần anh chở tôi ra Bến Tàu trong đêm giới nghiêm. Tuy vậy, anh không có vẻ gì sa sút. Hai chân anh thẳng, vai ngang, cái cổ bự, tóc ngắn.
“Nam và Hồng đang về kìa!”
Phước nói không quay về phía tôi. Anh nâng chốt sắt lên, đẩy cửa qua một bên chờ.
“Phước. Trời ơi! Phước, mày đó hả?”
Tôi nghe tiếng Nam kêu.
“Anh Phước linh thiệt, mới nhắc là thấy ngay.”
Cánh cửa sắt đóng lại. Hồng mang thức ăn đặt lên bàn.
“Tôi mua đủ thứ. Anh Phước ăn luôn cũng không hết. Hủ tiếu bò viên nè! Hủ tiếu mì nè! Mì hoành thánh nè! Bột chiên nè!...”
Chợt nhớ ra điều gì, Nam choàng vai Phước kéo lại chỗ tôi ngồi.
“À quên. Để tôi giới thiệu...”
“Khỏi!” Phước chận lại.
“Sao? Hai người quen nhau à?”
“Thì cũng phải quen đi chớ!”
“Trời ơi! Sao trái đất nhỏ gì đâu! Mà nói chuyện chưa?”
“Chuyện gì?”
“Thì gặp nhau cũng phải nói chuyện gì chớ, chẳng lẽ ngậm miệng.”
“Rồi, rồi!” Tôi nói, “Tụi này nói một triệu thứ chuyện rồi!”
Hồng vào trong mang đũa muỗng ra.
“Nếu không ăn thì... sẽ nguội!”
“Thì ăn. Tôi đói lắm rồi!”
Phước cầm đũa, bưng tô mì lên.
“Anh Thăng!” Nam đẩy tô hủ tiếu Nam Vang về phía tôi. “Làm một tô cho ấm bụng!”
“Cám ơn. Bây giờ thì tôi thấy đói rồi!”
Tôi đói thật. Tôi ăn như một người sắp chết.
Phước cũng ăn nhanh. Anh đặt tô xuống sau cái và cuối cùng.
“Tôi vẫn có ý chờ anh Thăng hỏi.”
“Tôi hỏi gì?”
“Anh đưa tiền cho tôi mà anh không hỏi bao giờ đi. Đi ngả nào. Ghe ở đâu?...”
“Tôi đưa tiền cho anh rồi. Tôi chờ anh nói. Nếu anh chưa nói có lẽ chuyện còn chờ. Có gì gấp đâu!”
“Tại sao anh tin tôi dữ vậy?”
“Thì cũng phải có một người nào để tin chớ.” Tôi nhìn Nam cười. “Phải không?”
“Phải quá đi chứ!” Nam nói, “Lúc nãy anh nói như Tào Tháo sao bây giờ anh nói như một thanh niên mới lớn vậy?” Nam ngó tôi.
“Tôi tin Phước. Phải, tôi tin Phước vì giữa chúng tôi có một kỷ niệm lớn, mà nếu không có niềm tin thì không thể giữ được kỷ niệm ấy!”
Tôi lấy một điếu thuốc châm lửa hút. Phước cũng vậy. Anh rút một điếu ba số, gắn lên môi, tay kia anh cầm tay tôi kéo về phía anh, mồi lửa. Tôi nhìn thấy mắt Phước sáng lên. Cái ánh lửa của đầu điếu thuốc lập lòe trong mắt anh. Tôi đứng dậy.
“Cám ơn cô Hồng. Xin chào các bạn.”
“Chiều mai mình gặp nhau!” Phước đứng dậy theo. “Tại đây, lúc sáu giờ!”
“Sáu giờ!” Tôi lặp lại.
Nguyễn Xuân Hoàng
Quận Cam, California tháng 10, 1986