Tôi nghe một luồng hơi ấm chạy khắp thân thể tôi. Ánh sáng chui vào hai mí mắt tôi làm tôi phải mở ra. Tôi thấy những khuôn mặt quen thuộc chụm lại ngó xuống. Hai ông bà Ngô, bác Tốt, bác Kỳ, chị Bằng, anh Sáu sửa xe đạp...
“Tỉnh rồi! Tỉnh rồi! Xoa dầu thêm nữa đi!”
Tiếng những người nói xì xào.
“Cậu Thăng! Cậu Thăng!”
Tôi nhắm mắt lại, nghe tiếng người gọi tên tôi.
Tôi mở mắt ra. Những khuôn mặt mờ mịt như bị che phủ bởi một lớp sương mù. Tôi không thấy Quỳnh. Tôi cảm giác có một bàn tay đang đặt lên trán tôi. Tôi đổi thế nằm, kéo tấm chăn lên tận cằm. Tôi chỉ muốn được yên thân một mình. Tôi nghe tiếng ông bà Ngô thì thầm. Ánh sáng vụt tắt không còn chui vào hai mí mắt tôi. Tôi nghe tiếng chân bước ra ngoài, cánh cửa phòng khép lại.
Nhưng tôi không ngủ được. Tôi nhớ Quỳnh. Trời ơi, tôi nhớ Quỳnh biết là bao nhiêu.
Tôi muốn được ôm em, chằng phải để hỏi tại sao thế này tại sao thế kia, mà để được hỏi với em là em có làm sao không, em và con đã phải sống như thế nào trong những ngày không có tôi...
Nhưng mà kỳ quá, tại sao không ai buồn nói với tôi điều gì cả.
Tự nhiên tôi cảm thấy ngộp thở. Tôi kéo chăn xuống. Mắt tôi bắt đầu quen với bóng tối. Tôi thấy chỗ nằm tôi là chiếc giường nhỏ sát bên cửa sổ ngó sân nước. Chiếc bàn tròn loại mở ra xếp vào được đặt cạnh bếp, nơi tôi vẫn đến ăn cơm với ông bà Ngô thời gian Quỳnh đi thăm nuôi ông ngoại cháu. Chiếc tủ đựng quần áo kê sát vách làm bằng loại gỗ tạp. Cái bàn nhỏ có tấm kính bên trên để bình trà và mấy cái ly. Bộ xa lông bọc vải đã bị sờn, tủ kính để ly chén thủy tinh, bên trên thờ Phật Bà Quan Âm. Sân trước hẹp và thấp, cánh cửa sắt mới thay. Tôi nhắm mắt cũng có thể thấy rõ tất cả mọi vật trong nhà này như của nhà tôi. Bởi vì cả khu phố này được kiến trúc một kiểu như nhau, nhà nào y như nhà nấy. Cũng cái sân nhỏ vừa để đựng một chiếc xe Honda, vì tường, để vài chậu bông, bước vào là phòng khách, bên trong là phòng ngủ, sau cùng là sàn nước và nhà bếp. Hơn nữa dù có thuê hoặc sang, có xây thêm tường hay cất thêm căn gác gỗ phía sau để lấy chỗ ngủ thì cũng chỉ chừng đó không hơn không kém. Vả lại trong cả khu phố này chỉ có căn nhà ông bà Ngô là tôi tự tiện ra vào như nhà mình, còn các căn kia thì năm thì mười họa tôi mới bước vào, nói láp dáp vài câu xã giao là ra ngay.
Tôi thuộc lòng bề mặt của những căn nhà và cả những con người trong khu phố tôi. Đối với những người cùng khổ sống chen chúc trên mồ mả ở bên trong hay những người chỉ kiếm đủ ăn đủ mặc bên ngoài như chúng tôi thật ra không cách biệt là bao nhiêu. Cái khoảng cách lớn nhất mà tôi đã gặp ít ra hai lần trong đời tôi là khi tôi bước chân vào gia đình ông Lý và khi tôi sống trong ngôi biệt thự ông Phan. Với con gái ông Lý tôi làm rể của một tay cự phú, tổng giám đốc ngân hàng, chủ tịch một công ty xuất nhập cảng, các loại máy móc kỹ nghệ, có cổ phần trong hãng hàng không Việt Nam v.v... Chính ông Lý là người đầu tiên gọi tôi là người đi trên mây. Chính ông Lý đã từng nói với tôi rằng ông không cần một thằng rể làm ra tiền - cái thứ giấy lộn ấy tao có thể đốt cháy cả cái xứ này mà trong kho cũng chưa cạn nữa - vả lại nếu chẳng may mà cậu có làm ra tiền thì lương tháng nhiều lắm cũng chỉ đủ trả một chầu rượu cho tao ở Caravelle là cùng.
Với cô Uyên, tôi bước vào thế giới quyền lực của ông Phan. Mỗi lời nói của ông có thể đưa một người từ cõi sống vào cõi chết hoặc ngược lại. Mọi sự can thiệp của ông có thể làm cho tay nhà buôn kia lời thêm vài chục triệu như chơi, hay trái lại làm cho đương sự tán gia bại sản trong nháy mắt. Đồng tiền trong tay ông Lý, quyền lực trong tay ông Phan, cả hai thứ đó đều đè lên đời sống của mọi người. Và hơn ai hết, ông Lý là người biết kết hợp cả hai trong tay khi ông gả đứa con gái út của ông cho con trai của một tay trung tướng cầm đầu cuộc chính biến. Chính tay này đã đóng chặn cánh cửa không cho ông Phan trở về nước sau chuyến công du. Những bữa ăn thịnh soạn - gần như ngày nào cũng tiệc tùng, xe hơi loại mới nhất, đắt tiền nhất, quần áo được đặt may ở tiệm sang nhất, nổi tiếng nhất. Những thứ vừa thấy xuất hiện ở Paris, Hồng Kông tuần trước, tuần sau nhà ông Lý đã có.
Đời sống của gia đình ông Lý hoàn toàn khác hẳn đời sống của gia đình tôi. Nếu nói tấm mề đay có mặt trái thì gia đình tôi là mặt trái đó. Nó sần sùi, nháp xỉn, trong khi cái mặt phải màu mè đẹp đẽ. Lúc đầu tôi tắm trong sự giàu có của ông Lý, tôi tưởng mình là sự giàu có ấy. Về sau tôi khám phá ra mình đã vơ vào cái không phải của mình. Cái cuộc sống hào nhoáng sao mà hời hợt. Cả cái gia đình ông Lý đã bị mục rỗng tự bao giờ. Những đứa con trai cao bồi du đãng, những đứa con gái chỉ biết có tiền. Quả thật, những đồng lương hàng ngày tôi mang về cho con gái ông Lý không đủ cho ông đãi một chầu rượu ở tiệm Admiral đường Nguyễn Văn Thinh, chớ đừng nói chi đến Caravelle cho nó xa. Tôi từng nhiều lần nhìn thấy cái cảnh mọi người trong một nhà hàng Tây đứng dậy khi ông Lý bước vào. Tôi đã nhìn thấy cách ông chi tiền cho mấy anh nhà báo viết về kinh tế hoặc viết về ông.
Ông Lý mua được tất cả mọi thứ mà ông muốn, kể cả một “thằng chồng” cho con gái ông hay một “đứa con dâu” cho con trai ông. Sau cùng tôi khám phá ra mình chỉ là một món hàng, một đồ vật trang trí trong nhà ông như mọi thứ trang trí khác.
Còn ông Phan thì sao? Tôi không cách nào quên được bàn tay với những ngón mập ú rịn ướt mồ hôi khi lần đầu tôi bắt tay ông. Tuy vậy rõ ràng ông là người làm chính trị có một cuộc sống đạm bạc. Những bữa cơm gia đình với bà Phan và cô Uyên cho tôi thấy mình gần gũi hơn với nếp sống của ông bà. Tôi biết với quyền lực trong tay, ông bà Phan có thừa sức để sống cuộc sống kiểu ông Lý, nhưng ông bà đã không làm như thế. Nếu ông Lý không bao giờ đọc một cuốn sách - trừ việc đọc báo hằng ngày, mà cũng chỉ đọc những bài liên quan đến kinh tế tài chánh thôi - thì ông Phan là người đọc khá nhiều. Cái tiểu thư viện của ông không phải chỉ gồm có những cuốn chính trị và hồi ký của những nhân vật lịch sử. Tôi đã tìm thấy những tác phẩm văn học của nhiều thế kỷ được ông trân trọng sắp xếp theo thể loại của nó. Truyện của Jack London hay tiểu thuyết của Dostoievsky, Sử Ký của Tư Mã Thiên hay Đông Châu Liệt Quốc qua bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục... Những cuốn sách ấy tôi đã thấy dấu vết của ông Phan... Nhưng... giữa hai ông, tuy có nhiều điểm dị biệt, tôi vẫn nhận ra một điều, một điều rất giống nhau khi phải trực tiếp tiếp xúc với hai con người ấy: sự soi mói của họ với người đối diện.
Chính cái quan niệm sống đầy mùi tiền bạc của ông Lý đã chuyển sang con gái ông - người đàn bà đã có với tôi những đứa con - chuyển sang một cách trung thực nhất khiến tôi bị ngộp thở phải trốn chạy. Và chính cái quan niệm quyền lực của ông Phan đã tiếp sức cho Uyên khiến cô say mê chế ngự và ra lệnh hơn là hiến dâng và phục vụ.
Chỉ có Quỳnh mới làm cho tôi tin được nơi con người sự chia sẻ và tận tụy. Quỳnh chọn tôi như chính tôi đã chọn Quỳnh.
Cô đơn thương độc mã đến với tôi. Trước mặt không có chi, sau lưng cũng chẳng có gì. Quỳnh tự lập.
Tôi không tiếp xúc với người cha của Quỳnh. Tôi không rõ ông là loại người nào, kiểu ông Lý hay kiểu ông Phan. Nhưng tôi luôn luôn nghĩ rằng kiểu nào thì kiểu, Quỳnh đã đứng vững trong cuộc sống của cô.
Quỳnh không phải là thứ cây mọn bám vào gốc sồi già. Quỳnh sống đời sống của mình. Và tôi hiểu tôi không thể nào sống nếu thiếu Quỳnh.
“Quỳnh!”
Bỗng nhiên tôi rùng mình sợ hãi. Tôi nhận ra tôi đang bị mất một cái gì, như cái bình dưỡng khí của người bệnh đã bị người ta rút ra, mang đi khỏi phòng hồi sinh. Những ngày trong tù tôi nhớ Quỳnh nhớ con nhưng tôi vẫn yên tâm nghĩ rằng Quỳnh vẫn còn đó, vẫn có mặt trong căn nhà ở Khu Mã Lạng nghèo nàn kia. Và tôi đã đón nhận mọi việc đến với tôi trong nhà tù như đón nhận một việc không thể không đến được. Quỳnh chẳng phải là nổi ám ảnh của tôi bởi vì tôi đinh ninh là mình đang có Quỳnh.
(Còn tiếp)