Đồ đạc? Tôi có đồ đạc gì đâu. Một chiếc chiếu sẽ trả lại cho nhà giam. Chiếc màn do người tù được thả đợt trước tặng, nay tôi sẽ tặng lại cho người khác. Cái chén, đôi đũa để cho nhà bếp. Tôi không còn giày dép.
Quần áo tôi tuy có giặt giũ nhưng bẩn vì thiếu xà phòng. Tôi nhớ Quỳnh. Nhớ chiếc răng khểnh, đôi mắt lớn, chân mày xếch, nụ cười đầy quyến rũ. Tôi nghe tiếng con tôi khóc đói sữa. Tôi thấy lại căn nhà của tôi trong ngõ hẻm khu Mã Lạng, nước cống ngập tràn, mùi hôi nồng nặc. Tôi ngửi thấy mùi lựu đạn cay ngày nào ở quán nước Givral trước tòa nhà Quốc Hội, khi tôi và Quỳnh quen nhau, yêu nhau. Tôi nhớ các bạn tôi hiện giờ đang ngồi tù ở những nơi khác trong một đất nước quần đảo ngục tù. Lộc rất Tây, rất parisien, không biết bây giờ sống chết ra sao. Còn Ký, thi sĩ say sưa, có một đời sống rất là thơ hơn cả những câu thơ do anh sáng tác, liệu anh phải sống cách nào trong lao tù? Nhật đã bị đưa ra Bắc, nhưng chúng tôi thỉnh thoảng vẫn được nghe tin tức về anh.
Cha Nhật là một cán bộ cao cấp đã đến tận nơi thăm anh, khuyên anh viết bài phản tỉnh về những cuốn sách của mình, trước khi ông có thể dùng quyền thế của mình cứu anh, nhưng Nhật khăng khăng một mực từ chối. Anh nói anh đã thành thật khi viết những điều anh suy nghĩ, anh thấy những điều ấy cho đến nay chưa sai, vậy thì việc gì mà phải phản tỉnh. Người ta cũng kể là Nhật nói anh yêu cha anh, nhưng điều đó không có nghĩa là anh phản bội lại sự thật. Sự thật đó là nhân cách của người trí thức. Tôi không gặp lại Đình kể từ sau cái ngày mất Sài Gòn. Tuy vậy tôi có nghe một ca khúc của anh mới sáng tác có nội dung về một thành phố bị mất tên. Anh viết văn nhẹ nhàng, nói năng cay độc, nhưng âm nhạc anh sao buồn khủng khiếp. Một người tù trẻ tối hôm qua vừa mới hát cho tôi nghe. Phùng đã vượt biên đường bộ băng qua Cam Bốt, đến Thái Lan.
Nghĩa đã đến Mã Lai. Còn Bùi Giáng? Nhà thơ của chúng tôi vẫn bình thường một cách rất bình thường.
Trước ngày đi Rạch Sỏi, tôi còn gặp anh trên đường Bùi Thị Xuân, quần jean trùm đầu, ba lô đầy màu sắc, quần áo mền gối vá chầm vá đụp, giày rách há mõm, gậy trúc cầm tay như một vị “cái bang” lạc lõng giữa những trang sách Kim Dung. Tôi đã đi quanh những nơi tôi từng đến. Ngôi nhà ông Phan nơi tôi đã quen Uyên, cái sắc đẹp chát chúa của một thứ tiểu thư vừa mới lớn, ngôi nhà ấy nay đã có một cán bộ cao cấp từ chiến khu về chiếm cứ. Tôi đã trở lại quán Cái Chùa tìm kiếm những người bạn cũ. Không một ai. Có chăng là một vài người quen cũ nay vừa ra mặt là nhà cách mạng đã hoạt động nội thành từ lâu. “Cái thằng vô thưởng vô phạt!” Nhiều người trong bọn họ đã nói với tôi như thế. Tướng tá, công chức cao cấp hay nhà văn nhà báo mới là “đối tượng” chớ còn thứ thầy giáo quèn như thằng này thì giờ đâu mà bận tâm! Có lúc tôi cũng đã nghe phong phanh như vậy về tôi. Kìa là cậu Sơn, luật sư tòa thượng thẩm Sài Gòn , bạn của Tuấn-phở, nay mang quân hàm trung úy cách mạng. Nọ là cậu Thảo, dạy Anh văn ở Tân Việt, đang đóng lon thiếu tá cách mạng. Anh nhà báo nổi tiếng xì phé một cây, mà trước Bảy Lăm có lần Đình nói với tôi là tên này viết văn có đường lắm, vừa làm việc trong một tờ báo của chế độ mới ban ngày, ban đêm đạp xích lô nói khích với khách chửi rủa cách mạng, nếu khách vô tình nói theo, thì anh ta chở ngay vào đồn công an. Thế thì tôi biết phải làm sao? Tôi nói với ai, câu gì. Tôi phải có thái độ ra sao trước thời thế đang đổi thay. Tôi biết mình đâu phải con kỳ nhông, cứ thay đổi màu da tùy theo nơi nó ẩn nấp. Ở tù thế mà hay. Tôi biết mình đang ở đâu, và đang nói chuyện với ai. Ờ mà không. Trong tù cũng có “đặc tình” nữa chớ. Tư Long đã dạy tôi bài học đó. Tù cò mồi như tay Bình chắc không hiếm...
Nhưng mà tôi sẽ được về. Tất nhiên. Tại sao? Tôi là người may mắn hay chẳng qua chỉ là vì tôi được Mười Tân can thiệp như suy nghĩ của Nhị Hà? Hay là Sáu Phận đã làm công việc này chỉ vì hắn đã móc nối được với Quỳnh để lấy vàng? Tôi không biết.
“Thưa Cha!” Tôi ngập ngừng nói mắt nhìn thẳng vào mặt cha Minh. “Cha có tin là con được thả hay không?”
“Tôi không biết. Nhưng theo kinh nghiệm thì lần nào sắp có trả tự do, tôi cũng đều thấy xôn xao cả buổi. Mà bữa nay thì không thấy gì?”
“Vậy thì theo Cha chắc là tin đồn không thật?”
“Tôi không biết. Nhưng mà để coi, thằng Bình nó nói với tôi rõ ràng là anh sẽ được thả mà!”
Bất thình lình tôi nghe tiếng kẻng ầm lên.
“Tất cả ra sân tập họp!” Tiếng Sáu Phận vang vang trên máy phóng thanh.
Mọi người không ai nói ai dồn hết ra giữa sân. Tôi đỡ cha Minh dậy. Chúng tôi bước theo chân đám tù.
“Tổ cha nó chứ tập với hợp. Tập hợp cái mả mẹ tụi bây!”
Người tù chửi thề đi phía sau lưng tôi. Tôi quay lại và thấy Ba Trương Phi. Ông ta đi chậm, giọng nói oang oang khiến cả đám tù phải quay mặt lại.
“Vào hàng, trật tự!”
Vẫn tiếng Sáu Phận ở máy phóng thanh.
Một người tù đi ngược dòng, choàng tay quanh cổ tôi. Sự thân mật của Bình-cò-mồi làm tôi sợ.
“Anh thấy chưa? Tôi nói mà! Hôm nay anh được ra. Đừng quên!”
Chỉ mấy phút cả sân trại đã đâu vào đấy. Đám tù ngồi chồm hổm, vuông vức. Sáu Phận vác loa phóng thanh chạy “pin” đứng trước hàng tù. Tôi không thấy Nhị Hà.
“Do lượng khoan hồng của Đảng và Nhà Nước và căn cứ vào thái độ học tập tốt, lao động tốt của các anh (?) tôi xin đọc danh sách những người được lệnh tạm tha kể từ hôm nay. Nên nhớ, sau khi trở về nguyên quán, phải trình diện công an địa phương và phải quyết tâm làm ăn đàng hoàng, ra công đóng góp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa...”
Sáu Phận nói dài dòng, như thuộc lòng từ một trang sách chính trị nào của nhà trường cách mạng.
“Tổ cha cái đồ nói dóc!” Ba Trương Phi nói, giọng khá lớn.
“Im lặng! Trật tự!”
Sáu Phận ngừng nói, mắt ngó chăm xuống chỗ Ba Trương Phi.
“Im lặng cái mả mẹ nó. Nói chừng đó đủ rồi!” Ba Trương Phi vẫn tiếp tục chửi rủa.
Sáu Phận thõng tay cầm loa xuống. Hắn bước vào căn phòng dành cho cán bộ coi tù. Liền đó, hai tên cai tù theo Sáu Phận bước ra. Sáu Phận đứng vào chỗ cũ. Hai tên kia đi thẳng xuống chỗ ngồi của Ba Trương Phi. Mọi con mắt đều dồn theo bước chân của hai tên coi tù. Ba Trương Phi không ngồi trong hàng. Tôi thấy ông đứng thẳng dậy, bước ra khỏi hàng đến thẳng trước mặt hai tên coi tù. Hai tay ông đưa ra trước như một người mộng du.
“Tụi bây muốn gì? Nè, tay đây, trói thì cứ trói, đừng nhiều lời!”
Một tên bất ngờ chụp cổ ông bẻ ngoặt hai tay Ba Trương Phi ra sau, tên kia nhanh như chớp thọc một khúc cây tròn và ngắn qua nách ông, kéo một sợi dây - đã cột sẵn ở hai đầu khúc cây - tròng vào cổ Ba Trương Phi quấn lại một vòng. Không ai nghe thấy Ba Trương Phi nói thêm một lời. Hai cườm tay ông liền đó đã bị còng. Ông bị đẩy đi về phía trái, nơi dẫy xà lim dành cho những người biệt giam kiểu Tư Long.
Sự việc xảy ra trong khoảnh khắc tưởng chừng như một giấc mơ. Tôi nhìn cha Minh. Cha không nhìn tôi. Tôi thấy khuôn mặt Cha ngó thẳng về phía trước. Nhìn nghiêng mới biết mũi cha hơi gẫy, môi mỏng và yết hầu lớn. Cha Minh có quá khứ thế nào tôi không được rõ. Mà thật tình thì tôi cũng không muốn tìm hiểu. Tôi, với ngay bản thân tôi, mà tôi còn thờ ơ thì nói chi đến người khác. Tôi ngước mắt lên trời. Buổi sáng, trời xanh lơ. Gió thổi mát. Tôi nghe tiếng cười ồ của những người tù giữa tiếng xướng danh của Sáu Phận. Tôi ngó ra sau lưng, thấy Bình tù-cò-mồi đang ra dấu chỉ ngón trỏ về phía Sáu Phận. Y có nụ cười cầu tài.
“Sắp đến tên anh rồi!” Y nói như người đã được đọc danh sách.
(Còn tiếp)