MGTT 41 - THẦY DƯƠNG THANH TÙNG
Phải chạy đường vòng từ Tây sang Đông của nước Mỹ, từ North Carolina về Saigon, với sự giúp sức của Thầy Phạm Tấn Bình (Pháp văn), cuối cùng chúng tôi được "gặp" lại Thầy Dương Thanh Tùng, giáo sư Sử ngày xưa ở Ngô Quyền sau gần 40 năm.
Hình Thầy chụp ở chợ Tết Saigon Tết Giáp Ngọ 2014 gợi cho chúng tôi ý tưởng gởi đến Thầy MGTT 41 như một món quà Tết tinh thần của học trò lớp tám ngày xưa ở Ngô Quyền.
Thời đó chúng tôi có đồng phục áo dài trắng cho nữ sinh, quần xanh áo trắng cho nam sinh, Thầy Tùng cũng có "đồng phục" của riêng Thầy. Từ đầu đến cuối niên khóa, lúc nào Thầy Tùng cũng đứng trên bục giảng với áo chemise ngắn tay màu beige (giống như hình Thầy chụp mới đây Tết Giáp Ngọ 2014 ở Saigon). Đến nỗi chúng tôi đã tự hỏi là tại sao Thầy Tùng chỉ mặc có mỗi một màu áo? Mấy chục năm sau, hơn nửa đời người, chúng tôi mới có câu trả lời tương đối: là một cựu Sĩ quan của QLVNCH, từ quân phục chuyển sang thường phục, Thầy luôn trung thành với loại áo chemise ngắn tay màu beige. Sau "mùa hè đỏ lửa" năm 1972, thời chúng tôi mới đậu vào Ngô Quyền, Bộ Giáo dục VNCH có dạy mỗi tuần một giờ "Quân sự học đường" (QSHĐ) cho các nam sinh , giống như giờ "nữ công" cho các nữ sinh. Và cũng từ niên khóa 1972-1973 cho đến cuối năm học 1974-1975, ngoài phù hiệu Ngô Quyền hình chữ nhật nền trắng chữ đỏ xanh trên ngực áo, học trò NQ (cả nam lẫn nữ) còn đeo thêm phù hiệu Quân sự học đường (hình 5 cạnh như một cái khiêng người lính cầm khi ra trận để chống tên bay ngày xưa) nền xanh dương chữ trắng (như đồng phục của nam sinh) bên cánh tay trái, ngang hàng với phù hiệu NQ. Dù là nữ sinh không học môn QSHĐ nhưng thỉnh thoảng trong giờ Sử, chúng tôi được nghe Thầy Tùng nói về nội dung của môn Quân Sự. Đó là một môn học nhiệm ý cung cấp cho các nam sinh khái niệm về nếp sống kỷ luật và ngăn nắp của một người lính, binh thư và quân pháp các trận đánh quân Tàu giữ vững non sông của tiền nhân. Các nam sinh lớp 9, 10 và 11 còn được học về tổ chức "nhân dân tự vệ" và cách sử dụng các loại vũ khí cơ bản, phổ thông thời đó. Đất nước đang chiến tranh, các anh lớp lớn phải học quân sự cơ bản bên cạnh văn hóa.
Chúng tôi, học trò con gái, không hề biết "mùi vị" của các lớp quân sự học đường. Lâu lâu được nghe Thầy Tùng nói về quân sự học đường khi đang giảng về các trận đánh lẫy lừng của tiền nhân chống ngoại xâm.
Mãi về sau, sau này ở Mỹ, có cơ duyên hạnh ngộ và được nghe quý Thầy: Nguyễn Văn Phố, Phạm Tấn Bình, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Văn Phú (cũng là các cựu Sĩ quan QLVNCH) kể về kỷ niệm dạy QSHĐ, chúng tôi mới biết Thầy Dương Thanh Tùng là một trong những người soạn bài vở cho môn học mới mẻ này.
Một GS Sử chuyên giảng về binh thư, quân sự ở các trận đánh hào hùng "nực cười châu chấu đá xe, tưởng là chấu ngã ai ngờ xe nghiêng" mà soạn chương trình quân sự, mà giảng binh thư, quân pháp thì hẳn là các anh nam sinh thời đó đã được dạy "văn võ song toàn".
Thầy Tùng khá nghiêm, Thầy ít cười, dù Thầy rất yêu nghề, giảng bài bằng cả trái tim. Có một lần duy nhất, Thầy cười bằng cả miệng và mắt khi thấy một bầy nữ sinh lớp tám, tay bám cửa sổ, mắt say sưa nhìn ra lớp học võ (cả nhu đạo và thái cực đạo) phía sau trường, đến nỗi không để ý là chuông chấm dứt giờ chơi đã vang lên, và Thầy đã vào lớp. Trong khi chúng tôi về chỗ ngồi, Thầy nói đùa trước khi mở sổ điểm dò bài:
- Mê võ thuật như vậy, có em nào thích lớn lên gia nhập nữ quân nhân không?
Hồng Mai ngồi bàn đầu lém lỉnh:
- Người ta có nhận mấy đứa nhỏ con như em không Thầy?
Thầy Tùng cười mỉm chi:
- Đâu phải công việc nào cũng cần người cao lớn, mà tụi em mới lớp tám thì ráng ăn nhiều cho chiều cao tăng trưởng.
Không biết Thầy có nghe hay không, nhưng chúng tôi cười khúc khích khi nghe tiếng của Thiện Tâm từ bàn thứ ba :
- Ráng ăn thì được nhưng chỉ sợ "ra ngang mà không ra dọc" thì nguy to.
Đến đó thì Thầy Tùng nghiêm lại :
- Thôi học trước rồi bàn chuyện khác sau.
Những giờ Sử như vậy vẫn êm đềm trôi, Thầy đưa chúng tôi về với trận Bạch Đằng Giang hào hùng đầu thế kỷ thứ 10 của Ngô Quyền mà tên của ngài đã được chúng tôi tự hào mang trên ngực áo, hay Tết Kỷ Dậu 1789 , vua Quang Trung đã đuổi quân Tàu (nhà Thanh) chạy dài.
Thưa Thầy, nhiều năm trôi qua, dù chưa có cơ duyên gặp lại Thầy, nhưng những lời dạy của Thầy ngày xưa vẫn nằm trong lòng học trò. Khác với ngày xưa sợ trả bài, nhất là những hôm mê ăn mê ngủ quên học bài, bây giờ tụi em mong gặp lại Thầy để Thầy vui khi thấy học trò vẫn còn lưu lại được những lời giảng của Thầy dù cả trường xưa lẫn tuổi trẻ của Thầy trò mình đã là quá khứ, một quá khứ êm đẹp bình yên.
Mong vô cùng Thầy luôn an vui để Thầy trò mình còn thấy lại được Ngô Quyền trong mắt nhau ở mỗi dịp họp mặt của chs NQ. Tụi em chưa và sẽ không bao giờ quên câu "trọng Thầy mới được làm thầy".
Nguyễn Trần Diệu Hương
Tháng giêng 2015