Ngồi chen chúc trên chiếc xe đò ọp ẹp, giữa những khuôn mặt thất thần, tôi nhận ra hình như đâu phải chỉ có một mình tôi đang phập phồng, sợ hãi. Người đàn ông ngồi sát bên tôi đeo kính đen, đội cái mũ nồi đã rách, chiếc áo jacket màu vàng đã sờn chỉ, hút thuốc liên tu hồ tận. Người đàn bà cùng dãy ghế gác chân lên một cái túi xách khá lớn không cách nào nhét lọt xuống gầm chỗ ngồi được. Tiếng thở dài của một bà lão tóc bạc trắng ngồi xéo bên kia. Người tài xế mở nhạc lớn.
Tiếng hát của một ca sĩ trước Bảy Lăm. Nhiều tiếng cười ồ lên, nhưng sau đó tất cả đều chìm xuống trong im lặng. Xe chạy chậm. Dọc đường quá nhiều trạm kiểm tra. Một số người lên, một số người xuống. Một vài con buôn ăn cò với tài xế chờ ở một ngã tư đường. Xe dừng khá lâu để chuyển hàng lên mui. Tài xế và con buôn cười nói hăng hái nhất. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng thở dài của người đàn ông ngồi bên. Tự nhiên tôi cũng nghe mình thở dài, như thể trong trái tim tôi là cả một trời gió chướng. Tôi thu nhỏ lại giữa hai người đàn ông trung niên. Đầu tôi ngã ra sau. Gió thổi làm tôi buồn ngủ.
Suốt đêm qua tôi không hề chợp mắt. Khi bà Ngô đưa cho tôi chiếc chìa khóa và cây nến, tôi đã trở lại căn nhà của tôi. Quỳnh bế con đi chỉ mới một ngày mà căn nhà lạnh ngắt như tờ giấy. Đổ nến lỏng nóng xuống mặt bàn, cắm nến lên tôi mở thư Quỳnh ra đọc. Chưa bao giờ Quỳnh biên cho tôi một bức thư dài như vậy. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi cố tìm xem qua những lời trách móc và hoài nghi của Quỳnh, cô muốn nói gì với tôi. “Em có còn yêu tôi không?” Tôi không thấy có câu trả lời qua bức thư tràng giang đại hải của cô. Quỳnh tin là tôi đã ra đi, đã đến được một trại tị nạn nào đó ở Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan hay Phi Luật Tân.
Quỳnh đặt quá nhiều câu hỏi về việc ra đi của tôi. Quỳnh viết ông Mười Tân có đến gặp Quỳnh và nhiều lần hỏi tôi hiện giờ đang làm gì, sao không thấy ở nhà.
Quỳnh phải nói dối rằng tôi vẫn ở Minh Hải làm nghề lái xe ủi đất. Ông Mười Tân nói có đi Minh Hải, có ghé công trường tìm thăm tôi nhưng không gặp. Quỳnh nói có gặp một cô gái tên Nhị Hà. Cô ta nói cô là học trò của tôi, cô nói cô muốn đến thăm tôi và cô ngạc nhiên khi Quỳnh nói tôi hiện là tài xế lái xe ủi đất ở một công trường dưới Minh Hải. Quỳnh nói mặc dù tin đồn tôi đã bỏ đi nhiều đến nỗi không thể không tin, nhưng dù sao Quỳnh vẫn mong rằng đó không phải là sự thực. Sự thực là tôi vẫn còn ở đâu đó. Quỳnh nói rất tiếc là không biết địa chỉ của Kiệt. Nếu không may ra Quỳnh sẽ tìm được tôi, biết rõ tôi đang làm gì. Quỳnh mong tôi đọc được thư này và hãy cầu nguyện cho mẹ con Quỳnh thuận buồm xuôi gió. Nhưng Quỳnh cũng không mong tôi được đọc nó. Để mẹ con Quỳnh sẽ gặp tôi ở một trại tị nạn nào đó ở bên Phi Luật Tân. Một lá thư dài viết rối rắm, lủng củng, hoài nghi và đầy mâu thuẫn. Một mặt Quỳnh không muốn đi, một mặt Quỳnh cũng không muốn ở. Ở lại với ai? Mà ra đi để kiếm ai? Quỳnh nghĩ tôi đã đến nơi. Rồi Quỳnh lại nghĩ là tôi vẫn còn ở đâu đó.
Tôi không hiểu gì cả. Ông Mười Tân. Nhị Hà. Những người đó đã làm gì, nói gì, suy nghĩ gì, âm mưu gì. Và tôi, tôi đã làm gì. Tôi bị bắt, bị giam, bị đẩy vào một nơi chốn cô lập. Không. Không. Tôi không thể để Quỳnh ra đi. Tôi không muốn mất mẹ con Quỳnh. Tôi muốn Quỳnh hiểu là tôi vẫn còn ở đây. Tôi yêu Quỳnh. Tôi cần Quỳnh biết là bao nhiêu. Tôi có thể chịu đựng mọi thứ vì tôi biết Quỳnh đang ở bên tôi, đang hiện diện trong tôi. Tôi không thể làm được điều gì, suy nghĩ cho xong một chuyện gì nếu không có Quỳnh.
Tôi lại nghe tiếng thở dài của người đàn ông ngồi bên cạnh. Tôi nhìn ông. Chiếc kính đen che kín mắt, cái mũ nồi rách sụp xuống trán.
Đường ổ gà. Xe xốc dữ.
Dọc đường khách lên nhiều hơn là khách xuống. Hàng hóa chất lên mui, nhét dưới ghế ngồi. Người đứng, leo, bám lên phía sau xe. Chiếc xe chạy rướn, mệt nhọc, như con ngựa già thở phì phèo. Nhưng mà xe vẫn cứ chạy.
Tiếng hát của một ca sĩ Saigon trước đây phát ra từ cái loa nhỏ gắn phía trước chỗ ngồi cạnh người tài xế vẫn rên ư ử...
Tôi thấy mệt. Đêm qua thức suốt, không ngủ. Trước đó một ngày, từ Rạch Giá về, cũng không một phút nhắm mắt. Những ngày ở trong tù, tôi thấy mình còn có một căn nhà, một người vợ, một đứa con. Bây giờ ra khỏi nhà tù, tôi không còn gì hết.
Quỳnh đã bế con đi. Căn nhà trống trơn lạnh lẽo. Tôi sẽ sống cách nào nếu không có hai người thân thích kia? Liệu tôi có gặp lại được hai mẹ con Quỳnh không? Tôi còn nhớ tối qua, ông bà Ngô trước khi đi ngủ còn gọi cửa tôi, nhắc cho tôi biết phải dậy sớm ra bến xe, mua vé chợ đen, mua giấy đi đường, vẽ cho tôi căn nhà Quỳnh đến tạm trú ở Phan Thiết trước khi có người dẫn xuống bãi. Nhớ hỏi nhà bà Sáu Mượn. Trong túi tôi đã có đủ thứ giấy tờ của một công dân đi đường hợp pháp. Xuống bến xe, tôi sẽ tấp vào một quán cà phê bên cạnh tiệm hủ tiếu Hai Ký. Uống nhâm nhi xong tôi sẽ lững thững như một người dân địa phương đi dạo mát. Nhà bà Sáu Mượn nằm mép bờ con sông cạn ở cuối đường Phan Bội Châu.
“Nói với bà Sáu, cậu là chồng của cô Quỳnh mới ở tù ra, bả sẽ giúp cậu.”
Tôi tưởng tượng Sáu Mượn là một người đàn bà mập mạp chừng sáu chục tuổi, tóc bạc thưa búi ngược, miệng ăn trầu tỏm tẻm, đứng trước cửa một ngôi nhà ba gian rộng. Giữa nhà là một tấm phản dầy và lớn, láng bóng. Một bàn thờ cao bằng gỗ mun cẩn xà cừ với bình hương bằng đồng bóng lưởng, hai chân đèn cao với hai cây nến đỏ đã cháy đến một nửa, tim nến màu đen... Tôi tưởng tượng thấy Quỳnh đang đứng dưới ở nhà bếp, ôm con ngó đăm đăm ngọn lửa cháy hừng hực, nước mắt chảy ròng ròng. Tôi tưởng tượng con tôi đang ôm chặt Quỳnh, cái đầu nhỏ bé tóc mềm vàng ngã lên vai Quỳnh ngủ ngon lành... Và khi bà Sáu Mượn chận tôi ở cửa hỏi, “Cậu kiếm ai?” tôi nhận ra khuôn mặt của bà chính là bà lão tóc bạc trắng ở hàng ghế xéo bên kia. Tôi chập hai khuôn mặt ấy làm một và tôi ngủ.
Xe đã ngừng ở trạm nào, đã chạy qua bao nhiêu làng xã... tôi không hay biết. Tôi ngủ như chưa hề được ngủ. Hai mí mắt tôi cứ kéo xuống không cách nào cưỡng nổi. Toàn thân tôi rũ liệt. Giống như một người thả lỏng cơ thể dưới mặt nước, tôi mặc kệ cho cơn buồn ngủ lôi kéo tôi đi.
Bà Sáu Mượn, Quỳnh, con tôi, ngôi nhà cất bên bờ sông cạn, những chiếc ghe, mặt biển đen, những giọt nước biển như những giọt thủy tinh, những tên công an biên phòng đứng chờ sẵn trên chiếc ghe vượt biên, dí những họng súng vào đầu từng người đẩy lên bờ rồi lùa hết đàn ông đàn bà trẻ con lên một xe thùng chạy về đồn công an...
Tôi thấy nhà giam qua ba tầng cửa sắt. Tiếng khóa tra vào ổ gây một âm thanh lạnh lùng. Và cả đám tù ngồi lổn ngổn lảng ngãng giữa sân chờ điểm danh. Tôi thấy tôi nằm bên một người tù bị xiềng cả tay và chân, mỗi khi trở mình, những sợi xích sắt kéo lê khua động. Tôi thấy khuôn mặt người tù giống Tư Long, người cán bộ Mặt Trận bị tình nghi làm CIA bị nhốt từ những ngày còn trong rừng và tiếp tục nhốt khi vào thành phố.
Tôi thấy Mười Tân đứng ở cửa nhà lao, hai tay thọc túi quần, điếu thuốc trên môi ánh sáng chiếu từ sau lưng tới, nên khuôn mặt ông khi tỏ khi mờ tùy theo đốm lửa trên đầu điếu thuốc.
“Đảng luôn luôn là chân lý chỉ có những con người bất toàn mới sai mà thôi.”
“Những thứ người như thằng Thăng này là đồ thừa của xã hội.”
“Nó là sản phẩm của một xã hội đồi trụy.”
“Vượt biên là đi theo con đường của bọn đĩ điếm ma cô, bọn lười biếng, bọn ngồi nhà mát ăn bát vàng...”
Tôi thấy ông Ba Trương Phi đưa hai tay cho bọn cai tù trói sau khi chửi rủa Sáu Phận. Và những hình ảnh của cô công an Nhị Hà, từ một khuôn mặt hơi ngơ ngác khi mới từ Hà Nội vào mặc chiếc áo may theo kiểu nửa bà ba nửa sơ mi, đến một khuôn mặt đã bắt đầu biết dùng phấn son, chiếc áo thun mang câu “I Love NY” nhét trong cái quần jean xanh hiệu Levi's, mà giá cả hai thứ đó không dưới mười tháng lương của cô công an chấp pháp mới vào nghề.
(Còn tiếp)