
Sài Gòn mưa. Mưa tầm tã. Mưa bong bóng phập phồng. Mưa mù mịt. Mưa thối trời, thối đất. Mưa quất rát mặt, rát da. Mưa như một triệu cây roi đập tứ phía. Mưa từ Hồng Thập Tự, mưa qua Lê Văn Duyệt. Mưa tới Ngã Sáu. Mưa xuống Lê Lai. Phạm Ngũ Lão ngập nước. Võ Tánh, Cống Quỳnh cũng không có chỗ để chân. Nước lên nửa vòng bánh xe đạp. Tôi vác xe lên thềm rạp Khải Hoàn. Co ro. Lạnh. Tôi ôm chặt cái bao thơ của Ma Chirac. Tôi đang có trong tay một số tiền lớn. Hai chục ngàn đồng quan Pháp. Tôi sẽ đổi được bao nhiêu lượng vàng? Tôi nhớ lại buổi gặp gỡ ông Thierry Rousselin hồi nãy. Cái thằng Tây ăn nói khôn ngoan.
“Bà Marguerite Malpighi nhờ tôi chuyển cho ông lá thư này. Đây là cái giấy bảo lãnh của bà, cái certificat d'hébergement. Và đây là cái giấy của nhà hàng ăn Le Riz Parfumé bảo đảm ông sẽ có việc làm khi đến Pháp. Nếu ông muốn đi Pháp ông phải có một người ruột thịt đứng ra lo liệu. Ví dụ như vợ ông, con ông, cha mẹ ông. Giấy bảo lãnh của một người bạn không đủ. Bộ Ngoại Giao sẵn sàng cho ông đi nếu ông cụ của ông là người từng ở trong quân đội Pháp... Tuy nhiên, cái giấy của bà Marguerite Malpighi cũng tốt lắm. Tôi sẵn sàng giúp ông. Có phải ông dạy Philo ở Petrus Ký không? Tôi cũng học Philo. Cogito ergo sum. Je pense donc je suis. René Descartes. Esprit cartésien. Mà ông có muốn đi Pháp không? Bon. Mà ông quen bà Marguerite Malpighi trong dịp nào? Bon...”
Tôi có trong tay nhiều tiền, nhiều giấy tờ quá. Mình sẽ đổi được bao nhiêu lượng vàng. Tôi nghĩ đến Phước. Người đã tha mạng sống tôi một lần ở Bến Tàu. Người đã đến hỏi tôi mượn tiền. Tôi nghĩ đến Kiệt. Chú bé đã đi được chưa. Tôi nghĩ đến Quỳnh và con tôi. Tôi sẽ nộp đơn ở Tòa Tổng Lãnh Sự. Tôi là Trần Lâm Thăng. Tôi không cần giấy khai sanh của một thằng Tây con nào đã chết. Nhưng tôi cũng sẽ mua vàng vượt biên. Cái nào đến sớm tôi sẽ chọn cái đó. Cái nào cũng được. Tôi phải đi thôi.
... Nhưng mà trời cứ mưa. Mưa dầm dề. Mưa đuổi tôi sát tận hàng rào sắt chặn người vào rạp. Cũng may tay Thierry Rousselin cho tôi cái bao ni lông đựng giấy tờ. Tất cả đang nằm trong ngực tôi. Tôi cần một ly cà phê nóng. Tôi cần một tô phở nóng.
“Ông làm ơn đứng nhích vào trong một chút.”
Một người đàn ông đeo kính cận từ lề đường chạy lên đứng cạnh tôi lúc nào. Nước mưa chảy trên mặt mũi ông ta. Ông lấy kính xuống, dụi mắt. Tôi nhìn ông ta. Quen lắm. In hình đã gặp ở đâu rồi. Ông cũng nhìn tôi. Tôi đứng yên, không nhường chỗ cho ông ta. Mà ông ta cũng không buồn di chuyển tới thêm.
“Ông...” người lạ nói, “có phải ông là người tôi gặp ở Bến Tàu không?”
“Còn ông. Ông đạp xích lô chớ gì?”
“Đúng vậy! Tôi hết đạp xích lô rồi.”
“Bây giờ ông làm gì?”
“Tôi dạy tiếng Anh.”
“Dạy tiếng Anh?”
“Ừ, dạy tiếng Anh cho mấy người chuẩn bị vượt biên.”
“A!” Tôi bật kêu lên.
“Ông có gặp cái chị gì định tự tử bữa đó không?”
“Không. Tôi mới ở tù ra!”
“Vượt biên à?”
“Vượt biên. Còn ông?”
“Tôi mới ở Phan Thiết về.”
“Không lọt được à?”
“Lọt được công an biên phòng về tới đây là may rồi. Mà ông tên gì vậy?”
“Ông cứ kêu tôi là Nam. Tôi đã nói với ông rồi mà! Còn ông, có phải ông là...”
“Tôi tên là Thăng. Mình tìm chỗ nào ngồi uống ly cà phê chăng?”
Tôi nhấc chiếc xe đạp lên, đẩy xuống thềm. Trời vẫn mưa tầm tã, Nam đi bên tôi.
“Ông đưa xe cho tôi.” Nam nắm đòn dông nhấc lên. “Tôi biết một quán cà phê này hay lắm.”
Chúng tôi bước xuống đường.
Mưa vẫn đổ tới tấp như thể người ta bưng cả một chậu nước lớn đổ xuống.
“Xe ông đâu?”
“Tôi đi bộ.”
“Bộ nhà gần đây hả?”
“Không. Tôi ở đường Lê Quý Đôn. Bố mẹ tôi đi hết rồi.”
“Rồi sống làm sao?”
“Thử đạp xích lô, nhưng không nổi. Bữa gặp ông là bữa đầu. Chở cái nhà chị tự tử đường Cống Quỳnh.”
Mưa bỗng tạnh bất ngờ. Mặt trời lên. Nước ở mặt lộ kéo rốc xuống chợ Thái Bình. Ống cống hai bên lề đường uống nước ồ ồ.
Nam bỏ xe xuống mặt đường khi chúng tôi băng từ nhà thương Tù Dũ qua Hồng Thập Tự tẻ sang Nguyễn Thiện Thuật.
“Bộ ông muốn uống cà phê Năm Dưỡng hả?”
“Không. Cà phê Năm Dưỡng đắng chát. Vỏ măng cụt với cơm nguội chớ có gì? Chỗ này hay lắm.”
“Bây giờ ông làm gì?”
“Rồi, trả lời rồi. Dạy tiếng Anh.”
“Mà trước ông làm gì?”
“Tôi học Quản Trị Xí Nghiệp.”
“Phải chính trị kinh doanh ở Đà Lạt không?”
“Không. Tôi học ở Kent University, Ohio bên Mỹ.”
“Vậy sao? Mà về nước hồi nào?”
“Về mấy ngày áp chót. Cả nhà tôi đi hết qua đảo Guam. Bà chị tôi làm trong Tòa Đại Sứ Mỹ mà!”
“Vậy nghĩa là chưa đi làm ở đâu à?”
“Làm gì? Mới ra trường mà. Ông cụ tôi nói làm ở RMK lương lớn. Nhưng tôi định xin vào Esso.” Nam chặc lưỡi, “RMK với Esso. Xích lô cũng không xong. Ông được mấy cháu rồi?”
“Ồ!” Tôi ngập ngừng. Tôi không biết nói thế nào cho người bạn mới quen rõ. Tôi có hai cháu đã đi Pháp. Tôi có với Quỳnh một đứa con. Nhưng quanh tôi giờ đây chẳng còn ai.
“Xin lỗi!” Nam cúi xuống mặt đường, lách qua một vũng nước. “Sắp tới rồi. Tôi muốn mời ông đi ăn cái gì nong nóng trong chợ Nguyễn Thiện Thuật.
Rồi uống cà phê sau. Được không?”
“Cám ơn. Tôi không đói. Hay là mình đến chỗ cà phê đi.”
“Ừ. Thì đi. Thật ra là tôi muốn mời ông ăn.”
Con đường Nguyễn Thiện Thuật ngắn. Qua khỏi chợ chừng mười bước, Nam dừng lại trước một căn nhà nhỏ. Cửa sắt kéo nửa chừng. Sàn nhà thấp hơn mặt đường. Mấy cái bàn nhỏ. Chừng mươi cái ghế đẩu. Quán vắng. Nam lay lay cánh cửa. Tiếng động của mấy thanh sắt đập vào nhau hơi ồn.
“Hồng ơi, Hồng!”
Một cô gái từ sau nhà bước ra. Họ có vẻ quen thân nhau.
“Anh Nam. Sao lâu dữ?”
“Mới ở tù ra.”
“Mới ở tù ra?”
“Không đúng lắm. Ra cũng được tuần rồi. Thôi, đây là ông Thăng. Còn đây là cô Hồng, bạn tôi.”
Cô chủ quán đứng nhích ra, nhường chỗ cho chúng tôi bước vào.
“Hồng cho anh hai ly đen nóng. Một gói ba số.”
“Một gói? Sao bữa nay anh sang dữ vậy?”
“Bữa nay có tiền. Bà chị bên Mỹ vừa gửi cho mấy trăm đô.”
Nam chọn chiếc bàn trong góc.
“Từ nay, không nói chuyện vượt biên nữa.”
“Sao vậy?” Tôi tựa lưng vào vách. Tay tôi sờ lên ngực. Cái bao nilông đựng thư và tiền của Ma Chirac vẫn còn đó.
“Tôi vừa nhận được giấy bảo lãnh của bà chị. Trước sau gì cũng đi được mà. Tôi chỉ lo cho ông bạn thân của tôi thôi.”
“Bạn thân của anh là ai?”
“Chắc anh không biết đâu! Nó tên Phước. Bạn từ nhỏ. Phước đi lính, còn tôi đi học. Tay đó lì lắm. Tụi này xa nhau khá lâu, sau bẩy lăm mới gặp lại.
Tụi này hay gặp nhau ở đây. Tù tội lia chia biết đâu mà tìm... Chỉ có chỗ này chắc ăn.”
(Còn tiếp)